Diễn từ Nobel của Jon Fosse: Một ngôn ngữ thầm, Linh Văn chuyển ngữ từ tiếng Anh
Nhà văn, kịch tác gia Jon Fosse. |
Khi tôi học trung học, chuyện ấy xảy ra không báo trước. Thầy giáo bắt tôi đọc to. Và chẳng biết từ đâu, tôi bị đánh bại bởi một nỗi sợ bất ngờ chiếm lấy tôi. Như thể tôi đã biến mất vào trong nỗi sợ ấy và nó là tất cả những gì tôi có. Tôi đứng dậy chạy ra khỏi lớp.
Tôi nhận ra những cặp mắt to của các bạn đồng học cũng như của thầy giáo đang nhìn theo tôi từ lớp học.
Sau chuyện ấy tôi cố biện bạch cho hành vi kỳ lạ của mình bằng cách nói rằng tôi phải đi vệ sinh. Tôi có thể thấy trên khuôn mặt của những người đang lắng nghe rằng họ không tin tôi. Và có lẽ họ nghĩ tôi đã phát điên, vâng, tôi đang trở nên điên loạn theo cách của tôi.
Nỗi sợ phải đọc to này đã theo tôi. Thời gian trôi qua, tôi mới có can đảm xin phép thầy cô tha cho tôi chuyện đọc to, bởi tôi rất sợ nó, có người tin tôi và không bắt tôi làm nữa, có người cho rằng bằng cách này hay cách khác, tôi đang đùa với họ.
Tôi đã học được thứ gì đó quan trọng về con người từ trải nghiệm này.
Tôi đã học được nhiều thứ khác.
Vâng, rất có thể là thứ đã cho phép tôi đứng đây và đọc to cho khán giả ngày hôm nay. Và bây giờ hầu như không còn sợ sệt gì nữa.
Tôi đã học được gì?
Theo cách nào đó, như thể nỗi sợ hãi đã lấy mất ngôn ngữ khỏi tôi và tôi phải giành lại nó, có thể nói như thế. Và nếu tôi làm điều đó, không phải là cho người khác, mà là cho chính tôi.
Tôi đã bắt đầu viết, những bài thơ ngắn, những truyện ngắn của riêng tôi.
Và tôi nhận ra rằng việc ấy mang lại cho tôi cảm giác an toàn, mang lại cho tôi điều trái ngược với nỗi sợ hãi.
Theo một cách nào đó, tôi đã tìm thấy một nơi bên trong mình, nơi chỉ của riêng tôi, và từ nơi ấy tôi có thể viết ra những gì chỉ của riêng tôi.
Giờ đây, khoảng năm mươi năm sau, tôi vẫn ngồi viết – và tôi vẫn viết từ nơi bí mật này bên trong tôi, một nơi mà thực lòng tôi không biết gì hơn ngoài sự hiện hữu của nó.
Thi sĩ người Na Uy Olav H. Hauge đã viết một bài thơ trong đó ông so sánh việc viết với việc là một đứa trẻ, dựng những túp lều lá trong rừng, bò vào đó, thắp nến, ngồi và cảm thấy an toàn trong những đêm mùa thu tối trời.
Tôi nghĩ đây là một hình ảnh đẹp về chuyện tôi, cũng như thế, trải nghiệm việc viết. Bây giờ – cũng như năm mươi năm trước.
Và tôi đã học được nhiều hơn, tôi học được rằng, ít nhất đối với tôi, có sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoặc giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ văn chương.
Ngôn ngữ nói thường là một sự truyền đạt mang tính độc thoại của một thông điệp rằng điều gì đó phải thế này hay thế kia, hoặc nó là phép truyền đạt hoa mỹ bằng sự thuyết phục hay xác tín.
Ngôn ngữ văn chương không bao giờ như thế – nó không truyền tin, nó là ý nghĩa hơn là truyền đạt, nó có sự hiện hữu riêng.
Và theo nghĩa đó, tác phẩm văn chương hay, và tất cả các loại thuyết giảng rõ ràng là tương phản với nhau, dù những thuyết giảng ấy mang tính tôn giáo hay chính trị hay bất cứ gì.
Qua nỗi sợ phải đọc to, tôi đã đặt chân bước vào nỗi cô đơn, ít nhiều là đời sống của một người viết – và tôi đã ở đó từ bấy đến giờ.
Tôi đã viết rất nhiều cả văn xuôi và kịch.
Và dĩ nhiên, điều tạo nên đặc trưng của kịch là lời được viết ra, nơi đối thoại, đàm luận hay thường là nỗ lực để nói, và những gì có thể có của độc thoại, luôn là một vũ trụ tưởng tượng, là một phần của thứ không truyền đi thông tin, nhưng là thứ có bản thể riêng, thứ hiện hữu.
