Nguyễn Hoàng Văn: Tái “Khai Sáng” tiếng Việt?
Sự hỗn loạn nào cũng thúc đẩy nhu cầu kỷ cương và, đó đây, giữa muôn lời báo động về tình trạng “lệch chuẩn”, lại thấy những nỗ lực vận động nhằm “bảo vệ tiếng Việt” bằng một hình thức trói buộc pháp lý [1]. Tiếng Việt của chúng ta, như một sinh ngữ, đang lâm vào tình trạng vô pháp và, phải chăng, nói theo David Malouf, một trong tên tuổi lẫy lừng nhất của nền văn học đương đại Úc, đang rơi dần vào tình trạng của tiếng Anh thời kỳ tiền Khai Sáng, thứ tiếng Anh đã góp phần dẫn đến những rối loạn xã hội tại Anh vào giữa thế kỷ 17 và, sau đó, là cuộc nội chiến tại Mỹ?
Malouf, trong tiểu luận “Made in England: Australia’s British Inheritance”, biện giải rằng khác với Mỹ, nước Úc đã không bị nội chiến một phần là do ngôn ngữ [2]. Theo Malouf thì ngôn ngữ là “lịch sử và kinh nghiệm” mà con người tạo ra trong những đường lối “ứng xử phức tạp với thế giới” nhưng chính nó, ngôn ngữ, lại là yếu tố “quyết định, giới hạn hay phân định những ngã rẽ của lịch sử.” Nước Mỹ hình thành trong thập niên đầu của thế kỷ 17 và ngôn ngữ của những di dân đầu tiên là thứ tiếng Anh tiền Shakespeare. Trong khi đó thì những trang sử đầu tiên của Úc phải chờ đến thế kỷ sau mới được mở ra và, do đó, đã thừa hưởng được một thứ tiếng Anh Khai Sáng với ảnh hưởng rõ rệt của nhà soạn kịch vĩ đại.
Malouf cho rằng Shakespeare đã “phát minh ra cách sử dụng ngôn ngữ”, đã thực sự làm thay đổi tiếng Anh và, qua đó, thay đổi cái nghĩ và cái cảm của người Anh. Tiếng Anh, kể từ Shakespeare, là ngôn ngữ của sự hòa hợp với cách nói ẩn dụ mà những người Úc đầu tiên mang đến vùng đất mới. Họ khác với những thế hệ người Mỹ đầu tiên, mang theo thứ tiếng Anh của The Diggers, những thành phần vô chính phủ vào giữa thế kỷ 17; của English Separatists, những thành phần ly khai tôn giáo; hay của Levellers, những thành phần xã hội chủ nghĩa nảy sinh trong cuộc nội chiến Anh 1642–1649.
Malouf viện dẫn nhân vật Kastril trong vở kịch The Alchemist của Ben Jonson, ra mắt năm 1610 theo đó, khi đến London, cái mà nhân vật này học được là cách cãi vã, là cách trao đổi từ những thành phần Digger, English Separatist và Leveller tương lai, thứ tiếng Anh chan chát sự va chạm pros vs cons. Nhưng khoảng 80 năm sau đó, ở những tác phẩm khác, trong những tình huống tương tự, điều những nhân vật tương tự phải học lại là phong cách phlegmatic mà chúng ta gọi là “phớt tỉnh Ăng Lê”. Lúc này những anh chàng tỉnh lẻ như thế phải è cổ ra học để làm người lịch lãm, để biết điều đình, biết thương lượng hay, nói cách khác, là biết nhượng bộ. Và đó, theo Malouf, là những gì diễn ra với tiếng nói của người Mỹ sau cuộc Nội chiến, cái tiến trình mà ông ta gọi “giải trừ quân bị cho ngôn ngữ”[3]. Thay vì chửi rủa, phỉ báng nhau, họ chuyển sang mỉa mai châm biếm và như thế sự đối chọi chan chát đã bị thay thế dần bởi tinh thần hài hước. Ngôn ngữ còn hòa dịu hơn với những dụng ý cú pháp nhằm loại bỏ sự đối chọi nảy lửa giữa pros vs cons và, do đó, sự truyền đạt đã trở nên ôn hòa hơn. Ngôn ngữ ôn hòa đã đem lại cho con người một tinh thần ôn hòa và, hẳn nhiên, một xã hội ôn hòa.
