Phạm Trọng Chánh : Nepal : Từ Hy Mã Lạp Sơn đến Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật ra đời

Tôi đã đi qua mười lăm ngày kỳ diệu, được nhìn ngắm dãy núi Hy Mã Lạp Sơn từ Pokara, những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, cao nhất địa cầu, đến Katmandou, Patan, Bhaktapour thăm những đền đài cung điện, những điêu khắc trên gỗ đá huy hoàng tráng lệ. Đến Lumbini nơi Đức Phật ra đời còn di tích trụ đá và đền thờ mẹ ngài Hoàng Hậu Maya Devi do vua Ashoka xây dựng từ thế kỷ thứ III trước JC, nơi đây ngày nay các nước có tín đồ Phật giáo đều dựng chùa với bản sắc riêng của mình. Tôi đã đi thăm khu rừng hoang sơ Park Chitwan có hơn 800 loài chim, 80 loại động vật có vú, những loài thú quý hiếm như bầy tê giác trắng một sừng nay còn 350 con trong rừng, đàn voi được nuôi dưỡng để chở khách du lịch, trong rừng còn có cọp nhưng hiếm khi được nhìn thấy. Tôi đã đi thuyền độc mộc trên sông, những con cá sấu nằm phơi nắng hai bên bờ. Tôi đã đến thăm dòng sông thiêng liêng Punyamati hai bên bờ đầy các ngôi đền và các ‘ghâts’ hỏa táng liên tục cùng lúc cả chục người. Nơi đây có hàng chục bàn đá chất lên mỗi bàn một giàn củi, người chết được khiêng trên cán tre mang đến bờ sông rửa tay chân cho nước sông vào mặt, sau đó được đặt lên giàn hỏa, thiêu xong tro cốt được đẩy xuống sông.
Népal là một trong những nước nghèo nhất địa cầu đang mở cửa đón khách du lịch, những con đường xa lộ chưa làm xong, xe chạy còn tung khói bụi mịt mù. Những con đường ngoằn nghèo trên núi, phía dưới là vực thẳm, xe cộ chỉ chạy với tốc độ 15, 20 km giờ hai chiều tránh nhau trên con đường núi hẹp, mỗi khúc cong phải bóp còi, xe chạy 200 km từ Katmamandou đến Pokara phải mất 8 giờ, nhưng người lái xe đầy kinh nghiệm làm du khách an tâm.
Népal có hai nguồn lợi lớn du lịch : là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn và Lâm Tỳ Ni.

Népal một nơi đến làm mơ màng các nhà thám hiểm, các nhà phiêu lưu, yêu thiên nhiên, đam mê những núi cao tuyết phủ trắng xóa. Họ từ các nước Âu, Mỹ, Á đổ về đây cho những cuộc đi bộ leo núi phiêu lưu những chuyến đi hàng tuần trên 500km. Có đến hơn 50 000 người dân Népal sống bằng nghề hướng dẫn hay khuân vác hành trang cho các đoàn thám hiểm, mang lại lợi tức hơn 5 triệu đô la một năm.
Nguồn lợi lớn khác là khách hành hương Phật Giáo, từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan và cả Âu Mỹ đến thăm Lumbini nơi Đức Phật ra đời. Nơi đây ngoài các công trình xây dựng lịch sử, do sáng kiến một giáo sư người Nhật lập ra khu vực di tích, các nước Phật Giáo, mỗi nước xây dựng chùa chung quanh nơi được Unesco công nhận di tích lịch sử: Tôi đã đi thăm các ngôi chùa tiêu biểu cho văn hóa Phật Giáo mỗi nước : Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Nam Hàn, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, và cả Phật Giáo, Pháp, Đức, Mỹ, Canada… Riêng Việt Nam có công trình của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn cuả Hòa Thượng Huyền Vi, Tịnh Hạnh, ni sư Trí Thuận trụ trì thành lập. Ngoài ra còn có công trình khác Phật giáo Nam Tông của sư Tường Quang.




Đến Népal, tôi chợt bắt gặp những hình ảnh xa xưa của Việt Nam, con thuyền độc mộc, giống như thời Hùng Vương khắc trên trống đồng, nhìn ngày xuân trước nhà trồng cây nêu bằng cây tre còn xanh lá treo tấm đạo bùa, buổi diễn văn nghệ truyền thống trai gái hát múa đánh trống cơm, những bà cụ già xâm mình, ăn trầu, họ trồng lúa nước với những dụng cụ đập lúa, thanh gỗ dài, đầu có cái chày vào cối, người đứng phía sau nhún nhẩy, đập chày vào cối, như Việt Nam ngày xưa trước khi có nhà máy xay lúa.. Vùng đất gần Hy Mã Lạp Sơn mà cũng nóng như Việt Nam, cũng bụi tre, vườn chuối, cây đu đủ, dưa hấu, xoài, những bà già ngồi quết phân trâu lên phên tre làm vách nhà và cả các cô gái mặc áo dài hai tà .. nếu không có chấm đỏ con mắt tuệ nhãn, ngay giữa trán thì khó mà phân biệt.. Ô hay thật lạ lùng và gần gũi ! Có phải từ nơi này những bộ lạc thời nguyên thủy đã theo cội nguồn dòng sông từ Hy Mã Lạp Sơn đi về đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long..
Népal nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc với diện tích 147 516 km², gần bằng phân nửa Việt Nam, năm 2023 có 30 896 590 dân, đất nước hình chữ nhật chiều dài 800k m và chiều rộng 200km. Phía giáp giới Trung Quốc là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, chính giữa là vùng rừng núi xanh, và giáp Ấn Độ là vùng đồng bằng chiếm 20 % đất trồng lúa nước. Vùng đồng bằng khí hậu nóng và ẩm mùa hè, mùa đông mát mẻ.
Cách đây 70 triệu năm, mảng lục địa Gondwana (Ấn Độ) tách rời Nam Phi Châu đi dần đến Âu-Á, hai mảng lục địa chạm nhau với sức mạnh chưa từng thấy, Gondwana luồn phía dưới nâng đáy biển cao lên thật kỳ diệu, tình cờ trên những đường mòn Tây Tạng, người ta khám phá ra các vỏ sò, ốc, hến, và cả các hồ nước mặn chứng tỏ Tây Tạng xưa kia là một vùng biển. Sự va chạm vẫn còn liên tục với tốc độ 2cm một năm. Bị dồn ép bởi hai mảng lục địa, đá hoa cương nhô lên cao sinh ra từ hàng triệu năm thành dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Cụ Phan Châu Trinh lấy hiệu mình là Hy Mã, cụ chỉ mơ ước mà chưa được đến đây. Cách đây năm triệu năm các đỉnh núi chỉ cao 3000m, ngày nay Népal là vùng có nhiều nguy cơ động đất, có 14 đỉnh núi cao hơn 8000 m, ngọn núi cao nhất là Everest 8850 m. Trong mười đỉnh núi cao nhất thế giới, thì Népal có 8 ngọn núi. Từ tây sang đông có các ngọn : Naga Parbat (8125m), Chogori (8611m), Phalchen Gangri hay Gasherbrun I (8068m), Gasherbrun II (8035m), Dhaulagiri (8167m), Annapurna (8091m). Manaslu (8156m), Gosainthan (8013m), Cho Oyu (81543m), Everest (8850m). Lhotse (8571m) Makalu (8481), Kangchenjunga (8598).
