Nguyễn Tiến Cường: Mỹ có thể “vĩ đại” trở lại dưới thời Trump II?

Cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12.02.2025 – không có sự tham dự của Tổng Thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy – bàn về phương thức chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy tương lai của Ukraine sẽ vô cùng ảm đạm. 

Theo sự bình luận của giới truyền thông, ông Trump đã hoàn toàn nhượng bộ Putin khi “gợi ý” đưa ra những điều khoản cho Zelenskyy nên chấp nhận để có thể kết thúc chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine và cho cả Châu Âu. 

So sánh những điều khoản này với những điều khoản mà Henry Kissinger thỏa thuận với Lê Đức Thọ ở Hiệp Định Paris 1973, có thể nhận thấy khá nhiều điểm tương đồng của Hiệp định Paris và “gợi ý” của Trump.

Tất nhiên Zelenskyy không bao giờ chấp nhận một hòa ước nhục nhã theo “gợi ý” của Trump như vậy. Các nước đồng minh của Mỹ trong NATO cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề những đề xuất của Trump, đồng thời cam kết tiếp tục ủng hộ, viện trợ cho Ukraine. Điều này gây ra sự rạn nứt trong NATO và việc Mỹ rút khỏi liên minh này trong nhiệm kỳ II của Trump là điều không thể tránh khỏi.

Cách đây hơn 6 năm, trong một video clip mà MSNBC phát ngày 18.10.2018, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga nhận xét:

“Thời kỳ Mỹ thống trị thế giới bằng siêu quyền lực đã chấm dứt và ông Donald Trump cũng hiểu rõ thân phận mình.”

Vào thời điểm đó, ít người để ý đến tuyên bố này nhưng hiện tình chính trị thế giới khiến người ta phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về nhận định của Putin.

Thời gian chấp chính của Donald Trump nhiệm kỳ II chưa đến 4 tuần nhưng cả xã hội Mỹ đã náo loạn, bất an với các sắc lệnh hành pháp bay tới tấp khiến nhiều người chóng mặt. 

Donald Trump – một nhà đầu tư địa ốc đang điều hành quốc gia như điều hành một công ty mà tương lai hết sức mong manh vì ông chủ chỉ thích những lợi ích đoản kỳ, thiếu viễn kiến, do không có khả năng hoạch định chiến lược dài hạn.

Bốn năm của nhiệm kỳ trước, Mỹ từ vị thế cường quốc hàng đầu, dẫn dắt nhiều quốc gia đã tự thoái thác vai trò, vị trí của một “đại ca”. Đơn giản vì ông Trump không muốn nước Mỹ gánh vác bất cứ trách nhiệm nào nữa (dù đi cùng với trách nhiệm, nước Mỹ cũng luôn nhận lại vô số lợi ích từ hữu hình đến vô hình), ông Trump chỉ muốn đi làm mướn và được thiên hạ trả thù lao. 

Mỹ không hề đơn độc trong việc thanh toán chi phí trong việc duy trì các căn cứ ở Nhật, Nam Hàn… Tuy nhiên, việc ông Trump đòi hỏi tăng tiền đóng góp của các nước sở tại lên 4-5 lần là chuyện hoang tưởng. Bởi Mỹ chẳng phải không thủ lợi khi đóng quân trên xứ người. Bên cạnh vấn đề kinh tế là hàng hóa, sản phẩm, đồ tiêu dùng…Mỹ sẽ được giới thiệu, quảng cáo với người dân bản xứ, văn hóa Mỹ sẽ được truyền bá rộng rãi làm tăng sức mạnh mềm của Mỹ, đó mới là điều đáng nói.

Năm 2018, một căn cứ quân sự Mỹ, mới, lớn nhất nằm ngoài lãnh thổ Mỹ – Căn cứ Humphreys – đã được xây dựng tại Nam Hàn với chi phí 10,8 tỉ $, Nam Hàn đã trả 90% phí tổn cho căn cứ này. Ngoài ra, tháng 10.2024, Nam Hàn đã đồng ý tăng 8,3% chi phí cho việc đóng quân của Mỹ tại Nam Hàn.

