Ngu Yên: Tóm lược 50 năm văn học Việt nhập cư 1975-2025. (Phần I)
[Văn bản đầu tiên được đăng trên tờ Việt Báo, ngày 25 tháng 4, 2025. Vì giới hạn của trang báo, có một số vấn đề cần khai triển và lý luận chi tiết hơn, đã không thể thực hiện. Trong bài này, tôi xin bổ sung một số suy nghĩ mở rộng và một số vấn đề cần xem xét theo các trào lưu học phái, đồng thời chuyển sang một cấu trúc khác cho phù hợp với nội dung.]

Những giới hạn tổng quan.
1- Giới hạn danh xưng.
“Văn học Việt nhập cư” có nghĩa là văn học của người Việt định cư ở ngoài nước. Từ “nhập cư” bao gồm người Việt tị nạn, di tản, vượt biên, di dân, và những người Việt nhập cư qua các chương trình đặc biệt như diện con lai, bảo lãnh, ODP, và H.O., vân vân. Qua một thời gian, được tổng quát hóa, xem như người di dân hoặc nhập cư.
“Nhập cư, imigration” theo Bách khoa toàn thư Thế giới mới (The New World Encyclopedia): đề cập đến sự di chuyển quốc tế của con người đến một quốc gia đích mà họ không phải là cư dân thường trú hoặc nơi họ không có quốc tịch, với mục đích định cư như thường trú nhân. Từ “nhập cư” cũng được hiểu theo nghĩa “di dân.”
Tôi chọn từ nhập cư vì nó xác định rõ ràng hơn di dân, có khả năng lầm lẫn với “di dân nội địa” internal immigration. Còn cụm từ văn học hải ngoại có phạm vi lớn hơn tài liệu mà tôi có thể thu thập. Ví dụ, văn học hải ngoại bao gồm sáng tác của những người đi theo dạng xuất khẩu công nhân và hôn nhân ngoại quốc.
Văn học Việt nhập cư trong bài viết này chủ yếu là văn học Việt xảy ra ở Hoa Kỳ nơi tập trung đa số dân số người Việt nhập cư và một số thông tin giới hạn từ Châu Âu, Châu Úc và Canada.
2- Giới hạn tài liệu.
Hầu hết tài liệu có thể tìm được có ghi lại bên dưới với sự dè dặt trong hai chú thích: 1- Sự thiếu hụt và lỏng lẻo của tài liệu. 2- Không phải tài liệu nào cũng có giá trị, sự ghi nhận mang tính thông tin, dữ kiện, vì một số lý luận và liệt kê trong một số tài liệu không thỏa mãn tiêu chuẩn và thiếu thuyết phục.
3- Giới hạn ngôn ngữ.
“Văn học Việt nhập cư” về phạm vi bao gồm “văn học bằng tiếng Việt do người Việt nhập cư sáng tác” và “Văn học tiếng ngoại, chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Mỹ, được sáng tác bởi người Việt nhập cư và các thế hệ tiếp theo của họ.” Thông tin văn học di dân bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tuy hiện diện nhưng rất giới hạn.
Có khả năng mù mờ khi phân định một số tác phẩm trong giai đoạn 1975-2025 vào những trường hợp: 1- Tác giả trước ở trong nước, sau di dân ra nước ngoài. 2- Tác giả trước ở nước ngoài, sau trở về định cư trong nước. 3- Tác phẩm bị cấm ở trong nước, được in ấn và phát hành ở ngoại quốc. 4- Tác phẩm được sáng tác khi tác giả di du lịch nước ngoài.
Để giới hạn tạm thời cho một bài viết, tôi định nghĩa một tác phẩm được xem là thuộc vào văn học nhập cư 1975-2025 “phải được sáng tác ở nước ngoài” bởi tác giả tị nạn, di dân, di trú ở ngoài nước và ‘hiện diện như thường trú dân hoặc tạm trú dân’ trong thời gian sáng tác tác phẩm đó.” Đây là một định nghĩa tạm thời còn thiếu sót về pháp lý và có chỗ không hợp lý về vị trí trong không gian và thời gian của một tác phẩm và tác giả.
4- Giới hạn văn bản.
Dù sao, đây chỉ là bài viết mang tính tóm lược và tổng quát. Không phải là tài liệu nghiên cứu sâu rộng. Thậm chí, không duy trì tính khách quan, không quy lụy tính hàn lâm. Chủ quan với khái niệm nỗ lực làm đẹp hơn trong tinh thần vui vẻ là quan điểm cá nhân về luận văn. Xin nhận lời chê nhưng không nhận chửi bới.
Ngu Yên, tháng 5, 2025.
Dẫn Nhập.
Văn học luôn được xây dựng trên tác giả, tác phẩm và độc giả, với những cơ chế tất yếu là báo, tạp chí văn học, nhà xuất bản, mạng lưới văn chương, và phê bình. Gần đây thêm vào các phương tiện thông tin xã hội. Ảnh hưởng trực tiếp là quyền lực xã hội nơi dòng văn học đang chảy, bao gồm chính trị, tôn giáo. Ảnh hưởng gián tiếp là điều kiện xã hội xung quanh và đặc tính của thời đại đó.
Giá trị của một giai đoạn văn học được đánh giá bằng những thành phần nêu trên về sáng tạo và thẩm mỹ qua những cơ chế như tâm lý, ký hiệu, cấu trúc, xã hội, lịch sử …Đồng thời, khả năng đóng góp của người đọc trở thành quan trọng, từ khi các học thuyết tây phương giữa thế kỷ 20 đã cho phép người đọc đánh giá tác phẩm và tác giả. Tuy việc này chỉ tương đối, nhưng thực sự phản ánh được tổng thể của một tác phẩm có giá trị từ tâm trí tác giả, độc giả phê bình, và độc giả văn học. Nhiều mắt nhiều trí vẫn tốt hơn hai mắt một trí.
Chủ đề “50 năm văn học Việt hải ngoại” đòi hỏi những nghiên cứu mở rộng, đào sâu theo thời gian tương xứng bởi những học giả đáng tin cậy.
Một Số Điểm Nhấn.
Văn học Việt nhập cư 1975-2025 là kết quả của những quan sát, tìm hiểu và đề xuất, chỉ có thể như một cuộc du cảnh ngắm hoa. Đồng thời, phân lý và phê bình là hai ý định của hai nhánh rẽ dù cùng một dòng sông. Tôi phân lý và phê bình lạc quan.
Một số sinh hoạt văn học tóm lược mà chúng ta dừng lại ngắm nghía khi rảo bước:
- Khả năng tự in và ra mắt sách dễ dàng hơn tổ chức đám cưới;
- Thực hiện những tuyển tập văn chương như kêu gọi thành lập danh sách “Ai Đây” và liệt kê tên người viết theo vần thứ tự A,B,C, kiểu “Đây Ai.”
- Không gian ảo bao la, nộp một ít chi phí, thống lãnh một mạng mây trời có dạng sứ quân văn học.
- Facebook, webside, instagram, emai, vân vân, tự do, tự nhiên, tự tại trưng bày thơ văn, nghệ thuật, không bị kiểm soát, không cần tự thức, miễn đánh giá, văn chương facebook tuy hỗn loạn nhưng không phải không có tài hoa.
- Tấm lòng của các nhà phê bình văn học. Tại sao tôi không đặt nặng tài năng? Vì tôi tin rằng phải có tài năng, đồng thời phải có tấm lòng mới đóng góp ít hay nhiều cho văn học. Thiếu lòng mà dư tài thì khả năng phá rối đã lăm le. Tôi sẽ không đào sâu lãnh vực này, mỗi người đọc sẽ tự nhận ra, tấm lòng đó ở đâu và lớn hay nhỏ.
Những sinh hoạt trên đóng góp nhiều công lao cho dòng văn học nhập cư, dù sỏi đá hột xoàn kim cương đều nấu thành cơm.
Có bốn vấn đề xin được nhìn qua:
– Vấn đề tình dục gia trưởng và tình dục nữ quyền trong văn chương Việt nhập cư.
– Vấn đề giao lưu và Hợp Lưu.
– Vấn đề sáng tạo và trường hợp Tân Hình Thức Việt.
– Sự thiếu sót hiểu biết về văn học thế giới.
Để có thể nếm một ít mùi vị văn học nhập cư 1975- 2025, một số câu hỏi đặt ra để người đọc từ từ tìm hiểu sâu rộng và thấm thía hơn những chi tiết trình bày tóm lược trong một bài viết ngắn.
– Nhiều nhà phê bình, nhiều nhà văn than rằng người viết không đọc lẫn nhau. Đúng và tôi e rằng, một số nhiều người đọc người viết không đọc ai cả. Cứ như Trình Giảo Kim đánh ra ba búa, nếu địch thủ chưa chết, đánh lại ba búa, cứ như thế, nếu địch thủ quen rồi, chán rồi bỏ đi. Làm sao chúng ta chỉ đọc ít mà muốn viết nhiều viết sâu?
– Còn người đọc, người thưởng ngoạn, sau bao năm dài vẫn không bước ra khỏi phạm vi văn chương đã lỗi thời. Hình như là cố tật. Nhìn xung quanh: Nhạc vàng nghe 100 năm rồi, vẫn nghe say đắm. Nhạc Trịnh, nghe từ dưới đất lên đến bàn thờ. “Đệ nhất minh tinh” không bao giờ đổi ngôi. “Tiếng hát vượt thời gian” dù thời gian đã vượt qua tiếng hát. Từ thế kỷ trước, ông Nietzsche đã giới thiệu cái búa để đập vỡ các thần tượng trong buổi hoàng hôn, mà chúng ta cứ cầm đũa. Vì bản chất người đọc hiền hòa hay lười động não hoặc không thiết tha với thực chất văn học mà chỉ thích thú đơn thuần giải trí? Sợ sự thay đổi?
– Hậu quả của phong trào giao lưu văn hóa văn học giữa quốc nội và hải ngoại là gì? Phải chăng đã ảnh hưởng đến khả năng suy thoái của văn học Việt nhập cư? Văn học Việt nhập cư suy thoái, đỗ lỗi cho nguyên nhân “lão hoá”, có hoàn toàn đúng không?
– Vì sao, có những sự kiện không đủ giá trị vẫn được ca ngợi, liệt kê vào lịch sử văn học Việt nhập cư mà không khảo sát hoặc nghiên cứu cho tường tận, có khả năng gây lầm lẫn cho các thế hệ về sau, ví dụ như trường hợp Thơ Tân Hình Thức?
– Vì sao khi thực hiện các tuyển tập văn chương, chúng ta lại sơ sài việc sàng lọc phẩm chất văn bản và người viết? Không giống như việc tuyển chọn với ý thức phẩm chất văn chương mà ông Hoài Thanh Hoài Chân đã làm khi thực hiện Thi Nhân Việt Nam, tuy không toàn bích, nhưng toàn tư cách? Vì mục đích thương mại? giao tế? hoặc thiếu khả năng tuyển chọn? Nếu thực hiện tuyển tập mà liệt kê thì dư quá nhiều. Nếu thực hiện tập liệt kê thì tổng tập quá thiếu. Còn nhiều câu hỏi khác, nhưng hỏi nhiều chỉ vô ích, cần có câu trả lời.
Trong bài viết này, tôi xin được dành chữ cho một số nghĩa khác, một số lãnh vực khác. Hầu hết những yếu tố và chi tiết tạo dựng lịch sử văn học nhập cư, tiểu sử và sự nghiệp tác giả, ca tụng tác phẩm đều được các nhà phê bình, nhiều nhà văn trong và ngoài nước đề xuất, giải mã. Bạn đọc có thể xem phần tài liệu phần sau cùng, liệt kê theo thời gian, đọc để theo dõi quá trình văn học nhập cư với sự thăng trầm qua nhận thức bởi mỗi cá tính và tài năng của người viết.
Tóm lược văn học nhập cư.
Nửa thế kỷ văn học Việt nhập cư 1975-2025 được tóm lược trong hai phần chính:
– Sáng tác tiếng Việt của người Việt di dân.
– Sáng tác tiếng ngoại của người Việt di dân và con cháu.
Xem xét về thời gian và hiệu quả của văn chương, Văn học tiếng Việt di dân chia thành hai gia đoạn:
1. Giai đoạn sơ triển đến phong phú của văn học sáng tác tiếng Việt từ sau tháng 4 năm 1975 cho đến cận cuối thế kỷ 20. Ở vài thập niên cuối thế kỷ, sự thành hình của văn học tiếng ngoại (chủ yếu là tiếng Anh) do người Việt sáng tác bắt đầu xuất hiện và gây ít nhiều chú ý.
2. Giai đoạn văn học tiếng Việt suy thoái từ gần cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 cho đến nay, tháng 4 năm 2025. Ngược lại, cùng giai đoạn này, văn học sáng tác tiếng ngoại của con cháu người Việt di dân phát triển mạnh mẽ và mang đến giải thưởng văn học danh giá, ví dụ như giải Pulitzer 2016 cho nhà văn Nguyễn Thanh Việt với tiểu thuyết Sympathizer. Về mặt thơ ca, nhà thơ Ocean Vương đã đoạt một số thành tích cao như Whiting Award 2016, T.S. Eliot Prize 2017. Nhà văn nữ Thi Bui với tác phẩm “The Best We Could Do” lãnh giải American Book Award 2017. Một nhà văn khác, Kim Thúy Ly Thanh tị nạn ở Canada với tác phẩm “Ru” đã đoạt giải Governor General’s Award, 2010. Linda Lê ở Pháp với giải thưởng Prince Pierre de Monaco, 2019; giải Wepler năm 2010 và còn nữa …
Một số tác phẩm dịch đa số sang tiếng Anh, tiếng Pháp của các tác giả thành danh trước năm 1975 từ Việt Nam di dân ra hải ngoại cũng gây được tiếng vang như trường hợp nhà thơ Nhã Ca (cư dân miền Nam) với tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế” (Mourning Headband for Hue), đoạt hạng ba của giải President of Arts of the President, 1970. Trường hợp khác như nhà văn Dương Thu Hương (cư dân miền bắc lưu vong) với nhiều tác phẩm dịch, tiêu biểu nhất là “Thiên Đường Mù” (Paradise of the Blind). Tác phẩm “No Man’s Land” đoạt giải Grand prix des lectrices de Elle, 2007.
Phần Một
I. Sáng tác tiếng Việt của người Việt nhập cư
Theo như sự nghiên cứu của nhà phê bình Thụy Khuê, thời gian từ 1975 đến 2000 có thể chia ra thành ba thời kỳ: 1- Thời kỳ phôi thai 1975-1981. 2- Thời kỳ phát triển 1982-1990. Thời kỳ hòa hợp 1991-2000. Sự phân chia này như bà đã nói: “Để phân chia từng thời kỳ văn học, chúng ta có thể dựa trên nhiều yếu tố then chốt: như mốc các đợt di dân, như thời điểm các nhà văn miền Nam xuất ngoại, như sự khai sinh các tờ báo văn học, các nhà xuất bản ra đời, hay sự phát triển kỹ nghệ điện toán với bộ chữ Việt… Kết hợp những yếu tố này, chúng ta có thể phân đoạn 25 năm qua thành ba thời kỳ.” Bài viết ký “Thụy Khuê, Paris, tháng 12/99.” (1)
Tôi nhận thấy một số nhà văn khác trong và ngoài nước cũng trùng ý hoặc vay mượn những thời kỳ văn học Việt nhập cư theo cách bà Thụy Khuê, như Anatoly Sokolov, trong bài Văn học Việt Nam ở hải ngoại: những vấn đề của sự phát triển hiện nay.” (2)
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh có tầm nhìn phân chia khác. Trong “Nhìn lại 30 năm văn học hải ngoại”, ông cho rằng có ba thời kỳ: Sơ khởi lưu vong (1975-1980), trở nên tị nạn chính trị (1980-86), sau cùng là hoài niệm (1987-2005). (3) Theo tôi, cách chia đoạn này dựa vào tính chất chính trị nhiều hơn phẩm chất và bản sắc văn chương ở hải ngoại.
Giai đoạn phôi thai (1975-1981.)
Tôi đồng ý với nhà phê bình Thụy Khuê về giai đoạn phôi thai 7 năm, với sự khấu trừ ba hoặc bốn năm đầu, theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết “Khả năng và triển vọng của văn học hải ngoại” năm 1989 (14 năm sau tính từ 1975), ông nhận định, tâm trạng của người Việt di tản, tị nạn, vượt biên trong ba bốn năm đầu chìm vào lo âu cơm áo và lo lắng đời sống hội nhập cho con cái, việc văn học chương thì đại khái. “Giữa cảnh sống và tâm trạng ấy, văn học hải ngoại chết lịm suốt thời gian ba bốn năm đầu không có gì là lạ. Báo chí Việt, băng nhạc Việt được tiêu thụ mạnh thời gian đầu chưa phải là dấu hiệu tích cực. Ðó chỉ là những bám víu, vồ vập vào kỷ niệm trong hoàn cảnh sống xa lạ, tự thấy mình bị chìm trong một nền văn hóa khác, nếp sống khác.”
Cũng trong cùng bài viết, nhà văn Võ Phiến nhận xét, “Sự cố gắng ấy cũng chẳng lớn lao mấy. Sau cuộc đổi đời, một lớp người não nề thấy rõ. Các tác giả trong nhóm Quan Ðiểm từ chối tiếp tục, có viết chăng là thỉnh thoảng một bài thơ gửi cho tờ báo bạn, hay một cuốn sách luận về kinh, về đạo, thế thôi. Lớp trẻ hơn cũng không hẳn viết lách suông sẻ. Lê Tất Ðiều, Viên Linh, Túy Hồng, Trùng Dương… có lúc hoạt động hăng hái, có lúc tự dưng im bặt. Nhiều vị khác đứng ra chủ trương những tờ báo để phát huy sinh hoạt văn học, phát huy các tài năng mới, còn tự mình thì cũng chỉ lai rai một vài bài thơ, lâu lâu một thiên hồi ký. Văn nghiệp sau 1975 của họ không có gì đáng kể, phần chính vẫn thuộc về thời kỳ trước.”
Từ 1979 đến 1981, Sáng tác văn học Việt nhập cư bắt đầu khởi sắc. Thành phần các nhà văn nhà thơ đã thành danh lưu vong sau tháng 4 năm 1975 hiện định cư ở nước ngoài, cộng thêm thành phần nghệ sĩ mới nhập cư trong phong trào vượt biển năm 1979, ngoài ra một số ít nhà văn nhà thơ trẻ bắt đầu gia nhập vào làng văn, họ khởi sự tiếp vận một khí thế mới cho văn học nhập cư. “Có thể nói lớp vượt biển sau tuy hành trình đi tìm tự do gian nan nguy hiểm hơn lớp di tản 1975, nhưng khi được định cư, họ có nhiều may mắn hơn lớp trước. Họ sang vào lúc những người Việt sống tứ tán khắp nơi đã tập trung lại thành cộng đồng, các cơ sở kinh doanh buôn bán của người Việt đã mọc lên và phát triển nhanh. Thảm cảnh vượt biển làm rúng động thế giới, nên qui chế trợ cấp xã hội và huấn nghệ ở các nước đệ tam tỏ ra dễ dàng, dành nhiều ưu tiên cho người tị nạn. Số người đọc tăng, số người viết tăng, báo chí Việt ngữ phát triển, do đó từ 1979 đến khoảng 1981, tuy số lượng sách Việt xuất bản hằng năm còn ít, nhưng rõ ràng đây là thời kỳ chuyển mạch thuận lợi để văn học Việt Nam hải ngoại bắt đầu phồn thịnh từ 1982 cho tới nay.” (Nguyễn Mộng Giác. Trích trong cùng bài viết.)
Như vậy, giai đoạn phôi thai 1975-1981 có thể nói là đúng đắn. Cùng với ghi nhận rằng báo biếu và báo bán, nguyệt san văn học là động cơ và năng lượng đưa dòng văn học Việt nhập cư cất cánh.
Sáng tác tiếng Việt của người Việt nhập cư hiện diện rất sớm. Tờ “Đất Lành” xuất hiện vào tháng 8 năm 1975 trong trại tị nạn. Tuy không đầy đủ phương tiện, nhưng hầu hết các trại tị nạn đều có báo giấy. Tờ “Chân Trời Mới” xuất hiện ở trại Pendleton tháng 5 năm 1975. Tờ “Người Việt Tự Do” tháng 11 năm 1975 ở Úc Châu.
Tiếp tục là tờ “Đất Mới” ở Seatlle Wasington. “Chân Trời Mới” ở Montreal, Canada. “Dân Quyền” ở Canada. Tờ “Dân Tộc” ở Montréal, Canada, là tiếng nói của sinh viên. Tờ “Niềm Tin” song ngữ Việt-Pháp của cộng đồng công giáo Montréal. Tờ “Đuốc Thiêng” 1976 ở ontréal, canada.
Nguyệt san “Hồn Việt Nam” do Minh Đức Hoài Trinh chủ trương, phát hành tại Paris ngày 15 tháng 10 năm 1975. Tiếp theo, báo “Quê Mẹ” của Võ văn Ái ở Paris (1976). Báo “Quê Hương” của Du Tử Lê và một số nhà văn nhà báo khác ở Costa Mesa, 1976. Tờ “Nhân Chứng” của Du Tử Lê năm 1976. Báo “Đất Mới” của Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nguyễn Văn Giang ở Mỹ, tháng 7 năm 1975. Báo “Hồn Việt” của Nguyễn Hoàng Đoan ở San Diego, Mỹ, cuối năm năm 1975. Sau chuyển sang cho Giám đốc nhà xuất bản Đại Nam, ông Đỗ Ngọc Tùng từ 1981-1989.
Tờ “Người Việt” do Đỗ Ngọc Yến, phát hành ở California từ tháng 12 năm 1978. Tờ “Việt Chiến” do Giang Hữu Tuyên, Hoàng Xuân Sơn, và Ngô Vương Toại phát hành ở Washington D.C. năm 1980.
Nguyệt san “Văn Học Nghệ Thuật” do Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương ở California, tháng 4 năm 1978. Đình chỉ vào tháng 9 năm 1979. Rồi tái bản bộ mới từ tháng 5 năm 1985 đến tháng 12 năm 1986 thì ngưng. Nguyễn Mộng Giác tục bản và đổi tên thành nguyệt san “Văn Học.”
Trong giai đoạn 1975-1981, đa số bài viết trên báo chí, nguyệt san đều có nội dung về chính trị, xã hội và thông tin. Một số ít sáng tác thơ truyện rải rác cho đến khi Nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật ra đời. Nói chung, cụm từ “phôi thai” là chính xác. Nhưng chính xác hơn là một thời kỳ phôi thai rộn ràng.
Giai đoạn phát triển (1982- ?)
Chúng ta thử xét xem khả năng sinh hoạt của văn học Việt nhập cư như thế nào trong thời kỳ này?
Dòng văn học Việt nhập cư trong giai đoạn này được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác tục bản.
Tạp chí Văn do Mai Thảo chủ trương, tục bản ở Hoa Kỳ năm 1982 đến tháng 9 năm 1996, ông giao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng.
“Thế Kỷ 21,” nguyệt san do công ty Người Việt chủ trương và do Lê Đình Điểu làm chủ nhiệm ra mắt vào tháng 5, 1989.
Và những tập san văn học khác như Nhân văn, Tin văn, Văn Uyển, vân vân.
Cùng giai đoạn này cũng có một số báo xuất hiện hoặc đang tồn tại như Sài Gòn Nhỏ do Hoàng Dược Thảo chủ trương, tờ Mõ ở Sanjose, tờ Thời Nay ở Houston, tờ Thời Báo ở Canada, tờ Việt Luận ở Úc, Bút Việt ở Dallas, Á Châu Thời Báo ở Boston, và Vietnam Daily, Việt Tribune, vân vân.
Trong một lần mạn đàm về văn học do nhật báo Người Việt tổ chức vào mùa hè 1988, Nguyễn Mộng Giác cho rằng, sau 14 năm, văn chương hải ngoại xứng đáng được vui mừng. “Một thế hệ người viết trẻ xuất hiện, ngay từ tác phẩm đầu tay đã tỏ ra già dặn lão luyện. Các nhà xuất bản đã tự đứng được tuy còn chật vật, số lượng in tăng lên, các nhà sách kèm theo phát hành băng nhạc và video mở ra khắp nơi, tránh cho người cầm bút cảnh bẽ bàng thấy tác phẩm của mình bày ở nơi chợ búa ô hợp.”
Ông đưa ra một kết luận mở, đầy lạc quan: “Năm năm trước đây, có người đã lo năm năm sau không còn sách báo Việt ngữ để đọc nữa. Nỗi lo ấy rõ ràng vô căn cứ. Năm nay – 1989 – người bi quan nhất cũng không dám tiên đoán hồ đồ, có tiên liệu bi quan thì cũng lo chuyện mười năm sau.” (4)
Không ai có thể chối cãi được thời kỳ cao điểm của văn học Việt nhập cư 1982-1989. Báo chí, tập san, tác giả, tác phẩm, tuyển tập, vân vân, còn lưu trữ trong thư viện quốc hội và một số các thư viện đại học.
Động cơ thúc đẩy văn học bắt nguồn từ năng lực chính trị và khả năng kinh doanh của người Việt hải ngoại. Chính trị càng năng nổ, kinh doanh càng phát đạt, phạm vi nhân sinh của dân Việt càng tập trung, càng mở rộng ở những nơi tụ điểm chính như California, Houston, Florida, New Orlearns, Toroto, Montreal, Vancouver, Sydney, Melbourne, Paris, London, vân vân, văn học tiến thân theo hướng sầm uất đó. Câu hỏi vui mừng là còn phát triển bao lâu nữa?
Nhưng trong thực tế, sự bi quan đang rình rập đâu đó. Chúng ta thấy thời điểm khi ông Giác hồ hởi là năm 1989 và thời điểm 1990 bà Khuê cho là chấm dứt khí thế, gần như có điều gì nhanh chóng sụp đổ. Chỉ một năm sao?
Trong bài viết về 12 năm sinh hoạt của tạp chí Hợp Lưu, nhà văn Trần Vũ cho biết một ẩn dụ rất tượng hình của nhà văn Mai Thảo về văn học Việt nhập cư như phở hải ngoại: ít nước, mau nguội. (5) Dòng văn học này bắt đầu lạnh vì quá nhiều bánh, nhiều thịt nhưng ít nước. Theo ông Vũ, năm 1991 là năm khởi đầu có nhiều bài viết cảnh giác về thái độ nhẩn nha cầm chừng trong sáng tác. Nghĩa là, ít nhất, năm 1990, nước đã bắt đầu nguội.
Trong thời gian bùng nổ của văn chương Việt nhập cư, nhiều lý luận khác nhau giải thích vì sao có hiện tượng này. Một trong những lý luận nghiêm túc của nhà phê bình Nguyễn Huệ Chi, cho rằng, đó là sự “thức tỉnh”, sự đòi hỏi của lương thức, đi tìm căn cước của chính mình. Nhà văn, nhà thơ đi tìm “ta là ai?” Ông Chi đưa ra nhiều lý do chứng minh sự trở về với dân tộc, và trở về với tiềm năng “nghịch biến” từ quá khứ đến tương lai. (6)
Trong bài phỏng vấn, nhà phê bình Thụy Khuê hỏi nhà phê bình Đặng Tiến về khái niệm “thức tỉnh” của nhà phê Bình Nguyễn Huệ Chi. Ông Tiến trả lời vừa ngay vừa mềm, “có ai ngủ đâu” (mà thức tỉnh.) (7)
Vấn đề là sự giảm sút văn học Việt nhập cư từ năm 1990 trở đi có thuyết phục không?
Tôi e rằng, những lý lẽ trên chỉ đúng cho một số ít, nhất là thành phần nhà văn nhà thơ tên tuổi từ nam Việt Nam đã ra nước ngoài. Đa số còn lại, viết lách để giải trí, để có công gì với người xung quanh. Lúc đó, đời sống hàng ngày sinh nhai căng thẳng, địa vị như mường mán xuống núi, nhân phẩm đen thui, thất lạc giữa giấc mơ Hoa Kỳ. Nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi chán nản thúc đẩy hồn Việt đi tìm những lối thoát. Đa số viết vì không có gì chơi và trò chơi này ít tốn kém, hơn nữa, còn lý do tâm lý mạnh mẽ hơn: chúng tôi, những cái tôi bé nhỏ, mong muốn được nhận diện, được số đông công nhận tài năng của mình.
Họ có thể chơi một thời gian rồi bỏ cuộc, hay tiếp tục viết lách vì sinh nhai hay thỉnh thoảng, đại khái, một tác phẩm nhỏ với tấm lòng hoặc từ từ nhận ra nét vẻ cao đẹp trong văn chương để đeo đuổi, có người nhận dạng được ID của mình trong văn hóa dân tộc, hoặc bất ngờ tìm thấy lý tưởng.
Ví dụ như trường hợp nhà thơ Khế Iêm, ông mê thơ, làm thơ, rồi bật ra lý tưởng cách tân thơ. Và phái Tân Hình Thức thơ Việt ra đời. Như trường hợp nhà văn Khánh Trường, đang viết lách làng nhàng chợt nẩy ra ý hợp lưu, chưa ai dám làm. Tay chơi như Khánh Trường, cao Đông Khánh, Cao Xuân Huy, vân vân, muốn làm chuyện khác thường, Khánh Trường làm tạp chí Hợp Lưu vì cá tính dám chơi dám chịu dám làm những gì mà các bậc đàn anh như Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác dè dặt. Rồi làm một thời gian với bạn bè tấu thuyết với xã hội mâu thuẫn, trong cuộc nhào lộn chính trị chụp mũ bịt mắt, ý nghĩa hợp lưu trở thành lý tưởng sâu sắc hơn. Khánh Trường đã tìm thấy lý tưởng, dù việc đó đã khiến anh xơ xác.
Nhà báo, nhà văn nói chung, viết vì sinh kế, viết vì vui, tìm được điều gì thích thú. Sự công nhận của xã hội Việt, sức đua chen với đồng nghiệp, đồng bọn, khiến tác phẩm ra đời. Tuy hiếm hoi, ý tưởng viết một tác phẩm lớn thúc đẩy người viết hy sinh thời giờ và sinh lực để thực hiện, nhưng luôn có một bản chất mỉa mai từ xa xưa “sách vở ích gì cho buổi ấy?” Tôi nghe rất nhiều nhà sáng tác than vãn, thơ văn viết ra rồi như quăng vào hư vô. Đa số thỏa thuận. Tuy nhiên tôi tin rằng, viết với lý tưởng khác với viết với ý đồ. Cất vào thư viện, ghi vào lịch sử cũng hư vô, nhưng có thứ lấy ra được từ hư vô mà những thứ khác thì biệt tích. Phân lý điều này có thể tìm thấy trong văn bản và tiểu sử tâm lý của tác giả.
Thông thường nếu không có lý tưởng, không có mục đích, viết cho vui, những người viết này khó theo đuổi nghiệp văn lâu dài.
Dĩ nhiên, trước tiên, viết là để thỏa mãn cái tôi. Nếu bản ngã này để bản năng đưa dẫn, văn chương người viết thường chỉ để phục vụ dục vọng và những mong muốn bình thường ngoài ánh sáng văn chương. Dục vọng dù có đạt được hay không, giá trị văn chương vẫn không thay đổi.
Bản ngã văn chương có khả năng mang đến những tham vọng lớn, phục vụ cho bản thân thì ít mà phục vụ cho bản nhân thì nhiều. Nếu bị siêu ngã ràng buộc, điều khiển, người viết có khả năng trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình truyền thống. Trong khi, những ai thoát ra khỏi siêu ngã, có khả năng tạo ra những khối văn chương xán lạn, dù độc giả là thiên thần hay ác quỉ.
Tâm lý viết lách này cho thấy, thức tỉnh tìm ra căn cước thì ít mà ngủ mê theo tham vọng thì nhiều. Như vậy, đến năm tháng nào là thời điểm dù thức tỉnh hay ngủ mê mà giảm sút?
Xét lại thời điểm văn học Việt nhập cư giảm sút.
Nếu hai tờ nguyệt san Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và tờ Văn của Mai Thảo cùng với một số báo chí có thể kích thích tạo ra năng lượng phong phú cho dòng văn học Việt nhập cư từ 1978 cho đến 1990, thì những tạp chí quan trọng tiếp theo có làm được gì không?
Nguyệt san Thế Kỷ 21 ra đời tháng 5 năm 1989 cho đến tháng 9 năm 2008, tổng cộng 233 số. Tạp chí Việt ở Úc ra đời đầu năm 1998 cho đến giữa năm 2001. Sau đó, trở thành mạng lưới Tiền Vệ. Chủ đề giai phẩm do Nguyễn Trung Hối chủ trương xuất bản ở Portland, Oregon vào đầu năm 2000, chấm dứt năm 2002, sống 12 năm. Hợp Lưu xuất hiện năm 1991, sống 12 năm. Một sinh hoạt văn học sôi nổi nhất từ trước cho đến nay. Trong khi tờ Làng văn ở Toroto, xuất bản năm 1984, đình bản năm 2009. Làng Văn tử tế được một thời gian ngắn, sau đó đưa ra một loại văn rác, chuyên chửi bới để kinh doanh. Tờ Trăm Con do nhà văn Trân Sa chủ trương, ra đời năm 1992. Người Việt Hải Ngoại ở Vancouver, Canada, xuất bản năm 1998. Tạp chí thơ do nhà thơ Khế Iêm chủ trương xuất hiện năm 1994.
Tuần báo “Việt Báo” sáng lập năm 1992 bởi Nhã Ca và Trần Dạ Từ, tại Garden Grove, California. Đến năm 1995, Việt Báo trở thành nhật báo.
“Nhật Báo Viễn Đông” thành lập năm 1993, tại little Saigon, Westminster, California
Một công trình văn học nữa, tờ “Khởi Hành” do Viên Linh và Tà Cúc chủ trương tục bản từ tờ Khởi Hành cũ trước năm 1975 do nhạc sĩ Anh Việt sáng lập. Khởi Hành mới bắt đầu từ tháng 11 năm 1996.
Vân vân …
Đây là một sinh hoạt không thể nói là èo uột, hoặc không nhộn nhịp. Vậy thì điều gì giải thích khả năng sáng tác của văn học Việt nhập cư giảm sút sau 1990?
Trong bài viết “Nhìn lại một năm văn chương hải ngoại”, năm 1995, Nguyễn Mộng Giác nhận xét sau 20 năm, tổng kết của ngành văn. “Thật vậy, suốt năm 1995 vừa qua không có tác phẩm quan trọng nào của các tác giả mới, chỉ có tác phẩm của những nhà văn đã thành danh trước 1975 tại miền Nam,” và ông lo âu. Trong 5 năm cuối cùng của 20, (tức là năm 1990) văn học hải ngoại gần như không có biến chuyển gì mới mẻ. Sau đó, ông liệt kê các tuyển tập văn chương như: “Hai mươi người viết tại Canada 1975-1995” do Nắng Mới Montreal xuất bản. “Tuyển tập truyện ngắn 20 năm văn học hải ngoại” do trung tâm Văn bút hải ngoại phối hợp với trung tâm văn bút Tây nam Hoa kỳ. “20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995” do nhà xuất bản Đại Nam chủ trương. Và một loạt sách in ấn bởi các tác giả đã thành danh như Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Trần Hoài Thư, Doãn Quốc Sĩ, vân vân, vậy mà ông Giác cho rằng “không có biến chuyển gì mới mẻ.” Có sự trùng hợp về thời điểm 1990 giữa ông Giác và bà Thụy Khuê.
