Cao Vị Khanh: Chữ nghĩa ba đào giữa hồi “đại dịch”

Đọc Nguyễn Viện, người viết văn ở cái xứ gọi là “Cộng hòa XHCN Việt Nam”

Đã lâu lắm, lâu từ cái lúc ôm nỗi nhục bỏ nước trốn đi, tôi ít khi tìm nhớ lại khoảng thời gian tôi đã sống qua ở đó, sau tháng tư năm bảy mươi lăm. Trại tù. Học tập. Cải tạo. Chợ trời. Phường. Khóm. B2 B3. Biểu ngữ. Tuyên cáo. Nghị quyết. Những chiếc loa phóng thanh ra rả đêm ngày. Nón cối. Dép râu. Túi dết. Những cuốn sách trân quý như người tình đầu đời bị chất đống trên những chiếc xe ba gác truy-lùng-sách-vở-phản-động (sic). Và phừng phừng ngọn lửa phần thư nơi đầu đường xó chợ. v.v… và v.v…

Tôi cố quên những hình ảnh, những cảnh tình đã sống trong 5 năm trót được… “giải phóng”. Tôi cố quên như cố quên một mụt nhọt đến hồi làm độc, sưng tấy máu mủ đau nhức cùng cực rồi thời may lặn mất. Vậy rồi, riết thành quen, tôi quên luôn tôi đang có một nước Việt Nam không còn dính dáng gì đến tôi vì thứ chính trị cuồng tín dựa hoàn toàn trên sự ngụy trá, một nước Việt bị tàn phá còn điêu tàn hơn cái lúc bị dập vùi bằng súng đạn. Tôi sống lơ ngơ ở xứ người, may là lao động để kiếm ăn chớ không phải lao động để vinh quang như lời bác-và-đảng (?!) đã dạy nên dù cực thấy mồ mà vẫn thấy khỏe ru, lúc rảnh rỗi lại cãi lời «bác-và-đảng» (?!), vảnh tai nghe nhạc vàng đến nỗi đâm ra mê mẩn, rồi lại lục lọi tìm đọc cho được thơ văn của những tên tuổi cũ từ thuở Sài-gòn chưa đổi tên, đôi khi chen vào những cuốn phim Tây, phim Mỹ … Tại (nhờ !) vậy mà rồi quên bẵng cái thiên đàng XHCN mà «bác-và-đảng» (?!) đã dày công chụp giựt cho được, bất kể bê bết máu xương. 

Thật ra không phải tôi muốn quên, chỉ là tôi không muốn nhớ. 

Tôi không muốn nhớ lại vì chỉ vỏn vẹn trong năm năm ở đó mà tôi thấy như mình vừa trợt chân tuột lại phía sau hằng hằng thế kỷ trên biểu đồ tiến hóa của nhân loại. Kiểu như đã có lần ông Nguyễn Chí Thiện bóng gió… Từ vượn lên người mất mấy triệu năm. Từ người xuống vượn mất bao năm? Thật ra có cần gì đợi tới bao năm. Liền-tức-thì. Ai đã sống ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 hẳn là không cần gì phải đợi. Không phải đơn thuần là sự thiếu thốn vật chất. Mà chính là trên bình diện tinh thần, tôi không chấp nhận sự thay đổi đó. Những người mới cướp được chính quyền đã moi móc hết mọi thủ đoạn để chèn ép, xua đẩy người miền Nam xuống loại công-dân-hạng-nhì, với chủ trương kỳ thị hẹp hòi không ngoài mục đích trả thù nhỏ nhen của họ. Cuộc trả thù bất nhân, hậu quả của một cuộc chiến vô đạo!

Dĩ nhiên, sau một cuộc thay đổi chế độ, không ai đợi phải được ân cần đối đãi. Người miền Nam mà không bị lùa như từng bầy súc vật bị lùa vào lò sát sinh khi Khờ-me đỏ tiến vào Nam Vang đã là phước đức. Tuy nhiên nếu không bị xử tử bằng mũi súng lục kê vào màng tang mà bị… cải tạo để xây-dựng-con-người-mới-xã-hội-chủ-nghĩa kiểu như ở miền Nam buổi đó thì nói thiệt có khác gì cái lối mấy ông vua Tàu hồi xưa xử người ta theo lối lăng trì, xẻo từng miếng thịt cho chết dần chết mòn, vừa chết vừa đau nhức… Chẳng vậy mà hồi đó, người ta hay nói cái cột đèn mà có chưn chắc cũng… vượt biên. Biết bao nhiêu oan trái đã ứ đầy nước mắt. Nhưng thôi, chuyện qua rồi. Nhắc hoài người ta biểu mình thù dai. Nhưng mà….

Chỉ có điều, ngoài cái chuyện tù tội, đói ăn… Cái chuyện làm tôi… “khủng” (!) nhất là thứ ngôn ngữ nói và viết của quý vị đi làm cách mạng từ rừng núi sình lầy của miền Nam hay từ bờ phia bắc của con sông Bến Hải trào qua!

Rõ ràng là sau khi xử tử nền dân chủ non yểu của miền Nam bằng đủ thứ súng đạn, dao găm, mìn bẫy, thừa-thắng-xông-lên, họ xài luôn thứ vũ khí tàn độc không kém gì mấy con vi-rút 19 bây giờ. Nó không nổ giòn như AK 47, không nổ tung như hỏa tiễn 122 ly, mà nó nổ từ từ như thứ mìn nổ chậm. Đó là thứ chữ và nghĩa phát sinh từ những xưởng đúc người đồng bộ, những khuôn chế người đồng dạng, đóng khung suy nghĩ, triệt tiêu sáng tạo, che mắt bít tai bịt miệng hai mươi mốt năm miền Bắc… nay được dịp phá rào cho đại dịch cộng sản lây tràn về Nam. Ngoài thứ chữ nghĩa với ẩn ý chính trị tráo trở nhằm để lừa gạt: xâm lược thì nói trớ lại là «giải phóng», bỏ tù thì lấp liếm là «cải tạo», tẩy não thì gạt gẫm là «học tập», giựt nhà giựt của thì dối trá là «quản lý», thưa gởi mà làm như quen rình mò nhau nên kêu là «báo cáo», cướp giựt tài sản thì mồm loa mép giải là «cải tạo công thương nghiệp»… Còn hằng hà sa số chữ nghĩa ngây ngô kể ra sao cho hết, thứ chữ Việt mới và lạ. Mà quái lạ thiệt.  «Hải cảng» coi bộ chắc sợ bị Bắc-thuộc-lần-thứ-ba nên sửa là «cửa khẩu» bất kể từ «khẩu» – gốc Hán-Việt đã có nghĩa là cửa! Sao không nói là cửa-cửa cho nó đúng điệu… cà lăm luôn. Rồi còn cái «vụ» và cái «việc» nữa, coi bộ sợ chưa rõ nghĩa tới «đỉnh-điểm» nên lắp ba lắp bắp là «vụ việc» cho chắc ăn hơn… Lắm khi lại còn lên mặt, cãi lời ông bà xưa đã dạy… dốt hổng chịu dựa cột mà nghe, lại cứ vênh váo nói chữ… kiểu như phó-tiến-sĩ với lại tiến-sĩ cả nước. Ôi thôi kể ra sao cho hết ! «Ghi tên», làm như nghe ra giống… ghi tên quá nên nâng cấp lên là «đăng ký». Rồi «liên hệ», «giao lưu», «sự cố», «nhất trí»…  Rồi «học vị», rồi « xử lý», rồi «bồi dưỡng», «bảo quản», «tư duy», v.v… và v.v… Nghe mà tưởng chừng cả nước đều là «viện sĩ» của một viện Hàn Lâm… «hoành tráng»!!! Nhất là cái lối xài chữ rổn rảng như phường tuồng, cứ làm nhớ đến truyện ngụ ngôn Con ếch muốn làm con bò của La Fontaine, Đồng chí nhà bếp nấu cơm «khẩn trương» (!?) lên nhé. «Tranh thủ» nhanh lên, đói lắm rồi đấy. v.v… và v.v… Nghe mà rụng rời tưởng đâu là sơn hà tới hồi nguy biến! Vậy mà đã hết đâu. Còn nữa, còn thứ chữ nửa nạc nửa mỡ, cái nhà, căn nhà thành ra «căn hộ» (khi ghép chữ thì dùng cùng một loại chữ, nôm với nôm, hán việt với hán việt, không ai đem râu ông nọ cắm bên cằm bà kia), lính thủy quân lục chiến thì để cho đúng chủ trương trong-sáng-hóa-tiếng-Việt (?!) thì gọi là «lính thủy đánh bộ», phi công thì gọi là «chiến sĩ lái», «giặc lái», đàn bà con gái mà đi lính thì gọi là «chiến sĩ gái» khiến lắm khi vì ù ù cạc cạc tôi cứ tưởng là… làm gái, trực thăng thì gọi là «máy bay lên thẳng», hai chữ kép «cương liệu» với «nhu liệu» trong ngành tin học nghe tư sản quá hay sao không biết mà đổi lại là «phần cứng-phần mềm», làm cứ tưởng là đang nói tới mấy cái phim sex ! Kể cả nhà bảo sanh cũng được gọi cực kỳ hiện-thực-xã-hội-chủ-nghĩa là «nhà đẻ»! Hết ý!

