Từ Thức: 50 năm sau: tương lai nào cho Việt Nam?

Hình minh họa: AI generated.

Tại sao, mỗi năm, tới ngày 30 tháng Tư, chính quyền Cộng Sản vẫn tiếp tục ngạo nghễ ‘’hát trên những xác người’’, không tìm cách xoá bỏ hận thù, hướng về tương lai, như Nelson Mandela đã làm ở Nam Mỹ sau cuộc chiến chống apartheid?

Một nửa thế kỷ đã trôi qua, bất cứ một chính quyền bình thường nào, cũng tìm cách xoá bỏ hận thù, quên thảm kịch bi đát của hàng triệu người đồng hương, quên một cơn ác mộng, xương chất đầy đồng, máu đổ thành sông, tang tóc trong mỗi gia đình, để ‘’nối vòng tay lớn’’, cùng nhau xây lại một đất nước rách nát.

Có hai lý do:

Thứ nhất: Bởi vì hận thù là năng lực, là võ khí của những người Cộng Sản. 

Một chế độ độc tài, phải luôn luôn có kẻ thù, để hướng những bất mãn của người dân tới một kẻ thù chung, khiến quên thân phận tù đầy của mình.

Khi dân Nga bắt đầu hoài nghi, Staline tạo ra nạn đói giết hàng triệu người ở Nga, ở Ukraine. Khi kế hoạch nhẩy vọt thất bại, dẫn nông nghiệp Tàu tới phá sản, Mao phát động Cách mạng Văn hoá, tàn sát tất cả những người bị coi là phản cách mạng.

Thứ hai: sau 50 năm cai trị, chế độ không có thành quả gì đáng khoe khoang cả, chỉ còn chuyện đánh nhau, chém giết 50 năm trước, như một cái vốn kinh doanh (fond de commerce), mỗi năm phải đem ra đánh bóng, phô trương, nhắc nhở công trạng, để tiếp tục kinh doanh.

Tổ chức chào mừng chiến thắng 30/4 khơi lại ngọn lửa hận thù, cũng là một cách để đánh bóng chế độ đang đưa đất nước vào ngõ cụt, một mũi kim châm vào mông để kích thích một dân tộc mệt nhoài, không biết đang đi về đâu, không biết phải hãnh diện về cái gì.

VIỆT NAM, 50 NĂM SAU

Xã hội băng hoại, văn hoá suy đồi, bất công khủng khiếp, tham nhũng trở thành một nghệ thuật sống, Việt Nam chỉ có cái gọi là thành tựu kinh tế, nhưng chính cái thành quả đó, mà báo chí Đảng, và hàng ngũ dư luận viên ra rả hát từ nhiều năm nay, vừa bị chính ông Tổng Bí thư ĐVSVN Tô Lâm đổ vào sọt rác, báo động một nền kinh tế giả tạo, tụt hậu, hoàn toàn tuỵ thuộc vào nước ngoài. 

Với 100 triệu dân,đa số là người trẻ, với tài nguyên đủ loại phong phú, kể cả đất hiếm, với thời cơ thuận lợi của thế giới hoá, với gần 20 tỷ dollars của người Việt ở hải ngoại gởi về hàng năm, với hàng triệu nhân công bỏ nước đi làm thuê ở xứ người, Việt Nam vẫn là quốc gia nghèo nhất trong vùng.

Không phải những người chống Cộng, nhưng chính ông Tô Lâm nói: Khi mở cửa, Trung quốc có tình trạng kinh tế tương đồng, thì giờ đây thu nhập quân bình hàng năm trên đầu người của họ lên tới 15.000 dollars, chúng ta chưa được 4300. Khi xưa, người Singapour nói được sang Chợ Rẫy chữa bệnh là một mơ ước, ngày nay mình lại mơ ước được sang Singapour chữa bệnh.

Cũng chính ông Tô Lâm nói: Một đất nước với 100 triệu dân, với hàng ngàn kỹ sư tài năng lại chỉ làm những việc nấu cơm, dọn rác, canh gác cho các tập đoàn nước ngoài. Việt Nam là một bãi rác công nghiệp của thế giới, vì trên 80% doanh nghiệp xuất cảng từ Việt Nam là của người nước ngoài, chúng ta chỉ đổ mồ hôi làm chuyện lắp ráp; lợi nhuận khổng lồ trong ngành xuất cảng Việt Nam đều rơi vào tay các tập đoàn ngoại quốc.

Những hãng xưởng, địa ốc kinh doanh ‘’hoành tráng’’, những khách sạn to lớn, những xa lộ dọc ngang xây dựng bất chấp môi trường, tàn phá danh lam thắng cảnh, chôn vùi di tích lịch sử, chỉ là những công trình của người ngoại quốc, đứng đầu là người Tàu, làm ra để phát triển kinh doanh của chính họ.

