Liễu Trương: Kẻ song trùng trong truyện kỳ ảo

Hình minh họa: Radis B

Kẻ song trùng là một chủ đề độc đáo, phong phú trong văn chương kỳ ảo. Nhưng trước tiên kỳ ảo là gì? Nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp đã đưa ra một định nghĩa. Pierre-Georges Castex, trong cuốn Le conte fantastique en France (Truyện kỳ ảo ở Pháp) cho rằng « Đặc điểm của kỳ ảo là một sự xâm nhập hung tợn của điều huyền bí trong khung cảnh của đời sống hiện thực » (tr. 8). Đối với Louis Vax, tác giả cuốn L’art et la Littérature fantastique (Nghệ thuật và Văn chương kỳ ảo), thì « Truyện kỳ ảo… thích cho chúng ta thấy những con người như chúng ta, ở trong cái thế giới hiện thực, thình lình bị đặt trước cái không thể giải thích được » (tr. 5). Còn Roger Caillois định nghĩa kỳ ảo trong cuốn Au cœur du fantastique (Tận trong kỳ ảo) như sau: « Mọi kỳ ảo là sự cắt đứt cái thứ tự được nhìn nhận, là sự đột nhập của cái không thể chấp nhận giữa sự hợp lý hằng ngày không thể biến chất. »

Ba định nghĩa trên đều nêu lên những đặc tính của kỳ ảo: sự « huyền bí », cái « không thể giải thích được », cái « không thể chấp nhận được », cái « đột nhập vào đời sống hiện thực, thế giới hiện thực ».

Nhà nghiên cứu Tzvetan Todorov còn đi xa hơn trong những phân tích của ông. Ông nhấn mạnh về sự ngập ngừng của người đọc khi đọc truyện kỳ ảo. Kỳ ảo bao hàm chẳng những một biến cố lạ lùng gây nên sự ngập ngừng nơi người đọc, mà còn là một cách đọc, cách đọc đó không thể là cách đọc « thi vị », cũng không thể là cách đọc theo lối phúng dụ. Theo định nghĩa của Todorov, thì kỳ ảo đòi hỏi ba điều kiện. Trước hết văn bản phải bắt buộc người đọc xem thế giới của các nhân vật như một thế giới của những con người sống thật và ngập ngừng giữa một sự giải thích tự nhiên và một sự giải thích siêu tự nhiên những biến cố được kể. Thứ đến sự ngập ngừng đó cũng có thể được một nhân vật trong truyện cảm thấy; như thế vai trò của người đọc được giao cho một nhân vật và đồng thời sự ngập ngừng được biểu hiện và trở nên một trong những chủ đề của tác phẩm;trong trường hợp của một lối đọc hồn nhiên, người đọc hiện thực đồng hóa với nhân vật. Sau cùng điều quan trọng là người đọc chấp nhận một thái độ nào đó đối với văn bản: người đọc sẽ từ chối sự diễn giải theo phúng dụ cũng như sự diễn giải « thi vị ». Ba điều kiện trên không có giá trị ngang nhau. Điều kiện thứ nhất và thứ ba tạo nên thể loại kỳ ảo thật sự.

Các định nghĩa về kỳ ảo trên đây cho chúng ta một cái nhìn tạm đủ để xem xét một chủ đề cơ bản trong văn chương kỳ ảo: chủ đề kẻ song trùng.

Khái niệm về kẻ song trùng

Đề tài kẻ song trùng đa dạng và đã ám ảnh tâm thần con người từ thời xa xưa, khiến người ta đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó. Hình ảnh kẻ song trùng ở trong nhiều huyền thoại, trong nhiều hệ thống triết học, siêu hình học và trong tất cả các nền văn minh.

Chủ đề kẻ song trùng luôn luôn hiện diện trong văn chương, và theo nhà phân tâm học André Green, chủ đề này chứng tỏ rằng « mọi nhà văn đều bị kẹt giữa kẻ song trùng và kẻ vắng mặt. »

Kẻ song trùng đến với con người như thế nào?