Việc lo âu của ông Giác không phải không có lý do, tuy nhiên, chúng ta có thể chuyển qua một góc nhìn khác. Thập niên 1990, đa số người Việt nhập cư vẫn còn gặp khó khăn sinh sống, hội nhập và tài chánh. Việc in sách thời đó không phải rẻ. Vài ngàn đồng có thể làm nhiều chuyện lợi ích hơn hoặc giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Sách chỉ có thể in nếu bán được. Dĩ nhiên, sách của các tác giả kỳ cựu sẽ bán được vì nhu cầu đọc sách trong thời điểm đó vẫn cao. Các tác giả trẻ, nếu in sách, thường là tự in hoặc trả tiền cho một nhà xuất bản tên tuổi in giùm, sau đó, cầm bằng là tặng không và khuân vác nặng nề mỗi khi dời nhà. Lý do tác giả trẻ vắng mặt ở nhà xuất bản cũng khá đơn giản.
Sau năm 1990, sinh hoạt in ấn các tác phẩm vẫn đều đặn, dù có khả năng thể hiện ở những trình độ khác, với các tạp chí, báo chí, nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh đã ghi lại một số lớn tác phẩm và tác giả sinh hoạt trong đầu thế kỷ 21. (Văn Học hải ngoại 20 năm đầu thế kỷ 21. Nguyễn Vy Khanh.)
“Không có biến chuyển gì mới mẻ”, chữ nghĩa đăng lên đó, sách vở in ra đó, không mới mẻ, ý ông Giác muốn nói về chủ đề, nội dung, cấu trúc và cách diễn đạt. Nói một cách biểu tượng hơn, văn học Việt nhập cư lúc đó cần một không khí mới, những phong trào mới, những tầm nhìn sáng tác mới.
“Sáng tác mới” dễ nghĩ, dễ kêu gào mà khó làm. “Làm mới” là một công trình đòi hỏi nội lực thâm hậu, kiến văn rộng rãi văn học Đông Tây để khỏi bị giẫm chân mà không biết, và khả năng can đảm thông minh, để không làm bò rừng húc vào vách đá. Làm mới như Tân Hình Thức là một sai lầm, chúng ta sẽ xem xét thêm quan điểm này trong phần những vấn đề văn học.
Về bản chất sáng tác của văn học Việt nhập cư, sự lập lại, sự bắt chước, sự tương tựa là những khả năng kế thừa từ truyền thống, mang theo hành trang sáng tác qua hải ngoại. Nhà văn Mai Thảo nói, “Không có ai đẻ ra từ nách.” Đúng, mọi văn chương đều lập lại và bắt chước, người sau học người trước. Không sai. Nhưng sự bắt chước và lập lại không y hệt mà chuyển thành mô phỏng. Từ mô phỏng, khả năng sáng tạo của mỗi người viết nâng cao lên, biến hóa hiệu quả mô phỏng này trở thành nghệ thuật và phẩm chất văn chương riêng của người đó.
Nếu sự bắt chước và lập lại không thể trở thành thứ văn chương mô phỏng cao cấp hoặc siêu thoát, mà chỉ trong dạng văn chương tương tựa, thì hiệu quả những tác phẩm đó kém giá trị hoặc dễ gây nhàm chán. Mỗi tác giả nên thường xuyên tự hỏi về tác phẩm của mình đang và đã sáng tác. Bao nhiêu phần bắt chước, bao nhiêu phần mô phỏng, bao nhiêu phần sáng tạo. Không trung thực trả lời câu hỏi này, thì khoan mong muốn giá trị của tác phẩm được đánh giá cao.
Trong tầm nhìn này, sáng tác văn học Việt nhập cư sau một thời gian rầm rộ phơi bày muôn màu sắc của cảm giác và cảm xúc về tình yêu, thân phận, số mạng, lưu vong, thất lạc, khuynh hướng chính trị, chọn lựa nhập cư, chống đối xã hội văn minh vô cảm, vân vân, dần dần tình cảm đó lập đi lập lại, chỉ thay đổi hình dạng cốt truyện, thay đổi tên tuổi giới tính nhân vật, thay đổi đối thoại mà ý tưởng vẫn ý xưa, còn phẩm chất văn chương là tương tựa, là bắt chước lẫn nhau, là lập lại với chính bản thân, và không có lối thoát. Dư dài mà thiếu sâu. Dư tình mà thiếu ý.
Sinh hoạt văn học không có biến chuyển gì mới mẻ, Khánh Trường gọi là văn chương làng nhàng. Như vậy phải chăng sau giai đoạn phát triển là giai đoạn làng nhàng?
Từ 1982 đà phát triển sung mãn lên đến lúc nào thì bắt đầu giảm sút? Nhà phê bình Thụy Khuê chọn 1990, có lẽ phải chọn một con số nào đó để cụ thể hóa hoặc vì biến cố lớn lịch sử, sự sụp đổ của tường Bá Linh ngày 9 tháng 11 năm 1989, hoặc có lẽ thực tế hơn là sự ra đời của văn học hợp lưu mà tạp chí Hợp Lưu đánh dấu trong năm 1991, một bước ngoặc sang giao lưu văn học văn hóa.
Thực tế, khó có thể xác định rõ ràng sự mất đà bắt đầu từ năm nào vì sự mất đà của văn học Việt nhập cư không giống như bị hụt chân rơi xuống kiểu văn học miền nam năm 1975, cũng không tụt dốc như đứt thắng, mà la đà. La đà là hình tượng của làng nhàng. Lão hóa cũng vậy, không phải là chuyện một sớm một chiều. Sự mất đà phải mất trớn trong một khoảng thời gian trước khi có thể nhận ra. Khoảng thời gian đó là năm tháng nào?
Sau 25 năm hành hiệp văn học nhập cư, nhà phê bình Thụy Khuê đưa đến nhận định: “Nói như vậy không có nghĩa là ở văn học hải ngoại, tất cả đều được. Tự bản chất nhược tiểu, nẩy sinh nhược điểm: làng xã. Dù thoát ra nước ngoài, người Việt vẫn không tẩy được bẩm sinh làng xã: Đọc nhau và viết cho hợp ý nhau. Từ đó thoát thai những tình trạng suy tôn cá nhân văn học không kém tai hại như sùng bái cá nhân chính trị. Bởi nó giới hạn tầm đọc tầm nhìn của độc giả trong một vài tên tuổi được tôn sùng trong quy tắc chính trị địa phương, khu vực. Ở khía cạnh này, văn học hải ngoại có những nét bảo thủ giống văn học chính thống trong nước: Ta đọc ta thôi. Người Việt hải ngoại không đọc hay không thích đọc những tác phẩm trong nước, nhất là những tác phẩm mà trong đó, người viết, sử dụng những cấm kỵ như Mỹ, Ngụy… hoặc có ý chê bai, miệt thị quân đội miền Nam… hoặc xưng tụng Bác, Đảng…
Đây là một bệnh trưng (syndrome) của chiến tranh, của lịch sử, khó có thể vượt qua. […]
Nhược điểm thứ hai của văn học hải ngoại là chưa có thành tựu khai phá những chân trời nghệ thuật mới. Sự tiếp xúc với văn hóa Âu Mỹ dường như chỉ mới rất hình thức. Một số bài viết nhắc đến tác giả này, trích dẫn tác giả kia… phần lớn trong chiều hướng phô bầy kiến thức hơn là thể hiện những suy tư sáng tạo độc đáo, đặc sắc của một thời. Lớp nhà văn, nhà thơ muốn thoát ra cái “cũ” vẫn còn trên đường tìm kiếm, một vài truyện ngắn, tùy bút đó đây, chưa xác định được vị trí, bản sắc. […] Chất lượng văn học hải ngoại trong hai mươi nhăm năm qua, phần lớn, vẫn nằm trong những tác phẩm được gọi là “cổ điển” của những Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nhật Tiến, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác… và những nhà văn thuộc dòng văn học tiếp nối truyền thống văn học miền Nam. […]” (8)
Để có thể có một năm tháng cụ thể, tôi nghĩ không thể là năm 1990, vì các nguồn văn học văn chương mới với đề tài sôi nổi, tranh luận hăng say, nhiều tác phẩm tiếp tục ra đời, đổ bông hoa tràn ngập vào vườn văn học nhập cư lúc đó. Ví dụ những tạp chí như Thế Kỷ 21, Việt, Hợp Lưu, Trăm con, Việt Báo, Người Việt, vân vân.
Hơn nữa, sự xuất hiện của tạp chí Hợp Lưu mang đến những tác phẩm, tác giả từ trong nước tạo ra một bầu không khí mới. Bài viết khen chê các tác phẩm này tưng bừng kéo dài một thời gian.
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh ghi nhận “Từ sau 1991 đã mạnh mẽ chứng minh hiện tượng các nhà văn và độc giả thuộc diện H.O. và lứa tuổi 50-65 làm mạnh sinh hoạt văn học như ngưng đọng thời-kỳ ngay trước đó. Cũng là thời “tái xuất giang hồ” của những cây viết cũ ra ngoài nước với những chương trình H.O. này. Có thể gọi thời cuối thế kỷ là của những giá trị “cứu rỗi”và là thời của “tự do” nói lên những cái “nghi ngờ” mà thế kỷ XX hoặc về trước vẫn bị cấm kỵ, mà dưới chế độ cộng sản cũng từng bị cấm đoán! Những cây viết từ Liên Xô và Đông Âu như Lê Minh Hà, Đỗ Quyên, Nguyễn Hữu Lê; họ, những người với hành trang khác, sống kinh nghiệm và hoàn cảnh khác, “không Việt Cộng chẳng quốc gia” và những người của “chế độ” nay phải lưu vong chống lại các đồng chí cũ như Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, …, tất cả đã tham gia, làm cho những năm cuối thế kỷ XX “khác” thời trước đó không lâu! Nếu hơn thập niên đầu hải-ngoại, các nhà văn nữ “chiếm đất” văn-chương, thì khi các đợt đông đảo nhà văn H.O. tái định cư ở đất Hoa-kỳ, lúc đó các nhà văn nam (và nhân vật nam) mới tìm lại đất đứng, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu vì nam và nữ đều rơi vào cùng tình trạng chậm, bớt!” (9)
Vì những lý do trên, khó có thể tin năm 1990 là mấu chốt. Tuy tác phẩm sách in là thứ văn học cụ thể và tồn tại nhưng báo và tạp chí đóng vai trò quan trọng cập nhật, tức thời cho văn học ở trong mọi giai đoạn. Năm 1995, khi ông Giác lên tiếng vì phát giác tình trạng giảm sút và già nua của chủ nhân các tác phẩm in ấn, thì nhiều nhà văn khác, nhà phê bình khác trong và ngoài nước đều đã nhìn thấy tương lai đó.
Trong bài viết “Văn học Việt Nam hải ngoại, những vấn đề của sự phát triển hiện nay” của Phạm Thu Hương, năm 2018. Bà cho rằng từ năm 1990 đến 1995 nhịp độ phát triển văn học Việt ở Mỹ đã chậm lại, ít tác giả mới, ít tác phẩm giá trị nghệ thuật (trích.)
Như vậy, sự kiện giảm sút văn chương Việt nhập cư xảy ra phải nằm trong gia đoạn 1992 hoặc 1993. Để có một con số nhất định, tôi chọn năm 1993 làm mấu chốt chấm dứt thời kỳ phát triển văn học Việt nhập cư 1982-1993, với sự thỏa thuận, con số chỉ dùng làm đại biểu cụ thể, còn tình trạng giảm thiểu xê dịch trong một khoảng thời gian.
Giai đoạn suy thoái 1994 -2025.
Tình trạng trì trệ và suy thoái văn học Việt nhập cư xuất hiện lẫn lộn vào nhau. Trì trệ sinh làng nhàng. Làng nhàng sinh trì trệ. Cả hai giúp cho tiến trình lão hóa thêm phần xúc tác.
Hầu hết các phân tích và bình luận dẫn đến thủ phạm là khả năng lão hóa từ thể chất đến tinh thần và người chịu trách nhiệm là tác giả. Chưa hẳn đúng. Tác giả chỉ gánh một phần nhỏ trách nhiệm, phần lớn thuộc về ba kẻ khác.
1. Tình trạng trì trệ.
Nhưng trước khi xem xét khả năng lão hóa, cần nhìn thấy sự trì trệ xảy ra như thế nào và hậu quả của nó là gì?
Bà Thụy Khuê cho rằng giai đoạn hòa hợp từ 1990 cho đến năm bà đang viết bài nhận định đó là năm 2000. Thời kỳ này, giao lưu và hòa hợp là những từ ngữ được sử dụng ồn ào trong cuộc sôi nổi chính trị giải thoát nạn đói ở Việt Nam dưới chính sách bế quan của Lê Duẩn.
Nhà nước Cộng Sản đưa ra vấn đề giao lưu, hòa hợp, mục tiêu rõ ràng là giao lưu kinh tế. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy số tiền khổng lồ của Hoa kiều gửi về nội địa nhiều hơn lợi tức nhà nước kiếm được từ xuất cảng. Chính quyền Hà Nội muốn được điều này vì sau những năm bảo thủ trì trệ, được gọi là “một chủ quan nóng vội” (Wikipedia: Lê Duẩn), nền kinh tế Việt Nam lăn đùng khủng hoảng. Chính sách kinh tế của Lê Duẩn tạo ra lạm phát phi mã quá 700% (wikipedia) và tình trạng bị nhiều quốc gia khác cấm vận.
Tuy nhiên, muốn giao lưu kinh tế, đương nhiên phải giao lưu văn hóa như một bình phong hữu lý và hữu dụng. Muốn giao lưu văn hoá không thể không giao lưu hòa hợp văn học văn chương. Dưới quyền lực của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, 1987, thời kỳ “Đổi Mới” “Cởi mở” “cởi trói” bắt đầu.
Giao lưu văn học chỉ là đứa con ghẻ nên khi có nghi ngờ, sợ hãi là bịt miệng nó liền, nhưng vẫn thả lỏng thằng con ruột kinh tế chạy nhảy, xé rào, giao lưu, hòa hợp.
Khái niệm giao lưu văn hóa dẫn đến ý muốn giao lưu văn học nghệ thuật, một số người trong và ngoài nước ủng hộ ý kiến này, nhìn thấy một lối thoát vì nguồn lực văn học và hiệu quả văn chương của cả hai bên đều đang bí lối. Chủ trương giao lưu khó thuần túy chỉ là văn học văn chương vì gốc rễ của nó là chính trị. Tuy nhiên, đối với một số nghệ sĩ, nhà văn, nhất là nhóm trẻ hơn các thế hệ tị nạn, di tản, xem việc giao lưu văn học là một cuộc chơi mới. Có còn hơn không.
Sáng tác tại hải ngoại mà người trong nước có thể đọc được, còn gì sướng bằng. Ngược lạ, tác phẩm trong nước được giấy phép thông hành ra hải ngoại, còn gì sướng bằng. Bàn tán, ngần ngừ, kẻ thuận, người không, kẻ khen, người chống, giữa cơn lềnh bềnh đó, một vị hảo hớn xung phong dẫn đường: Nhà văn Khánh Trường với Hợp Lưu. Tiếp theo là nữ hào kiệt Trân sa với Trăm Con.
Theo lời nhà văn Trần Vũ, số đầu tiên của tạp chí Hợp Lưu ra mắt, tháng 10 năm 1991 (bốn năm sau khi chính sách Đổi Mới của Nguyễn Văn Linh ban hành.) Hình như đến quá nửa năm 1992, khả năng giao lưu mới hợp lưu đều đặn. “Chỉ với vài số báo, Khánh Trường đã xoá đi bức tường ngăn cách, giàn hoà Vũ Văn Nhậm với Nguyễn Hữu Chỉnh. Không còn tả, không còn hữu, chỉ có con người Việt Nam mà phẩm giá duy nhất để đo lường là nhân cách. Chỉ vài số báo việc hợp lưu những con người dị biệt quá khứ sống ngoài tổ quốc đã được thực hiện. Ðây là một thành công.” (10)
Sự thành công này chứng minh một diện thành công của chính sách đổi mới. Chính sách này mang đến cho hải ngoại những tác giả nổi bật từ trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, Bảo Ninh vân vân. Văn phong văn chương của họ khác thường làm ngộp ngạt sững sờ không khí văn học hải ngoại.
Ở hải ngoại, những nhà văn lớn tuổi hoặc những nhà văn đã thành danh trước 75 vẫn tiếp tục làm văn chương theo kiểu những gì họ đã biết đã kinh nghiệm và càng ngày càng ít viết. Sinh lực của dòng văn học hải ngoại tùy thuộc về những người trẻ, đa số cầm bút sau năm 1975. Họ hăm hở, tự hào, nhưng thiếu tập luyện, ít kinh nghiệm. Thông thường họ không đến từ trường ốc văn chương, mà đến từ sở thích và tài năng chữ nghĩa. Họ viết với đam mê và hãnh diện, nhưng khi đam mê kiệt sức, hãnh diện bị tổn thương, làm gì với văn chương?
Họ viết trong thời điểm văn học hải ngoại bùng nổ, cần người viết trẻ, cần bài viết mới. Bài nào khá khá là lên trang. Từ tạp chí văn học cao cấp cho đến hàng trăm báo biếu, chỗ nào cũng cần bài. Vì vậy, nhà thơ, nhà văn rầm rộ nổi lên. Thành thật mà nói, rất nhiều nhà thơ nhà văn thiếu tài, dư biểu diễn và giao tế, đã tạo ra danh tiếng từ dạo đó. Mặc dù về sau một số lớn nhanh chóng từ bỏ cuộc chơi, nhưng một số không ít vẫn còn lại. Phần nhiều họ là những người không đủ nội lực và ý chí để trải qua những lúc xuống tinh thần. Không có nhà văn nhà thơ nào mà không có lúc tinh thần bị nhận chìm, bi quan chết đuối. (Tiểu sử các nghệ sĩ lớn trên thế giới.) Thông thường, khi vượt qua thử thách đó, nhà văn sẽ sâu sắc hơn, thâm hiểu hơn về sáng tác.