Thủ tướng Mã Lai Á nói với ông Tô Lâm, do chính ông Tô Lâm kể lại: Nếu các ông tiếp tục chính sách lỗi thời, các ông sẽ không bao giờ đuổi kịp chúng tôi. Nếu các ông cải thiện Việt Nam sẽ vượt chúng tôi rát nhanh, vì có gấp 3 dân số và tài nguyên (1).

Lần đầu tiên, một ông lãnh đạỏ trong hàng ngũ những ‘’đỉnh cao trí tuệ loài người’’ từ bỏ lưỡi gỗ, gọi con mèo là con mèo. Hy vọng từ nay các dư luận viên bớt hung hăng hơn trong nghĩa vụ đánh bóng chế độ

MỘT QUỐC GIA VÔ GIÁO DỤC, VÔ VĂN HOÁ

Nhưng ngoài kinh tế, hiện trạng của đất nước còn bi đát hơn, trên mọi lãnh vực.

Việt Nam xếp trong số những quốc gia tệ nhất, cùng với Trung Hoa, Bắc Hàn về tự do báo chí, tự do tôn giáo là những quyền tự do căn bản của con người.

Việt Nam đứng trong số những quốc gia tham nhũng nhất thế giới.

Xã hội Việt Nam là một xã hội băng hoại. Bạo lực, lường gạt, ngay cả trong trường học, chùa chiền.

Việt Nam là một nước không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ. 

Giáo dục Việt Nam cấm trẻ em phát huy trí tuệ, khả năng phán đoán, suy luận là động lực để phát triển con người và đất nước, nhưng là điều cấm kỵ trong một chế độ độc tài toàn trị. Mục đích tối hậu của một nền giáo dục toàn trị đào tạo một lớp người suy nghĩ như nhau, nghĩa là như Đảng. Mơ ước của nhiều học sinh Việt Nam là trở thành công an, quan thuế, để có cơ hội bóc lột, đàn áp người đồng hương, mơ ước của nhiều nữ sinh là có nhan sắc để lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.

Việt Nam không có văn hoá, nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật cần sáng tạo, sáng tạo cần tự do. Thế giới không nghe nói tới một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam, trừ khi tác giả là người Việt hải ngoại. Không phải người Việt hải ngoại có tài năng hơn, nhưng bởi vì họ có tự do sáng tạo. Trong cùng một môi trường, người Việt không thua kém ai, nhưng trong môi trường toàn trị, văn hoá, nghệ thuật Việt Nam là một vùng lạc hậu, đứng bên lề thế giới.

Trong khi một nước như Nam Hàn có một chính sách đại quy mô, một ngân sách khổng lồ để sản xuất, xuất cảng phim ảnh, đĩa nhạc, các tác phẩm nghệ thuật, vừa là mối hãnh diện của quốc gia, một soft power, vừa là một nguồn ngoại tệ vô giới hạn, Việt Nam, ở thế kỷ 21, cấm đoán, hành hạ, bỏ tù những người không viết văn, vẽ tranh, làm phim, ca hát theo ý Đảng.

Trong bối cảnh đó, làm cách nào để vươn lên, để sống ngang hàng với thế giới, đương đầu với hiểm hoạ ngoại xâm, nhất là khi Đảng là con ngựa thành Troie, đưa giặc ngoài vào lòng đất nước. Trong khi biển đảo bị chiếm đoạt, Hà Nội mời quân đội Tàu tới diễn hành mừng chiến thắng 30/4.

Đại khái đó là hiện hình đất nước. Bi đát, nhưng trung thực, dựa trên những dữ kiện khách quan.

TƯƠNG LAI NÀO CHO VIỆT NAM?

Nhiều người hy vọng ông Tô Lâm sẽ làm một cuộc cách mạng nội bộ, kiểu Gorbachev ở Nga. Bởi vì thấy ông Tô Lâm nhìn thấy, và cảnh cáo không úp mở, về tình trạng tụt hậu thê thảm của Việt Nam, với lối nói thẳng, khác hẳn ngôn ngữ lưỡi gỗ của người Cộng Sản. Bởi vì thấy ông Tô Lâm phát động chiến dịch ‘’tinh gọn’’ quy mô, nhằm cải thiện guồng máy quốc gia. Đó là một việc làm cần thiết, khẩn cấp, vì Việt Nam có hệ thống hành chánh rườm rà, quan liêu nhất thế giới. 70 phần trăm ngân sách quốc gia dùng để nuôi hệ thống công chức, quan lại lớn nhỏ. Chỉ còn 30% ngân sách dành cho việc công ích, từ giáo dục y tế, xã hội, trong đó tham nhũng gặm nhấm một phần lớn.