Thoạt tiên là một cảm giác trống trải, một sự nóng lòng, một khác vọng lờ mờ. Đời sống là một cuộc hẹn hò với chính mình, nhưng là một cuộc hẹn hò bất thành. Văn chương kỳ ảo mang dấu ấn của một sự luyến tiếc, sự luyến tiếc đó chỉ là một chờ đợi không nghĩa lý. Bởi vì chúng ta không bao giờ gặp lại chính mình mà chính là người kia, cái người xa lạ mật thiết và gây hoang mang mà mỗi người giữ trong mình và mình bị bắt buộc phải sống chung. Sự tha hóa thuộc bản chất đó vào mọi thời đã nuôi dưỡng biết bao tác phẩm nghệ thuật.

 Cái tính đôi của con người tạo nên một điều trở ngại cho gần hết những ngành triết học và nó cũng là cái trung tâm thần diệu của tất cả các môn nghệ thuật, cái câu hỏi đã thúc đẩy các nhà nghệ sĩ sáng tạo và kêu lên: Hiện hữu hay không hiện hữu? Tôi hay một kẻ khác? Trong một nghĩa nào đó, mọi sáng tạo cố đáp lại cái thế đôi ngả đó, khi ra khỏi sự lờ mờ, sự sáng tạo cố tìm đến tính nhất quán.

 Từ cái tính hai mặt, văn chương kỳ ảo đã nhanh chóng bước qua sự sáng tạo cái trùng đôi: không có gì đáng ngạc nhiên khi sự lập lờ ngự trị trong bao tác phẩm kỳ ảo, là kính soi, là ảo tưởng, kẻ song trùng trở nên đề tài suy nghĩ của nhiều tác giả.

Kẻ song trùng qua cái nhìn của hai nhà phân tâm học Otto Rank và Freud

Otto Rank là nhà phân tâm học đầu tiên đã đề xuất, năm 1914, một sự kiểm kê về các phạm trù kẻ song trùng trong các tôn giáo, các huyền thoại, trong văn chương và trong ngành bệnh học tâm thần. Qua các ngành đó, kẻ song trùng có nhiều hình thức và thuộc về nhiều lĩnh vực linh tinh: linh hồn, cái bóng, quỷ, ảnh phản chiếu, tình trạng sinh đôi, hoang tưởng của kẻ song trùng. Rank cho những hình thức này một giải thích phân tâm học và gắn liền những hình thức đó vào sự liên hệ giữa cái tôi với cái chết. Qua chủ đề Der Doppelgänger (Người đi bên cạnh, Kẻ song trùng), con người cố xua đuổi sự đe dọa của cái chết không tránh được.

Freud, trong biên khảo Điều lạ lùng gây lo sợ (tiếng Đức: Das Unheimliche, tiếng Pháp: L’inquiétante étrangeté) viết năm 1919, tự hỏi do quá trình tâm lý nào mà cảm tưởng về điều lạ lùng gây lo sợ xuất hiện trong chúng ta. Cái cảm tưởng đó khó định nghĩa. Freud cho rằng đó là một cảm tưởng gần với kinh hoàng, nhưng có những đặc điểm riêng. Vấn đề là một sự khó ở có thể được gây nên bởi sự tái diễn một sự kiện thoạt đầu là tầm thường và không quan trọng. Cái cảm tưởng đó thường được gây nên bởi một cái gì đã từng quen thuộc, bỗng trở nên khác thường và gây lo sợ. Freud phân tích các nguồn của chứng khó ở bằng cách tìm tòi nghiên cứu trong hai hướng: một mặt là hướng ngôn ngữ, và mặt khác là tất cả những hoàn cảnh có thể khởi phát cái cảm tưởng đó. Và Freud tuyên bố rằng những nghiên cứu của ông trong hai hướng khác nhau đều đưa về cùng một kết quả: « điều lạ lùng gây lo sợ là cái đáng khiếp sợ gắn liền với những cái được biết từ lâu và quen thuộc từ thời xa xưa. »