Đa số người viết ở hai ngoại quen đọc văn chương miền nam, không quen thuộc lối viết văn miền bắc. Họ sững sờ trước những câu đối thoại ngắn gọn, sắt bén, cụt ngủn; ý tưởng dữ dội, tát vào mặt, đau mà không thể nói gì; tâm tư vô cảm dù tâm tình hiện diện trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Họ giật mình thích thú hình tượng đôi vú chĩa hai viên đạn ra ngoài, còn ông thì gặm hoài không hết của nhà văn Phạm Thị Hoài. Các bậc tiên chỉ làng văn hải ngoại khen thưởng. Người viết trẻ đồn nhau đọc cho biết. Chữ nghĩa tranh luận trang này qua trang kia về các tác phẩm từ trong nước, gây nên một hiện tượng sôi sục.
2. Tâm lý bế tắc trong sáng tác.
Việc sáng tác bị bế tắc là chuyện bình thường xảy ra cho bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào trong quá trình sáng tạo. Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau, cạn hay sâu, dài hay ngắn, tùy vào mỗi trường hợp và mỗi cá nhân. Đây không phải là nơi giải thích tâm lý rườm rà từ nguyên bản của Jung sang tâm lý hành trị của Lacan. Ngắn gọn là: “Đúng vậy, sự ngưỡng mộ những nhà văn hay khác có thể khiến người viết gặp bế tắc, đặc biệt nếu nó dẫn đến cảm giác bất lực, tự chỉ trích hoặc sợ không đạt đến tiêu chuẩn. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng cảm giác bị cản trở hoặc tê liệt về mặt sáng tạo vì sợ bị so sánh bất lợi.” (Writer’Blocks.)
Tâm tình này thực chất rất bình thường. Người viết có khả năng bị ám ảnh bởi các quy tắc, quy lệ viết lách, điều này có thể xuất phát từ tình ý ngưỡng mộ tác phẩm của người khác, thậm chí, cảm thấy cần bắt chước văn phong hoặc cấu trúc của người đó. Mặt khác, người viết đang bị thúc giục bởi mong muốn được công nhận từ giới văn chương xung quanh thông qua bài viết của mình. Mong muốn này thường dẫn đến thất vọng, (tác phẩm quăng vào hư vô), khiến nỗi bế tắc càng thêm nặng nề.
Cứ thử tưởng tượng mà có thật, nếu một người viết tìm thấy đề tài, xây dựng cấu trúc, sắp đặt nhân vật, dàn bài cốt truyện, tất cả sẵn sàng, chỉ khó viết thành chữ vì mỗi khi ngồi xuống, bàn gõ chờ đợi, mà đâu đó trong tâm tư, nỗi ám ảnh làm sao để viết hay hơn nhà văn này …. Làm sao diễn tả văn cảnh hay hơn nhà văn kia…. Sợ truyện mình không độc đáo như truyện của họ. Những câu hỏi âm thầm đó sẽ từ từ giết chết sáng tạo.
Hiện tượng một số nhà văn nhà thơ ngưng viết hoặc viết cầm chừng và không tạo ra tác phẩm xuất sắc xảy ra sau khi giao lưu. Tôi nghĩ, văn học trong nước ít bị ảnh hưởng vì đa số người viết từng trải. Hơn nữa vấn đề kinh tế và đời sống vừa được đổi mới quan trọng hơn, và đề tài sau khi được cởi trói, ôi, hàng hà sa số. Văn học ngoài nước trẻ hơn, vô tư hơn, ít kinh nghiệm trong quá trình viết lách, các nhà văn trẻ dễ bị ảnh hưởng. Thời gian và hậu quả này tạo ra tình trạng trì trệ cho văn học Việt nhập cư.
Những trường hợp của các tác phẩm bắt mắt từ trong nước giao lưu ra ngoài, xét rằng, chủ nghĩa Max dẫn đến chủ nghĩa Stalin mà điều kiện để văn chương được xuất hiện là phải phục vụ cho đảng. Văn chương trở thành con voi bị nhốt trong chuồng, nếu ngoan ngoãn sẽ được ăn uống, nếu kêu hú gây rối sẽ bị đút vòi vào miệng rồi cột lại. Bao nhiêu năm chỉ cái vòi nói với ruột, bỗng dưng được cởi trói, vòi bật ra, đương nhiên phải tận sức kêu hú, có chết cũng chịu. Khía cạnh xã hội này cũng là chuyện bình thường.
Trong một xã hội sát rạt theo dõi, nghe ngóng từ vách tường, lá cỏ, dĩ nhiên phải tập thói quen, nói ngắn, sắt ý, dữ dằn để khỏi phải tranh luận nhiều, tâm tình gặp quá nhiều thương tâm đã chai, vân vân, nếu phân tích từ tâm lý xã hội kiểu Lacan còn dài sâu hơn nữa, nhưng đại khái cho thấy cá tính chung của xã hội hai miến nam bắc khác nhau, xây dựng phong cách diễn đạt khá biệt. Tôi chắc rằng đã có một số độc giả miền bắc thích thú khi đọc loại văn phong dài dòng, tỉ mỉ, lộn xộn của người viết miền nam, của Bình Nguyên Lộc, Hồ Trường An, Nam Sơn, … Như hiện tượng nghe nhạc vàng.
Khi đã quen thuộc một thời gian, bề ngoài không còn là nơi thu hút, bây giờ giá trị của tác phẩm sẽ được chú trọng vào tổng thể thẩm mỹ và ý nghĩa có chiều sâu chiều dài của đời người.
Giá trị của một giai đoạn văn học như toàn bộ thẩm mỹ của một khúc sông. Dọc theo hai bên bờ đôi khi có cá sấu dữ dằn hay lặng lẽ như thân gỗ nổi trôi, đôi khi có gành đá nhô ra hùng vĩ, đôi khi có lục bình trôi dạt số phần, đôi khi có cả ảo ảnh ngư nhân, tất cả xấu đẹp, đúng sai, hiền dữ gom lại, bổ túc, bổ sung, giải thích cho nhau tạo thành cái thẩm mỹ và giá trị cho cả khúc sông.
3. Vấn đề lão hóa trong và ngoài nước.
Đã có quá nhiều sự giải thích và chứng minh của các nhà phê bình, nhà văn như nhà phê bình Thụy Khuê, Đặng Tiến, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Vy Khanh, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Lục, còn nhiều nữa, vân vân, (xin xem phần tài liệu tham khảo,) tôi chỉ xin tóm gọn thế này:
Lão hóa trước hết là quá trình tự nhiên của vật lý. Bất kỳ thiên tài nào cũng phải già, phải bệnh, phải yếu, phải lãng trí, phải mắt mờ, phải mệt mỏi, phải bị nghẹn nghĩa không ra hết ý tưởng muốn viết, …. Phải bị lão hóa là chuyện tự nhiên tre già măng mọc. Giới viết lớn tuổi nghỉ ngơi tự ý hoặc bị bắt buộc càng ngày càng nhiều mà giới trẻ cầm viết chưa có khả năng thế chỗ. Nhiều lý luận đồng thuận với nhau như vậy.
Theo tôi, quan điểm này cần phải xét lại. Thế nào là “thế chỗ”? Chúng ta không cần hai Mai Thảo, không muốn hai Võ Phiến, không thích một rưỡi Nguyễn Mộng Giác … Một mà độc đáo, đặc sắc tinh hoa là đủ rồi. Mỗi thế hệ có mỗi vấn đề riêng, mỗi tâm tình riêng, mỗi cách diễn đạt riêng, để sống với nhịp sống của cá nhân trong nhịp sống của thế giới đương thời và làm sáng tỏ những vấn đề của thế hệ đó dù có liên quan đến quá khứ, nhưng chính xác là việc hiện tại dẫn đến tương lai cho một nơi sống với mong muốn càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Mỗi thế hệ có một ít tài năng độc đáo xuất hiện. Độc đáo có nghĩa là không theo bước chân các tài năng độc đáo của các thế hệ trước. Một mình một lối đi, họ đại diện văn chương, tư tưởng và tâm tình của thời đại đang sống một cách riêng và những gì họ dùng để đại diện mang tính lâu dài kéo qua tương lai. Nếu thế hệ nào cũng có được những nhà văn, nhà thơ độc đáo, duy nhất, xuất hiện, họ có chỗ ngồi riêng, cao hơn hay thấp hơn tiền nhân là do người khác định hình. Câu hỏi là, từ 1975 đến 2025, trong văn học Việt nhập cư, ai là nhà văn, nhà thơ độc đáo, duy nhất, có chỗ ngồi riêng? Câu hỏi tiếp, trong một khoảng thời gian văn học, nếu có một nhân vật tài văn thơ độc đáo, duy nhất, có khả năng đại diện văn học của thời đại và đi vào tương lai, thì giai đoạn đó có nên đáng giá là không có giá trị? Sự trì trệ, làng nhàng, lão hóa có thể nào đồng sàng chung mộng với nhân tài hoặc thiên tài kia. Mỗi thời xán lạn là do một hoặc một vài tài năng thượng đẳng thắp sáng. Không ai biết trong khoảng thời gian đó, văn chương làng nhàng hay lão hóa, chỉ biết có một ông làm thơ hay khủng khiếp, tên gọi là Nguyễn Du.
Những thế hệ đi trước thường đóng vai trò “đánh giá” tài năng và phẩm lượng của các thế hệ sau với tình trạng hiểu biết thường đã lão hóa, lỗi thời. Dẫu họ có thể bắt kịp đà tiến bộ của văn học đương đại, họ vẫn mắc nghẹn những dấu ấn cân đo của tâm tình, những giá trị được niềm tin đóng dấu trong thời gian và không gian mà họ đã trải nghiệm, đã thành công. Nếu Nguyễn Du trông thấy Lục bát mà vắt hàng, ông sẽ xé ngay văn bản. Chuyện này không có gì lạ. Giang sơn dễ đổi, niềm tin khó dời.
“Thế chỗ” là một quan điểm gia trưởng, không hợp lý. Cần một cách nhìn chính xác hơn. Nguyễn Huy Thiệp không thay thế cho ai cả. Cao Đông Khánh không thay thế cho Tô Thùy Yên. Mỗi ngôi sao đóng góp ánh sáng trên nền trời từ những vị trí riêng, miễn là ngôi sao thật, không phải ánh đèn nâng cao lên núp sau làn mây mờ mờ ảo não.
Thực chất là không thể so sánh cái giá trị của Nguyễn Tuân và Mai Thảo. Mỗi thời đại, giá trị đại biểu cho thời đại đó khác biệt (tiểu tự sự). Nếu nói về siêu bản hay đại tự sự, thì kinh thánh và kinh Phật dẫn đầu rồi, còn sách nào có thể so sánh, tác giả nào có thể thế chỗ? Siêu bản được nhìn ngắm, tư duy qua chiều cao chiều sâu của mỗi tác giả, khi diễn đạt lại, làm sao so sánh giá trị hai văn bản?
Ký hiệu “thế chỗ” là ký hiệu nghĩa “tương đương” (cái được biểu đạt). Câu hỏi tiếp theo, thứ gì tương đương? Tương đương về giá trị văn chương? Tương đương về vị trí thứ bậc trong văn học? (giải cấu trúc). Sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Ý tôi muốn nói là không có việc “thế chỗ” dù hiểu theo nghĩa biểu đạt hay được biểu đạt.
Lão hóa về vật chất không quan trọng bằng hóa lão về tinh thần. Việc lão hóa sau không tính tuổi tác, sức khỏe và số mạng. Việc lão hóa tinh thần văn chương là chuyện dễ chạm giây khi phân tích.
Lão hóa văn chương trước tiên thường là khả năng cập nhật văn học bị thiếu hụt vì kiến thức thế giới bị ngăn cản như trường hợp bế quan trước thời kỳ internet ở Việt Nam, dù những trí tuệ sáng sủa, sâu sắc, có hệ thống lý luận đáng tin cậy, có lòng trung thực đáng kính nể, lừng lẫy như một chiếc xe tăng, nhưng nếu thiếu xăng, sẽ chạy không xa và bắn không đến mục tiêu.
Thứ hai, không ham học hỏi. Thông thường, tham lam thứ gì cũng thuộc loại xấu. Tuy nhiên, tham lam học hỏi là loại ít xấu nhất cho dù học thức cao đôi lúc tạo ra óc lớn hơn tim, mũi to hơn mắt. Trước khi là người viết có trình độ phải là người đọc và học nhiều, nhiều lãnh vực khác nhau. Đọc kiểu quan sát và học kiểu “chậm hiểu” là cách thu thập ít tích lũy thành nhiều, đào bằng muỗng mà thành hố sâu. Không học, dù đứng tại chỗ vẫn tụt lùi vì tốc độ thế giới đi qua. Không học, thiếu ý chí, lười biếng, chấp nhận đến đây là đủ, ngủ vài tháng, thức dậy, có thể viết truyện huyền ảo lầm lẫn với truyện ma. Làm thơ đối đầu với vấn nạn xã hội thành thơ tuyên truyền. Lái xe ra phố, khủng hoảng, thấy xe không có người lái, vì xe đương đại lái tự động. Quen được tình nhân mới, không biết thật hay giả?
Làm văn chương có trăm ngàn cách diễn đạt từ quá khứ đến tương lai, nhưng làm văn học phải cập nhật.
Tình trạng văn chương lão hóa trong và ngoài nước xảy ra khá song song. Phải chăng điều này nói lên cá tính và thói quen của dân tộc?
Giai đoạn 1994-2025 là thời kỳ trì trệ, làng nhàng, lão hóa cho dòng văn học Việt nhập cư. Rất nhiều ưu tư về tình trạng văn học này? Kéo dài bao lâu? Chửa được không? Hay sẽ mỏi mòn rồi tắt nghẹn? Vấn đề then chốt, dù trì trệ, dù lão hóa, có giá trị độc đáo không?
4. Chia nhau một gánh nặng.
Mới thoáng nhìn vào, trì trệ, làng nhàng, cầm chừng, lão hóa là lỗi của người viết. Hoàn toàn sai và đúng một ít.
Hoàn toàn sai là vì “đổ lỗi”. Động từ này chỉ dùng trong nghĩa nhẹ nhàng như một lời trách, như bàn tay vuốt má, không phải tát tai. Không ai thực sự có lỗi trong chuyện suy thoái văn học dù có công cần khen ngợi trong giai đoạn phát triển.
Sự suy thoái xảy ra cho bất cứ dòng văn học nào trên thế giới, dọc theo lịch sử nhân loại. Quá trình nào cũng có đầu có đuôi. Đến lúc nắm đuôi thì phải chịu.
– Người viết góp phần cho sự suy thoái.
Đúng một ít: Người viết không có khả năng hoặc không muốn tu tập tự luyện cho bản thân một nội lực vững vàng, thâm sâu để sáng tác, chỉ viết theo sở thích, tự biên tự diễn, thông thường sẽ trở nên làng nhàng với những tác phẩm ngao ngán. Sự bắt chước thiếu suy luận và sự lập lại thiếu sáng tạo có thể nhìn thấy khá rõ ràng trong các tác phẩm của họ và thường xuyên bên ngoài họ sống với tự hào văn nhân hơn là tư duy tìm tòi sáng tạo bên trong. Họ góp phần vào sự suy thoái của dòng văn học. Nhưng nếu suy xét cần mẫn hơn, sẽ nhận ra giới người đọc đóng góp lớn hơn trong quá trình văn học suy thoái.
– Người đọc góp phần cho sự suy thoái.
Nếu như học thuyết độc giả phản hồi (reader’s response), giải cấu trúc (deconstruction) đúng hơn một nửa thì giá trị mà người đọc đánh giá tác phẩm là quan trọng nhất. Cũng có nghĩa người đọc liên quan trực tiếp đến sự sinh tồn của dòng văn học.
Sư thật hiển nhiên là người đọc càng ngày càng ít. Ở hải ngoại, giới lớn tuổi ra đi mang theo khoảng trống chữ nghĩa, không ai bù vào. Giới lớn tuổi còn lại hoặc ngưng đọc hoặc đọc giới hạn vì mắt già, bệnh già, mệt già ….Giới trẻ lớn lên, đọc được tiếng Việt không nhiều. Đọc để hiểu tiếng Việt cao kỳ sâu sắc lại càng hiếm hoi. Thời hết đọc tiếng Việt ở hải ngoại sẽ đến. Vì vậy, viết bằng tiếng Việt ngoài nước là để người trong nước đọc. Số lượng đọc văn học của người trong nước cũng đang giảm sút trước những phương tiện giải trí khác sống động và vui thú hơn.
Người đọc giảm xuống, người viết viết ít lại. Nếu viết văn học cao kỳ, cao cấp thiếu người đọc, thì phải chọn lựa: Một là ngưng viết; hoặc viết cho vui, tìm người chia sẻ, bình dân hóa chữ nghĩa thơ văn, thậm chí, không cần viết bài mang tính văn học.
Những nhà văn nhà thơ nào còn sốt sắng với văn chương là những người chọn viết vì lý tưởng với lòng yêu văn học. Không quan tâm lắm đến người đọc đương thời, mà có niềm tin về người đọc mai sau.
