Truyện ngắn Võ Thị Hảo : Bùa
Phố khuya rã rời ngáp ngủ.
Dứơi ánh đèn compact nhờ nhợt, chủ quán phở lật vung nồi nước dùng. Chị ta lại dựng ngay cái vung bên bệ bếp lò cáu xỉ than. Nồi nước phở cao lù lù như cả một bồ thóc, mười phần đã vợi tám, phô những xương ống, xương cục, xương bay, xương đùi trâu bò lợn gà đã róc thịt. Mùi gừng nướng, hành nướng đập dập, mùi quế và dầu hồi bốc sực lên từ đáy nồi.
Trong tủ bày hàng, một con gà, một con ngan luộc không biết từ bao giờ, nằm chễm chệ, mỏ tự ngậm lấy hai đầu cánh, thân bóng vàng mỡ, đôi mắt chết ngơ ngác trông ra cửa, lấp loáng in bóng những khách ăn khuya trôi dạt vào quán phở bên hè phố nép vào cạnh thành cổ Sơn Tây.
Đám rậm rì tàn cây cổ thụ tối sẫm cả một vùng trời, rờn rợn. Mặt nước hào lũy bao quanh thành cổ không một gợn sóng, dệt vài ánh sao hiu hắt. Những bờ cỏ viền lan man quanh hai cánh cổng hào luỹ đóng chặt, như những ngón tay đặt lên môi ra khẩu lệnh: Câm!
***
Một khách ăn đêm tạt chiếc xe Wave đỏ vào vỉa hè.
Anh ta dựng xe, lừ lừ bước tới. Áo gilê thổ cẩm dệt hình hươu và người nắm tay nhau nhảy múa. Hươu cũng có cả tay. Cứ ba người nắm tay nhau nhảy múa thì lại có một đầu người mắt xếch nhe răng nửa cười cợt nửa doạ dẫm.
Khách tự kéo ghế ngồi. Chủ quán không mời, không nhìn lên. Lẳng lặng vớt một đĩa xương “bốc mả” dưới đáy nồi, chần một nắm hành củ màu tía vắt ngang trên đĩa, đặt trước mặt khách.
Khách với lấy chai rượu San Lùng đặt trong hốc tủ tự rót đầy cốc vại lớn, ngửa cổ dốc cạn.
– Mày muộn!
Chủ quán thả một câu.
Gương mặt chủ quán góc cạnh, mắt sâu trũng, âm thầm tối như bóng đêm đang man man trên mặt nước hào bao quanh thành cổ, lẫn vào giữa những đám cây cổ thụ sần sùi nghiêng rạp nhẫn nhục như muốn ngả hẳn xuống cho yên thân trên đám gạch lát đường.
Khách không đáp, dốc nốt chỗ rượu trong chai vào cổ họng, ngửa mặt lên nhìn trời, mắt lơ mơ. Cái chóp mũi diều hâu sắc như một nét rìu, tạc một đường viền cao ngạo trong đám tranh tối tranh sáng giữa bóng đèn nhờ nhợt và màn đêm.
– Ăn đi! Nguội. Hôm nào đám xương “bốc mả” này cũng đợi mày.
Khách mỉm cười lơ mơ. Hỏi;
– Hôm nay nó lại không đến?
Chủ quán vén tóc mai bằng bàn tay đeo đầy nhẫn vàng:
– Chưa. Ba đêm nay rồi.
Khách bồn chồn nhóng ra đường. Đĩa xương vẫn chưa bị đụng tới.
– Cái đĩa mày dặn đem cho nó ăn từ ba hôm trước, tao vẫn để trong tủ lạnh.
Khách nhăn mặt:
– Thôi bỏ. Tao trả tiền. Lấy cho nó đĩa khác.
– Vẫn ăn được mà.
Khách nhăn mặt:
– Thôi, đã bảo thay đồ mới là thay, không nói nhiều.
Chủ liếc xéo khách:
– Nó rồ, biết gì là mới cũ. Miễn không thiu là được. Mày thì ăn xương bốc mả, để thịt ngon cho nó!
Khách trừng mắt, gắt:
– Đã bảo. Nó rồ nhưng tao không rồ!
Chủ quán cười, mở tủ lạnh lấy ra một đĩa thịt vụn gỡ xuống từ xương xẩu, đổ vào nồi nước dùng:
– Thôi, tao không tính tiền chỗ này. Chỉ tính hôm nay.
