Hồ Phương Trinh: Có phải châu thổ Cửu Long bây giờ mới nhiễm mặn?
Miền Tây có hai mặt giáp biển, phía Đông và Tây. Phía Đông, từ trên xuống có Gò Công (Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Phía Tây từ dưới lên có Cà Mau, Kiên Giang. Cả thảy là bảy tỉnh giáp biển.
Giáp biển thì phải bị nhiễm mặn, từ xưa đã như vậy rồi chứ không phải chuyện “mặn xâm nhập” mới xảy ra do biến đổi khí hậu hay nước biển dâng. Nước biển dâng mỗi năm có 4,3 milimet, là chưa tới 1/3 lóng tay út, tới năm 2100 nước biển mới ngập một phần ba đồng bằng này. Triều cường hay con nước rong thì đã có từ hồi vũ trụ có mặt trăng.
Mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 cũng là mùa nước đổ của sông Cửu Long, lưu lượng sông mạnh nên thủy triều không ngược vào sông được, thì nước sông không nhiễm mặn. Mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nước sông chảy yếu hơn nên nước biển theo thủy triều ngược vào sông một đoạn, đây là mùa mà các tỉnh ven biển bị nhiễm mặn. Tùy lưu lượng nước sông mùa kiệt, năm nào mà nước sông chảy yếu thì nhiễm mặn nhiều, chảy mạnh thì nhiễm mặn ít.
Nhiễm mặn tức là nước sông lợ chứ không phải mặn như nước biển, và mặn/ lợ chỉ vài tháng mùa kiệt thì ngọt lại và đất đai vẫn canh tác được như thường, và mùa vụ cứ tuần hoàn như vậy. Các vùng nhiễm mặn dân đã định cư từ hồi mấy thế kỷ trước, sống ấm no và giàu có, đến nay vẫn còn những đình cổ, chùa cổ và nhà cổ của nhà giàu xưa. Nếu khó sống, không có nước ngọt uống thì làm sao mà giàu? Và nhà giàu có cất nhà kiên cố to đẹp ở nơi điều kiện sống khó khăn thiếu thốn? Ở Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… đều có nhà cổ bề thế.
Thời nay làm thủy lợi quá trời quá đất, ngọt hóa khắp nơi mà vùng đồng bằng có khá hơn không? nông dân nghèo ngày càng nghèo hơn, mùa mặn lại thiếu nước uống, vậy thủy lợi có lợi gì? Nông dân mà không nghèo là do làm thêm nghề khác, hoặc con em đi xứ khác làm công nhân gởi tiền về.
Sài Gòn bị mặn xâm nhập sâu hơn ở đồng bằng. Nhà Bè mùa kiệt nước mặn lè chứ không lợ, nhưng dân Sài Gòn đâu có thiếu nước uống. Vậy là nhờ hệ thống cấp nước. Sài Gòn không trồng lúa không lo mùa màng, nhưng Cần Giuộc, Cần Đước Long An mùa nắng cũng mặn mà sao không nghe ai than thiếu nước ngọt hay là mùa màng thất bát? Chắc là do không bị “ngọt hóa” nên nông dân ở đó sống yên bình, đủ nước uống.
Muốn vắt kiệt đất, nước bằng ngọt hóa, bằng lúa ba vụ, bằng thâm canh bất chấp điều kiện tự nhiên thì phải trả giá, mà đau là dân trả giá chứ người bày đầu thì lại vô can!
Hồ Phương Trinh
————-
Bài liên quan:
*Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá!
Bài 1, bài 2:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha
* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 3:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt/
* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 4:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt-2/
* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 5, bài 6:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt-3/
*Hồ Phương Trinh: Nước cho châu thổ Cửu Long