Lê Học Lãnh Vân: Thâm tình Việt – Hoa trên đất Nam Kỳ Lục tỉnh (P.I)

1. DẪN NHẬP 

Tôi có người bạn văn đàn anh, mới quen nhau khoảng sáu năm trở lại nhưng trở thành thân thiết. Mười lăm ngày trước, anh Vũ Ngọc Tiến, sau những lần đi chơi chung và tâm sự chân thành, đã đột ngột từ biệt chúng tôi vĩnh viễn! 

Chúng tôi chuẩn bị gặp mặt lại, cuộc gặp gỡ lần đầu tiên không có anh và biết rằng sẽ vắng mặt anh mãi mãi!

Tôi có loạt bài viết với chủ đề THÂM TÌNH VIỆT-HOA TRÊN ĐẤT NAM KỲ LỤC TỈNH. Đưa cho anh Tiến đọc, nói các người không ở Miền Nam, không chứng kiến sự việc, nên có thể khó hiểu thâm tình này. Anh Tiến nói, không đâu, anh em cánh Bắc kỳ chúng tôi cũng thấy như vậy, Lãnh Vân đừng e ngại nữa, cứ đăng đi.

Nghe lời anh, tôi xin đăng loạt bài về Thâm Tình Việt-Hoa… Sự khăng khít, mật thiết giữa hai nhóm người này được hình thành tự nhiên trong tiến trình kề vai sát cánh giữa lưu dân người Việt và người Hoa từ những ngày đầu mở cõi Phương Nam và liên tục cho tới gần đây. 

Loạt bài chỉ xin viết về Miền Nam, vùng đất có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh khi Pháp tấn công Việt Nam, là vùng đất tác giả đã sống gần như trọn đời, còn nghe hơi thở từng luống đất mới lên, tiếng nước chảy từng con kênh lấp loáng, câu chuyện đời trong từng gia đình Việt hay Hoa … Bài viết không nhằm minh họa cho một lập trường, quan điểm nào, chỉ trong mức độ khách quan nhất có thể, trình bày những điều tác giả nghĩ rằng phản ánh thực tế cuộc sống. 

Xin nhận được nhận góp ý và chỉ dẫn. Cũng xin tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa các người tham gia góp ý. Xin cám ơn người đọc.

***

Tài liệu tham khảo:

Dấu tích của sự gần gũi của người Việt, người Hoa có thể tìm thấy trong rất nhiều bài văn xuôi, bài thơ… Dưới đây là một số tác phẩm, bài viết liên quan tới loạt bài về Nam Kỳ Lục Tỉnh và Thâm Tình Tình Việt – Hoa.

1) Choi Byung Wook, Vùng Đất Nam Bộ Dưới Triều Minh Mạng (1820-1841), Chính sách của triều đình và phản ứng của địa phương, Choi Byung Wook, Dịch Lê Thùy Linh… dịch. Nxb Hà Nội, Công ty Sách Omaga Việt Nam, 2019. 

2) Đổng Thành Danh (2015), Nguyên Nhân, Chủ Trương và Thành Phần Của Cuộc Nam Tiến (Bài 1).

16/12/2023

3) Hoa Anh Đào (2016), Đánh giá quá trình mở đất, phát triển kinh tế Đàng Trong thời Chúa Nguyễn.

16/12/2023

4) Phan Khoang (1970), Việt Sử Xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, Sài Gòn

5) Schrock, Joann, et al. (1966) , Minority Groups in the Republic of Vietnam, Chapter 22. The Chinese (931-1018)

16/12/2023 

6) Song Jung Nam (2017), Lịch Sử Mở Rộng Lãnh Thổ Về Phía Nam của Việt Nam (1009-1847).

1009-1847, 16/12/2023

7) Trần Trọng Kim (2009), Việt Nam Sử Lược. Nxb Thời đại, Hà Nội

8) Trương Minh Đạt (2008), Nghiên Cứu Hà Tiên. Nxb Trẻ, Tp HCM

9) Tsai Maw Kuey (2023), Người Hoa Ở Miền Nam Việt Nam Trước Khi Pháp Xâm Lược

16/12/2023

10) Nguyễn Quang Diệu (2023), Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ. Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam xuất bản, Hà Nội

***

2. THÂM TÌNH VIỆT – HOA:

Người Hoa ở Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20.