Vốn dĩ là một thằng mê chữ – mê chớ không phải là giỏi – thiệt tình mà nói tôi buồn hết nói, kiểu như Thúy Kiều khi ngồi buồn trông ra cửa biển chiều hôm mà ngó bốn bên, bên nào như bên nấy cũng buồn hiu. Xui cái là nhằm ngay lúc ba-dòng-thác-cách-mạng đang nổ̉i lên ầm ĩ theo như tài liệu “đảng ta” đã dạy, nên vểnh tai ra hướng nào cũng nghe ầm ĩ tiếng nhí nhố. Không lúc nào là không nghe, không khi nào là không dội vào tai những chữ những nghĩa cứ như đóng đinh vào tai. Số là sau khi coi như trả xong món-nợ-máu-với-nhân-dân vì cái tội… đi dạy học trò học chuyện nghĩa nhân, được cách-mạng-khoan-hồng (?) thả ra, tôi tưởng mình đã hết bị tra tấn với thứ chữ nghĩa kêu như bò rống mà rỗng như cái thùng không do đám quản giáo với lại quản huấn thi nhau lải nhải khi còn trong tù. Ai dè, vừa thoát ra khỏi cuộc tra tấn thính giác này lại lọt vào trận tra tấn khác. Lần này cũng huyênh hoang không kém với mớ chữ nghĩa quái lạ, câu cú trục trặc, không biết được moi móc từ cái kho ngữ vựng văn phạm nào mà lại không kém phần… vô nghĩa, vô lý và vô duyên quá mạng. Hẳn là sẵn đà… «giải phóng dân tộc», bèn giải phóng luôn mớ chữ nghĩa vốn đã thành khuôn phép. Danh từ bị kéo xuống làm động từ, động từ bị đẩy lên làm chủ từ… ngữ vựng ngữ pháp… gì cũng bất kể. Mà kể chi cho mệt. Xài sao cũng được, trong triều ngoài nội gì cũng «tầm cỡ» như nhau!

Ôi, chữ quốc ngữ của tôi! Thứ chữ đã sinh ra từ ước vọng thăng hoa của một dân tộc vốn đã quá điêu linh qua nhiều ngàn năm dâu bể, dẫu vậy đã trưởng thành và hoàn hảo không kém bất cứ một thứ chữ nghĩa văn minh nào khác. Những bậc tổ tiên uyên bác của tôi, đã vắt đầu vắt óc, nắn nót, chắt lọc, sắp xếp từng thanh âm, từng dấu phẩy dấu chấm… để tiếng nói câu chữ càng lúc càng uyển chuyển, càng súc tích, càng trầm bổng… Những bậc tổ tiên tài hoa của tôi đã biến cái mớ chữ không lấy gì làm trơn tru cho lắm lúc khởi đầu trở nên trong sáng, thông suốt, lả lướt không thua gì những con sông nước ngọt quê tôi chảy xuôi một dòng ra biển. Họ đã làm thơ, đã viết truyện, đã diễn thuyết, đã dạy dỗ… Từ khi Phan Khôi kéo dài ra cho con-mắt-còn-có-đuôi cho đến năm 1975, ngoại trừ một lúc yên bình ngắn như một cái chớp mắt, thời gian còn lại toàn là chiến tranh. Giặc giã liên miên, từ rừng núi kéo về đồng bằng rồi lan vô thành phố. Vậy mà giữa khi bom đạn mù trời vẫn lượn lờ những câu văn câu thơ đẹp tuyệt vời. Thử đọc lại mấy câu thơ của Quang Dũng những năm 40:

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa

Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Chữ nghĩa, thi ảnh, vần điệu … mọi thứ đẹp lung linh như chuyện Trang Sinh nằm mộng.

Hay vài câu thơ của Nguyên Sa những năm 60:

Người dáng dấp bơ vơ của bầu trời hải đảo

Tóc bồng bềnh trên nếp trán ưu tư

Những ngón tay dài ướm trọn mấy nghìn thu

Mà men sáng trong xanh mầu trăng vời vợi

Thơ là thành tựu tuyệt vời của những vận động liên tục nhằm thăng hoa một ngôn ngữ vốn đã lắm lần bị chèn ép.

Hay Tô Thùy Yên những năm 70:

Những người thuở trước bây giờ lạc

Trong dã sử nào như bóng mây,

Trong trí nhớ nào như giọng hát

Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!

Thơ biểu hiện cho sự trưởng thành của chữ nghĩa, phong phú và xảo diệu, vượt  bỏ ranh giới hạn hẹp, thô nhám của vật chất (cụ thể) để vươn tới cõi lung linh của khái niệm trừu tượng (tinh thần).

Hai mươi tám chữ thôi mà thơ xô người ta té ngửa vào cõi minh triết diệu kỳ của mông lung Lão Đam thiên-địa-bất-nhân-dĩ-vạn-vật-vi-sô-cẩu. 

Cả một thế giới hoa lệ của chữ và nghĩa đã được dựng lên với tâm ý chân thành và tình yêu dân tộc của bao lớp người đi trước, dù có học tàu học tây vẫn một lòng chung thủy với nước non, để ra sức điển chế một ngôn ngữ nôm na mộc mạc thành một ngôn ngữ văn chương giàu có và tinh tế. Đọc thử một câu văn của bất kỳ một nhà văn nào ở miền Nam nước Việt trước năm 75 coi, nếu không hoa mỹ thì cũng trong sáng, dù giản dị vẫn rõ nghĩa, cú pháp chững chạc rạch ròi. Chủ từ, động từ, tính từ, túc từ, trạng từ, giới từ… đâu đó phân minh, rạch ròi, rõ ràng như đinh đóng cột, chưa kể những thủ pháp mỹ từ, chính xác mà lả lướt không khác gì người họa sĩ vẫy cọ lên tranh mà đường nét và màu sắc hè nhau thoát bay ra ngoài khung gỗ. 

Thử đọc vài câu tùy bút của Đinh Hùng về một mùa thu dĩ vãng.

… Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Nắng ở đây vẫn là nắng ấm ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước … Tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh… 

Trời ! Văn chương gì mà chữ nghĩa lóng lánh như ngàn đốm sao đêm trên nền trời đen mượt.

Đọc thêm chút Mai Thảo trong Chuyến tàu trên sông Hồng:

… Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng dập cái tiếng dập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hút xoáy mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cũ. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn tròng trành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng mướt chở tới những khoảng sân gạch Bát Tràng nồng ấm hương lúa đầu mùa. 

Hay Nguyễn Đình Toàn trong Đêm lãng quên:

… Tôi đã nghe thấy tất cả cái hắt hiu tàn lạnh của một đời người, của những đêm mải mê trong các cuộc truy hoan, đỏ đen tích lại trong máu huyết, bây giờ đang muốn tắt đi cái dư vị cuối cùng, tắt đi cái chút lửa còn sót mỗi khi cơn bệnh bớt hành hạ, cho cái cảm tưởng, ta vẫn còn chân tay vẫn còn đời sống… Những buổi xế chiều, những sớm âm u, những giờ phút đời sống đã tự giấu mặt, đã lẩn khuất, đã lẫn lộn, tuổi già như một cơn nước lụt đã dâng lên tới ngang ngực, hơi thở đã khó khăn, những thú vui đã bị dìm cả xuống vực thẳm phiền muộn, những nỗi phiền muộn không tên…

Mà thật ra, cũng không cần phải nhắc chi đến những nhà văn nhà thơ tên tuổi. Ngay cả một người học trò cấp trung học ở miền Nam thời đó cũng thừa khả năng viết thành câu đúng chính tả, văn phạm. Và rõ nghĩa như một cộng một là hai.

Viết gì thì viết, tả cảnh tả tình, tả chân hay lãng mạn, viết đơn xin việc hay viết thư xin tiền kể cả khi rộn ràng cưới hỏi hay ngậm ngùi cáo phó, câu văn câu thơ ở miền Nam trước khi cháy rụi vì ngọn lửa phần thư láo lếu đã rất trong sáng, mạch lạc, cú pháp rõ ràng chặt chẽ. Chẳng bù từ đó đến nay… 

Từ đó đến nay, chẳng những mạng người bị cách cái mạng thôi mà chữ nghĩa cũng chạy không khỏi nạn bị tẩy não đến độ dở dở ương ương. 

Kể cả khi đã chạy bán mạng qua tới xứ người, những năm 80, chưa kịp hú hồn hú vía, tôi lại tá hỏa khi bất chợt nghe dội lại từ bên kia biển lớn mấy cái tiếng Việt… lạ hoắc, lạ tới nỗi hai lỗ tai lại lùng bùng: ùn tắc, quá tải, cười té ghế, siêu sao, bức xúc, tiền bo, fan cuồng… và … và … kể cả mớ chữ cũ nhưng đã được cải tạo rốt ráo để thích hợp với con-người-mới-xã-hội-chủ-nghĩa (!): giải phóng mặt bằng, vùng sâu vùng xa… Muốn đúng điệu, nói phải có chứng, lẽ ra tôi phải kê ra đây bảng liệt kê dầy mo đó. Nhưng khổ nỗi, tôi vốn dị ứng với những gì trái tai gai mắt nên nghe thấy rồi là quên, bây giờ mà cố nhớ lại chắc không khác gì… tự tra tấn. Nên đành… Dẫu vậy, cũng xin kê ra đây một mẩu tin… bất ngờ rồi vô ý… để lọt vô mắt và bảo đảm trăm phần là có thiệt chớ chẳng phải fake news thời thượng. Tin như vầy:

Chuyên gia dịch tễ nói gì về số ca mắc liên tục giảm?

Báo Nhân dân điện tử ngày thứ hai, 06/04/2020, 09:46:31

Tin được in đậm theo mẫu chữ Helvetica cỡ 18. Bảo đảm không thêm không bớt nửa nét nửa chấm. Đó là bản tin của cơ quan ngôn luận chính thức của cái đảng đang cầm quyền tối thượng ở nơi quê hương khốn khổ của tôi. 

Đọc rồi phát muốn bắt chước một cách nói liệu thường nghe trên miệng đời gần đây. Hiểu chết liền!!! 

Sẵn trớn tới luôn cho đỡ phần ấm ức. Đã có lần nào đó, trên cái vùng đất đầy những cung-văn-hóa mà nhà nước đã hô hào xây cất, có một tấm bảng hiệu của nhà nước (lại nhà nước) được dựng lên bên đường để dạy dỗ dân. Như sau:

Nhà nước mà viết văn chấm câu xuống hàng kiểu này, lỡ đàn ông con trai trên trái đất đang lúc nhúc người này đổ xô về xin tị nạn rồi lấy đâu mà gả bán cho đủ sau khi đã gả bán qua Đài Loan, Đại Hàn! Hết ý!

Đành rằng ai cũng biết, ngôn ngữ cũng có đời sống, có sinh có tử. Không ai cản được, theo dòng đời sẽ có những chữ biến mất, những chữ mới sinh ra để thay thế hay để đáp ứng với những nhu cầu mới. Tuy nhiên, y như trong một xã hội, đứa nhỏ được sinh ra trong một gia đình có học thức vẫn thừa hưởng được chút gì vốn liếng của cha mẹ nên ít nữa hàng xóm làng giềng cũng đỡ phần bị phiền phức. Đằng này…!

Lại nữa, thói thường, người ta vẫn phân biệt hai loại ngôn ngữ: nói và viết. Khi nói thì ba hoa chích chòe sao cũng không đến nỗi, ba cái tiếng lóng, tiếng địa phương, tiếng lề đường xã hội đen xã hội đỏ… gì cứ mặc tình. Vui thôi mà. Tuy nhiên, khi viết, mỗi loại ngôn ngữ, Tây Tàu Anh Mỹ và… Việt Nam v.v… đều có khuôn phép riêng của nó gọi là văn phạm. Văn phạm chính là cái khung chung làm mẫu mực để già trẻ bé lớn đàn ông đàn bà, thuận thảo hay chống đối, bán-vé-số hay đại gia… gì gì khi đọc đều hiểu rõ chung một ý. Mười người, hay mười vạn người đều thụ nhận như nhau… nếu biết đọc biết viết.

Đằng này… Lại đằng này…!!!

Tại vậy đó, mà lâu rồi, lâu lắm rồi, tự trong tôi có một phản ứng vô thức xúi tôi thà làm người vô tri hơn là hữu tri mà tri toàn chuyện… dị hợm.  

Nhưng mà… nói thì nói vậy chớ lắm lúc nghĩ lại thấy buồn lắm!!!

Cái thứ ngôn ngữ này, nó vốn «lây lan»(?!) không thua gì mấy con vi-rút thời nay. Một người dùng, rồi hai ba, rồi năm bảy… Có người nghe rồi muốn giễu cợt, nói theo cho vui, vui rồi quen miệng lúc nào không hay. Sẽ đến lúc, y như mọi loài vi khuẩn độc hại, nó ẩn núp trong cõi vô thức. Rồi dù không chủ ý, chữ nghĩa biến dạng, phát ra… Mười mươi người. Chục. Trăm. Ngàn… Cả đến không ít người bỏ công bỏ của chạy bán mạng, qua rừng qua biển, núp bóng tá túc xứ người. Vậy mà khi tụm năm tụm ba, có dịp vui miệng giễu qua giỡn lại, nói năng theo kiểu quê nhà… riết rồi một lúc nào đó, vô tình phát ngôn không khác gì người đang hoạnh họe ở đó. Kể cả một số quý vị đã tự nguyện mang trọng trách đối với mấy cái cộng đồng người Việt lưu vong, nhảy ra làm báo, cũng vô tình –hay hữu ý (!?) – không biết mà lắm khi bê nguyên văn một bản tin được viết bằng thứ chữ Việt không lấy gì làm đúng văn phạm cho lắm ở bên đó mà in lên giấy trắng mực đen ở bên này!!! Hay trên cái không gian ảo gọi là báo… mạng!!! Sao không kiên nhẫn thêm một chút, bỏ ra thêm năm ba phút, sửa chữ chấm câu cho đúng lề luật, cho bõ công đã ê a tập đánh vần từ năm lên ba lên bảy, đã gò gẫm tập chấm câu từ tuổi chín, mười… mà mấy ông thầy bà cô già đã còng lưng sửa nắn cho mình! Hỡi ôi… 

Rốt lại, cái chuyện vượt sông vượt biển…!