Và khi nói đến văn xuôi, Mikhail Bakhtin đúng khi cho rằng phương thức diễn đạt, chính việc kể chuyện, có hai giọng trong nó.
Một cách đơn giản: giọng của người nói, người viết và giọng của người được kể. Những giọng này thường hoà vào nhau đến mức ta không thể biết đó là giọng của ai.
Đơn giản nó trở thành một giọng kép được viết ra – và tất nhiên cũng là một phần của vũ trụ được viết ra và là thứ logic bên trong nó.
Mỗi một tác phẩm tôi đã viết, có thể nói là, có một vũ trụ hư cấu riêng, một thế giới riêng. Mỗi thế giới mới cho mỗi vở kịch, mỗi cuốn tiểu thuyết.
Nhưng một bài thơ hay, bởi tôi đã từng viết kha khá thơ, cũng là vũ trụ của riêng nó – nó liên hệ chủ yếu đến chính nó. Và rồi người đọc nó có thể bước vào vũ trụ ấy bài thơ ấy – thưa vâng, nó là một dạng hiệp thông hơn là truyền thông.
Thực tế, điều này có lẽ đúng với mọi thứ tôi viết.
Một điều chắc rằng, tôi chưa từng viết để biểu lộ chính mình, như người ta nói, mà phần nhiều là để rời khỏi chính mình.
Rốt cuộc tôi đã trở thành một nhà soạn kịch – thưa vâng, tôi có thể nói chi về điều ấy?
Tôi đã viết tiểu thuyết, làm thơ và không hề có mong muốn viết gì đó cho sân khấu, nhưng dần dần tôi đã làm điều đó bởi vì – như một phần của sáng kiến tài trợ bởi nhà nước để viết thêm nhiều vở kịch mới bằng tiếng Na Uy – tôi đã nhận được thứ mà đối với tôi, một tác giả nghèo, một món kha khá để viết cảnh mở màn một vở kịch, và cuối cùng là cả một vở kịch, vở kịch đầu tiên và vẫn được diễn nhiều nhất của tôi, Ai Đó Sẽ Đến.
Lần đầu tiên tôi viết một vở kịch hóa ra lại là bất ngờ lớn nhất trong đời cầm bút của tôi. Bởi trong cả văn xuôi và thơ, tôi đã cố gắng viết những thứ mà thông thường – bằng khẩu ngữ thường lệ – không thể nói bằng lời. Thưa vâng đúng thế. Tôi đã cố gắng biểu đạt điều không thể nói, vốn được coi là nguyên do để trao giải Nobel cho tôi.
Điều quan trọng nhất trong đời không nói ra được mà chỉ có thể viết ra, ngược lại câu châm ngôn nổi tiếng của Jacques Derrida.
Thế nên, tôi cố gắng mang từ ngữ đến cho những lời thầm.
Và khi tôi viết kịch, tôi có thể sử dụng những lời thầm, những người thinh lặng, theo lối hoàn toàn khác trong văn xuôi và thơ. Tất cả những gì tôi phải làm là viết từ “ngưng”, và những lời thầm sẽ ở đó. Và trong kịch của tôi, không còn ngờ chi nữa, “ngưng” là từ quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất – ngưng lâu, tạm ngưng hoặc chỉ là ngưng.
Trong những khoảng ngưng này có thể có rất nhiều hoặc rất ít. Điều không thể nói ra, điều không muốn được nói ra, hoặc cách nói tốt nhất là chẳng nói chi cả.
Dẫu cho, tôi khá chắc rằng thứ nói nhiều nhất qua những khoảng ngưng là sự im lặng.
Trong văn xuôi của tôi, có lẽ tất cả những điệp ngữ đều có chức năng tương tự như những khoảng ngưng trong kịch của tôi. Hoặc có lẽ đây là cách tôi nghĩ về nó, rằng trong khi có một lời thầm trong những vở kịch, thì có một thứ ngôn ngữ thầm đằng sau thứ ngôn ngữ được viết trong tiểu thuyết, và nếu tôi muốn viết một thứ văn hay, lời thầm này phải được biểu lộ, chẳng hạn như trong Thất Tập, nó là thứ ngôn ngữ thầm, xin dùng một vài ví dụ đơn giản và cụ thể, cho thấy rằng Asle đầu tiên và Asle khác có thể là cùng một người, và toàn bộ cuốn tiểu thuyết dài, khoảng 1200 các trang, có lẽ giờ đây chỉ là một biểu hiện bằng văn bản của một thứ được trích ra.
