Winston Phan Đào Nguyên: Lá thư Penang của Trương Vĩnh Ký – 1859 (P1)

Winston Phan Đào Nguyên, Esq.; L.M. Nguyễn Công Đoan, SJ, L.M. Trần Quốc Anh, SJ, chuyển dịch Việt ngữ và chú thích

Chân dung Pétrus Trương Vĩnh Ký chụp ngày 6 tháng 7 năm 1883

PHẦN 1. GIỚI THIỆU LÁ THƯ PENANG

I.Sơ Lược Tiểu Sử Petrus Ký và Bối Cảnh Lịch Sử Của Lá Thư Penang

II.Lai Lịch Của Lá Thư Penang

III.Những Điểm Chính Của Lá Thư Penang 

PHẦN 2. BẢN DỊCH QUỐC NGỮ LÁ THƯ PENANG

Ghi Chú: Về điển tích trích từ Kinh Thánh và lịch sử Việt Nam trong Lá Thư Penang

Phụ Lục: Tiếng La-tinh và sách Thánh trong Lá Thư Penang

Tham khảo

PHẦN 3. LÁ THƯ PENANG TIẾNG LA-TINH ĐƯỢC CHÉP LẠI

PHẦN 4. LÁ THƯ PENANG NGUYÊN VĂN LA-TINH DO PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ VIẾT TAY

PHẦN 1

GIỚI THIỆU LÁ THƯ PENANG

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ AN NAM – NAM KỲ TRONG GIAI ĐOẠN 1859-1860

Petrus Trương Vĩnh Ký sanh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, dưới thời Minh Mạng. Năm 1845, vào tiểu chủng viện Cái Nhum học với linh mục Henri Borelle (tên Việt là Hoà). Năm 1849, học với linh mục Charles-Émile Bouillevaux (tên Việt là Long) lúc đó mới từ Pháp sang Cái Nhum. Năm 1850, đi cùng linh mục Bouillevaux sang học tại chủng viện Pinhalu bên Cao Miên. Năm 1851, được nhận vào học ở đại chủng viện (Trường Chung) ở Penang (Poulo Pinang, Pulau Penang) tại Mã Lai (Malaysia). Năm 1858, trở về Cái Mơn sau khi mẹ chết.  

Vào khoảng thời gian này, liên quân Pháp – Tây (Ban Nha) bắt đầu tấn công Đà Nẵng.  Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1858, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc (Vice Amiral) Rigault de Genouilly, liên quân chiếm bán đảo Sơn Trà và bắt đầu cuộc chiến với triều đình nhà Nguyễn. Sau khi thấy không thể tiến đánh Huế được, Rigault de Genouilly chuyển hướng qua tấn công Nam Kỳ. Ngày 18 tháng 2 năm 1859, liên quân chiếm thành Gia Định. 

Một trong những phản ứng đầu tiên của Triều đình Huế là gia tăng việc bắt đạo ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng. Trong hoàn cảnh đó, vào mùa thu năm 1858, sau sáu năm học tập ở đại chủng viện Penang, vì mẹ chết nên Petrus Ký trở về quê nhà ở Cái Mơn. Và trong thời gian vài tháng đầu khi mới trở về, Petrus Ký phụ giúp linh mục Henri Borelle (tức Hoà) dạy học tại tiểu chủng viện Cái Nhum, nơi gần với quê nhà ông ở Cái Mơn. Cả hai nơi này đều có nhiều giáo dân Thiên Chúa Giáo người Việt. Họ được linh mục Borelle, người phụ tá cho giám mục Dominique Lefèbvre, coi sóc. Và giám mục Lefèbvre (tên Việt là Ngãi) chính là người cai quản giáo dân của toàn thể địa phận Tây Đàng Trong, bao gồm cả xứ Cao Miên và lục tỉnh Nam Kỳ.

Chiến dịch bắt đạo tại miền Tây Nam Kỳ của nhà Nguyễn sau khi quân Pháp đánh Đà Nẵng được khởi đầu với cuộc lùng bắt linh mục Henri Borelle và các phụ tá của ông tại Cái Nhum vào ngày 9 tháng 12 năm 1858. Petrus Ký, một phụ tá của linh mục Borelle, đã may mắn thoát được cuộc lùng bắt này và chạy lên Sài Gòn tị nạn. 

Đó là bối cảnh lịch sử cho lá thư Penang. 

Và đó cũng là bối cảnh lịch sử cho một lá thư khác được ký tên Petrus Key, mà chúng tôi cho rằng là một bức thư mạo danh Petrus Ký như một người theo đạo Thiên Chúa có gốc gác ở miền Lục Tỉnh đã viết thư cầu cứu quân Pháp sang Việt Nam để giải cứu giáo dân Việt Nam đang bị nhà Nguyễn truy bắt.

Để biết thêm về lá thư ký tên Petrus Key nói trên, xin xem: «Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký vào Thế Kỷ 19» / Winston Phan Đào Nguyên, tại URL này.

II. LAI LỊCH CỦA LÁ THƯ PENANG

Chúng tôi có được bản phóng ảnh (photocopy) và bản dịch tiếng Pháp một lá thư bằng chữ La-tinh viết tay của Petrus Ký (Lá thư Penang) gửi cho các bạn đồng học ở Penang, là do bà Christine Nguyễn trao lại. Bà Christine Nguyễn, một hậu duệ (cháu cố) của Petrus Trương Vĩnh Ký, trong khi nghiên cứu làm luận văn Cao học ngành Thư Viện Học (Master of Library Science) tại Graduate School of Library and Information Studies, New York năm 1992, đã được Linh Mục Moussay của Thư viện Hội Thừa Sai Paris (Missions Étrangères de Paris, 128 Rue du Bac, 75007 Paris, France), tặng cho bản phóng ảnh lá thư Penang của Petrus Ký đang được lưu trữ trong Thư viện của Hội. Một bạn học người Pháp của bà Christine Nguyễn là Anne Madelin đã nhờ linh mục Antoine Lauras thuộc Dòng Tên (Société des Jésuites = S.J.), giáo sư dạy văn chương Hy-lạp và La-tinh tại các Đại Học ở Paris, dịch ra một bản tiếng Pháp.

Nhưng vì là một bản viết tay hơn 150 tuổi, lại thêm kỹ thuật sao chụp hơn hai chục năm trước (1990) chưa đủ tiến bộ, rất khó khăn để có thể đọc được thông suốt lá thư này. Thêm nữa, vì có lẽ giáo sư Antoine Lauras không biết tiếng Việt, cũng như địa dư, văn hóa và lịch sử Việt Nam, nên bản dịch bằng tiếng Pháp của ông có nhiều chỗ rất khó hiểu, hoặc không được chính xác.

Do đó, trong nỗ lực nghiên cứu lá thư Penang một cách khoa học, chúng tôi cần trước hết là đọc được toàn văn lá thư bằng tiếng La-tinh từ bản chép tay. May mắn nhờ hai tu sĩ là linh mục Dòng Tên người Việt đang nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ về lịch sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam – một người ở Paris, một người ở Rome – chúng tôi đã có được một bản sao chụp với kỹ thuật số mới (digital copy) rõ ràng hơn. Từ đó, chúng tôi đã có thể đọc ra và chép lại được toàn văn lá thư bằng tiếng La-tinh.

Tiếp theo, chúng tôi đã cùng làm việc để hiểu, chép lại, và dịch chính xác tối đa lá thư Penang từ tiếng La-tinh ra tiếng Việt, với tôn chỉ là phải giữ lại giá trị lịch sử của văn bản này càng nhiều càng tốt.  Vì lý do đó, chúng tôi đã cố gắng dịch nhưng vẫn giữ lại thứ tự trong câu y nguyên như văn bản La-tinh – cho dù việc này làm cho bản dịch có vẻ không mấy văn chương – nhưng lại tiện lợi cho việc so sánh giữa nguyên bản và bản dịch. Kế đến, chúng tôi đã cố gắng chuyển sang tiếng Việt cho gần giống với văn phong của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người Nam Kỳ ở thế kỷ 19. Việc này rất khó khăn, vì chúng tôi không thể dùng những chữ đang được dùng một cách phổ thông ngày nay nhưng lại không có trong thế kỷ 19, do chúng chỉ xuất hiện sau đó vào thế kỷ 20. Sau cùng, để người đọc có thể hiểu rõ thêm nội dung lá thư, chúng tôi, trong khả năng của mình, đã cố gắng làm đầy đủ những chú thích về những sự kiện và nhân vật lịch sử được nói đến trong thư, cũng như những đoạn văn liên quan đến Thánh Kinh hay những châm ngôn điển tích Hy-La đã được tác giả nêu ra trong thư. 

III. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA LÁ THƯ PENANG

Lá thư Penang là một trong những tài liệu lịch sử nguyên bản vào thế kỷ 19 rất hiếm hoi của Việt Nam. Nhưng lá thư này đặc biệt đáng được lưu ý vì hai lý do sau đây:

– Lý do thứ nhất, tuy là thư của một người trong cuộc viết cho bạn bè ở trường đào tạo giáo sĩ Công Giáo tại Penang để kể cụ thể và chi tiết về một vụ bắt bớ các tín hữu theo đạo Thiên Chúa ở Cái Mơn (Vĩnh Long) và Đầu Nước (Châu Đốc), nhưng qua đó tác giả giúp chúng ta hiểu thêm nhiều về bối cảnh lịch sử, chính trị và xã hội của nước ta và riêng của xứ Nam Kỳ. 

– Lý do thứ hai, tác giả bộc lộ rõ ràng thái độ của mình là người kế thừa xác tín của những người tin thờ Thiên Chúa. Qua lá thư Penang, Petrus Ký cho thấy là đã không bao giờ trông chờ vào ngoại bang hay bạo lực để giải thoát các tín hữu khỏi bị bắt bớ giết hại vì theo đạo. Trước những nghịch cảnh khi bị lùng bắt, ông chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Sau cùng, ông cho rằng việc quân Pháp đánh Việt Nam với danh nghĩa để giải cứu các giáo dân, thật ra chỉ làm cho tình hình của giáo hội Việt Nam ngày càng thêm bi đát hơn mà thôi. 

Sau đây là bản dịch sang quốc ngữ Lá Thư Penang của Petrus Ký. 

Phần ghi chú và phụ lục được cho vào cuối bản dịch để giải thích thêm về lịch sử Việt Nam, điển tích trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, để độc giả hiểu rõ thực trạng lúc bấy giờ đã được Petrus Trương Vĩnh Ký mô tả cặn kẽ trong Lá Thư này

***

Chúng tôi xin cám ơn bà Christine Nguyễn, Anne Madelin, hai tu sĩ nghiên cứu sinh ở Paris và Rome, bà Phạm Thị Lệ Hương, bà Nguyễn Thế Học (tức nhà văn Phạm Thảo Nguyên), bà Nguyễn Thị Nga, Bác sĩ Tiêu Minh Thu, và ông Vũ Nguyễn, đã cung cấp tài liệu ban đầu, phối hợp mọi việc để giúp cho chúng tôi hoàn thànhdịch sang quốc ngữ Lá Thư Penang này.

California, tháng 1-2021

Winston Phan Đào Nguyên 

LM Nguyễn Công Đoan, SJ

LM Trần Quốc Anh, SJ

PHẦN 2

BẢN DỊCH QUỐC NGỮ LÁ THƯ PENANG

***

A.          M.          D.          G. [1]

Gởi tất cả anh em của tôi tại 

Trường Chung [2] truyền giáo hải ngoại ở Pulo-Pinang

__________________________________________________

Xin dọn lòng [3]và đón nhận cuộc Chạy Trốn Nhiều Chuyện [4], các anh em của tôi

Từ Nam Kì lục tỉnh hoặc Từ Tây Đàng Trong [5]

A.   M.   D.   G.   M [6]

___________________________________________________

1859

Người anh em của các anh em, Pet. Ký

Chữ Ký[Phóng ảnh chữ ký của Trương Vĩnh Ký trích từ trang đầu của thư viết tay bằng La-tinh]

<trang 1>[Trang 1 này không liên quan tới lá thư, chỉ là một tờ dùng làm bìa, và được lấy từ một cuốn sổ dùng để ghi số người lãnh nhận các bí tích năm 1858, ở Hà Giang, tỉnh Long Tường]

<trang 2>

A.M.D.G.                  A.M.D.G.M

J.M.J [7]

____________________________________________________

Vì chưng thời giờ không cho phép tôi viết riêng cho từng anh em, mà tôi cũng không có huỡn để làm rầy tai người khác; tôi mong là không làm anh em phiền lòng khi tôi kể ra đây cho mọi người về những việc đã xảy ra, mà nếu viết cho từng người, thời tôi cũng phải kể. Thời gian và nơi chốn dễ dàng dong thứ cho tôi. Những gì tôi kể dưới đây về các người xưng đạo [8], là sự thật, vì chưng những đều ấy đã được thuật lại, bởi các người đã nhận lịnh của bề trên có chức quờn [9] để làm việc này, ngay tại nơi xét xử. [10]

Thưa anh em rất thân mến của tôi trong Đức Christo (Khi-ri-xi-tô) [11].

Chúc tụng Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-su [12] Khi-ri-xi-tô Chúa chúng ta, là Cha hay thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi, ngài an ủi chúng tôi trong mọi sự khốn khó [13] của chúng tôi! Thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về sự gian nan đã xảy tới cho chúng tôi tại xứ Annam [14], chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức mình, đến nỗi chẳng còn thiết sống nữa [15]. Nhưng chúng tôi không cậy mình, mà chỉ cậy vào Đức Chúa Trời, là đấng khiến kẻ chết sống lại, là đấng có quờn phép để giải cứu chúng tôi khỏi những hiểm nguy lớn lao dường ấy, là đấng mà chúng tôi trông cậy sẽ cứu chúng tôi nữa và sẽ cho chúng tôi được khởi huờn trong Đức Khi-ri-xi-tô Giê-su [16].  Vậy tôi xin báo cho anh em hay những đều gì xảy ra cho chúng tôi mà quan quờn đã nói và đã làm. Và tôi cũng kể cho anh em đặng hay, thưa anh em, ơn Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội Thánh ở Annam từng chịu nhiều sự khốn nạn. Hãy đồng lòng cất tiếng lên cùng Đức Chúa Trời, là đấng đã dùng Đức Chúa Thánh Thần qua miệng đầy tớ Ngài là David (Đa-vít) [17] Tổ Phụ [18] chúng ta mà phán dạy. Vì quả thật trong xứ này người ta đã hiệp nhau chống lại người Con Rất Thánh của ngài là Đức Chúa Giê-su, đấng mà Đức Chúa Trời đã xức dầu phong vương trên núi thánh, khi công bố lịnh truyền của ngài [19]. Vậy giờ đây anh em, chúng tôi xin và van nài anh em trong Đức Chúa Giê-su, hãy cầu nguyện cho chúng tôi để Đức Chúa Trời nghe thấy những lời đe dọa của kẻ nghịch chúng tôi cùng ban cho các tôi tớ của Ngài được vững lòng rao giảng lời của Ngài và xưng danh Chúa ra càng hơn [20]. Chẳng bớt đi những ngày này, thời chẳng sanh linh nào đặng thoát! [21] Từ ngày đoàn chiến thuyền Pha-lang-sa [22] tới Touron [23], thời đối với các bổn đạo [24] cần trợ giúp, thuốc thang lại còn tệ hơn chứng bịnh! Họ bị phát tán và phân sáp [25]! Họ lánh vào nơi vắng vẻ và chẳng đặng nghỉ ngơi! Họ như chiên cừu [26] chẳng kiếm ra đồng cỏ!

<trang 3>

Các nhà thờ [27] bị triệt hạ: các Thầy Cả và các Thầy Lê-vi [28] trong lao tù ngồi trên nền đất tối tăm, người già thời thinh lặng, con trẻ thời buồn bã trong gông cùm. Còn những dì phước thời gục đầu xuống đất! Thập Tự Giá được đặt trên các nẻo đàng tới các cửa thành[29], trên lối ra vào trạm canh, để tùy theo sự tôn kính hay lơ là đối với thập tự giá mà nhận ra các bổn đạo[30]. Trạm canh trên sông rạch nhiều hơn ở các nơi khác [31]. Vì vậy nỗi run sợ bao trùm khắp nơi và sự kinh hãi chiếm đầy tim óc, chúng tôi chỉ sống nhờ vào lòng trông cậy mà thôi: lưỡi gươm bên ngoài, nỗi sợ bên trong. Cả nước vang rần tiếng khí giái, khí giái chống lại Tây dương nhơn, hung dữ [32] với người bổn đạo. 