Tôi nghĩ, trong nước hay ngoài nước cũng cùng chung tình trạng. Trong bài viết “Phê bình văn học trong mở đầu thế kỷ 21 – đôi nét phác thảo,” 2021, nhà văn Phong Lê ghi nhận tình thế văn hóa trong nước “Tiếp tục quan sát bầu khí quyển chung của đời sống hôm nay – một đời sống mà áp lực của kinh tế, của sinh hoạt vật chất, của thương mại và giải trí đang là tràn ngập, khiến cho mọi hoạt động khác của đời sống tinh thần không thể không thay đổi hoặc biến dạng. Có lẽ rồi cũng phải quen với việc một số lượng khá đông bạn trẻ không ngại bỏ ra nhiều triệu đồng để mua một vé xem trình diễn của các sao, trong và ngoài nước, nhưng lại ngần ngại bỏ ra dăm chục ngàn đồng cho một cuốn sách, chưa hẳn đã là văn học mà là sách dạy kỹ năng sống, nghệ thuật kinh doanh, làm đẹp hoặc truyện tranh… Hiện tượng này hẳn có liên quan với chỉ số ở Việt Nam, mỗi người dân đọc 0,8 đầu sách/ năm. [..] Nếu trước đây, trong chiến tranh, mỗi cuốn sách in ra chỉ riêng trên miền Bắc cũng đến hàng vạn bản là điều tự nhiên, vì ngoài sách ra không có gì khác cho con người hưởng thụ xét trên ba chức năng: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ (Cho đến đầu thập niên 1980 chức năng giải trí mới được nói đến một cách dè dặt); thì bây giờ chỉ cần trung bình 1000 bản cho ngót 100 triệu dân là đã đủ – trừ một số ngoại lệ. Bởi ngoài sách ra, có quá nhiều phương tiện cho con người thỏa mãn các nhu cầu của mình.”
Chẳng những số lượng người đọc văn học càng ngày càng giảm sút, mà trình độ đọc càng ngày càng thấp. Người đọc trong thế kỷ 21 thích đọc ngắn, đọc nhanh, đọc thứ gi dễ hiểu, thu thập thông tin, giải trí vội vã. Còn bao nhiêu người muốn đọc bài viết, sách vở văn chương?
– Nhà phê bình góp phần cho sự suy thoái.
Trách nhiệm của nhà phê bình văn học là gì?
“Trách nhiệm của một nhà phê bình văn học bao gồm diễn giải, phân tích và đánh giá các tác phẩm văn học để cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn và đánh giá cao hơn cho độc giả. Điều này bao gồm việc xem xét các chủ đề, cấu trúc và bối cảnh lịch sử/văn hóa, cuối cùng giúp người đọc tham gia và đánh giá cao văn bản.[…] Nuôi dưỡng văn học bằng cách đưa ra những diễn giải và phân tích sáng suốt, mong muốn làm sâu sắc thêm lòng trân trọng và hiểu biết của độc giả đối với các tác phẩm văn học.”
(A.I. Overview.)
Cơ bản nhất trong công việc phê bình văn học là làm sáng tỏ văn bản cho người đọc, không phải cho tác giả. Vậy mà, biết bao nhiêu bài phê bình tác phẩm dành gần hết chữ nghĩa cho tác giả, còn người đọc vẫn lơ mơ về văn bản nhưng biết nhiều hơn về người viết và người phê bình.
Phê bình mà chú trọng đến tác giả sẽ không thể không lâm vào tình trạng hoặc tung hô hoặc đụng chạm. Phê bình có đối tượng đầu tiên là tác phẩm, đối tượng tiếp theo là độc giả. Nhà phê bình sử dụng tác giả để làm sáng tỏ tác phẩm rồi để tác giả qua một bên để độc giả được nhìn thấy tác phẩm rõ hơn dễ hiểu hơn mà không bị tác giả làng chàng che khuất.
Ai cũng biết ngọn cờ nêu cao cho phái phê bình là trung thực và can đảm. Chữ C và chữ T lồng vào nhau bay phất phới. Tuy nhiên kéo cờ và hát cờ ca là một chuyện, sau đó ngồi vào bàn viết, viết điều gì là một chuyện khác.
Phê bình giao tế để lại “ký hiệu” thiếu trung thực, nếu không phải vậy, “ký hiệu” này có nghĩa khả năng nhận xét, phân lý văn học còn kém.
Phê bình tuyên truyền để lại “ký hiệu” xu nịnh hoặc “ăn cơm chúa, múa tối ngày.” Nếu không phải vậy, “ký hiệu” này có nghĩa chưa trưởng thành hoặc rớt bằng phê bình.
Hiện nay, giới phê bình tây phương chia ra nhiều phái, không phải họ không biết kết hợp, hoặc không biết sử dụng những ưu điểm của nhau như vài nhà phê bình trong nước đã chê trách. Đơn giản họ biết rằng, phương pháp nào cũng vậy, nếu phê bình sáng láng và trung thực, đường nào cũng đến La Mã. Dù dùng phương pháp phối hợp nào, thủ thuật pha chế nào, mà tối tăm và dị lòng, thì bài phê bình đó chỉ là những lời không cần quan tâm.
Phê bình bằng cảm tính qua những phương pháp khoa học là một kiểu thực hành lý thuyết đang thịnh hành. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi cá tính của mỗi nhà phê bình sẽ xuất sắc khi phù hợp với một số đường lối hoặc áp dụng một số học thuyết nào đó. Nhà phê bình, trước hết là nhà văn sáng tạo, sau là nhà phục vụ tử tế, chưa bao giờ là thẩm phán, càng không phải là nằm vùng điềm chỉ viên. Dĩ nhiên, trong cõi nghiên cứu phê bình, sẽ có những nhà phê bình độc đáo và duy nhất, có chỗ ngồi riêng.
Tiếc rằng dòng văn học Việt nhập cư có quá ít nhà phê bình trung thực mà nhiều nhà phê phán tài tử. Thiếu vắng công việc làm sáng tỏ tác phẩm giúp người đọc gần gũi thêm văn học, mở mang nhận thức, kiến thức và quan trọng hơn họ tự nâng cao bản thân để theo đuổi những tác phẩm văn học cao kỳ. Được như vậy, sớm muộn gì cũng sẽ có những tác giả sáng tác những tác phẩm thẩm mỹ và tư tưởng có giá trị cao.
Không được như vậy, nhà phê bình hải ngoại tạo ra ảnh hưởng đến những thành phần văn học cao cấp. Giới viết lách làng nhàng và giới người đọc không mấy quan tâm đến lời lẽ của các nhà phê bình. Họ không học hỏi hoặc thu thập được gì từ những bài viết, sách in về phê bình văn học. Dĩ nhiên, có nhiều lý do, nhưng lý do căn bản nhất là chính nhà phê bình cũng không viết cho từng lớp bình dân đọc để họ có cơ hội vươn lên đọc những tác phẩm, những tác giả cao kỳ hơn. Giới phê bình viết cho giới trí thức đọc. Phê bình thơ Thanh Tâm Tuyền mà người đọc chưa thấy, chưa cảm điều hay, chất đẹp trong thơ, nhưng lại thấy Thanh Tâm Tuyền hay quá, thì bài viết đó thuộc vào phần phụ lục của tiểu sử.
Thiếu sự hỗ trợ này, người đọc càng ngày càng xa khả năng đọc tác phẩm văn học và nghiêng về những bài viết, tác phẩm bình dân và thể loại viết không hư cấu. Nhiều hơn nữa, họ tìm đến những phương tiện giải trí khác, nhanh hơn, dễ dàng hơn, thú vị hơn như xem You tube, lướt mạng, xem phim ảnh, nghe nhạc….
Không phải dễ cho nhà phê bình viết truyền đạt theo kiểu bình dân cho đa số người đọc có thể lãnh hội. Những vấn đề khúc mắc trong văn học thường đòi hỏi một số từ ngữ không thông dụng, nhưng khó khăn nhất chính là lý luận. Nghiên cứu và phê bình đòi hỏi khả năng lý luận của người viết: chặt chẽ, sâu sắc và thú vị. Lý luận ở mức độ cao và đan xuyên thì khó cho người đọc bình thường thu nhận. Công việc này yêu cầu tài hoa của người phê bình.
5. Trên đường chân trời.
Trong giai đoạn trì trệ, làng nhàng, người ta cho rằng vì ít những sáng tác có giá trị văn học, ít tác giả mới xuất hiện, sách in ấn bị giảm thiểu, những yếu tố này dẫn chứng ý nghĩa suy thoái.
Những tạp chí văn học từ từ đóng cửa, chỉ còn báo chí bình thường hoạt động, sinh hoạt chủ yếu là tin tức thời sự, bình luận chính trị, trang văn học thường còm cõi với đa số bài viết chưa đủ tiêu chuẩn.
Để lấp vào khoảng trống này, một số cơ chế văn chương khác ra đời, phù hợp với những phát minh cập nhật về khoa học thực dụng và khoa học điện tử.
– Mạng văn chương.
Mạng văn học văn chương Talawas do nhà văn Phạm thị Hoài làm tổng biên tập, thành lập năm 2001. Về sau nghiêng về chính trị, xã hội nhiều hơn. Đóng mạng vào tháng 11 năm 2010.
Mạng văn học nghệ thuật Tiền Vệ ra đời năm 2002 và chấm dứt 2021, do nhà văn Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn chủ trương.
Mạng văn học nghệ thuật Gió-o do nhà văn Lê thị Huệ chủ trương và chủ bút. Thành lập năm 2001 và vẫn còn hoạt động dù đã thu hẹp phạm vi.
Mạng văn học nghệ thuật Da Màu do Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào, Phùng Nguyễn thành lập năm 2006 với một số thành viên khác như Đinh Từ Bích Thúy, Lưu Diệu Vân, Lê Đình Nhất Lang, Hoàng Chính, Nguyễn Hoàng Nam, Trần C. Trí.
Mạng xã hội đoàn nhóm, mạng lưới văn chương cá nhân, có thể nói là nhiều đến mức không thể đếm. Vì phương tiện mở mạng quá dễ dàng, chí phí không nặng nề, mà lòng chữ nghĩa nô nức, sức mong muốn thể hiện tài năng đến chốn công đường thúc đẩy, những mạng này liên tục ra đời Có thể nói hầu hết các hội đoàn đều có mạng xã hội. Hầu hết các nghệ sĩ đều có mạng riêng.
Nhận định chung, tất cả những mạng lưới văn chương, nhất là những mạng có phạm vi sinh hoạt lớn và nhiều tác giả tên tuổi cộng tác, đã đóng góp, phát triển và gìn giữ dòng văn học Việt nhập cư trong thời kỳ bắt đầu suy thoái cho đến hiện tại. Cho dù một số mạng đã không còn hoạt động nhưng vẫn còn lưu trữ bài vở để tham khảo.
Công lao và tài sức của những người thực hiện và điều hành các mạng văn học nghệ thuật không thể không ghi nhớ một cách nghiêm túc, xứng đáng ca ngợi khi nói đến dòng văn học Việt nhập cư.
Các mạng văn chương cá nhân và đoàn nhóm tuy không chuyên về văn học nhưng một số bài vở hoặc sáng tác cũng đã đóng góp cho văn học trong khoảng thời gian họ sinh hoạt.
– Những phương tiện thông tin xã hội.
Trong đà phát triển khoa học điện tử và kỹ thuật internet, họ đã sản xuất ra nhiều phương tiện thông tin khác trên mạng lưới qua computer, iPhone, Ipad … Mạng Blog được sử dụng khá nhiều, nhưng phải chờ đến khi Facebook ra đời, ảnh hưởng của mạng len lỏi vào tận phòng khách, bếp ăn, buồng ngủ; đeo theo những chuyến du lịch, vào tận công sở và phòng vệ sinh.
Mạng Blog thường nghiêng về xã hội và chính trị, thỉnh thoảng một chút văn nghệ văn học. Facebook, instagram … cơ bản dành cho liên lạc và chia sẻ những thông tin cá nhân, gia đình, nhưng đã được công chúng hóa, nên trở thành nơi quảng cáo, tuyên truyền, chính trị, kinh doanh, và dĩ nhiên, văn chương có mặt.
Tựu trung là sự phát triển của khoa học điện tử và những sáng tạo kinh doanh đã giúp cho dòng văn học Việt nhập cư có sinh mệnh dài hơn và sôi động theo kiểu tân thời. Truyền thống nào mà chẳng thay đổi, chẳng cách tân?
6. Bình minh hay hoàng hôn trên chân trời?
Không chỉ riêng dòng văn học Việt nhập cư mà bất kỳ dòng văn học nào đương đại cũng chợt bỡ ngỡ với những phương tiện văn minh mang tính thông tin toàn cầu. Công việc giao lưu văn hóa văn học không còn khó khăn như trước, thậm chí giao lưu đa văn hóa là chuyện đang xảy ra một cách thong thả.
Intrernet xóa bỏ biên giới quốc nội hải ngoại, chữ nghĩa vốn không có biên giới, mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam còn lo sợ theo kiểu hủ lậu, ngăn cấm khả năng lưu thông của không gian ảo, nhưng sớm muộn gì cũng phải xóa rào để theo kịp đà phát triển của thế giới.
Điều cơ bản nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam ít quan tâm: Mọi tiến bộ, mọi phát triển đều thông qua chữ nghĩa. Ngăn cấm chữ nghĩa, thì dù ba đầu sáu tay, trước sau gì cũng tụt hậu. Khi đã lỗi thời, nhất là khi lỗi thời điều chỉnh trí tuệ, thì cả tinh thần và vật lý đều chậm lụt với mặc cảm tự hào.
Sử dụng và lợi dụng được khả năng mạng lưới, phương tiện điện tử, các lập trình văn chương, dịch thuật, diễn đạt, vân vân, là việc phải làm của những ai quan tâm đến văn học Việt đa ngôn ngữ.
So sánh hiệu quả của thời khoa học điện tử tiến bộ giúp cho việc thực hiện văn chương dễ dàng từ viết lách đến in ấn và thời trước đó, khi việc hành xử văn chương còn tốn nhiều sức lao động, cho chúng ta một ít chi tiết đáng quan tâm.
– Lúc trước, những bài viết mà tác giả ưng ý thường được gửi về các tạp chí văn học lớn. Do đó, đám đông dễ nhận ra giá trị văn bản và tên tuổi tác giả. Giờ đây, các tạp chí đáng tin cậy đóng cửa. Tác giả cũ, tác giả mới, bài hay bài dở đều gửi lên các mạng lưới văn học. Những nơi này chưa có khả năng văn học tương đương với các tạp chí cũ. Không có những chủ bút, chủ biên, ban biên tập uy tín như thời Võ Phiến, Lê Tất Điều, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, vân vân, vì vậy, về phía người đọc, họ chưa đặt niềm tin vào khả năng tuyển bài của mạng lưới và giá trị của tác phẩm được chọn đăng. Do đó, việc nhận diện tác giả mới và tác phẩm không được tập trung, dễ dàng và tôn trọng như lúc trước.
– Mặt khác, những mạng lưới dẫn đầu như Tiền Vệ, Gió-o, Da Màu, vân vân, vì là sân chơi tư nhân, luật lệ theo ý người dẫn đầu, việc hành xử tùy nghi đối với bài vở gửi đến như một sứ quân khoanh một vùng trời quyền lực. Mang tính bè phái. Khiến một số người viết rút lui không cộng tác. Về mặt này, các mạng lưới văn học là nhân vật thứ tư, sau tác giả, độc giả, nhà phê bình, đã đóng góp vào khả năng suy thoái.
Người viết tử tế thường viết vì vui, vì có điều gì muốn chia sẻ, không có tiền nhuận bút, lại phải chịu điều lệ, đăng nơi này không được đăng nơi khác. Chơi không vui, thôi không chơi nữa. Đa số trở thành người chơi một mình hoặc chơi văn chương với người thân, với bạn bè với độc giả vô hình.
Nhận xét đôi điều này từ góc độ khách quan và từ những ý kiến của một số người viết. Các tạp chí cũng như các mạng lưới văn học, nói chung, mặc dù là tư nhân nhưng đã thành hình như nhân vật công chúng, cộng đồng văn chương Việt hải ngoại, tự nhiên sẽ có một số hệ lụy liên quan đến thái độ và hiệu quả hành xử. Sự điều chỉnh, sửa đổi nếu có thể sẽ giúp cho dòng văn học đang suy thoái những hiệu quả tốt đẹp hơn. Chẳng phải tất cả những ai yêu văn chương đều mong muốn như vậy sao?
– Khoa học tiến bộ mang đến khả năng dễ dàng cho bất kỳ ai muốn mở mạng lưới, blog, hoặc những mạng thông tin xã hội tương tựa. Bây giờ, mỗi nhà văn thực sự có thể trở thành một ông vua hay một bà chúa có vương triều hẳn hoi, không cần triều thần và quân lính, để truyền bá những gì họ muốn nói.
– Rồi facebook, instagram và những không gian ảo khác cho phép bất kỳ thường dân nào muốn trở thành nhà văn, nhà thơ, hoặc người viết chơi đều có thể toại nguyện.
Thời đại tân kỳ với những tiến bộ khoa học một cách phi mã hứa hẹn chúng ta những thay đổi lạ lùng. Chắc chắn văn học sẽ phải thay đổi theo. Chắc chắn người viết, người đọc cũng sẽ biến dạng nhanh chóng và lạ lùng.
– Lúc trước muốn in một cuốn sách không phải là dễ. Dù chịu bỏ tiền túi ra đài thọ, sách và tác giả vẫn bị các nhà xuất bản uy tín chọn lựa và từ chối nếu không đủ tiêu chuẩn. Được nhà xuất bản Văn Học ở Cali in một tác phẩm, tác giả tự hào biết bao. Giờ đây, in sách đẹp, sách dày miễn phí trên Amazon, Lulu, Barnes & Noble, không cần sợ nội dung bị kiểm duyệt, miễn đừng đạo văn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Spanish. Sách in trong vòng vài tuần là có thể phát hành. Làm sao đánh giá tác phẩm để tạo vị trí cho tác giả?
