Hồ Phương Trinh: Nước cho châu thổ Cửu Long

Người dân vùng hạn mặn xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chờ đợi nhận nước sạch – Ảnh: NVCC

Mùa hạn vừa qua vùng Gò Công thiếu nước uống, phải nhận nước cứu trợ từ Sài Gòn và các tỉnh khác không bị nước mặn. Sẵn dịp cứu trợ thì các nhà hảo tâm đem nước luôn cho mấy vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh. 

Quê tôi ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ai có lui tới xứ Bến Tre chắc có biết câu: “Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc”, là hai địa phương sản xuất ra hai thứ bánh ngon nổi tiếng. Quê tôi chính là xứ Sơn Đốc đó.

Nơi đây cách biển chừng 20 cây số. Mỗi năm có một mùa nước lợ, từ sau Tết cho đến tháng tư, khi mưa xuống. Từ mới bây giờ gọi là “hạn mặn”. Hồi xưa cũng có năm mặn nhiều, có năm mặn ít, vậy mùa “hạn mặn” thì chuyện nước nôi ra sao?

Như đã nói trong những bài trước, đây là miệt vườn, chuyên trồng dừa. Vườn dừa với liếp và mương vườn thông ra sông rạch. Dừa chịu được nước lợ nên không lo dừa chết, năm nào nước quá mặn thì trái dừa bị “đẻng”, teo tóp và rụng, nhưng cây dừa vẫn không chết, qua mùa mưa là nó hồi sức lại.

Nước uống thì nhà nào cũng có lu, mái chưa nước mưa. Mùa mưa thì bỏ vài trận mưa đầu mùa, sau đó hứng nước từ mái nhà chứa vào lu, mái, kiệu hoặc hồ xây bằng xi măng. Mỗi nhà tự biết gia đình mình ăn, xài hết bao nhiêu nước để mà dự trữ cho đủ. Có những nhà giàu chứa nước mưa rất nhiều xài không hết thì họ cũng chia sớt nước cho hàng xóm chứ cũng không hẹp hòi gì.

Nếu nhà nào có trồng rau, trồng kiểng hay trồng cây gì mà không chịu nước mặn (lợ) thì trước mùa hạn họ sẽ đắp bít một cái mương vườn không cho thông ra sông rạch để lấy nước đó tưới cây. Nhà nào chứa ít nước mưa chỉ đủ ăn uống thì xài nước mương này lóng phèn để giặt rửa. Đến mùa mưa nước hết lợ thì khai mương này ra cho nước thông trở lại.

Xứ Gò Công không phải miệt vườn nhưng có nhiều GIỒNG. Xem truyện của cụ Hồ Biểu Chánh thì thấy nhiều tên Giồng: Giồng Sơn Qui, Giồng Ông Huê, Giồng Tre v.v… Đất giồng là đất cao, đào giếng có nước rất tốt. Các cù lao ở ngay cửa sông mà đào giếng trên giồng cũng có nước ngọt quanh năm. Chỗ nào không có giếng thì trữ nước mưa như đã nói ở trên.

Trữ nước mưa (hay nước ngọt) không phải là chuyện khó, không phải giàu mới trữ được, vậy sao bây giờ người ta không trữ nước mưa, nước ngọt để xài mà để lâm vào cảnh không có nước uống phải nhận cứu trợ? Là vì hiện nay ở đâu cũng có NƯỚC MÁY. Quê tôi Sơn Đốc cũng có nước máy. Nước máy từ vòi chảy ra, mà nước lấy từ đâu, lọc thế nào thì người xài đâu có biết. Xài nước máy thì đâu có trữ nước làm gì, thế là dẹp bớt lu, mái, kiệu… cho trống chỗ.

Rồi đùng cái tới mùa “hạn mặn”, nước máy cũng mặn luôn. Quê tôi trong vùng “ngọt hóa Ba Lai”, Gò Công trong vùng “ngọt hóa Gò Công” mà nước máy cũng mặn, dân chúng kêu trời thì đã muộn rồi, nước mưa không có, biết tính sao giờ? dân thì nhận nước cứu trợ, chính quyền thì công bố “thiên tai”

Chị tôi ở Sơn Đốc, nhà chị khá giả mà cũng không có trữ nước. Trong mùa hạn năm nay chị đổi nước từ Tân Thanh, cách Sơn Đốc 3km. Tân Thanh là đất giồng nên có lẽ nước đổi là nước giếng. Người ta chở nước đến nhà đổi 130 ngàn/ mét khối. Nước máy vẫn dùng để rửa ráy nhưng tráng lại bằng nước ngọt cho khỏi rít. Nước tưới cây kiểng thì dùng nước mương vườn bít đập lại. Trong mùa hạn này chị thấy nhiều đoàn cứu trợ đem nước tới ngã ba Sơn Đốc tặng nhưng chị chưa nhận nước đó lần nào vì nhà có đủ nước xài.

Giờ đã hết mùa mặn, rồi thì nước sông sẽ ngọt lại, nước máy sẽ ngọt lại. Vấn đề ở đây là các chỗ cung cấp nước máy, phải có kế hoạch duy trì nước ngọt cấp cho dân, hoặc tuyên bố là không làm được để dân tự lo. Biết rằng chính quyền sẽ nói do “hạn mặn khốc liệt”, do “thời tiết cực đoan” nên nhà máy nước mới bị mặn. Vậy thì để dân tự lo như hồi xưa. Tôi tin là dân vùng nước lợ sẽ lo được như hồi xưa, vì đâu có gì là khó.

Hồ Phương Trinh