Giờ đây, khi trở lại Tòa Bạch Ốc lần thứ hai, ý tưởng trở thành “đầu nậu”, nhận bảo vệ an ninh – cho đất nước nào chịu chi tiền và chi thật đậm – càng rõ rệt hơn bao giờ.

Điều duy nhất khiến Tổng thống Trump khó chịu từ trước tới nay là Mỹ phải chi tiền cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu, châu Á, châu Phi,.. quá nhiều. Trump, với tầm nhìn ngắn hạn, thiếu kiến thức địa chính trị, nên không thấy và cũng không chịu hiểu sự hiện diện đó tạo ra ưu thế không thể cạnh tranh cho Mỹ cả về chính trị, kinh tế… và nhờ thế nâng Mỹ lên thành cường quốc hàng đầu từ Thế Chiến II đến nay. 

Chưa có tổng thống Mỹ nào ráo riết đòi các đồng minh trong khối NATO “ăn đồng, chia đều” như Tổng thống Trump. Cũng chưa có tổng thống nào đòi Nhật trả thêm gấp bốn lần, Nam Hàn trả thêm gấp năm lần chi phí duy trì quân đội Mỹ tại xứ của họ, nếu không sẽ rút quân, từ bỏ vai trò, vị trí của chính mình. 

Đã “ăn đồng, chia đều”, thậm chí đòi trả thêm tiền như làm thuê thì rõ ràng là muốn “cá đối bằng đầu, cá mè một lứa”, làm sao có thể giữ được khả năng chi phối, sức ảnh hưởng ở tầm mức “đại ca” như từ trước tới giờ? Tuy nhiên ông Trump, người thường xuyên tuyên bố làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại không thấy được điều hết sức đơn giản đó!

Thay vì chủ động nhập cuộc, đưa thêm ý tưởng mới, tạo ra những tiêu chuẩn chung cho cả thế giới, Tổng Thống Mỹ tuyên bố rút ra khỏi đủ thứ sáng kiến, thỏa thuận quốc tế tồn tại từ trước đến nay, từ thương mại đến môi trường vì… tốn tiền và không thấy được ngay những lợi ích lâu dài. Chẳng hạn rút ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, rút ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), dẹp bỏ tổ chức Viện Trợ Phát Triển Quốc Tê (USAID)…

Khoan nhìn những hiệp ước vừa kể như một ứng xử văn minh và có trách nhiệm với tương lai nhân loại, chỉ nhìn ở góc độ thuần túy kinh tế, rút ra khỏi những hiệp ước này đồng nghĩa với việc từ bỏ vai trò tham gia đặt định tiêu chuẩn cho sản phẩm, dịch vụ để giảm thiểu ô nhiễm. Nếu không có những hiệp ước có hiệu lực toàn cầu, làm sao bảo vệ việc xuất cảng sản phẩm, dịch vụ của Mỹ vì Mỹ vắng mặt trong soạn thảo hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu? Chưa kể chống khuynh hướng ứng xử văn mình thì làm sao dẫn dắt thế giới văn minh?

Tương tư như thế, việc chấm dứt chương trình USAID cũng là một thất bại khác của Trump trong trận chiến Quyền Lực Mềm (Soft Power War). Đồng ý rằng có những lỗ hổng của chương trình đã bị một số chính phủ độc tài lợi dụng để thủ lợi cho chính sách cai trị của họ, cũng như một số chính sách chi tiêu không thỏa đáng khác của chính phủ Mỹ và cần phải rà soát chặt chẽ từng đồng tiền thuế của người dân Mỹ chi ra, nhưng mặt khác, không thể phủ nhận lợi ích to lớn thu được từ những chương trình USAID thực hiện. Đó là xây dựng tình cảm tự nhiên đối với nước Mỹ tại các quốc gia, thu hút nhân tài từ khắp nơi muốn đến Mỹ học tập, làm việc sau khi biết đến Mỹ từ những việc làm, chính sách của Mỹ, chưa kể một khía cạnh khác là xây dựng được mạng lưới thu thập thông tin rộng khắp để phục vụ vào các mục đích khác nhau từ nghiên cứu cho tới an ninh cho chính nước Mỹ v.v…