Một vài chi tiết nêu trên cho thấy sự hỗn loạn của tác giả và tác phẩm tự nhiên thành hình, và tiếp tục phát triển. Không có cơ chế nào kiểm soát, đánh giá phẩm chất sáng tác. Không có sàn lọc nào định hình giá trị văn học. Không ít thì nhiều mỗi tác giả đều có một số độc giả. Ví dụ như những bài thơ, câu truyện trên facebook nhận được những ngón tay dễ dãi bật lên, những trái tim túc trực dán lên, những khuôn mặt banh vàng khóc cười nhăn hét nhấn lên, một vài chữ, vài câu khen thưởng, đủ cho tác giả sung sướng. Cái tôi được thỏa mãn. Cần gì viết một tác phẩm giá trị chi cho mệt.
Sự hỗn loạn tự do này cũng có điều hay, càng nhiều sỏi đá, tất nhiên sẽ có vàng ròng, ngọc trai lẫn lộn bên trong. Đồng thời, nhiều sỏi đá sẽ chôn vuì ngọc ngà vào dĩ vãng, trước khi lấp lánh ánh mặt trời.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần sự hiện diện, trí lực, bút lực, công lao của các nhà phê bình trung thực, không phê bình giao tế, không phê bình tuyên truyền, không phê bình vì được mời phê bình. Hãy phê bình với tự trọng.
Những so sánh kể sơ sài bên trên cho phép chúng ta nhìn thấy thời kỳ suy thoái 1994-2025 không chỉ suy thoái bề ngoài theo nghĩa thông thường, mà còn có nghĩa khác: Dòng văn học Việt nhập cư di chuyển từ hệ thống chính qui sang hệ thống phổ thông. Nếu văn chương được mở rộng ý nghĩa và giá trị hơn, thì sự kiện suy thoái chưa hẳn đã bi quan. Nếu văn học Việt có thể chấp nhận là văn học Việt đa ngôn thì chân trời bao la biết mấy!
Chúng ta đều hiểu rằng, bất kỳ chuyện gì xảy ra đều có những nguyên lý phức tạp xa và gần, ngoài và trong, tạo nên. Phải phân lý thì cố phân lý cho tận khả năng nhưng như tôi đã nói, có đầu thì phải có đuôi, đến khi cầm đuôi thì phải chịu.
Trong lúc dòng văn học Việt nhập cư đang suy thoái chưa rõ sẽ về đâu, về một con hẻm nhỏ hay thảo nguyên xanh tươi, chuyện ngày mai, ai dám nhận mình tinh suốt?
Tuy vậy, tình trạng suy thoái không nhất thiết quan trọng hoặc thảm hại. vẫn còn thời giờ và cơ hội để một vài nhân vật xuất hiện. Chỉ cần họ độc đáo, duy nhất, thì giai đoạn suy thoái không chừng sẽ hào quang hơn cả giai đoạn phát triển, nói về mặt phẩm chất văn chương.
Dù như thế nào, que sera sera, lúc này đang có niềm vui khác, mà giới làm văn học nhập cư nhiều tuổi không cần tham gia, sơn hà văn chương đã có người gánh vác, dù không dùng ngôn ngữ Việt. Đó là dòng văn học sáng tác bằng ngoại ngữ của con cháu người Việt nhập cư đang phát triển vững vàng và mạnh mẽ.
Ghi chú:
- Thụy Khuê. Văn học hải ngoại 1975-2000.
- Phạm Thu Hương. Văn học Việt nam hải ngoại.
- Nguyễn Vy Khanh. Nhìn lại 30 năm văn học hải ngoại.
- Nguyễn Mộng Giác. Nghĩ về văn học hải ngoại.
- Trần Vũ. Hợp Lưu 12 năm.
- Nguyễn Huệ Chi. Vài cảm nhận văh học Việt Nam hải ngoại. 1994.
- Thụy Khuê phỏng vấn Đặng tiến, 1994.
- Thụy Khuê. Văn học hải ngoại 1975-2025.
- Nguyễn Vy Khanh. Nhìn lại 30 văn học hải ngoại.
- Trần Vũ. Hợp Lưu 12 năm.
II. Xét lại bốn vấn đề văn học.
Văn chương không có giới hạn, nhưng tâm trí con người có giới hạn, bao gồm tác giả lẫn độc giả và độc giả phê bình. Mênh mông không giới hạn thì tạo ra sự hiểu biết không hết, không rõ, mù mờ. Tâm trí có giới hạn thì tạo ra hiểu biết cận thị, bị che khuất. Nếu giới hạn là mức cuối cùng của tâm trí, thì cái đệ nhất tôi có khả năng khiến cho văn chương mênh mông trở nên giới hạn.
Nghĩa là, sáng tác văn chương luôn có giới hạn trong một tác giả và những giới hạn này có thể mở rộng vào bốn hướng mênh mông để tạo ra giới hạn khác. Vì vậy, phê bình không chỉ làm thế nào để độc giả hiểu tác phẩm hơn sau khi làm cho nó sáng láng, dễ hiểu mà còn bằng cách nào đó thúc đẩy tác giả vượt qua cái đệ nhất tôi để mở rộng những giới hạn sáng tác của họ. Tiếc thay, một số lớn người viết thường xem những đề suất mở rộng cái tôi là lời xúc phạm. Chuyện phẩm chất giá trị văn chương thành chuyện cộng đồng, chuyện giao tế.
Chính những người đó rất yêu mến những câu thơ của Phùng Quán:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu …
(Lời Mẹ Dạy. Phùng Quán.)
Nhưng nếu họ nghe những lời trung thực về khuyết điểm của mình, lập tức phản ứng: Yêu ai cứ bảo là ghét. Ghét ai cứ bảo là yêu. Như vậy là sao? Làm gì có được văn học đúng nghĩa? Không lý nào phê bình là dùng ngón tay viết văn trên cát?
Nói một cách khoa học hơn, giới hạn của văn chương sáng tác là tâm lý, tâm linh và sở kiến của tác giả. Văn học là năng lượng đồng thời là động lực thúc đẩy mở rộng giới hạn của văn chương. Kết luận: văn học và phê bình là hai yếu tố trực tiếp nâng cao, đào sâu nghệ thuật sáng tác văn chương của một người.
Nghĩa là, nếu bạn quan tâm đến những lời đề suất, phê luận của những nhà phê bình trung thực, có kiến thức kinh nghiệm sâu sắc và bản thân bạn sở hữu một sự hiểu biết trơn tru về văn học nội ngoại, thì những tác phẩm của bạn sẽ tự nguyện, tự động điều chỉnh, tiến tới phẩm chất và dung mạo sáng tác có giá trị.
Thu nhận văn chương, nhà phê bình và độc giả cũng bị cản trở bởi những giới hạn này. Để mở rộng những giới hạn, không có gì khác hơn là đọc và tìm hiểu văn học; đọc và tìm hiểu phê bình. Nói chung, đọc từ dễ đến khó, đọc càng nhiều càng có công lực để tự nhiên xóa bỏ những ranh giới.
Những nhà phê bình là những độc giả ưu tú, họ được học tập để đọc kỹ, đọc “quan sát” với nhiều phương pháp tư duy, phân tích khoa học lẫn cảm tính. Là những độc giả đặc biệt được các độc giả bình thường hâm mộ, tin tưởng. Vì vậy, họ có ảnh hưởng lớn đến dòng văn học và phẩm chất văn chương. Văn chương Việt trong bất kỳ giai đoạn nào cũng cần nhiều nhà nghiên cứu phê bình tài năng và trung thực.
Xem xét lại, nghĩa là, tôi phân lý một vấn đề văn chương sáng tác hoặc văn chương xã hội được lập đi lập lại, hoặc khúc mắc, ẩn ngụ, để trở thành vấn đề văn học.
1- Tình dục gia trưởng và tình dục nữ quyền trong văn học Việt nhập cư.
Tình dục trong văn chương là chuyện bình thường, đã có từ lâu. Thắc mắc về tình dục trong văn chương là chuyện khôi hài. Tuy nhiên, ở một dân tộc có truyền thống xem việc tình dục nên hiểu ngầm hơn là nói ra, càng không nên phơi bày trên giấy trắng, càng không thể bộc bạch một cách bình dân trong văn chương.
Một lý do khác cần được xem xét là sự khác biệt trong văn chương về tình dục giữa chế độ gia trưởng và nữ quyền. Có những trường hợp chính sự đòi hỏi của phái nữ lại tiếp tay hoặc trở thành phong thái gia trưởng.
– Tình dục nữ quyền gốc tâm lý.
Trước năm 1975, bị ảnh hưởng bởi phong trào giải phóng nữ quyền làn sóng thứ hai (1960-1970) đang sôi nổi ở Âu Châu và nhân vật hàng đầu là Simone de Beauvoir, một số nhà văn nữ ở miền Nam Việt Nam đã sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết theo xu hướng nữ quyền, bày tỏ quyền tự do tình dục, đòi hỏi sự bình đẳng nam nữ. Tuy vậy, sự lộ liễu không thái quá và bình đẳng vẫn bị coi thường.
Phong trào nữ quyền làn sóng thứ ba xuất hiện vào thập niên 1990, nhằm vào cuối giai đoạn phát triển của văn học Việt nhập cư (1982-1993). Cả hai làn sóng đều có ảnh hưởng trên văn chương phái nữ ở hải ngoại.
Mang tình dục vào văn chương có ba mục tiêu chủ yếu. Thứ nhất, làm cho tác phẩm hay hơn, đẹp hơn trong nghệ thuật ái tình và thân xác. Thứ hai, tạo ra khả năng hấp dẫn vì gần gũi với ước mơ và đời sống thực tế. Thứ ba, khiêu dâm vì mục đích thương mại hoặc vì thỏa mãn một chấn thương tâm lý. Mỗi mục tiêu có cách trình bày khác nhau. Mục tiêu thứ nhất và thứ hai thường xuyên gộp chung với nhau, ví dụ như tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover của D.H. Laurence.
Nhà văn nữ Thấm Vân và tiểu thuyết dục tình của cô thường được xem là tác phẩm tiêu biểu của nữ quyền. Trình bày những ham muốn, đòi hỏi quyền tự do và giải phóng tình dục của phái nữ Việt vẫn còn bị trói buộc vào cuối thế kỷ 20 sang 21. Hầu hết các độc giả chưa quen nên từ chối những văn cảnh thân xác lộ liễu cụ thể và những chi tiết hành lạc, những hình ảnh minh bạch, được mô tả hiện thực khiêu dâm hơn là thẩm mỹ.
Câu hỏi được đặt ra là quan điểm đàng sau chữ nghĩa khiêu dâm này là gì? Là đấu tranh cho quyền tự nhiên của thân xác đang bị áp bức? Hay là phóng lớn tiếng lòng bị tổn thương tình dục? Hay chỉ là trò chơi chữ nghĩa để thu hút một số người đọc cô đơn?
Thông điệp từ tác phẩm và tác giả là gì? Sau khi đọc xong, người đọc có cảm tưởng gì? Thao thức về nỗi niềm tình dục của bản thân? Có nhu cầu muốn làm một điều gì cho phái nữ? Hay bắt chước nhân vật chính khổ cười sướng khóc chỉ mình với ta?
Những câu trả lời sẽ xác định giá trị của tác phẩm và ý định của tác giả. Có một ranh giới mong manh giữa trình bày tình dục có mục đích nữ quyền và mục tiêu khiêu dâm.
Tình dục là một nhu cầu, cao hơn nữa, là một thú vị, một thứ gì phải có từ bình thường đến xa hoa, nhưng tiếc rằng, nó bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, bị ma quỉ bắt cóc dẫn đi nuôi dưỡng, khiến người ta xa lánh, sợ sệt, chỉ dám làm lén lút, làm liên miên trong bóng tối, và ban ngày thường xuyên công khai công kích.
Mặt khác, văn chương là nơi trong sáng, mang vẻ đẹp điều hay đến cho con người. Vấn đề thỉnh thoảng được nhắc đến là nghệ thuật diễn đạt. Tự sướng hay nhờ người khác dị giống, đồng giống mà sướng, có trăm ngàn cách diễn tả khác nhau, nếu có thực tài có thể mang đến điều hay vẻ đẹp. Thiếu tài năng thì vừa mới cởi nút áo, đã tụt quần.
Xét về tâm lý, mức độ tổn thương của mỗi người khác nhau và sẽ ảnh hưởng sâu đậm trong hành vi hành động, suy nghĩ ý tưởng và cách diễn tả ra bên ngoài ăn nói, trò chuyện hay viết lách. Phái nữ Việt hầu hết đều trải một quá khứ thất thế, bị áp đảo, bị tổn thương vật chất lẫn tâm hồn, và thường bị bí mật hiếp dưới nhiều hình thức tự nguyện hay bắt buộc. Chiều sâu của thương tích, cường độ của ham muốn sẽ khiến cho họ diễn đạt kiểu như vậy mới thỏa mãn ít nhiều nỗi chịu đựng và bất mãn. Tâm lý sáng tác phân biệt giữa viết vì bản năng thúc đẩy và viết vì bản ngã chọn lựa. Phần viết theo siêu ngã hướng dẫn thì tôi không bàn tới, việc này thuộc thẩm quyền của các thầy tu và linh mục.
Công kích từ những vị trí đạo đức, vị trí quyền gia trưởng, vị trí bị ám ảnh tình dục là tội lỗi, vân vân, không liên can đến giá trị văn chương. Tinh thần tranh cãi giữa nhà tu và người nghệ sĩ đã thể hiện sâu sắc trong tác phẩm Narcissus and Goldmund của Herman Hess, được Vũ Đình Lưu dịch: Đôi Bạn Chân Tình. Hai loại người này cần nhau để sống nhưng luôn tranh cãi như một cặp vợ chồng thích nói nhiều.
– Linda nằm nghiêng.
Tranh cãi tình dục? Chúng ta thường nghe đến bài thơ của Đỗ Kh.
Linda mặt ngang
Linda mặt ngang
Không biết hôn chỉ biết cắn
17 tuổi ở một động đĩ ở Batàm
Linda không biết làm mát xa
Linda mặc quần lót rộng
Linda âm đạo chật
Vừa bằng hai ngón tay
Linda malay
Rất là dễ nhột
Ở gần lồn và ở gần lỗ tai
Linda hai gò bồng đảo căng tràn nhựa sống
Lúc lắc gọi mời như hai quả tuyết lê
Linda làm việc sáng và tối vào cả ngày lễ
Quốc tế lao động
Nàng ngồi trang trọng
Khép đùi cùng hai chục chị em
Trong một con hẻm
Khuất sau mưa và tiếng nhạc xập xình
Linda trét môi son lên ngực tôi
Nàng lấy tay chùi và nàng cười
Linda Linda mặt ngang và ít lông
Cha mẹ nàng ở tận cái gì bahru
và nàng cũng chẳng buồn nhớ tới
Đồ con bất hiếu
Nhờ ai nuôi nấng cho đít mày u lên chắc nịch
(như hai quả bưởi)
Linda cắn làm tôi đau lưỡi
Linda cắn làm tôi không nứng nổi
Tôi như mưa mềm trên nàng èo uột trườn người
Linda không bú
Linda không cho liếm
Bàn tay nàng rất đẹp che lấy cửa mình
nhan sắc cũng chẳng kém
Linda mặt ngang miệng rộng và lồn bé chút xíu.
Đỗ Kh.
(Tạp chí HợpLưu, số 31 tháng 10&11 năm 1996)
Tôi chắc rằng một số lớn độc giả nhiều tuổi sẽ lắt đầu khi xem hết bài thơ đã từng gây tranh cãi trên diễn đàn văn học Việt nhập cư. Độc giả trẻ, nhất là phái nam, có lẽ, thích thú hơn.
Lúc đó, anh Đỗ Kh. Là một nhà thơ cách tân trẻ, đẹp trai, ăn mặc thời trang, nhìn sang trọng. Vẻ ngoài hiền lành, ít nói, nhưng bên trong nghịch ngợm, tràn ra chữ nghĩa. Được hầu hết văn nghệ sĩ ưa chuộng. Đỗ Kh. giảm tốc độ chơi văn chương sớm, viết lai rai, làm những việc nghệ thuật khác, anh là một tay chơi có gu, có cấp bậc, nhưng chưa có tác phẩm văn học độc đáo.
Bài thơ này dùng ngôn ngữ và hình ảnh hiện thực dù nội dung hư cấu. Câu truyện có thể hiểu dễ dàng. Thông điệp gửi trong ký hiệu “mặt ngang”. Từ chủ lực lập lại trong ba dạng: âm đạo, lồn (2 lần), cửa mình. Câu hỏi, vì sao không dùng cùng một từ, một từ ít gây hấn với đạo đức mà văn vẻ như cửa mình, hoặc khoa học nhẹ nhàng hơn như “âm đạo”? Rõ ràng là anh Đỗ muốn trêu chọc và gây sự với đạo đức.
Vì vậy, ồn ào nổi lên. Tranh cãi về mặt đạo đức, phẩm hạnh hơn là văn chương. Thực tế, bài thơ này không có giá trị văn chương, mà có giá trị bất ngờ phá vỡ không khí văn chương chống cộng, hoài niệm, thân phận nhập cư, đang kéo dài mệt mỏi. (Bài thơ này xuất hiện trong vài năm đầu của giai đoạn suy thoái 1994 – 2025.)
Lời lẽ, từ ngữ sử dụng mô tả Linda làm đĩ cho thấy quan điểm tình dục từ thái độ gia trưởng. Khi đọc, bạn có cảm thấy thương xót cho Linda không? Cách diễn đạt tình dục này không thuộc vào phong trào nữ quyền. Bạn thấy, Linda chấp nhận số phần làm trò chơi cho phái nam và Kim Trọng ghé ngang tung hứng rồi ra về với ý tưởng: Linda mặt ngang miệng rộng và “cửa mình” bé chút xíu. Không anh hùng cứu mỹ nhân. Không mỹ nhân tự cứu mình.