Khách khẽ gật đầu, ánh mắt ảm đạm loé chút cảm kích. Tay lại với chai rượu, dốc ra cốc rồi dốc vào cổ họng. Mớ tóc dài rối bù xõa xuống đôi vai nhô xương mà rắn như hàn bằng thép.
– Mai tao cắm con Wave này.
Chủ quán thản nhiên:
– Cắm! Mày lấy gì đi?
– Cần thì cắm. Con nợ lao đầu vào ô tô chết hôm qua. Hết vốn. Cắm. Tính sau!
***
Đêm khuya mõm mòm. Trăng hạ huyền mảnh như lá lúa hiện xa xăm trên thành cổ.
Thành cổ Sơn Tây mơ màng thiu ngủ. Buồn lả.
Oan hồn nửa thức nửa ngủ trên những đám mây trĩu sương tù đọng. Nước không chảy và mây không bay.
Tiếng nhã nhạc không vẳng lên nữa vào nửa đêm trên thành cổ từ khi cháy chợ, rồi từ khi lạm phát, từ khi lãi suất ngân hàng tăng. Những người buôn bất động sản, buôn cổ phiếu mới hình thành, dốc cả tài sản vốn liếng vào đó, bỗng trở nên tay trắng, nợ đầm đìa, đến mức có người phải bỏ trốn, có người lao đầu vào ô tô hoặc tự chích ma tuý cho quá liều. Thuốc ngủ khó mua, người ta tìm đến những cái chết ít tốn kém hơn.
Ngoài phố chợ, những người mua hàng cứ thưa thớt đi. Tiền còm kiếm được đang nằm trong túi bỗng bị teo quắt lại, như bị ai đốt cháy đi một nửa. Để cầm cự cho cả nhà sống lay lắt, các bà nội trợ nghĩ ra mẹo giảm số lần đi chợ và số hàng mua về. Những sạp hàng cả ngày ngái ngủ, che đậy bằng bao tải rách để người bán lơ mơ ngủ lười. Các quầy hoa quả sặc sỡ lê táo cam Trung quốc được tẩm thuốc ướp cứng ngắc, để cả tháng không hề hấn ngoài vỏ, nhưng bên trong thì đã quắt lại và nhiều người ăn vào thì bị ngứa ran lên, phải gãi chảy cả máu và phải dùng đến thuốc chống dị ứng.
Bao nhiêu người chạy chợ khóc đỏ máu mắt. Hàng ế, vỡ nợ, con nợ xù hoặc chết. Người còn sống thắp hương quỳ lạy thần tài, vái dập đầu vào những gốc cây cổ thụ trong thành.
Tiếng kể lể của họ luôn lẫn tiếng kêu khóc sụt sùi.
Không còn nghe tiếng ngựa phi và tiếng nhã nhạc cung đình từ thành cổ. Chỉ còn nghe tiếng khua như có một ai đó cứ cầm hai thanh sắt rỉ cọ vào nhau kêu kèn kẹt. Người ta bảo đó là tiếng yêu quái mài răng trong đêm. Yêu quái lâu nay không biết ăn phải cái gì, mà bỗng lớn phổng lên, dạ dày rỗng tuếch, ăn gỏi người không biết no.
Sương rả rích thả giọt buốt xuống mặt phố đang ngủ vùi.
***
Chủ quán và cả khách cũng mơ màng gà gật. Quán phở này được tiếng là chong đèn sáng đêm. Khách lam lũ, khách vô gia cư, khách buồn nẫu, khách đang tính chuyện chết hoặc đi cướp đường, khách vui vẻ đến điên rồ đều có thể dạt về đây, để được an ủi dưới một mái nhà kề bên một bếp lửa, vừa ăn xương vét đáy nồi mà giới này vẫn gọi là “ xương bốc mả lại” giá rẻ, vừa ngắm bà chủ quán mặn mà, mắt lúc nào cũng đỏ kè vì thức đêm, làm lụng quần quật nuôi nấng ông chồng trông trẻ chỉ bằng tuổi con trai, lóng ngóng vụng về, thỉnh thoảng lại quát lác để ra oai cho nhạt đi vẻ vô tích sự, rồi cắm mặt vào chai rượu. Nghe nói ông ta vốn cũng không đến nỗi như thế. Cũng tốt nghiệp đại học hẳn hoi. Bằng toán học cơ đấy. Mãi không kiếm được việc làm, cứ trú ngụ ăn nhờ bà chủ quán rồi thì thành vợ chồng.
