Uyên Nguyên: Từ Phù Sa Quê Hương Đến Biển Lớn Văn Học
Văn học, như những gì người ta thường ví von, là một dòng sông bất tận, không ngừng chảy, không ngừng chuyên chở. Nó mang theo ký ức, cảm xúc, những chất liệu sống động của đời người, và còn hơn thế nữa, là tiếng vọng của một nền văn hóa, một thời đại, một dân tộc. Đối với văn học Việt Nam, dòng sông ấy không chỉ chảy dọc theo chiều dài lịch sử trên mảnh đất quê hương, mà còn lan tỏa, tách nhánh ra khắp nơi trên thế giới. Từng nhánh sông ấy là một dòng riêng biệt, chở theo những hoài niệm, nỗi niềm và cả những khát vọng của những người Việt tha hương, những người đã rời xa nơi chôn rau cắt rốn, nhưng mang theo cả một trời quê hương trong lòng.
Nhưng quê hương là gì? Là mảnh đất đã nuôi lớn tâm hồn, hay là ký ức không nguôi về những ngày tháng đã qua? Là giấc mơ không tắt trong tâm khảm, hay là sự đau đáu khôn nguôi khi ngoảnh đầu về phía cội nguồn? Những câu hỏi này, trong từng nhánh sông văn học, là tiếng thì thầm của nỗi lòng con người trước sự hữu hạn của đời sống. Văn học Việt Nam hải ngoại, nhìn ở một góc độ nào đó, như một nhánh sông tách rời khỏi dòng chính của văn chương trong nước. Nhưng liệu nó thực sự tách rời hay chỉ đơn giản là một phần không thể thiếu của dòng chảy lớn? Liệu khái niệm “dòng chính” có nên định nghĩa như một thực thể cố định, hay chính bản thân khái niệm này cũng cần được nhìn nhận như một dòng chảy luôn biến đổi, luôn thích nghi? Những câu hỏi ấy không chỉ mang tính triết lý, mà còn phản ánh những trăn trở hiện hữu trong lòng người sáng tạo văn học và những độc giả quan tâm đến nền văn hóa dân tộc.
Khi nhắc đến “dòng chính” của văn học Việt Nam, chúng ta cần loại bỏ khỏi định nghĩa những ràng buộc hạn hẹp về mặt ý thức hệ hay chính trị. Văn học phục vụ chế độ, dù ở bất kỳ hình thức nào, không thể đại diện cho toàn bộ sức sống văn chương của một dân tộc. Dòng chính, trong nghĩa rộng hơn, là nơi hội tụ những tiếng nói phản ánh tâm hồn Việt, những giá trị văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam qua các thời kỳ. Nó không phải là một dòng nước tĩnh lặng, mà là một thực thể động, luôn chịu sự ảnh hưởng, tác động từ bối cảnh xã hội và thời đại.
Dòng chảy văn học này vừa mang ý nghĩa của sự tiếp nối, vừa là một quá trình biến đổi không ngừng, nơi mỗi thế hệ nhà văn và độc giả đều để lại dấu ấn riêng. Từ các tác phẩm phản ánh đời sống thời chiến cho đến những trang viết về sự hòa nhập và tranh đấu trong lòng cộng đồng di dân, văn học Việt Nam hải ngoại đã trở thành một phần không thể thiếu của tổng thể văn học dân tộc.
Nhìn vào văn học hải ngoại, chúng ta thấy rõ rằng dòng chảy này không chỉ mang tính độc lập, mà còn mở ra một không gian đối thoại rộng lớn hơn. Những câu chuyện lưu vong, những nỗi đau chia cắt, và cả khát vọng hòa nhập vào một thế giới xa lạ chính là chất liệu đã tạo nên sự đặc sắc của dòng văn học này. Nhưng điều đáng nói hơn cả là, dù viết về sự chia ly hay hòa nhập, văn học hải ngoại vẫn giữ được một mạch nguồn sâu xa kết nối với cội rễ.
