Đặng Đình Mạnh: Hơn 42,000 nạn nhân sẽ được xét xử trong vụ án Vạn Thịnh Phát thứ 2?

Các nạn nhân đi đòi tiền tại các chi nhánh khác nhau của hệ thống ngân hàng SCB. Ảnh: Facebook

Sau bài viết “Hơn 42.000 nạn nhân đã ở đâu trong vụ án Vạn Thịnh Phát?”[*] đăng tải trên trang cá nhân, một vài bạn đã phản bác cho rằng hơn 42.000 nạn nhân của Vạn Thịnh Phát sẽ được tham gia vào vụ án thứ 2 – Hàm ý rằng tư cách tố tụng của họ vẫn được chính quyền bảo lưu, sẽ được công nhận để giải quyết trong một vụ án khác.

Tuy nhiên, khối tài sản với giá trị cực lớn mà cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, quản lý, kê biên trong vụ án đang xét xử, gồm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt, 23 triệu đô-la, tiền gởi trong tài khoản ngân hàng, sổ tiếp kiệm, cổ phần, cổ phiếu, khoảng 5.000 bất động sản, tàu, du thuyền, ô tô và cả các khoản tiền mặt được các bị cáo vừa nộp bổ sung dưới danh nghĩa khắc phục hậu quả, lẽ ra, phải được dùng để hoàn trả cho các nạn nhân thì sẽ được xử lý như thế nào trong bối cảnh nạn nhân không được tham gia tố tụng trong vụ án đang xét xử, thì không thấy ai trong số những người phản bác bài viết của tôi nói đến cả. Trong khi đó mới là vấn đề cần quan tâm nhất, chính đáng nhất, xét dưới khía cạnh người dân là nạn nhân bị lừa đảo.

Giả thiết, vụ án thứ II được mở ra, trong đó, đưa đầy đủ toàn bộ hơn 42.000 nạn nhân của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Công ty Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB vào tham gia vụ án. Thì nguồn tiền nào? Từ đâu? Sẽ giải quyết cho quyền lợi cho họ khi mà nguồn tiền chính đáng nhất để trả cho họ sẽ bị tịch thu từ vụ án đang xét xử. 

Xét về tính chính đáng của hơn 42.000 nạn nhân đối với khối tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, quản lý, kê biên trong vụ án đang xét xử, thì cứ dõi theo sự lưu chuyển dòng tiền thì sẽ thấy rõ: Nguyên thủy, tiền là tài sản của hơn 42.000 nạn nhân gởi vào Ngân hàng SCB => Ngân hàng SCB dùng nguồn tiền ấy chuyển cho hàng nghìn doanh nghiệp giả danh của bà Trương Mỹ Lan => Bà Trương Mỹ Lan và gia đình dùng tiền này để: Mua các bất động sản có giá trị lớn tại Hong Kong + Mua gần 5.000 bất động sản khác tại Việt Nam + Gởi ngân hàng + Mua cổ phần, cổ phiếu + Mua tàu, du thuyền, ô tô… Sau khi khởi tố vụ án, một phần tài sản này bị cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ, quản lý, kê biên. Ngoài ra, còn thu giữ thêm khoản tiền mà gia đình bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác đóng tiền khắc phục hậu quả để mong giảm nhẹ hình phạt.

Từ đó cho thấy, tất cả khối tài sản cực lớn mà cơ quan tiến hành tố tụng đang nắm giữ trong vụ án đang xét xử đều là khoản thu lợi bất chính có nguồn gốc là tài sản của hơn 42.000 nạn nhân. Thế nên, xử lý khối tài sản ấy như thế nào khi xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, không thể nào tách rời khỏi hơn 42.000 nạn nhân nguyên là chủ sở hữu tài sản ấy được. Trừ phi, muốn “cướp” trắng của họ rồi ban cho họ phát súng ân huệ, bằng cách đưa họ vào tham gia tố tụng trong một vụ án thứ 2, một vụ án hết sức mơ hồ về nguồn tiền hoàn trả cho họ.

Khối tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng đang nắm giữ trong vụ án đang xét xử có giá trị cực lớn đối với một cá nhân, nhưng để hoàn trả cho hơn 42.000 nạn nhân theo tỷ lệ, thì có lẽ chẳng thấm tháp gì so với sự thiệt hại của họ. Thế nhưng, có lẽ thế vẫn còn hơn là chờ nhận số tiền bảo hiểm tiền gởi vốn có giá trị như hạt muối bỏ biển. Hơn nữa, việc hoàn trả cho nạn nhân bằng chính số tiền là tài sản mà họ bị cướp là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp. Chúng không chỉ là thông lệ hành xử từ khi xã hội loài người có pháp luật, mà còn là quy định văn minh của pháp luật. 

Tuy vậy, nếu hành xử văn minh, thì đã không ai là kẻ cướp…

LS Đặng Đình Mạnh

DC, ngày 12/03/2024

[*] 42 NGHÌN NGƯỜI BỊ HẠI ĐÃ Ở ĐÂU TRONG VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT?