Võ Phiến: Cái tiếng mình nói
Không tiếng nước nào giống tiếng nước nào, dĩ nhiên là vậy. Nhưng tiếng của ta có chỗ rắc rối đặc biệt, lắm khi nó làm khó ta. Lắm khi, mới mở miệng ra đã gặp ngay cái khó: xưng hô thế nào với người đang nghe mình nói?
Có lần, xem một cuộn băng hình, tôi được thấy một cô ca sĩ lần đầu tiên tiếp xúc với người điều khiển chương trình (đồng thời cũng là một nhà văn), hai bên vừa gặp nhau trên sân khấu đã bị kẹt: có kẻ rũ ra cười, có người lúng ta lúng túng. Xưng là chú với cháu, là anh với em, hay là cháu với bác? Phải chi cùng dùng chung được một tiếng you hay vous thì tiện quá.
Ngày xưa, tôi đã nghĩ là cái đó do ở chỗ dân tộc ta thiên về cách diễn đạt cụ thể. Ở đời có kẻ hiền người ngu, kẻ trọng người khinh, kẻ già người trẻ, kẻ trên người dưới: lúc nói ta chọn lựa, dùng tiếng nào thích hợp với người ấy. Ở những dân tộc có năng khiếu trừu tượng hoá thì không thế. Nơi mỗi con người, họ phân biệt ra những tư cách khác nhau: về một phương diện mỗi người có một địa vị, nhưng về phương diện khác tất cả đều như nhau trong tư cách kẻ đối thoại với ta. Khi ta nói với họ, họ là you cả; khi ta nói về họ, họ đều là he hay she cả.
Dùng khả năng trừu tượng hoá mà tách riêng những tư cách khác nhau ở mỗi người mỗi vật, có khi là làm cho cách nói thêm phiền tạp như trường hợp vừa rồi, có khi lại làm cho cách nói giản đơn ra. Chẳng hạn cái “thịt” có tư cách là một thành phần của cơ thể, cũng cái “thịt” ấy lại có tư cách là một món ăn. Tuỳ theo mỗi tư cách, ở tiếng Anh có khi nó được gọi là flesh có khi nó là meat; ở tiếng Pháp có khi nó là chair có khi là viande. Đối với ta, nó chỉ là thịt. Giản đơn thôi, không tư cách nọ tư cách kia gì ráo.
Nhưng nguyên một chuyện trừu tượng với cụ thể, chưa đủ. Trong hai trường hợp nêu ra, trường hợp gọi tên “thịt” coi như đã giải thích tạm ổn còn trường hợp xưng hô e chưa xong.
Bảo rằng cách xưng hô của ta nhằm vào từng người cụ thể, thì người cụ thể có người là thợ mộc có kẻ phu xe, có người già lụ khụ, có kẻ trẻ măng; tại sao gặp nhau không gọi hẳn ra: thưa thợ mộc, chào phu xe, thưa người già, chào gái trẻ, v.v… Như thế rõ ràng biết bao. Đàng này, không rút ra được cái ý nghĩa trừu tượng là kẻ đối thoại, chúng ta lại xướng lên từng quan hệ thân tộc (là cậu, là cô, là bác, là chú…); hoặc thường khi lại tự dưng quàng lên họ những quan hệ thân tộc không hề có (gọi là cô là bác những kẻ thực sự không phải là cô bác của ta). Thế có nhảm không?
Hàng ngày, mỗi khi đề bì thư, người bản xứ viết Mr. này Mrs. nọ; chúng ta cũng viết là ông này, là bà nọ. Thật ra, chẳng qua là một thói quen mới tiêm nhiễm: trước kia chúng ta đâu có những “ông”, “bà” như thế. Me-xừ, ma-đàm, xưa, mem, là những tiếng tổng xưng cách lịch sự mọi người trong thiên hạ. Còn ông với bà trong ngôn ngữ ta trước kia chỉ định những quan hệ thân tộc, hay dùng rộng ra đối với những kẻ được xếp ngang với thứ bậc ông bà thật thôi. Trước, ở ta cũng như ở Tàu làm gì có những ông Chí Phèo, bà Thị Nở, ông A.Q.? Dân vi quí, thì cứ tha hồ quí, nhưng không thể là ông là bà.