Ngày 3 tháng sáu 1950 hai người Pháp là Maurice Herzog và Louis Lachenal đã leo đến đỉnh Annapurna. Ba năm sau Edmund Hillary người Nouvelle Zélande và Sherpa Tensing Norgay đã leo đến đỉnh Everest, hai đoàn thám hiểm đầu tiên đã chinh phục đỉnh cao nhất thế giới, ngày nay từ năm 1980 có rất nhiều đoàn đã đến nơi, có nhiều đoàn người Nhật và Nam Hàn đã lên đến đỉnh núi, nhưng không ít người đã để lại thi thể mình ướp lạnh trên núi cao, có người được chôn xác bên viện bảo tàng người leo núi. Từ năm 2023, người leo núi phải được tổ chức bởi công ty du lịch và có người leo núi chuyên nghiệp hướng dẫn, nhiều trạm dừng chân được thiết lập các nơi.

Ngôn ngữ chính thức là Népali nói bởi 90% dân, nhưng có hơn 50 tiếng nói dân tộc khác nhau thuộc hai hệ ngôn ngữ Indo-européennes và Tibéto-birmanes. Các bộ tộc Tibéto-birmanes sống trên các núi độ cao từ 1500 đến 3000m, các bộ tộc lớn là Magar, Gurung, Tamang, Newar, Rai, Limbu.
Đến Népal điều cảm nhận trước tiên là, tôn giáo hiện diện khắp nơi, từ Ấn Độ giáo đến Phật Giáo.. chi phối mỗi hành động trong đời sống hằng ngày. Khi gặp nhau họ chắp tay vái chào và nói “Namasté” có nghĩa là tôi chào đấng thiêng liêng nơi người. Người Népal không đốt nhiều trầm hương, nhưng đền chùa nào cũng có chuông quay cầu nguyện, họ lắc chuông kêu và quay cả hàng chuông; gặp các chuông quay lớn họ xoay đủ ba vòng với lòng thành kính.
Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng, đặt các thần thánh Ấn Độ Giáo qua một bên, không phân biệt giai cấp Bà La Môn, giai cấp vua chúa, giai cấp thương nhân, thủ công và giai cấp hạ tiện. Mọi người đều có khả năng giác ngộ thành Phật, đạt đến Niết bàn, thay đổi các nghiệp chướng, thoát khỏi vòng luân hồi, nhưng tại Népal Ấn Độ Giáo lẫn lộn với Phật Giáo, khó mà tách biệt. Họ giữ lại tất cả không buồn vất bỏ, như những dây điện chằng chịt, họ cứ thêm dây mới không buồn cắt bỏ dây cũ, tạo để thành điện rác khắp thành phố. Ngay trước khách sạn nơi đã xảy ra một tai nạn họ lập ra một tháp thờ chiếm một phần mặt đường, làm trở ngại xe cộ đi ra, nhưng có lẽ điều này không quan trọng bằng việc hàng ngày có những phụ nữ đến dâng hoa cúng bái.
Ảnh hưởng Ấn Độ giáo nặng nề, các ngôi tháp bên ngoài huy hoàng nhưng bên trong nhỏ bé, chỉ thờ hình tượng Dương Vật và Âm hộ, hay tượng thần Ganesh đầu voi. Chung quanh tháp, bên trên điêu khắc tượng thần thánh, nhưng phần cuối cùng điêu khắc các tư thế làm tình nam nữ đến tập thể đủ kiểu, bốn góc trụ điêu khắc tượng thần mặt hung dữ với dương vật to lớn. Phía trước tháp là con bò nằm, vì bò là mẹ của bò tót, bò tót là một kiếp của thần Shiva. Vì thế người ăn không ăn thịt bò, bò sống tự do bên cạnh người, tuy nhiên tại Népal tôi thấy ít bò hơn tại Ấn Độ.
Ấn Độ Giáo phát sinh khoảng 1600 năm trước JC, do sự tiếp xúc giữa các bộ tộc Arya du mục đến từ Trung Á và các dân bản địa lục địa Ấn Độ. Những kẻ xâm lăng đã mang đến giai cấp và định vị hệ thống thần thánh, và lập thành hệ thống giai cấp.
Hệ thống thần thoại Ấn Độ gồm ba thần chính : Thần Brahma: thần sáng tạo vũ trụ, được mô tả là vị thần có bốn khuôn mặt. Thần Visnhu là đấng bảo hộ và Shiva là đấng hủy diệt. Ba vị thần phối ngẫu với ba nữ thần Saraswati, Lakshimi và Parvati. Niềm tin Ấn Độ được truyền khẩu và sau đó được ghi chép thành Kinh Vệ Đà, tạo thành căn bản cả Ấn Độ Giáo với 33 vị thần cai quản vũ trụ bốn phương. Tuy nhiên mỗi vị thần lại biến hóa có nhiều kiếp với nhiều tên khác nhau, thần này sinh thần khác. Thần Brahma lại sinh từ đóa hoa sen mọc lên từ rốn của thần Visnhu. Brahma dung hoà giữa hai thần bảo hộ và hũy diệt. Thần thoại Ấn Độ đi ngược lại với Do Thái Giáo, đấng sáng tạo là nguyên nhân đầu tiên tự sinh ra và sinh ra vũ trụ. Với sự biến hóa, thần này sinh thần khác, có khi thần tự phân thân làm hai thần, người nghe khó lòng mà nhớ ra phổ hệ các thần, như thần thoại Hy Lạp, mà thấy đầu óc rối loạn trước hệ thống thần thánh Ấn Độ.
