Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Giới thiệu tuyển tập “50 năm nhìn lại Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ”

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với những người con Phật quan tâm đến tiền đồ quê hương và đạo pháp dường như mới hôm qua. Hình ảnh Tổ đình Ấn Quang vẫn còn đậm nét trong tâm trí mọi người. Căn nhà nhỏ sau tổ đình với chiếc bàn dài và sáu chiếc ghế gỗ được tạm dùng làm nơi tiếp khách vẫn còn là bóng dáng quen thuộc, thân thương đối với nhiều thanh niên, sinh viên Phật tử thường hay sinh hoạt ở đây.
Sau ngày 30 tháng Tư 1975, ngôi tổ đình trang nghiêm này trở nên vắng vẻ. Bên trái chánh điện là hội trường, nơi đó những buổi thuyết pháp, diễn thuyết đã diễn ra. Trong hội trường khá cũ đó, mỗi chiều Chủ Nhật, đồng bào Phật tử đến nghe Hòa thượng Quyền Viện Trưởng VHĐ Thích Thiện Minh, Hòa thượng Tổng Thư Ký VHĐ Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thuyền Ấn, Hòa thượng Thích Pháp Tri, Thượng tọa Thích Liễu Minh v.v… thuyết pháp.
Thời gian tạm gọi “yên ổn” không được bao lâu. Sự ra đời của “Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước”, 1981, đã đặt GHPGVNTN vào vị trí “đối đầu không chọn lựa”. Chư tôn đức thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện không đồng ý với chủ trương của đảng Cộng sản lần lượt bị vào tù. Có vị bị bắt hai lần như Hòa thượng Tổng Thư Ký Thích Quảng Độ hay Hòa Thượng Quyền Viện Trưởng Thích Huyền Quang. Tổ đình Ấn Quang đã vắng vẻ từ đó càng thêm hiu quạnh.
Nhiều bậc tôn đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện không có chọn lựa nào khác hơn là ra biển.
Đạo Phật là đạo của con người và Đạo Phật Việt Nam là đạo của người Việt Nam. Ánh sáng của từ bi và trí tuệ lại được thắp lên trên các đảo, các trại tỵ nạn khắp vùng Đông Nam Á và sau đó theo chân đồng bào tỵ nạn đến khắp bốn phương trời.
Tại Mỹ, cộng đồng Phật Giáo lớn lên cùng với cộng đồng người Việt. Nhiều ngôi chùa được dựng, nhiều thiền viện được xây. Đồng hương Việt Nam đã biến những con đường đầy ổ gà thành xa lộ khang trang, biến những khu nghèo nàn thành thị trấn sầm uất. Khu Bolsa hưng thịnh ngày nay, ngày xưa chỉ là những khu đất ruộng. Sau lưng là biển cả và trước mặt là núi cao, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người Việt tỵ nạn không có đường lui ngoài việc phải cố gắng vượt qua. Như thực tế chứng minh, đồng bào đã vượt qua được. Sự thành công đó có sức đóng góp không nhỏ của đồng bào Phật tử.
Hệ thống Gia Đình Phật Tử được tái lập và sinh hoạt đều đặn. Giống như các anh chị của thế hệ huynh trưởng 1940, tiếng còi, tiếng hát họp đoàn, họp đội lần nữa vang lên thúc giục tuổi trẻ dấn thân vì lý tưởng “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Nhiều huynh trưởng được đào tạo tại Mỹ. Các anh chị huynh trưởng thời đại ngày nay hai vai gánh nặng, vừa giúp đỡ các em giữ gìn văn hóa Việt nhưng cũng vừa hướng dẫn các em hội nhập với đời sống Mỹ. Truyền thống phương đông và giáo dục phương tây hòa hợp để giúp thăng hoa cho cuộc sống mới nơi quê người.