Còn tiếng Việt?
Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn (Chế Lan Viên) nhưng phải đợi đến Thơ Mới, đến Tự Lực Văn Đoàn của thập niên 1930 tiếng Việt mới có một thời kỳ đáng tên là Khai Sáng tuy nhiên, tiếc thay, tinh thần đó đã mờ dần theo những bể dâu đầy nước mắt và đầy cả máu.
Phong trào Khai Sáng, Enlightenment, ai cũng biết, đã chi phối tư tưởng châu Âu vào thế kỷ 17 và 18 với tinh thần duy lý mà. Đó là thành tựu của phong trào văn hóa Phục hưng khi Âu châu vượt qua thời kỳ dài áp chế bởi chủ nghĩa thần quyền để quay lại với những giá trị của văn hóa cổ đại Hy Lạp, nơi con người được xem là trung tâm, bản vị. Với tiếng Việt, cuộc “Khai Sáng” ấy cũng đã nâng con người vào vị trí trung tâm. Con người bắt đầu vượt qua trói buộc hà khắc của lễ giáo mà ngôn ngữ thì vượt qua những niêm luật chật hẹp của thứ văn chương gắn liền với Nho giáo. Con người, như Xuân Diệu, đã ngạo nghễ vươn lên như là con người Cá Nhân “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (“Hy Mã Lạp Sơn”) và, trong cách ẩn dụ, đã ngang hàng cùng đất trời, tạo vật, với “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, với “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” (“Vội Vàng”).
Tuy nhiên sự “Khai Sáng” mới vừa chớm mở ấy đã lụn tàn dần theo những vận động chính trị cực đoan, những nỗ lực phóng đại hay ngụy tạo sự đối chọi pros vs cons cực đoan. Trong sự đối chọi cực đoan này thì, cá nhân, như “là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, đã trở thành kẻ thù xấu xa nhất trong cái tên “Chủ nghĩa cá nhân”. Rồi đối chọi pros vs cons trong mâu thuẫn địch – ta một mất một còn v.v. đã đẩy ngôn ngữ vào tình trạng phân hóa, cực đoan hóa, rồi thoái hóa.
Ngôn ngữ hình thành và phát triển như một chọn lựa mang tính cộng đồng. Nhưng để có một sự phát triển lành mạnh, cộng đồng xã hội cần phải chọn lựa dưới sự dẫn dắt của những giá trị trung tâm và giá trị tinh hoa. Tuy nhiên, khi tính duy lý bị nhấn chìm bởi tinh thần duy ý chí thì những tinh hoa ngôn ngữ lại bị đè nén dưới tiêu chí “đại chúng” cho mục tiêu chính trị. Hậu quả là tình trạng “vô pháp” khi cái sai, cái ngoại lệ của thiểu số quyền lực cùng với cái bát nháo, cái nôm na thô kệch của đám đông đã hóa thành cái đúng, thành quy luật phổ quát và thành cả điển mực[4].
Trong tình trạng “vô pháp” đó, tiếng Việt đã bị sử dụng tùy tiện, tùy tiện đến mức ngớ ngẩn. Đáng nói hơn, sự ngớ ngẩn ấy lại được phổ biến tràn lan rồi được điển chế hóa, thậm chí với cả một trong những khái niệm thiêng liêng nhất là… dân tộc.
Khái niệm này đang bị dùng sai trong khẩu ngữ, trong báo chí, trong các mẫu đơn hành chánh, trong các phát ngôn chính thức và, thậm chí, ngay trong từ điển. Những ai từng hì hục viết tay mẫu đơn “Sơ yếu lý lịch” kê khai họạt động chính trị ông bà cha mẹ rồi mang ra cơ quan thẩm quyền chứng thực ắt phải nhớ cái câu hỏi ngay sau phần thông tin cá nhân: “Quốc tịch: … / Dân tộc: …” mà, trong trường hợp của tôi, phải viết như máy, không thể khác hơn: “Quốc tịch: Việt Nam / Dân tộc: Kinh”.