Nhưng trong khi nhìn nhận Việt Nam tụt hậu, thừa nhận Xã hội Chủ Nghĩa lạc hậu, ông Tô Lâm không đả động gì tới chuyện cởi trói. Hàng trăm người còn nằm trong tù đã không nói gì khác hơn là những điều chính ông nhìn nhận.

Trong khi ‘’tinh gọn’’ guồng máy chính quyền, cho về vườn hàng trăm ngàn người, ông Tô Lâm vẫn giữ nguyên vẹn hàng ngũ công an đông đảo khủng khiếp nhất thế giới. Trong khi nước Đức (83 triệu dân), có 300.000 cảnh sát, Việt Nam có 1.500.000 công an, mà nhiệm vụ chính là kiểm soát, đàn áp dân. 

Ông Tô Lâm kêu gọi toàn dân đứng lên dựng lại đất nước đang tụt hậu, nhưng những người còn có tâm, bày tỏ lòng yêu nước vẫn bị bỏ tù, hay bị trục xuất. Chính sách đàn áp đối lập gia tăng hơn bao giờ hết

Người ta nói ông Tô Lâm muốn xoá bỏ cái gọi là Xã hội Chủ Nghĩa, đã lỗi thời. Đó là một tin mừng, vì từ nay hy vọng sẽ không bị nhức đầu, vì suốt ngày đọc báo đảng, nghe dư luận viên ca tụng một mô hình xã hội kỳ quái, ngớ ngẩn.

Vấn đề là Việt Nam vẫn không từ bỏ chế độ Cộng Sản. 

Khi bàn về bất cứ vấn đề gì ở Việt Nam, người ta cũng phải đi tới một kết luận: khi nào chế độ Cộng Sản còn, sẽ không có thay đổi gì ở Việt Nam. Việt Nam của ông Tô Lâm vẫn là một chế độ Cộng Sản. Tệ hơn nữa, một chế độ công an trị.

Nếu không từ bỏ chế độ công an trị, chiến dịch gọi là ‘’tinh gọn’’ của ông Tô Lâm, trên lý thuyết là một kế hoạch cần thiết để cải tổ hệ thống cai trị năng nề, quan liêu, sẽ chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực, theo một truyền thống Cộng Sản, từ thời Lenin, Staline, Mao. Tập Cận Bình đã bỏ tù trên 100.000 cán bộ các cấp, Nguyễn Phú Trọng, bắt chước Tập, đã hăng say đốt lò, nhưng tham nhũng còn ghê rợn hơn trước.

Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, trước cuộc chiến tranh thương mại dữ dội giữa Tàu và Mỹ. Cây tre Việt Nam không biết ngả về phe nào. Hôm trước sang Mỹ chấp nhận mọi yêu sách của Trump với hy vọng thoát khỏi cái ách gia tăng thuế quan 46% của Trump, sẽ gây điêu đứng cho kinh tế, vì xuất cảng sang Mỹ chiếm trên 30% PIB, hãng xưởng sẽ đóng cửa, thất nghiệp tràn lan. Hôm sau long trọng đón tiếp Tập Cận Bình, chấp nhận mọi yêu sách của Bắc Kinh, vì lệ thuộc chính trị, vì đe doạ an ninh, vì đại đa số công nghiệp ở Việt Nam là cuả người Tàu, các chất liệu để chế tạo hàng hoá  đều nhập cảng từ Tàu.

Việt Nam lệ thuộc nghiêm trọng về kinh tế cả Hoa Kỳ lẫn Tàu, sẽ cực kỳ khốn đốn khi cả hai, Trump và Tập, không chấp nhận một quốc gia đi hàng hai, lừng khừng đứng giữa để hưởng lợi.

Việt Nam quá yếu về kinh tế để độc lập. 

Muốn ra khỏi lệ thuộc quá đáng vào xuất cảng, nghĩa là lệ thuộc ngoại quốc, một quốc gia phải có mức tiêu thụ nội địa ít nhất 70% PIB. 

Bắc Kinh coi đó là mục tiêu hàng đầu từ hàng chục năm nay, nhưng mức tiêu thụ nội địa vẫn chưa tới 40%, vì người dân mất tin tưởng, lo sợ cho tương lai, không dám tiêu thụ nữa. 

Việt Nam tệ hại hơn. 