Nhưng một diễn văn thầm, hay một ngôn ngữ thầm, chủ yếu cất lời từ tổng thể của một tác phẩm. Dù đó là một cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch hay một tác phẩm sân khấu, bản thân các phần không còn quan trọng mà thứ quan trọng là tổng thể, thứ cũng nằm trong từng chi tiết đơn lẻ – hay có lẽ tôi mạo muội nói về tinh thần của tổng thể, một tinh thần theo cách nào đó cất lời từ một nơi vừa gần vừa xa.
Và rồi bạn nghe thấy gì nếu nghe đủ gần?
Bạn nghe ra sự im lặng.
Và như đã nói, chỉ trong im lặng bạn mới có thể nghe ra giọng của Chúa.
Có lẽ.
Bây giờ để về lại mặt đất, tôi muốn đề cập đến một điều khác mà việc viết kịch đã mang lại cho tôi. Viết là một nghiệp cô đơn, như tôi đã nói, và cô đơn là tốt – miễn con đường quay lại với những thứ khác vẫn rộng mở, trích một bài thơ khác của Olav H. Hauge.
Và điều hút lấy tôi khi lần đầu tôi thấy tác phẩm tôi viết được biểu diễn trên sân khấu, vâng, hoàn toàn trái ngược với sự cô đơn, đó là sự bầu bạn, vâng, để sáng tạo nghệ thuật thông qua sự sẻ chia nghệ thuật – điều đó mang cho tôi cảm giác hạnh phúc và che chở tột độ.
Sự thấu thị này đã theo tôi từ đó, và tôi tin rằng nó đã đóng một vai trò quan trọng trong chuyện tôi không chỉ kiên trì, với một tâm hồn thanh thản, mà còn cảm thấy một thứ hạnh phúc ngay cả từ những vở kịch tồi của chính mình.
Sân khấu thực sự là một cuộc lắng nghe vĩ đại – đạo diễn phải, hoặc ít nhất nên, lắng nghe văn bản, các diễn viên nghe nó, nghe lẫn nhau và nghe đạo diễn, cũng như khán giả lắng nghe toàn bộ buổi diễn.
Và việc viết với tôi là để lắng nghe: khi tôi viết, tôi không bao giờ chuẩn bị, không lên kế hoạch cho bất cứ gì, tôi bước tiếp bằng cách lắng nghe.
Thế nên, nếu tôi sử dụng một phép ẩn dụ cho việc viết, thì đó là sự lắng nghe.
Do đó, nói nào khác hơn việc viết gợi nhắc đến âm nhạc. Và vào một thời đoạn nào đó, độ thiếu niên, tôi ít nhiều đã trực tiếp chuyển từ chuyện chỉ gắn với âm nhạc sang việc viết. Tôi thực sự đã ngưng hoàn toàn việc tự chơi và nghe nhạc, và bắt đầu viết, và trong những gì tôi viết, tôi đã cố tạo ra thứ giống với những gì tôi đã trải nghiệm khi chơi nhạc. Đó là điều tôi đã làm – và tôi vẫn làm.
Một điều nữa, có lẽ hơi lạ, rằng khi tôi viết, đến một lúc nào đó tôi luôn có cảm giác rằng chữ ấy đã được viết rồi, đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi, và rằng tôi chỉ cần viết nó ra trước khi nó biến mất.
Thi thoảng tôi có thể làm điều ấy mà không cần tạo ra bất kỳ thay đổi nào, đôi khi tôi phải tìm kiếm chữ ấy bằng cách viết lại, cắt và chỉnh sửa, và cẩn trọng cố mang đi khỏi thứ đã được viết ra.
Và tôi, người không muốn viết cho sân khấu, rốt cuộc chỉ làm việc đó trong khoảng mười lăm năm. Và những vở kịch tôi viết thậm chí còn được trình diễn, thưa vâng, theo thời gian, đã có rất nhiều bản dựng ở nhiều quốc gia.
Tôi vẫn không thể tin được chuyện ấy.
Cuộc sống thiệt không đáng tin.
Cũng như tôi không thể tin được rằng bây giờ tôi đang đứng đây cố mà nói đôi lời đúng đắn về việc viết là gì, liên quan đến chuyện được trao giải Nobel Văn chương.
Và việc tôi được trao giải, theo như tôi hiểu, có liên quan đến cả kịch và văn xuôi của tôi.
Sau nhiều năm hầu như chỉ viết kịch, tôi đột nhiên cảm thấy thế là đủ, thưa vâng, quá đủ, và tôi quyết định ngừng viết kịch.
Nhưng viết đã trở thành một thói quen và tôi không thể sống thiếu nó – có thể giống như Marguerite Duras, các bạn có thể gọi nó là một căn bệnh – nên tôi quyết định quay trở lại nơi mọi chuyện khởi đi, viết văn xuôi và các thể loại khác, cách mà tôi đã làm độ trong một thập kỷ trước khi ra mắt với tư cách là một nhà soạn kịch.