Người giai cấp trên Bà La Môn, và vua chúa dũng sĩ, thương nhân thường có nước da trắng. Và người hạ tiện nước da đen sậm hành nghề phục vụ. Văn minh Ấn Độ không có nhân dân chung chung mà chỉ có giai cấp. Giai cấp Brahmanes là giới tu sĩ ở cao nhất, thông hiểu và dạy dỗ các tục lệ. Giai cấp Kshatriyas gồm các vua chúa, tướng sĩ. Giai cấp Vaishyas gồm người chăn nuôi, nông dân, hay thương nhân. Họ sinh từ giai cấp nào thì ở giai cấp đó mãi mãi. Ngày nay do tiếp xúc ảnh hưởng Tây Phương trai gái có phần nào tự do luyến ái, nhưng có khi bị phủ nhận bởi gia đình. Hiến pháp và luật pháp Ấn Độ sao chép theo luật Tây Phương có đủ điều cấm đoán, nhưng tại nhiều vùng quê, trai gái hai giai cấp khác nhau yêu nhau bỏ nhà trốn đi vẫn bị cha mẹ mướn người đuổi theo giết chết. Đàn bà góa chồng phải bỏ nhà trốn đi lên các nơi tị nạn thành phố vì có thể bị đánh thuốc mê đốt theo chồng như chuyện Huyền Trần công chúa. Phụ nữ về nhà chồng không đem theo của hồi môn, hoặc có khi hứa đem về một cái nồi kín hơi nấu nhanh mà không có cũng bị đốt sống rồi đổ lỗi cho mặc sari luộm thuộm lửa cháy. Các gia đình nghèo sinh ra con gái lấy làm lo lắng vì lớn lên phải lo của hồi môn, sinh ra con gái họ ‘cho em bé bú sữa’ bằng cách nhận chết trong chum sữa, hay đem bỏ ngoài trời cho sương lạnh chết. Tại các vùng quê, mười hai mười ba tuổi đã “có vợ chồng”. Bao nhiêu chính phủ đã tìm cách cải tổ, thay đổi các hủ tục, xây dựng nhà vệ sinh, làm thùng rác công cộng, nhưng mọi chuyện đều trở thành nan giải. Ấn Độ có rất đông người tài giỏi tại nước ngoài, có nhiều phát minh sáng chế. đất nước đang vươn lên hàng cường quốc, nhưng thực tại vẫn còn đầy mâu thuẫn, cực kỳ bảo thủ. Nền văn minh sinh ra phong trào bất bạo động, từ bi nhưng bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị bị ám sát, thời phân chia Ấn Độ và Pakistan các chuyến xe lửa tràn ngập máu người..
Tại các vùng núi hẻo lánh Hy Mã Lạp Sơn, có ba hình thức hôn nhân, tồn tại : người một vợ một chồng, người một chồng nhiều vợ, và gia đình các anh em chung một vợ không phải là hiếm. Ấn Độ giáo không cho phép nhiều vợ, nhưng trong các giai cấp trên, người vợ thứ vẫn được cưới hỏi với nghi lễ đơn giản. Giai cấp hạ tiện họ cho là không trong sạch làm các nghề mổ thịt, đóng giầy, giặt quần áo, đốt xác người chết. Có thể kể ngoài các giai cấp là những người Sanyasis là những ông đạo sống ẩn dật vẽ mặt bằng bột đủ màu, để tóc dài không bao giờ cắt quấn thành một đùm lớn trên đầu, khi thả ra dài hơn gót chân. Những ông đạo này đi tìm chân lý thiêng liêng, nhưng cũng có nhiều người bệnh tâm thần. Tại dòng sông nơi đốt xác người chết, tôi chứng kiến các ông ngồi thành từng hàng dài, mặt vẽ đủ màu. Du khách thích thú cho ông ít tiền để chụp ảnh với các ông, và bảo các ông xõa đầu tóc dài ra cho xem. Thật kinh khủng đầu tóc dài lê thê trong khí hậu nóng ẩm, 35, 40 độ C.

Những vị thần chính Ấn Độ Giáo gồm Vishnu hiện ra trong những thời kỳ quan trọng để cứu vớt thế giới. Hiện ra với nhiều kiếp khác nhau đến vô tận. Vishnu hiện ra với kiếp Kalki một thần trên mặt đất. Với Shiva, Ấn Độ Giáo lấy lại từ một niềm tin cổ đại từ thời thượng cổ. Biểu tượng bởi một cột đá dựng tượng trưng cho dương vật trên một cái bệ tương trưng cho âm hộ, đó là thần sinh ra sự phong phú mầu mỡ, và khát vọng. Sự truyền giống từ đời này sang đời khác cho phép thoát khỏi hữu hạn của thời gian, bằng sự sinh sản các đời nối tiếp nhau, chế ngự được cái chết, thoát khỏi vòng luân hồi, linh hồn đi từ một kiếp này sang kiếp khác, đó là một khát vọng căn bản của Ấn Độ Giáo trong thế giới ảo ảnh, vô thường của thời gian, có rồi biến mất.. Tất cả mọi sự tạo sinh đều bắt đầu bởi một cái dương và cái âm. Mỗi một vị thần đều hiện ra dưới một kiếp này hay kiếp khác, không có gì chống đối sự tái sinh của thần thánh. Các cặp đôi được tạo thành bởi một vị thần nam và một thần nữ sinh ra con cái. Điều khác biệt là người dân Népal, không nhìn các hình tượng dâm tục như du khách, xem như chuyện xấu phải che dấu như ở Trung Hoa và Việt Nam, mà họ nhìn với sự sùng kính tôn giáo.
Thần Ganesh được thờ phụng khắp nơi, thần đầu voi con của Shiva và Parvati. Theo truyền thuyết nhân gian Parvati giận chồng vì chồng thích xem mình đang tắm, nên sinh một đứa con trai và giao cho canh giữ phòng. Shiva giận dữ chặt đầu đứa con trai, nhưng rồi hối hận vì nỗi buồn của vợ, nên chặt đầu một con voi đang đi ngang ráp vào đầu con để làm lành với vợ. Một thần thoại chuyện như đùa bỡn thời thượng cổ, nhưng ngày nay vẫn còn khối người tin chuyện thiêng liêng như nước ta tin mình là con rồng, cháu tiên. Tương tự như Ai Cập thượng cổ, Ấn Độ có nhiều thần thoại nửa người nửa thú : Vishnu còn có dạng Garuda người mình chim. Shiva còn có dạng bò tót, Nandi, thần đưa tin, Yama thần Chết là con quạ.
