Võ Phiến: Kẻ viết người đọc
Các ca sĩ, các diễn viên kịch tuồng, các đào kép già trẻ xưa nay, nhiều người kể khổ về những đòi hỏi gắt gao của nghề nghiệp (cuộc sống thất thường, cảnh đời lênh đênh, những vất vả khuya sớm…), thường kêu rằng lắm khi họ muốn bỏ nghề; nhưng bỏ rồi vẫn quay lại, năm lần bảy lượt không dứt tình được. Sao vậy? Nghệ sĩ bảo: Vì nhớ ánh đèn, nhớ sân khấu quá, không chịu thấu.
Ánh đèn sân khấu, cái ấy nghe như ma quái. Nhưng nghệ sĩ bảo thế, e là nói chơi; không phải nói thật. Cái nhớ đích thực là có lẽ là nhớ tiếng vỗ tay. Nằm nhà, giữa cha mẹ vợ chồng con cái, tha hồ sum vầy, giữa nhà cửa tươm tất đèn đuốc tha hồ sáng choang, người nghệ sĩ bỏ nghề thỉnh thoảng vẫn có lúc chợt thấy xuất hiện cái thiếu thốn lớn lao: tức tiếng vỗ tay. Những trận vỗ tay vỡ rạp ngày nào, thiếu nó, đời bỗng mênh mông, vô vị thấy mồ.
Không riêng giới nghệ sĩ sân khấu mới thế. Sân khấu thu hút, các sân cỏ cũng có sức thu hút người không kém. Rồi sân xi-măng, sân băng đá đông cứng, rồi mặt đường nhựa, hồ nước bể bơi, v.v… cái gì, chỗ nào cũng hấp dẫn được nhân tài. Miễn có tiếng vỗ tay. Không riêng nghệ sĩ, mà võ sĩ, mà cầu thủ, người trượt tuyết, kẻ đua xe đua ngựa, người bơi tay bơi thuyền… đều khó bỏ nghề. Con người khao khát một thái độ niềm nở.
Niềm nở phát lộ cách hồn nhiên như tiếng vỗ tay đã là khoái rồi. Niềm nở mà đến cao độ, phát biểu cách nồng nhiệt như những nàng thính giả đã quẳng lên sân khấu cho Elvis Presley cả chiếc chìa khoá phòng đính kèm địa chỉ của mình, thì nghệ sĩ làm sao bỏ nghề cho được?
Ở mỗi ngành có mỗi cách tỏ bày hâm mộ riêng. Hình như người hoạ sĩ không có dịp được ái mộ nồng nhiệt như ca sĩ. Nhưng nếu lảng vảng trong phòng triển lãm người vẽ vẫn được bắt gặp đây đó những vị khách nhìn tranh mê mẩn. Dù sao, kẻ hoạ còn hơn người viết nhiều. Văn sĩ thua xa mọi thứ sĩ khác.
— Thế sách hay bán chạy, hốt bạc đầy túi, không khoái à?
— Không thể nói vậy. Tiền mua sách cũng như tiền mua vé vào rạp hát, vào sân đấu bóng, vào trường đấu võ… Là chuyện tiền trao cháo múc trên thương trường. Là mua bán. Không phải là phần thưởng. Càng không phải phần thưởng tinh thần.
Phần thưởng tinh thần của tác giả lẽ ra là cái khoái thích của kẻ đang thưởng thức mình, là được trông thấy tận mắt sức tác động kỳ diệu (!), kinh hồn (!) của tác phẩm mình. Xưa nay có văn hào nào được cái diễm phúc ngắm nét rạng rỡ trên khuôn mặt kẻ đang cầm sách đọc văn mình? Ai? Tolstoi chăng? Bồ Tùng Linh chăng?!
Người đọc chẳng những không có thói quen mang sách tới đọc ngay trước mặt tác giả, mà cũng không hề thích đọc trước mặt ai cả. Đọc sách, thích nhất là đọc một mình. Người cha thường bảo con cái “đi chỗ khác chơi, để bố xem sách”; người chồng vừa thuê cuốn truyện chưởng ngoài tiệm mang về cũng tạm lánh vợ để lướt mắt vội vàng qua mấy đoạn gay cấn. Thậm chí trẻ con, khi đọc sách cũng không muốn bị người lớn “quấy rầy”. Đọc một mình hoặc ngoài trời, với tia nắng sáng lặng lẽ trên trang chữ, với con ong thỉnh thoảng bay lạc đến lẩn quẩn rồi vụt bay đi; hoặc trong gian phòng vắng, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc… Rất nhiều tác giả nhắc về cái đọc của mình ngày nhỏ. Marcel Proust, trong bài tựa viết cho một cuốn sách dịch,[1] đã có những trang tuyệt vời về kỷ niệm thần tiên bên trang sách thời thơ ấu.