Sau khi nghiên cứu khía cạnh ngôn ngữ, Freud xem xét những trường hợp của điều lạ lùng gây lo sợ, như những cảm tưởng do người máy gây nên, những gương mặt bằng sáp và những kẻ song trùng. Khi nghiên cứu tiểu thuyết Rượu bùa của quỷ (Les élixirs du diable) của nhà văn Đức Ernst Theodor Amadeus Hoffmann (1776-1822), Freud kinh ngạc nhận thấy chủ đề kẻ song trùng được nhắc đến nhiều lần. Freud viết: « E.T.A. Hoffmann là bậc thầy của cái Unheimliche hay điều lạ lùng gây lo sợ trong văn chương. Tiểu thuyết Rượu bùa của quỷ của ông trình bày cả một chùm chủ đề có thể cho là tác động của truyện gây lo sợ một cách lạ lùng (…). Thế là chúng tôi có tất cả những gì gắn liền với chủ đề « kẻ song trùng » với những sắc thái của nó, những triển khai của nó (…). Vậy nên có sự gia tăng cái tôi, chia tách cái tôi, thay thế cái tôi – cuối cùng sự trở lại thường kỳ của người giống hệt cái tôi, với sự lặp lại của cùng một vẻ mặt, cùng tính tình, cùng định mệnh, cùng những hành động giết người, thậm chí cùng tên tuổi qua nhiều thế hệ liên tiếp. »

Truyện Rượu bùa của quỷ

Rượu bùa của quỷ là một truyện kỳ ảo của nhà văn Đức Ernst Theodor Amadeus Hoffmann. Truyện kể rằng tu sĩ Médard sau khi đã trải qua một cuộc đời tu hành lo cầu nguyện và kiên nhịn, bèn cầu mong linh hồn mình được cứu rỗi đồng thời con người mình được hưởng những thú vui của xác thịt. Bị giằng co giữa Thiên Đàng và Địa ngục, ông ta cuối cùng không cưỡng lại được với Kẻ cám dỗ nên uống một thứ rượu bùa cho phép ông ta thỏa mãn mọi ham muốn bê tha, trụy lạc, hung bạo và phạm thánh. Bị quỷ giày vò, người tu sĩ phạm một loạt hành động giết người và những hành động ghê tởm khác mà ông ta chỉ ý thức được sau khi đã hành động. Thế là bắt đầu một cuộc chiến đấu chống lại chính mình, chống lại cơn điên cuồng và chống lại định mệnh.

Từ truyện Rượu bùa của quỷ, Freud xem lại biên khảo của một trong những đệ tử của mình là Otto Rank, về chủ đề kẻ song trùng. Rank cho rằng kẻ song trùng khởi đầu được gắn liền với niềm tin vào sự bất diệt của linh hồn, và được dành cho việc chống lại sự sợ hãi cái chết, về sau kẻ song trùng, do một sự đảo ngược cái quan niệm đó của thời cổ, đã trở thành cái vấn đề gây lo sợ, sự tái diễn cái người giống hệt cái tôi gợi lên sự trở về « những giai đoạn nào đó trong lịch sử tiến hóa của cái cảm tưởng về cái Tôi, của sự đi lùi về thời kỳ cái Tôi chưa được vạch ranh giới với thế giới bên ngoài và với tha nhân. »

Sau khi giữ lại những nhận xét của Rank, Freud cho rằng những miêu tả đó đưa về lòng tự yêu mình bất tận, đó là lòng quá tự mê cấp một (narcissisme primaire), nó chế ngự đời sống của đứa trẻ, cũng như đời sống của người nguyên thủy, rồi với sự vượt qua giai đoạn đó, dấu hiệu của kẻ song trùng thay đổi, từ sự tin chắc vào sự sống còn, dấu hiệu kẻ song trùng trở nên cái điều lạ lùng gây lo sợ, điềm báo trước cái chết.