Đó là điều tôi đã làm trong mười lăm năm qua. Khi tôi bắt đầu viết văn nghiêm túc trở lại, tôi không chắc mình còn có thể viết được nữa chăng. Tôi viết Tam Tập trước tiên – và khi được trao Giải thưởng Văn học của Hội đồng Bắc Âu cho cuốn tiểu thuyết đó, tôi coi nó như một sự xác tín tuyệt vời rằng tôi cũng có điều gì đó để cống hiến với tư cách là một người viết văn xuôi.
Sau đó tôi viết Thất Tập.
Và trong quá trình viết cuốn đó, tôi đã trải qua một đôi khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình với tư cách là một nhà văn, chẳng hạn như khi một Asle này tìm thấy một Asle khác đang nằm trên tuyết và nhờ đó đã cứu đời anh ta. Hoặc cái kết, khi Asle đầu tiên, nhân vật chính, bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng của mình, trên một chiếc thuyền, một chiếc thuyền đánh cá cũ, cùng với Åsleik, người bạn thân nhất và duy nhất của anh, để đón Giáng sinh cùng em gái của Åsleik.
Tôi không có ý định viết một cuốn tiểu thuyết dài, nhưng cuốn tiểu thuyết ít nhiều tự nó viết ra, và nó trở thành một cuốn dài, và tôi viết nhiều phần trôi chảy đến mức mọi thứ đều ổn ngay lập tức.
Và tôi nghĩ đó là lúc tôi ở gần nhất với thứ mà các bạn gọi là hạnh phúc.
Toàn bộ Thất Tập chứa những ký ức về phần lớn các tác phẩm khác tôi đã viết, nhưng được nhìn dưới một góc nhìn khác. Việc không có một dấu chấm nào trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết không phải là một phát minh. Tôi chỉ viết cuốn tiểu thuyết như vậy, một mạch, một chuyển động không cần dừng lại.
Tôi đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng viết là một dạng cầu nguyện. Và tôi xấu hổ khi nhìn thấy nó được in ra. Nhưng sau này tôi được an ủi phần nào khi đọc rằng Franz Kafka cũng đã nói như thế. Vậy nên có lẽ – sau tất cả?
Những cuốn đầu tiên của tôi nhận về những chê bai, nhưng tôi quyết định không nghe những lời phê bình, tôi chỉ nên tin vào bản thân mình, thưa vâng, kiên định với những gì tôi viết. Và nếu tôi không làm điều đó, thưa vâng, thì tôi đã ngừng viết sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Raudt, svart (“Đỏ, Đen”) ra mắt bốn mươi năm trước.
Sau đó, tôi hầu như nhận được những lời khen và thậm chí tôi còn bắt đầu nhận giải thưởng – và rồi tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tiếp tục với logic như thế, nếu tôi không lắng nghe những đánh giá không tốt, tôi cũng sẽ không để thành công ảnh hưởng tới mình, tôi sẽ bám chặt vào những gì tôi viết, vào những gì tôi đã tạo ra.
Và tôi nghĩ tôi đã làm được điều ấy và tôi thực sự tin rằng mình sẽ tiếp tục làm được ngay cả sau khi đã nhận giải Nobel.
Khi được thông báo rằng tôi được trao giải Nobel Văn học, tôi nhận rất nhiều email và lời chúc mừng, và tất nhiên tôi rất vui, hầu hết những lời chúc đều đơn giản và vui, nhưng có người viết rằng họ đang hét lên vui sướng, có người lại cảm động rơi nước mắt. Điều đó thực sự làm tôi bồi hồi.
Có rất nhiều cuộc tự sát trong các trang viết của tôi. Nhiều hơn những gì tôi muốn nghĩ tới. Tôi ngại rằng bằng cách này, tôi có thể đã góp phần hợp pháp hóa chuyện tự sát. Thế nên, điều khiến tôi cảm động hơn hết thảy là những người đã thẳng thắn viết rằng tác phẩm của tôi đơn giản đã cứu vớt đời họ.
Ở một khía cạnh nào đó, tôi luôn biết rằng việc viết có thể cứu được mạng sống, có lẽ thậm chí nó đã từng cứu được chính đời tôi. Và nếu những gì tôi viết cũng có thể cứu đời kẻ khác thì không gì làm tôi hạnh phúc hơn.
Cảm ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao cho tôi giải Nobel Văn chương.
Và tạ ơn Chúa.
Jon Fosse.
(Linh Văn chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của May–Brit Akerholt)