Inrasara: Về đâu-thổ cẩm Cham?

Dệt Cham ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.  Ảnh: Kiều Maily.

Làng Yên Sở ở Bắc – làng Cham, thế kỉ XII là làng giàu có, hiện thế nào? Baan Krua ở trung tâm Bangkok là khu phố Cham. Tơ lụa Thái Lan nổi tiếng thế giới, có nguồn gốc Cham, để rồi hôm nay có mỗi ông già Chàm làm việc ở Cty Dệt do người Mỹ Jim Thomson đó, là sao? Còn ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình – Bình Thuận, hai làng Phú Hiệp và Châu Phong thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, truyền thống thổ cẩm có giúp được gì cho đời sống bà con? Tại sao mỗi Chakleng là nổi tiếng?  

Năm 2012, tôi có tiểu luận: “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh”. 

Chính đặc tính này đặt nền móng cho Chakleng. Ngoài ra, Chakleng còn thêm món CHƠK.

Đợt hỗ trợ các bà mẹ trẻ Covid-19 vừa qua, so với các palei khác, dân làng Chakleng đang kẹt ở các tỉnh miền trong xin ít nhất; bao lần nhận quà thiện nguyện, Chakleng rất nề nếp, đâu là nguyên do? Trả lời: Chakleng ‘chơk’!

Làng dệt Chakleng.

Tại sao Chakleng tự hào, hay ‘chơk’?

Đồng dao hát về các palei Cham Ninh Thuận, câu cuối cùng: ‘… Abih pak Chakleng’: Dồn hết ở Chakleng. Mang nghĩa đây là palei gồm thâu mọi đặc thù palei Cham trong khu vực.

Chakleng ở vào địa thế tốt nhất theo quan niệm Cham: ‘Cơk mưrong, krong birak’, Núi hướng nam, sông hướng bắc. Về lịch sử: Ong Paxa Muk Cakling là ông bà nuôi Pô Klong Girai vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa. Thêm thổ cẩm gọi là làng nghề đẹp nữa, không ‘chơk’, không tự hào mới lạ!

Mào đầu như thế, để đặt vấn đề cho thổ cẩm Chakleng hôm nay, và ngày mai.

1. Thổ cẩm Chakleng sống sót như thế nào?

Các palei Cham đều có dệt, hầu hết người nữCham biết dệt, làng Bình Minh ở Phan Rí, Cham Châu Đốc, và các palei khác, tuy nhiên bà con ở đó chỉ dệt khăn, chăn dằn… Riêng Chakleng được Muk Thruh Palei Bà Tổ Quê hương dạy làm tất!

Hôm nay tôi muốn kể câu chuyện Thổ cẩm Chakleng sống sót như thế nào hầu các bạn.

Trước 1975: Thổ cẩm được người Chakleng mang bán cho bà con trên Tây Nguyên [‘nao Cru’], sau đó vào sở Mỹ bán, cả mang qua tiêu thụ ở các palei Cham trong khu vực. Nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tháp nắng-1996:

Ai đang đi kia

Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng

Chàm mình ghèo mà Thượng có giàu đâu

Nhưng đã đi thì phải quến nhau

Có kịp không – với vòng xoay công nợ?

Sau năm 1975: Thổ cẩm Chakleng đình trệ do thiếu nguyên liệu, còn mỗi dì Phú Thị Mở hoạt động cầm chừng, quan lớn các nơi “tìm đến” mua.

Năm 1988: Hợp tác xã Mỹ Nghiệp được đặt hàng lớn, do không cầm màu, hàng bị trả lại. Riêng anh Quảng Phố “đi tìm” mối hàng ở Sài Gòn, trúng lớn. Chú ý hai chữ “tìm đến” và “đi tìm”. “Đi tìm” là công lớn của anh Quảng Phố.

Năm 1990, cô Thuận Thị Trụ làm khác thói quen Chakleng, mang thổ cẩm xuống miền Tây bán, thất bại. Tôi rút ra bài học: Thổ cẩm là hàng mỹ nghệ, chỉ bán cho người giàu và rất giàu, mới giàu.

Làm sao để sống sót? – Cải cách, không thể khác. Đây là 8 cải cách lớn của Chakleng:

[1] Năm 1992. Cơ sở Dệt Inrahani ra đời được Nhà nước cho vay hỗ trợ 40tr. Sợi màu công nghiệp tràn vào Việt Nam, tạo bước ngoặt lớn cho Thổ cẩm.

[2] Năm 1993. Nếu chỉ bán hàng thô, thổ cẩm vẫn cứ giẫm chân tại chỗ. Thế là Hani dùng hàng thô chế biến thành nhiều chủng loại hàng khác nhau, là bước ngoặt thứ hai.

[3] Hàng thổ cẩm Inrahani xuất hiện ở Thương xá TAX và các đại lí ở các thành phố lớn, mở đầu cho thổ cẩm Cham lan rộng thị trường.

[4] 1994. Cơ sở Dệt Inrahani chuyển hoa văn khung Jih Dalah sang khung Aban khan. Ở đây ta cần đánh giá cao vai trò của bộ ba: cô Trụ, anh Phúc và dì Thạng.