Câu hỏi thì dư thừa mà lời đáp, theo quy định chính thức, lại hoàn toàn sai. “Quốc tịch” gắn liền với “quốc gia”, mà “quốc gia” thì gắn liền với dân tộc, một câu hỏi và một lời đáp hoàn toàn không có chỗ đứng cho logic của trí tuệ thông thường. Theo cách dụng từ này thì “dân tộc Kinh” — cùng 53 “dân tộc” khác như Tày, Thái, Nùng, Pacoh, Katu, Hre, Sedang, Bahnar, Mnong, Stieng v.v — họp thành “dân tộc Việt Nam” và, xem ra, chúng ta có một phép cộng kỳ quái khi “54 dân tộc” họp lại chỉ để thành “một dân tộc”. Mà cách dụng từ này còn thiếu nhất quán về logic khi chỉ những sắc dân sống trên vùng núi như Tày, Thái, Banar mới được gọi là “đồng bào” hay “người dân tộc” trong khi thành viên của “dân tộc Kinh” lại là ngoại lệ. Thế là thế nào? Cũng là “dân tộc Kinh” nhưng tại sao người Kinh không được gọi là “đồng bào dân tộc”?
Vấn đề ở chỗ là, trong ngôn ngữ dân tộc học, những cộng đồng như thế không phải là “dân tộc” mà là “sắc tộc”, “nhóm sắc tộc” hay “tộc người”, tiếng Anh là “ethnic group” hay “ethnicity”. Những “sắc tộc” hay “tộc người” như Kinh, Tày, Mường v.v.. họp lại thành “dân tộc” Việt Nam và, nói cách khác, nhiều “sắc tộc” hay “tộc người” cùng chia sẻ một lãnh thổ, một thiết chế chính trị, xã hội, kinh tế, một ngôn ngữ chính sẽ tạo thành một quốc gia – dân tộc. Hai khái niệm tách bạch đã bị nhập nhằng mà, lạ lùng hơn, còn được chính Viện Ngôn ngữ học Việt Nam điển chế hóa.
Trong Từ Điển Tiếng Việt (bản phát hành 2004), “viện” này chú giải khái niệm dân tộc:
“1. Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách. Dân tộc Việt. Dân tộc Nga.
2. Tên gọi chung cho những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước.
3. Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc
4. Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam.”
Không thể chối cãi, khi điển chế hóa cách dùng sai này, Viện Ngôn ngữ học đã góp phần vào việc làm rối loạn tiếng Việt. Nhưng sự lộn sòng này của “dân tộc”, trên khía cạnh ngôn ngữ học, cũng không có gì khó hiểu nếu chúng ta nhìn lại sự rẻ rúng đối với “dân tộc” trên khía cạnh lịch sử, qua cách biện giải của một nhà hàn lâm là Hoàng Xuân Nhị, một người được ca tụng là “trí thức toàn đức, toàn tài”[5].
Hoàng Xuân Nhị đến Pháp du học năm 1936, theo đuổi ngành triết và văn chương, thông thạo nhiều ngoại ngữ, đã dịch Lưu Bình Dương Lễ, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều sang tiếng Pháp; năm 1946 về nước tham gia kháng chiến, năm 1956 tham gia thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm khoa Ngữ văn của đại học này từ năm 1957 đến năm 1982, được ca tụng là “người thầy của một thế hệ”.
Trong sự nghiệp học thuật của mình Hoàng Xuân Nhị đã tỏ ra tận tụy và mẫn cán với đường lối của nhà cầm quyền, mẫn cán đến mức kéo lùi dân tộc, cho rằng dân tộc Việt Nam chỉ “bắt đầu hình thành vào năm 1930 khi đảng cộng sản ra đời”. Trong hồi ký của mình, học giả Đào Duy Anh viết:
“Trong Tập san Đại học sư phạm số 5 thì ông Hoàng Xuân Nhị lại cho rằng mãi đến năm 1930 với sự thành lập của Đảng cộng sản Đông Dương ‘lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam bắt đầu hình thành.’”[6].
Đào Duy Anh không nói rõ năm tháng phát hành, tuy nhiên theo các thông tin trong bài viết thì tập san này phát hành vào đầu năm 1956, cái năm ông Hoàng Xuân Nhị bắt tay xây dựng để rồi sau đó đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn[7].