Lạnh rợn tiếng hờ khóc từ đâu vẳng tới.
Tiếng hờ khóc xa xa, rồi gần lại, chập chờn, lúc to lúc nhỏ, bập bỗng như đang trôi dạt trên sóng.
Đêm rùng mình. Lỏng toẹt. Nới ra rộng thênh.
– Nó!
Chủ quán so vai, thốt lên trong ngái ngủ.
Khách đang gà gật, bỗng giật mình, ngồi thẳng dậy. Gương mặt ngấm rượu đỏ rực, Mắt cũng đỏ. Ngọn lửa trong bếp nhảy nhót phản chiếu trong con ngươi như mắt hổ bắt đèn săn.
Tiếng khóc hờ càng đến gần. Đến gần thì bớt bập bỗng, dềnh lên dạt xuống. Thành tiếng gào xé ruột.
Khách đứng dậy, chậm rãi bước. Bàn chân nặng trịch bước qua bên kia hè, đến chỗ chiếc cột chỉ cây số mười hai.
Trên cột là một người ngồi chon von, thu lu hai chân, mười ngón chân quặp vào cột cây số như chân chim già quắp bám cành cây.
Không rõ mặt. Chỉ thấy một cái eo lưng rất mỏng như trăng khuyết và mái tóc buông xõa tận đất, rối bù, hừng hực đen, thắm lại trong ánh đèn đường nhờ nhờ đang xuyên qua màn sương mù đỏ nhợt của đêm.
Khách dừng cách mái tóc chừng mươi bước chân.
Tiếng gào khóc phát ra từ trên cột cây số, bật ra từ sau mái tóc.
Tiếng gào như xé. Khóc không biết vì sao. Như tiếng khóc rơi từ trời xuống và chị ta đã đưa vạt áo mà hứng lấy rồi tiếng khóc ăn chạt vào ruột.
Không ai biết bỗng đâu mà có người phải khóc như nạo ruột, như xé phổi thế.
Đàn bà hay khóc. Khóc có cơn. Đã cơn rồi, nước mắt rơi vừa đủ, thì ngừng. Đằng này, cái eo lưng mỏng vặn đi vặn lại quặn ruột mà khóc. Mà nước mắt đâu mà nhiều đến thế. Cứ mỗi lần khóc xong, cô ta lại vục mặt vào bất kể vũng nước nào bắt gặp, uống lấy uống để như trâu uống, có lẽ để bù lại cho lũ nước mắt đã bị vắt kiệt từ trong người và chảy ra ngoài tưới đẫm cột cây số mười hai.
Khi người khóc oặn mình, mái tóc dài chấm đất chuyển động như một dải lụa đen thẫm đã bị cào xơ xước quét trên đất, nặng nhọc vẫy chiếc đuôi dài trong làn gió lững thững thổi vuốt ngang tường thành cổ. Đầu người đàn bà ngẩng lên, ngước về phía đỉnh Ba Vì mà gào, như đang hờ gọi hồn ai.
Trông theo, chỉ thấy trăng hạ huyền sắc cạnh, viền mép màu vàng úa, treo khiêu khích ma mị, như một con mắt bất mãn dõi xuống thế gian.
– Mày đến, nó ngã đấy!
Chủ quán gọi với ra, khe khẽ, như sợ người khóc giật thột.
Khách đang dợm bước về phía mái tóc. Đã gần lắm rồi. Có thể chạm. Lại thôi, chôn chân.
***
Chủ quán kể với đám thực khách đang ngồi trước cốc rượu và đám xương “bốc mả”. Câu chuyện làm quà này không biết đã kể bao nhiêu lần rồi, mỗi khi nghe tiếng khóc hờ. Khách cũng nghe bao nhiêu lần rồi mà vẫn há miệng như đớp từng lời.
Chủ quán kể về loài ma bùa.
Những con ma bùa lang thang trong đêm.
Đó là những con ma mang hình đàn bà.
Con ma nào cũng eo lưng rất mỏng, như đã bị vắt kiệt nước, thịt và máu.
Tóc xoã rậm rì trông xa như vượn. Trông gần thì giống đàn bà.
Đàn ông trông thấy những giống như thế thì nhất thiết phải tránh xa. Nhưng muốn xa cũng không được mà muốn gần cũng không được.
