Bùi Chí Vinh: Nhớ Hoàng Ngọc Tuấn

Nhà văn, nhà báo Hoàng Ngọc Tuấn (1947-9/7/2005). Ảnh sau năm 1975.

Hoàng Ngọc Tuấn mất ngày 9-7-2005. Tình cờ lục lại kho sách cũ thấy bài tôi viết về anh đăng trên báo Doanh Nhân Sài Gòn hồi anh mất cách đây 19 năm. Thấy và xúc động mạnh. Rõ ràng tôi quen Hoàng Ngọc Tuấn khá muộn màng. Nói là muộn màng bởi anh có quá nhiều bạn bè trước 1975. Toàn dân văn nghệ thành danh đủ các loại hình nghệ thuật mà trong đó sáng tác thơ văn và hội họa là chủ yếu. Tôi có thể liệt kê ở đây một lô danh sách bạn bè quen biết anh với con số nhân sự đủ điều hành tất cả mọi tờ báo chuyên ngành về văn nghệ hiện nay. Một con số hoàn toàn mâu thuẫn với con người sống cô độc, khiêm cung và khép kín như anh. Một con số đáng lẽ chỉ thích hợp cho những doanh nhân quảng giao rộng rãi… 

Bởi vì đơn giản anh là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, là người đi tiên phong trong trường phái văn chương thơ mộng trước 75, là ngòi bút thần tượng của tuổi mới lớn miền Nam, là kẻ gieo rắc ước mơ lãng mạn cho đôi lứa thanh niên trước ngưỡng cửa vào đời, là tác giả của những Cô Bé Treo Mùng, Nhà Có Mimosa Vàng, Thư Về Đường Sơn Cúc, Tôi Và Em, Hình Như Là Tình Yêu… nổi tiếng. Nói tóm tắt, cùng với Nguyễn Tất Nhiên hùng cứ bên thơ ca, Hoàng Ngọc Tuấn được coi như “chưởng môn nhân” của môn phái văn chương diễm tình hiện đại chỉ sau thời kỳ Erich Segal tung ra tiểu thuyết Love Story như một cẩm nang tình ái gối đầu giường. 

Tôi biết Tuấn vào những năm 1975, 1976, 1977 khi còn là một Biên tập viên văn nghệ báo Tuổi Trẻ, tờ báo đầu tiên dám đăng truyện ngắn của anh, của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thanh Trịnh… cho dù phải thay đổi họ tên thành Tố Chân, thành Đoàn Thạch Biền. Còn tôi quen và chơi thân với anh càng ly kỳ hơn. Năm 1977 khi tôi được Thành Đoàn biệt phái lên công tác tuyên huấn tại trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới Xuyên Mộc thì tái ngộ anh tại văn phòng trường. Anh lên rừng trong tư thế nhân viên nghiên cứu xã hội do được nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu. Ở trên rừng tưởng chỉ có hai anh em làm văn nghệ hẩm hiu với nhau, dè đâu Tuấn cho tôi biết ở cánh rừng Phú Văn bên cạnh còn có dịch giả Ngọc Thứ Lang (người dịch cuốn Bố Già khét tiếng) và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (tác giả bài nhạc Mặt Trời Đen lừng danh) cũng vừa cai nghiện vừa tự đổi đời trong ngôi trường tương tự. 

Trên Xuyên Mộc, tất nhiên tôi và anh là hai “cây đinh văn hóa” của trường, nhưng không phải chỉ để viết báo tường, dạy bổ túc giáo dục cho đám trại sinh xuất thân du đãng, giang hồ, anh chị. Chúng tôi còn tham gia đội tuyển bóng đá trường đấu giao hữu khắp địa phương qua vai trò Hoàng Ngọc Tuấn là thủ môn, tôi là tường thuật viên cho đài phát thanh trường trong mọi trận đấu. Kỷ niệm của chúng tôi thời gian đó rất đáng nhớ dù hàng ngày bao tử lép kẹp vì đói. Tôi và anh thường lội bộ hơn 3 cây số đường rừng đầy vắt và rắn rít để uống cà phê bo bo rang, lương thực đem theo ăn trưa tại quán là hai cái bánh bao bột mì cứng như đá tảng. 

Kỷ niệm đẹp kéo theo tình bạn đẹp và không phản trắc. Bẵng đi hàng chục năm sau gặp lại con mắt vẫn có đuôi như thuở lên rừng. Tôi bỏ thơ ca quay sang viết truyện tình, truyện trẻ con, truyện phim kiếm sống. Còn anh bỏ nghề văn quay sang dịch thuật, viết báo thể thao đề tài bóng đá sống qua ngày với các bút danh Huấn Toàn, Nhị Ngọc. Chúng ta không dựa lưng vào bất cứ cái phao ân huệ nào mà cùng dựa lưng ý chí, năng lực trời cho để tồn tại. Dựa lưng đến ngày anh sức tàn lực kiệt. 

Ngày Tuấn mất, Nguyễn Thị Minh Ngọc (người mà Tuấn bị ám ảnh về tình yêu đến nỗi phải lấy bút danh Nhị Ngọc ghép tên hai người để nhớ cô). Chính Nguyễn Thị Minh Ngọc đích thân kêu tôi đến ngôi chùa quàng xác Tuấn để tôi đọc điếu văn, trước khi cô biểu diễn một trích đoạn sân khấu khóc Hoàng Ngọc Tuấn thay lời xin lỗi anh về một mối tình câm mà anh đeo đẳng đến trọn đời. 

Hoàng Ngọc Tuấn ơi, hôm nay thắp nén nhang cho anh như thắp cho cả một thế hệ đồng nghiệp trước 1975 đầy nỗi niềm. Một thế hệ từng rực rỡ một thời và đang cống hiến âm thầm dù có khi bị người đời ngộ nhận. Và nhân tiện tặng anh bài thơ ĐI, bài thơ anh thường bắt tôi đọc mỗi lần chúng ta cụng ly nhau, cụng ly với ông vua chân đất, cũng là biệt danh của anh… 

ĐI

Đi qua đèn đỏ đèn xanh

Đi để hiểu thế nào là thui thủi

Đi trong cảm giác của một người đang săn đuổi

Tự chạy quanh co trước đồ thị cuộc đời

Đi qua nơi có loài người

Thấy dã nhân lăng xăng trải chiếu

Đi qua nơi có trại cùi

Thấy con gái ngoắc tay yểu điệu

Đi, và một mình phát biểu

Nước mắt ứa ra ngụ ngôn

Đi, và nói ngọng luôn mồm

Tiếng cười trở nên tục ngữ

Đi qua nơi có loài thú

Thấy chúng mình không nỡ xa nhau

Đi qua nơi có nhà tù

Thấy anh ôm em giữa hàng song sắt

Đi nữa cho anh khóc ngất

Tình yêu đói giống dạ dày

Đi nữa cho anh thành Phật

Một tháng bốn tuần ăn chay

Bùi Chí Vinh