Là một nhà khoa bảng Tây học, cực kỳ giỏi ngoại ngữ, Hoàng Xuân Nhị đã hành xử như một thứ Hồng vệ binh để bảo vệ quan điểm văn nghệ chính thống trong cái thời kỳ nghiệt ngã nhất của những văn nghệ sĩ và học giả có tư tưởng tự do, do đó việc ông đặt dân tộc xuống dưới đảng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng còn cách gọi những đồng bào thiểu số ở vùng cao là “đồng bào dân tộc”?
Rõ ràng, việc gì cũng có cái đầu tiên của nó và phải có kẻ ngu dốt nào đó đi đầu trong việc này. Và, cũng thật rõ ràng, nhân vật này phải có chức có quyền, có ảnh hưởng chính trị kinh khủng lắm nên cái sai đó mới tràn lan. Mặc khác, như có thể thấy ở trên, vai trò của những nhà khoa bảng mẫn cán như ông Hoàng Xuân Nhị, và có thể là những học trò đắc ý nhất của ông, là điển chế hóa sai lầm của những kẻ có quyền.
Có thể nhận xét này có phần khắc nghiệt với ông Hoàng Xuân Nhị nhưng rõ ràng là chính những người như ông và các thế hệ học trò phải có trách nhiệm phải bảo vệ tiếng Việt, nhưng họ đã không làm được. Chính vì họ thất bại trong vai trò những nhà văn chương và ngữ học nên xã hội ngày nay mới diễn ra rất nhiều sự việc lạ lùng trên… chữ, tỷ như những chiếc xe hơi có thể hóa thành những nhà ngoại giao với hàm đại sứ, những con người có thể dùng nước sông, nước ao, nước hồ hay nước biển để cắt cổ mình v.v.
Do trục trặc ngoài ý muốn trong dây chuyền sản xuất, thỉnh thoảng các hãng xe như Toyota hay Ford phải ra thông báo “thu hồi” các đời xe mới xuất xưởng nhưng bị lỗi ở đâu đó, ở bộ thắng hay túi khí an toàn v.v. Thế nhưng khi trên báo chí thì các chiếc xe này đã trở thành những ông đại sứ: “Hãng Ford / Toyota triệu hồi (sic) xe bị lỗi.”
Đọc tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thỉnh thoảng chúng ta gặp cảnh viên tướng trấn ải biên cương nhận tin gian thần tạo phản nên hối hả kéo quân về kinh cứu nguy, mới hành quân được nửa đường thì nghe tin chúa thượng đã bị hạ sát nên viên tướng trung thành ngửa mặt lên trời tự trách mình chậm trễ rồi rút gươm cứa ngang cổ để tỏ lòng trung. Hành động tự sát này được gọi là “tự vẫn” vì, trong tiếng Hán Việt, “vẫn” có nghĩa là cắt cổ. Lịch sử chúng ta còn ghi danh những anh hùng như Hai Bà Trưng: cùng đường hai bà gieo mình xuống sông Hát để “tự trầm”, hoặc một anh hùng khác như Hoàng Diệu: Hà Nội thất thủ, ông đến Võ Miếu dùng sợi dây để “tự ải”. Thế nhưng trên báo chí Việt Nam ngày nay chúng ta toàn thấy toàn cảnh “treo cổ” hay “nhảy sông” để “tự vẫn”!
Cũng trong truyện chương hồi Trung Quốc, thỉnh thoảng lại thấy một tay nghĩa hiệp làm phản bị bắt, bị ép phải đầu hàng nhưng cười gằn tỏ vẻ khinh bỉ, thiếu điều khạc ra một bãi nước bọt, dõng dạc giữa triều đình: “Ta là người tráng sĩ đầu đội trời, chân đạp đất, há chịu khuất tất trước cường quyền!”. Tráng sĩ ngụ ý rằng anh ta sẽ không bao giờ đầu hàng, luồn cuối: “khuất” là cong, “tất” là cái đầu gối, “cong cái đầu gối” thì có nghĩa là quỳ lạy, là quy hàng, là tuân phục. Thế nhưng bây giờ người ta thoải mái văn hoa bằng “khuất tất” như thể đó là “khuất khúc” hay “khuất lấp”!