Kẻ song trùng trong ba truyện ngắn Đông Tây

  1. Tuổi thơ đã mất của Võ Phiến

Ngoài tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, thơ, Võ Phiến (1925-2015) còn là tác giả một số truyện ngắn mà một đôi khi là truyện kỳ ảo như « Đêm xuân trăng sáng », « Tuổi thơ đã mất ». Đặc biệt ở hải ngoại, Võ Phiến viết thêm truyện kỳ ảo với chủ đề kẻ song trùng như: « Bố khỉ », « Tôi nhiều đứa », « Thằng Bé », trong tập Truyện Thật Ngắn. Truyện « Tuổi thơ đã mất » là truyện kỳ ảo đầu tiên của Võ Phiến về chủ đề kẻ song trùng, viết năm 1957.

Trong Tuổi thơ đã mất, người kể truyện cho biết có gặp trong một khách sạn tồi tàn, một người đàn ông thấp, gầy, mặt mày xấu xí, ăn mặt chải chuốt, nói chuyện huyên thiên. Người đàn ông tự xưng là Bành, trước kia là đại đội trưởng thuộc bộ đội kháng chiến, về bên quốc gia mang lon trung úy. Cả hai phía y đều tham gia nhiều trận đánh lớn, nay đã giải ngũ. Khách sạn rẻ tiền này, phía trước sát đường, rất ồn ào, nhưng phía sau có một khu vườn lớn với một bức tường thấp bao quanh. Bành kể cứ đến lúc chạng vạng tối thì có ma hiện về trong khu vườn. Ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ cũng thấy được những bóng ma. Và Bành kể chuyện của mình: tối hôm đó ra sân sau để đi dạo thì thấy có một người đàn ông đang đứng dựa vào bức tường, nhìn ra ngoài, người đàn ông đang huýt sáo. Vì không muốn phá rầy người đó, Bành định rút lui, nhưng bước chân chạm phải những chiếc lá khô gây nên tiếng động, khiến người đàn ông quay lại. Bành kinh ngạc, vì người đàn ông đó chính là mình: Tôi bất giác đứng sững, ngắm thẳng vào người khách đối diện với mình nhưng cũng chính là mình. Tôi có cái cảm tưởng kỳ lạ rằng chính đó mới là tôi, mới là một hình ảnh thực khách quan của tôi (…) Mặc dầu đó quả thực là hình dáng tôi, nhưng tôi cũng lấy làm buồn khi thấy sự già nua tiều tụy của mình bị xác nhận hiển nhiên trước mắt. Nhưng điều làm cho tôi chú ý nhất là sắc diện, là cái tinh thần biểu lộ trong sắc diện của hắn. Đó là một sự dửng dưng hoàn toàn (…) một nét mặt tuyệt đối nguội lạnh, tắt hết mọi dấu lửa nhiệt thành, có thể nói là tắt hết mọi dấu sinh khí. Và nét mặt đó chính là nét mặt của mình. (Võ Phiến, Truyện Ngắn II, tr. 169). Bành gọi nhân vật đó là hắn. Bành ra khỏi khách sạn, hắn đi theo. Bành đi thơ thẩn ngoài đường và nhận thấy những người qua lại không có vẻ thấy hắn. Khi Bành lạc vào một khu xóm, có những người bán bắp nướng, khoai luộc, quýt, bưởi. Bành ngạc nhiên nghe: Mời ông mua quýt thay vì Mời hai ông mua quýt. Trong khu xóm này có mụ me Tây mời Bành vào nhà mụ ta, hắn cũng theo vào và không ngớt huýt sáo. Xảy ra nhiều hiện tượng kỳ ảo như sự biến đổi kỳ dị của gương mặt mụ me Tây, đám lính cụt đầu ngoài sân ga. Gần sáng, Bành rời khỏi khu xóm, hắn đi theo, vẫn huýt sáo. Rồi tiếng sáo nhỏ dần, hắn cũng dần dần xa Bành, và đến một ngả ba hắn biến mất. Bành nghĩ: Giữa khuya, mình đứng chứng kiến một người y hệt như mình tan đi như khói… (tr. 186).