Nhưng vậy, ngoài những đều đã xảy ra cho tôi, thì khoảng ngày thứ 19, sau khi Đ. Khâm mạng đại thần [33]đặng triệu hồi đã đi về [34], thời Tờ mật hay chỉ mật của Cơ Mật Viện [35]được gởi tới mọi tỉnh thành trong cả nước và dạy kiếm những thầy thuốc danh tiếng nhứt và kinh nghiệm nhứt kể cả đờn bà để đưa về Huế. Vậy nên ông huyện Tân Minh đã tấn cử ông Cả Thiện (người đã bị bắt cùng một lượt với Đức Thầy [36]của chúng tôi, nhưng đã được tha nhờ lịnh ân xá ban ra vào ngày đăng quang của vua Tự Đức?) [37]. Vừa khi thấy mặt ổng, ông Thượng tổng đốc Vỉnh Long (ông tổng đốc này là bạn của đạo chúng ta cũng như con heo là bạn của dầu thơm [38]; ổng là người đã viết bản án xử ông Thái Bộc [39], vì lúc đó ổng làm Thượng thơ cho nhà vua tại Huế) [40] liền nổi giận, bắt đầu quở trách sự vô ý của ông huyện: Lão huyện lếu! Chúng ta chỉ kiếm những kẻ trung tín với hoàng thượng. Mà bọn theo đạo Da-tô là phường vong ân với Đức Kim Thượng của chúng ta. Thằng này cùng một phồn với đám đó, thời cách chi mà nó trung tín với Hoàng Thượng cho đặng? Lính đâu đóng gông nó giải về Trại. Vài đứa bay đem lão huyện tới đây cho tao. Họ tuân lịnh. Ông huyện tới. Nhưng ông Thượng lúc này như bị há miệng mắc quai [41] nên chỉ rầy la sơ sịa rồi dạy thả ông huyện về cho rảnh, và xử theo lề luật. Nhưng ông bố [42] – người từng chịu ơn Cả Thiện – đã trách móc ông huyện cách dữ tợn rằng: Lão muốn, ông nói, sát nhơn dễ dàng làm vậy chăng? Lão dẫn người ta đi xử tử mà không cho thời giờ để kháng án sao: Cứu người ta đi chớ?

Việc ra thể ấy là do ông huyện đã viết thơ tấn cử Cả Thiện, mà lại thiệt thà kết thúc lá thơ với hàng chữ: danh Thiện gia-tô [43] tả đạo nguyên tiền án [44].  Song le ông huyện không đáng bị bắt tội vì việc ấy, bởi ông tưởng mình đem danh giá tới cho ông Cả Thiện. Đều này có thể được chứng thật cách chắc chắn [45].

Trong lúc ấy ba ống thượng mả [46] tới cùng một ngày. Sau khi đọc xong ông Thượng sai ông Đội cùng với binh lính tớiCái Nhum [47], nơi tôi đang ở cùng với Cha Borelle (Hòa) là giám quản của địa phận [48], và Cái Mơngb [49] là nơi hai Cha Tùng và Cha Quí [50] đang coi sóc các bổn đạo.

<trang 4>

Chúng tôi chạy trốn, Cha Borelle theo đàng sông, tôi theo đàng rừng. Khi họ khám xét nhà các bổn đạo thời tôi phải núp trong lùm cây rậm, còn các cha, các thầy và các học trò, mạnh ai nấy chạy tứ tán: mỗi người một nơi lo tìm chỗ núp cho khôn khéo và an toàn. Lúc đó chúng tôi đặng tin báo là kẻ nghịch sắp sửa tới họ đạo Cái Mơng. Song sự cấp bách ấy đã bị cản trở rất nhiều bởi đám ma của Hương Thân TánhÔng tổng Trị, người mà chúng tôi chắc phải chịu ơn hung lắm, đã sốt sắng lo liệu cho người ta không bắt được cái chi thuộc về các bổn đạo, nhứt là của các thầy cả. Song ngặt nỗi quan quân từ Long hồ đang có mặt ở đó, ổng không biết làm sao báo tin cho Cái Mơng, dầu ở rất gần đó: vậy nên ổng giả bộ đuổi một trong những thằng lính lệ của mình ra ngoài cùng dạy nó núp dưới nhánh cây gừa [51] lội đi báo tin cho các bổn đạo Cái Mơng biết là kẻ nghịch sắp tới. Nhưng những kẻ bắt đạo dựa vào kẻ do thám đã được sai đi, thình lình vô tới nhà phước Cái Mơng, nơi mà sách vở, ảnh tượng và rất nhiều vật quốc cấm – đang bày ra chưa kịp đem đi giấu. Mọi thứ đã bị bắt gặp trong tình trạng ấy [52]. Bị bắt là hương thân Hòa, hương hào Trước, thôn trưởng Liệu, bà Lành bề trên của các dì phước, chị Nguyệt dì phước, chú Ngoạn, bà Hải. Quan huyện, Cai tổng và các chức sắc sở tại được gọi tới, niêm phong nhà cửa cùng tịch thâu của cải. Sau khi cho người canh gác nhà cửa của những người bị bắt, thời họ trói, đóng gông từng người tùy theo đờn ông đờn bà giải về dinh trấn Long hồ. Ắt là trúng nhằm ngày hội hàm? [53] Tại buổi hội có ông Thượng, ông Bố, ông Án [54]. Họ ra lịnh tra khảo tức thời. Sau khi đốt đuốc sáng cả trong lẫn ngoài và xếp đặt quân lính phục dịch họ bắt đầu tấn [55]những người bị bắt. Đây là những lời chứng thật của các người xưng đạo (lời Khai)[56]. Khi họ bị điệu tới trước mặt Các Quan, tay chơn họ đều bị trói vô nọc [57] và với roi vọt đe dọa hờm sẵn, cuộc tra khảo bắt đầu.  

1. Vậy, tôi kể theo thứ tự, những nạn nhơn vô tội và gan đởm của chúng ta bị dẫn tới trước phiên tòa của ông thượng, một con cọp rất đỗi khát máu người.

Đây, người anh hùng thứ nhứt bước vô sân đấu [58] là hương thân Hòa! Vị Chủ Tọa [59]bắt đầu hỏi như vầy: Mầy theo đạo Da tô phải không? Đáp. Dạ phải. Mầy có biết các đạo trưởng ở đâu không? Đáp. Thưa không. Mầy là người xây nhà phước [60] cho Thị Lành phải không? Đáp. Thưa không. Mầy là thần dân của đức vua [61], mầy ăn cơm gạo của đức vua, do đâu mà mầy biết có thiên đàng, có địa ngục, rồi lại có Chúa trên trời? Đáp. Thưa tôi đã nhận được từ ông cha tôi đạo Da-tô mà tôi nghĩ là phải giữ cho tới chết, bởi tôi thiệt tình tin có Đức Chúa Trời, tôi tin ở Đức Chúa Trời và tôi tin vào Đức Chúa Trời. Đạo của tôi dạy rằng có ba đứng quờn phép mà chúng tôi phải vưng phục là 1. Thượng phụ 2. trung phụ và 3. hạ phụ [62]. 1. là Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng đã dựng nên trời đất, nhựt nguyệt và các vì tinh tú, nhờ sự xây vần của chúng mà thành ra 4 mùa trong năm. Mắt tôi chẳng xem thấy ngài, nhưng tôi nhận biết được nhờ các việc làm của ngài. 2. là đức vua, mà đạo tôi dạy tôi phải trung thành, phải nộp thuế, đi lính, vân vân… chẳng khá hồ nghi. Vả lại thưa quan lớn,

<trang 5>

quan dạy tôi rằng có đức vua, là người lấy bổng lộc vinh huê mà thưởng cho bầy tôi ngay lành và trung tín có công đối với người, và dùng cực hình trừng phạt những kẻ xấu đặng răn đe không cho đều ác lộng hành. Bởi đó nên tôi phải tin là có đức vua, dầu mắt tôi chẳng thấy người, mà bởi tôn kính người nên tôi chẳng dám làm giống gì trái luật vua phép nước. Còn về đạo Da-tô mà Đức Hoàng Thượng cấm thời tôi thà chết chớ chẳng thà chối bỏ mà xúc phạm Đức Chúa Trời cùng mang tội vong ơn bất hiếu với cha mẹ tôi, là những người đã dạy dỗ tôi trong đạo thánh này, về những gì không trái luật thiêng liêng. Vậy nên tôi thà chết tức thời còn hơn là chối bỏ đạo này.  Quan toan dùng lời dụ dỗ đặng làm xiêu lòng người anh hùng xưng đạo nên nói rằng: Vô tội, hay có tội thời cũng nhẹ thôi, nhưng đối với mầy thì đáng bị phạt. Như mầy chịu khóa quá [63] thời tao sẽ thả ra và phục chức cho. Mầy cũng là kẻ có danh giá với chức phận làm đầu trong làng xóm, cớ chi lại làm cho thân phận mầy thành ra thấp hèn và cam chịu cực hình làm vậy? Đáp. Xin quan dong thứ, thưa Đại Quan, ngài muốn xử tôi cách nào, tôi cũng vui lòng chịu; còn như khóa quá, thời tôi chẳng bao giờ dám làm. Đoạn quan dạy đánh ông ta 25 roi.

2. Bà nhứt Lành [64] được dẫn ra tòa. Quan: Mầy theo đạo Da-tô phải không? Đáp. Dạ phải, tôi theo đạo Da-tô. Tiếp theo là một tràng lời khai vòng vo như thể muốn làm rối trí ông quan. Bà nói rằng xây nhà phước từ từ như loài kiến [65]. Còn về các đồ vật khác như ảnh tượng, thập giá, khăn [66], áo lễ, sách vở bằng chữ cái La-tinh vv… thì bà đổ thừa hết thảy lên lưng Cha Thán là người đã bị đày biệt xứ [67]. Vì chưng Quan chẳng thể theo kịp chuỗi lời của bà nên liền chặn giữa chừng mà rằng: Ê! Mầy có ưng chịu khóa quá chăng để tao thả ra? Đáp. Từ khi tôi biết đạo thánh Đức Chúa Trời tới nay, tôi hằng vưng giữ lẽ đạo này và lòng tôi thời: Thà chết còn hơn là chối đạo. Thành ra quan lớn muốn xử tôi cách chi thời tôi cũng sẵn sàng mà chịu đựng chớ tôi không chối đạo và dối lòng tôi. Nghe vậy quan nói rằng: Con này khẩu quái trợ ngử [68] bay! Đánh! Dạ! Bà lãnh 29 roi. Khi cánh tay gân guốc quất những ngọn roi trên lưng, bà kêu cầu danh Giê-su và Maria. Rồi đó Quan dạy vả miệng bà. Nhưng người lính nhơn đạo hơn, lại nhờ ánh sáng nhá nhem che lấp đã gượng tay lại cho việc làm bất nhơn này. Chuyện Bà nhứt Lành là vậy.

3. Elizabeth (Y-sa-ve) Ngọ [69]

Khi chị bị dẫn qua cửa, một người lính đặt cây Thập Tự Giá xuống trước chưn chị mà chị bước tránh đi thì bị hai người lính khác cầm gông lôi lại nên chị nói rằng: cần chi mà lôi kéo tôi? Kệ tôi, tôi bước đi được và tôi muốn đặt chưn chỗ nào là tùy ý tôi. Lúc đó Quan mới ra lịnh cho chị tự ý bước đi. Rồi khi cho nọc chị 

<trang 6>

xuống đất, quan hỏi rằng: – Mầy theo đạo Da-tô phải không? Đáp. Dạ phải: chẳng những vậy thôi mà tôi đã được sanh ra trong đạo và sống với đạo từ đó tới giờ. Mầy có biết mấy đạo trưởng núp ở đâu chăng, cả Tây dương và An nam? Đáp. Thưa làm sao tôi biết đặng bây giờ mấy người đó đương ở đâu. Hỏi. Mầy bắt đầu ở với Martha (Thị) Lành [70] từ hồi nào? Đáp. Dạ 5 hay 4 tháng nay. Hỏi. Ở đó mầy có học chữ, học đạo hay đều gì khác nữa chăng? Đáp. Thưa tôi học kinh kệ và nghề canh cửi. Còn chuyện chi khác nữa, thời tôi hoàn toàn không biết. Hỏi. Mầy có chịu khóa quá để tao tha về không? Đáp. Không bao giờ. 25 roi đánh chị là lịnh dạy. Trong khi chịu đau vì roi đòn, chị bật ra tiếng rên với lòng sốt sắng xứng hiệp của một trinh nữ theo đạo Da-tô, Giê-su! Maria! Quan liền chế nhạo rằng: Kêu đi, kêu ông Giê-su của mầy để ổng chịu thay cho mầy! Nghe lời nhạo báng ấy, chị thong thả đáp lại rằng: Không ai có quyền ra lịnh cho tôi như vậy! Tôi kêu cầu khi nào tôi muốn và mỗi khi đức tin của tôi dạy biểu tôi. Roi tiếp tục quất xuống và chị kêu, Giê-su! Maria! Quan tổng đốc này mím môi mà rằng: Con này lạ lùng dữ bay! Biểu nó kêu thì nó im còn biểu nó im thì nó kêu! Quan dạy vậy là đủ. Người thứ tư bị dẫn tới.

4. Chú Ngoạn

Anh trai trẻ có lòng sốt sắng tin cậy này khi bị dẫn đi đã chẳng những đi theo mà còn vui vẻ đi trước làm người dẫn đường cho các người phục dịch ở tòa. Thấy mặt anh ta các quan nói với nhau rằng: Thằng này coi bộ chẳng sợ hãi gì sốt! Câu hỏi thứ nhứt cho những người khác ra sao thì cho anh ta cũng vậy: – Mầy là người theo đạo Da-tô phải không? – Dạ phải, tôi là người theo đạo Gia-tô. – Mầy có biết các đạo trưởng người Ngoại Quốc hay người bổn xứ ẩn núp ở đâu chăng? – Thưa họ không có ở đây. – Mầy có muốn khóa quá để tao ra lịnh tha về chăng? – Cách chi đi nữa cũng vậy, xin ngài dong thứ, thưa Đại Quan, đối với tôi, dầu bắt tội tôi, dầu đánh đập tôi, tôi cũng cam lòng; còn như chối bỏ đạo của tôi, thời tôi chẳng bao giờ chịu. Tôi thà chết còn hơn! Quan liền dạy đánh anh 18 roi. Trong khi chịu số roi đó thì anh ta kêu tên thánh Giê-su, Maria. Quan cũng lại chế nhạo anh ta mà rằng: Kêu ông Giê-su của mầy tới chịu thay cho mầy đi!

Sáng hôm sau tất cả những người này lại được lịnh ra trước tòa quan lớn lần nữa vẫn tại chốn diễn tuồng [71], cũng lại do ông thượng làm chủ tọa phiên tòa.  Lần tra khảo này (Mat-ta) Martha Lành chịu 18 roi, lần thứ ba 14 roi và lần thứ tư 39 roi bầm dập nhưng nhờ ơn Chúa giúp đỡ bà vẫn kiên trì xưng đạo dầu cho nửa sống nửa chết, đầu cổ da thịt nát tan cùng máu chảy dầm dề. Để anh em thấy ông thượng bất nhơn tới cỡ nào, ở lần tra hỏi thứ tư thì bả đã bị tan da nát thịt tới độ không thể gượng dậy nổi nên những người lính đã phải khiêng bà ta trên giường mà đưa ra tòa. Thấy vậy, Quan nổi trận lôi đình mà rằng: Ai, đã ra lịnh cho bay khiêng nó? Như nó chẳng đi tới đặng, thời lôi nó. Như nó không muốn khóa quá, thời đánh cho chết luôn, rồi liệng xác đi khỏi cần chôn cất. Nói xong, như để trừng phạt những kẻ có lòng nhơn hơn mình, quan dạy đánh đòn mấy người lính đó. Đoạn bà (Mat-ta) Martha Lành bị đánh hung quá tới nỗi mấy người đánh đập và tra tấn bà 

<trang 7>

hô lên: nó chết rồi. Tới chừng đó mới ngừng đánh. 