Népal còn duy trì nhiều phong tục lạ; tôi được nhìn thấy thần nữ Kumari, xuất hiện qua cửa sổ cùng người dưỡng nuôi : là một đứa bé gái. Từ sáu tuổi được chọn làm thần nữ, thường là con các người làm nghề vàng bạc, nghi thức tuyển chọn là cho các bé gái lên sáu vào trong một ngôi nhà tối, chính giữa để nhiều chiếc đầu trâu đầy máu me, cho các người mang mặt nạ hung dữ nhảy múa, đứa bé nào không sợ hãi được chọn làm thần nữ, từ sáu tuổi cho đến khi có kinh nguyệt thì không còn được làm thần nữa, mỗi ngày đứa bé trang điểm xinh đẹp mang đầy vàng bạc, xuất hiện bên cánh cửa trên lầu lúc 4 giờ cho mọi người chiêm ngưỡng, dân chúng tế lễ bé gái như vị thần sống; bé gái đi đâu cũng ngồi kiệu, chân không chạm đất. Ngày trước khi các Kumari hết làm thần, thường phải ở độc thân trọn đời, vì không chàng trai nào dám lấy cô gái từng làm thần nữ, sẽ mang họa tới. Ngày nay các Kumari được Hội Nhân Quyền tranh đấu cho các em được đi học, sau khi hết làm Kumari được học có nghề nghiệp và hành nghề như mọi người.

Tại Ấn Độ, từ thời vua Ashoka thế kỷ thứ ba trước JC cho đến thế kỷ thứ 9 Phật Giáo phát triển rực rỡ. Ashoka hay Aśoka (304 đến 232 trước JC) sinh và mất tại Patna, là vị vua thứ ba triều đại Maurya, tiếp tục ngôi cha Bindusâra, năm thứ 13 sau khi xây dựng một đội quân hùng mạnh, ông chinh phục toàn Ấn Độ đến Afghanistan, Bengali, sau trận chiến đẩm máu tại Kalinga bắt 150 000 tù binh và hơn trăm ngàn người chết, ông hối hận về ở trong tu viện Phật giáo một năm, ông ăn chay và theo các nguyên tắc bất bạo động Phật giáo, ông đối xử công bằng với các tôn giáo khác. Ông xây dựng một xã hội thịnh vượng, đào kinh, đắp đập, xây 1500 km đường đi với các trạm dừng chân đào giếng nước, vườn cây trái và dựng trụ đá ghi khắc kinh Phật. Ông cho lập 12 phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi đến Tích Lan, Miến Điện, Giao Châu, Trung Quốc, vùng Đông Nam Á và đến tận Hy Lạp Alexandrie, Bactrian.. Ông là người đầu tiên thống nhất Ấn Độ nên trụ đá sư tử Sarnath và bánh xe Pháp luân Dharma được trân trọng là biểu tượng nước Ấn Độ ngày nay.
Từ thế kỷ thứ 10, các nhà sư Phật Giáo bị Hồi Giáo, giết, đánh đuổi phải chạy sang Tích Lan và các nước Đông Nam Á và vùng phía bắc lên Tây Tạng, Népal.. các thánh địa Phật Giáo bị san bằng, về sau Bà La Môn trở lại công nhận Đức Phật là kiếp thứ chín của Shiva. Thế là Phật Giáo gần như bị biến mất tại Ấn Độ chỉ còn khoảng 4 triệu trên một dân số hơn một tỷ người.. Những xây dựng từ thời vua Ashoka thế kỷ thứ ba trước JC gần như biến mất, mãi đến năm 1967 một người Đức dựa theo tài liệu, sách vở mô tả của nhà sư Pháp Hiền, Trung Quốc thế kỷ thứ IV, và Trần Huyền Trang thế kỷ thứ VII, đã tìm ra trụ đá Ashoka và đền thờ Hoàng Hậu Maya Devi tại Lumbini.
Những khám phá khảo cổ, đã tìm ra những từ vùng Tây Tạng, Népal sự hiện diện của nhân loại rất xa xưa. Năm 2018 phát hiện tại Nzya Dewu, xương hoá thạch định cư tại Tây Tạng trên độ cao 4600 m từ 30 đến 40 ngàn năm. Các nhà khảo cổ đưa ra một giả thuyết mới dựa trên ADN, không phải loài người Homo Sapiens từ Ethopie từ Phi Châu truyền sang Âu Châu và đi đến Á Châu, mà có một giống người đã từ cao nguyên Tây Tạng phát triển và định cư sang các vùng Châu Á, Đông Nam Á đến tận Indonésia, Australie.
Népal tìm ra những vật dụng thế kỷ XVI năm trước JC, thời đại Cuộc Chiến thành Troie. Từ thế kỷ thứ IX trước JC cho đến Thế kỷ thứ I sau JC, dân Aryas từ Trung Á đã đến định cư tại phía bắc Ấn Độ và dọc Hy Mã Lạp Sơn, tiếp theo là dân Karati đã thành lập một vương quốc trong thung lũng Katmandou. Yalambar là vị vua đầu tiên đã cai trị thung lũng thành lập vương triều nối tiếp 29 đời vua. Thời đại này chỉ để lại những huyền thoại, và người ta biết rất ít về thời đại này. Trong thời đại Népal cũng như Ấn Độ này có hàng chục, hàng ngàn vương quốc nhỏ, vua một vương quốc gồm vài bộ lạc có nhiều tù trưởng thần phục.
Thái tử Siddartha Gautama (Tất Đạt Đa) ra đời năm 623 trước JC trong một gia đình hoàng gia Sakya de Kapilavastu (Thích Ca thành Ca Tỳ La Vệ con vua Tịnh Phạn) một vương quốc ở phía Nam Népal, cách Lumbini 21 km. Phong tục đương thời Hoàng hậu phải trở về quê cha mẹ để sinh nở, trên đường về đến Lâm Tỳ Ni, bà vịn cành cây và sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa. Hoàng hậu Maya Devi mất sau khi sanh ngài ra được bảy ngày, thái tử được bà dì nuôi dưỡng.

Ngài được đạo sĩ Tu Đà Hoàn tiên tri, hoặc ngài sẽ trở thành vị vua hùng mạnh thống trị toàn cõi hay bậc Giác ngộ trí tuệ vẹn toàn. Điều này làm lo sợ vua cha Tịnh Phạn. Do đó ngài được sống trong cung vàng điện ngọc, được các đại thần dạy dỗ để trở thành một vị vua anh minh văn võ toàn tài, nhưng thái tử Tất Đạt Đa quyết định đi ra bốn cửa thành để tìm hiểu đời sống nhân gian, chứng kiến sinh, lão, bệnh, tử. Ngài gặp một cụ già nhận chân ra sự đau khổ do thời gian làm thân thể tiều tụy gầy ốm. Gặp một người bệnh rên rỉ khổ đau vì bệnh tật. Trông một xác chết người ta đưa lên giàn hỏa và cuối cùng gặp một người ẩn dật đi tìm đạo thong dong đầy khôn ngoan, hiền triết. Ngài quyết định từ bỏ cung điện để xuất gia, sau khi có vợ Da Du Đà La và con La Hầu La để vua cha nối tiếp triều đại. Một đêm trăng sáng Ngài cùng người hầu Sa Nặc cỡi con ngựa trắng vượt qua dòng sông Anoma, đến nơi ngài trao ngựa cho người hầu dắt về và bắt đầu đi tìm chân lý.