Ngôn ngữ tiếng Việt, với tất cả sự giàu đẹp và tinh tế của nó, đã trở thành sợi dây liên kết bền bỉ, giúp người Việt xa xứ bảo tồn và sáng tạo những giá trị mới trên nền tảng của truyền thống. Ngôn ngữ ấy là cầu nối giữa thế hệ lưu vong và quê nhà, giữa những ký ức đã qua và những hy vọng cho tương lai.
Văn học hải ngoại, xét từ khởi nguyên, có một phần dấu ấn sâu sắc của văn học miền Nam Việt Nam trước 1975. Đây là giai đoạn mà những nhà văn thuộc nền văn học VNCH đã mang theo ký ức, giá trị tự do sáng tạo và tinh thần phản tư về thời cuộc để định hình những trang viết đầu tiên của văn học lưu vong.
Dòng văn học VNCH, với tính tự do tư tưởng và khả năng tiếp thu các luồng văn hóa phương Tây, đã để lại di sản lớn lao không những cho văn học trong nước mà còn trong dòng chảy văn chương của người Việt xa quê. Tuy nhiên, liệu văn học hải ngoại có thể được định nghĩa hoàn toàn là văn học VNCH?
Bấy giờ, câu trả lời không thể khẳng định một cách tuyệt đối. Văn học hải ngoại đã sớm vượt ra khỏi khuôn khổ lịch sử của văn học VNCH để trở thành một thực thể đa diện hơn, mang trong mình tiếng nói của nhiều thế hệ, tầng lớp và trải nghiệm khác nhau. Nếu văn học VNCH tập trung phản ánh đời sống và thời cuộc của miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954–1975, thì văn học hải ngoại, từ điểm khởi nguồn ấy, đã mở rộng biên giới của mình.
Nó mang trong mình những câu hỏi lớn lao về lưu vong, căn tính và cả sự xung đột giữa bản sắc cội nguồn và những áp lực đồng hóa trong môi trường xa lạ. Văn học hải ngoại, vì vậy, không đơn thuần là sự tiếp nối của văn học VNCH, mà còn là tiếng nói toàn cầu của cộng đồng người Việt lưu vong.
Trong dòng chảy ấy, những thế hệ nhà văn mới xuất hiện, mang theo trải nghiệm cá nhân và bối cảnh văn hóa đặc thù của từng nơi chúng ta sinh sống. Tiếng nói của thế hệ thứ hai, thứ ba không còn xoay quanh chỉ nỗi đau chia cắt hay ký ức về quê hương, mà hướng đến những vấn đề mới của sự hòa nhập, đa văn hóa và cả sự tranh đấu để giữ gìn tiếng Việt như một phần không thể thiếu của bản sắc dân tộc.
Tương lai của văn học hải ngoại, như mọi dòng chảy văn chương, nằm ở sự đổi mới không ngừng. Trong đó, những giá trị của văn học VNCH vẫn luôn là một phần di sản quý giá, nhưng không phải là giới hạn cuối cùng.
Văn học hải ngoại, xét trên tất cả những chiều kích lịch sử, văn hóa và xã hội, là một phần không thể tách rời của văn học Việt Nam, nhưng nó cũng mang trong mình một căn tính riêng biệt, hình thành qua những cơn địa chấn của lịch sử và sự dịch chuyển không ngừng của con người. Nếu ví văn học như một dòng sông, thì hải ngoại chính là nhánh sông mang theo phù sa từ nguồn cội, nhưng đồng thời cũng bồi đắp thêm những sắc màu mới, những tinh hoa mà chỉ một trải nghiệm sống đầy thăng trầm và đối mặt với sự thay đổi không ngừng mới có thể mang lại.
Nhưng liệu văn học hải ngoại, trong hành trình dài của mình, có nên được gói gọn trong danh xưng “dòng văn học VNCH”? Câu trả lời nằm ở chính bản chất đa dạng và động của dòng chảy văn chương này. Văn học VNCH, với di sản quý báu về tự do tư tưởng, tính nhân bản và phong cách hiện đại, đã đặt nền móng quan trọng cho sự hình thành của văn học hải ngoại. Tuy nhiên, sự phát triển của văn học hải ngoại đã vượt xa khỏi những giới hạn lịch sử và địa lý, mở rộng biên giới để đón nhận những tiếng nói đa dạng hơn, từ nhiều thế hệ, từ nhiều góc nhìn và từ những bối cảnh văn hóa khác nhau.