Ông Tô Lâm than phiền PIB/GDP của Việt Nam lẹt đẹt dưới 4300 dollars mỗi năm, thuộc loại thấp nhất thế giới, mặc dù với chiến tranh thương mại Tàu-Mỹ, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất thứ hai cho thế giới. 

Con số 4300 dollars chỉ là số trung bình trên đầu người. Với tham nhũng và bất công khủng khiếp, đại đa số còn xa với lợi tức đó. 

Một phần lớn tài nguyên, tiền bạc của quốc gia nằm trong tay một thiểu số liên hệ xa gần với chế độ. Những ‘’đại gia’’ này không dùng tiền để đầu tư, hay tiêu thụ trong nước, nhưng tìm cách gởi ra ngoại quốc. Người ta chứng kiến một hiện tượng không biết nên cười hay nên khóc: người Việt tỵ nạn, hay lao công Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, phụ nữ bị gả bán cho người nước ngoài gởi một số tiền khổng lồ về nước, để giới lãnh đạo gởi ra ngoại quốc mua nhà, mua thương xá hay đầu tư ở những nước tư bản.

Đó là tương lai gần. Trong tương lai xa, Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước tụt hậu, một quốc gia không có giáo dục, không có văn hoá, không có quyền làm người, nếu chế độ Cộng Sản tiếp tục tồn tại.

TỪ CỘNG SẢN TỚI MAFIA ĐỎ

Đừng hy vọng một vị anh hùng nào trong lòng chế độ, đứng dậy để phá đổ xiềng xích. Nếu một ngày nào đó, họ xoá bỏ Xã hội Chủ nghĩa, bởi vì ý thức rằng chủ nghĩa đó sẽ đưa họ đến ngõ cụt, đe doạ sự sống còn của Đảng, không phải để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn, dân chủ hơn, nhưng để biến thể quốc gia thành một mafia đỏ, như nước Nga của Putin, để tiếp tục nắm quyền.

Ngày nay, chắc không còn ông già Việt Nam ngồi đan rổ, mơ nước Nga như trong thơ Tố Hữu, nhưng giới lãnh đạo vẫn tìm cách chuyển nước Việt thành một mafia đỏ để tiếp tục cai trị.

Cũng đừng hy vọng những người ngoại quốc thay mình để xây dựng dân chủ. Donald Trump đã chứng minh, nếu cần, những người ngoại quốc chỉ tranh đấu cho quyền lợi của chính họ. Trong tự điển của những người như Donald Trump, chữ nhân quyền, đồng minh đã được thay bằng chữ deal, chữ tiền bạc, quyền lợi. Khi nào có cái ‘’deal’’ lợi hơn, họ sẵn sàng phản bội.

Tương lai của người Việt Nam trong tay người Việt. Nếu người Việt bỏ cuộc, nước Việt sẽ bị diệt vong, sẽ bị nô lệ, dưới hình thức này, hay hình thức khác.

Trong một bài báo trên blog cá nhân (2), tác giả bài này đã nói về hiểm hoạ mô hình Huxley, Orwell cho Việt Nam (3).

Aldous Huxley, George Orwell là hai tác giả người Anh, thế kỷ 19, đã tiên đoán về các chế độ toàn trị.

 Orwell, tác giả ‘’Animal Farm’’, ‘’1984’’ nói các chế độ độc tài sẽ dùng bạo lực, khủng bố, gây kinh hoàng, tẩy não, xuyên tạc, dối trá, viết lại lịch sử, để cai trị.

Huxley, đi xa hơn, nói một chế độ toàn trị hoàn hảo là một chế độ đã thành công trong việc biến người dân thành những người hài lòng với thân phận tù đầy của mình, cho người dân hưởng thụ vật chất, những thú vui vô bổ, để họ có ảo tưởng mình là người tự do, trở thành những tù nhân không muốn phá tường ngục tù nữa, hay di xa hơn, trở thành thành trì của chế độ để bảo vệ đôi chút quyền lợi của chính mình.

Sau gần một thế kỷ cai trị miền Bắc, sau 50 năm cai trị miền Nam, chế độ Cộng Sản đã gần như thành công trong việc thực hiện mô hình Orwell, Huxley ở Việt Nam. Một mặt đàn áp, khủng bố để người dân sợ, không dám nghĩ tới việc nước nữa, chỉ mong được yên thân làm ăn. Một mặt được tự do ăn nhậu, giải trí, shopping, thoả mãn với thân phận nô lệ, không muốn, hay không còn nghị lực để đòi thay đổi.

