Đỗ Trường: Hồ Biểu Chánh: người đặt viên gạch đầu tiên cho nền tiểu thuyết hiện thực và nhân đạo Việt Nam

Chân dung nhà văn Hồ Biểu Chánh

Đầu thế kỷ hai mươi, khi chữ Quốc ngữ được truyền bá rộng rãi, thì dường như thi ca trở nên chật chội, khó có thể chuyển tải hết tư tưởng, tình cảm với mọi góc cạnh của các văn nhân, thi sĩ trước thực trạng xã hội, và con người. Do vậy, sự phát triển của văn xuôi, tiểu thuyết như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu vậy. Và thật may mắn, ngay từ buổi sơ khai đến thập niên ba mươi, ta đã thấy sừng sững ba ngọn tháp: Tản Đà, Phan Khôi, Hồ Biểu Chánh giữa vòm trời Văn học, báo chí. Và với tôi, họ còn là hình ảnh, biểu tượng mang tính đặc trưng văn hóa vùng miền Bắc, Trung, Nam ở giai đoạn đó.

Nhìn lại văn hóa, lịch sử, ta có thể thấy, chữ Quốc ngữ ra đời từ miền Trung xứ Quảng, rồi phát triển mạnh mẽ ở Nam Bộ. Ở đó, như một chiếc nôi nuôi dưỡng báo chí, văn xuôi, tiểu thuyết Việt Nam. Và Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn đặt nền móng cho nền tiểu thuyết hiện thực ấy. Đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cho tôi nhiều cảm xúc nhất, không hẳn vì tính hiện thực, trữ tình, tài năng nghệ thuật sử dụng phương ngữ (Nam Bộ) dân dã, sinh động, mà bởi tư tưởng mới, phá vỡ ràng buộc quan hệ, tình yêu cũ lỗi thời, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, cùng lòng can đảm dám bóc trần bộ mặt thối nát của tầng lớp quan lại cường quyền, dù ông đang làm quan cho chế độ ấy.

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh năm1885 tại Gò Công, mất năm 1958 tại Gia Định. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, rồi học chữ Quốc ngữ, sau đó vào trường trung học ở Mỹ Tho, và Saigon. Sau khi đậu Thành chung, ông vào làm ký lục, thông ngôn, quận trưởng, thăng dần đến Đốc phủ sứ (1936). Năm 1941 nghỉ hưu, ông được Pháp mời làm Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Saigon, đồng thời giám đốc báo chí tuyên truyền. Năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, Hồ Biểu Chánh làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Mấy tháng sau, chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, từ đó ông về ở ẩn, chuyên tâm đọc và viết văn.

Với 73 năm tuổi đời, Hồ Biểu Chánh đã viết 131 tác phẩm, đủ các thể loại trong đó có 64 cuốn tiểu thuyết. Một khối lượng đồ sộ, có thể nói ngoài kiến thức tài năng, ta còn thấy nghị lực, tình yêu đối với văn thơ cũng như tha nhân của ông. Tuy khởi nghiệp bằng thơ, với lục bát trường thiên: U Tình Lục, nhưng tiểu thuyết, văn xuôi mới làm nên tên tuổi lớn Hồ Biểu Chánh.

Một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Những tháng gần đây, ngoài công việc bắt buộc hằng ngày, còn lại dường như tôi dành cả thời gian tìm đọc Hồ Biểu Chánh. Chắc chắn tôi chưa thể đọc hết ông. Nhưng nếu phải chọn những tác phẩm đã đọc, thì với tôi bốn cuốn tiểu thuyết: Ai làm được (1912), Ngọn cỏ gió đùa (1926), Từ Hôn (1937), Vợ già, chồng trẻ (1957) tiêu biểu cho đặc trưng bút pháp, tư tưởng từng giai đoạn của Hồ Biểu Chánh. Và đặc biệt, Ai làm được, cuốn tiểu thuyết đầu tay và Ngọn cỏ gió đùa, là hai tác phẩm toàn bích nhất của ông. Vì vậy, trong bài viết này, tôi chú trọng và đi sâu các tác phẩm này, hòng làm rõ nét thêm chân dung nhà văn hóa Hồ Biểu Chánh, một cách giản dị, trung thực nhất.

Tư tưởng mới, phá bỏ ràng buộc, lễ giáo khắt khe.