Then chốt của bài thơ là ký hiệu “mặt ngang.” Giải cấu trúc chỉ cho chúng ta ngay lập tức “mặt dọc”. Một cặp đối đầu tạo ra ý nghĩa. Mặt dọc thuộc về tự nhiên, nguyên thủy, đúng đạo lý, đúng dung nhan. Mặt ngang, dĩ nhiên, ngược lại. Dung nhan đảo nghịch, không đúng đạo lý, trái tự nhiên, gây chú ý và một chút nghi ngờ.
Linda mặt ngang buộc người đọc tự hỏi tại sao? Hình ảnh mặt ngang để mỉa mai, chọc tức, truyền thống hơn là có chủ định tung hô nữ quyền. Thực chất nữ quyền không nằm ngang hay nằm dọc, nằm ở nơi khác, quyền lực hơn.
Ký hiệu “mặt ngang” cho thấy một cách nhìn của gia trưởng, khác thường, khôi hài và có phần mỉa mai. Mặt ngang là mặt không bình thường. Ẩn ý một điều gì không phải khen ngợi. Và nhà thơ biết chắc, bài thơ này sẽ là cú sốc. Chơi cho vui hay làm văn học? Dường như sân khấu thơ văn cũng như sân khấu ngoài nhân gian, thỉnh thoảng phải xuất hiện một tuồng hề ngắn cho người xem đỡ ngán.
Tuy nhiên, cũng có thể chỉ đơn thuần là một ngẫu nhiên đưa đến nhận xét, khi Kim Trọng vén màn đi ra, quay nhìn lại, thấy Linda nằm nghiêng, đùi khép nép, tự nhiên thôi, thấy mặt ngang.
2- Hợp tác và Hợp Lưu.
Sau khi nhận ra sự thất bại kinh tế thảm hại, năm 1987, Nguyễn Văn Linh đề xướng chương trình Đổi Mới, Cởi Mở, Cởi Trói … với mục đích cấp cứu hiệu quả hiểm nguy của nghèo đói trong quốc nội. Phong trào giao lưu được cổ xúy đồng loạt, nhất là những phương diện mặt nổi có khả năng chứng minh với quốc tế lòng thành khẩn của đảng Cộng Sản.
Ở hải ngoại, diện văn chương, người ta cho rằng nhà văn Nhật Tiến là người đi tiên phong (hoặc trong nhóm tiền phong) ủng hộ phong trào giao lưu.
[Thụy Khuê: – Anh là người tha thiết, muốn thực hiện giao lưu văn hóa bằng thực chất của vấn đề. Nghĩa là muốn các tác phẩm viết ở hải ngoại được in ở trong nước và ngược lại những tác phẩm viết trong nước được in ở hải ngoại. Anh đã làm việc đó với họa sĩ Khánh Trường và một số bạn văn khác. Xin anh kể lại quá trình của công việc ấy.
Nhật Tiến: Gần ba năm trước đây, họa sĩ Khánh Trường đã hoàn tất một công trình rất có ý nghĩa. Đó là mời được sự tham dự của 35 nhà văn, nhà thơ hải ngoại, ở cả Mỹ, Úc, Canada và Âu châu trong một tuyển tập thơ văn hải ngoại dự định sẽ ấn hành công khai ở trong nước. Vấn đề còn lại là tìm được một nhà xuất bản trong nước đồng ý ấn hành cuốn sách đó. Trong lần về nước lần thứ hai, khoảng cuối năm 1991, tôi đã cùng một số bạn văn ở trong nước vận động thành công để có được sự hợp tác xuất bản tuyển tập nói trên giữa hai nhà xuất bản : nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và nhà xuất bản Tân Thư của họa sĩ Khánh Trường ở hải ngoại. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất kể cả bản thảo đã lay-out, mẫu bìa, cùng bài tựa ký tên chung có sự thỏa thuận của cả hai phía.Tôi tưởng rằng cuốn sách có thể ra mắt độc giả vào khoảng giữa năm 1992, nhưng không ngờ nó bị giới bảo thủ trong nước ngăn cản lại và kìm giữ vô thời hạn, đến nỗi họa sĩ Khánh Trường đã phải đơn phương xin hủy hợp đồng xuất bản vào cuối năm 1993 vì không thể chờ đợi lâu hơn nữa. ] (1)
Bài phỏng vấn phát thanh trên RFI ngày 12 tháng 3 năm 1994.
Giao lưu văn hóa văn học là sản phẩm từ trong nước, họ muốn sử dụng bình phong tinh thần tốt đẹp để thực hiện việc kiếm tiền từ đồng bào hải ngoại gửi về gia đình. Mục đích cao hơn là kiếm tiền viện trợ từ các quốc gia tự do. Việc này có thể thấy rõ từ “cởi trói” vội vã đến “bỏ cấm vấm vận” để giao tiếp với các nước ngoài.
Câu hỏi là, Liệu nhà văn Nhật Tiến tự ý nghĩ ra việc giao lưu chữ nghĩa này, hoặc có ai khác dâng hiến ý nghĩ đó? Không có lý do nào nghi ngờ lòng yêu văn chương và mong muốn phát huy văn học Việt của Nhật Tiến, ông là một nhà văn chống cộng kịch liệt và có phần yêu chữ nghĩa kịch kiệt hơn.
Sự giao lưu xảy ra hợp lý, hợp thời. Trước sau gì cũng phải xảy đến, chỉ sớm hơn nếu có người hải ngoại tiếp tay.
Tạp chí Hợp Lưu là sản phẩm của giao lưu. Khánh Trường không phải là một nhà văn có vị trí cao trong văn học, nhưng ông đạt được một địa vị đáng hâm mộ trong xã hội văn chương Việt hải ngoại, vì sự can đảm và gan lì của một dân chơi thời chiến. Trong khi tạp chí Trăm Con của nhà văn nữ Trân Sa vừa ra đời đã bị áp chế phải đóng cửa vì áp lực chính trị ở Canada.
Khi sự đi lại giữa các quốc gia tự do và Việt Nam được dễ dàng, giao lưu văn hóa, văn học không còn hấp lực nữa. Trực tiếp về quê, cụ thể giao tình, giao tiền, vừa ý hơn. Hợp Lưu rồi cũng đóng cửa sau mười hai năm hoạt động.
Tôi nghĩ, nếu không có Hợp Lưu, sự việc cũng sẽ xảy ra không chiều hướng này. Hiệu quả chắc chắn khác biệt, nhưng không xa lắm, vì sáng tác trong nước, tận sức, cũng chỉ đến đó. Khi không còn khả năng thu hút, gây nổ, thì trì trệ và làng nhàng sẽ kéo đến.
Tôi ngưỡng mộ bạn tôi, Kháng Trường. Tôi thích thú khi đọc một số tác phẩm từ trong nước, nhưng tôi vẫn cho rằng, khả năng chuyển vận năng nổ của Hợp Lưu gây ra một phần nào tình trạng bối rối, ngưng đọng, chậm chạp cho sáng tác hải ngoại sớm hơn chu kỳ tự nhiên.
3. Sáng tạo và sáng kiến: Tân hình thức.
Chắc chắc bạn đọc đều biết sự khác biệt giữa sáng tạo và sáng kiến, dù giống nhau chữ “sáng.”
Quá trình sáng bắt đầu như thế này: sáng trí, sáng kiến, sáng tác, sáng tạo. Có sáng trí, mới có sáng kiến, có sáng kiến mới dẫn đến sáng tác. Sáng tác với nghệ thuật ở một mức độ nào đó sẽ bộc phát sáng tạo. Trí không sáng, tức là tối trí, sẽ sinh ra tối kiến, dẫn đến tối tác và không bao giờ có sáng tạo. Nguồn đầu, trí sáng hay tối là do đọc nhiều, tư duy sâu, và cảm nhận chất tinh túy của văn chương.
– Di tản, tị nạn, vượt biên, nước mất nhà tan, khổ nạn, sầu mạng và tác phẩm lớn.
Nhà phê bình Thụy Khuê, trong bài viết, “Thử tìm một lối tiếp cận văn sử học về hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2025.” Có đoạn bà đặt câu hỏi: “Tại sao người Việt di tản không có “tác phẩm lớn” về cuộc vượt biển? Về tù cải tạo? Về việc thành lập cộng đồng lưu vong…?” Rồi bà tự trả lời: “Là có, nhưng cái “lớn lao” của người Việt không theo nghĩa thông thường: Họ đã xé nhỏ đau thương trong toàn bộ “cái viết”: Từ cải tạo, đến vượt biên, vượt biển… nỗi đau của họ không bồng lên mưng mủ, nó tản mạn lưu vong khắp huyết quản, huyết cầu… Họ đã không bỏ qua một khía cạnh nhỏ nhoi nào, dưới nhiều hình thức viết: Từ nhật ký, thư riêng, đến hồi ký, tùy bút, thơ, phiếm luận, truyện ngắn, truyện dài… nếu ai có “can đảm” đọc lược qua toàn bộ tác phẩm của người Việt ở hải ngoại trong 25 năm nay, thì sẽ ghép được mảnh puzzle lớn lao về lịch sử, xã hội, chính trị Việt Nam trong cuộc dâu bể nửa thế kỷ này. Cái lớn của họ là tích tiểu thành đại.”
Sau khi lý luận theo phong cách, tạo ra những viên đá nhỏ rồi ráp lại thành tòa lầu lớn. Với lòng yêu quê nhà và yêu ngôn ngữ Việt, nghe thuyết phục, nhưng ai sẽ ráp đá nhỏ thành tòa lầu? Liệu có ráp được không vì đá nhỏ quá nhiều hình dạng, quá nhiều phẩm chất vôi bùn? Dẫu ráp được, chắc gì hình thù sẽ giống tòa lầu hay giống một đống đá? Rồi bà giải thích thêm:
“Tích tiểu mới là khó. Vì xưa nay, những “đại nạn” it khi trở thành một tác phẩm lớn. Mỗi dân tộc có những niềm đau lớn khác nhau, do những nguyên do khác nhau. Không thể so sánh niềm đau diệt chủng của người Do Thái với niềm đau diệt chủng của người Khmer. Cũng không thể ví ngục tù Goulag Liên Xô với ngục tù cải tạo Việt Nam. Và cũng không thể đo thảm cảnh vượt biển của người Việt tỵ nạn với Exode khỏi Ai cập của người Do Thái cổ. Nhưng dường như ở mọi cực điểm của niềm đau, con người không có chữ để diễn tả: Niềm đau diệt chủng Do Thái và Khmer không có tác phẩm lớn. Exode Do Thái xưa và thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam nay: không có tác phẩm lớn, bởi đó là giới hạn của văn chương, thất bại của ngôn ngữ trước những tột độ trong cái sống và cái chết của con người.” Kết luận là:
– Xưa nay, những đại nạn ít khi trở thành tác phẩm lớn. Theo tôi biết thì ngược lại, có đại nạn thường nảy sinh những tác phẩm lớn.
Thế giới chiến thứ nhất tạo ra All quiet on the western front của Erich Maria Remarque; A Farewell to arms của Ernest Hemingway; Regeneration của Pat Barker và nhiều nữa.
Thế giới chiến thứ hai tạo ra The Rise and Fall of the Third Reich: A History of Nazi Germany của William L.; The War That Ended Peace: The Road to 1914 của Margaret MacMillan; All Hell Let Loose: The World at War 1939-1945 của Max Hastings; The Guns at Last Light: The War in Western Europe, 1944-1945 của Rick Atkinson …. The Nightingale của Kristin Hannah; All the light we cannot see của Anthony Doerr; The book thief của Markus Zusak, vân vân và nhiều nữa
Bom nguyên tử nổ tại Nhật Bản tạo ra Hiroshima của John Hersey; Black rain của Masuji Ibuse; The last cherry blossom của Kathleen Burkinshaw; To hell and back: The last train from Hiroshima của Charles Pellegrino, vân vân và còn nữa.
Ví dụ về thành quả thì nhiều lắm, nhưng có lẽ câu hỏi sẽ là, đối với nhà phê bình Thụy Khuê, Thế nào là tác phẩm lớn? Có thể, Cuốn theo chiều gió, hệ quả từ chiến tranh nam bắc Mỹ, không lớn.
– Ở cực điểm của niềm đau, con người không có chữ để diễn tả. Quan điểm này có thể đúng với 1975-2025 của văn học Việt nhập cư. Ở những cực điểm niềm đau của các dân tộc khác, quốc gia khác, chúng ta đọc được những tác phẩm của họ về niềm đau đó. Chẳng phải viết lách là để nói lên những thương tích, những hủy hoại trong nội tâm về những điều gì đó mà nhân loại đã trải nghiệm khổ đau?
– Cuối cùng, đổ lỗi cho ngôn ngữ không đủ khả năng truyền đạt những tột độ trong cái sống và cái chết của con người là đúng quá. Ngôn ngữ luôn là một quá trình lẫn tiến trình thất bại, luôn là một hệ thống không hoàn chỉnh, luôn là một thứ diễn nghĩa tạm thời. Nhưng từ xưa đến nay, con người vẫn sử dụng thứ tạm thời, thất bại này, để nói lên đủ thứ khốc liệt, tang thương, để tạo ra những tác phẩm lớn của thế giới.
Không ai trong chúng ta dám đòi hỏi người Việt nhập cư có những tác phẩm lớn bằng một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh. Sẽ không bao giờ có hệ thống như vậy. Không có đủ hai mắt thì dùng đỡ một mắt. Liêu chúng ta đã có tác phẩm lớn sau 50 năm bằng một mắt?
Tôi cảm được lòng yêu mến của nhà phê bình Thụy Khuê đối với di sản văn chương Việt, lòng quí mến những nhà văn Việt di dân, dập dồn tim não trong đời sống mới, không đủ thời giờ tâm huyết với chữ nghĩa. Bà đỡ đần một chút, biện luận một chút, tôi ngã mũ chào.
Thực chất, để có một tác phẩm lớn, phải có một số điều kiện: Trước hết, phải có ý định, ước mơ và đam mê thực hiện tác phẩm lớn. Tiếp theo, phải có đủ kiến thức, đủ kinh nghiệm, và thời giờ phù hợp, để xây dựng tác phẩm lớn. sau đó, phải có đủ và dài hơi phẩm chất và lực lượng sáng tạo để hoàn thành tác phẩm lớn. Cuối cùng, có quyết tâm cống hiến đời mình để chu toàn tác phẩm lớn.
Có bao nhiêu nhà văn nhà thơ của văn học Việt nhập cư có đủ những điều kiện trên để tạo ra tác phẩm lớn. Chúng ta chưa có tác phẩm lớn, nhưng chưa không có nghĩa là chẳng bao giờ. Tuy vậy, chúng ta cần bổ sung, nuôi dưỡng, phát huy phẩm chất và lực lượng sáng tạo. Đồng thời xây dựng ý định, ước mơ làm tác phẩm lớn. Người ta nói, nhắm bắn đỉnh núi, nếu trật, có thể trúng đỉnh cây.
– Tân hình thức Việt, một tai nạn.
Khi nói về khả năng sáng tạo trong giai đoạn văn học nhập cư, không thể không nhắc đến sáng kiến Tân Hình Thức Việt.
Khi tôi phân lý về Tân Hình Thức Việt, tôi nói về Tân Hình Thức, tôi không nói về nhà thơ Khế Iêm. Một người mà tôi ngưỡng mộ sự bền bỉ và lòng yêu thơ. Có lẽ, rồi ông sẽ bỏ hết cuộc đời người, đi phân phối pizza để có tiền và thời giờ làm thơ và thực hiện Tân Hình Thức. Chẳng phải đáng cho tôi nghiêm chỉnh cúi đầu chào hay sao? Thêm nữa, tôi phải chào luôn cả chị Khế Iêm vì tôi không tin anh có thể bỏ hết hành trang để gánh vác thơ nếu không có sự hỗ trợ của chị.
Tại sao tôi nói Tân Hình Thức Việt là tai nạn?
Nó đến từ sáng trí. Nẩy ra sáng kiến. Trải nghiệm sáng tác. Dẫn đến sáng lập. Quá trình đó “lầm” ở sáng kiến. Quá tự tin thiếu kiểm chứng ở sáng tác. Vội vã lúc sáng lập, thiếu những dữ liệu để tuyên ngôn thành một môn phái. Cuối cùng, không đủ phẩm chất và lực lượng sáng tạo để vượt qua khó khăn, lập lại, xoay vòng, không lối thoát. Đó là một tai nạn, không ai muốn, chuyện một chiếc xe lưu vong, xe cũ muốn làm một chuyến tốc hành xuyên bang, xuyên đêm để tìm thấy một thứ gì mới lạ.
Chủ nghĩa Tân Hình Thức (New Formalism) xuất hiện tại Mỹ vào thập niên 1980-1990 (2), chống lại sự phát triển mạnh mẽ của thơ tự do và thơ văn xuôi. Những nhà thơ Tân Hình Thức kêu gọi thi ca trở về với thơ truyền thống, thơ nhịp điệu, vần điệu và sự đối xứng của khổ thơ. Tuy chữ “Tân, New” nghĩa là “mới” nhưng nghĩa được hiểu là “về nguồn”. Chủ nghĩa Tân Hình Thức là phong trào trở về với hình thức thơ truyền thống trước khi có thơ tự do.