Vì cứ hễ trông thấy thì rạo rực, bổi hổi, chỉ muốn theo hút, chỉ muốn ôm chầm mà hôn hít mà ấp lấy cái giống ma bùa. Để rồi ngày đêm chỉ tơ tưởng chuyện mây mưa.
Thì đấy. Phố chợ hôm nọ, người gác cổng chợ còn nhặt được một người đàn ông đã chết cứng tự lúc nào, mà hai tay cứ khư khư chĩa lên trời thành một cái vòng ôm nhỏ tí, như đang vờn lên cái eo lưng mỏng như lá lúa, mỏng như vầng trăng hạ huyền. Đến khi khâm liệm, thấy cái “của quý” của anh ta cứ chĩa thẳng lên trời. Bắt buộc người khâm liệm phải dùng rượu mà xoa nắn. Gừng rượu xoa nắn cánh tay cẳng chân thì mềm duỗi ra được. Nhưng đến cái đang chĩa thẳng lên trời thì chẳng nước non gì, vẫn chĩa thẳng lên trời.
Người khâm liệm thở dài, bèn mặc quần cho anh ta rồi phủ ngang chỗ ấy một tấm khăn liệm, mang đi chôn.
Thầy bùa dặn vợ anh ta, từ nay về sau, ngày giỗ, muốn yên ổn thì đốt cho anh ta một hình nhân thế mạng. Mà hình nhân ấy phải thế này: tóc thật dài, eo lưng thật mỏng. Trần truồng.
Thì người chết không thỏa nguyện trên trần thế mới phải tìm cách cho họ thỏa nguyện dưới âm phủ. Chẳng qua cũng chỉ đánh lừa người âm phủ để người sống được yên thân mà thôi.
Người ta bảo là ma thì khôn. Hoá ra ma khờ thế. Chủ quán cười thầm. Lúc sống, cuối tuần nào ông ta cũng cùng với đám thuộc hạ đi vào quán bar, dùng tiền “chùa” bao nhau đi từ A đến Z. Gái điếm đầy rẫy ra đấy, mà không thoả, cứ nhất định đi theo cái giống ma bùa, mới đến nông nỗi này.
Sao ngày càng sinh ra nhiều cái giống ma bùa! Mà hễ sinh ra là có chuyện.
***
Phố khuya lại một đêm gà gật ngủ dưới ánh đèn đường.
Những người đàn ông ăn phở đêm vừa ăn vừa đợi tiếng gào vẳng ra từ cột cây số bên kia đường.
Họ mường tượng cái suối tóc đổ dài, rối tung xõa xuống cột cây số, trên một cái đầu nhọn như đầu chim, đôi chân quắp vào cột cây số mười hai, chênh vênh như chân một con chim già, với đôi mắt sáng rỡ như sốt và cái miệng gào những lời tang thương, lời nọ chập vào tiếng kia không ai hiểu nổi. Tưởng như cái eo lưng mỏng mảnh kia đang rung bần bật và sẽ đứt phựt bất kỳ lúc nào, trong tiếng gào thảm thiết.
Nhưng đã ba đêm rồi không nghe tiếng khóc.
Cả chủ quán cũng nhấp nhổm không yên. Họ kháo nhau:
– Nó không đến. Nó chết rồi chắc?
– Thế thì nó chết thảm. Mà còn hơn sống khổ.
– Biết nó là ai mà bảo chết hơn sống?
– Nghe bảo nó có con gái bị bắt cóc, bán đi mất tích. Nó vật vờ đi tìm, rồi phá sản. Nó lần đến đường dây buôn người ra nước ngoài, tự bán để tìm con. Sang Nông-pênh, nó lại vật vờ vừa làm gái vừa đi tìm, cuối cùng thấy con nó, bé tí, đang bị ba thằng đàn ông căng ra và thi nhau hiếp. Nó lao vào cắn xé mụ chủ chứa rồi phát điên, cảnh sát biên giới tống về. Nó đi thơ thẩn rồi cứ đến đây gào khóc. Không hiểu nó tìm thấy cái gì ở đây?
– Đó là nghe nói thế thôi. Dù sao nó vẫn là cái giống ma bùa. Ma bùa mà đã đến là ớn rét đấy.