 Có thể nói, ngay từ ngày đầu, dường như ngòi bút Hồ Biểu Chánh đã hướng tới tự do? Cho nên, ta thấy luôn có sự quẫy đạp, hòng thoát ra khỏi sự trói buộc hay lễ giáo khắt khe, trên từng trang văn của ông. Sự giải thoát tình yêu cũng như cuộc sống ấy, bật lên lòng nhân đạo cao cả của nhà văn: “Thà theo trai còn hơn làm vợ kẻ thù…Thà là tôi mang tiếng nhơ, chớ tôi không đành phối hiệp với kẻ thù.” (Ai làm được). Hành động và lời nói dứt khoát của Bạch Tuyết, khi trốn chạy cái lễ giáo hà khắc đi theo Chí Đại, cũng chính là tư tưởng, khát vọng nhà văn mở ra cho người đọc giữa cái xã hội tối tăm thuộc địa nửa phong kiến. Ở đó, ngoài tư tưởng cởi mở, ta còn thấy được sự can đảm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Tuy phá bỏ ràng buộc hủ lậu của xã hội, gia đình, song Hồ Biểu Chánh vẫn cho người đọc thấy, đức khiêm nhường, nền nã đôn hậu của con người Nam Bộ: “Phận em là gái bất trinh, lấy chồng không đợi lịnh cha gả…Em hư lắm, em quấy lắm, không đáng làm vợ anh” (Ai làm được).

Với tiểu thuyết Vợ già chồng trẻ, ta có thể thấy, Hồ Biểu Chánh đã đưa người đọc đến gần văn hóa, tâm lý người Phương Tây. Ở đây, không chỉ thấy được lòng can đảm, cao thượng của Giao (yêu một người đàn bà hơn 11 tuổi), mà dường như nhà văn còn muốn mở ra một lối thoát cho Xuyến, một người đàn bà bất hạnh, đầy khổ đau này:

“Giao trợn mắt mà nói:

– Họ chê cười nỗi gì? Tôi có làm việc gì bậy đâu mà chê cười. Bất quá họ nói tôi là trai mới lớn lên mà tôi dại, nên lấy đàn bà có con, tuổi đáng chị cả tôi làm vợ. Tôi muốn lấy ai tôi lấy, mắc mớ gì họ mà họ cười” (Vợ già chồng trẻ)

Sự phá bỏ quan niệm chữ trinh, và đưa ra cái nhìn mới lạ, trinh tiết tâm hồn mới thực sự là tận cùng cao đẹp của tình yêu. Với nhận thức, cái nhìn như vậy từ bảy mươi năm về trước, thì có thể nói, Hồ Biểu Chánh là một nhà văn có tâm hồn cởi mở, nhân bản, đầy vị tha. Tư tưởng này, gần đây ta đã bắt gặp ở tiểu thuyết: Bàn tay nhỏ dưới mưa của nhà văn Trương Văn Dân. Còn trước Hồ Biểu Chánh, dường như chưa có nhà văn nào có cái nhìn và đủ can đảm viết được như vậy:  

“Tình yêu tôi giao cho mình hôm nay là tình yêu son giá để cho tay mình mở dây với tình yêu của mình. Còn mình nói, tuy có chồng trót mười năm nay, mình đã có một mặt con, song mình chưa được nghe một câu ân tình nào hết. Tình yêu của mình còn y nguyên. Mình lại khao khát ái tình. Thế thì tình yêu của mình cũng như của tôi, cả hai tình yêu đều còn mới mẻ, còn son giá. Hai tình yêu hiệp lại thì xứng lắm, có chinh lịch gì đâu mà ngại người lớn kẻ nhỏ.” (Vợ già chồng trẻ)

Không chỉ trong tình yêu, và cuộc sống mà cái tư tưởng chống lại cường quyền, đứng về phía lẽ phải đã xuất hiện ngay từ ngày đầu cầm bút, và xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Hồ Biểu Chánh. Do vậy, hành động phản kháng của nhân vật, hay lời lẽ phân tích, trần thuật (trần trụi), bóc trần bộ mặt thật của đám quan lại cường hào, đầy ăm ắp trên những trang văn Hồ Biểu Chánh:

“Ánh Nguyệt ngó sững Từ Hải Yến rồi vùng bước một chơn xuống đất, chờn vờn hai tay, và la lớn rằng:

– Hải- Yến! Mi tới đây làm gì? Mi làm Tri- Huyện rồi há! Mi là quân vô tình vô nghĩa, làm cho nhơ danh xủ tiết ta, làm cho mẹ con ta cực khổ trôi nổi mấy năm nay, mi làm Tri- Huyện mặc kệ mi, ta chết mặc kệ ta, mi còn thấy mặt ta chi nữa? Mi là đồ khốn kiếp“ (Ngọn cỏ gió đùa).