Nhưng mà rồi, nói thì vậy, không có nghĩa là tôi dứt tình với quê hương. Tôi thương lắm chớ cái xứ sở khốn đốn còn đang giẫy giụa trong bàn tay thô bạo của đám cầm quyền… chẳng những thiếu chữ mà còn thiếu nghĩa với dân tộc, chỉ có biết hết lòng đem bán nước đợ dân. 

Tôi đã cố quên. Chẳng qua như một thứ… giận lẫy! 

Chẳng qua, vì sau 49 năm gọi là hòa-bình-độc-lập-thống-nhất dưới sự cai trị của người cộng sản, tôi chỉ thấy hết điêu tàn này đến điêu tàn khác trong lòng người dân Việt còn kẹt ở đó. Ở đằng sau những dinh thự cung đình, những tòa cao ốc ngất ngưởng, những phi trường, xa lộ phẳng phiu… lần lần được dựng lên, tôi lại thấy quá nhiều những nhiêu khê phiền muộn chìm nổi trong lòng của những kẻ có lòng còn sống lây lất đâu đó trong cái xứ đứng chông chênh trên đỉnh-cao-của-trí-tuệ-loài-người (sic). 

Vâng, sau hết, vẫn còn những tấm lòng điêu tàn đang bị chôn vùi đâu đó dưới những lớp phù hoa giả tạo. Do một tình cờ đẩy đưa, tôi đã bắt gặp một cõi điêu linh… dữ dội còn ở đó. 

Nhà văn Nguyễn Viện.

Lần gặp gỡ đầu tiên, trên web Tiền Vệ từ vài năm trước, vừa đọc xong câu kết một truyện ngắn, tôi bỗng thấy chới với! Truyện ngắn “GIÓ Ở LƯNG”!

Y như thứ cảm giác choáng váng ớn lạnh khi bất ngờ đối diện với khoảng trời rộng vô biên nhưng lần này thì lại như úp mặt vào một hố sâu vô tận. Hai tâm cảnh dường như giống nhau nhưng lại khác nhau như trắng với đen. Cái trước, choáng váng vì sự bao la, lớn lao, khoáng đạt… gợi mở cho những viễn tượng. Cái sau choáng váng vì cảm giác bít bùng, nghẹn ứ… làm tắt nghẽn hết mọi dự phóng. Như bỗng dưng rồi lọt vào tuyệt lộ. 

Đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Vẫn nguyên cái cảm gíác như bước hụt một kè đá rồi lọt tỏm vào một hố sâu. Sâu không đáy. Chung quanh bít bùng tới ngộp thở. Mà cũng chẳng phải tác giả kể chuyện khoa học giả tưởng hay thần kỳ ma quái gì. Truyện chỉ là loại chuyện hằng ngày, xảy ra ở bất cứ đâu đó ở cái miền Nam Việt Nam, được viết 32 năm sau ngày hô hoán lên đã giành được độc-lập-tự-do-hạnh-phúc. 

Truyện bắt đầu như vầy:

1.

Ông đi ngang quán cà phê lợp lá lụp xụp. Có hai ba cô gái ngồi phía trước. Một đôi mắt nhìn theo ông. Bà chủ quán quen bảo: “Ông cứ thấy quán nào có mấy cây dừa che phía trước, bên trong có mấy cái ghế bố, thế nào cũng có em út”.

Vậy đó, chuyện kể lẩn quẩn loanh quanh giữa một người đàn ông chưa già nhưng hẳn không còn trẻ, vợ chết, sẵn tiền bạc giữa khi có rất nhiều, rất nhiều người chung quanh ông ta đang phải chạy gạo từng bữa… và những cô gái, những người đàn bà cô thế, của cải chẳng có gì ngoài cái thân xác cha sanh mẹ đẻ nên đem ra làm vốn kiếm ăn. Chuyện về thứ nghề xưa nhất trái đất này chưa bao giờ thiếu, ở đâu và thời nào cũng có. Dù có đổi tên, sửa chữ thế nào thì vẫn là thứ chuyện muôn đời. Hồi xưa đã có. Bây giờ cũng có. Mai mốt chắc cũng vậy. Tây, Tàu, Ma-rốc, Mỹ Nga… Tuy nhiên, chuyện xảy ra ở VN, dưới thời XHCN, lại với phong cách của ông Nguyễn Viện thì khác, khác trăm phần!

Chuyện chẳng có gì éo le mà lại toát ra vẻ bi-hài đến thê thảm khi mọi giá trị xã hội bị đảo lộn tùng phèo trong thời chó nhảy bàn độc. Những câu đối thoại cộc lốc, sống sượng  theo lối phang ngang bửa củi, biểu lộ tính chất đốp chát của một thời kỳ mà nền đạo đức lễ giáo ngàn đời đang bị cố tình đập phá để dựng lên một cái khung xã hội mới mà người ta gọi là đạo-đức-xã-hội-chủ-nghĩa. 

Tác giả có một lối viết ngắn, gọn và sắc, sắc như lưỡi dao dùng để chém treo ngành. Câu văn, chữ dùng giản dị, rạch ròi, thực, thẳng mà ẩn tàng kim chích của bầy ong vò vẽ. Thứ văn chương khi người ta bị bịt miệng, che mắt và treo lủng lẳng trên đầu những lưỡi gươm Damoclès. 

Trong truyện có kể những mối tình trai-gái, kể cả gái-gái– mà thực sự có thể gọi đó là tình yêu theo cái nghĩa chân phương nhất của chữ? Những người đàn ông qua lại cốt để thỏa mãn nhu cầu tình dục, những cô gái giang hồ – mà thực sự có thể gọi đó là những cô gái giang hồ theo cái nghĩa đen của nó, nghĩa là có tính cách chủ động, chọn lựa. Hay là phải bán thân nuôi miệng, nuôi gia đình khi cảnh nhà dưng không rồi lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Đã có một thời người ta xếp loại con người theo lý lịch (ba đời). Ông bà cha mẹ cao tằng cố tổ gì cũng được moi ra mà đánh giá, sàng lọc kiểu như sàng thóc rồi hoặc bị xô xuống làm hậu duệ ngụy-quân-ngụy-quyền để tịch biên gia sản hoặc được đẩy lên làm gia-đình-cách-mạng để chia chác của-cải-mới-được-giải-phóng. Đã có không biết bao nhiêu gia đình người miền Nam bỗng chốc bị thiếu cơm thiếu áo khi vừa dứt tiếng súng, cha, chồng, con trai hè nhau bị bắt nhốt vào các trại tù gọi là cải tạo, sau khi đã đuổi nhà giựt của… Khổ nỗi, đôi khi họ là nguồn sống duy nhất của người mẹ trẻ vừa sanh đứa con đầu lòng, của người vợ với bầy con sinh năm một, là chỗ nương tựa duy nhất của những cặp cha mẹ già mòn mỏi giữa bầy em ngơ ngác… 

Những cô gái trẻ măng, những người đàn bà quá lứa… từng ngày tô son trét phấn len lách qua những túp lều, những quán lá chắp vá bên lề đường trong ngõ hẻm để gọi là… cạo gió cho mấy ông khách… trúng gió. Có thể đó là công việc chính thức để «đăng ký» với phường, khóm, công an…? Nhưng gì thì gì, nội cái tựa của truyện đã là một cái nhếch mép cười…như mếu. Gió ở lưng! Hay là một tiếng rủa thầm vào cái bản mặt đạo đức giả của một chế độ chuyên trị ngoa ngôn xảo ngữ? Ai biết!