  1.   Le Horla của Guy de Maupassant

Maupassant (1850-1893) là bậc thầy về truyện ngắn trong văn học Pháp. Ông là tác giả khoảng 300 truyện ngắn. Truyện « Le Horla » có hai bản, bản đầu ra năm 1886, là lời thú của người kể truyện được mọi người xung quanh bàn thêm.

Bản thứ hai được trình bày sau đây, ra năm 1887, được tác giả viết dưới hình thức nhật ký. Truyện « Le Horla » này được xây dựng như một hệ thống, nội dung vô cùng mạch lạc để gây áy náy, rối loạn nơi người đọc (1).

Người kể truyện sống một mình với những người tôi tớ trong một ngôi nhà gần thành phố Rouen. Anh ta bỗng nhiên cảm thấy khó ở, và chứng khó ở ngày càng tăng thêm mà anh ta không rõ lý do. Anh ta cảm thấy lo lắng và có cảm tưởng một người khác sống bên cạnh mình, có người uống nước trong ly trong khi anh ta ngủ, điều này là một bằng chứng đầu tiên khiến anh ta sợ hãi. Những cuộc du hành liên tiếp ở núi Saint-Michel rồi ở Paris đem lại cho anh ta sự khuây khỏa, nhưng hễ trở về nhà thì cơn khó ở tái lại. Dần dần anh ta cảm thấy có một sự hiện diện bên cạnh mà anh ta không thấy được, sự hiện diện đó hút hết sức lực của anh ta. Những kinh nghiệm của anh ta để xác định cái bệnh đó không đi đến đâu, trong khi đó cái cảm tưởng anh ta đang bị chiếm hữu không ngừng tăng lên. Khi đọc một bài trong báo, anh ta thiết nghĩ rằng có một giống người vô hình và thuộc hạng người ưu đẳng mà anh ta đặt cho cái tên là Horla, đang xâm chiếm toàn thể nhân loại.

Khi anh ta tưởng đã bao vây và giam được cái con người vô hình ở trong nhà mình, thì anh ta quyết định giết hắn bằng cách đốt ngôi nhà. Nhưng anh ta không diệt được tên Horla mà chỉ gây cái chết cho những người giúp việc, và cảm thấy bị chiếm hữu trở lại. Vào cuối truyện, người kể truyện quyết định tự sát.

  1.  William Wilson của Edgar Allan Poe

Edgar Allan Poe (1809-1849) là một nhà văn, nhà thơ lớn của Mỹ ở thế kỷ 19. Edgar Poe là tác giả của nhiều bài thơ trong đó có bài thơ tự sự « The Raven » (Con quạ) (1845) rất nổi tiếng, về tiểu thuyết, ông chỉ có một tác phẩm viết đến cùng là « The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket » (Cuộc mạo hiểm của Arthur Gordon Pym ở Nantucket) (1838). Nhưng về truyện ngắn thì tiếng tăm Edgar Poe lừng lẫy, ông là tác giả nhiều truyện ngắn viết theo lý thuyết của ông: tức viết ngắn để gây ấn tượng, tất cả những yếu tố trong truyện phải nhắm về một ấn tượng duy nhất. Edgar Poe cũng được nhìn nhận là ông tổ của tiểu thuyết trinh thám.

Truyện William Wilson sau đây là một truyện kỳ ảo về kẻ song trùng, được viết vào năm 1839 và đã gây ấn tượng sâu sắc nơi độc giả.

