Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Việt Nam: Làn sóng bắt giữ bất đồng chính kiến mới.
Gia tăng đàn áp trong khi đang vận động cho nhiệm kỳ mới trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ thêm ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng chỉ vài ngày sau khi Việt Nam tuyên bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Công an bắt Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29 tháng Hai năm 2024 và Hoàng Việt Khánh vào ngày mồng 1 tháng Ba và cáo buộc họ theo tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và vận động nhân quyền, đồng thời phóng thích ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ. Năm 2022, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền ở Geneva với nhiệm kỳ ba năm, sẽ kết thúc vào năm 2025. Việt Nam đã công bố hôm 26 tháng Hai rằng sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
“Chính quyền Việt Nam thích phô trương là mình tôn trọng nhân quyền khi chạy đua vào ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Mặc dù Việt Nam công nhiên ngược đãi những người vận động cho nhân quyền, nhưng các nhà tài trợ và đối tác thương mại hầu như không làm gì để gây sức ép với chính quyền nước này về những vi phạm nhân quyền của họ.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 163 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động – Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc đã bị kết luận có tội và xử phạt từ ba năm sáu tháng đến bảy năm tù giam. Ít nhất là 24 người khác đang bị công an tạm giam chờ xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị.
Công an bắt Nguyễn Chí Tuyến (thường được gọi là Anh Chí), 49 tuổi, vào ngày 29 tháng Hai ở Hà Nội. Ông là một nhà vận động nhân quyền sử dụng mạng xã hội, trong đó có YouTube và Facebook, để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube đầu tiên của ông, Anh Chí Râu Đen, đã đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký. Kênh YouTube thứ hai, AC Media, đã đăng hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký.
Nguyễn Chí Tuyến là một thành viên sáng lập của No-U FC (Câu lạc bộ Bóng đá Không đường Lưỡi bò) giờ không còn hoạt động nữa, với các thành viên công khai phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các vùng lãnh hải đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông góp phần tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào đầu thập niên 2010, và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường vào giữa thập niên đó. Ông cùng các nhà hoạt động bạn bè làm từ thiện để hỗ trợ những người khó khăn ở nông thôn và những nạn nhân thiên tai.
Ông công khai ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù, trong đó có Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và Nguyễn Lân Thắng. Trước phiên tòa xử Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Chí Tuyến công bố một bức thư ngỏ để ủng hộ bạn mình. Ông viết: “Chúng ta chỉ hành động theo lương tâm mách bảo, nói ra những suy nghĩ, những khát khao, những ước vọng.”
Nguyễn Chí Tuyến từng liên tục phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu, bị chặn đi lại, cấm xuất cảnh, tùy tiện câu lưu và thẩm vấn của công an. Tháng Năm năm 2015, năm người đàn ông lạ mặt tấn công và đánh đập ông ngay gần nhà ông ở Hà Nội. Vụ tấn công khiến ông bị thương và phải khâu nhiều mũi ở mặt. Tháng Hai năm 2017, Nguyễn Chí Tuyến và năm nhà hoạt động thân hữu khác gặp gỡ một phái đoàn nhân quyền của Liên minh Châu Âu ở Hà Nội để trao đổi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong số sáu nhà hoạt động có mặt trong buổi gặp đó, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Tường Thụy đang phải thụ án tù nhiều năm. Hai người khác, Vũ Quốc Ngữ và Nguyễn Anh Tuấn phải trốn ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam.
Bất chấp nguy cơ bị truy tố với các cáo buộc mang động cơ chính trị, Nguyễn Chí Tuyến tiếp tục vận động cho dân chủ và nhân quyền. Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 2017 trên tạp chí Mekong Review, ông nói: “[Đảng Cộng sản] có mọi quyền lực trong tay. Họ có nhà tù, súng đạn, công an, quân đội, tòa án: họ có mọi thứ. Họ có báo chí. Chúng tôi chẳng có gì ngoài trái tim và khối óc. Và chúng tôi nghĩ rằng việc mình làm là đúng…thế là đủ.”