1.

…………………….

Người bạn giơ một ngón tay út. Cô gái cũng đưa ngón tay út cho anh ngoéo. Cánh tay của cô gái đầy lông bất chợt xỉa vào mắt và làm xốn dưới bụng ông. Cùng lúc, ông nhìn thấy về phía cánh tay cô một tấm bảng nhỏ treo trên vách: “Cạo gió-giác hơi-đấm bóp”. Ông hỏi ngay:

-Cạo gió giác hơi đấm bóp, ai làm vậy?

Cô gái trả lời:

-Trước kia má em làm. Bây giờ là em.

Ông cảm thấy mình có cơ hội cho một cuộc vui.

Vậy đó, chẳng có gì là lâm ly. Những người khách đến rồi đi, chụp giựt, bốc hốt. Đồng bạc ném ra, không mất. Vì đồng bạc ném ra là để thu về một món hàng không giá. Cuộc trao đổi sòng phẳng nhưng không thể không ngậm ngùi. Kẻ mua người bán thuận thảo, tiền trao cháo múc, không có người bóc lột và kẻ bị bóc lột để cần phải phát động cuộc đấu-tranh-giai-cấp như đảng-và-nhà-nước vẫn rêu rao nên những cuộc mua bán sòng phẳng đó rất được chánh quyền mới ngó lơ. Chẳng qua như một cái súp-bắp an toàn để giảm bớt áp lực trong cái nồi súp-de miền Nam đang sôi sùng sục vì những đòn phép gọi là cải tạo hết mực vô lý và hết mức vô đạo. 

……………………..

Hai ngày sau, ông quay trở lại một mình. Cô gái hỏi:

-Anh lại bị gió à?

-Chắc thế.

-Anh vào trong đi.

Ông lại nắm bàn chân cô ở công đoạn sau cùng.

Những lời đối thoại ngắn, gọn, như những mũi tên được bắn ra, qua lại vùn vụt. Hỏi-đáp. Đáp-hỏi. Những câu hỏi đáp như tự phát, không qua trung gian những nghĩ suy, do dự, đắn đo… đâu như đã có sẵn, như từ trực giác của mỗi nhân vật. Điều đó có đưa đến câu hỏi… tại sao. Tại sao nói mà không cần suy nghĩ như thói quen của cái loài… sậy biết suy nghĩ (L’homme est un roseau pensant. Pascal). Tại sao? Có phải vì nếu suy nghĩ đã chậm mất một tích tắc. Trễ một tích tắc có phải đã hụt mất một cơ hội. Sấp-Ngửa. Trắng-Đen. Ăn-Thua. Thành-Bại. No-Đói. Thiệt-Giả. v.v… và v.v… Đã có một thời. Thời bao cấp. Thời của những mánh mung, lừa lọc, gạt gẫm, lươn lẹo, chụp giựt… Đã có một thời người ta giành giựt nhau tới u đầu sứt trán nửa thước vải, một chai nước mắm… Đã có một thời người ta chen lấn, kèn cựa, chửi rủa, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để có được… một cuộn giấy vệ sinh, một lít gạo mốc, vài trăm gramme thịt cá ươn … Vâng, đã có một thời như vậy, sau ngày những người cộng sản chiếm được miền Nam. Và quê tôi, con người bị xô đẩy thúc ép tụt xuống hàng bản năng sinh tồn của loài thú bị thương. Lâu ngày, như một thói quen, chuyện trò trở thành đốp chát, ngôn ngữ trở thành vũ khí, theo kiểu bắn-chậm-thì-chết trong phim cao bồi miền viễn tây. Lời lẽ biến thành móng vuốt vừa để trấn áp vừa để tự vệ . Không có cái kiểu dài dòng văn tự lễ nghĩa lôi thôi của bọn-phản-động. Y như chiến thuật du kích. Đánh nhanh rút nhanh. 

3. 

……………………

Một em mạnh bạo nói:

-Xả láng ngày mai trời lại sáng.

-Giỏi. Chị Tư khen đàn em. Chúng mày có biết Thúy Kiều không?

-Cái con đón khách ở đầu cầu Thị Nghè phải không chị? Một cô hỏi.

-Ừ, thì cũng đại loại vậy. Tuy nhiên nó là một mẫu mực tầm cỡ quốc gia chúng mày cần phải học hỏi.

-Nó làm tình hay lắm à?

-Ừ. Làm tình thì đẳng cấp quốc tế. Ngoài nghệ thuật làm tình, chúng mày cũng phải theo gương nó báo hiếu cha mẹ cho phải đạo.

-Tháng nào em cũng gởi tiền về nhà. Nhiều khi phải vay tiền để gởi nữa đó.

-Nói chung, tao thích đứa nào biết có trước có sau. Nói xong, chị Tư bảo: Nâng ly.

-Vô…

Cả đám nốc cạn.

Đọc thử thêm một đoạn ngắn về chuyện mấy cô gái bán thân bàn với nhau cách thức làm ăn. Không thua gì mấy bản quyết nghị hạ-quyết-tâm của đảng-đoàn-chi bộ … vẫn thường được phổ biến buổi đó.

5.

……………………

Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Thúy Kiều vĩ đại:

-Ôm chân đại gia ngay khi có cơ hội.

-Sẵn sàng làm vợ bé, vợ hai, gái bao khi được chung chi đủ.

-Chiều khách theo yêu cầu.

-Khách không yêu cầu cũng tận tình phục vụ để câu khách quay trở lại.

-Báo cho khách biết khi có kinh.

…………………….

Truyện được viết với lối văn cộc lốc, khòng hoa hòe hoa sói, không tả tình tả cảnh, cũng chẳng lý luận lý giải gì ráo, kể cả lắm khi sống sượng. Tác giả không ngại ngần, cũng chẳng lựa lời lựa chữ như phong cách cổ điển khi viết văn. Có- sao-viết-vậy-người-ơi. Chuyện xảy ra ở một nơi chốn mà ngôn ngữ ước lệ (thưa gởi hay vâng dạ) thường không được ưa chuộng. Kiểu như đòi một ông cán bộ trung kiên ăn nói mạch lạc, có đầu có đuôi, có tình có nghĩa thì chẳng khác gì là đi… “khiếu kiện” đời nay vậy thôi. Những câu đối đáp qua lại ngắn ngủn, cục mịch … y như lối nói bạt mạng của những người đã bán mạng mình cho quỷ dữ, đời chẳng dám nghĩ đến ngày mai. Chữ nghĩa như thứ trái cây sống sít, đắng chát, không đầu không đuôi, ngang bứa… kể cả tục tằn. Tác giả viết mà như dang tay bưng nguyên cái quán lá với đầy đủ bàn ghế ly tách, cái giường sắt nhớp nhúa, khách khứa gái ghiếc… với nguyên vẹn những đẩy đưa ong bướm, nguyên vẹn không thêm không bớt một tiếng cười, một tiếng cãi lẫy, một tiếng rủa xả hay một cái nguýt háy ghen ghét. Y chang thứ không khí đùng đục thường trụ những nơi đó. Thật như không thể thật hơn nữa. Bởi vậy mà đọc tới đâu sững sờ tới đó. Những chữ và nghĩa trần trụi như thứ truyện không có chuyện lại làm toát ra một văn phong chững chạc. Chững chạc tới độ lạnh ngắt. Lạnh ngắt mà nóng hổi thời sự. Thứ thời sự mặn chát nước mắt nuốt ngược vì uất ức bởi những oan khuất mà cả miền Nam đã gánh chịu ngay sau khi vừa biết mặt mũi của hai chữ hòa bình. Ngược đời là chính những người tự xưng đã mang lại hòa bình cho dân tộc đã làm bùng nổ ra một cuộc chiến tranh khác, không ì ầm tiếng bom đạn mà lại tàn phá hồn dân tộc không thua gì bom đạn. Chính sự nghịch lý đó đã làm nền cho bức tranh hiện thực mà tác giả đã vẽ ra theo lối ý-tại-ngôn-ngoại.