Thái tử Tất Đạt Đa sống cuộc tu khổ hạnh trong rừng già trong sáu năm, thân hình chỉ còn da bọc xương. Ngài nhận thức ra sự khổ hạnh thân hình tiều tụy không thể đạt đến chân lý. Con đường tốt nhất là con đường trung đạo sống giữa khổ hạnh và sống trong lạc thú. Ngài đến Bobh-Gaya ở tiểu bang Bihar, nhận từ một thiếu nữ trong làng cúng dường bát cơm sữa, Ngài chấm dứt cuộc tu khổ hạnh chỉ làm hao mòn sức lực. Ngài quyết định ngồi dưới cội cây bồ đề và tập trung thiền định. Sau ba đêm thiền định Shidharda Gautama trở thành Phật, đấng giác ngộ, và giải thoát tất cả khổ đau.
Đức Phật đến vườn Lộc Uyển ở Sarnath thuyết giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm đệ tử đầu tiên Kiều Trần Như được gọi là Phật Chuyển Pháp Luân (Roue du Darma). Tứ Diệu Đế gồm 4 chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Khổ: sự hiện hữu của con người đánh dấu bởi sự khổ đau (Dhuka) do già yếu, bệnh tật, chết, khả năng con người không đạt đến khát vọng hoàn hảo.
Tập: nguyên nhân sự khổ đau là sự khao khát những điều không có trong thực tế, sự khao khát không thoả mãn này làm chúng ta hành động do cái nghiệp (Karma) làm chúng ta lẩn quẩn trong vòng luân hồi tái sinh, cái nghiệp đời này làm ta nhận lãnh hậu quả trong đời sau.
Diệt: là nhận thức ta có thể chấm dứt khổ đau bằng nhận thức ra nguyên nhân đau khổ, thoát khỏi tham vọng và sự luyến ái.
Đạo: là con đường để đi đến sự giác ngộ, chấm dứt vòng tái sinh trong khổ đau và đạt đến Niết Bàn. Đạo gồm Bát Chánh Đạo là tám con đường gồm: Chánh kiến: nhận thức đúng đắn sáng suốt. Chánh Tư duy: Suy nghiệm chân chánh không trái lẽ phải, lợi người, lợi mình. Chánh Ngữ: Lời nói chân thật công bình ngay thẳng hợp lý. Chánh nghiệp : hành động phù hợp sáng suốt. Chánh mạng: sống bàng nghề nghiệp lương thiện. Chánh Tinh Tấn: siêng năng chuyên cần chân chính tiến thẳng mục tiêu lý tưởng. Chánh niệm : Nhớ chuyện quá khứ, chuyện đã qua quan sát hiện tại và áp dụng vào tương lai. Chánh định: tập trung tư tưởng thiền định xa lìa điều bất thiện.
Con người bị ngũ uẩn : sắc, thụ, tưởng, hành, thức làm ta chấp ngã, phân biệt cái ta và cái khác ta dẫn đến chấp ngã rơi vào cõi vô minh, do ba sự độc hại là Tham, Sân, Si là nguồn gốc cái xấu và đau khổ con người. Trong các đền thờ Népal, Tham: tượng trưng bằng con gà đang mổ thóc dưới đất, Sân: tượng trưng bằng con rắn mắt giận dữ. Và Si: tượng trưng là con heo lăn trên bùn đầy ngu dốt. Để giải trừ Tam độc, Đức Phật chỉ con đường: Giới, Định, và Tuệ. Giới là giữ các giới cấm để ngăn ngừa lòng tham, người Phật tử giữ năm giới căn bản là : Không giết người, không trộm cắp, không nói dối, không tà hạnh, không rượu chè say sưa. Định: tập trung trí tuệ ngồi thiền định để tránh sự nóng giận lòng thanh thản, tự tại an nhiên, Và Tuệ, “duy tuệ thị nghiệp” sự nghiệp cuả người Phật tử là phát triển trí tuệ ngày một tinh tấn để thoát khỏi ngu si. Muốn thoát bể khổ phải diệt dục, nhẫn nhục, từ bi, hỷ xã và hy sinh.
Trong 50 năm hành đạo, Đức Phật đã đào tạo nên một tăng đoàn hơn 5000 người và Ngài nhập Niết Bàn năm 80 tuổi tại Kushinagar phía Bắc Ấn Độ. Ngài nằm nghiêng phía bên phải và mỉm cười. Sau khi nhập niết bàn Phật Giác Ngộ và trở thành một đấng thiêng liêng, cứu độ chúng sinh. Trải qua bao thời gian phát triển Phật Giáo chia ra làm ba hệ phái : Đại thừa, Tiểu thừa và Kim Cương thừa. Đại thừa dạy rằng con người không thể tự mình thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi và cần đến sự cứu độ của một vị Bồ Tát, vị kiếp cuối cùng trước khi thành Phật hóa thân làm người, dẫn dắt cứu độ chúng sinh tùy theo thời đại, lý tưởng của Đại Thừa là thành Bồ tát giúp đời, cứu người.. Tại Népal có bồ tát Manjushri đã khai thông nước hồ để lập thành thung lũng Katmandou. Đại thừa (Mahayana, Bánh xe lớn) đã truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, lập chùa và thích nghi theo phong tục đ̣̣ịa phương. Tiểu Thừa (Theravada, Bánh xe nhỏ), tự mình tu tập cứu độ lấy mình, giữ truyền thống khuất thực như thời Đức Phật. Và Kim Cương thừa Phật Giáo Tây Tạng lấy kinh Kim Cương làm căn bản tu tập. Quan niệm căn bản của kinh Kim Cương là sự vô thường, vô ngã của vạn vật : “Sắc thức thị không, không tức thị sắc”, tất cả như huyễn mộng, như sương mai, như điển chớp, cần phải quán như vậy. Phật Giáo truyền qua Trung Quốc có phái lấy Pháp Hoa Kinh, là những bài kệ ngắn, Đức Phật đúc kết vào cuối đời làm căn bản. Nguyễn Du trong bài Lương Chiêu Minh thái tử Phân Kinh Thạch đài có nhắc đến cuộc tranh luận thời nhà Tùy giữa phái Kim Cương, Pháp Hoa và phái Thiền do Bồ Đề Đạt Ma truyền qua trong thời kỳ này.