Cái tư tưởng Hồ Biểu Chánh quả thực khó chấp nhận ở xã hội, con người thủ cựu vào thời điểm đó, nhưng bằng lời văn truyền cảm, cùng khẩu ngữ Nam Bộ dân dã, ông đã chinh phục được mọi tầng lớp người đọc. Và đoạn văn miêu tả rất đẹp dưới đây, không chỉ chứng minh điều đó, mà còn cho ta thấy, những hình ảnh, hành động, tâm lý nhân vật rất chân thực, gần gũi, nhất là tầng lớp bình dân:

“Năm 1894, một buổi chiều kia gió xuân mát mẻ, nước lớn đầy sông, cỏ cây tư nhất là tầng lớp bình dân, tơi tốt, Bạch Khiếu Nhàn mình mặc áo quần toàn bằng lụa trắng, vai vắt khăn nhiễu đỏ, thủng thẳng đi dọc theo mé sông Cà Mau mà hứng mát. Khi ông dừng chơn đứng coi sắp nhỏ lội đua, khi ông mỉm cười bầy chó rượt nhau cắn lộn.  Mặt trời chen lặn, gió càng thêm mát mẻ, Khiếu Nhàn đi lần tới quán cơm Chú Lỳ, tuy chưa mỏi chơn, song ông khát nước“ (Ai làm được).

Đọc Hồ Biểu Chánh không chỉ thấy cái tư tưởng mới, cái phóng khoáng của con người, mà ta còn thấy được một Hồ Biểu Chánh khác đang gìn giữ giá trị truyền thống Văn hóa Nam Bộ. Đọc ông đôi lúc tưởng chừng mâu thuẫn. Nhưng không phải vậy, mà dường như đó là quy luật đào thải, và phát triển văn hóa. Bởi, Hồ Biểu Chánh viết văn bằng tâm hồn, kiến thức của một nhà văn hóa lớn ở nửa đầu thế kỷ hai mươi.

Giá trị truyền thống, với những giá trị văn hóa, đạo đức…

Không riêng tôi, mà có lẽ độc giả nào cũng vậy, đi sâu vào đọc Hồ Biểu Chánh, thì dễ dàng nhận thấy, giá trị hiện thực và giá nhân đạo trong từng tác phẩm của ông, kể cả những trang viết đầu tay. Có được những giá trị cơ bản này, có lẽ Hồ Biểu Chánh chịu ảnh hưởng (khá sâu sắc) văn hóa Phương Tây, và cả cuộc đời làm quan lớn nhỏ ở nhiều nơi, nên hồn ông thấm đẫm văn hóa từng địa phương. Vì vậy, trang viết Hồ Biểu Chánh chân thực đặc trưng của mỗi làng quê ấy. Đọc nó, đôi lúc cứ ngỡ mình đang lạc vào một cái làng quê Nam Bộ nào đó vậy.

Cùng với Ai Làm Được, có thể nói, Ngọn Cỏ Gió Đùa là tiểu thuyết hay và đặc trưng, tiêu biểu nhất của Hồ Biểu Chánh. Dù cho đây là cuốn tiểu thuyết phóng tác từ: Những Người Khốn Khổ của[TD1]  Victor Hugo. Nhưng đọc nó, cho tôi suy nghĩ hoàn toàn khác. Bởi, tâm lý, tên tuổi, hành động nhân vật hoàn toàn mang hồn vía, tính cách Nam Bộ. Và ở đó, Hồ Biểu Chánh phê phán rất nặng nề cái thối tha của xã hội, cũng như tầng lớp quan lại cường hào, mà ông đang là một thành viên. Cho nên, Hồ Biểu Chánh buộc phải mượn bố cục hay khung dàn của Những Người Khốn Khổ, nhằm giảm bớt độ nóng bỏng, trước sự nhòm ngó, trói buộc ở cái xã hội thuộc địa nửa phong kiến chăng? Thật vậy, với khối kiến thức, tài năng cùng những năm tháng làm quan, ở mọi vùng miền cho Hồ Biểu Chánh đủ vốn sống để viết nên những trường thiên tiểu thuyết mang đặc trưng riêng. Do đó, dù đã đọc và học Những Người Khốn Khổ từ thời trung học khá kỹ, nhưng khi đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa, tôi vẫn không nghĩ, nó được phóng tác từ tác phẩm này của Victor Hugo. Cho tôi cảm giác ấy, bởi có lẽ Hồ Biểu Chánh đã đưa người đọc trở về khung cảnh, văn hóa làng quê Nam Bộ rất chân thực và sinh động chăng? Âu đó cũng là tài năng miêu tả, phân tích hành động, tâm lý nhân vật của nhà văn.