Cả một nền đạo đức lễ giáo vốn dĩ là nền tảng dựng nước và giữ nước từ ngàn năm, bỗng chốc bị thẳng tay phá hủy đưa đến tình trạng cả nước như một ngôi nhà không còn kèo cột, mọi giềng mối bị phá tung, giựt sập… Người có quyền thì mặc tình thao túng, nếu không cướp giựt được công khai thì lươn lẹo để cướp giựt, không phải từng-cây-kim-sợi-chỉ mà từng căn nhà, khoảnh đất… rồi nhà lầu rồi xưởng máy, v.v… và v.v… Người bị cướp thì lê lết ra lề đường xó chợ mà mắt thì ngó dáo dác tìm đường ra biển… hễ được dịp thì hè nhau bỏ xứ mà chạy bất kể công an biên phòng, sóng gió, hải tặc… Người kẹt lại thì như con thú bị mắc bẫy, lúng ta lúng túng, vật vã xoay trở đủ cách để sống còn, kể cả bằng bản năng sinh tồn của con-vật-người mà người ta đã luôn tìm cách chế ngự. 

Thêm 10 năm, 20 năm, 40 năm sau… 

Thử đọc lại đôi dòng trong một bài viết của ông Hà Sĩ Phu có tựa đề là “Tổ quốc trước cơn liệt-khùng nhân cách”, chắc đâu khoảng mươi năm trước:

“Sự liệt thường được hiểu là dịu đi, xìu đi… nhưng sự liệt này lại kèm theo một hội chứng hung hăng đầy rẫy bạo lực: chưa bao giờ người Việt lại xài vũ lực với nhau hăng như bây giờ. Hành hạ, tra tấn, chém giết nhau như cơm bữa. Những cuộc “đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn” này, những cuộc “phê bình bằng vũ khí” này lại không phải là đấu tranh giai cấp như Mác-Lê mô tả, mà toàn là trận chiến trong gia đình, trong nhà mẫu giáo, giữa bạn bè, thầy trò, giữa công an với dân… trong hàng ngũ cách mạng với nhau cả. Cô giữ trẻ cấm trẻ khóc bằng cách bịt miệng cho đến… chết, công an bịt miệng bị cáo giữa tòa án nghiêm trang, trò nện thầy ngay trên bục giảng, cô giáo bắt học trò liếm ghế của mình, bà là mẹ liệt sĩ mà bị cháu đánh gãy xương nên cũng thành “liệt”… sĩ luôn, nhà trường giao học sinh cho công an dùng vũ lực dạy giúp, công an tống súng lục vào miệng học sinh để hỏi cung, công an tạt tai khách qua đường hoặc đánh cho lên bờ xuống ruộng chỉ vì quên không đội mũ hoặc đi ngược chiều…”

Rồi đem so với thời buổi bây giờ, ngày này tháng này năm này, thử coi có khác đi chút nào. Hẳn là không. Không một chút thay đổi, ngoại trừ tên gọi của nạn nhân, chức tước hay quyền lực của kẻ cầm quyền.

Mới đây, ngày 16 tháng 6 năm 2020, trên báo Người Việt lại đăng tin chuyện một người đàn bà, vốn là cô giáo, cởi quần cởi áo, bỏ thân lõa lồ, chạy phăng ngoài đường phố để kêu la cho một nỗi oan ức. Thử nghĩ coi, một người đàn bà (cô giáo) với tất cả sự e thẹn, kín đáo cố hữu của phụ nữ mà đến nỗi lấy chính tấm thân trần truồng của mình làm phương tiện kêu la. Nỗi uất hận đó hẳn là lớn hơn gấp bội lần phẩm giá của con người!!! Đây lại không phải là lần duy nhất. Cái chuyện gọi là dân-oan-khiếu-kiện, kể cả cởi truồng để «khiếu kiện» dường như đã xảy ra hà rầm, ở đó.

Đọc xong bản tin, tôi vuột miệng chửi thề mà không kịp bịt miệng. Ủa, mà tại sao lại bịt miệng? Tán thán từ nào trong chữ nghĩa Việt Nam đủ nồng độ để diễn tả sự phẫn uất và chán chường trong tôi ngoài cái tiếng chửi thề tục tằn mà ai nấy chắc sẽ ngại ngùng khi nghe tới hay khi lỡ miệng tuôn ra. 

Ấy là chưa kể tới ba cái vụ «biển đảo» với lại «tàu lạ» của … Tàu phù!

Trên cái phông một đất nước với tệ trạng chính trị và thảm trạng xã hội như vậy, thử coi còn có thể lựa lời nào hơn để biểu lộ nỗi buồn, niềm đau xót và tức nghẹn cho cả ngàn năm lịch sử của một dân tộc đã có thời tự hào là văn hiến ở một góc trời đông!

Tôi đọc Nguyễn Viện và tôi hiểu. 

Văng tục và chửi thề!!!

Truyện GIÓ Ở LƯNG là một truyện ngắn được phân chia thành nhiều tiểu đoạn, đánh số từ 1 tới 32, cốt chuyện dù được phân chia như vậy vẫn giữ được sự liền lạc từ đầu đến cuối. Thời gian, không gian và nhân vật cũng như tình tiết vẫn xuyên suốt theo chủ đích của tác giả. Quán do ba chị em ruột trông coi với vài ba cô làm công, mua bán nước uống là phụ mà mua bán thân xác là chính. Ông khách quen, lần lượt thân thiết với cô út, rồi ăn ở với cô ba rồi gần gũi với cô hai. Xảy ra vài ba chuyện lủng củng trong nội bộ, cũng có thể gọi là yêu đương, ghen tuông, gạt gẫm này nọ như trong bất cứ quan hệ trai gái nào khác, đặc biệt là trong cái thế giới không còn rào cản của vòng luân lý quen thuộc trước cái hồi bị cơn đại dịch giải phóng. Nếu không có nghệ thuật riêng của tác giả chắc cũng không lấy gì làm lạ.

Chỉ có điều là giữa các đoạn, thỉnh thoảng tác giả chen vào những đoạn mạch không ăn nhập gì với diễn tiến của cốt chuyện, giống như giữa những phân cảnh trong một vở kịch có những màn phụ diễn, ca hát hay làm hề, để lấp đầy khoảng trống cho đào kép có thì giờ thay đổi xiêm y. Dẫu vậy nhưng lạ một điều, xuyên suốt từ đầu đến cuối người đọc lại không bị lạc lối mà vẫn noi theo cái hướng của tác giả đã vạch ra cho tới khi… muốn bật ngửa khi vừa hết chuyện. Điều đó có nghĩa là dẫu như chơi mà rất thiệt, tưởng là lu bu mà hóa ra nhất quán. Lối viết như diễn ra hai hoạt cảnh song song cùng lúc, chuyện tưởng tượng xảy ra bên trong chiếc quán lá với những nhân vật cô hai, cô ba… và  chuyện thật đã và đang xảy ra ở bên ngoài cửa quán, từ những khẩu hiệu giăng đầy đường tới những cung cách thô bạo của đám cầm quyền, cũng như những thảm trạng xã hội… Tất cả diễn tiến song song y như kỹ thuật làm phim mới mà không gian và thời gian trùng lắp lẫn nhau. 