Đọc sách mà cặp kè kẻ nọ người kia, chẳng những không hay, có khi lại rắc rối. Cô Loan trong cuốn Đoạn tuyệt của Nhất Linh trót có một lần đọc sách lúc đang nằm bên cạnh chồng mà làm xảy ra án mạng.
Cái gặp gỡ giữa kẻ viết với người đọc nó rắc rối là thế, cho nên bảo kẻ sĩ cầm bút hẩm hiu, bảo thế không hề có hàm ý trách móc ai. Chẳng qua hoàn cảnh nào đưa tới thân phận nấy. Thích hợp thôi.
Như vậy, trong thế giới văn chương, quan hệ giữa phía sáng tác với phía thưởng ngoạn là một quan hệ nhạt nhẽo, lỏng lẻo chăng?
Kỳ thực, trái lại. Độc giả là rất quan trọng đối với người cầm bút. Độc giả là điều kiện tất yếu để có tác giả. Không có độc giả thì không thể có được tác giả. Làm thơ văn phú phiếc là do tài năng thiên phú; nhưng ở nơi nào chưa có sẵn độc giả thì ông Trời toàn năng cũng không sinh ra được các tác giả.
Nói thế, tôi không muốn bảo rằng hễ không ai mua sách cả thì sẽ chẳng có ai buồn viết sách làm gì: hoạt động văn nghệ rụi luôn. Không phải thế. Một lần nữa, lại xin gạt chuyện mua bán ra một bên. Hãy chỉ tạm xem chuyện nghệ thuật như một hoạt động tinh thần. Và nên lấy bằng chứng sẵn tại chỗ, xảy ra ngay trước mắt mình. Tức là nền văn học hải ngoại của Việt kiều chúng ta.
Trước 1975, ở các nước Âu châu và ngay cả Mỹ châu đã từng có mặt một số trí thức Việt Nam. Họ ra nước ngoài vì nhiều lý do: du học, công vụ, kinh doanh, v.v… Họ sống ở Âu Mỹ lâu năm, nhiều người đã có học vị cao, có thành tích lớn trong các ngành khoa học, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc… Nhưng văn thi sĩ với tác phẩm Việt ngữ thì chưa thấy xuất hiện ở Âu Mỹ lúc bấy giờ. Như thể những kẻ có văn tài đều nhất định ôm giữ cái tài, nằm phục sẵn, kiên trì chờ đợi… Chờ đợi thời điểm 1975! Ai nấy trong chúng ta hẳn đều thấy những chứng cớ sống động, lồ lộ trong giới văn học hải ngoại hiện nay: tức những Việt kiều cũ mà lại là văn sĩ mới. Sau 1975, họ vùng lên múa bút, chẳng bao lâu nổi đình nổi đám ngay.
Tháng 5-1975 được chờ đợi không phải vì là ngày lành tháng tốt. Chẳng qua đó là thời điểm bắt đầu có một quần chúng độc giả Việt ngữ ở hải ngoại. Cũng ông Ngô ấy, bà Phan kia, ông Vũ nọ…, trước 1975 họ là những ông Ngô, bà Phan, ông Vũ; sau 1975, anh hoa phát tiết tưng bừng, họ hoá ra nhà văn Ngô, nhà thơ Vũ, v.v…
Phép lạ ấy cũng là phép lạ đã tạo ra Thúy Kiều.
Hãy tưởng tượng: Nếu ngày xuân năm nọ cô Kiều không gặp chàng trai đa tình tên là Kim Trọng thì làm sao mà cô ta được lẫy lừng suốt hai thế kỷ qua? Ông bà viên ngoại có hai cô gái và một cậu con trai. Đối với bà con xóm giềng, đó là cô Hai, cô Ba, với cậu Tư. Những kẻ năng lui tới nhà cụ viên có thể biết và khen cô Hai giỏi may vá, khéo thêu thùa, cô Ba nấu canh chua cá lóc ngon hết sẩy, v.v… Lại có thể biết thêm cô Hai lúc rảnh việc thỉnh thoảng ôm đàn ra trước hiên đánh mấy bài; cô Hai đánh đàn “tẵng tẵng” thì phải biết: dễ nghe lắm. Thế thôi.