Và trích đoạn về hình ảnh đểu cáng của bọn quan lại cường hào, để từ đó bật lên cái giá trị văn hóa, giá trị đạo đức, danh tiết của người Nam Bộ dưới đây, sẽ chứng minh cho ta thấy điều đó:

“Quan lớn nói rồi đưa tay ngoắc nữa. Ánh- Nguyệt biến sắc, nghẹn hầu, nửa giận, nửa sợ, không nói chi được hết. Quan Huyện đứng dậy miệng cười, chơn bước lần lại chỗ nàng đứng và tay vói níu nàng nữa. Ánh- Nguyệt hất tay quan lớn, ngước mặt ngó ngay và nói rằng:

– Bẩm quan lớn, quan lớn là cha mẹ của dân, quan lớn phải giữ thể diện chớ sao lại làm việc trái đời như vậy? Phận con tuy nghèo, song con vốn con nhà nho học, con biết lễ nghĩa chút đỉnh, có lẽ nào con vì chữ bần mà phải bán cái danh tiết của con sao? Xin quan lớn hãy đứng xê ra, nếu quan lớn làm trái đạo nghĩa, thì ắt con phải thất lễ với quan lớn đa.” (Ngọn cỏ gió đùa).

Tuy có tư tưởng cởi mở, phá bỏ tập tục khắt khe, song Hồ Biểu Chánh vẫn hướng người đọc đến giá trị gia đình, luân lý đạo đức của xã hội Việt Nam cổ truyền. Thật vậy, từ Bạch Tuyết (Ai làm được) đến Ánh Nguyêt (Ngọn cỏ gió đùa) hay Xuyến (Vợ già chồng trẻ) dù trong hoàn cảnh nghèo túng, bi đát nhất họ vẫn giữ nề nếp gia phong. Đây là một trong những đặc điểm chính làm nên chân dung nhà văn Hồ Biểu Chánh. Do vậy, tiểu thuyết, văn xuôi Hồ Biểu Chánh đến nay đã hơn một trăm năm vẫn còn mang tính giáo dục sâu sắc, bởi nó giữ nguyên giá trị ban đầu. Nếu nói, tất cả tiểu thuyết, văn xuôi Hồ Biểu Chánh đều sử dụng phương ngữ, với câu nói thường nhật (khẩu ngữ), thì quả thực sai lầm. Bởi khi đọc, ta thấy có rất nhiều đoạn văn gợi cảm. Nói như các nhà phê bình ngày nay, Hồ Biểu Chánh sử dụng nhiều biện pháp tu từ, với hình ảnh hoán dụ, so sánh đi sâu vào miêu tả, bộc lộ tâm trạng nhân vật. Một đoạn văn về diễn biến tâm trạng của tình yêu, chưa thể nói là hay nhất trong tiểu thuyết: Ngọn cỏ gió đùa, song mang giá trị lễ giáo truyền thống, cùng ăm ắp hình ảnh cho người đọc sự rung cảm sâu sắc:

“Trai với gái gần nhau, khi ngâm thi, khi hòa đờn, mà cả hai đều học giỏi hết thảy, bởi vậy lần lần rồi tình nàng cũng dan díu, lòng nàng cũng ngẩn ngơ. Chừng chàng dọ được ý nàng đã có tình với chàng rồi, chàng mới dỡ việc tóc tơ ra mà nói nữa. Nàng cúi đầu e lệ, song gượng nói nhỏ rằng:

– Em còn có một tháng nữa thì mãn tang của ông thân em. Vậy xin cậu chờ cho em báo hiếu rồi, em sẽ trao thân gởi phận cho cậu, đặng lo sửa tráp nâng khăn mà đền bồi ơn cứu tử…

Nàng ngước mắt ngó chàng, hai người nhìn nhau, sóng tình dồi dập, non ái chập trùng, tuy hai người không nói một tiếng chi nữa hết, mà mắt ngó nhau đó cũng đủ ước hẹn cùng nhau trăm năm vàng đá“ (Ngọn cỏ gió đùa).