Trong bài viết Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc của tôi, có câu “Hai dân tộc Việt và Hoa có thâm tình trải ngàn năm. Rất nhiều người Việt là hậu duệ của di dân người Hoa. Dân Việt Miền Nam có thể xem như là hậu duệ của lớp người Hoa Minh Hương … và của người Việt Ngũ Quảng”. Một số anh chị không đồng tình với câu viết ấy. Tôi vẫn chưa được thuyết phục bởi các phản bác đó và khi đọc tài liệu cũ cùng hồi tưởng đoạn đời đã trải qua thì lại càng khăng khít với quan điểm ban đầu của mình hơn! 

Thưa các anh chị, xin cùng nhau xét những gì được ghi chép lại trên các trang sách về lịch sử khai phá Miền Nam, về lịch sử Nam Tiến của người Việt trong khoảng thời gian 1620 – 1847. Năm 1620 là năm công chúa Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Năm 1847 là năm mất của vua Thiệu Trị, vị vua thứ ba của triều Nguyễn, cũng là vị vua phải rút quân khỏi Chân Lạp chấm dứt tham vọng lãnh thổ của vua cha Minh Mạng. Vua Thiệu Trị mất khi Việt Nam chịu áp lực lớn từ sự uy hiếp của liên quân Pháp – Tây Ban Nha trước biển Đà Nẵng.

Khoảng thời gian trên hai trăm năm 1620 – 1847 này được xem là thời gian của tiến trình Nam Tiến vào lãnh thổ Chân Lạp để người Việt có một lãnh thổ gần giống với ngày nay, giai đoạn Nam Tiến này tiếp theo và bắt đầu từ trước khi giai đoạn Nam Tiến vào lãnh thổ lãnh thổ Chiêm Thành được hoàn tất.

Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn năm 1558 vạch địa giới riêng là Đàng Trong, độc lập với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Chỉ hơn sáu chục năm sau, con Nguyễn Hoàng là chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho vua Chân Lạp. Do liên hệ thông gia, chúa Nguyễn được sự đồng ý của vua Chân Lạp để di dân vào vùng Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai hiện nay. Lúc này cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn đang rất gay go, chúa Nguyễn phải tập trung sức người, sức của chống các cuộc tấn công của chúa Trịnh. Vùng đất Thủy Chân Lạp lúc đó rất thưa dân và rộng lớn so với năng lực khai phá của con số ít ỏi người Việt di dân. May mắn thay, người Việt có sự giúp sức của một lực lượng đông đảo, có óc tổ chức của những người Hoa không chấp nhận bị cai trị bởi nhà Thanh. 

Gần như cùng lúc có ba thế lực người Hoa tới và khai phá…

a) nhóm người Trần Thượng Xuyên tới vùng đất Biên Hòa và phát triển cù lao Phố thành thương cảng sầm uất bậc nhất của cả khu vực,

Đình Tân Lân, đánh dấu nơi định cư đầu tiên của nhóm Trần Thượng Xuyên ở vùng Đồng Nai.

b) nhóm người Dương Ngạn Địch tới vùng Mỹ Tho, Cái Bè mở mang và xây dựng nên Mỹ Tho Đại phố nổi tiếng thu hút thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Tây dương và Bồ Đào Nha,

Mỹ Tho đại phố xưa. Ảnh tư liệu.

Nhóm Trần Thượng Xuyên và nhóm Dương Ngạn Địch trước đó tới Huế, được chúa Nguyễn giới thiệu với vua Chân Lạp để họ cư trú trên đất Thủy Chân Lạp, rồi phát triển lực lượng, lãnh thổ nơi đây. Do đó, sợi dây liên kết giữa Đàng Trong với hai nhóm người này tốt đẹp. 

c) trong lúc đó Mạc Cửu liên hệ trực tiếp với Chân Lạp, lập nghiệp và khai phá vùng Hà Tiên, Cà Mau thành vùng đất rộng lớn trù phú. Trước mối đe dọa bị tấn công, cướp phá, họ Mạc dâng đất, xin thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu. Mối liên hệ cộng sinh hai bên cùng có lợi giữa Đàng Trong với họ Mạc (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích…) góp phần đặt nền móng bền vững cho quốc gia Việt Nam sau này.