Lịch sử Mỹ chưa có tổng thống nào như Trump, dọa tiêu diệt các di sản văn hóa – một hành động mà luật pháp quốc tế xem là tội phạm chống nhân loại – như Trump đe dọa Iran. Cũng chưa có Tổng thống nào đòi tiền bồi thường khi Quốc hội một quốc gia như Iraq đòi Mỹ rút quân ra khỏi xứ họ.

Mỹ không chống Hồi giáo. Trước nay, hoạt động của Mỹ ở Trung Đông là thuyết phục thế giới Hồi giáo cùng mình chống các phần tử Hồi giáo cực đoan, muốn hủy diệt văn minh phương Tây. Quan niệm và cách hành xử như Tổng thống Trump có khác gì giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên truyền rằng nên… chống Mỹ?  

Bên cạnh đó, ý tưởng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, mua hoặc chiếm Greenland của Đan Mạch, kích động dân chúng Canada trưng cầu dân ý sáp nhập Canada vào Mỹ để trở thành tiểu bang thứ 51…cho thấy tham vọng không thể chối cãi của Trump là bành trướng lãnh thổ.

Trong nhiệm kỳ I, chỉ vì sợ tốn kém ngân sách nên Trump lạnh lùng bỏ rơi người Kurds – cộng đồng luôn luôn sát cánh với Mỹ trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông – nhưng lại ra sức bảo vệ Saudi Arabia chỉ vì quốc gia này sẵn sàng trả thêm tiền dù chính quyền đương nhiệm của Saudi Arabia có đủ thứ chuyện đáng phàn nàn và cần hết sức thận trọng trong việc qua lại.

Tệ hại hơn nữa, sau cuộc gặp gỡ Netanyahu ở Washington D. C. Trump tấn công Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ICC (International Criminal Court), ra lệnh không cấp visa vào Mỹ cho các chánh án, công tố viên…của toà án này chỉ vì họ đã lên án, kết tội hình sự Netanyahu, Putin, lãnh đạo Hamas…Chưa bao giờ hình ảnh nước Mỹ lại xấu xí như nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2. 

Nước Mỹ trên hết của Trump là biến nước Mỹ thành quốc gia đi bắt nạt các nước yếu kém, đi dòm ngó các nước láng giềng giàu có có thể mang đến lợi lộc cho mình. 

Trong ngắn hạn, nước Mỹ chắc chắn sẽ “thắng” khi xử ép được nhiều nước, sẽ thu được nhiều tiền hơn nhưng về lâu về dài, các quốc gia khác chắn chắn sẽ tự hỏi liệu có nên xem Mỹ là một đồng minh, bạn bè hay chỉ nên là một “đối tác cần thiết”, và sẽ tìm đến những đối tác khác, những mối quan hệ khác, vì không thể “bỏ trứng vào một giỏ”. Liệu đó có phải là một nước Mỹ vĩ đại hơn?

Nguyễn Tiến Cường

*********

Nguồn tham khảo:

https://edition.cnn.com/2025/02/12/politics/putin-trump-phone-call/index.html

https://www.reuters.com/video/watch/trump-says-saudi-arabia-will-pay-the-usf-id611590123

https://www.rollingstone.com/politics/politics-news/trump-brags-about-serving-up-american-troops-to-saudi-arabia-for-cash-936623

Trump Asks Tokyo to Quadruple Payments for U.S. Troops in Japan

https://www.washingtonpost.com/politics/2019/11/26/trump-wants-south-korea-japan-pay-more-defense

https://www.bbc.com/news/articles/cx2p19l24g2o

https://www.reuters.com/article/world/us-forces-chief-says-south-korea-paid-for-90-percent-of-biggest-overseas-base-idUSKBN1JP0A2

https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/10/113_383636.html

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.