Bỗng Kiều gặp chàng Kim, rồi chuyện long lở ra. Mới gặp nhau một lần, chàng đã mê tít, “mặt tơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.” Kiều đàn; chàng Kim nghe như hạc bay, như suối chảy, như gió thoảng, như mưa tuôn sầm sập, chàng tựa gối, cúi đầu, chàng chau mày héo ruột, rồi ngậm đắng nuốt cay… Từ đó Kiều hoá thân, lên ngôi. Bao nhiêu nhân vật — Thúc Sinh, Sở Khanh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, rồi cả Nguyễn Du — đều là những kẻ “đọc” Kiều. Kẻ đọc ra cái nhan sắc Thúy Kiều, người đọc ra cái tài năng của nàng, người khác lại đọc được cái ý nghĩa éo le của thân phận nàng, cái u uẩn phức tạp của tâm lý nàng Kiều… Nhờ họ, nhân vật Thúy Kiều rạng rỡ.
Sau 1975, trong số đôi ba triệu di dân từ Việt Nam thoát ra, có một quần chúng đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện các tác giả Việt ngữ ở hải ngoại. Có thế chăng? “Tạo điều kiện”, cái điều kiện nói đây không phải là những khoản thu (không đáng kể, so với nhu cầu của cuộc sống tại Âu Mỹ). Cho nên việc gác chuyện tiền bạc chuyện mua bán ra một bên là phải cách. Độc giả tạo dựng ra tác giả, ấy là chuyện “tinh thần”. Ấy mới hay, ấy mới… tình!
Nghề văn là nghề thanh cao, văn giới mỗi lúc lại mỗi đông đảo, phức tạp. Thỉnh thoảng có nghe nói đến những vị viết vì một nhu cầu nội tại, vì những bức xúc trong tâm hồn, nếu không viết ra thì không thể chịu nổi; ngoài ra họ không cần biết có ai đọc mình hay không. Đã có kẻ bảo thế thì hẳn phải có thế. Nhưng đó chắc chắn là chuyện của một số hiếm hoi ở tầng lớp cao chăng. Còn từ hạng Nguyễn Du xuống đến đa số chúng ta, đã viết là viết cho người đọc.
Sách hoàn tất, tác giả Tố Như có bản dâng vua: vua đây được dâng trong tư cách độc giả đấy, trong tư cách kẻ mua vui vài trống canh đấy thôi. Vua mà còn bé, chưa biết chữ, thì tất chẳng ai dâng thơ dâng truyện.
Đến cụ Nguyễn Du còn vậy, chúng ta thất lễ với độc giả được sao?
Độc giả quan trọng là thế. Độc giả còn quan trọng hơn thế.
Bản nhạc lúc nào cũng là bản nhạc, người có tai là nghe ra nhạc. Bức tranh lúc nào cũng là bức tranh, pho tượng ai cũng thấy nó là pho tượng, v.v… Còn một tập thơ, một cuốn truyện nằm chình ình trên bàn, đối với kẻ mù chữ nó không phải là thơ là truyện gì ráo. Là đống giấy có vẽ loằng ngoằng, chằng chịt, rối ren, bẩn mắt thôi. Người biết chữ có thể giải mã những ký hiệu bí mật nọ mới biến nó ra thơ ra truyện.
Vụ (con quay, con thò lò) có quay tít mới ra con vụ; vụ ngã nằm ì ra thì chỉ là miếng gỗ vô duyên chán phèo. Một tác giả Pháp đã đưa ra ý ấy.
Vậy cuốn sách không ai đọc thì không phải, chưa phải, là tác phẩm. Bảo trong đó có câu chuyện của Lan và Điệp, hay của Vọi và Hiền, hay của Loan và Dũng, v.v…? Chuyện ấy chứa giấu ở đâu? Rõ ràng lục soát không thể tìm thấy. Có đọc được chữ mới làm nẩy ra truyện, cũng như có biết ném vụ mới làm cho nó quay, mới khiến nó thành ra con vụ.
Cuốn sách là cái xác, tác phẩm là phần hồn. Tác giả âm thầm xây dựng nên tác phẩm bằng tâm não mình. Nó thoạt thành hình dưới dạng ý niệm. Tác giả cố gắng chuyển nó ra chữ viết. Cuốn sách là nơi gửi gắm tác phẩm dưới dạng chữ viết. Chữ viết chẳng qua là những ký hiệu. Dạng chữ viết có thể hiện đúng cái tác phẩm trong suy tưởng của tác giả không, đó là một chuyện.