Sau thời gian tạm ổn định, đáp ứng lời kêu gọi của Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN tháng 9/1991, Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHNHK được thành lập như kết quả của Đại Hội Kỳ I tại San Jose vào tháng 9/1992, để hộ trợ cho công cuộc vận động phục hoạt GHPGVNTN do Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang khởi xướng từ trong nước.
Bên cạnh phúc duyên cũng có chướng duyên. Con đường từ năm 1992 đến nay quả thật đầy gian nan và thử thách. Tuy nhiên, noi theo bước chân của chư liệt tổ trong thời kỳ Chấn Hưng Phật Giáo, GHPGVNTNHK tiếp tục vững tâm phụng trì đạo pháp và dân tộc theo đúng tinh thần của Hiến Chương 1964: “GHPGVNTN điều hợp hai tông phái Phật giáo tại Việt Nam để phục vụ nhân loại và dân tộc bằng cách hoằng dương Chánh pháp.”
Sau 50 năm những thành tựu dù chưa đạt đúng với ước mơ, Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đã bước một bước khá dài và con thuyền đạo pháp tưởng chừng mong manh đã vượt qua bao nhiêu lần sóng to gió lớn.
Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK đã tóm tắt hành trình đó: “Còn khoảng 50 năm nữa ở hải ngoại, cũng chẳng khác gì như con sóng lớn, sóng ròng của đầu tháng và cuối tháng. Nhưng vì đời người có nhân duyên trong Phật Pháp, nên dù là sóng lớn hay sóng ròng, nhờ nhân duyên ấy mà tất cả chúng ta được nuôi lớn và trưởng thành từ thuở phôi bào đến hôm nay. Thành tựu rồi sẽ tan vỡ, hiện hữu rồi biến mất, nhưng những gì tồn tại thì vẫn tiếp tục tồn tại cho đến nay, như một chứng minh trên dòng chảy của Phật Giáo hải ngoại.”
Đúng vậy, bạch Hòa thượng, dù trải qua bao nhiêu sóng gió, đạo Phật Việt Nam vẫn mãi mãi là mạch sống của dân tộc Việt. Nhìn lại không phải để lạc quan hay tự mãn mà là để vượt qua và cố gắng vươn lên hơn nữa.
Năm mươi năm trong giai đoạn lịch sử dân tộc đầy khắc nghiệt, những người con Phật buộc phải ra đi theo nhiều ngã nhưng chỉ có một ngã để quay về, đó là về dưới bóng từ quang của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Tương tự, GHPGVNTN, sau 50 năm vẫn còn nguyên vẹn là căn nhà chung của Phật Giáo Việt Nam. Cánh cửa vẫn mở ra cho mọi người con Phật biết tìm về. Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Minh, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa Thượng Thich Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch nhưng những lời dặn dò, nhắn nhủ của các Ngài vẫn còn vang vọng trong tâm tư nhiều triệu tín đồ Phật Giáo Việt Nam.
Con (tôi) biết ơn Chư Tôn Đức, Quý Cư Sĩ, Anh Chị Em Huynh Trưởng đã góp phần thực hiện tuyển tập đặc biệt “50 năm nhìn lại Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Nguồn: Hoằng Pháp
50 NĂM NHÌN LẠI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
Chủ trương: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
Chủ biên: Hòa thượng Thích Nguyên Siêu
Phụ tá: Hòa thượng Thích Từ Lực
Biên tập: Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo | Cư sĩ Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ | Quảng Pháp Trần Minh Triết
Đóng góp bài vở: Thích Nguyên Siêu | Thích Từ Lực | Nguyên Giác Phan Tấn Hải | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Định Pháp Nghĩa | Quang Ngộ Đào Duy Hữu | Huệ Đan | Nguyên Túc Nguyễn Sung | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ | Thiên Nhạn | Phổ Ái
Kỹ thuật: Nhuận Pháp và Hoa Đàm Group.
ISBN: 2370002023719 | Amazon
Thư Viện Phật Việt © ấn hành tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2569 – DL 2025.