Từ thế kỷ thứ III trước JC, vua Ashoka (A Dục Vương) là vị vua đầu tiên đã thống nhất, chinh phục Ấn Độ bằng Phật Giáo, tuy triều đại chỉ tồn tại thêm 50 năm sau khi Ashoka qua đời, do sự tranh chấp phân hoá của các đời sau, nhưng Phật giáo đã mang lại một thời đại thịnh trị cho đến thế kỷ thứ IX. Kinh điển Phật giáo được kết tập chép trên lá bối hay lá buôn, thành từng thanh dài, và xâu dây hai đầu nên gọi là kinh. Các câu kinh thường bắt đầu bằng câu : “Ta nghe như vầy”, đó là lời ngài A Nan, người đệ tử hầu cận Đức Phật, người có trí nhớ phi thường kể lại và được ghi chép bàng tiếng sancrit. Sau khi Phật qua đời kinh điển đầu tiên, được kết tập, sau đó 100 năm và 300 năm sau vua Ashoka, tổ chức một cuộc kết tập lớn, tạo thành Tam Tạng Kinh, để thống nhất kinh điển. Từ đó Phật Giáo đã truyền bá qua các nước Á Châu. Tại Việt Nam Phật Giáo được biết đến qua chuyện Chữ Đồng Tử và Tiên Dung công chúa thời Hùng Vương, học Phật với nhà sư Phật Quang, biết mua một bán mười lập nên Phố Hiến trở nên giàu có, trong thời đại nước ta chỉ biết đếm bằng thắt nút. Chưa có chữ viết và chưa biết đếm số. Phải chăng Tiên Dung đã biết đến một chiếc lều du mục to lớn đi đến đâu thì thì hạ trại căng màn trướng thành lâu đài, kẻ hầu người hạ, sáng hôm sau xếp lều trại vào xe bò chở đi, lâu đài biến mất chỉ còn đầm Nhất Dạ. Thời đại Phật Giáo, các con số và chữ viết mới xuất hiện tại Ấn Độ, giáo lý, kinh điển Phật giảng cái gì cũng có số dễ nhớ: Tam Bảo, Tứ Diệu Đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn, Lục hòa, Bát chánh đạo và niết bàn tượng trưng bằng con số không, số không là một khám phá quan trọng. Con số Ấn Độ được các thương nhân Á Rập dùng, và Âu Châu đã dùng lại các số Ấ Rập. Thời La Mã các số viết bằng chữ, I,V,X,C,D.. khó khăn cho việc tính toán.
Phật Giáo truyền vào nước ta trước khi truyền vào Trung Quốc, trong truyện nhân gian Bụt hiện ra cho cô Cám. Thế kỷ thứ hai sau JC, Trung Quốc có loạn Tam Quốc, nhiều người Trung Quốc như Mâu Bác sang cư trú tại Luy Lâu, Bắc Ninh ngày nay, nơi đây đã có 500 ngôi chùa, và 15 bộ kinh được dịch ra. Khương Tăng Hội và Tỳ Ni Đa Lưu Chi là những vị sư đầu tiên lập các phái thiền. Luy Lâu, Lạc Dương và Bình Thành là ba trung tâm Phật Giáo lâu đời nhất.
Đến thế kỷ thứ VII nhà Tùy, Bồ Đề Đạt Ma đời thứ 28 kể từ ngài Ca Diếp truyền thừa, từ Ấn Độ sang lập chùa Thiếu Lâm Trung Quốc, lập Thiền Tông, nơi đây phát sinh ra võ Thiếu Lâm.
Thế kỷ thứ I đến năm 600. Triều đại Licchavi, có nguồn gốc một vị vua đến từ Ấn Độ đuổi người Kirati về phía tây Népal, ngày nay vẫn còn hậu duệ là các bộ lạc Rai và Limbu. Triều đại Licchavi cai trị và xây dựng cung điện nhiều nơi rải rác trong thung lũng Katmandou. Họ tổ chức xã hội dựa theo giai cấp và đúc tiền. Công việc thương mại dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn tạo ra sự phồn thịnh, mang đến việc xây cất nhiều đền, tháp, di tích, tạc nhiều tượng đá, đồng, hay các tháp thờ xá lợi các bậc chân tu. Triều đại Licchavi bảo vệ và phát triển Phật Giáo và xây dựng nhiều đền đài Phật giáo tại Swayambunath, Pashupatinath, Bohnath. Nhiều thánh địa khác cũng phát triển trong thời đại này. Tuy nhiên thời đại Ấn Độ Giáo phát triển, Lumbini, nơi gốc tích Phật ra đời gần như bị quên lãng.
Swayambunath là một ngôi đền Phật Giáo quan trọng và xưa nhất 2500 năm trong thung lũng Katmandou, là nơi thánh địa hành hương Phật Giáo. Do vua Ashoka xây dựng từ thế kỷ thứ III trước JC, và được trùng tu xây dựng 15 lần qua nhiều thời đại. Stupa là một kiến trúc toàn hảo của Phật giáo hình, mái vòm trắng to lớn như quả chuông úp, một ngọn tháp mạ vàng vươn trời cao, nơi đây gìn giữ một phần tám xá lợi tro cốt Đức Phật. Ngoài ra còn có một y trang và một vật dụng thường ngày của ngài. Tháp tượng trưng cho 5 yếu tố cấu thành vũ trụ, đường lên đỉnh tháp, người hành hương đi một vòng theo hướng kim đồng hồ hướng của vũ trụ.. Điều thường gặp trong các ngôi đền là con mắt tuệ nhãn, chữ ek như dấu hỏi, nằm giữa trán, tương truyền rằng khi Phật thuyết pháp các tia sáng vũ trụ hội nhập về nơi con mắt thứ ba này. Do đó người Népal và Ấn Độ thường chấm màu phẩm đỏ vào trán giữa hai mắt.
Từ năm 600 đến 1200 Triều đại Thakuri : Năm 602, nối nghiệp cha vợ Lucchavi, vua Thakyri Amsurvarman lên ngôi, ông gả con gái cho các hoàng tử Ấn Độ và Tây Tạng để củng cố vương quốc Népalais. Ông cho xử dụng tiếng newari ngôn ngữ dùng bởi đa số có nguồn gốc mongoloïde, thay cho tiếng sanskrit. Bị xâm chiếm bởi Tây Tạng năm 705 rồi bởi Cachemir năm 782, nhưng vương quốc Népal vẫn đứng vững nhờ vị thế chiến lược và cánh đồng màu mỡ Katmandou, nhưng Népal trải qua một thời kỳ suy thoái cho đến năm 1200 với sự thành lập Kantipur (Katmandou ngày nay) của vua Gunakamaveda.