Hương Thân Hòa bị nọc xuống đất trong lần tra khảo thứ ba, Quan hỏi ông muốn khóa quá hay là chịu tra tấn. Ổng trả lời châm bẫm làm vầy: Thưa Đại Quan, dầu ngài ra lịnh giết tôi, dầu ngài đày tôi, tôi cũng sẵn lòng chịu, còn xúc phạm đến Thập Tự Giá như quan dạy thì làm sao tôi dám vì đó là hình tượng của vua trời đất mà tôi thờ phượng và thương mến từ hồi còn nhỏ dại. 17 roi cho ông ta. Trong lúc bị tra tấn cách dữ tợn, ông kêu cầu Giê-su và Maria! Khi nghe vậy, Quan chỉ ngón tay vào ảnh Chuộc Tội [72] bày trước mắt ông mà rằng: Chúa của mầy đây! Kêu ổng tới mà chịu thay cho mầy! Ba ngày sau ông lại lãnh 50 roi xuống lưng bởi ông không chịu chối bỏ đạo thật của ông bà. Những trận roi liên tiếp ấy làm ông ta kiệt sức tới độ hơi thở chỉ còn thoi thóp qua đôi môi [73].

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với cảnh tượng bi thảm, khi mà sự trì chí và sức mạnh của hai vị anh hùng sau cùng sáng tỏ rất là cả thể. Petrus (Phê-rô) Ngoạn trong đợt tra khảo thứ 2 và thứ 3 bị 60 roi. Mầy chắc là đạo trưởng? Quan phán, bởi mầy lúc nào cũng không chịu khóa quá mà bỏ đạo của mầy? Dạ không, Petrus Ngoạn trả lời, tôi là một người thợ nghèo, đổ mồ hôi và làm lụng mỗi ngày để kiếm sống, nhưng chẳng có cách chi mà tôi chối bỏ đạo của tôi! Ấy vậy sau khi kẻ nghịch [74] muốn làm anh ta kiệt sức, không như những người khác, là chịu để cho người ta khiêng thời anh ta ráng bước đi một mình cho dầu chơn anh cà nhắc vì đau và máu anh tung tóe trên sàn nhà như để lưu lại khắp nơi tì vích về sự tàn ác của các ông quan. Mấy ông cai đội [75] nói với anh ta rằng: mầy sợ giống gì? Mầy cứ vưng theo Luật Vua đi để được tha về nhà, rồi đi xưng tội để được tha nếu như đó là một cái tội. Đối lại lý lẽ đó, anh ta nói rằng: Giả dụ như có tượng vua xứ này để trước mặt mấy ông – rồi bị ép buộc đạp chơn lên tượng đó, không nghi ngờ gì là mấy ông chẳng bao giờ dám làm. Thời những người theo đạo Da-tô như chúng tôi có hơn gì để lòng dạ nào mà dám lấy chơn khi dễ Thập Tự Giá là dấu thánh ơn cứu độ của chúng tôi, là hình ảnh nhắc đến Chúa chúng tôi, Chúa trời đất, Chúa trên các chúa và Vua trên các vua? – Ấy vậy, họ nói tiếp rằng, mầy cứ giữ ý mầy trong bụng, còn ở ngoài thì mầy tuân theo lệnh vua. Người xưng đạo đáp rằng: Cái gì của Caesar (Xê-da) thì trả cho Caesar (Xê-da), của Đức Chúa Trời thì trả cho Đức Chúa Trời! [76] Vậy cái chi mà tôi thiếu nợ nhà vua thì tôi trả cho nhà vua, như là đi lính, xâu thuế vv… Sao mấy ông lại cấm tôi trả lại cho Đức Chúa Trời đều gì thuộc về Đức Chúa Trời (là đấng lớn hơn vua nhiều)? Đức Chúa Trời,

<trang 8>

do cánh tay quờn phép của Ngài mà trời, đất và mọi vật trên mặt đất, được tạo thành, 4 mùa khác biệt cùng sanh sản những gì làm của ăn nuôi thân xác, sao mấy ông lại biểu tôi từ chối bổn phận của tôi với ngài? Tôi sẵn sàng chịu lấy cái chết, còn hơn là nhận lời mấy ông đưa ra. Vậy nên các tay chúa ngục [77]này tức giận tới nỗi khi tù nhơn đương ăn cũng không ngừng chưởi mắng và hành hạ. Quan còn dạy chẳng đặng đưa đồ ăn cho tù trước khi thắp nhang cúng vv… theo kiểu người ngoại đạo. Nhưng khi đồ ăn được dọn lên thì Petrus (Phê-rô) Ngoạn cứ ăn mà chẳng e dè chi, những người khác cũng vậy – anh ta nói với mấy người làm các lễ nghi mê tín dị đoan rằng: mọi thức ăn đều do Chúa tạo ra. Tôi là con của ngài thì tôi cứ ăn thứ gì ngài ban cho tôi để làm của ăn, chớ tôi chẳng cúng chẳng quải cho ai hết [78].

Sau cùng Elizabeth (Y-sa-ve) Ngọ kết thúc vở tuồng [79]! Quan tức mình bởi đã uổng công tìm cách phun nọc độc tàn ác của ông ta lên người con gái của Thập Tự Giá thuộc phái yếu này [80], như khi đã thử mà chẳng đặng gì trong lần tra khảo thứ hai với 30 roi. Trong trận chiến cuối cùng này, Quan nổi cơn thạnh nộ cho đánh bất kể kỳ số. Nếu như anh em muốn biết con số thiệt thọ, thì nên biết rằng chị đã bị đánh 115 roi. Mà sau đó chị đã kiệt sức và nói không nổi nữa cho nên chẳng còn đủ hơi để kêu Giê-su! Maria! Chỉ còn nghe tiếng roi nẹt sát nhơn còn người đánh thời mệt mỏi vì như đánh xác chết, va bèn dừng roi, hô lên rằng: nó tắt thở rồi! phần nó xong rồi ! Lúc đó quan dạy tháo chị ra khỏi nọc để lôi qua thập tự giá. Song khi cảm thấy mình bị lôi đi trên đầu gối, chị tỉnh lại, mạnh mẽ chống cự: nhờ đức tin thêm sức, chị lấy tay trái đỡ gông và tay mặt đẫm máu hồng [81] đưa cây thập tự giá lên trời như phần thưởng chỉ dấu cho sự chiến thắng và khởi huờn của chị, môi chị im lặng nhưng lòng chị rộn ràng và thầm thì ngợi ca đấng cứu độ [82]. Và quả thật chị đã chiến thắng nhờ dấu hiệu này [83]. Để anh em biết chuyện gì theo sau hay hậu quả việc này ra sao, thời khoảng ngày 17 tháng một tây [84], xích sắt đã thay cho gông. Mới chỉ xong biên bản thôi (lên thượng từ) [85]. Còn bản án sẽ được tuyên đọc sau ngày Khai ấn [86].

Để làm nhẹ bớt sự hung bạo và dịu đi sự độc ác, túi tiền nghèo nàn của Hội Thánh chúng tôi đã cạn kiệt và đương cạn kiệt! Song le bao nhiêu tiền bạc cũng không lấp nổi những cái miệng ham ăn. Lúc nào cũng có lỗ cho mủ máu độc dữ tuôn ra. Nhiều người đã quỵ té và trở thành như Phê-rô và cũng không ít người theo cách sống của Phao-lô [87] trong Do Thái Giáo [88]. Đức Chúa Trời lo liệu để thánh danh ngài không bị xúc phạm!

Trong khi đó thì một tai họa khác lớn hơn nhiều thêm vô tai họa trước. Nguyên do là cuộc trốn chạy của Thầy Nhiệm. Sau khi Thầy Nhiệm đã trốn được 

<trang 9>

thời binh lính tuôn ra khắp nơi tại Gia địnhBiên hòa, chợ búa, xóm làng, chặn cả đường sông để khám xét.  Nỗi run sợ của chúng tôi chưa bao giờ cả thể làm vậy. Người ta không ngần ngại ẩn núp trong rừng, nơi mà cọp và các loài vật dữ khác chẳng kém hung hăng. Anh em có thể thấy kinh sách trôi trên mặt nước do sự bất cẩn và sợ hãi của một số người từ Chợ quán [89] tới Ba giồng [90]. Chưa hết, nhơn dạng Thầy Nhiệm bị niêm yết khắp nơi. Vì vậy sau nhiều lần đào xới kiếm kho tàng mà chỉ gặp cục than thời cuối cùng họ cũng tìm thấy! Ấy là vì họ đã bắt cha Lộc thay vì Thầy Nhiệm và nhờ kỹ lưỡng nên bắt được cả Thầy Ngôn và những người biết chuyện khác, rồi nay thời hết thảy đang bị xích xiềng.

Anh em đừng tưởng nỗi gian nan của chúng tôi chỉ có vậy mà thôi. Cha Quí [91], sau khi nhận lãnh các chức thánh [92] đã đến Cái Mơng làm cha phó giúp cha Tùng. Nhưng vụ xáo trộn xảy ra do việc các dì phước bị bắt, như đã kể trên, khiến cha khi đã tránh Charybdis thì lại đụng Scylla [93] cách ngoài ý muốn! Bởi lẽ từ Cái Mơng cha đã tới Đầu Nước [94] để thoát khỏi những kẻ bắt đạo. Nhưng năm ngày sau khi cha tới đó thời từ tỉnh thành Châu đốc các quan cùng với 300 binh lính tới bao vây nhà phước nơi cha Pernot (Định)[95] đang ở cùng các nhà khác thuộc gia đình ông Lý Phụng [96]. Tiếng 3 cây hỏa tiễnsúng vừa phát ra, liền nghe Các vệ và tiếng ó rân Có Mặt [97]. Cha Pernot (Định) băng qua cánh đồng chạy trốn. Cha Quí cùng với 4 người học trò mà trong số đó có mấy người đã được chỉ định và tuyển chọn để qua bên đó năm nay đều bị bắt [98]. Mọi người ở đó đều bị trói và dẫn về tỉnh thành Châu đốc cả thảy là 39 mạng. Các nhà phước thời hoặc bị đập phá hoặc bị bỏ hoang. Quả thật có thể nói rằng: Đường phố Sion (Xi-on) than khóc vì không còn ai có thể tới dự Lễ: mọi cửa thành bị phá hủy, các thầy cả bị tan tác, vừa than khóc vừa chạy trốn, chẳng còn hy vọng gì trước quân thù đương đuổi theo; các trinh nữ của thành lem luốc, và chính thành đầy nỗi đắng cay của cảnh hoang tàn. Cả dân thành than khóc tìm kiếm bình an! Chẳng còn ai an ủi 

<trang 10>

thành! Kẻ thù của thành đứng đầu thành; kẻ thù của thành dư đầy của cải! Vì vua nghĩ tới triệt hạ tường lũy của đạo, kéo dài cơn thạnh nộ của mình và không nương tay tiêu diệt [99].

Than ôi! từ xa tin vọng đến tai, thời buổi nhiễu nhương, không thiếu kẻ đi bắt lươn, mèo ở giữa chim ưng và heo rừng còn quạ trên không… Những ác nhơn bị cuốn trong dòng xoáy của lòng tham này không đe dọa làm hại chúng tôi cho bằng những kẻ đang đắm chìm trong sự bất lương! Ôi những con quạ của Aesopus (Ê-dốp)[100]! Và ôi tiền bạc của Cilicon [101]!

Hiện giờ những kẻ dò thám và săn lùng các thầy cả đương trải ra khắp nơi dưới nhiều lốt khác nhau. Nhưng nỗi sợ hãi mà đã khiến chúng tôi cẩn thận cất giấu rất kỹ những gì thuộc về các cha và các thầy, thời giờ đây chúng tôi càng phải để ý hơn nữa như là con chó vừa chạy vừa uống nước sông Nile (Nin)[102]. Có cả những con cáo già giả làm cục bột để nằm bẫy chuột![103]  Song le chúng tôi không ngừng chạy trốn từ thành này qua thành khác [104]. Nhiều khi phải lấy rừng gai làm nhà và đất sình làm giường. Vậy mà cũng chưa xong, để im lặng cho khỏi bị bắt gặp, chúng tôi buộc phải đi từ khu rừng này qua khu rừng khác giữa sự im lặng của ánh trăng đồng lõa nhưng chính nó lại gây kinh hoàng, một tiếng rì rào hoặc một tiếng động khả nghi cũng đủ làm lo lắng. Chúng tôi đợi ngày qua giữa âu lo và hy vọng! Chẳng ai thăm viếng chúng tôi ngoài mặt trời và tiếng bước chơn [105]. Sự khốn nạn này đưa đẩy chúng tôi! Còn anh em cứ yên trí mà đếm [106] số các vị tử đạo và những người xưng đạo [107]. Anh em có thể thấy rằng chúng tôi ở đây chỉ mới bị khói của đám cháy mà đã ra như vậy. Anh em nghĩ coi những người ở giữa đám cháy ra sao? Chắc là anh em sẽ được tin về những sự khốn nạn lớn hơn và tệ hại hơn từ các giáo phận khác ở gần Kinh Đô Huế.

Anh em rất thân mến, vậy giờ đây tôi xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, vì tội lỗi chúng tôi mà hằng ngày chúng tôi bị lùng giết, chúng tôi bị kể như chiên cừu để làm thịt – ngõ hầu nhờ lòng tin tưởng vào cuộc tiến vào nơi rất thánh của Đức Khi-ri-xi-tô bằng chính Máu Ngài – chúng tôi vững lòng lao vào cuộc chạy đua dành cho chúng tôi, chúng tôi bước tới với lòng thành thật, với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, trong khi làm chứng về điều trông cậy và đức tin không lay chuyển, chúng tôi chịu đựng mọi gian nan của cuộc bắt đạo, nhìn lên Đức Chúa Giê-su, là cội rễ và cuối cùng của đức tin [108], Ngài đã khinh điều sỉ nhục, chịu lấy Thập Tự Giá  vì niềm vui dành cho Ngài và nhờ vậy đã vào trong vinh quang của Ngài và ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời [109].