Đất Cancao ou Pontiamo (Phương Thành tức Hà Tiên) do Mạc Cửu chuyển cho chúa Nguyễn nằm trong bản đồ Nam Kỳ (năm 1829).

Khi ba nhóm người ấy tới, các vùng đất nói trên còn thuộc Chân Lạp. Sau giai đoạn khai phá, phát triển, cả ba vùng đều được chúa Nguyễn sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong bằng biện pháp ôn hòa! 

Do có sự hợp tác từ đầu, tới vùng đất mới cùng lúc và cùng nhau gian khó khai phá, giữa những người mở cõi Việt, Hoa nảy sinh tình anh em gần gũi, thực lòng. 

Vậy nên, tình cảm Việt – Hoa sâu sắc chan hòa trong dân chúng. Tình cảm ấy không chỉ được xây đắp bởi các nhà lãnh đạo với nhau mà được đào luyện, xây dựng rất sâu sắc, vững bền qua quá trình khẩn hoang hàng ngày máu trộn mồ hôi. Thâm tình Việt – Hoa vững bền này là vốn rất quý, thực sự quý của Nam Kỳ Lục Tỉnh! 

Trong tiến trình những vùng đất mới được lần lần khai phá, người Hoa từ duyên hải Nam Trung Hoa cũng tề tựu về góp sức cùng với lưu dân người Việt chủ yếu tới từ Ngũ Quảng của Đàng Trong. Ba vùng đất này sau khi được chúa Nguyễn sáp nhập tạo nên nền móng Miền Nam trù phú. Từ khi Pháp tới Nam Kỳ Lục Tỉnh, lãnh thổ Việt Nam xem như đã được cố định tương đối nhưng tiến trình khẩn hoang Miền Nam vẫn tiếp tục. Người Trung Hoa vẫn tiếp tục di dân và đổ vốn vào Nam Kỳ cùng với người Pháp và người Việt là ba thành phần chủ yếu góp phần khiến Nam Kỳ với thủ phủ Sài Gòn thành cực kinh tế lớn nhất của Việt Nam. 

Phần trên đây là sơ lược vài điểm được chép lại trong sách, báo, chúng ta có thể tham khảo. Trong cuộc sống thực, với tư cách là người có gia đình xuất thân Lục Tỉnh và sống gần trọn đời trên tại Sài Gòn, tôi cảm nhận rõ rệt sự hiện diện của người Hoa trong đời sống hàng ngày. Trước năm 1975, gia đình tôi có cơ sở làm ăn trong quận 5, cửa tiệm chúng tôi lúc nào cũng nghe tiếng Hoa và tiếng Việt lơ lớ của bà con gốc Hoa chung quanh. Góc ngã ba Trần Bình Trọng – Bến Hàm Tử là tiệm nước Huỳnh Lợi của chú Chệt.

Một vài ngôi chùa, đình và hội quán của người Hoa ở Chợ lớn:

Nhà chúng tôi sống tại xóm Bàn Cờ, quận 3, đầu hẻm có tiệm nước chú thím Tiều, con trong nhà tên Hỏn, Dành… Hẻm sau nhà có chú Chệt bán bò viên, mỗi trưa quảy gánh bò viên rao tiếng Việt lơ lớ, đội chiếc nón chóp nhọn đặc trưng của người Hoa. Nơi đây trước kia là nhà ông Nguyễn Hùng Trương ở và chứa sách trước khi mở tiệm sách Khai Trí trên đường Lê Lợi. Khi ông Nguyễn Hùng Trương đi, căn nhà được chia hai căn nhỏ, chú Chệt ở một căn. Đám nhỏ trong xóm chơi chung với thằng Chí Mén, con A Muối, thằng Tiếu, con của những gia đình người Hoa. Ông Cai Bụng chuyên cất và sửa nhà, uống rượu có tiếng. Ngoài đường lớn có hai tiệm chạp phô, tất cả đều của người Hoa. Thằng con nít là tôi thường được Ba Mẹ sai ra tiệm chú Tiều hẻm trước mua giấm, ra tiệm chạp phô bà xẩm hẻm sau góc đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) mua cuộn dây chì, đem chiếc bánh hay chai cao đơn hoàn tán qua cho (tặng) chú Chệt… 