[5] Năm 1995. Từ khung dệt cũ, anh Bá Đại Truyền cải cách khung dệt tăng năng suất gấp 7 lần khung truyền thống. Đây là một ý nghĩ đầy sáng tạo, dù thất bại nhưng rất đáng ghi nhận.

Sau đó, vào năm 1998: Inrahani tiếp nhận máy dệt Hà Tây và “sáng tạo” thành máy dệt bán công nghiệp hiện đang hoạt động mạnh ở Chakleng.

[6] Năm 2000: Công ty Thổ cẩm Inrahani được thành lập, quảng bá thổ cẩm Cham ra nước ngoài, qua 12 nước.

Bà Inrahani ở Nhật năm 2000

 [7] Năm 2010: Làng nghề Thổ cẩm Chakleng ra đời tạo bước ngoặt khác.

 [8] Nhóm Tuyên Isvan Campa & Jaka Năng Tuệ Phú làm dự án Thổ cẩm, sưu tầm hoa văn cổ và truyền nghề.

 2. Đâu là hoa văn tiêu biểu nhất của thổ cẩm Cham?

Hoa văn thổ cẩm Cham vô cùng phong phú, câu hỏi, đâu là hoa văn quý nhất, theo quan niệm Cham? Lâu nay ta hay nghĩ hoa văn ‘Inư Girai’ con rồng. Nhưng rồng có là vật linh của Cham không? Không, nó biểu trưng cho sự xấu ác [tôi mở băng ‘Agal Balih’ Kinh tẩy trần cho bà con nghe].

Chính ‘Tuk kamang’ là quý nhất, nghệ nhân phải làm lễ mời Acar đến cúng dê, mới lên chức để có thể dệt tấm chăn có hoa văn này.

Hoa văn ‘Tuk kamang’

Hoa văn Jih Dalah ở đâu? Ở bảo tàng Pháp, các hoa văn “thất truyền”, các hoa văn đang được phổ biến, và cá hoa văn đang lưu lạc ở Thái Lan, qua đó ta sáng tạo hoa văn mới, như Inrahani từng làm.

Cuối cùng, đâu là thao tác khó nhất để đánh giá nghệ nhân? Tác phẩm gia huấn ca của Bà Tổ Quê hương Muk Thruh Palei viết:

Mơi thau hakak thau dôn’: Em biết đong, biết lượm.

Dôn boh bingu’: Lượm hoa văn, là thao tác khó nhất, sáng tạo nhất mà máy dệt khó làm được. Chính thao tác này làm cho mỗi sản phẩm thành tác phẩm nghệ thuật. Nghệ nhân hơn nhau ở chỗ này.

3. Lời tạ ơn

Xin trích lời khai mạc của Chủ nhiệm HTX Làng Nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp Phú Văn Ngòi:

“Thôn Mỹ Nghiệp là một trong ba làng nghề của người Cham tỉnh Ninh Thuận. Trong khi gốm Bàu Trúc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thuốc nam Phước Nhơn vẫn còn dừng lại ở lối làm ăn xưa, thì thổ cẩm Mỹ Nghiệp đứng ở khoảng giữa. Tại sao lại như thế?

Trước và sau đất nước thống nhất, thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn được sản xuất theo truyền thống, tiêu thụ theo lối cũ. Sản phẩm làm ra ngoài việc dùng trong phong tục tập quán, còn lại bà con gùi lên bán cho đồng bào Tây Nguyên.

Đến thập niên 1990 mới có những thay đổi. Người làng Mỹ Nghiệp đã lập các cơ sở, có công ty dệt may làm ra các sản phẩm mới để bán ra thị trường.

Nhìn thấy cơ hội cho ngành nghề truyền thống của dân tộc, năm 2010, Nhà nước xây dựng Làng Nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp với khoản đầu tư lớn. Từ đó ngành nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cao, đời sống bà con ổn định….

…Rồi Hội đồng Anh mang dự án đến, như mang tới niềm vui khác…”

4. Thổ cẩm Chakleng về đâu, ngày mai?

Hàng thổ cẩm Chakleng 

50 đại biểu các làng đến dự Hội thảo bịn rịn nói lời chia tay, câu hỏi ở lại…

Làng lụa Hà Đông coi như đã tiêu, thổ cẩm Chakleng vẫn sống. Bởi, Chakleng không bán hàng dối, hàng lừa. Đã truyền thống, đã cải ách, Chakleng cần gì thêm?

Thứ nhất, khung bán công nghiệp ta đang sử dụng hôm nay, không phải khung truyền thống Cham? Thế khung dệt cũng Cham Châu Đốc, hay hậu duệ Yên Sở từ đâu mà ra?

Thứ hai, gốm Bàu Trúc đã được UNESCO công nhận di sản, Thổ cẩm Chakleng bao giờ? Ta đang thiếu gì, trong khi hàng hóa Chakleng đa dang và phong phú hơn, nhiều người dân Chakleng giàu lên từ thổ cẩm?

Tôi yêu quý Chakleng không phải bởi đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên ‘dar thook padook kiak’, không phải Chakleng luôn mở đầu về cải cách cho các palei khác đi theo – yêu và quý, chính ở phẩm chất con người Chakleng: Ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh.

Inrasara.

*Bài nói chuyện tại Hội thảo về Thổ cẩm – từ Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh, 16-7-2023 tại Làng Nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận.

*Tất cả ảnh còn lại trong bài là của Jaya.