Tôi cũng biết rằng, các anh em muốn biết một chút về cuộc 

<trang 11>

chiến đương xảy ra, song có lẽ anh em ở bên đó biết rõ hơn và dễ hơn chúng tôi ở đây, bởi mặc dầu chúng tôi ở đây có vẻ gần hơn, nhưng lại cách xa hơn, vì chúng tôi bị chặn hết thảy mọi liên lạc thơ từ [110], lính canh của nhà vua trải ra khắp nơi, trên bộ cũng như trên biển, như thường khi xảy ra trong thời gian chiến cuộc sôi động. Nếu như chúng tôi biết đặng tin tức chi, thời chúng tôi có nhờ tin đồn, mà tin đồn thường phình ra khi bay đi. Vậy nên anh em đừng ngạc nhiên khi tôi bỏ qua không nói tới. Chắc chắn chúng tôi biết là đoàn chiến thuyền Pha-lang-sa với hai ngàn quân I-pha-nho [111] từ Ma-ni-la [112] và 3.000 bộ binh từ Pha-lang-sa không kể thủy binh đã tới Touron từ lâu. Còn chuyện gì xảy ra ở đó, thời chúng tôi không biết rõ bằng anh em. Nếu tôi không lầm, thời đã tới lúc Đức Chúa Trời muốn ban sự bằng yên cho Hội Thánh ở Annam, là hội thánh đã từ lâu được tưới bằng máu đào của các người tử đạo và bây giờ là tới lúc tốt nhứt để được bừng sống và ra bông mọc lá! Nhưng sau mây đen lại tới Mặt Trời, sau giông tố là yên tịnh, hai đều trái ngược mà liên hệ, không có cái này nếu chẳng có cái kia đi trước. Có khi Đức Chúa Trời muốn trì huỡn và để cho chúng ta ở trong tình trạng này lâu hơn đặng cho chúng ta quí trọng sự bằng yên thường mong muốn kia hơn khi nó tới. Mà cũng là để Đấng chiến thắng hạ nhục sự kiêu ngạo của những kẻ nào đó tin cậy vào sắt thép hơn là sự quan phòng của Chúa! cùng nghĩ rằng khí giới [giái] mạnh hơn ý muốn toàn năng của Đức Chúa Trời! Dầu chuyện có thể xảy ra làm sao, thời tôi đây vì không biết chắc về thời sự, vẫn làm thinh mà trông chờ kết cuộc. Tôi biết rằng không ai có thể cượng lại ý muốn của Đức Chúa Trời; nếu Ngài giơ tay ra, thời có ai gạt đi được [113]? Chắc rằng Darius [114] mất đế quốc lớn như vậy không ngoài thánh ý như đã đặng báo trước, mà cả Pompeius với Justinus [115] cũng tin chắc làm vậy. Chắc rằng đế quốc Hy-lạp bị chia cắt và vòng hoa vẻ vang của Alexander Đại Đế [116] rớt xuống là do sự sắp bày của Đức Chúa Trời. Chắc rằng đế quốc Rô-ma cả thể làm vậy đã chẳng sụp đổ nếu không phải do Đức Chúa Trời quyết định. Chắc chắn vua Nabuchodonosor [117], người mà hết thảy mọi giống người, tiếng nói và bộ lạc cúi đầu tuân lịnh, bỗng đâu trái tim của ông, trái tim con người của ông bị biến thành trái tim thú vật và ông sống ở giữa loài vật và thú dữ, cũng là do ý định của Đức Chúa Trời [118]. Vì chưng tôi thấy Đấng Tối Cao và hằng sống muôn đời đã làm việc này như chơi và quờn phép của ngài là quờn phép vĩnh cửu và nước của ngài bền vững từ đời nọ qua đời kia và hết thảy các cư dân trên mặt đất kể như không có trước mặt ngài: ngài làm theo ý muốn của ngài đối với các quyền lực trên trời 

<trang 12>

cũng như đối với cư dân dưới đất và chẳng ai có thể cượng lại tay ngài mà hỏi: Cớ sao ngài làm vậy [119]?  Tôi giao phó mọi sự cho ý muốn và sự quan phòng của Đức Chúa Trời và tôi nhắm cả hai mắt mà ngủ: Nếu ngài muốn ban cho chúng tôi sự bằng yên ngày hôm nay thời tôi tạ ơn ngài mà bước vào cõi bằng yên; nếu ngài muốn thử thách chúng tôi bằng sự gian nan, thì tôi cũng được an ủi ngay trong thử thách, bởi vì chúng ta phải chịu nhiều sự gian nan khốn nạn mới vô được Nước Trời [120]. 

Về phần mình, thưa anh em, tôi nài xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi là người đồng hàng đầy tớ với anh em và là một người trong hàng huynh đệ của anh em trong Đức Khi-ri-xi-tô Giê-su. Bởi lẽ cho dầu chưn nói rằng: vì tao không phải là tay nên tao không thuộc về thân: nhiều thứ ân huệ được phân phát, nhưng cùng một Đức Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người theo ý ngài muốn [121].

Anh em rất thân mến

Ở nơi trú ẩn âm u này, những điều cần nói cũng khó thể nói ra hết, nếu có tin tức gì về hội thánh hoặc về xứ này, hoặc về những nơi xa xôi kia thì hãy tin như vậy [122].

Ngày 4 tháng Hai tây năm 1859 [123]

Người đồng hàng với anh em về tuổi tác và thân phận, nhưng là đầy tớ vô dụng trong phục vụ [124]

Pet. Ký

Trương Vĩnh Ký

Anh em coi trang tiếp theo.

<trang 13>

Vậy là tôi đã kết thúc lá thơ gấp hơn cần thiết, vì tưởng rằng chuyến tàu của chúng tôi phải đi sớm hơn nhưng lại bị ngăn cấm vì mọi ngả đường đều bị phong tỏa. Tôi bắt đầu lấy lại tinh thần. Vả lại kể từ ngày 5 tới ngày 7 tháng hai tây năm lần ống thượng mả đem tin tới 6 tỉnh [125] ở đây. Chỉ có các quan lớn đọc và không mở cho ai khác. Song Thầy An là người đương bị lưu đày vì đạo được một ông quan có thiện cảm với Thầy cho biết điều này thôi, là thơ nào cũng nói về đạo Da-tô. Tăng thêm cho sự đáng ngờ này [126] là bốn lần thơ của các cha ở Đàng Ngoài, Bắc Đàng Trong và Đông Đàng Trong [127] gởi vô đây đã bị ngăn chặn. Hôm qua, (ngày mồng 7 tháng Giêng) [128] bà Lànhbà Hái (Hải) ra hầu tòa, Quan Án Lớn [129] tra hỏi rằng, mấy đứa con gái nhỏ bị bắt khi đang ngồi ăn là ai và chúng nó ở đâu khi ông Đội tới? Mấy quan muốn xử cho nghiêm ngặt, thành thử trả lại 4 nén mà chúng tôi đã dùng để làm dịu bớt sự độc dữ của họ [130].

Song vẫn có những kẻ như vừa kể trên đã bỏ ráo lề luật của cả trời lẫn người để mặc tình mà chạy nghinh ngang ngoài đồng như những con trâu hoang quơ sừng húc chúng tôi. Ấy là những đứa chống lại mọi quờn phép, chai lì [131] bởi tánh hà tiện và ngứa ngáy vì lòng tham đã lập thế kiếm tiền bằng mọi cách dầu lương thiện hay không, bằng cách săn lùng và gài bẫy. Nhờ buông lời hăm he chống đạo và mượn tay chánh quyền để phun ra những đe dọa và giết chóc với các bổn đạo nên chúng sắm được ruộng đất với tiền công phi nghĩa của chúng [132]. Rồi do ăn xài xa xí và sạch túi [133] vì cờ bạc thời chúng toan chiếm tiền bạc và của cải người khác theo cách của Cilicon [134], chúng viết tờ cáo trạng mà trong đó kể ra tên những người đã cho phép con họ được gởi qua bên ấy [135]: chúng nói rằng những người con này đã được gởi qua Europa (Âu Châu) để tập luyện nghề binh và cuộc chiến hiện giờ là do bọn đó đương đánh. Đều này thời chính chúng nó đã cáo buộc tôi. Chúng nó nhắm tôi rất rõ ràng; vì cùng năm của cuộc chiến, thời tôi từ bên ấy trở về [136]. Chúng nói rằng sẽ trình lên sau ngày Khai Ấn. Thật tình, chẳng giấu gì anh em, đều này xảy ra tại quê tôi ở Cái Mơng là nơi sản sanh ra nhiều thầy cả và có tới 2.336 bổn đạo. Xin Chúa chặn những đứa đó trong mưu gian của chúng nó, và ngăn những ý định xấu xa trong bụng chúng nó kẻo rất đỗi nguy hại cho các thầy cả! [137]

Sự bắt bớ ngày một thêm lên và trở nên dữ tợn hơn. Chúng tôi bị nghi là làm phản nên ai nấy cũng núp trong hốc của mình. Chẳng người nào dám ra khỏi vùng của mình. Cấm hết thảy việc chuyên chở lúa gạo kẻo giêm mễbị chuyển cho quân nghịch. Có những cảnh ngộ khác đe dọa trên đầu chúng tôi mỗi ngày mà tôi ngừng giải thích để khỏi làm mất thì giờ của anh em và làm mệt cả tôi.

Mặc dầu tình trạng của chúng tôi như bên miệng hố và như kề lưỡi dao, nhưng tay Chúa xem ra vẫn ở với chúng tôi. Nhiều tín đồ quay về với Chúa, số người kéo đến gần Chúa chẳng kém các nơi khác. Nếu anh em tò mò muốn biết thì tôi xin kể con số.

1. Số người theo đạo                          33.000

2. Rửa tội người lớn                                 432

3. Rửa tội trẻ nhỏ con người ngoại        3293

4. Người đương học đạo                         111

***

PHỤ LỤC:

TIẾNG LA-TINH VÀ SÁCH THÁNH TRONG LÁ THƯ PENANG

Dân Rô-ma đã lập thành Rô-ma khoảng 750 năm trước công nguyên. Khoảng 250 năm trước công nguyên họ đã bắt đầu đánh chiếm đế quốc Hy lạp, và 100 năm trước công nguyên thì họ đã làm chủ một đế quốc bao khắp chung quanh Địa Trung Hải. Người Rô-ma chinh phục đất của đế quốc Hy Lạp, nhưng lại bị chinh phục bởi văn hóa và văn minh Hy Lạp. Trong đế quốc mênh mông này hai ngôn ngữ đồng tồn tại: tiếng Hy Lạp và tiếng La-tinh.

Đạo Thiên Chúa đã có từ 1800 năm trước, mang đậm tính chủng tộc, nhưng Chúa Giê-su và các môn đệ đã mở tung giới hạn này để trở thành đạo cho mọi người, mọi màu da tiếng nói. Thời ban đầu đạo truyền lan trong các vùng đất của đế quốc Rô-ma thì dùng ngôn ngữ và chữ viết chính của dân nơi ấy: tiếng Sy-ri, tiếng Ai-cập (Cốp), tiếng Ác-mê-ni… tiếng Hy Lạp, tiếng La-tinh. Các nước tây và nam Âu Châu thì tiếng La-tinh là ngôn ngữ chung. Khi đế quốc Rô-ma rã làm hai, thì tiếng La-tinh là ngôn ngữ chính của Hội Thánh bên Tây (Âu Châu) với thủ đô Rô-ma, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính bên Đông với thủ đô là Công-tăng-ti-nốp, nay là Istambul.

Thời Trung cổ, tại Âu châu tiếng La-tinh chỉ còn dùng trong các trường học và trong hành chánh, thì vẫn là ngôn ngữ chính của Đạo Thiên Chúa bên Tây, các giấy tờ hành chánh, các khoa triết lý và thần học, các nghi lễ đều bằng tiếng La-tinh, Sách Thánh đã được viết trong nhiều thế kỷ, lần lượt dùng tiếng A-ram [tiếng Syria], tiếng Hip-ri [Hebrew] và tiếng Hy-lạp. Bản dịch bằng tiếng La-tinh đã được hiệu đính từ thế kỷ thứ 5 đã thành bản “phổ thông”, bắt buộc dùng trong nhà thờ và trường đào tạo giáo sĩ tại các nước theo nghi lễ La-tinh. Việc giảng dạy trong các trường này cũng dùng tiếng La-tinh làm chuyển ngữ. Từ 1965, Công Đồng Va-ti-can mới cho phép dùng sinh ngữ của các nước để giảng dạy và cử hành nghi lễ, dịch và sử dụng Sách Thánh bằng ngôn ngữ của các dân tộc, dựa trên nguyên ngữ của từng cuốn trong sách Thánh: A-ram, Hip-ri, Hy Lạp.

Nhắc lại lịch sử này để hiểu tại sao tác giả Trương vĩnh Ký viết bằng tiếng La-tinh: ông đã học tại trường đào tạo giáo sĩ do Hội Thừa Sai Ba-lê mở cho các nước Đông Á tại Penang ở Tây Bắc eo biển Malacca, là một thành phố tự do từ 1786, do Sultan Kedah nhượng cho Công Ty Đông Ấn của Anh. Cũng nhờ thế mà bức thư Penang được lưu trữ tại văn khố của Hội Thừa Sai Ba-lê. Song ông thấy việc trở thành giáo sĩ không phải con đường hợp với ông, nên ông dùng những gì đã học được để giúp đạo, giúp dân, giúp nước. Nhờ thời gian học ở Penang mà ông thông thạo nhiều ngôn ngữ. Ông thông thạo tiếng La-tinh, không chỉ theo mức cần thiết để học triết lý và thần học, mà còn thông thạo cả văn chương La-tinh. Ông rất thuộc Sách Thánh bằng tiếng La-tinh theo bản phổ thông, như đã nói ở trên. Vì thế trong thư, ông trích dẫn và ứng dụng Sách Thánh cho phù hợp với hoàn cảnh, sử dụng nhuần nhuyễn thành ngữ điển tích văn chương La-tinh, chẳng khác các cụ nhà nho sử dụng thành ngữ điển tích của văn chương Hán học. Ông viết thư bằng tiếng La-tinh có lẽ vì lý do an toàn và để các bạn học không phải người Việt cũng đọc được. Mười năm trước đó, tại miền Bắc, Linh Mục Phao-lô Lê Bảo Tịnh (1793-1857), từ trong tù cũng viết thư bằng tiếng La-tinh gởi ra cho các anh em ở trường đào tạo giáo sĩ tại Miền Bắc, cũng trích dẫn thuộc lòng và ứng dụng Sách Thánh tương tự như thế.

Một số thuật ngữ của Đạo Thiên Chúa

Để giúp độc giả hiểu bức thư, chúng tôi giải thích một số từ ngữ của Đạo Thiên Chúa và một số từ ngữ về hành chánh, tư pháp dùng trong lá thư.

Thập giá, Thánh Giá. 

Một cách hành quyết từ rất xưa, chứ không phải là phát minh của người Rô-ma, là cột hoặc đóng đinh tay chân tử tù vào một cây gỗ hình chữ thập (thập tự giá), sức nặng thân thể trì xuống làm cho ngộp thở mà chết. Người Rô-ma dành cách hành quyết này cho nô lệ và các dân bị cai trị, còn công dân Rô-ma thì xử chém đầu (trảm quyết), trước khi đóng đinh thập giá họ còn đánh đòn bằng roi tua có móc sắt, xé da xé thịt nữa. Chúa Giê-su bị giới lãnh đạo Do Thái thời đó nộp cho tổng trấn Rô-ma lúc ấy là Phi-la-tô và yêu cầu ông xử tử hình, vì họ đã bị Rô-ma truất quyền xử tử hình. Bản thân tổng trấn không thấy lý do gì để xử tử hình Chúa Giê-su, nhưng vì họ gây áp lực và đe dọa cái ghế Tổng Trấn của ông, nên ông đành chiều ý học để được yên thân. Vì thế Chúa Giê-su bị đánh đòn nhừ tử trước bị đóng đinh vào thập giá và chết rất mau vì đã kiệt sức. Xác tử tù bị hành quyết bằng khổ hình thập giá thường bị quăng xuống hố cho thú dữ và ác điểu ăn thịt, nhưng trong hàng môn đệ ẩn danh có một người quyền quý tên là Giô-xép, đã xin được tổng trấn cho lãnh xác Chúa Giê-su và mai táng trong ngôi mộ gần nơi Chúa đã chịu khổ hình ngay buổi chiều ngày đó, là ngày thứ sáu trong tuần. Ngày thứ bảy là ngày lễ nghỉ hàng tuần của người Do Thái. Ngày thứ nhất trong tuần thì Chúa Giê-su sống lại, không phải là trở về cuộc sống trần gian nhưng là trong vinh quang của Thiên Chúa. Chúa tỏ cho các môn đệ thấy và sai họ đi loan báo cho mọi người trên thế gian, để ai tin và sống theo lời Ngài dạy thì cũng sẽ được hưởng sự sống lại vinh quang với người.

Từ đó thập giá của Chúa trở thành Thánh Giá đối với các tín hữu, vì là dấu hiệu, tượng trưng cho công trình ơn cứu độ do Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã sinh làm người, thực hiện để đưa người phàm vào cuộc sống vinh quang vĩnh hằng của Thiên Chúa. Thánh Giá là biểu tượng của Đạo Thiên Chúa.

Những người chủ trương cấm đạo đã nghĩ ra cách trắc nghiệm hiệu quả là chà đạp lên Thánh Giá để phát hiện các tín hữu và dùng làm dấu hiệu bắt người ta chứng tỏ sự chối đạo.