Từ 1200 đến 1350. Triều đại Malla, thời hoàng kim Newar, có nguồn gốc từ Ấn Độ, triều đại Malla nắm giữ quyền hành từ năm 1200 trong thung lũng Katmandou. Các vị vua mang danh Malla có nghĩa là người “tranh đấu”. Đầu thời đại là nạn ngoại xâm, đói kém, động đất trong khắp thung lũng. Năm 1255, một trận động đất dữ dội đã chôn vùi một số đông dân chúng. Ba mươi năm sau cuộc xâm lăng người Kha, một dân du mục Ấn Âu chiếm giữ một lãnh thổ rộng lớn lập thủ đô cách Katmandou 800km, người Kha chiếm phía Đông và đế quốc đến tận Tibet. Ở phía nam người Mithila, và cuối cùng đầu thế kỷ XIV, một đội quân Hồi Giáo dưới quyền Sultan Bengale Shamsud-Din cướp phá Népal nhiều di tích, nhưng không tiến công được những vùng có tín đồ Phật Giáo bảo vệ vững chắc.
Népal có nhiều thế kỷ thanh bình, chế độ vững chắc cho phép vua Jayasthiti (1335-1395) tổ chức triều đại Newar thành một vương quốc với Bhagaon (Bhaktapur) là thủ đô. Trật tự và thanh bình tái lập trong thung lũng, thời đại nhiều công trình kiến trúc huy hoàng. Dưới triều đại Malla toàn thể các kiến trúc ta nhìn thấy ngày nay đã được xây dựng. Vua Jaya Yaksa (1428-1482) chinh phục Gurkha và các vùng chiến lược, nhưng không thống nhất được Népal vì mỗi người con chiếm giữ một nơi. Bhatgaon, Patan và Katmandou còn là những vương quốc riêng, các vị vua anh em không ngừng ganh ghét nhau. Mahendra Malla (1560-1579) và Pratap Malla (1641-1674) là hai kiến trúc sư xây dựng Katmandou làm cho thành phố trở thành một kinh đô Newar thịnh vương, mặc dù lúc đó Népel gồm 50 vương quốc nhỏ độc lập.
Sự hình thành Népal : Thống nhất và biên giới mở rộng đến ngày nay (1769-1950)
Với sự thông minh và cương quyết Prithvi Narayan Shah (1722-1775), vua Gurkha từ một vùng núi năm 24 tuổi đã đánh chiếm toàn thung lũng Katmandou lúc đó chỉ còn là vương quốc hư vị của triều Newar. Với sự giúp đỡ của các bộ tộc Gurung và Magar, dân gốc Mông Cổ sống chung quanh Gurka, Prithvi Narayan đã thành lập một quân đội hùng mạnh đẩy lùi năm 1744 một đoàn quân người Anh được gửi đến trợ giúp triều Newar bởi Công Ty Ấn Độ. Năm 1769 quân Gurkha tiến vào Katmandou. Prithvi Narayan Shah dẹp các vị vua trong thung lũng, tuyên bố Katmandou là thủ đô của Népal thống nhất đất nước và thành lập một triều đại mang tên ông cho đến năm 2008.

Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước khổng lồ cạnh tranh nhau về kinh tế và chính trị. Népal trở thành đấu trường của cuộc tranh chấp này. Tổng quát kinh tế Népal lệ thuộc vào nhập cảng hàng hóa Ấn Độ, và Ấn Độ mua thủy điện Népal với giá rẻ, thủy điện này nhờ dòng chảy nước từ Hy Mã Lạp Sơn. Népal là nơi tị nạn hơn 20 000 người Tây Tạng đào thoát khỏi Trung Quốc. Trung Quốc làm áp lực buộc Népal ngăn chận đường biên giới, ngừng ủng hộ người Tây Tạng, nhưng áp lực quốc tế ngược lại. Vị thế Népal đứng giữa hai khổng lồ, khi thì bị thao túng bởi đảng cộng sản Mao-ít, khi thì chịu ảnh hưởng bởi đảng Đại Nghị thân Ấn Độ. Cuộc chiến tranh nhân dân do đảng Mao-ít từ năm 1996 đến 2006 đã giết hơn 13 ngàn cán bộ công chức.
Năm 2001, vua Birndra (1972-2001) và hoàng hậu cùng 12 người trong gia đình bị giết chết, nội vụ cũng không sáng tỏ, nguồn tin chính thức cho rằng toàn gia đình bị chính thái tử điên cuồng giết chết rồi tự sát. Người chú là Gyanendra lên làm vua từ năm 2001-2008, gia đình ông không ai bị giết làm dư luận nghi ngờ, âm mưu của chính ông, cuối cùng ông cũng bị loại khỏi chính trường.
Từ 28 tháng năm, 2008 Népal chính thức trở thành một nước Cộng Hòa Đại Nghị Liên Bang, gồm 7 nước, mỗi nước có một quốc hội và thủ tướng riêng. Một Hiến Pháp chung được quốc hội chấp thuận năm 2015, tổ chức một chính quyền trung ương. Chế độ chính trị do quốc hội lãnh đạo, chính phủ được bầu ra do quốc hội. Hiện có 15 đảng chính trị nhưng có ba đảng chính: Đảng Cộng Sản Népal (marxite-léninite thống nhất) lập năm 1990 sau khi họp lại hai đảng cộng sản. Đảng Nepali Đại Nghị, Hội viên Đảng Xã Hội Quốc Tế. Và cuối cùng là đảng Cộng Sản Népal (Mao-ít) bà Phó Chủ Tịch đảng cộng sản Népal được bầu làm Tổng Thống năm 2015 và được bầu lại năm 2018, từ tháng ba năm 2023 Ram Chandra Poudel đảng Đại Nghị Népalais được bầu làm Tổng Thống với 68,54% số phiếu chống Subash Chandra Nemwang, đảng Cộng sản Népelais.
Nằm trên con đường thương mại giữa Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Hoa, Népal chịu nhiều ảnh hưởng của các nước lân cận. Kiến trúc Newar trong thung lũng Katmandou phản ảnh những nét độc đáo của Népal, nhiều công trình được xếp hạng di sản kiến trúc thế giới Unesco. Với những bức tường gạch đỏ, cột trụ chống, cánh cửa, các mái chồng lên nhau từ ba đến năm tầng, những chạṃ khắc tinh xảo các cánh cửa, các tầng lầu thật lạ lùng và đẹp mắt. Các quảng trường Darbar ở Katmandou, Patan, Bhaktapur thật là những kỳ quan.
Tại Katmandou, Patan và Bhaktapur, các kinh đô xây dựng bởi các vua Malla, một hàng tháp thờ thần Shiva, thờ Visnu, thờ Âm-Dương, mái ngói từ 3 đến 5 tầng được xây dựng chính giữa, hai bên là dinh thự, nơi các quan làm việc, cung điện nơi ở hoàng gia, có hồ nước, suối phun nước.