Tại miền quê Lục Tỉnh có không ít gia đình mà các thành viên gọi nhau Chệt, Hia, Chế. Những gia đình đó và các gia đình “thuần Việt” biết rõ gốc gác nhau và đối xử nhau thân thiết tình lối xóm tối lửa tắt đèn. Các tên tuổi Vương Hồng Sển, Phùng Há trước kia, Lý Ngọc Minh (gốm sứ Minh Long), Kao Siêu Lực (bánh kẹo Á Châu, ABC) ngày nay là gốc Hoa. Ông Huỳnh Cẩm Thuận rất giàu có tại Sadec vào thế kỷ 19, là người Hoa rời quê hương Phúc Kiến qua lập nghiệp tại Miền Nam. Con trai Út của ông là ông Huỳnh Thủy Lê, người tình của nhà văn Pháp nổi tiếng, bà Marguerite Duras. Quyển tiểu thuyết Người Tình ra mắt năm 1984 và được giải Goncourt danh giá thực ra là một tự truyện kể về mối tình Hoa-Pháp trên đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Có vô số Huỳnh Cẩm Thượng giàu có hay bình dân, lam lũ truyền đời nhau in dấu chân trên đất này…

***

3. CÔNG LAO MỞ CÕI CỦA NGƯỜI HOA

Bất kỳ công cuộc mở cõi nào cũng khiến quốc gia mệt mỏi sau đó. Sự mệt mỏi tới từ chiến tranh chinh phục chiếm đất, bình định và khai phá. Nếu vùng đất chinh phục tương đối lớn, dân cư đông đúc, kinh tế thịnh vượng, sự kháng cự của vùng đất đó rất quyết liệt và hiệu quả, quốc gia chinh phục hao tổn nguyên khí nhiều, mất thời gian dài hồi phục hay/và thậm chí triều đại suy vong.

Vùng đất mở cõi Nam Kỳ Lục Tỉnh tương đối rộng lớn so với nguồn lực dân số và kinh tế của Đàng Trong lúc đó. Dưới thời chúa Nguyễn, dân số Đàng Trong được ước lượng khoảng chín trăm ngàn. Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua Gia Long, dân số toàn nước Việt khoảng sáu triệu trong đó Miền Nam khoảng một triệu. Quả thật, Nam Kỳ Lục Tỉnh với diện tích khoảng 70 ngàn ki-lô mét vuông là quá rộng cho năng lực chiếm giữ và khai khẩn của người Việt thời ấy. 

Tuy nhiên, thời cuộc đã tạo thời cơ và thuận lợi. Thuận lợi ấy được người Việt triệt để tận dụng với sự góp phần lớn lao từ người Hoa.

Thuận lợi thứ nhất là vùng đất thuộc Chân Lạp khi ấy còn thưa thớt cư dân và gần như chưa được khai phá nên chính quyền Chân Lạp không coi trọng vùng đất này, nói bỏ bê cũng không sai lắm. Chúa Nguyễn, với tầm nhìn chiến lược đã kết thông gia với vua Chân Lạp. Bằng quan hệ thông gia đó, chúa xin cho dân Việt tới làm ăn sinh sống và được vua Chân Lạp đồng ý. Người Việt tới đây chủ yếu bằng di dân hòa bình, không phải hao tổn bởi một cuộc chiến tranh chinh phục. Dù vậy, số người Việt từ miền Trung (của Đàng Trong) vào Nam không nhiều và vùng đất mênh mông trải dài từ Bình Thuận vào cực Nam của Hà Tiên quá rộng lớn so với kích thước dân số của Đàng Trong lúc ấy đang tập trung nguồn lực đối phó với các cuộc tấn công từ phương Bắc của Đàng Ngoài. Bảy cuộc chiến Trịnh – Nguyễn kéo dài từ năm 1627 tới 1672.