Cái lối thân tộc hoá mọi người của chúng ta rồi đã được một số học giả giải thích tài tình. Rằng từ chế độ công xã nguyên thuỷ lần lên chế độ quân chủ, Tây phương đã trải qua những thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế, gây nên các biến dạng sâu xa trong xã hội; ở nhiều nước Á châu, với phương thức sản xuất kinh tế riêng, xã hội phát triển không theo cùng một tiến trình Tây phương, mà lại bày ra những nét riêng. Trải qua bao nhiêu biến thiên, rốt cuộc mãi tới khi chế độ quân chủ đã vững vàng, người dân ở ta vẫn giữ được nếp sống gắn bó trong những đơn vị nguyên thuỷ kết hợp theo quan hệ thân tộc, xã hội ta vẫn giữ đậm đà vết tích của cộng đồng thị tộc. Của cái thời xa xưa, từng dòng họ sống với nhau thành làng. Làng là cơ sở đầu tiên, nước là cơ sở cuối cùng. Làng vốn của một họ; nước của vua. Những cơ sở hành chánh trung gian – quận, huyện, tỉnh v.v… – những cái ấy không phá vỡ, không thay thế được tầm quan trọng của làng. Dân ta có tiếng gọn: làng nước. Nước có quyền (phép vua); làng giữ cái lợi, cấp ruộng cho ta cày.
Trong khuôn khổ cộng đồng thị tộc, toàn thị bà con với nhau cả. Cái nhìn ấy về xã hội ăn sâu vào tâm lý dân ta từ vạn đại. Và cũng phản ảnh vào luật pháp thật lâu dài: Vì vai trò quan trọng của gia đình dòng họ mà mãi gần đây một cá nhân gây tội lớn có thể phải giết cả họ, cả ba họ; trái lại một nhà mà sum vầy, bốn năm thế hệ cùng sống chung thì được vua khen thưởng. Cuối thế kỷ 20, trong tiếng nói hàng ngày của ta vẫn còn những dấu tích của quan niệm xưa: thua hết mọi người thì bảo là “thua cả làng”, đứng trước một cử toạ đông đảo lại có thể “thưa bà con cô bác” v.v… “Làng nước”: mấy nơi trên thế giới có cách nói như vậy? Một dân tộc đã kết hợp rộng rãi thành lập nên cả một nước, tại sao nước lại còn đeo liền theo cái làng? Tại sao hình thức cộng đồng lớn nhất, phát triển đến mức cuối cùng, lại kè kè dính liền với tên gọi của cộng đồng sơ khởi? Di tích tinh thần thị tộc khiến ta xem người quanh ta là bà con, thậm chí xem cả thế giới, cả và thiên hạ và cõi sống trên cả thiên hạ cũng cùng một liên hệ bà con. Ông vua là con ông Trời, chủ tịch nước là cha già dân tộc, thiếu nhi khắp nước là cháu của một ông bác bự. Dẫu kính yêu quí trọng đến đâu người Nga trước kia cũng không gọi Lénine, Staline là bác, như bác Hồ bác Mao.
Xa xôi như trời, như vua, đều là bà con cả, thì trong xã hội quanh ta còn ai là chẳng được xếp hạng bà con?
Về tiếng gọi mối liên hệ giữa người ngày trong một gia đình, chúng ta cũng có khi khác người Âu người Mỹ. Một câu chuyện xảy ra ở Luân Đôn năm nọ vẫn thường được nhắc nhở. Cái truyện ngắn “Con sáo của em tôi” của Duyên Anh được một giáo sư dịch ra Anh ngữ “My sister’s black-bird”, rồi đưa cho sinh viên Anh dịch lại tiếng Việt. Có sinh viên đã dịch: “Con chim đen của chị tôi”.
Anh hay em, chị hay em, ở Anh ở Pháp ở Mỹ cái đó không mấy quan trọng, không phải mỗi lúc một vạch rõ. Chỉ trong những trường hợp cần phân biệt mới thêm vào cho rõ nghĩa, còn thông thường thì dùng chung một tiếng chỉ định mối quan hệ huyết thống không phân biệt ngôi thứ. Trong những cộng đồng còn mang dấu thị tộc, kẻ trên người dưới phải phân minh, do quyền trưởng tử kế thừa (droit d’ainesse, birth-right). Anh thì hoặc được truyền ngôi, hoặc được ăn hương hoả ở từ đường, được thay thế cả cha (quyền huynh thế phụ). Con chim đen của chị với của em lẫn lộn thế nào được.
Gặp cơn chữ nghĩa xà ngầu
Bèn đem chim chị tráo vào chim em.
Hỏng quá, hỏng quá.
Đem kiến thức của các bậc cao minh ra tự thuyết phục mình, tôi lấy làm hả hê.
