Ocean Vuong: Rimbaud (nhà thơ Pháp) cho phép tôi trở thành nhà thơ! 

Vương tại Festival Văn học Mỹ gốc Á 2019

(Ocean Vuong tâm sự với bạn đọc Pháp)

CUỘC GẶP GỠ QUYẾT ĐỊNH VỚI RIM BAUD

“Khi tôi bắt đầu làm thơ, những bài thơ đương đại tôi đọc trên tạp chí chủ yếu nói về những gì các nhà thơ nhìn thấy qua cửa sổ. Không có gì sai khi viết về nó, nhưng tôi có quá nhiều sự tức giận trong lòng đến nỗi tôi tự hỏi rốt cuộc mình đã đến thế giới nào đây…” Ocean Vương nhớ lại khi còn ở nhà ở Hartford. Trước đó, chắc hẳn anh đã có một cuộc gặp gỡ quyết định với thơ ca, tức là với Arthur Rimbaud. Sau những năm học gian khổ, anh bị thuyết phục thử học đại học buổi tối. “Tôi học trong một lớp học có những bà mẹ nội trợ và những người già muốn lấy bằng tú tài. Ở đó, lần đầu tiên các giáo viên cho phép chúng tôi phóng chiếu bản thân, đọc Foucault ngay cả khi chúng tôi không hiểu gì hết. Điều đó mang tính quyết định đối với tôi.”

Giống như cuộc gặp gỡ của anh ấy với Rimbaud. “Sau giờ học buổi tối, những người bạn chơi nhạc punk đưa tôi về nhà bằng ô tô. Tôi thường thấy mình ở trong gara chờ họ kết thúc buổi diễn tập. Và đó là nơi tôi bắt gặp một văn bản được viết bằng thơ. Tôi tưởng đó là lời của một bài hát. Tôi hỏi bạn bè người viết bài đó thuộc nhóm nào… Họ nói với tôi rằng ông ấy là một nhà thơ đã chết cách đây hơn một trăm năm. Đó là Le Bateau ivre (Con tàu say) của Arthur Rimbaud. Tôi đã ngây ngất! Sau này tôi mới biết rằng anh ấy chỉ mới 17 tuổi khi viết bài thơ này, chưa bao giờ nhìn thấy biển. Phép thuật phù thủy này là gì, tôi tự hỏi mình? Nó hoàn toàn kỳ diệu! Sau đó, khi tôi phát hiện ra rằng anh ấy là một chàng đồng tính, được đánh dấu bởi các cuộc đấu tranh xã hội và chính trị của thời đại anh ấy, cuộc chiến tranh năm 1870, Công xã, rằng anh ấy cũng là một người tỉnh lẻ, một người ngoài cuộc, tôi tự nhủ: Nếu ở tuổi 17 cậu bé có thể làm được, biết đâu mình có cơ hội…”

ẢNH HƯỞNG VĂN HỌC PHÁP

Các nhà thơ và nhà văn Pháp và châu Âu sẽ là nơi ươm mầm đầu tiên cho các bài đọc của anh. “Các tác giả tiếng Pháp quan trọng với tôi, đặc biệt là Aimé Césaire, Edouard Glissant, đều xuất thân từ các cuộc nổi dậy chống thực dân. Họ dạy tôi nhìn Lịch sử bằng con mắt khác. Nhờ họ, tôi hiểu rằng lịch sử dạy ở trường học ở Mỹ là một hình thức tuyên truyền. Rằng không có lịch sử chính thức nào là hoàn chỉnh, rằng nó thường bị lược bỏ và do đó tôi luôn có thể thêm các yếu tố vào đó”.

ẢNH HƯỞNG VĂN HỌC NHẬT BẢN

Một điều làm anh ngạc nhiên về sự thành công của A Brief Moment of Splendor, đó là việc cuốn tiểu thuyết không tuân theo những nguyên tắc tự sự thông thường. Đi ngược lại những cốt truyện mà nhân vật chính chuyển hoá để đi đến một giải pháp, đi ngược lại những gì được dạy trong các khóa viết sáng tạo ở Mỹ, tiểu thuyết của Ocean Vương tiến triển theo một cách khác: “Tôi lấy cảm hứng từ kỹ thuật kishotenketsu của Nhật Bản, bắt nguồn từ thơ Trung Hoa. Ketsu nghĩa là: không thể giải quyết được. Trong các khoá tập viết ở Mỹ, cốt truyện có một sức mạnh độc tài. Mọi nhân vật, mọi tình huống đều phải phục vụ cho cốt truyện. Các nhân vật được yêu cầu phải tiến bộ, bằng cách này hay cách khác. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng sinh không thể thay đổi hay tiến bộ? Liệu chúng có còn giá trị không? Cuộc sống có đáng sống không nếu chúng ta không thể biến đổi bản thân, nếu chúng ta không trải nghiệm được sự hiển linh? Hầu hết chúng ta không trải qua những khoảnh khắc này, chúng ta sống một cách phẳng lặng. Nếu chúng ta tiến bộ, đó là bằng cách đào sâu. Có thể có sự tăng trưởng mà không cần chuyển hóa, không cần giải quyết. Dù thế nào đi nữa, đó là điều tôi mong đợi ở cuộc sống.”

Bản dịch của Hoàng Hưng

*Ocean Vuong: «Rimbaud m’a autorisé à devenir poète», Lisbeth Koutchoumoff Arman, Le Temps.