Đọc Hồ Biểu Chánh, sự bảo tồn, phát triển văn hóa, đạo đức cứ như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống vậy. Cho nên, tính chân thực, lòng tự trọng của con người luôn được nhà văn hướng tới, gìn giữ và xây dựng. Và Từ Hôn được viết vào năm 1937 là một tiểu thuyết điển hình về đặc điểm này của Hồ Biểu Chánh. Tiểu thuyết mang tính sân khấu, kịch trường nặng về đối thoại, làm cho câu văn ngắn gọn, sinh động, không gây cho người đọc cảm giác nặng nề. Ở thời điểm đó, thủ pháp nghệ thuật này còn rất mới mẻ. Đọc Từ Hôn, dường như đã tháo bỏ những suy nghĩ lởn vởn trong đầu tôi bấy lâu về tiểu thuyết, văn xuôi Hồ Biểu Chánh chỉ nặng về kể lể, thiếu súc tích. Thật vậy, đoạn trích dưới đây, không chỉ thấy rõ thủ pháp nghệ thuật này, mà còn cho ta thấy được giá trị của tính chân thực, lòng tự trọng cao hơn tất cả:  

“– Cậu thất vận, không có sở làm, quần áo lang thang, ăn ở cực khổ, tôi thấy vậy tôi thương, tôi mới làm mai cho cậu có vợ giàu có, đặng có chỗ nương dựa. Bây giờ người ta chịu gả rồi mà người ta lại thương cậu nữa, thì khỏe quá, ý cậu còn muốn giống gì nữa?

–Người ta thương tôi, người ta trọng tôi chừng nào, tôi càng khốn nạn, tôi càng hổ thẹn chừng ấy.

– Hổ thẹn chỗ nào?

– Tôi hổ thẹn về cái chỗ mình giả dối đó chớ chỗ nào.

– Mình giả dối có ai biết đâu mà mình hổ?

– Dầu không ai biết chớ lương tâm của mình cũng không biết nữa hay sao?

–Thuở nay không thấy ai kỳ như cậu vậy. Ði lấy vợ mà được vợ thương, mẹ vợ mến, rồi sợ mà xin từ hôn, nói chuyện nghe trái đời quá.” (Từ Hôn)

Là nhà nghiên cứu văn hóa, vì vậy cả cuộc đời làm quan, hay khi ngồi trước trang viết Hồ Biểu Chánh luôn làm hết trách nhiệm gìn giữ, phát triển giá trị truyền thống văn hóa. Và chính ý thức và trách nhiệm ấy cho ông đủ can đảm bóc trần, phơi bày đến tận cùng cái thối nát của xã hội đương thời, cùng nỗi cảm thông thân phận con người. Vì vậy có thể nói, Hồ Biểu Chánh không chỉ là người đặt những viên gạch đầu cho nền tiểu thuyết hiện thực Việt Nam, mà ông còn là một trong số rất ít nhà văn can đảm bậc nhất của Văn học Việt Nam ở thời điểm đó.

Phận người trong một xã hội tối tăm – với sự giải thoát linh hồn.

Xuất thân nông dân với gia cảnh bần hàn, do vậy cả cuộc đời Hồ Biểu Chánh gắn chặt với người cùng khổ, dù khi ông làm quan, hay đã hưu trí ẩn dật. Vì vậy, suốt đời ngòi bút của ông luôn đứng về lẽ phải, cảm thông với nỗi đau bất hạnh của con người, và bóc trần bộ mặt thật của tầng lớp quan lại, cường hào. Và có thể nói, Ngọn Cỏ Gió Đùa là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Hồ Biểu Chánh viết về thân phận người nông dân Nam Bộ. Ở đó, nhà văn cho ta thấy hành trình hai mươi năm tù tội của người nông dân Lê Văn Đó, chỉ vì can tội đánh cắp một nồi cám heo để cứu đói cho mẹ già, và những đứa trẻ. Với những hình ảnh so sánh, tầng lớp quan lại như bọn thảo khấu trên sân khấu hề chèo, lấy nỗi đau của con người để làm niềm vui. Nếu không trải qua, không được chứng kiến, thì chắc chắn Hồ Biểu Chánh không thể viết được những câu văn, hình ảnh sinh động, giễu nhại làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười đau đớn và xót xa đến vậy:

“Lý trưởng coi rồi bèn dạy đóng cọc giữa sân mà trói tên Ðó, rồi trở vô nhà ăn thịt uống rượu. Ở trong nhà chủ khách vui say cười hỉ hả, ngoài sân một người nghèo khổ bị đánh rêm mình, mà lại nhịn đói bụng xếp ve.

Lý trưởng Tùng để dần dà mấy bữa, đánh chưởi tên Ðó đã thèm rồi mới chịu giải lên Huyện. Quan tri huyện hành phạt một lớp nữa rồi mới giải lên tỉnh. Quan án sát tra hỏi sơ xịa rồi lên án định đánh đòn tên Ðó 100 trượng và đồ 12 năm, về tội cướp của người ta và đánh tài chủ có vết tích…

Quan chờ hơn một tháng, mấy dấu roi lành rồi, mới đày Lê Văn Ðó lên tỉnh Gia Định.” (Ngọn cỏ gió đùa).

Đọc Hồ Biểu Chánh, ta có thể thấy toàn cảnh Nam Bộ ở đầu thế kỷ hai mươi. Sự phân chia giai cấp dẫn đến mâu thuẫn gay gắt trong chế độ xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mâu thuẫn ấy, đã được Hồ Biểu Chánh khai thác triệt để. Có thể nói, nhà văn đã bê nguyên xi những sự việc, hành động nóng bỏng đang diễn ra ở ngoài xã hội, bằng những phương ngữ (Nam Bộ) vào trang viết của mình. Tính thời sự ấy, làm cho tiểu thuyết, văn xuôi của Hồ Biểu Chánh sinh động, đi sâu vào mọi tầng lớp người đọc. Thật vậy, nếu nỗi đau Bạch Tuyết (trong tiểu thuyết Ai Làm Được) xoay quanh trong gia đình, thì đến Ánh Nguyệt (trong Ngọn Cỏ Gió Đùa) nỗi buồn tủi ấy, vượt ra ngoài xã hội. Và ở đó, Hồ Biểu Chánh cho ta thấy thân phận rẻ mạt của con người:

“- Bẩm cậu, người ta hiếp tôi quá. Thân tôi là đờn bà, mà họ làm ngang ôm tôi, tôi không chịu tôi cự, họ lại đánh tôi rồi xô xuống sông. Tôi bịnh hoạn, xin cậu thương dùm tôi, tội nghiệp ….

Tên lính trợn mắt, nắm đầu nàng mà kéo xển đi, rồi nói rằng:

– Ế! Thứ đồ đĩ khéo nhiều chuyện! Về đồn đây rồi mi coi.

Ánh Nguyệt đã bị đánh, rồi bây giờ còn bị bắt và bị nhiếc nữa, nàng nghĩ thân nàng thiệt là tức- tủi, bởi vậy nàng than khóc nghe rất thảm thiết.” (Ngọn cỏ gió đùa).

Và từ đó, để cho Hồ Biểu Chánh đủ can đảm chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Bởi vậy, hình ảnh tầng lớp quan lại dưới ngòi bút của nhà văn không chỉ còn là lục lâm thảo khấu giấu mặt, đổi tên nữa, mà hiện lên nguyên hình một lũ cướp ngày gian tham, và tàn nhẫn:

“Người thiệt ác quá, tiền bạc thì biết lấy, còn cái thây con Ánh- Nguyệt người ta không thèm dạy lính chôn dùm. Quan Tri- Huyện đi rồi, cái thây sình bay hơi thúi quá, lính ở lại giữ lúa họ chịu không nổi, nên túng thế họ mới bắt dân khiêng ra ruộng đào lỗ mà dập”.  (Ngọn cỏ gió đùa).