Tiếng Việt bị dùng sai, sai be bét, sai từ những ký giả săn tin xe cán chó đến những nhà lãnh đạo cấp cao, đế cả những văn bản và nghị định mang tính trói buộc về luật pháp. Khi các quan chức tuyên bố rằng trung ương sẽ “hỗ trợ” cho cái địa phương, họ đã hoàn toàn không hiểu rằng “hỗ” chỉ có nghĩa là qua lại và, do đó, sự “hỗ trợ” chỉ có thể diễn ra giữa hai chủ thể đồng đẳng với nhau, giữa hai tỉnh, giữa hai huyện, giữa hai xã hay giữa hai gia đình.
Một trong những cái sai có tần số cao nhất là “nguyên”, “nguyên thủ tướng”, “nguyên tổng bí thư”, “nguyên chủ tịch” thậm chí “nguyên thiếu tướng”, một việc mà, suy diễn rộng ra, có thể là một hành vi dẫm đạp lên quá khứ!
Hành vi “bắn súng lục vào quá khứ” đối với các di tích lịch sử, trong các dự án phát triển hạ tầng và, thậm chí, cả các dự án “trùng tu – bảo tồn – bảo tàng” đã được nói đến rất nhiều nhưng ít ai nhắc đến hành vi tương tự trong ngôn ngữ. “Nguyên”, khi đứng trước một danh từ chỉ một chức vụ nào đó, phải gắn liền một hành vi đang xảy ra trong quá khứ, nghĩa là một thứ “hiện tại trong quá khứ”. Từ các nhà báo cho đến các lãnh tụ chính trị đều sai be bét khiến tiếng Việt bị lộn sòng trên cả ý nghĩa không gian và thời gian. Tiếng Việt còn bị lộn sòng trên phương diện logic khi — từ các nhà báo, nhà soạn thảo văn bản pháp lý, và các lãnh tụ chính trị — đều vô tư cái sự dư thừa với “mặc dù – nhưng”, một cặp từ mà, theo đúng ngữ pháp, chỉ có thể viết một trong hai. Nhưng, như chúng ta có thể thấy, nó bị sai cả trong các diễn văn chính trị, loại “tổng kết” hay đánh giá “tình hình chung”, đại loại: “Mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhưng (sic) chúng ta vẫn đạt được những thành tích rất đáng tự hào..”
Có nhiều, rất nhiều, bằng chứng về hành vi rẻ rúng hay khinh miệt tiếng Việt, khiến tiếng Việt sa vào tình trạng hỗn loạn và, nói theo Malourf, trở thành một trong những yếu tố khiến xã hội hỗn loạn. Không thể chối cãi, xã hội Việt Nam là một xã hội hỗn loạn, đặc biệt là hỗn loạn trên phương diện đạo đức khi người Việt trở nên ác với nhau chưa từng thấy, sẵn sàng tước đoạt mạng sống của nhau chỉ vì những chuyện không đâu, có khi chỉ là cái nhìn từ một ánh mắt bâng quơ.
Nếu người Mỹ từng bắt tay “giải trừ quân bị cho ngôn ngữ” sau thời kỳ nội chiến thì có lẽ người Việt chúng ta cũng cần phải giải trừ tình trạng hỗn loạn nói trên. Chúng ta cần phải tái Khai Sáng tiếng Việt, phải dẫn dắt tiếng Việt bằng những giá trị tinh hoa chứ không phải bằng mục tiêu chính trị giai đoạn. Công việc này, hẳn nhiên, phải thuộc về các nhà ngôn ngữ học mà, đầu tiên, có lẽ là phải xét lại những bộ từ điển và, sau đó, phải tỏ rõ dũng khí để nhắc thẳng với không ít lãnh tụ chính trị lời xưa của cố học giả Phạm Quỳnh. Họ cần phải nói thẳng và nói thật lớn rằng để đất nước còn thì tiếng Việt phải còn, mà để tiếng Việt còn thì, ít nhất, những kẻ nắm giữ trọng trách phải học hỏi thêm chính tiếng mẹ của mình.