Nhạy cảm với ý nghĩa “Tân”, lầm lẫn cho rằng “Tân Hình Thức” một loại thơ mới thể hiện qua hình thức với kỹ thuật vắt hàng. Nhà thơ ta không chịu tìm hiểu sâu về cương lĩnh của chủ nghĩa Tân Hình Thức, tự thân dựa trên nghĩa đen của tân hình thức, phát kiến một loại thơ Việt dựa trên thơ Tân Hình Thức Mỹ. Tân Hình Thức Việt kêu gọi thơ đổi mới.
Sáng trí dẫn đến sáng kiến một thể thơ Việt mới, không có lý thuyết làm căn cơ; không có cương lĩnh làm nền tảng; không có qui tắc, kỹ thuật riêng của thể thơ mới, mà chỉ sử dụng kỹ thuật vắt hàng, xuống hàng, ngắt hàng của thể thơ Mỹ đã có từ lâu; sáng tác thơ Tân Hình Thức Việt xuất hiện lỏng lẻo, không có phương hướng rõ rệt. Từ đó, những kỹ thuật tự biên tự diễn tiếp theo như đếm số chữ rồi vắt hàng, làm nghệ thuật thơ trở thành ngớ ngẩn.
Vội vã sáng lập phái thơ Tân Hình Thức Việt khiến cho sự lầm lẫn càng thêm đóng dấu ký tên. Giá như, lấy một tên khác, đừng dùng “Tân hình thức” thì có lẽ dễ biện minh hơn.
Xét về tác phẩm và tác giả, cho đến giờ phút này, nhóm Tân Hình Thức Việt chưa thấy có nhà thơ nào đại diện, vượt trội, độc đáo. Chưa có tác phẩm nào được nhắc đến, lưu truyền trong giới yêu thơ. Không có một phái thơ nào có thể đứng vững nếu không có những tác phẩm giá trị thuyết phục nhà phê bình (trung thực) và người đọc (trình độ). Không có một phái thơ nào có thể tồn tại lâu dài nếu không có những tác giả tài năng độc đáo tiếp nối nhau bảo vệ môn phái.
Điểm nhấn: Một bài thơ giá trị không chỉ phô diễn nơi hình thức. Tất cả bề mặt sẽ là số không nếu bên trong không sâu sắc, không thâm trầm, không có gì thú vị để nói.
Riêng về thơ: mỗi bài thơ thành hình là một khối, hình thức và nội dung là một ký hiệu, không thể tách rời, mang ý nghĩa biểu đạt bài thơ (cái biểu hiện) và ý nghĩa được hiểu về bài thơ (cái được biểu hiện). Và có những bài thơ cao kỳ, sâu sắc, cái được biểu hiện biểu đạt trong nhiều lớp ẩn. Tân hình thức Mỹ đã sai, Tân hình thức Việt sai theo, vì xem trọng hình thức.
Lấy một ví dụ dễ trải nghiệm: Dịch một bài thơ hay, nổi tiếng, ra tiếng Việt. Thông thường, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa, có thể nhìn thấy thi cảnh, thậm chí, nếu tài năng người dịch cao kỳ, chúng ta có thể bắt được tâm trạng và không khí của bài thơ, nhưng thường xuyên, chúng ta không cảm nhận hay lắm. Có điều gì đó chưa đạt. Phải không? Nhà văn Võ Phiến cho rằng, bài thơ hay như con cá bơi lội lộng lẫy sinh động, khi dịch xong, chỉ còn bộ xương. Đó là tại sao xem trọng hình thức là sai lầm. Đố bạn đọc, vì sao dọc theo lịch sử thi ca thế giới chưa có chủ nghĩa thơ Tân Nội Dung?
Những sai lầm từ học thuyết cho đến thực hành, nghệ thuật và kỹ thuật của thơ Tân Hình Thức Việt được một số nhà phê bình, nhà văn, không đủ thời giờ kiểm chứng, đã ủng hộ nồng nhiệt, khiến Tân Hình Thức Việt trở thành một ý thức thi ca mới trong lịch sử thi ca nhập cư, mặc dù thực tế thì ngược lại.
Tôi cũng mong muốn, từ phong trào này, bỗng xuất hiện vài nhà thơ độc đáo, duy nhất, với những tác phẩm giá trị để chúng ta cùng tự hào trong những lần tới xét lại văn học Việt nhập cư, có thể tuyên bố rằng, tuy lầm lẫn nhưng thành tựu biện minh cho việc làm.
3- Sự thiếu sót hiểu biết về văn học thế giới.
Sự lầm lẫn của thơ Tân Hình Thức Việt cho chúng ta hiểu một điều, người sáng tác tử tế nên có kiến thức và hiểu biết về văn học thế giới, càng rộng càng tốt, càng sâu càng tốt hơn.
Nhờ tiếp nhận văn hóa văn chương Trung quốc mà chúng ta tạo ra nền văn chương Hán Việt và phong phú hóa nền văn chương tiếng Nôm.
Nhờ tiếp nhận văn hóa văn chương Pháp, Bồ Đào Nha, mà chúng ta tạo ra nền văn chương quốc ngữ với phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn, vân vân.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của đa văn hóa và đa ngôn ngữ với những phương tiện thông tin tân kỳ, chúng ta có thể tiếp nhận văn hóa, văn chương, văn học của bất kỳ dân tộc nào, quốc gia nào nếu chúng ta muốn.
Sau một thời gian tiếp nhận, chắc chắc chúng ta sẽ tạo ra những thứ gì cập nhật, ý nghĩa, giá trị để bổ sung vào kho tàng văn chương văn học quê nhà.
Tuy nói 50 năm dài nhưng đa số nhà văn nhà thơ nhà phê bình ta đều mất một thời gian khá lâu để lo sinh nhai và tiếp thu học vấn, nhất là ngôn ngữ. Không phải dễ. Để nói năng líu lo kiếm cơm mỗi ngày khác hẳn với việc đọc cuốn sách và hiểu được ít nhiều những gì tác giả muốn nói gì. Khó khăn đó nhiều người đã vượt qua, nhất là những ai có cơ hội đi học lại đại học Mỹ.
Tôi tin, những nhà văn nhà thơ ta có thể thỏa thuận rằng, hiểu biết văn học thế giới sẽ cho những tầm nhìn xa hơn, chân trời mới lạ, phong phú hóa đề tài, ý tưởng, xây dựng nhân vật độc đáo hoặc thú vị hơn, sáng tạo nhiều chi tiết khác thường, lôi cuốn người đọc. Đó là những yếu tố giúp cho tác phẩm hay và có giá trị.
Quan trọng hơn, hiểu biết văn học thế giới giúp cho nghệ thuật sáng tác biến hóa, sâu sắc; giúp cho kỹ thuật sáng tác hoàn chỉnh, phù hợp nhịp sống thời đại hôm nay và ngày mai; giúp cho cách xây cất cấu trúc, cách diễn đạt cốt truyện, nhân vật, đối thoại thu hút và ý nghĩa hơn.
Nếu lập luận rằng, dòng văn học Việt nhập cư đang suy thoái, nếu có sư đột xuất vài nhân vật tài hoa, thơ văn vượt trội, chinh phục người đọc, chinh phục nhà phê bình, chinh phục văn học, thì suy thoái có cơ hội trở mình. Câu hỏi là làm sao để có những nhân vật như vậy?
Tôi nghĩ, tiếp thu kiến thức lý thuyết văn học, lý thuyết sáng tác và trải nghiệm thực hành những điều hiểu biết vừa thu thập, sẽ tạo cơ hội cho sáng tác thoát ra ngõ cụt, phá vỡ những ngăn chận tâm lý sáng tạo. Từ đó, những nhân vật hy vọng có thể lấp ló trên đường chân trời.
Tiến trình này hơi khó khăn ở hải ngoại, vì những thế hệ sau, đa số sẽ gặp trở ngại về tiếng Việt. Tuy nhiên, không ai cấm thiên tài ngôn ngữ xuất hiện. Thế hệ lớn hơn thì gặp khó khăn bởi thành kiến đã khằn về văn chương, nghi ngờ cái mới lạ, an tâm với cái cũ đã thành danh, không muốn mạo hiểm. Thà lập lại hơn là tìm lầm.
Tiến trình thu thập văn học thế giới thực thi trong nước dễ có kết quả lớn hơn. Các thế hệ trẻ văn chương sẽ nồng nhiệt với cái mới lạ và thừa can đảm thí nghiệm. Tình trạng văn chương văn học suy thoái trong nước cũng cần dẫn thủy nhập điền.
Nhưng trước tiên, người viết ngoài và trong nước đều cần phải chữa bệnh lười đọc sách khó, lười động não và lười nghĩ về một tác phẩm lớn.
Được như vậy, văn chương tiếng Việt có hy vọng sánh vai văn chương thế giới, chẳng phải là điều mà chúng ta, người dân Việt nhập cư, người dân Việt trong nước, mong muốn hay sao?
Ghi chú:
(1) Nói chuyện với nhà văn Nhật Tiến về Tuyển tập văn chương hải ngoại.
(2) New Formalism hoặc Neo-formalism:
Chủ nghĩa Tân hình thức, phát triển vào cuối thế kỷ XX trong thơ ca Mỹ, nhằm thu hút sự chú ý mới vào các hình thức thơ truyền thống về mặt nhịp điệu, vần điệu và tính đối xứng của khổ thơ.
Mệt mỏi vì thơ tự do áp đảo từ thời chiến tranh lạnh và vì quan niệm các mô hình nhịp điệu bằng cách nào đó trái ngược với chân lý hữu cơ, các nhà thơ Tân hình thức và những người ủng hộ họ đã tập hợp lại đằng sau các truyền thống, thẩm mỹ và thực hành, họ tin rằng đã bị nhiều người đương thời từ bỏ.
Những nhà thơ nổi tiếng nhất của chủ nghĩa Tân hình thức bao gồm Charles Martin, Brad Leithauser, Timothy Steele, Molly Peacock, Phillis Levin, Marilyn Hacker, Mark Jarman và Dana Gioia, cùng nhiều người khác.
(Trích: Poet.org. A brief guide to New Formalism.)
Tài liệu tham khảo
Sắp theo thứ tự thời gian.
1989 (14 năm). Nguyễn Mộng Giác. Khả năng và triển vọng của văn học hải ngoại.
1994. (19 năm). Nguyễn Huệ Chi. Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại. Tạp chí Văn Học (Hà Nội), số tháng 2-1994. Đăng lại trên Da Màu:
1994. (19 năm). Thụy Khuê. Nói chuyện với nhà văn Nhật Tiến về Tuyển tập văn chương hải ngoại.
1994. (19 năm). Thụy Khuê phỏng vấn Đặng Tiến. Văn học hải ngoại.
1995. (20 năm). Nguyễn Vy Khanh. 20 năm văn học hải ngoại đầu thế kỷ 21.
1995. (20 năm). Viên Linh. 20 năm văn học.
1996. (21 năm). Nguyễn Mộng Giác. Nhìn lại một năm văn chương hải ngoại.
1998. (23 năm). Nguyễn Mộng Giác. Sống và viết tại hải ngoại.
1999. (24 năm). Nguyễn Mộng Giác. Góp ý về một cách nhìn. Bài này đăng trên Văn Học số 59&60, tháng 1&2/1999
2000. (25 năm). Thư Vũ. Văn học của người Việt ở hải ngoại, tình thế của văn chương di dân.
2000. (25 năm). Thụy Khuê. Văn học hải ngoại 1975-2000.
http://thuykhue.free.fr/tk99/tiepcan.html
2002. (27 năm). Nguyễn Quốc Trụ. 30 tháng 4 nhìn lại văn học hải ngoại.
2003 (28 năm). Trần Vũ. Hợp Lưu 12 năm, trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại.
2003. (28 năm). VNExpress. 26/03/2025. Các nhà phê bình bàn về văn học hải ngoại.
2004. (29 năm). Nguyễn Mộng Giác. Nghĩ về văn học hải ngoại. Tiểu luận. Văn Mới xuất bản, California. 2004.
2005. (30 năm). Heberle, Mark. Thirty Years After: New Essays on Vietnam War Literature, Film, and Art. Cambridge Scholars Publishing.
2005. (30 năm). Nguyễn Ngọc Bích. Khủng hoảng văn học và lối ra.
2005. (30 năm). Nguyễn Vy Khanh. Nhìn lại 30 năm văn học hải ngoại. Tạp chí Văn học, California) (225), 3-27.
2006. (31 năm). Lê Hồng Lâm. Văn học Việt Nam hải ngoại, cần một cách nhìn gần gũi hơn.
2008. (33 năm). Anatoly Sokolov. Văn học Việt Nam ở hải ngoại: những vấn đề của sự phát triển hiện nay. (tạp chí Jugo – Vostochnaja: Azija aktual’nye problemy razvitija/ deologija, istorija, kul’tura, polilika, ekonomika Vypusk XI (Ju. VA, 2007-2008). M. Institut Vostokovedenija RAN, 2008, tr, 233-254. Đông Nam Á, những vấn đề cấp thiết của sự phát triển/ ý thức hệ, lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế. Tập XI 2007-2008. M. Viện Đông phương học trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) 2008, tr 233-254.
2009. (34 năm). Phác thảo diện mạo nhữ nhà văn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tủ sách văn học xã hội, 2019
2010. (35 năm). Nguyễn Hưng Quốc. Văn học hải ngoại (3) (12/2010)
2011. (36 năm). Nguyễn Hạnh Nguyên. Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam.
2012. (37 năm). Đỗ Quí Toàn. Nguyễn Mộng Giác và văn học hải ngoại.
2012. (37 năm). Hoàng Ngọc Hiến. Đọc văn học hải ngoại.
Đọc văn học hải ngoại kỳ 2. (08/2001)
2012. (37 năm). Quan Thanh Hà. Vietnamese American Survival Literature and human rights discourse.
2013. (38 năm). Nguyễn Vy Khanh. Báo chí người Việt ở Canada.
2013. (38 năm). Tran Nu Anh. Thinking through Ecological Damage and Forced Displacement with Vietnamese American Literary Studies.
2014. (39 năm). Nguyễn Tà Cúc. Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc. Văn học miền nam, tờ Tự Do, nhóm Quan Điểm, và Văn học hải ngoại. Mạng lưới Da Màu, 25-05-2014.
2014. (39 năm). Nguyễn Văn Lục. Nhận diện một số nhà văn Việt đầu thế kỷ 21.
2015. (40 năm). Gallagher, Matt. Fourty Years After the Fall_Viêtnam War Lit in 2015. (04/2015)
2015. (40 năm). Nguyễn Mạnh Trinh. Những cái nhìn văn học Việt Nam hải ngoại từ trong nước.
2015. (40 năm). Nguyễn Văn Lục. Tình trạng lão hóa của văn học hải ngoại.
2015. (40 năm). Viên Linh. 40 năm văn học hải ngoại.
2017. (42 năm). Bùi Công Thuấn. Những nhà phê bình văn học hải ngoại.
2017. (42 năm). Bùi Công Thuấn. Phê bình văn chương, một góc nhìn khác.
2017. (42 năm). Bùi Công Thuấn. Phê bình văn học: Diện mạo của một thời.
2017. (42 năm). Calloway, Catherine. The Vietnam War in American Literature. (06/2017) Oxford Research Encyclopedia.
2017. (42 năm). Nhật Tiến. 40 năm hải ngoại. Một nén hương-một bông hồng cho những nhà văn nhà thơ đã khuất núi.
2018. (43 năm). Anh Nga. Văn học hải ngoại.
2018. (43 năm). Phạm Thu Hương. Văn học Việt Nam hải ngoại.
2018. (43 năm). Vũ Thành Sơn. Văn học miền nam nối dài văn học hải ngoại.
2019. (44 năm). Nguyễn Vy Khanh. 44 năm văn học hải ngoại.
2019. (44 năm). Trần Lê Hoa Tranh. Văn học di dân. Phác thảo diện mạo nữ nhà văn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhà xuất bản Phụ Nữ. 2019
2020. (45 năm). Đỗ Thị Phương Lan. Chấn thương di dời trong một số truyện ngắn Việt Nam hải ngoại sau 1975.
2021. (46 năm). Đặng Đình Khiết. Nhớ hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại.
2021. (46 năm). Phong Lê. Phê bình văn học trong mở đầu thế kỷ XXI – đôi nét phác thảo
2021. (46 năm). Thư Vũ. Văn học của người Việt ở hải ngoại: Tình thế của văn chương di dân.
2022. (47 năm). Nguyệt Hà. Văn học người Việt hải ngoại.
2023. (48 năm). Marinet. Asian and Pacific American Heritage Month: Fiction by Vietnamese American Authors – MCFL
2023. (48 năm). Nguyễn Phan Quế Mai. “Giải mã” sự thành công của các nhà văn Mỹ gốc Việt.
2023. (48 năm). Quoc Hieu Le. Education through Comprehensive and Dominant Cultural Policies: Reader-People of 1945-1975 Vietnamese Socialist Realist Literature. International Journal of Humanities Education 21(2):29-57
DOI:10.18848/2327-0063/CGP/v21i02/29-57
2024. (49 năm). Huỳnh Kim Quang. Những đóng góp của người Mỹ gốc Việt.
2024. (49 năm). Nguyễn Hồng Anh, Phan Thu Vân. Diasporic Vietnamese Literature in the U.S. From the Perspective of Identity, and the Case of Viet Thanh Nguyen.
2024. (49 năm). Nguyễn Tà Cúc. Nhà thơ Viên Linh: Khởi hành từ Thủy Mộ Quang. (5) kỳ.
2025. (50 năm). Black, George. The Vietnam War, 50 Years On: A Reading List.
2025. (50 năm). Janette, Michele. Văn chương Mỹ gốc Việt. Oxford Literature. Tạo chí Đọc và Viết số mùa xuân 2025.
2025. (50 năm). Vũ Tiến Lập. Phỏng vấn Ngu Yên 50 năm văn học. Bài trên mạng Gio-o.
Tổng quát:
Bibliovault. 14 books about Vietnamese Americans.
(còn nữa)