Chấn hưng văn hóa từ những việc nhỏ
Trần Nhương: Buồn lòng chữ Việt hồn Tầu
Cứ đến dịp tết nhất hoặc Trung thu thì Hà Nội và các thành phố, làng quê, đền chùa miếu mạo cả nước lại đỏ ối những đèn lồng, tờ phướn, bao lì xì, các hình trang trí linh vật ghi chữ Việt nào là Phúc Lộc Thọ, An Khang Thịnh Vượng, Chúc Mừng Năm Mới…nhưng hồn cốt lại Tầu đặc sệt. Từ hình ảnh, đường nét đến màu sắc đậm đặc văn hóa Tầu. Người Việt chúng ta bao năm không thích có chữ tượng hình (chữ Hán) thì các doanh nghiệp Tầu in chữ Việt. Dân ta cứ tưởng đó là của Việt, các nhà quản lý và cả các tăng ni cũng coi đó là thuần Việt.
Bên Tầu họ biết thị hiếu của dân Việt nên thay đổi mẫu mã liên tục, viết chữ Việt đổ vào Việt Nam mà không có bất cứ trở ngại nào. Sự xâm lăng văn hóa của họ là có chủ đích, có bảo trợ của chính quyền họ.
Tất cả những nét hoa văn, hình vẽ, màu sắc rất Tầu ấy ngấm vào thị hiếu dân Việt, dân Việt và những nhà quản lý cứ vô tư như một thứ vô hại. Dần dần mãi sẽ biến phố Việt thành phố Tầu lúc nào không biết. Dần dần thành những di chỉ khảo cổ cũng nên.
Các nhà quản lý và hoạch định chính sách về văn hóa cứ ngu ngơ coi như chuyện nhỏ không thèm quan tâm nhưng các ông Tầu thì có chủ định. Vừa xâm lăng văn hóa vừa kinh doanh có hiệu quả thì một tên trúng 2 đích.
Hiện nay rất nhiều những thói quen, thị hiếu, kiêng khem, mê tín theo Tầu nào là số xe, số điện thoại Lộc Phát, Tứ Quý…,
Mấy vị Bộ Văn hóa cứ đòi chấn hưng văn hóa nhưng không hề có ý thức chống lại xâm lăng này. Hãy chấn hưng ngay từ những việc nhỏ này mới góp phần giữ được độc lập chủ quyền. Hãy tỉnh ngộ mụ mị để chấn hưng văn hóa…Cha ông ta không bị đồng hóa chính là nhờ văn hóa!
***
Nguyễn Xuân Diện: Cùng bỏ dần hủ tục và hướng về cội nguồn văn hóa Việt
Sau một số năm nghiên cứu văn hoá truyền thống, tôi thấy có một số nhân tố văn hoá nguồn gốc từ Trung Quốc, đem lại những ảnh hưởng tiêu cực, cần và nên bỏ dần:
1. Tục đốt vàng mã. Là tục bắt nguồn từ bên Tàu gắn với tục chôn người và của cải theo chủ/ vua/ chúa. Ngay từ thời Đường ở Trung Quốc đã có phong trào bài trừ.
2. Cúng Giao thừa khấn khứa các vị Đương niên hành khiển theo từng năm, mỗi năm là một vị, đều là các ông vua Trung Quốc mà đến ngay cả người Trung Quốc hiện nay cũng ít người biết. Những Tần Vương, Nguỵ Vương, Sở Vương, lạ hoắc. Những ông ấy làm sao có thể thay nhau cai quản mọi việc của đất nước ta được, cho dù chỉ cai quản về mặt tinh thần.
Mấy hôm trước, khi cung cấp các bài văn khấn trong dịp Tết Giáp Thìn, tôi lược bỏ hết tên các vị Đương Niên Cựu Niên hành khiển là các ông vua Tàu, mà đến nay chả ai biết là ai. Trong thế giới mênh mông ấy, ta chỉ biết là có cuộc bàn giao CŨ – MỚI, có “tống cựu nghênh tân” vậy thôi.
3. Việc trưng bày tượng Quan Công là một tướng thời Tam Quốc xa lắc xa lơ ở bên Tàu, chả dính dáng gì đến Việt Nam. Lòng trung của Ngài cũng chỉ dành cho nhà Hán, chứ đâu vì quốc gia dân tộc. Đạo Nghĩa của Ngài cũng chỉ gói gọn trong anh em kết nghĩa vườn đào tam huynh đệ.
Sao có thể sánh với Ngài Trần Quốc Tuấn của Đại Việt ta. Trung Hiếu Tiết Nghĩa vượt khỏi hoàng tộc, triều đại và thời đại.
4. Giờ có mốt làm nhà cứ phải dựng một phiến đá chôn ở trước nhà khắc chữ “Khương Thái Công tại thử” (Ngài Khương Thái Công ngự tại đây). Ông ấy đâu phải người Việt ta? Ông ở đây làm gì!?
5. Các công ty, nhà dân, cửa hàng cứ thích trưng con tỳ hưu là con vật chỉ biết ăn không biết ị vì không có hậu môn.
Cái đó khoảng chục năm nay trở thành mốt.
Vân vân mây mây
Tạm thế để xin ý kiến các bác.
Nhẽ Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Văn hoá (đều thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phải có các điều tra, thống kê, phân tích, đối chiếu và tư vấn cho Chính phủ để Chính phủ gõ xuống Bộ Văn hoá thể chế hoá thành ra các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh và hướng dẫn đồng bào cả nước chứ!