Chủ quán quay lại, nhìn xoáy vào anh chàng râu loe hoe vừa nói:
– Ớn, sao mày cứ mò ra đây. ăn thì ít mà nhóng lên thì nhiều?
Anh chàng cười xòa.
Có người chợt nhớ ra, hỏi:
– Cái thằng đi Wave đỏ đâu rồi nhỉ?
– Cắm xe rồi. Nhà nó cách đây gần hai chục cây. Nó đi bộ, bao giờ mới đến đây được!
– Cái thằng nó lại bị bỏ bùa vì con ma bùa rồi. Không đến đây được, nó nẫu ruột lắm đấy!
Chủ quán làu bàu:
– Nẫu ruột, hay đã nẫu người dưới âm ty vì vỡ nợ rồi?
Đêm im thít. Mặt nước hào thành cổ với những rong rêu no đầy nín thít, như đã bị dán chặt bằng một lớp keo và không mở miệng dưới bất kỳ một trận động đất nào.
***
Đêm hôm sau. Hình như trăng rằm.
Trăng đầy. Treo lửng trên vòm thành cổ. Ánh trăng hoai hoải trắng nhợt, làm nhạt phai cả ánh đèn đường.
Đám phở “bốc mả” về đêm lại nhóm họp.
Những đám xương “bốc mả” trong bát của mỗi người trước đầy miệng bát thì nay chỉ còn lưng bát. Dù bà chủ quán hào phóng đã cố hết sức cầm cự để chiều khách nhưng bát cứ vơi. Bà cố an ủi khách bằng những muôi nước dùng to đùng và loãng tuếch. Nhưng không ai trách bà.
Những gương mặt đàn ông cúi xuống, nhẫn nhục và cần mẫn nhằn xương, nhai cả những miếng xương còn cứng, rồi nốc đại dăm ly rượu để nghĩ là mình đang sống, mạnh mẽ, đàn ông đích thực, dồn can đảm sống nốt ngày mai.
Bỗng anh chàng râu loe hoe chạy “con” DD đỏ cũ mèm lao tới.
– Thấy rồi! Thấy rồi!
Anh ta vừa kéo ghế ngồi xuống vừa hổn hển nói.
– Thấy ai? – Cả đám nhao nhác.
– Thấy thằng xe Wave đỏ
– Không còn là thằng xe Wave đỏ. Nó cắm rồi!
– Ừ thì không biết tên. Gọi thế nào? Cái thằng đó, tôi gặp hôm nay, cùng con ma bùa, ở bệnh viện.
– Hớ! Thằng mê gái! Nó đem nhau đi chữa bệnh chắc?
– Chắc thế. Thế trông chúng thế nào?
– Cũng chỉ nhoáng một cái. Tôi gặp hai đứa chỗ bàn bán máu. Trời, ai mà ngờ ban ngày ban mặt tôi gặp con ma bùa. Gầy xác xơ. Mắt nhìn mà chẳng trông thấy gì. Mà vẫn đẹp thật. Đẹp đến sợ.
– Mày đúng là chết chẳng hết thói dê. Ma xui quỷ khiến nào mà mày đến đấy?
Gã tóc hoe vén tay áo, chỉ vào một vết đỏ hơi sưng trên cánh tay trái:
– Thì tôi cũng đi bán máu như nó! Tôi lại gặp chúng một lần nữa ở chỗ nộp tiền lót tay cho cái thằng môi giới…Nó cứ tha lôi con ma bùa đi. Con ấy có biết gì. Ban đêm gào khóc mà ban ngày im thít, rũ như tàu lá héo.
– Thế thằng ấy bắt con ma bùa bán máu à?
– Đời nào. Con ấy mà lại có máu bán?! Thằng ấy bán máu của nó!
***
Ôi giời! Ông giời tính sao đây!
Chủ quán vừa vét nốt chỗ xương mủn trong nồi, trút vào bát của gã tóc hoe, vừa lẩm bẩm.
Cả đám lặng ngắt.
Ông chồng trẻ mang bằng đại học khoa học tự nhiên của chủ quán đang say lắc lư trước con gà đã bị gỡ hết xương. Mắt đỏ kè, anh ta đung đưa người, dán chặt cái nhìn vào mặt nước thành cổ đang phẳng lặng như được niêm phong bằng keo.
Rơi xuống từ vầng trăng, một tiếng chim lợn ảo não và tiếng đập cánh vụng dại vừa xẹt qua.
Võ Thị Hảo