Hả hê xong, lại thẫn thờ tự hỏi: Trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều bộ lạc sống trong những cộng đồng thị tộc. Họ đã kéo dài cuộc sống ấy từ lâu lắm, lâu quá lắm. Thế họ đang xưng hô với nhau thế nào? Như ta cả chăng? Và ngay những dân tộc Tây phương, bây giờ đang quậy mạnh giữa xã hội hậu kỹ nghệ, hồi xửa hồi xưa cũng từng có thời quanh quẩn với nhau trong từng thị tộc. Thuở ấy họ có xưng hô với nhau rườm rà như ta chăng? Nếu có, một khi từ cộng đồng thị tộc, tiến lên những chế độ khác, được bao lâu thì họ đổi tiếng xưng hô, canh tân ngôn ngữ? Chết! Tất cả những chuyện ấy, nào biết được. Nếu chẳng may họ không từng bác bác cháu cháu với mọi người xung quanh thì làm cách nào mình giải thích được mình?
Thành thử trong những tiếng nói thông thường nhất, nôm na nhất, ta dùng hàng ngày, vẫn tiềm tàng bao nhiêu điều rắc rối. Trong đó có cái tâm lý, cái xu hướng tinh thần của một giống người, có cả hàng chuỗi dài những biến thiên lớn lao sâu xa trong lịch sử dằng dặc thăm thẳm của một dân tộc từ thuở hãy còn là những bộ tộc nhỏ bé rạc rời cho đến ngày kết hợp lớn lao đông đảo tiến lên tới bậc cao của văn minh. Trong hàng triệu người bỏ nước ra đi, có khối kẻ đi tay trắng, tưởng chẳng đem theo được gì; vậy mà trên chót lưỡi họ đã đem theo quá đỗi nhiều. Trong những âm thanh phát ra lia lịa hàng ngày từ cửa miệng mỗi chúng ta, cứ bắt lấy một tiếng mà suy nghĩ cũng đủ mệt.
Nhưng suy nghĩ làm gì? Ngoại trừ các chuyên gia cặm cụi công việc của họ. Thường ngày mấy ai nghĩ ngợi vớ vẩn đến thế? Bình thường người nào sống tại nước nấy, sống giữa dân tộc mình, cùng nòi giống cùng ngôn ngữ, hàng ngày nói năng với nhau bằng tiếng mình, cái tiếng ai nấy vẫn dùng từ bé đến lớn: như thế thật tự nhiên. Như thế, nói cũng như thở. Thở thì mấy ai bận tâm? Ai mà lại chú ý xem cái hơi thở vào ra lỗ mũi mình đều đều nó ra làm sao? Thì hơi là hơi, để ý đến nó làm chi.
Thế nhưng nửa đời bỗng bỏ xứ ra đi, sang một xứ khác. Hàng ngày giao tiếp với xung quanh, với người cùng sở, với láng giềng, với người ngoài phố, trong chợ, trên xe, v.v… bằng thứ tiếng khác. Còn cái tiếng thân thuộc của mình thì đón chận nó lại. Nó vẫn còn đó, trong ta. Để dùng vào những trò chuyện gia đình, những nghĩ ngợi trong đầu. Nó bị o ép. Nó thành ra một riêng tư.
Trong chỗ riêng tư thân mật, thỉnh thoảng ta tự bắt gặp ở mình những phút ngỡ ngàng. Ta mân mê, ngắm nghía từng tiếng, cái tiếng mình vẫn nói. Trong nỗi lo lắng: Có gì không bình thường đang xảy ra ở nơi mình chăng? Ngại quá.
Ông Elias Canetti – một giải Nobel văn chương – hồi đầu thế chiến thứ hai, đến nước Anh và ở lại đó lâu dài. Trong nhà vợ chồng nói tiếng Đức, và ông cũng tiếp tục viết văn bằng tiếng Đức luôn. Vậy mà sức lấn ép hàng ngày của tiếng Anh ngoài xã hội nó đã làm cho tiếng Đức vùng dậy, phản công, lắm lúc dưới những hình thức bất ngờ. Có nhiều hôm, ông rút vào phòng ngồi vào bàn giấy, viết hàng trang đầy đặc tiếng Đức, những tiếng rời, không thành câu cán gì. Ông hăng say, hùng hổ viết lia viết lịa một hồi… cho “đã”. Những tờ chữ Đức ấy, rồi ông cất giấu, không cho lọt vào mắt vợ. Lo rằng bà sẽ nghĩ ông đang lâm vào một trường hợp quẩn trí, bệnh hoạn [1]
Ở chỗ xa lạ, một trang chữ, một tiếng nói của mình nói lên, nó có thể dựng nên một khung cảnh riêng, quen thuộc, cho mình lánh vào, nghỉ ngơi thoải mái. Bậc cao minh vào đấy tha hồ suy tìm chuyện cao xa. Phàm phu tục tử, mình nghĩ ngợi vẩn vơ quanh quẩn, đụng đầu vào chỗ bế tắc. Có lẽ tạm bỏ đấy đã. Chẳng có ai giục giã mà suy đoán liều lĩnh.
Hồi sau sẽ thong thả nghĩ thêm.
Võ Phiến.
Tháng 3.1999