Thuân lợi thứ hai là trong thời gian bảy cuộc chiến Trịnh – Nguyễn, bên Tàu có đại biến. Người Mãn Thanh vượt Sơn Hải quan đánh bại nhà Minh, xâm chiếm và thống trị đại lục, lập nên nhà Thanh. Một lực lượng quan trọng người Hoa rời bỏ đại lục tới định cư tại Miền Nam Việt Nam vì không chấp nhận sự cai trị của Đại Thanh. Lực lượng này mang theo kiến thức tổ chức, kinh nghiệm kinh doanh, tinh thần lập nghiệp giúp bình định, phát triển ba vùng đất rộng lớn và có vị trí chiến lược liên hoàn rất quan trọng là các vùng Mỹ Tho, Biên Hòa và Hà Tiên. Xin đừng dùng kích thước địa lý của những địa danh đó hiện nay để hiểu hoàn cảnh xưa. Hà Tiên của Mạc Cửu thời đó bao gồm Hà Tiên dài qua Cà Mau và ôm cả vùng rộng lớn của An Giang hiện nay. Ba vùng đất rộng lớn ấy được chuẩn bị sẵn sàng cho chúa Nguyễn sáp nhập vào Đàng Trong tạo thành nền móng quan trọng của Nam Kỳ Lục Tỉnh về sau (xem phần 1). Cũng như việc di dân, việc sáp nhập diễn ra trong hòa bình. Công lao của người Hoa rất lớn! 

Nói “công lao người Hoa rất lớn” không hề phủ nhận vai trò chủ lực và nền tảng của người Việt vốn đã hiện diện từ trước. Tuy nhiên, từ khi các nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch triển khai sự mở mang bắt đầu từ năm 1769, số người Việt di cư tới những vùng đất này đông đúc hơn và chỉ trong vòng hai mươi năm, tới năm 1698, khi phủ Gia Định được thành lập, số người Việt đã hơn bốn chục ngàn hộ. Chúng ta ngày nay bình tâm nhìn về quá khứ để hiểu rằng nếu không có lực lượng tiên phong của những người Hoa đó, người Việt phải tốn nguồn lực kinh tế và con người gấp rất nhiều lần hơn mà chưa chắc sự nghiệp sáp nhập, bình định và mở cõi đạt được những thành quả như lịch sử chứng kiến. 

Hai thuận lợi trên được tận dụng nhờ thuận lợi thứ ba: các chúa Nguyễn thời mở cõi là những người nhìn xa, trông rộng, có chính sách ngoại giao và quân sự hữu hiệu cho việc mở đất vào thời điểm lịch sử thuận lợi.

Nguồn nhân lực người Hoa không phải tới một lúc, mà trải dài hàng mấy thế kỷ vì thời đó vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam Kỳ Lục Tỉnh sau này, đất rộng, phì nhiêu, khí hậu thuận lợi, chưa được khai phá còn miền Nam Trung Hoa thì nghèo đói. Những người Hoa ấy không chỉ góp phần khai phá, khẩn hoang mà còn góp phần tạo nên dân số Miền Nam. Với tinh thần lập nghiệp và chọn đất mới làm quê hương, họ đã hòa vào di dân người Việt (chủ yếu từ đất Ngũ Quảng). Trong sách dịch “Vùng Đất Nam Bộ Dưới Triều Minh Mạng (1820-1841), Chính sách của Triều đình và phản ứng của địa phương”, tác giả Choi Byung Wook nhiều lần đề cập tới dòng di dân người Hoa liên tục tới Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là nhóm Minh hương và Thanh nhân. Dưới triều Minh Mạng, năm 1826 ghi nhận ba ngàn hộ người Hoa nhập cư vào Gia Định thành, một con số quan trọng so với dân số thời đó. Trải qua năm, bảy thế hệ, người gốc Việt, người gốc Hoa hòa quyện vào nhau, hình thành khối dân cư trộn lẫn nhau tạo cộng đồng dân cư hào hiệp, phóng khoáng, trọng tình nghĩa, chuộng tự do, tiếp thu điều mới xây dựng một Miền Nam độc đáo tiến bộ văn minh. Về mặt nào đó, ta có thể so sánh Miền Nam với Hoa Kỳ không? 

Hoa Kỳ xuất thân từ châu Âu, sau khi lập quốc trên vùng đất mới thì độc lập với nguồn gốc cũ, trở thành nơi phát triển nhất thế giới, phát triển mạnh hơn gốc cũ châu Âu! Phải chăng sự phát triển hùng mạnh của Hoa Kỳ cũng bởi quốc gia này được ngăn cách với châu Âu bởi Đại Tây Dương hiểm trở nên không bị níu kéo bởi xã hội cũ kỹ với các mối quan hệ rối rắm, hủ tục già nua của vùng đất xuất phát? 

(còn nữa)

Lê Học Lãnh Vân