Dòng Mến Thánh Giá

Yêu mến cây Thánh Giá, không phải cây gỗ, cây vàng, nhưng là biểu tượng của Chúa Cứu thế, của con đường Chúa đã đi qua vì yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Khi gọi người ta làm môn đệ của Chúa thì Chúa đưa ra điều kiện: “từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hàng ngày mà đi theo” (sách Tin Mừng Lu-ca, chương 9, câu 23). Ý nghĩa là muốn làm môn đệ của Chúa Giê-su thì học với Chúa, đặt Thiên Chúa và anh em đồng loại làm trung tâm đời sống của mình, không tìm cái tôi, cái tư lợi nữa, mà chỉ sống vì Thiên Chúa và vì tha nhân, sống ngay thật theo đường lối của Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã sống, yêu mến anh chị em đồng loại như Chúa đã yêu, yêu đến hy sinh tính mạng vì tha nhân. Các vị được phong thánh để làm gương cho các tín hữu là những người đã sống điều ấy cách anh hùng. “Mến Thánh Giá” là yêu mến Chúa Giê-su và muốn sống như Chúa đã sống, yêu mến đồng loại như Chúa đã yêu mến.  

Giám MụcGiáo phận, Linh mục [giáo sĩ] – Họ đạo, Thầy

Giám Mục là người đứng đầu một giáo phận, giáo phận tùy theo số tín hữu, phối hợp với yếu tố địa dư, có thể là một thành phố lớn, như Saigon, Hà- nội, Huế; một tỉnh hay nhiều tỉnh hành chánh trong một nước. Trước năm 1960, các giám mục coi các giáo phận ở Việt Nam gọi là Đại Diện Tông Tòa, nghĩa là thay mặt cho Tòa Thánh để trông coi giáo phận, do hoàn cảnh biến động liên tục, chưa có đủ hàng giáo sĩ vững mạnh đủ, cũng như các nguồn kinh phí cần thiết. Năm 1960 Giáo Hoàng Gioan XXIII mới đặt các giám mục chánh tòa, gọi là thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam, coi như đã có thể tự đứng vững được với nhân sự và tài chánh cần thiết.

Linh mục (giáo sĩ) 

Đứng đầu một họ đạo (theo tiếng miền Nam), giáo xứ (theo tiếng miền Bắc) hoặc phụ tá cho một linh mục coi họ đạo. Họ đạo là đơn vị nhỏ trong một giáo phận, cũng tùy theo số tín hữu và địa dư hành chánh.

Thầy

Có thể là người đang được đào tạo làm linh mục hoặc là một người được đào tạo để phụ giúp các linh mục trong việc giảng dạy, quản trị trong họ đạo, gọi là thầy giảng.

Sách Thánh, Kinh Thánh

Kinh Thánh của người Công Giáo có hai phần: Cựu Ước (45 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn). 

Cựu Ước là các sách viết trong lịch sử của những người tin Thiên Chúa thời Giao Ước ở núi Xinai, Thiên Chúa nhận một đoàn dân vừa thoát ách nô lệ Ai-cập làm dân của Thiên Chúa để bảo vệ họ, và họ nhận thờ Thiên Chúa duy nhất để truyền rao cho mọi dân biết Ngài (khoảng 1400 năm trước Công Nguyên); Tân Ước là các sách viết từ khi các môn đệ của Chúa Giê-su bắt đầu đi rao giảng về Chúa Giê-su cho tới cuối thế kỷ thứ nhất. Gọi là Tân Ước, nghĩa là Giao Ước Mới, vì Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa sinh làm người đã kể cho người ta biết rõ hơn về Thiên Chúa và lấy cái chết và sự phục sinh mà thiết lập Giao Ước mới, cho mọi người thuộc mọi dân tộc, màu da tiếng nói trở thành con của Thiên Chúa và anh em chị em với nhau, và được vào sống trong vinh quang vĩnh hằng của Thiên Chúa. 

Các sách được trích dẫn, ứng dụng trong thư:

Cựu Ước : 

  • SáchAi Ca (viết tắt Ac) hay Thán Ca là sách than vãn về cảnh thành Giê-ru-sa-lem vừa là thủ đô chính trị vừa là nơi thánh thiêng bị đế quốc Ba-by-lon tàn phá năm 587 trước Công Nguyên.
  • SáchĐa-ni-en (viết tắt Đn), viết vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, vận dụng lịch sử để khích lệ đồng bào đang bị đế quốc Hy lạp bách hại và công bố lời hứa giải thoát.
  • Sách Thánh Vịnh (viết tắt Tv), là 150 bài thơ, nhiều thể loại, để cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của dân tộc và cá nhân.  

    Tân Ước: 

  • Bốn sách Phúc Âm hay Tin Mừng kể về nguồn gốc, đời sống, giáo lý, cái chết của Chúa Giê-su và việc Ngài đến với môn đệ sau khi phục sinh, để dạy dỗ, củng cố lòng tin của họ và sai họ đi rao giảng khắp thế gian, bốn tác giả: Mát-thêu (viết tắt Mt); Mác-cô (viết tắt Mc); Lu-ca (viết tắt Lc) và Gio-an (viết tắt Ga).
  • Sách Công vụ các Tông Đồ (viết tắt Cv) kể về việc sau khi Chúa Phục Sinh chấm dứt giai đoạn dạy dỗ các môn đệ thì Chúa lên trời trong vinh quang của Thiên Chúa, các môn đệ nhận được sức mạnh mới và bắt đầu rao giảng, cho tới khi tông đồ Phao-lô bị bắt ở Giê-ru-sa-lem rồi đưa về giam tại Rô-ma.

Các thư của các tông đồ, tác giả vận dụng

Thư I và II của tông đồ Phao-lô gởi cho tín hữu ở Cô-rin-tô (viết tắt 1Cr; 2Cr). Cô-rin-tô là một thành phố cảng quan trọng, có kinh đào nối hai bờ biển A-dri-a-ti-co và E-ge-o. Nay ở miền Nam nước Hy-lạp.

Thư I và II của tông đồ Phao-lô gởi cho tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca (viết tắt 1Tx và 2Tx). Là một thành phố cảng ở miền Bắc Hy-lạp.

Thư tông đồ Phao-lô gởi tín hữu ở Cô-lô-xê (viết tắt Cl), nay thuộc Thổ nhĩ Kỳ.

Cách trích dẫn: Các sách được vận dụng trong lá thư đều gồm nhiều chương, mỗi chương lại chia ra nhiều câu, nên khi trích dẫn thì ghi tên sách viết tắt, số chương và số câu, thí dụ 2Cr 1,3-4.8-10, nghĩa là thư thứ nhất Cô-rin-tô, chương 1, câu 3 đến câu 4 và câu 8 đến câu 10. 

THAM KHẢO

Borelle, Henri. “Lettre de M. Borelle, Missionnaire Apostolique, à Messieurs les Directeurs des Mission-Etrangères» tr. 409-426, trong sách Annales de la propagation de la foi : Recueil périodique des lettres des évêques et des missions. Tome trente-unième, 1859. [01 Janvier 1859] Có tại URL này của TV Quốc gia Pháp (BNF) : [ https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k205882r/f409.image#

Huình Tịnh Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Saigon : Impr. Rey & Curiol, 1835 (2 v.) [in lại, 2 cuốn  trong 1.  Saigon, 1974]

Kinh Thánh (cứ bản Vulgata) — song ngữ La-Việt Quyển IV (Bốn quyển sách Evang; Sách Truyện các Tông đồ; 14 Thư Ông Thánh Bảo Lộc Tông đồ; 7 Thư Chung; Sách Apocalysis). Albertus Schicklin, MEP (Cố Chính Linh) dịch và thích nghĩa, Hongkong: Imprimarie de la Mission, 1916. 

Kinh Thánh, William và Grace Cadman với sự cộng tác của Phan Khôi dịch. Hanoi: Thánh Kinh Hội, 1926. Bản này có mặt ở trên nhiều websites, có thể xem tiêu biểu: https://vi.wikisource.org/wiki/Kinh_Th%C3%A1nh_Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t_1926

[Xin chú ý là các sách Kinh Thánh, dich lẻ từng cuốn xuất bản trong nhiều năm khác nhau, dạng lưu hành nội bộ vì nhu cầu của tín đồ. Bản in của Cố Chính Linh (1916) và bản của Phan Khôi (1926) là những bản đầy đủ in lại tất cả những tập sách trước đó.

Cũng xin nói thêm là trước thế kỷ XX, thì bên Công giáo gọi sách Cựu Ước là Sấm Truyền Cũ và Tân Ước là Sấm Truyền Mới (Cố Chính Linh đã in môt phần bằng Pháp-Việt, nhưng ngày nay không thấy)]

Nhóm Các Giờ Kinh Phục Vụ. (https://ktcgkpv.org/)  


Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. Tp HCM : NXB Trẻ, 1999 (3 tập.)

Quốc Sử Quán Triều NguyễnViện Sử Học Việt Nam (phiên dịch). Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Hà Nội : NXB Giáo Dục, 2002-2007. (10 tập) – Có tại URL này: (https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc)

Taberd, Jean-Louis. Dictionarium Annamitico-Latinum.  Serampore, Indidia : J.Marshnam, 1838 ; in lại. Online có tại Nôm Foundation URL: (http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?p=quoc_ngu&uiLang=vn)

Trương, Vĩnh Ký. Morale en actions = Phong Hóa Điều Hành. Saigon : Impr. de la Mission à Tân Định, 1898.(http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5679813j)

Trương, Vĩnh Ký. Sử Ký : Đại Nam Việt Quấc Triều. In lần 2. Saigon : Impr. de la Mission, 1903. (https://catalog.hathitrust.org/Record/100369256)

***

(còn tiếp)

Winston Phan Đào Nguyên

GHI CHÚ:

[1]  A.M.D.G. là chữ viết tắt của Ad Majorem Dei Gloriam, có nghĩa là CHO ĐẶNG SÁNG DANH ĐỨC CHÚA TRỜI HƠN hay DANH CHA CẢ SÁNG. Đây là khẩu hiệu truyền giáo của Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) và sau này của các hội truyền giáo khác.

[2] Trường Chung (collège général) hay Chủng Viện Vùng là trường đào tạo các linh mục bản xứ cho vùng Đông Nam Á do Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, MEP) thành lập ở Ayutthaya, Xiêm La (Thái Lan) vào năm 1665. Sau nhiều biến cố, trường được dời đến đảo Pinang (còn gọi là Penang, nay thuộc Malaysia) năm 1808. Vào thế kỷ XIX, phần lớn các chủng sinh (tức người đi tu học làm linh mục như Petrus Ký) ở Đàng Trong (Trung Kỳ và Nam Kỳ) được đào tạo tại đây.

[3] Nguyên văn La-tinh: ossem, nghĩa đen là xương cốt, còn nghĩa bóng là tinh thần. Đây là lời mời gọi chuẩn bị tinh thần để nghe những tin khủng khiếp, thời trước quen nói là “dọn lòng”.

[4] Nguyên văn La-tinh: accipite Loquacem Fugam. Ý muốn nói rằng tác giả sẽ kể lại cuộc trốn chạy với nhiều biến cố của ông.

[5] Nguyên văn La-tinh: Cochinchinâ occidentali. Chú ý rằng chữ Cochinchina ở đây không có nghĩa là Nam Kỳ như thời Pháp thuộc, hoặc xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, mà là chữ dùng để chỉ giáo phận tông tòa Tây Đàng Trong. Giáo phận tông tòa (apostolic vicariate) là một khu vực ở một xứ mới được truyền giáo do một giám mục đại diện Tòa Thánh Roma, gọi là “Đại diện tông tòa” (vicar apostolic), coi sóc. Năm 1659, sau cuộc vận động của linh mục Alexandre de Rhodes, Tòa Thánh Roma thiết lập 2 giáo phận tông tòa tại Đàng Trong (Cochinchina) và Đàng Ngoài (Tonkin). Đến năm 1844 thì lại chia giáo phận tông tòa Đàng Trong ra làm đôi: giáo phận Tây Đàng Trong bao gồm Nam Kỳ Lục Tỉnh và Cao Miên do Giám mục Dominique Lefèbvre (Ngãi) coi sóc và giáo phận Đông Đàng Trong từ Nha Trang đến Quảng Bình do Giám mục Étienne Cuénot (Thể) coi sóc. Đến năm 1852 thì lại tách Cao Miên ra thành một giáo phận tông tòa riêng. Như vậy, khi lá thư này được viết vào năm 1859 thì giáo phận tông tòa Tây Đàng Trong chỉ còn bao gồm vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh mà thôi.

[6] A.M.D.G.M là chữ viết tắt của Ad Majorem Dei Gloriam et Mariae. Như đã nói trên trong chú thích số 1, khẩu hiệu truyền giáo chỉ là A.M.D.G. thôi. Nhưng ở đây có lẽ tác giả đã thêm chữ M để tượng trưng cho Đức Mẹ Maria vào khẩu hiệu truyền thống A.M.D.G.

[7] J.M.J tức Jesus, Maria, Joseph, phiên âm tiếng Việt là Giê-su, Maria, Giu-se.

[8] Nguyên văn La-tinh: de confessoribus dicuntur, nghĩa là “người được gọi là confessor”, tức kẻ xưng mình là có đạo, không chối đạo. Không phải là “người nhận tội” như nghĩa thường gặp trong các tự điển.

[9] Nguyên văn La-tinh: ordinario legitimo, nghĩa là “bề trên hợp pháp”. Có lẽ ý tác giả muốn nói đến giám mục hay giám quản là người chịu trách nhiệm coi sóc một giáo phận, như đã nói trên.

[10] Bạn đọc có thể tham khảo thêm hai tài liệu khác để đối chiếu với lá thư này. Một là tài liệu về bà Martha Lành (Hạnh Tích Bà Nhất Matta Lành) ở trang http://www.caimon.org/ và một là lá thư của linh mục giám quản giáo phận Tây Đàng Trong Jean-Henri Borelle tại trang https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k205882r/f409.image. Hai tài liệu trên có thuật lại nhiều chi tiết về phiên tòa giống như trong lá thư Penang này.

[11] Nguyên văn La-tinh: Christus. Chữ này có nguồn gốc từ chữ christos trong tiếng Hy-lạp, dùng để dịch chữ Messiah trong tiếng Do Thái, có nghĩa là người được Thiên Chúa tuyển chọn, xức dầu phong chức (vua hay tư tế). Tiếng Việt vào thế kỷ 19 gọi là “Khi-ri-xi-tô”, còn tiếng Việt hiện nay là Ki-tô (Thiên Chúa Giáo, Công Giáo) hay Cơ Đốc, Christ (Tin Lành). Vì tôn trọng tính chất lịch sử của văn bản, chúng tôi xin dùng“Khi-ri-xi-tô” thay vì “Ki-tô”. 

[12] “Giê-su” là tên phiên âm Hy-lạp (Iesous) của chữ Yehoshuah, tiếng Do Thái, có nghĩa là Thiên Chúa Cứu Độ. Trong Kinh Thánh, ngài được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau như“Tôi Tớ của Thiên Chúa”, “Đấng được xức dầu” (Christos, Việt hoá thành Ki-tô), “Vua”, “Ngôn Sứ” (người rao truyền Lời của Thiên Chúa).

[13] Nguyên văn La-tinh: tribulatione, nghĩa là gian nan cực khổ, gian truân, thử thách.

[14] Xin chú ý là từ đây về sau những chữ nguyên văn bằng Quốc Ngữ được Petrus Ký dùng trong lá thư Penang sẽ được chúng tôi in đậm để bạn đọc phân biệt với những chữ được dịch ra quốc ngữ.

[15] Nguyên văn La-tinh: ita ut taederet nos etiam vivere. Bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp nghĩa là “tuyệt vọng”, “không còn hy vọng sống nổi”; bản dịch tiếng La-tinh mà tác giả trích dẫn, nghĩa là “chán”, “không thiết”.

[16] Trong đoạn văn mở đầu này, chúng tôi dùng các hàng chữ viết nghiêng vì Petrus Ký đã trích dẫn những dòng trên từ Kinh Thánh theo bản La-tinh phổ thông và ứng dụng vào hoàn cảnh của mình. Đoạn mở đầu [1,3-4.8-10] là thư thứ 2 của thánh Phao-lô (St. Paul) gởi tín hữu ở Cô-rin-tô (Corinthians), viết khoảng năm 57 công nguyên để kể về những thử thách mà ông đã chịu ở A-si-a (hiện nay thuộc Thổ nhĩ Kỳ). Khi dịch đoạn này từ La-tinh sang tiếng Việt, chúng tôi đã tham khảo cách dùng từ của các bản dịch của Kinh Thánh đầu thế kỷ 20 vì văn phong lúc đó gần với thời đại của Petrus Ký hơn là các bản dịch mới sau này (thí dụ bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 1994, mà chúng tôi sẽ dùng trong chú thích).