Điều này không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ, mà là một sự chuyển hóa tất yếu. Từ những ký ức chiến tranh, lưu vong, mất mát, văn học hải ngoại cần tiến xa hơn để đối mặt với những câu hỏi toàn cầu về bản sắc, sự hòa nhập và ý nghĩa của việc làm người trong một thế giới không ngừng thay đổi. Nó vừa là tiếng nói của một cộng đồng xa quê, vừa là sự kết nối với những giá trị nhân loại phổ quát, nơi biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt và con người đối diện với những vấn đề lớn lao về hiện sinh, văn hóa và tâm linh.
Thế nhưng, văn học hải ngoại không thể quên sứ mệnh bảo tồn và làm sống lại ngôn ngữ, văn hóa và những giá trị cốt lõi của dân tộc. Trong thế giới lưu vong, nơi sự hòa nhập thường đi kèm với nguy cơ đồng hóa, ngôn ngữ tiếng Việt đã trở thành sợi dây cuối cùng giữ lại bản sắc. Những trang văn được viết bằng tiếng mẹ đẻ vốn là nơi ký ức sống lại, và là nơi văn hóa dân tộc tìm được sự tái sinh trong lòng mỗi thế hệ. Đây là nhiệm vụ mà không một thế hệ nhà văn hải ngoại nào có thể lơ là, bởi nếu ngôn ngữ bị lãng quên, thì văn học – linh hồn của dân tộc – cũng sẽ mất đi ý nghĩa sống còn.
Những thế hệ nhà văn trẻ trong cộng đồng hải ngoại đang đứng trước một ngã rẽ. Chúng ta không còn bị ràng buộc bởi ký ức chiến tranh hay lưu vong, nhưng lại phải đối mặt với những áp lực đồng hóa và cảm giác “không thuộc về” ở cả quê nhà lẫn nơi mình đang sống. Chính trong sự lạc lõng này, văn học trở thành điểm tựa để chúng ta tìm lại chính mình, để đặt những câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng: Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu? Căn tính của tôi là gì trong thế giới đa dạng và phức tạp này? Những câu hỏi ấy không phải là bi kịch cá nhân, mà là sự mở ra của những chân trời sáng tạo mới, nơi bản sắc Việt có thể tìm thấy những cách biểu hiện mới mẻ và phong phú hơn.
Tương lai của văn học hải ngoại không nằm ở việc tiếp tục “tách rời” hay “quy hồi” về bất kỳ dòng văn học nào, mà ở khả năng kết nối và hòa nhập. Trong thế giới hiện đại, khi biên giới giữa các nền văn hóa ngày càng mờ nhạt, văn học Việt hải ngoại có cơ hội trở thành một cầu nối, không chỉ giữa quá khứ và hiện tại, mà còn giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Nó mang trong mình trách nhiệm kép: bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự giao thoa, hội nhập để làm phong phú thêm dòng chảy lớn của văn học nhân loại.
Nhánh sông Văn Việt hải ngoại, vì thế, không phải là sự chia cắt, mà là một phần không thể thiếu của dòng chảy lớn. Trong từng con chữ, từng trang viết, văn học Việt hải ngoại mang theo tiếng vọng của cội nguồn, nhưng cũng không ngừng tìm kiếm những ý nghĩa mới trong thế giới hiện đại. Nó là minh chứng cho sự kiên cường của tâm hồn Việt, cho khả năng thích nghi và đổi mới không ngừng của văn hóa Việt Nam. Và cũng như mọi dòng sông, nó không ngừng chảy, không ngừng bồi đắp, để rồi cuối cùng hòa vào đại dương lớn, nơi tất cả những nhánh sông đều gặp gỡ, giao thoa và cùng nhau tạo nên những giá trị bền bỉ.
Yuma, ngày 25 tháng 12 năm 2024
Uyên Nguyên