Thử đọc một đoạn đối thoại giữa hai cô gái, cuối đoạn 7 với đoạn 8:

7.

……………………….

-Mày không thích dâm thì nhường cho tao.

-Bộ chỉ có mày biết kiếm tiền hả?

-Tao vừa thích tiền vừa thích dâm…

 8.

Quỉ vương dưới hoả ngục cười kha kha: Nước có thể cạn, đá có thể mòn, song ham muốn của con người không bao giờ thay đổi.

……………………….

Hay như :

25.

………………………..

Ông xoa nhẹ trên cái bụng căng tròn của cô, hỏi:

-Nếu có xe rồi em còn đi làm nghề này không?

-Em cũng chưa biết nữa. Cô bảo.

-Em có định về nhà để đẻ không?

Cô cười:

-Mắc cỡ chết.

-Có chơi có chịu, sợ gì.

-Không dám đâu.

-Biết ai là bố đứa nhỏ không?

-Chỉ đoán chừng được trong vòng 3-4 thằng.

Tay ông vẫn xoa trên bụng cô. Cô hỏi:

-Anh có thích đàn bà có bầu không?

-Anh thích vuốt ve những cái bụng bầu. Mặc dù nó không phải là con anh.

-Đẻ xong, em bỏ con ở cửa nhà anh nhé.

-Cũng được. Mà biết nhà anh chưa?

-Cho địa chỉ đi.

-Ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm – Lê Duẩn, quận 1.

-Chỗ đó là Sở Thú mà.

-Đúng rồi. Anh là một con khỉ sổng chuồng.

 26.

“Ở thành phố biển Nha Trang có một nghĩa trang do một nhóm người thiện nguyện lập ra để chôn cất các thai nhi xấu số bị tước quyền làm người. Các em phần lớn được nhặt ở các bệnh viện và phòng khám tư…” (Báo Tuổi Trẻ ngày 23.11.2007). Riêng con của cô gái ở quán cô Út sau này bị vứt dưới chân cầu vượt trên xa lộ vành đai. Khi người ta phát hiện ra đứa bé thì nó đã bị lũ kiến cắn chết.

 Thêm một vài đoạn 

Đoạn 4: Bọn cớm đút súng vào mồm thằng ma cà bông bảo: Cho mày biết thế nào là văn hiến.

Đoạn 12: Bọn dân quân xúm lại đá dập dái thằng nhóc đang học lớp chín, nói: Cho mày tập làm đại bàng.

 Đoạn 19: Bọn cớm cùm chân một công dân lương thiện, bảo: Cho mày biết thế nào là công lý.

 Đoạn 23: Ông giáo sư nói với cô sinh viên đổi tình lấy điểm: Hai vú của em đáng được điểm 10.

Đoạn 29: Cô giáo nhà trẻ quát: “Đứa nào khóc tao dán băng keo vào miệng”. Tuy thế vẫn có đứa khóc. Cô giáo lấy băng keo bịt miệng đứa bé cho đến khi nó vĩnh viễn không thể khóc được nữa.

Đoạn 30:

Ở quán cô Út. Cô gái nói:

-Quán hôm nay vắng, từ sáng đến giờ em chưa ngồi bàn. Anh vào trong với em nghe?

Ông cười không nói gì. Một cô khác đến ngồi vào lòng ông:

-Chỉ có anh là dễ thương nhất.

Một cô đứng sau lưng bóp vai cho ông:

-Chút nữa cho em ít tiền nhé.

Ông hỏi:

-Hôm nay có mấy em?

-Dạ, năm.

-Tụi em muốn ngồi từng em hay tất cả cùng vào?

-Vô luôn. Các em đồng thanh nói.

-Đi. Ông nói rồi đứng dậy.

Các em dìu ông vào phòng trong. Ông nghĩ, một ngày tàn.

Đoạn 31: Bọn cớm bảo: Biểu tình tự phát chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa là bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, bất hợp pháp. Nói chung là láo.

Đoạn 32 :

Người đàn ông cảm thấy thế giới chỉ còn l… là đáng kể.

Hết chuyện.

(- xin cho tôi hết lời tạ lỗi cùng tác giả về cái tội lược bỏ một nguyên âm (ô) với một phụ âm (n) và một dấu giọng (dấu huyền) trong câu kết truyện mà riêng tôi, tôi thấy trầm thống không khác gì thủ pháp sư tử hống. Nó khép lại để mở ra cả một thế giới dù bị cố tình che đậy vẫn cứ hở ra toác hoác trước mắt người thiên hạ. Khổ nỗi, như bất cứ một kẻ hèn nào lúng ta lúng túng trong mấy tấm lưới phong tục tập quán xã hội đạo đức giăng quanh nên đành… tự-ý-đục-bỏ!!!)

Cái đời đọc sách ngắn ngủi của tôi so với sức sống vạn niên của sách vở chẳng khác gì như đem chim sẻ mà so với hồng hộc. Tuy nhiên, được cái là do tánh ý thày lay, tôi có thói quen đọc bất kể, chính trị lịch sử văn học phê bình hồi ký, trinh thám võ hiệp tâm lý ái tình đường rừng xã hội… ngay cả dâm thư. Tôi đọc tuốt luốt, chẳng phân biệt best-seller với lại sách-in-tặng-không-bán, và cũng chẳng phân biệt chủng tộc, vàng đen đỏ trắng… Vậy mà cam đoan chưa bao giờ tôi sững sờ, sửng sốt, sựng… lại nín thở mấy giây đồng hồ như khi đọc tới câu cuối của GIÓ Ở LƯNG! Vậy mà khi hoàn hồn lại cười khà, như vừa nín thở nốc xong một ngụm rượu mạnh, khà một tiếng cho hả hơi mà cũng cho thỏa lòng khoái trá. Rồi lại muốn được đối ẩm cùng tác giả mà cụng ly cho thỏa lòng ngưỡng mộ.

Thật vậy, có mấy ai mà dám hỗn hào khi đem tung hô bộ phận sinh dục của người đàn bà một cách công khai và quyết liệt như vậy để đối chứng với thực chất của một xã hội… dù vốn dĩ bại hoại tới hết thuốc chữa. Mà lại công khai xài luôn cái tiếng nôm na, trắng trợn mà cả thiên hạ ai nấy đều tránh né ngoài mặt dù trong lòng…! Ẩn nghĩa của câu văn là một phản chứng hùng biện nhất cho những khẩu hiệu tuyên truyền treo đầy đầu trên xóm dưới mấy chục năm qua ở đó, là lời kết án hùng hồn nhất về những tội ác mà đám cầm quyền đã chủ trương hoặc dung túng làm tình làm tội cả mấy chục triệu dân Việt từ khi độc quyền làm chủ đất nước. 