[17] Trong bản dịch này, chúng tôi sẽ giữ nguyên các tên riêng như tác giả Petrus Ký dùng trong thư và thêm phiên âm theo lối dùng phổ thông của đạo Thiên Chúa trong ngoặc đơn.

[18] Tổ phụ trong đức tin, vì vua David (Đa-vít) được kể vào hàng các tổ phụ đã tin vào Thiên Chúa và truyền dạy cho hậu thế. Theo Kinh Thánh Tân Ước, Chúa Giê-su người Nazareth là hậu duệ của Abraham và của David.

[19] Đây là một câu phức tạp, vì tác giả vận dụng lời trong Thánh vịnh (Psalm) số 2 : 1-2.6-7, đã được sách Công Vụ các Tông Đồ (Acts of the Apostles) (4: 27) ứng dụng sau cuộc bắt bớ đầu tiên, khi hai tông đồ Phê-rô (Peter) và Gio-an (John) bị bắt giam, đe doạ rồi tha về. Lời Thánh Vịnh: Sao chư dân lại náo động ?… Vua chúa trần gian cùng chỗi dậy,… chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương ?… Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt… rằng : ‘Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Núi Thánh của Ta’. Tân Vương lên tiếng : “Tôi xin đọc sắc phong của Chúa…” Sách Công Vụ các Tông Đồ (4: 24-27) trích dẫn lời Thánh Vịnh trên, rồi ứng dụng vào hoàn cảnh : “Đúng vậy, Hê-rô-đê (Herod), Phong-xi-ô Phi-la-tô (Pontius Pilatus), cùng với chư dân và dân Ít-ra-en (Israel) đã toa rập nhau trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu”. Trong tất cả chú thích, trích dẫn Kinh Thánh sẽ dùng bản dich của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh.

[20] Câu này tác giả lấy một phần trong lời Thánh Phao-lô viết cho tín hữu ở Cô-lốt-xê (Colosians) 4: 3-4. 

[21] Trích từ sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Matthew) 24: 22 theo bản tiếng La-tinh phổ thông thời của tác giả.

[22] Nguyên văn La-tinh: Gallica. Chúng tôi dùng chữ Pha-lang-sa là chữ dùng để chỉ nước Pháp ở thế kỷ XIX. Trong các bản văn Hán Nôm, còn ghi phiên âm là: Phangsa, Pháp-Lan-Tây, Phú-Lãng-Sa hoặc Lang-Sa.

[23]  Nguyên văn: Touron, tức Cửa Hàn, bây giờ là Đà Nẵng.

[24] Nguyên văn La-tinh: Christianus/ni, nghĩa là người theo Ki-tô giáo, Cơ Đốc giáo, ngày nay thường gọi là giáo hữu, Ki-tô hữu (Công Giáo) hay tín đồ, Cơ Đốc nhân (Tin Lành).

[25] Phân sáp 分插 (cũng đọc là phân tháp): phân là chia ra; sáp/tháp là nối vào. Các giáo dân ở mỗi làng thường qui tụ để giúp đỡ nhau, vua Tự Đức đã ra chính sách phát tán và bắt họ sáp nhập vào các làng lương dân (người không theo đạo Thiên Chúa thời Tự Đức được gọi là lương dân, còn người theo đạo gọi là dửu dân, sau đổi thành giáo dân).

[26] Tác giả Petrus Ký đã dùng bản dịch La-tinh phổ thông của Kinh Thánh. Còn bản gốc tiếng Hip-ri (Hebrew) và bản dịch tiếng Hy-lạp là: “các thủ lãnh của họ như những con nai… “ 

[27] Nguyên văn La-tinh: templa, ý muốn nói những nơi thờ phượng Chúa, bây giờ gọi là nhà thờ.

[28] Nguyên văn La-tinh: levitae. Thời Cựu Ước có các tư tế/thầy cả để tế lễ trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), và các thầy Lê-vi để giúp chuẩn bị lễ vật và lo các nghi lễ, công việc trong đền thờ. Tác giả dùng câu này để nói về các linh mục và các chủng sinh là những người được đào tạo để thành linh mục. Câu này mượn từ sách Ai Ca (hay Thán Ca, Lamentations) 1: 4-6, là sách trong Kinh Thánh Cựu Ước, than vãn về nỗi khổ nhục của dân xứ Giu-đa khi bị đế quốc Babylon tàn phá và bắt dân đi lưu đày năm 586 trước Công Nguyên. Khoảng năm 950 trước Công Nguyên, sau khi mười bộ tộc phía Bắc tách ta thành vương quốc phía Bắc với tên là Ít-ra-en (Israel), thì hai bộ tộc Giu-đa và Ben-gia-min thành vương quốc phía Nam, gọi là Giu-đa (Judah).

[29] Nguyên văn La-tinh: portas civitatum

[30] Bắt chước chính sách bắt đạo tại Nhật Bản. Quan quân dùng hình ảnh thập giá, biểu tượng đức tin của đạo Thiên Chúa để phân biệt người trong đạo và người ngoài đạo. Họ bắt những người tình nghi rồi bắt họ chà đạp lên hoặc phỉ nhổ vào thập giá. Nếu họ không làm, có nghĩa là họ là người Ki-tô. Dưới triều Nguyễn cách này gọi là “quá khóa” hay “khóa quá”. Ai “quá khóa” thì đồng nghĩa với chối đạo, bỏ đạo.

[31]  Đúng theo khung cảnh Miền Tây Nam Kỳ với sông rạch khắp nơi nên sự di chuyển bằng thuyền bè thuận tiện và nhanh chóng hơn đường bộ.

[32] Nguyên văn La-tinh: saevitia, theo từ điển Latin-Annam của Taberd có nghĩa là sự độc, độc dữ, dữ tợn, bạc ác.

[33] Quan (Đ: Đức) Khâm Mạng Đại Thần mà Petrus Ký nói đến tại đây có nhiều khả năng chính là Nguyễn Tri Phương, lúc đó làm Kinh Lược Sứ ở Nam Kỳ (một chức vụ rất lớn gần như có toàn quyền tại vùng đất này.

[34] Điều này có vẻ đúng với chính sử Việt Nam, vì sau khi Pháp đánh Đà Nẵng vào tháng 9 năm 1858, vua Tự Đức phải cấp tốc rút Nguyễn Tri Phương lúc đó đang làm Kinh Lược Sứ Nam Kỳ, về phòng ngự mặt trận này. 

[35] Nguyên văn La-tinh: curia senatorum, tức là nơi hội họp của các “nguyên lão” thời La Mã, và đã được giáo sư Antoine Lauras dịch ra tiếng Pháp là “Sénat” tức thượng viện.  Tuy nhiên, vì dưới triều Nguyễn không hề có cơ quan này (thượng viện của quốc hội), nên chúng tôi nghĩ rằng Petrus Ký muốn nói đến cơ quan chính trị cao nhất của triều đình nhà Nguyễn thời đó là Cơ Mật Viện, nơi nhà vua và các vị quan thân tín nhất nhóm họp để bàn quốc sự.

[36] Ngày xưa các bổn đạo xưng hô với linh mục là Thầy, giám mục là Đức Thầy. Chữ “cha” và “đức cha” chỉ phổ biến từ cuối thế kỷ XIX trở đi. Triều đình Việt Nam cho đến thời Tự Đức vẫn không phân biệt được linh mục hay giám mục, nên thường gọi chung là đạo trưởng. 

[37] Đó là Giám mục Dominique Lefèbvre (1810-1865), tên Việt là Ngãi, một giám mục người Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, sang Việt Nam từ năm 1835. Ông đã giúp cho Petrus Ký khi Petrus Ký trốn lên Sài Gòn lánh nạn sau cuộc lùng bắt tại Cái Nhum của nhà Nguyễn. Trước đó, vị giám mục này (Lefèbvre) đã bị nhà Nguyễn bắt và trục xuất 2 lần vào năm 1844 và 1846 dưới thời vua Thiệu Trị. Giữa năm 1847 ông trở lại Tây Đàng Ngoài, bị bắt tiếp và bị kết án tử, nhưng vào cuối năm 1847 vua Thiệu Trị băng hà nên ông được thả ra. Trong khi đó, Petrus Ký chú thích trong ngoặc đơn rằng ông Cả Thiện này là người đã từng bị bắt cùng lúc với giám mục Lefèbvre, và đã được thả ra vào lễ đăng quang của vua Tự Đức (1848). Có thể Petrus Ký không chắc lắm về các sự kiện này, nên đã để dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn.

[38] Nguyên văn La-tinh: Iste gubernator est tàm amicus nostrae religioni quàm sus amaricino. Petrus Ký đã mượn ý từ một câu văn của Lucretius trong tác phẩm De rerum natura (1788) để mỉa mai rằng con heo làm sao mà đi đôi với dầu thơm được – cũng như “ông Thượng” (Tổng Đốc) làm sao mà thích đạo Thiên Chúa. Do đó, Petrus Ký cho người đọc biết ông quan này chẳng phải là bạn, cũng như chẳng yêu mến gì đạo Thiên Chúa. Nói cách khác, “ông Thượng” này chính là một kẻ thù của đạo Thiên Chúa.

[39] “Ông Thái Bộc” mà Petrus Ký nhắc đến tại đây chính là ông Hồ Đình Hy (1804-1857), một vị quan lớn nhất triều Nguyễn thời Tự Đức theo đạo Thiên Chúa. Sau vụ Pháp bắn phá Đà Nẵng lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1856, ông bị bắt vào tháng 11 và sau đó bị vua Tự Đức xử tử vào tháng 4 năm 1857 (Tự Đức năm thứ 10) do không chịu bỏ đạo. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên: “Thái bộc tự khanh là Hồ Đình Hy ngầm theo đạo Gia tô, bị quan viện Đô sát nêu ra tham hặc. Chuẩn cho cách chức bắt xích lại giao xét. Sau án thành dâng lên. (tháng 4 năm thứ 10), rốt cuộc Hy phải tội theo tà giáo mưu phản quốc, xử chém ngay”. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ, Quyển Thủ, trang 567. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về vị quan này tại đây: http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/_TieuSu/Hy_MicaeHoDinh.htm.

[40] Về vị quan được Petrus Ký gọi là “ông Thượng” tổng đốc Vĩnh Long trong lá thư Penang này, chúng tôi nghĩ rằng đó chính là ông Trương Văn Uyển. Giống như Petrus Ký viết trong thư, vị quan này (Trương Văn Uyển) là người rất ghét đạo Thiên Chúa và chính ông ta đã viết bản án kết tội xử tử Hồ Đình Hy. Để kiểm soát lại, chúng tôi đã tra Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ, và thấy rằng Trương Văn Uyển quả đã có một thời gian rất dài làm việc tại Hình Bộ. Trước làm Hình Bộ Tả Tham Tri, rồi sau đó kiêm Đô Sát Viện, rồi vào tháng 3 năm 1856 được thăng làm thự Thượng Thư Hình Bộ. Đến tháng 4 năm 1857 thì ông ta mới được đổi đi làm thự Tổng Đốc Long Tường (Vĩnh Long – Định Tường). Trong khi đó, như đã dẫn trong chú thích trên, quan Thái Bộc Hồ Đình Hy bị bắt vào cuối năm 1856 và bị xử tử vào tháng 4 năm 1857.  Như vậy, khoảng thời gian này hoàn toàn trùng hợp với khoảng thời gian Trương Văn Uyển làm Hình Bộ Thượng Thư tại Huế.  Và do đó, những chi tiết Petrus Ký đưa ra trong thư về Trương Văn Uyển và Hồ Đình Hy có khả năng là rất chính xác. 

[41] Nguyên văn La-tinh: habens bovem in ore, nghĩa đen là “ngậm con bò trong miệng”. Câu này có nguồn gốc từ thời Hy Lạp với ý nghĩa là có một sự bí mật cần che giấu. Như vậy, nó cho thấy ông Thượng Trương Văn Uyển có một điều gì xấu liên hệ với ông huyện và cần được che giấu, nên đã gấp rút đuổi ông huyện về “cho rảnh”.

[42] “Ông bố” ở đây có lẽ là chức quan Bố Chánh. Chúng tôi đã cố gắng tìm trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên mà không thấy tên viên quan Bố Chánh tỉnh Vĩnh Long trong thời gian đó. Nhưng có lẽ đây không phải là một nhân vật tên “Bố Chánh Truyện”, người mà theo truyền thuyết (xin nhấn mạnh chỉ là truyền thuyết) đã toa rập cùng tổng đốc Trương Văn Uyển để ám hại Bùi Hữu Nghĩa, khiến Bùi Hữu Nghĩa bị bắt giam, và người vợ của ông đã phải lặn lội ra Huế để kêu oan cho chồng. https://www.uct.edu.vn/nha-tho-bui-huu-nghia-va-nhung-tac-pham-de-doi

[43] Petrus Ký không thống nhất chính tả, ở đây ông ghi là Gia-tô, nhưng trong trang 13 cuối thư lại ghi là Da-tô. Trong các từ điển cũ (Taberd, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) đều ghi là Da-tô.

[44] 名善耶穌左道原前案:người tên Thiện đã bị kết án theo Da-tô tả đạo hồi trước kia.

[45] Như vậy, Petrus Ký đã kể lại câu chuyện về ông Cả Thiện và ông Thượng tức tổng đốc Trương Văn Uyển. Ông Cả Thiện, một giáo dân Thiên Chúa Giáo đã từng bị bắt vì theo “tả đạo”, có lẽ là một ông Hương Cả, và có lẽ giỏi nghề thuốc, nên đã được ông quan huyện Tân Minh giới thiệu cho triều đình nhà Nguyễn, nhân việc nhà Nguyễn ra chỉ dụ cho các địa phương phải tìm kiếm các thầy thuốc giỏi để đưa về Huế.  Thế nhưng, vị quan lớn nhất ở địa phương Vĩnh Long lúc đó là “ông Thượng” tức Tổng Đốc Trương Văn Uyển, một người ghét đạo, đã khiển trách ông huyện vì đã giới thiệu một giáo dân, bởi ông ta cho rằng các giáo dân là bọn vong ân không thể tiến cử cho nhà vua được, và ra lệnh bắt giam ông Cả Thiện. Tuy nhiên, một vị quan lớn khác là viên Bố Chánh (ông bố), người từng chịu ơn của ông Cả Thiện, đã lên tiếng can thiệp. Petrus Ký không cho ta biết kết quả, nhưng có thể đoán là sau đó ông Cả Thiện đã được dùng, hay ít ra là đã được thả.  

[46] Nguyên văn là “thượng mả”, nhưng đúng ra phải là “mã”, và chữ này là viết ngắn đi của “thượng mã phi đệ” để chỉ ngựa chạy khẩn cấp đem giấy tờ công văn đựng trong ống tre buộc vào lưng ngựa để người phu trạm đi giao. Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị: “緊 Cẩn. c. Gấp, nhặt, Ống tối ―. Giấy tờ phải đệ gấp lắm. 最  |  加  |   Tối ―, gia ―. Giấy tờ phải đệ gấp hơn nữa, Như ống thượng mã phi đệ上 馬 飛 逓  thì là hết sức gấp”. Do đó, “ba ống thượng mả” tức là ba công văn hỏa tốc đến cùng trong một ngày, cho thấy một tình trạng rất nghiêm trọng.

[47] Cái Nhum là một họ đạo xưa, thuộc thôn An Lương (Hưng Long), huyện Tân Minh, tổng Tân Minh, dinh Long Hồ (sau đổi thành trấn Vĩnh Thanh), ngày nay thuộc xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Linh mục Jose Garcia dòng Phan-xi-cô (Franciscan) (1687-1761) đã đến truyền giáo và lập giáo họ tại đây vào năm 1731. Xin đừng lẫn lộn với thị trấn Cái Nhum ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 1836 thừa sai Lefèbvre (Ngãi) về làm cha sở họ Cái Nhum đồng thời cai quản chủng viện và nhà phước dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, rồi được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của giáo phận tông tòa Tây Đàng Trong năm 1844, trước khi bị bắt và trục xuất khỏi Việt Nam lần thứ nhứt. Sau đó, linh mục Borelle (Hoà) và các linh mục bản quốc, đặc biệt linh mục Phi-lip-phê Phan Văn Minh (1815-1853), người Cái Mơn, tiếp nối công việc của đức giám mục Lefèbvre (Ngãi) ở Cái Nhum. Cha Minh sau này bị bắt và xử tử vào ngày 3-7-1853.