Rồi người đọc tiếp nhận tác phẩm qua dạng chữ viết, kết quả sẽ ra thế nào? Lại là một chuyện nữa. Cô gái mười tám đôi mươi đọc ra cái truyện Lan và Điệp của cô; em bé mười tuổi ê a đọc ra truyện Lan và Điệp của em, tức một truyện khác hẳn; các cụ già ở Nam Mỹ, ở Phi châu, họ lại đọc ra những truyện Lan và Điệp khác nữa. Mỗi người đem cái tuổi tác, cái trình độ hiểu biết, cái hoàn cảnh sinh sống, cái tâm lý riêng tư của mình vào cuốn sách mình đọc. Người đọc có phần đóng góp của người đọc vào tác phẩm. Phần không nhỏ.
Không có người đọc, không có tác giả. Không có người đọc, cũng không thể có tác phẩm. Sáng tác với thưởng ngoạn quấn quít nhau khắng khít đến thế; nói đến tiếng vỗ tay, nói về sự chờ đợi một phần thưởng tinh thần: E là hỗn.
Bản thân tôi, sinh vào thời buổi khó, bị xô đẩy lông lốc, từ quê ra tỉnh, từ tỉnh lẻ nhập vào đô thị, sinh kế chuyển từ nghề này sang nghiệp khác lung tung, sinh sống trải hết chế độ này sang chế độ kia, hết nước này sang nước khác, từ lục địa này sang lục địa nọ… Những đổi thay xáo trộn ấy thực sâu xa; nhưng trong lăn lóc quay cuồng, thỉnh thoảng trông lại mình thấy trong tay vẫn còn khư khư một quản bút cũ kỹ. Và trông ra quanh mình vẫn còn nhận ra một tập thể quen thuộc, có thể nói thân thuộc: Tập thể kẻ viết người đọc.
Giờ đây tuổi tác và sức lực đuổi mình ra khỏi khung cảnh thân thuộc. Tôi sẽ không từ giã một nơi để đi tới một nơi nào khác, không bỏ một chế độ một xứ sở để lánh sang một chế độ một đất nước nào khác. Bây giờ là một giã từ tại chỗ, một biệt ly vĩnh viễn tại chỗ thôi.
Bánh xe đời cắn lên một lằn mức thời gian: Cây bút trên tay mình tức thì tuột rơi; thoắt cái, mình cũng tự dưng mất dạng. Tập thể kẻ viết người đọc ngơ ngác một lúc. Rồi cuộc sống tiếp tục.
Nghĩ đến cảnh tượng ấy, tôi mân mê mãi mấy câu thơ của Tô Thùy Yên. Có lẽ chính Tô Tử, ông cũng tẩn mần bên các dòng chữ của ông trước sau đôi lần không nỡ rời.
Một lần:
“Thức cho xong bài thơ.
Mai sớm ra đi,
Cài hờ lên cửa tặng.”[2]
Một lần nữa:
“Trời rạng. Chuyến đi không hoãn được.
Bài thơ tâm phát dẫu chưa xong,
Xin vẫn cài hờ lên cửa tạ.”[3]
Tôi mân mê quyến luyến. Rồi một ý kiến bất chính len vào đầu: Ông Tô tuổi chưa cao, sức chưa xuống, tình còn nồng; ông đi đâu mà vội mà vàng; chuyến đi hoãn được lắm, ông cài thơ lên cửa lúc này e sớm chăng? Hay là mình… Thơ chỉ cài hờ, dễ bóc mà, bóc nó ra, lấy chất keo tốt dán thật chắc lên cửa nhà mình! Tài cao như Tô Tử ông ấy viết bài khác mấy hồi? Thế là tôi phăng phăng tiến hành. Và xin trình ra thơ tạ từ đã gỡ của ông Tô Tử, trình ra với tất cả tấm lòng biết ơn sâu xa toàn thể các độc giả, tức những kẻ đã cùng với mình hoà hợp mật thiết trong việc tạo nên tác phẩm nọ kia, làm ra lẽ vui một đời mình.
Võ Phiến
Tháng 10-2004
_________________________
[1]Cuốn Sésame et les Lys của John Ruskin.
[2]Bài “Tặng phẩm”, bài đầu trong tập Thắp tạ.
[3]Bài “Thơ tạ”, bài cuối trong tập Thắp tạ.
(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)