Đúng ra, danh xưng đó tự nó chỉ để gọi một bộ phận trong thân thể đàn bà, như cái đầu, cặp môi, vầng trán, lá phổi, trái tim, … v.v… Nó có danh xưng khoa học, nó có tên gọi văn hoa hoặc nôm na như mọi thứ trên đời này. Nó cũng vô tội như cái răng cái tóc là gốc con người mà ông bà đã dạy. Nó được chúa dấu vua yêu. Nó được ông Nguyễn Khuyến, bà Hồ Xuân Hương làm thơ nhắc nhở… Nhưng rồi theo thói đời vốn vẫn thường mâu thuẫn, càng được yêu chuộng bao nhiêu lại càng bị ganh tị bấy nhiêu, rồi đem gán ghép với những ý niệm xấu xa, chẳng ăn nhằm gì hết đến cái thiên chức mà tạo hóa đã giao phó, rồi đem bêu riếu bằng những giá trị đảo ngược cho hả lòng ghen tức. Đôi khi lại bị mấy bà Hoạn Thư đời nay xách mé nói này nói nọ làm như chỉ có một bên mà làm nên tội lỗi. Bởi vậy, từ cái chỗ kín đáo nhất và thường được yêu vì vậy mà có khi trong cơn nổi tam bành mà nhất là vì ghen tuông, người ta có thể lôi nó ra mà rủa xả nhau, ví như là cái gì xấu xa nhất, ghê gớm nhất… mà thật ra có gì khác đâu khi được yêu dấu hay bị ghét bỏ. Vì vậy đó mà cứ phải lánh mặt cho yên. Hẳn ai nấy chưa quên bức tranh L’Origine du monde của Gustave Courbet được vẽ từ năm 1866 mà cứ phải che che giấu giấu cho mãi đến hơn trăm năm sau mới được đem trưng bày công khai ra cho công chúng thưởng lãm. Hễ là hồng nhan thì phải đa truân chăng ? Cho đến cả tên gọi nữa cũng chịu chung phần số. Nói gì thì nói, mà hễ động tới là già trẻ lớn bé gì cũng ấp a ấp úng, như líu lưỡi tìm cách quanh co để khỏi nhắc tới. Mãi riết rồi, người ta làm như… kính nhi viễn chi, lục tìm đủ thứ lý do kể cả thuần phong mỹ tục… để mà tránh né! Bởi vậy mà chẳng mấy lúc, đã chẳng biết mang ơn thì chớ lại từ một vị thế thân cận, thiết yếu bậc nhất cho dòng sinh mệnh của nhân loại bỗng dưng rồi bị xếp vào loại… cấm kỵ cho đành. Đặc biệt là trong văn thơ… Vậy mà, lần này lại được … lên ngôi !

…………………

Các em dìu ông vào phòng trong. Ông nghĩ, một ngày tàn.

Đoạn 31: Bọn cớm bảo: Biểu tình tự phát chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa là bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, bất hợp pháp. Nói chung là láo.

Đoạn 32 :

Người đàn ông cảm thấy thế giới chỉ còn l… là đáng kể.

Truyện được kết thúc với sự tôn vinh tuyệt đối cái hình tượng vừa quen thuộc vừa cấm kỵ, vừa là cửa ngõ của đam mê vừa là đầu mối của tội lỗi. Đem đánh đổi hết mọi rắc rối của đời sống, mọi khắc khoải trước vận mệnh của đất nước vào cái chỗ vừa được yêu vì vừa bị oán ghét đó như một phản ứng triệt để nhất về những tệ trạng đã và đang diễn ra ngay trước mắt. Sự đồng hóa bằng cách nói nghịch đảo nỗi tuyệt vọng về nạn nước với biểu tượng sex đàn bà ở đây gần như là cách văng tục, một tiếng chửi thề, khi ngôn ngữ bình thường tới hồi bất lực. Đó là biểu hiện tuyệt đối cho ý thức vừa phủ nhận vừa chống đối cái nguồn gốc – chính thể – đã tạo ra thảm trạng đó. Với một cung cách khinh miệt độc đáo.

Đôi khi, chửi thề là cách thế sống ở đời!

Và dường như tác giả còn lắm phen phải chửi thề như vậy. 

Còn nhớ, người Nam ta, ngay từ lúc còn nhỏ như củ ấu, vẫn thường được cha mẹ dặn dò kiểu như Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo,  không được văng tục hay chửi thề. Ý như cả hai có cùng hậu quả như nhau. Lớn lên, rồi xa cạ với đời chìm nổi, lắm khi giận tím mặt nhưng rồi phút chót, lại nhớ lời xưa, nên đành dằn xuống… mà lầm thầm… mình chửi mình nghe!

Vậy mà đọc Nguyễn Viện rồi, tôi lại muốn hợp âm với ông mà… văng tục với lại chửi thề. Dù vốn chủ trương văn chương vẫn phải là đẹp là sáng như nguyên nghĩa của hai chữ văn chương. Văn chương là trau chuốt, là gọt giũa … cho đẹp cho sáng từ nội dung đến hình thức. Có điều khi thực tế đã vượt quá mức chịu đựng của con người. Và ước vọng sửa đổi đã thành tuyệt vọng thì phản ứng dung tục có khi là sự cần thiết để dằn cơn phẫn nộ. Không phải một sớm một chiều đã khiến tác giả phải vung bút phá vỡ cái khung mỹ thuật cổ điển của văn chương. Hẳn cũng đã lắm lần đắn đo… Một khi thực tế, đối tượng của sáng tác đã vượt quá khả năng chịu đựng của con người thì văn chương có còn phải giữ theo mỹ cảm xưa. Hơn nữa, lương tâm của người cầm bút vốn là rào cản cho họ, nếu đã ngăn cản họ thỏa hiệp với cái xấu, cái ác… thì mọi sáng tác cũng chỉ là phản ảnh trung thực của chính cái thực tại mà họ đã sống, đã hãnh diện hay đã hổ thẹn. Có điều, có lắm khi, lời lời thân ái không bằng một cái quàng vai, có khi hàng hàng chữ không bằng một cái nhún vai, và cũng có khi hàng hàng trang giấy không bằng một tiếng chửi thề (văng tục!)

Ông Nguyễn Viện còn viết nhiều lắm. Truyện ngắn, truyện vừa… và thơ. Trong nhiều truyện khác, chữ nghĩa của ông còn sắc sảo, mạnh bạo, quyết liệt và bén nhạy hơn nữa để phơi trần những sự thật bỉ ố̉i được che giấu đằng sau những hào nhoáng giả tạo, lố bịch đến độ trân tráo… Đôi khi ông mượn luôn những nhân vật có sẵn trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, từ Thúy Kiều, Đạm Tiên đến Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến… giữ nguyên tên gọi với riêng từng cá tính đã thành danh của họ, mỗi tên gọi biểu hiệu cho một nhân vật đang cầm quyền, dựng lên một vở kịch đời nham nhở với đủ thứ bi hài để mô tả không run tay cái chính trường đang là hiện thực ở đó. Thích thú cho người đọc là nhờ chính tài năng và tính cương trực thêm một óc hài-hước-xám của một ngòi bút không để bị bẻ cong, ông đã khiến cho người biệt xứ dù xa xôi, vẫn gần như chứng kiến được tận mắt những trò ma mị bỉ ổi của hệ thống cầm quyền ở đó mà họ luôn tìm cách che giấu. Những trò đổi chác, mặc cả, lươn lẹo, lừa đảo, dối trá… trên số phận của hàng chục triệu người dân vô tội qua miệng lưỡi của những tên Sở Khanh, Mã Giám Sinh… thời đại khiến người đọc lắm lúc muốn mở miệng… chửi thề! 

Rồi buồn. Ôi đất nước tôi xa ngàn dặm, có bao giờ tìm lại được niềm hãnh diện của quê xưa để đem khoe cùng thiên hạ!

Sau hết, xin đọc thêm một câu, chỉ một câu thôi, trong truyện ngắn có tựa là Đại gia của tác giả được viết năm 2008.

Quê hương, đồng nghĩa với những cô gái Việt mà Đại có thể dẫn vào khách sạn. – Đại là tên nhân vật chính trong truyện ngắn Đại gia. 

Chấm hết. Thêm nữa một vài dấu chấm than !!!!!

Cao Vị Khanh