[48] Linh mục Jean-Henri Borelle (1820-1860), tên Việt là Hòa, là giám quản tông tòa (provicario Apostolico) tức tạm thời quản lý giáo phận Tây Đàng Trong, khi Giám Mục Lefèbvre vắng mặt. https://irfa.paris/en/missionaire/0509-borelle-henri/

[49] Cái Mơng (Mơn):  một họ đạo xưa, ngày nay thuộc địa phận xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cách Cái Nhum khoảng 6km. Đầu thế kỷ XVIII, một số gia đình theo đạo Thiên Chúa từ miền Trung và miền Bắc vào lập nghiệp. Sau đó linh mục José Garcia dòng Phan-xi-cô lập giáo họ năm 1732. Khi thừa sai Lefèbvre (Ngãi) làm giám mục, ông đã sai bốn dì từ nhà phước Cái Nhum sang Cái Mơn lập dòng năm 1844. Cuối năm 1858, quan quân bao vây nhà phước Cái Mơn để lùng bắt các linh mục, bà bề trên dòng là Bà nhứt Mat-ta (Martha) Lành và chị Y-sa-ve (Elizabeth) Ngọ bị bắt cùng với một số giáo dân và giải về Vĩnh Long. Câu chuyện xưng đạo của Bà nhứt Lành và Y-sa-ve Ngọ được tường thuật tỉ mỉ trong lá thư này.

[50] Thời trước các giáo hữu Việt Nam gọi các linh mục là cố đạo, hay tắt là cố. Triều đình thì gọi là đạo trưởng (Hán Việt) hoặc thầy đạo (Nôm). Ở ngoài Bắc phân biệt giữa cố là linh mục ngoại quốc và cụ là linh mục bản xứ. Trong Nam không thấy phân biệt. Ở dưới miền Tây ngày nay vẫn còn gọi các linh mục là “ông cố”. Cố Tùng là cha Giu-se Tùng (không rõ họ), cha sở giáo họ Cái Mơn. Cha Quí là Phê-rô Đoàn Công Quí, về làm phụ tá cho cha Tùng từ cuối năm 1858.

[51] Nguyên văn La-tinh: sub trunco fici. Fici (ficus) thường được dịch là cây sung (vả), và trunco là thân hay nhánh cây. Nhưng rất có thể đây là một loại cây tại địa phương gọi là cây gừa hoặc cây si trái nhỏ (ficus microcarpa) thuộc họ Dâu tằm (familia Moraceae), chi sung vả (genus ficus), họ hàng gần với cây si (ficus stricta) và cây sanh (ficus benjamina). Đây là một thứ cây mọc hoang ở vùng có thủy triều, dựa trên bờ sông suối, kinh rạch, và có nhiều ở vùng Cái Mơn. Cây thân gỗ, cao 15-20m, có rất nhiều rễ phụ mọc từ thân và cành trên cao, cắm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng. Sau khi tiếp đất, các rễ này càng to ra trông như các khúc thân chống xuống đất. Trong câu chuyện, có lẽ người lính lệ núp dưới một nhánh cây gừa trôi trên sông để lội đi báo tin cho họ đạo Cái Mơn. Hoặc có thể là núp dưới các rễ phụ của cây gừa mọc theo mé sông. 

[52] Theo Hạnh Tích Bà Nhất Matta Lành (1825-1883), thì quan quân đến vây nhà phước Cái Mơn vào ngày 7/12/1858. (xem: http://caimon.org/CM_tusi/MTG_CM/banhatlanh.htm)

[53] Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, hội hàm 會衘 là cuộc họp mặt của các quan có thứ bậc (phẩm hàm) khác nhau để định việc gì. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị Kỷ, Tập 3, trang 111: “Hội hàm : hai, ba người cùng đứng tên một tờ tâu vào quan hàm của mình, là hội hàm.”

[54] Ba chức quan đầu một tỉnh lớn thời Nguyễn: Ông Thượng đây là quan Tổng đốc總督 (quan đầu tỉnh). Ông Bố là Bố chính sứ 布政使 (quan lo về hành chính thuộc bộ Hộ, coi thuế khoá, dinh điền, đê điều, hộ tịch, hành chính). Ông Án là Án sát sứ按察使 (quan lo về an ninh thuộc bộ Hình, coi chuyện kiện tụng, chấp pháp, trạm dịch). Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị Kỷ, Tập 3, trang 267-284, vua Minh Mạng qui định lại các chức quan như trên tại mỗi tỉnh.

[55] Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tấn 訊 có nghĩa là xét hỏi, tra xét, hạch hỏi, (người trên hỏi người dưới); Ở đây tấn có nghĩa là dùng roi đòn mà tra khảo. 

[56] Theo hai tài liệu đã kể ra bên trên là: 1) Lá thư của cha Borelle Hoà và 2) Hạnh Tích Bà Nhất Matta Lành, cả hai đều có những chi tiết về buổi tra khảo này. Có lẽ các nhân chứng có mặt ở đó đã kể lại cho Petrus Ký và cha Borelle để viết thư. Chúng tôi có so sánh lá thư tiếng Pháp của cha Borelle và lá thư tiếng La-tinh của Petrus Ký, thì thấy chi tiết rất giống nhau, nên có lẽ đã đến từ cùng một người kể.

[57] Nọc: cây vát nhọn một đầu để cắm sâu, cây trổng để chịu một vật khác. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị

[58] Nguyên văn La-tinh: arena; theo từ điển của Taberd, chữ này có nhiều nghĩa: bãi cát, bãi đất; sân lớn rắc cát để người ta xem hát hay xem đấu vật. Ở đây, tác giả dùng hình ảnh đấu trường để diễn tả tình trạng các bổn đạo giống như các người theo đạo tại Âu Châu ở thế kỷ I-III đã bị đưa vào đấu trường cho thú dữ cắn xé làm trò tiêu khiển.

[59] Nguyên văn trong thư là “Praeses” tức President. Từ đây về sau xin dịch là “Quan”.

[60] Nguyên văn La-tinh: conventus; tác giả ghi chú thêm một từ đồng nghĩa trong thư là monasterium (tu viện). Chữ “nhà phước” là chữ Petrus Ký đã dùng để chỉ tu viện của các nữ tu trong cuốn “Phong Hóa Điều Hành”. Đây cũng là chữ mà cha Benoit Trương Thành Thắng đã chép lại trong trang caimon.org

[61] Nguyên văn La-tinh: Cùm sis in aere regio.

[62] Đây là giáo lý Tam Phụ của giáo sĩ dòng Tên ở Trung Hoa là Matteo Ricci ghi trong cuốn giáo lý Thiên Chủ Thực Nghĩa khi bàn về đạo trung hiếu, và sau đó được giáo sĩ Đắc Lộ (linh mục Alexandre de Rhodes) giảng dạy ở Việt Nam trong Phép Giảng Tám Ngày. Giáo lý Tam Phụ (giáo sĩ Đắc Lộ gọi là Ba Cha) dạy rằng mỗi người có ba người cha trên đời. Cao trọng nhứt, là Cha trên Trời (Thượng Phụ), là đấng Tạo Hoá, sinh dưỡng vạn vật. Thứ đến là Cha ở giữa (Trung Phụ) là vua cai trị một nước. Sau cùng là người Cha sinh ra ta (Hạ Phụ). Theo đó, trung hiếu với cha ở bậc cao hơn thì cũng sẽ trung hiếu với cha ở bậc thấp hơn.  

[63] Khoá quá 跨 過: khoá là cỡi lên/dẫm lên, quá là bước qua. Khoá quá: đạp qua thập giá mà đi, bị coi là hành động chối đạo. Có khi cũng viết là quá khoá, nhưng đa số các sách Nôm, và hai tài liệu xưa nhứt do chính Petrus Ký viết là “Phong Hoá Điều Hành” https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5679813j/f1.image và “Đại Nam Việt Quốc Triều Sử Ký” (https://catalog.hathitrust.org/Record/100369256) đều dùng chữ “khóa quá”.

[64] Nữ tu trưởng của một tu viện ngày xưa gọi là Bà Nhứt.

[65] Có lẽ Petrus Ký muốn nói tới câu “Kiến tha lâu đầy tổ”.

[66] Khăn dùng trải lên bàn thờ.

[67] Nguyên văn La-tinh:exoneravit in dorsum R. Patris Thán nghĩa là giải tội bằng cách đổ hết lên lưng linh mục Thán. Theo Hạnh Tích Bà Nhất Matta Lành, linh mục Thán đã bị bắt năm trước (1857) tại Gia Định và bị án đày vô Ba Xuyên.

[68] Khẩu quái trợ ngữ口 獪 助 語 : mồm mép xảo quyệt đỡ lời nói. 

[69] Trong thư, Petrus Ký ghi theo tiếng La-tinh là Elizabeth Ngọ. Ở Việt Nam quen gọi tên này là Y-sa-ve, có lẽ do gọi theo tiếng Tây Ban Nha là Isabel. Lưu ý ở đoạn trên của lá thư, tên của dì phước này được viết là “chị Nguyệt”.

[70] Trong bản văn, Petrus Ký dùng tên thánh Martha Lành cho các bạn ngoại quốc dễ hiểu. Nhưng trong mạch văn thì có lẽ phải là Thị Lành, theo cách nói của quan khi chất vấn hương thân Hòa ở trên.

[71] Nguyên văn La-tinh: theatrum, từ điển Taberd liệt kê ra ba nghĩa: a) đình áng hội hè, nơi làm trò; b) coi hát bội, đám hội; c) nơi trống trải, nơi bầy đồ trước mặt người ta. Ở đây tác giả dùng một chữ cũng giống như arena, ví von cuộc tra khảo như một cuộc đọ sức, một hí trường. 

[72] Nguyên văn La-tinh: crucifixus, ảnh tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá; khác với crux là thập tự giá (không có hình Chúa trên đó). 

[73] Nguyên văn La-tinh: anima ejus jàm fluitaret super labia. Dịch sát: Linh hồn ông lấp ló đầu môi.  

[74] Nguyên văn La-tinh: inimica. Ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa: a) đòn thù, hình phạt khắc nghiệt, hay b) quyền lực những kẻ chống phá đạo.

[75] Nguyên văn La-tinh: centuriones, tạm dịch là cai đội.

[76] Nguyên văn La-tinh: Caesaris, Caesari, Dei Deo! Lấy ý từ Tin Mừng Mat-thêu (Matthew) 22: 21.

[77] Nguyên văn La-tinh: minitri infernales: đám phục dịch trong hỏa ngục.

[78] Phỏng theo lời thánh Phao-lô (St. Paul) giải thích cho các tín hữu Cô-rin-tô (Corinthians) về vấn đề ăn của cúng (1 Cô-rin-tô 8,1-6).

[79] Nguyên văn La-tinh: spectaculum, đám hát, diễn trò. Tác giả dùng chữ này tương tự như theatum, mang ý nghĩa mỉa mai “phiên tòa”.

[80] Có lẽ ý Petrus Ký muốn nói rằng Elizabeth (Y-sa-ve) Ngọ là người của dòng tu Mến Thánh Giá. Tu viện Cái Mơn là tu viện của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu nữ được lập từ năm 1670 cho người Việt với nếp sống dân dã phù hợp theo phong tục tập quán và văn hóa Việt Nam. 

[81] Nguyên văn La-tinh: purpuratâ sanguine.

[82] Tác giả gợi lại cảnh trong sách Công Vụ Các Tông Đồ (5, 40-41) khi cả Mười Hai Tông Đồ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng của người Do Thái. Sau khi cho đưa các ông ra ngoài để tòa nghị án: “Họ cho gọi các Tông Đồ vào mà đánh đòn… Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”. Chúa Giê-su đã căn dặn các môn đệ khi bị bắt bớ, sỉ nhục, hành hạ vì là môn đệ của Chúa: “Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao… “ (Lu-ca [Luke] 6,23)

[83] Petrus Ký ám chỉ tới truyện hoàng đế Rô-ma là Công-tăng-ti-nô (Constantinius), khi xuất quân xông vào một cuộc chiến quyết liệt, đã thấy hình Thập Giá xuất hiện trên trời và nghe tiếng phán: “Nhờ dấu hiệu này ngươi sẽ chiến thắng”. Sau khi chiến thắng và củng cố được ngôi hoàng đế Rô-ma, ông đã theo đạo và ký sắc lệnh ở Mi-la-nô năm 312 cho Đạo Thiên Chúa được tự do.

[84] Ngày 17 tháng 1 năm 1859.

[85] Lên thượng từ, tức là lời khai tại tòa đã thành văn bản.

[86] Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ (Tập 3), trang 215-216: Vua Minh Mạng: “Vậy chuẩn định: phàm đến cuối năm phong ấn ((2) Phong ấn : cất ấn, nghỉ việc quan. 2), phủ Nội vụ, kho Nội tàng, kho Thương trường thì do bộ Hộ ; Vũ khố, kho thuốc súng thì do bộ Binh một viên đường quan trong các bộ ấy đem ấn triện hiện hành ở bộ, hội đồng với quản quan kính cẩn niêm phong; đến ngày khai ấn ((3) Khai ấn: mở ấn, bắt đầu lại làm việc quan.” 

[87] Tác giả gợi lại việc tông đồ Phê-rô (Peter) đã vấp ngã, theo Chúa Giê-su khi Chúa bị trói, dẫn vào dinh Thương Tế, rồi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, nhưng tiếng gà gáy làm ông nhớ lại lời Chúa Giê-su đã báo trước và chạy ra ngoài khóc nức nở (Mt 26,69-75 ; Mc 14,66-72 ; Lc 22,55-62 ; Ga 18,17.25-27).  Còn Thánh Phao-lô (Paul) là người nhiệt thành trong đạo Do Thái, đi bắt bớ các môn đệ của Chúa Giê-su, nhưng trên đường từ Giê-ru-sa-lem đi Đa-mát để lùng bắt các môn đệ, đã được ơn Chúa và trở thành môn đệ nhiệt thành đi rao giảng danh Chúa Giê-su khắp nơi (Cv 9,1-30). 

[88] Nguyên văn La-tinh: Judaismo, tức Do Thái Giáo. Chúng tôi không chắc là vào thời Petrus Ký đã dịch như vầy. 

[89] Chợ Quán là một họ đạo lâu đời cũng do thừa sai José Garcia (người thành lập họ đạo Cái Mơn và Cái Nhum) thuộc dòng Phanxico (Franciscan) thành lập vào khoảng 1722 cho các lưu dân từ miền Trung vào lập nghiệp ở vùng Gia Định Biên Hoà. Trong thời gian từ 1834 (sau biến cố Lê Văn Khôi khởi binh chống triều đình) cho tới 1859 thì nhà thờ Chợ Quán bị san bằng, giáo dân tản mát vì bị bắt đạo, phân sáp. Họ Chợ Quán chỉ phục hồi lại được sau khi người Pháp chiếm Gia Định và sau đó trở thành giáo xứ kỳ cựu nhất của giáo phận Sài Gòn, ở đường Trần Bình Trọng, Quận 5 ngày nay.

[90] Ba Giồng là một họ đạo lâu đời ở Mỹ Tho (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Ở thế kỷ XVII đã có những gia đình theo đạo Thiên Chúa từ miền Trung đến đây lập nghiệp (có một số mộ bia niên đại 1663-64). 

[91] Linh mục Phê-rô Đoàn Công Quí (1826-1859), sau khi tu học từ Trường Chung Penang về nước năm 1855, được Giám mục Lefèbvre (Ngãi) truyền chức linh mục năm 1858. Sau một thời gian phục vụ tại các giáo xứ vùng Gia Định, Lái Thiêu, ông được chuyển xuống làm cha phó của giáo xứ Cái Mơn. Khi quan quân vây nhà ông câu (trùm họ) Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng để bắt giáo sĩ Tây Phương ngày 7.1.1859, thì ông bị bắt cùng với các giáo dân rồi giải về Châu Đốc. Ngày 30.7.1859, cha Quí và ông Phụng nhận án trảm quyết và hôm sau bị hành hình.