Đó cũng là một hiện tượng gọi là ‘’hội chứng Stockholm’’, những người bị bắt cóc, dần dần nghe theo và đứng về phe bọn bắt cóc (4)

Ai cũng biết Việt Nam chỉ ra khỏi ngõ cụt nếu từ bỏ chế độ Cộng Sản, cởi trói cho người dân, để xây dựng lại đất nước, phải liên kết với các quốc gia trong vùng như Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc để lập một khối đủ mạnh để đương đầu với kẻ thù chung là Tàu.

Nhưng việc đó không từ trên trời rơi xuống. Nó không đến từ những người Cộng Sản, vì điều đó đi ngược lại quyền lợi của họ.

Tương lai của Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay người Việt.

Đó là chuyện lâu dài, cực kỳ khó khăn, nhưng là cái giá phải trả, nếu không muốn xã hội Việt Nam tan rã, nước Việt giải thể.

Chuyện căn bản là thay đổi tư duy. Cuộc chiến ngày nay trước hết là cuộc chiến tư tưởng. Mỗi người Việt phải ý thức được thân phận nô lệ của mình, ý thức trong lịch sử, không có chế độ độc tài nào tồn tại vĩnh viễn, ý thức rằng các chế độ độc tài chỉ tan rã nếu người dân tranh đấu dưới hình thức này hay hình thức khác, ý thức rằng thà đóng góp đôi chút còn hơn là buông tay, ngồi nguyền rủa bóng tối.

Cái túi khôn của người Việt khiến chúng ta khuyên nhau: Khó lắm, không làm gì được đâu ông ơi. 

Nếu người Nam Phi nghĩ như vậy, chế độ apartheid vẫn tồn tại. Nếu người Đài Loan, Singapour cũng khôn như người Việt, nghĩ: Mình yếu quá, chỉ là một đảo nhỏ, không làm gì được đâu ông ơi, ngày nay Đài Loan, Singapour vẫn còn là những làng đánh cá nghèo khổ, không phải là những trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới.

Chế độ Cộng Sản đang bị lúng túng, sẽ cực kỳ lúng túng với cuộc leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Tàu, với cục diện thế giới thay đổi mỗi giờ.

Việt Nam sẽ ra khỏi bóng tối, nếu người Việt ý thức được thân phận tù đầy của, nếu người Việt không muốn con cháu mình sống trong một quốc gia không có giáo dục, không có văn hoá, tương lai mù mịt, xã hội không còn lương tri, chùa chiền hoành tráng chỉ có sư giả, trường học chỉ là một tổ chức kinh doanh, nếu người Việt nghĩ đời mình đã bỏ đi, vì một sai lầm tập thể, nhưng con cháu mình đáng sống, và  có đủ khả năng trong một xã hội lành mạnh hơn.

Chuyện thay đổi phải đến từ dân. Trước hết là thay đổi tư duy, ý thức được cái bệnh hoạn tâm thức của chính mình là một chuyện khó, một hành trình lâu dài, nhưng nếu không ý thức rõ ràng, không chuẩn bị, không thấy rõ đường đi, người Việt sẽ tiếp tục là nạn nhân của thời cuộc.

Thời cuộc sẽ biến chuyển rất nhanh, vì chúng ta đang bước sang một thời đại khác, tất cả đảo lộn, từ đồng minh tới những giá trị hôm qua còn là nển móng của bang giao thế giới.

Không chuẩn bị một tư duy minh bạch, trước những thay đổi bất ngờ, dù chế độ Cộng Sản sụp đổ, Việt Nam sẽ rơi vào tay mafia đỏ, như nước Nga của Putin. Không chuẩn bị tư tưởng, như Antonio Gramsci nói, tất cả biến chuyển sẽ chỉ là những cuộc đảo chánh.

Paris, 29/04/2025

Từ Thức

(tuthuc-paris-blog.com)

—————–

1) Mã Lai: 35 triệu dân, PIB/GDP hàng năm trên đầu người: 11.000 dollars. Singapoor: 5,9 triệu dân, 84.000 dollars. Đài-Loan, 23 triệu dân, PIB:145.000 dollars. Việt Nam 100 triệu dân, PIB 4200 dollars

2) tuthuc-paris-blog.com

(3)  https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/huxley-orwell-ionesco-mô-hình-nào-cho-vn

(4)  Hội chứng Stockholm nói về chuyện 2 tù nhân vượt ngục làm hold-up trong một ngân hàng ở Stockholm, năm 1973, giữ 4 con tin để thương thuyết với cảnh sát. Sau 6 ngày chung sống, các con tin trở thành có cảm tình với người giam giữ mình, chống lại ngân hàng và cảnh sát. Sau 50 năm, với hệ thống tẩy não đại quy mô, con số những người mắc hội chứng Stockholm ở Việt Nam chắc chắn rất đáng kể