Ngày 29 tháng Hai, công an cũng bắt giữ Nguyễn Vũ Bình, 55 tuổi, một cựu tù nhân chính trị, tại Hà Nội. Sau khi làm phóng viên cho một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tạp Chí Cộng Sản, gần mười năm, vào tháng Mười hai năm 2000 ông xin thôi việc và tìm cách thành lập một chính đảng độc lập. Ông cũng là một trong số vài nhà bất đồng chính kiến muốn thành lập một liên minh chống tham nhũng vào năm 2001. Công an bắt giữ ông vào tháng Chín năm 2002, với lý do ông nói xấu nhà nước Việt Nam trong thư điều trần gửi Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 2022 về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền cũng để mắt đến ông vì ông lên tiếng phê phán hiệp ước đường biên giới nhiều vấn đề với Trung Quốc trong một bài viết được lan truyền trên mạng vào tháng Tám năm 2002.
Trong bản điều trần của mình, Nguyễn Vũ Bình viết: “Tôi luôn luôn quan niệm, chỉ có thể ngăn chặn và xóa bỏ tận gốc tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam khi thực hiện được điều đó trên phạm vi quốc gia, tức là thành công trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Vì vậy, tất cả những giải pháp đấu tranh bảo vệ nhân quyền cần hướng tới mục tiêu cao nhất mà nhân dân Việt Nam hằng mong ước: tự do cá nhân và dân chủ cho toàn xã hội.”
Tháng Mười hai năm 2003, một tòa án xử Nguyễn Vũ Bình bảy năm tù, cộng thêm ba năm quản chế, về tội gián điệp theo điều 80 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tháng Sáu năm 2007, chính quyền Việt Nam khoan hồng và phóng thích ông sớm hai năm ba tháng. Ngay lập tức ông tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Ông thường xuyên bình luận về nhiều vấn đề xã hội và chính trị của Việt Nam.
Từ năm 2015 đến năm 2024, Nguyễn Vũ Bình đã đăng hơn 300 bài trên Blog Á Châu Tự do. Trong bài viết gần đây nhất, “Những khía cạnh tích cực của Phong trào Dân chủ giai đoạn khó khăn, trầm lắng” đăng một tuần trước khi ông bị bắt, ông nói rằng các nhà vận động dân chủ và nhân quyền Việt Nam đang hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ các gia đình của các nhà hoạt động thân hữu ngay trong lúc chính quyền tiếp tục đàn áp.
Nguyễn Vũ Bình đã hai lần được nhận giải thưởng uy tín Hellmann/Hammett dành cho những người cầm bút là nạn nhân bị đàn áp chính trị, vào các năm 2002 và 2007.
Ngày mồng 1 tháng Ba, công an bắt giữ Hoàng Việt Khánh, 41 tuổi, ở Lâm Đồng, một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên. Ông bắt đầu sử dụng Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về nhiều vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam từ năm 2018. Ông lên án tình trạng công an bạo hành và nêu quan ngại về các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ. Ông công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị, trong đó có Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Chí Thành, Lê Trọng Hùng và Lê Văn Dũng.
Bình luận về phiên tòa xử nhà báo công dân Lê Văn Dũng, ông Khánh nói rằng qua việc bắt những người sử dụng Facebook để bày tỏ chính kiến, chính quyền Việt Nam muốn đe dọa người dân để họ “không còn dám lên fb đưa những tin tức sự thật mà những tin tức đó bất lợi cho chế độ độc đảng.” Ông cũng nói thêm rằng mục đích cuối cùng của việc bắt giữ bất đồng chính kiến là “đe dọa không cho người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận.”
Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới nhậm chức vào năm 2021, Hoàng Việt Khánh đăng kiến nghị 10 điều, kêu gọi thủ tướng xem xét việc loại bỏ điều 4 Hiến pháp Việt Nam, có nội dung xác nhận quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản.
Công an cáo buộc Hoàng Việt Khánh sử dụng Facebook để “đăng tải, chia sẻ, tán phát, có nội dung sai sự thật; xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế; đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, nói xấu, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.”
“Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận cơ bản của mình,” ông Robertson nói. “Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và vùi dập các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)
Ngày 5 tháng Ba năm 2024