[92] Đã thụ phong linh mục.

[93] Đây là câu châm ngôn có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp nói đến vùng biển đảo Sicilia, phía Nam nước Ý, có hai vũng xoáy và đá ngầm cực kỳ nguy hiểm đối diện nhau: Charybdis và Scylla. Scylla nguy hiểm hơn. Ý nghĩa tương đương với câu châm ngôn ở Miền Nam là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, và ở miền Bắc là “tránh hùm phải hạm”

[94] Đầu Nước (ngày nay gọi là giáo xứ Cù Lao Giêng), là một họ đạo cổ xưa ở vùng Long Xuyên được thành lập năm 1778. Đây là nơi trú ẩn của các thừa sai Pháp và các cha Việt Nam trong thời bắt đạo.

[95] Linh muc Jean Claude Pernot (1823-1904), tên Việt là Định, là một trong hai thừa sai Pháp truyền giáo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức dưới sự điều động của Giám mục Lefèbvre (Ngãi). Đến Việt Nam năm 1853, ông phụ trách việc huấn luyện chủng sinh để gởi sang Penang. Sau khi trốn thoát cuộc vây bắt năm 1859 ở Đầu Nước này, ông về Saigon để phụ Giám mục Lefèbvre lo xây dựng chủng viện Saigon.

[96] Ông Lý Phụng tức Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng (1796-1859), sinh tại Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang, thuộc trấn Châu Đốc. Nhờ lòng nhiệt thành, ông được các giáo hữu tín nhiệm bầu làm “câu” (trùm) của giáo họ Đầu Nước (Cù Lao Giêng). Ông cũng là Lý trưởng trong làng, nên quen gọi là ông Lý Phụng.Trong thời gian này nhà của ông là nơi các linh mục ngoại quốc cũng như Việt Nam thường xuyên trú ẩn. Ngày 7-1-1859 quan quân bao vây nhà ông, không bắt được linh mục Pernot nhưng bắt được cha Quí. Ông bị ghép tội chứa chấp đạo trưởng và thọ án trảm quyết cùng với cha Quí ngày 30-7-1859.

[97] Nguyên văn La-tinh: Adsumus, tạm dịch là Có Mặt.

[98] Lúc đó ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có 2 chủng viện tạm, một ở Đầu Nước (Cù Lao Giêng) và một ở Cái Nhum, Vĩnh Long. Vì tình hình bất ổn nên sau thời gian đào tạo sơ khởi các chủng sinh sẽ được gửi qua tu học ở Trường Chung Penang. 

[99] Tác giả Petrus Ký ứng dụng chương đầu của sách Ai Ca theo cung cách quen thuộc trong thư này, có thể nhận ra các câu 4.5.6.10.11.17, dựa trên bản dịch La-tinh phổ thông vẫn sử dụng vào thời đó. Còn các bản dịch mới thường theo ngôn ngữ bản văn gốc là Hip-ri (Hebrew) hoặc Hy lạp, kể cả bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phục Vụ. Bản dịch La-tinh đã được san đính lại trong nhiều năm trời, gọi là Bản Phổ Thông mới, được chính thức công bố vào năm 1983.

[100] Ê-dốp (Hy lạp: Aesop, La-tinh: Aesopus) là một người Hy Lạp, kể nhiều dụ ngôn dạy sự khôn ngoan. Dụ ngôn con quạ và bình nước kể về con quạ khát nước, thấy một bình chứa nước nhưng cổ bình hẹp, nó không thọc mỏ vô được, nước thì ở sâu trong bình, nó bèn lượm sỏi bỏ vô cho tới khi nước dâng lên tới miệng bình thì nó uống được. 

[101] Cilicon, cũng gọi là Achaeus, người Mi-le-tô (Milet) là kẻ phản bội tổ quốc (truyện Hy-lạp)

[102] Sông Nin [Nile] là con sông nuôi sống nước Ai-cập từ xưa đến nay, nhưng nổi tiếng là nhiều cá sấu đến nỗi con chó xuống uống nước cũng phải vừa chạy vừa uống. Có chuyện ngụ ngôn kể rằng: “Một con chó xuống uống nước ở sông Nin, có con cá sấu dụ con chó rằng: bạn cứ uống thoải mái đi. Con chó trả lời: tao biết, mầy nói vậy nhưng mầy thèm thịt tao lắm đó”.

[103] Nguyên văn La-tinh: Sic valeas, ut farina es, quae jaces. Theo chuyện ngụ ngôn về một con cáo già không còn sức đi săn nên trét bột lên mình và nằm giả làm cục bột để bẫy chuột.

[104] Phỏng theo lời Chúa Giê-su căn dặn: “Nếu người ta lùng bắt anh em ở thành này, hãy trốn qua thành khác, và ở thành ấy cũng bị lùng bắt thì hãy trốn qua một thành khác nữa”. (Mt 10,23) 

[105] Nguyên văn La-tinh: eo qui a pedibus, “loài đi bằng chân”, hoặc cái gì phát ra từ chân mình. Theo ý trong thư, tác giả đang tả cảnh chạy trốn từ cánh rừng này qua cánh rừng khác, ban đêm dưới ánh trăng, còn ban ngày thì ẩn núp chờ đêm tới, mỗi ngày chỉ thấy ánh mặt trời bên trên và tiếng thú rừng qua lại, hoặc tiếng bước chân của mình ban đêm.

[106] Nguyên văn La-tinh: vos autem securi numerabitis, “anh em cứ yên tâm/chắc chắn mà đếm”. Ý nói là chuyện bắt đạo sẽ càng ngày càng khủng khiếp hơn.

[107] Nguyên văn La-tinh: martyres et confessores. Trong giáo hội Công giáo thời sơ khai, những người bị bắt và chết vì đạo được gọi là martyres (chứng nhân) còn những người tuyên xưng đạo, chịu khổ hình nhưng không chết thì gọi là confessores (người tuyên xưng đức tin). Cả hai đều là anh hùng trong đạo, chỉ khác biệt là có người đã chết và có người sống sót trong cuộc bách hại. Theo đó, bà Nhứt Lành trong câu chuyện này cũng như Hương thân Hào, chú Ngoạn, dì Elizabeth (Y-sa-ve) Ngọ (hay Nguyệt) là confessores còn cha Phêrô Quí hay Quan Thái Bộc Hồ Đình Hy là martyres.

[108] Nguyên văn La-tinh: in auctorem fidei et consumatorem Jesum. Lấy ý trong Sách Khải Huyền nói Đức Kitô là Alpha và Omega (chữ đầu và chữ cuối trong bộ mẫu tự Hy-lạp), tức là khởi đầu và chung cuộc của niềm tin Ki-tô giáo.

[109] Chúng tôi viết chữ nghiêng phần lớn đoạn này, vì nó là công trình đan kết nhiều câu lấy từ hai bức thư trong sách Tân Ước: Thư gởi tín hữu Rô-ma [Romans] và thư Hip-ri [Hebrews]. Ở cuối chương 8 của thư Rô-ma, thánh Phao-lô diễn tả sự tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương yêu thành tín của Thiên Chúa trong mọi nỗi gian truân (8: 31-39), trong đó có trích dẫn lời Thánh vịnh 43/44, là lời cầu xin, ôn lại những tai họa dân của Giao Ước Cũ (Xi-nai), lập bằng máu các con vật đã sát tế, đã mắc phải vì tội lỗi của họ, câu 22: “Âu cũng vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh”. Ngay sau đó lại chuyển sang thư Híp-ri là thư giải nghĩa vai trò của Chúa Giê-su trong việc lập Giao Ước Mới bằng Máu của chính mình. Tác giả tỏ ra rất thuộc Thư này, vì rất thích hợp với thời các tín hữu bị bắt bớ: “Chúa Ki-tô đã vào Cung Thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”  (9: 12). Tác giả mượn lời khuyên ở chương 10, câu 23: “Giữ lời tuyên xưng lòng trông cậy không suy suyển”. Tiếp theo, tác giả mượn ở đầu chương 12 của thư này, lời khuyến khích các tín hữu theo gương Chúa Giê-su: “Hãy kiên trì xông vào cuộc chiến đấu dành cho ta, nhìn lên Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin là Đức Giê-su, Người đã vì niềm vui dành cho mình, cam chịu khổ hình thập giá, coi thường ô nhục, và nhờ thế đã vào trong vinh quang của Người và đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (12,1-2). Theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phục Vụ.

[110] Nguyên văn La-tinh: omnimo litterae internuntiae, dịch sát là: “mọi tin tức bằng báo chí”. 

[111] Tức là Tây Ban Nha, do phiên âm từ chữ España hay Espagne.

[112] Manila, lúc đó là thuộc địa của Tây Ban Nha. 

[113] Lời trong sách Đa-ni-en (Daniel) 4,32.

[114] Darius I (550-486 TCN) là vua đế quốc Ba-tư cổ đại (Persia). Trong thời gian ông trị vì (522-486 TCN), lãnh thổ của đế quốc này rộng lớn trải dài từ vùng Đông Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ về phía Tây tới thung lũng Indus (Pakistan) về phía Đông. Phía Bắc tới rặng Caucasus, phía Nam đến Ai cập và Sudan.

[115] Sử gia Gnaeus Pompeius Trogus (thế kỷ I) viết bộ sử đồ sộ trong thời cổ đại mang tên Historiae Philippicae gồm 44 quyển. Sau này sử gia Marcus Junianus Justinus (thế kỷ II) kế thừa và tóm tắt lại.

[116] Alexander the Great hay A-lịch-sơn Đại đế hay Alexander Magnus (356-323 TCN) là vua xứ Macedonia. Trong một thời gian ngắn ông đã mở mang lãnh thổ qua nhiều cuộc chiến, chiếm trọn đế quốc Ba Tư, đánh tan người Scythia ở Trung Á và tạo nên đế quốc Hy Lạp trải dài từ Hy lạp và Ai cập đến vùng Pakistan ngày nay. Sau khi ông chết, văn minh Hy-lạp đã tồn tại cả hằng thế kỷ sau kể cả khi đế chế La Mã thống trị Âu châu. 

[117] Nabuchodonosor hay Na-bu-cô-đo-no-xo hay Nabuchadnezzar II (~605-562 TCN) là đại đế xứ Babylon cổ đại. Ông được nhắc đến trong Kinh Thánh Cựu Ước như người đã xâm lăng xứ Giu-đa (Judah), phá huỷ Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem và bắt từ vua đến dân đi lưu đày. Sau khi ông qua đời, Cyrus I (~600-530 TCN) của xứ Ba Tư đánh chiếm và xóa sổ Babylon bằng việc sát nhập vào đế quốc Ba Tư.

[118] Theo truyện kể trong sách Đa-ni-en (Daniel, Cựu Ước), vua Na-bu-cô-đo-no-xo bị hóa thành thú vật cho tới khi nhận biết Đấng Tối Cao có quyền trên vương quốc của loài người và trao cho ai tùy ý. Sau khi ông sáng lòng ra mà nhận biết Đấng Tối Cao và thần phục Người, Người cho ông trở lại thành người và tiếp tục làm vua. Ông kể lại cho toàn dân trong đế quốc của ông và ca tụng tôn vinh Vua Trời. (Đn 4,1-34)

[119] Sách Đa-ni-en (Daniel) 4,34

[120] Lời trong thư I thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (Thessalonians), chương 3, câu 4.

[121] Tác giả vận dụng lời trong thư I của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, chương 12, câu 11 và 15.

[122] Câu kết bí ẩn khó hiểu này có vẻ như để nhắc các bạn rằng tác giả bị giới hạn, không biết nhiều việc đã xảy ra và cũng không kể hết được. Trước đó Petrus Ký đã nói về tình trạng không có phương tiện để biết tin tức, ngay cả về những chuyện xảy ra trong nước. Vì chuyến tàu bị cản trở nên ông viết thêm tờ 13, nói về tình trạng cuộc săn lùng bắt bớ ngày càng ác liệt, và thêm chuyện về những kẻ làm tiền ngay chính tác giả tại làng quê Cái Mơn của mình.

[123] Nguyên văn La-tinh: Februarii. Trước thế kỷ XX, để phân biệt giữa lịch tây và lịch ta, người ta thường phiên âm các tên tháng trong các bản chữ Nôm là Phê-bru-a-ri, cũng có khi gọi là tháng Hai tây.

[124] Lời Chúa Giê-su: “Khi anh em đã làm xong tất cả những gì được trao, hãy nói: Chúng tôi là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi phải làm đó thôi” (Lu-ca [Luke] 17, 7)

[125] Nam Kỳ Lục Tỉnh (1832-1867): Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Ý nói là toàn miền Nam. 

[126] Nguyên văn La-tinh: Pabulum subjiciente suspicion, có thể nói là “thêm dầu vào lửa”.

[127] Đây là tên các giáo phận tông tòa (apostolic vicariate) đã giải thích ở trên. Giáo phận Đông Đàng Trong tính từ Bình Thuận trở ra đến đèo Hải Vân, Bắc Đàng Trong từ Huế ra tới Quảng Bình. 

[128] Chỗ này chúng tôi nghĩ rằng Petrus Ký dùng âm lịch vì ông viết “tháng Giêng” bằng Quốc Ngữ, và cũng vì lúc ông viết những dòng này là sau ngày 7 tháng 2 dương lịch năm 1859, cho nên “hôm qua” không thể là tháng 1 dương lịch được. Ngày 7 tháng giêng âm lịch là ngày 8-2-1859. 

[129] Nguyên văn La-tinh: Magnus Judex. Ở lần tra vấn trước thì ba vị quan cấp tỉnh tra hỏi gồm có ông Thượng, ông Bố và ông Án. Lần này, chỉ thấy nói đến một vị quan, và chữ dùng cũng khác lần trước. 

[130] Những người theo đạo Thiên Chúa phải thường xuyên hối lộ cho các quan sở tại để họ làm ngơ không bắt đạo hoặc đối xử nhẹ nhàng hơn với những người bị bắt. Nguyên bản không nói rõ nhưng có lẽ là 4 nén bạc đã được dùng để hối lộ các ông quan này. Và cũng có thể đây là lý do mà “ông Thượng” đã bị “há miệng mắc quai” như trên, vì đã lỡ ăn tiền của “ông Huyện” Tân Minh là người giới thiệu ông Cả Thiện. Một nén là 10 lượng.

[131] Nguyên văn La-tinh: scabie, nghĩa đen là rỉ sét, ghẻ lở.

[132] Ám chỉ tới lời sách Công vụ các Tông Đồ kể về Giu-đa (Judas Icariot), một người trong số Mười Hai Tông Đồ của chúa Giê-su, đã bán Thầy rồi lấy tiền ấy mua một miếng đất (Cv 1,18). Khác với lời kể trong Sách Tin Mừng Mát-thêu (27,3-10)

[133] Nguyên văn tác giả viết là exaesi, nhưng tiếng la-tinh chỉ có exesi (bởi động từ exedo, thể thụ động là bị ngốn sạch) 

[134] Cilicon là tên phản bội trong truyện Hy-lạp, đã dẫn ở trên.

[135] Tức là những gia đình các chủng sinh đã được gởi đi học ở Trường Chung Pinang giống như Petrus Ký.

[136] Petrus Ký học ở Trường Chung Pinang từ năm 1851 cho đến 1858.

[137] Petrus Ký cho thấy rõ ràng là ông đã bị làm tiền bởi những người vu cáo rằng những chủng sinh được qua Penang học như ông đã được gởi qua Âu Châu (Europa) để được huấn luyện quân sự và trở về tham gia cuộc chiến của Pháp xâm lăng Việt Nam. Nhất là vì ông là người ở Cái Mơn là một xứ đạo và vì ông trở về nước vào cuối năm 1858, đúng ngay khi Pháp bắt đầu đánh Đà Nẵng (Touron). Điều này cho thấy rằng ông đã bị vu cáo “phản quốc” ngay từ lúc đó chứ không phải đợi đến sau này!