Người kể truyện chọn cho mình cái tên William Wilson. Truyện khởi đầu ở một miền thôn quê ở Anh quốc, trong một trường học, nơi người kể truyện là một học sinh thông minh, xuất sắc và có tính mưu mô. Thế rồi có một người học sinh khác mới đến, cũng tên là William Wilson như người kể truyện. Người học sinh mới sẽ làm cho cuộc đời của William Wilson trở nên đảo điên, anh ta có một đời sống, cách ăn ở, thái độ in hệt William Wilson, chỉ có một sự khác biệt duy nhất là anh ta chỉ thì thầm, không nói lớn tiếng được. Thêm nữa anh ta là người duy nhất cạnh tranh với William Wilson, anh ta gây ra tranh cãi và tỏ ý nghi ngờ những ưu điểm của William Wilson đối với bạn bè. William Wilson bực tức đến nỗi từ giã ngôi trường để đến học ở Oxford, nơi đây William Wilson bắt đầu thói chơi cờ bạc. Một buổi tối, William Wilson dùng một mánh khóe khiến một người sinh viên con nhà giàu bị thua hết tiền bạc. Thế là một người thanh niên che mặt xen vào và tố cáo sự gian lận của William Wilson với các bạn sinh viên. William Wilson đi trốn và tiếp tục cuộc sống ở Âu châu nơi kẻ song trùng vẫn can thiệp vào và lật đổ những kế hoạch của William Wilson. Trong một buổi khiêu vũ giả trang ở Roma, William Wilson gặp địch thủ của mình, ăn mặc y hệt như mình, và William Wilson đã đâm địch thủ với một thanh kiếm, rồi quay lưng một lúc, khi nhìn lại địch thủ, thì có một tấm gương và William Wilson nhận ra mình trong gương, mặt mũi xanh mét và đẫm máu. Khi đó kẻ song trùng mới lên tiếng, giọng nói bình thường, không còn thì thầm như trước: Bạn đã thắng, và tôi không chống nổi. Nhưng kể từ đây, bạn cũng đã chết, chết ở thế gian, ở trên Trời và chết với niềm hy vọng. Hồi trước bạn hiện hữu trong tôi, và hãy nhìn trong cái chết của tôi, hãy nhìn qua cái hình ảnh này là hình ảnh của bạn, bạn đã triệt để tự ám sát chính mình.

Qua ba truyện ngắn trên đây, chủ đề kẻ song trùng rất đa dạng và phong phú.

Kẻ song trùng của Võ Phiến, ngoài sự biểu lộ của tiếng huýt sáo và cử động đi đứng, là một hình ảnh không gây áy náy, lo sợ cho nhân vật tên Bành, nhưng là một hình ảnh chẳng những cho thấy sự già nua của Bành mà còn là một hình ảnh dửng dưng, nguội lạnh, không có sự sống. Phải chăng đây là sự báo hiệu của cái chết?

Kẻ song trùng của Maupassant, trái lại, là kẻ vô hình, càng làm tăng sự đe dọa vì là vô hình, hắn chiếm hữu con người của nhân vật kể truyện, và có những dấu hiệu về sự có mặt của hắn, như uống nước ở trên bàn, khiến nhân vật đâm ra áy náy, lo sợ, rồi cuối cùng quá bực tức đi đến hành động điên cuồng đốt nhà gây chết chóc cho kẻ khác và tự hủy hoại mình.

Với kẻ song trùng của Edgar Poe kỳ ảo tiến một bước nữa: kẻ song trùng không còn là một kẻ vô hình mà có một thân xác bình thường và một dấu hiệu đặc biệt là có tiếng nói thì thầm. Kẻ song trùng hành động trực tiếp với William Wilson, thẳng thắn cạnh tranh, khiêu khích hay tố cáo anh ta, khi anh ta có những hành động gian xảo. Và khi William Wilson giết kẻ song trùng thì cũng là tự giết mình. Người đọc có cảm tưởng kẻ song trùng là lương tâm của chính William Wilson.

Trong ba trường hợp, kẻ song trùng nếu không làm liên tưởng đến cái chết thì cũng kết thúc bằng cái chết.

(1) Độc giả có thể đọc ở đây truyện Le Horla do Liễu Trương dịch sang Việt ngữ dưới tựa đề: Tên Horla đấy.

Liễu Trương

—————–

Tài liệu tham khảo:

  • Joël Malrieu, Le Fantastique, Éditions Hachette, Paris, 1992.
  • Tzvetan Todorov, Introduction à la littérature fantastique, Éditions du Seuil, 1970.
  • Jean-Luc Steinmetz, La Littérature fantastique, Presses Universiatires de France, 1990.