Những kẻ đó phải học để không chỉ không làm nhục thêm tiếng mẹ mà còn để bảo vệ cho tương lai đất mẹ của mình.
Nguyễn Hoàng Văn
[1]https://www.nguoiduatin.vn/bao-ve-tieng-viet-a518828.html
[2]Quarterly Essay 12, November 1st, 2003.
[3] “The language itself was to be disarmed.”
[4]Tôi đã trình bày vấn đề này trong bài “Ngôn ngữ, văn học và chính trị”
In trong cuốn Ngôn ngữ & Quyền lực, Người Việt California, 2014
[5] http://daidoanket.vn/dau-an-hoang-xuan-nhi-558410.html
“GS Hoàng Xuân Nhị mất năm 1990, đến nay đã 31 năm. Hơn ba thập niên không phải là quá dài, song cũng đủ để nhìn lại những cống hiến của ông – một trí thức “toàn đức, toàn tài”, một con người “khiêm nhường, giản dị, không màng chức tước, danh lợi”…
…Ông được mệnh danh là “người thầy của một thế hệ”, là “cây đại thụ của làng đại học, của nền giáo dục Việt Nam mới”…
… Hơn 30 năm GS Hoàng Xuân Nhị đã đi xa, ông vẫn để lại một quầng sáng trong nghiên cứu, một nhân cách sống đáng trọng. ..”
[6] Nhớ nghĩ chiều hôm, NXB Văn Nghệ TPHCM, 2002, trang 150.
Đào Duy Anh cho biết năm 1913 Stalin viết cuốn sách mà bản dịch Anh ngữ là Marxism and the national question, các tài liệu tiếng Việt dịch tên cuốn sách này là Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc. Tiếng Nga “Нация” (natia), trong tiếng Anh, Pháp và Đức cũng là “nation”, nếu dịch sang tiếng Việt là có thể dịch là “quốc gia” và “dân tộc”, tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau.
Đầu tiên Stalin cho rằng “nation” là cộng đồng hình thành sau khi chấm dứt đời sống bộ lạc. Thế nhưng trong phần chính, khi nói về lịch sử các nước Âu châu, Stalin cho rằng để gọi là “nation” thì phải hội đủ bốn yếu tố chung: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý, trong đó yếu tố kinh tế được xem quan trọng nhất.
Nhận ra điểm sai này nên năm 1929 Stalin cho xuất bản cuốn The National Question and Lenism để giải thích tiếp, cho rằng có nhiều loại “nation” trên thế giới, và loại “nation” đã nhắc trong cuốn sách năm 1912 là nói về các “nation tư sản”.
Nhưng, theo Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Nhị lại tiếp tục hiểu sai ý của Stalin.
Hoàng Xuân Nhị khẳng định theo Đại bách khoa toàn thư Xô viết: “Theo sự nghiên cứu của khoa học viện Liên Xô… thì trên thế giới chỉ có hai loại dân tộc thôi” ( dân tộc tư sản và dân tộc xã hội chủ nghĩa).
Sđd tr.154 – 155
[7] Ngoài luận thuyết “có đảng dân tộc Việt mới hình thành”, ông Nhị còn cho rằng có đảng mới có “tự do tư tưởng”.
Ngày 16 và 17.10.1956 Hoàng Xuân Nhị đăng bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” trên báo Nhân Dân, quả quyết “văn nghệ phải có đảng tính và văn nghệ sĩ phải triệt để phục tùng sự lãnh đạo của đảng” .
Sau đó Bùi Quang Đoài và Trương Tửu tranh luận với Hoàng Xuân Nhị trên tạp chí Nhân Văn số 4 (5.11.1956) và Giai phẩm mùa Đông số 1 (28.11.1956).
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9790&rb=08
Ngày 27.12.1956 Hoàng Xuân Nhị trả lời Bùi Quang Đoài và Trương Tửu trên báo Văn nghệ số 153 (27.12.1956) bằng bài “Về bài báo của Lê-nin năm 1905, vạch rõ nguyên lý của nền văn học có Đảng tính”. Có thể xem bài này trên diễn đàn talawas ngày 28.8.2008, do Lại Nguyên Ân biên soạn:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14081&rb=0106