Các quảng trường Darbât xưa cũ nhất Basantapur Barbât Knetra (Katmandou). Bhaktapur Durbât Kshetra và Patan Durbât đều được xếp hạng Di sản Thế Giới Unesco. Cung điện các vua Malla trị vì thung lũng, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII từ hướng Tây sang hướng Đông, và triều đại Shah từ thế kỷ XVII đến năm 2008 đi từ Đông sang Tây. Các cung điện được xây bằng gạch đỏ, với hàng chục cánh cửa chạm khắc tinh tế xinh đẹp. Hanuman Dhoka, cửa có tượng khỉ thiêng liêng nơi lối vào cung điện hoàng gia và viện bảo tàng Hanuman Dhoka Palace. Singha Dubar, cung điện Sư tử, nơi trụ sở chính phủ Népal được xem là cung điện lớn nhất Châu Á, còn được gọi là cung điện có 55 cửa.. Giữa Katmandou là Narayahiti Palace Museum được vua Mahendra xây dựng năm 1961 bởi kiến trúc sư người Mỹ Benjamen Polk (1916-2001), xưa là cung điện nhà vua nay trở thành Viện Bảo Tàng.
Nền văn minh Ấn Độ là nơi lưu giữ những quá khứ của nhân loại, những phong tục tập quán lâu đời những nơi khác đã biến chuyển thay đổi. Những chiếc xe bánh gỗ hàng trăm người kéo tại Ấn Độ trong ngày lễ hội, xe bánh gỗ kéo Kumari tại Népal chỉ còn thấy tại đây. Trong khảo cổ và lịch sử Việt Nam còn lưu dấu những thời kỳ xa xưa, như thạp đồng Đào Thịnh trên nắp có hình tượng nam nữ giao hợp, trò trám trong lễ hội một vật tượng trưng cho dương vật và âm hộ chập vào nhau… Lịch sử còn ghi chép các vị vua như vua Lê Thánh Tông sai người phá bỏ các dâm từ, và cấm các điệu múa dâm tục trai gái giao đầu vào nhau, phải chăng Việt Nam ngày xưa cũng từng có những đền thờ khắc gỗ những tượng giao hợp nam nữ ?
Tại Népal cây cần sa là một loài cây dại mọc khắp nơi vào mùa xuân. Những năm 1960 Népal từng là điểm hẹn của Hippie, một phong trào từng làm mưa gió tại Âu Mỹ, ngày nay không còn nữa, người dân Népal chẳng ai nói tới việc nghiện cần sa.
Từ Âu Châu đến Népal, cái đầu tiên đập vào mắt là dây điện rác, dây giăng mắc khắp nơi, làm cong cả các trụ đèn. Người thợ điện mỗi lần đến gắn dây mới không buồn gỡ bỏ những đường dây cũ không còn xử dụng. Trên các con đường mới làm, các dây điện dây internet được chôn theo đường cống ngầm.
Đến Népal, như đến một thế giới khác, nơi đây gần như không có nguồn đầu tư to lớn các công ty xuyên quốc gia. Người dân sống hiền lành chất phác với những phong tục từ bao đời. Dọc đường là những quán hàng cây trái trồng trong vườn, những quầy chuối treo lủng lẳng, vài thúng cam, đu đủ, trong lồng vài con gà trống, những tràng hoa vạn thọ, những bao đậu đỏ, đậu trắng và đặt biệt là bột màu, đủ thứ màu sắc xanh, đỏ, vàng, nghệ, xanh biển, tím..

Các cửa hàng thổ cẩm Pahminas dệt xinh đẹp, đồ nữ trang bạc, đồng vòng vàng, dây chuyền chạm các loại đá, đặc biệt là các cửa hàng bán thangka là các họa phẩm vẽ theo mandala như Phật giáo Tây Tạng, mỗi vòng tròn, màu sắc và nét vẽ đều có ý nghĩa theo kinh điển Phật giáo, mỗi khi vẽ thangka người vẽ như đọc tụng kinh trên vải, lụa. Các xâu cờ đủ màu sắc treo khắp nơi trên bảo tháp, mỗi mảnh vải là một bài kinh tung bay theo gió. Điêu khắc trên gỗ được bày bán rất phong phú từ các tượng thần, tượng vật, tượng người giao hợp đến các cánh cửa, hộp, tủ thật cầu kỳ và tinh xảo. Đồ đúc đồng cũng đủ mọi thứ, đặc biệt là các chuông quay để cầu nguyện và chuông hát, đủ cỡ, chuông đánh một tiếng và quay vòng chung quanh cho tiếng chuông ngân xa, gọi là chuông hát, theo họ chuông có thể chữa đủ thứ bệnh, từ chuông lớn người đứng vào, đến chuông đội đầu, chuông cầm tay, tất cả các chuông được chế pha trộn bảy kim loại khác nhau.
Népal cũng như Ấn Độ dùng rất nhiều gia vị : cà ry, nghệ, tiêu hạt dài Hymalaya, tiêu Timut, tỏi, gừng, ngò, đinh hương, ớt.. đặt biệt là masala trộn lẫn nhiều loại gia vị. Dù rất cẩn thận đến Ấn Độ và Népal, tôi chỉ dùng thực phẩm trong khách sạn nhưng sau mười lăm này do không hợp các loại gia vị, bụng luôn luôn nê một thời gian dài.
Népal ngày nay đang chuyển mình, trường học được lập ra khắp nơi, tan trường về các thanh thiếu niên mỗi trường mặc một đồng phục riêng, trông đẹp mắt.
Đến Népal nhìn Hy Mã Lạp Sơn, nhìn những di tích đền đài, du khách không khỏi có những cảm giác kỳ lạ, khác hẳn với hơn 50 quốc gia Từ Âu, Á, Phi, Mỹ.. tôi đã từng đi qua. Thời gian tại Népal như ngừng đọng lại, như băng tuyết trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, những phong tục, tập quán từ ngàn xưa không đổi thay, người dân niềm nở tiếp đón du khách chân thành và chất phác, những niềm tin thiêng liêng từ thời đại cổ xưa vẫn tồn tại, Phật, bồ tát, thần thánh, quỷ thần sống hiện diện nơi mỗi con người, trong chấm son đỏ con mắt tuệ nhãn. Thật thú vị, cho những nhà dân tộc học muốn nhìn thấy những phong tục xa xưa, tục thờ âm dương, những chiếc xe bánh gỗ hàng chục hàng trăm người kéo dây thời cổ đại đã biến mất trên các nền văn minh khác trên thế giới, những phong tục thờ trinh nữ, còn lưu dấu trong sách vở, kinh điển vẫn tồn tại nơi đây.
Paris, 10-5-2025
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh.
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris Sorbonne.