Hồ Biểu Chánh sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm bóc trần bộ mặt thật của quan lại cường quyền ở mọi khía cạnh. Và ngay từ ngày đầu xây dựng nền móng cho tiểu thuyết, nhà văn đã chú trọng đi sâu vào miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật. Với lời văn tự sự, cùng mượn lời phân tích của nhân vật, nhà văn đã cho người đọc hiểu và nhận diện chân dung của những ông quan phụ mẫu một cách sâu sắc:

“Nếu Hải- Yến mà bạc vợ phụ con, ấy là tại cái tâm tánh của anh ta là tâm tánh tiểu nhơn. Mà người tâm tánh như vậy, sao lại cho làm quan lớn cai trị đến một tỉnh. Vợ con chẳng biết thương, thì làm sao mà biết thương chúng dân. Người nầy đã không nên cho sống lâu, mà cũng không nên cho làm quan. Sống thêm một ngày thì hại cho dân thêm một ngày, còn làm quan bao lớn thì hại cho dân cũng bao lớn.” (Ngọn cỏ gió đùa).

Lấy đức báo oán, môt câu thành ngữ gần nơi cửa Phật, dường như là tư tưởng, lẽ sống sáng tạo của Hồ Biểu Chánh. Vì vậy, sự vị tha, với tấm lòng nhân bản thấm đẫm ngòi bút của ông. Nói, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là những bài giảng luân lý, đạo đức truyền thống, quả thực chẳng ngoa tẹo nào. Thật vậy, nhân quả, hay quy luật vận hành của vũ trụ, một triết lý sống đã có ngay từ tiểu thuyết đầu tay: “Ai Làm Được” của Hồ Biểu Chánh. Ở đó, Bạch Tuyết muốn báo thù cho mẹ, bị đầu độc chết từ hơn chục năm trước, nhưng Khiếu Nhàn (ông ngoại) đã can ngăn, khuyên nhủ: “Chi vậy cháu! Ở đời làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ. Ðứa dữ thì để cho Trời hại nó, mình nuôi hờn kết oán làm chi.”

Tư tưởng và đức tin ấy đã lý giải cho người đọc, tại sao tiểu thuyết, văn xuôi của Hồ Biểu Chánh kết thúc dường như đều có hậu: “Cửa Phật phải mở rộng cho mọi người, dầu người hung dữ đến đây cũng phải chứa, chẳng luận là kẻ đói lạnh. Ðạo chẳng nên nghi quấy cho người ta mà tổn công đức” (Ngọn cỏ gió đùa).

Cùng một thời điểm 1925, nếu Hoàng Ngọc Phách cùng tiểu thuyết Tố Tâm đang chìm đắm trong trong tình yêu, sông nước mây trời với lời văn cầu kỳ, hoa mỹ, thì Hồ Biểu Chánh đi sâu vào đề tài xã hội, cứu vớt hồn người cô đơn, rách nát. Ở đó dù đớn đau, căm phẫn, ta vẫn thấy Hồ Biểu Chánh mở ra một lối thoát, gỡ bỏ hận thù. Bởi, lòng vị tha, tình yêu tha nhân mà đạo lý Nhà Phật đã khai mở cho người nông dân với hai mươi năm tù khổ đau Lê Văn Đó:

“- Té ra ta không chết, mà bây giờ mi phải chết. Mi coi đó thì biết Trời Phật hại kẻ làm quấy, chớ chẳng hề khi nào giết người làm phải bao giờ.

Phạm- Kỳ cúi mặt xuống đất, không nói chi hết. Lê Văn Ðó bước lại mở trói cho anh ta rồi nói rằng:

– Tuy ta là quân trộm cướp, song ta có nhơn, chớ không phải độc ác như các quan của mi vậy đâu. Ta tha mi đa, mi muốn đi đâu thì đi đi.” (Ngọn cỏ gió đùa).

Nho học, và sự tiếp cận Tây học đã cho Hồ Biểu Chánh có cái nhìn khách quan, chân thực hơn về cuộc sống cũng như con đường văn chương của mình. Cho nên, đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tưởng chừng như ông đang trộn cái món Nho học vào Tây học vậy. Nếu ví khung sườn tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh như một chiếc áo veste, thì hồn Việt đó trong từng chiếc áo ấy. Do vậy, dù chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn học, tiểu thuyết Phương Tây, song Hồ Biểu Chánh vẫn lấy hành động cao thượng, nghĩa khí Phương Đông xây dựng nhân vật chính diện, biểu tượng cho cái đẹp, và lương thiện. Và có một điều đặc biệt suốt sự nghiệp cầm bút, Hồ Biểu Chánh không hề thay đổi lối hành văn của mình. Vẫn tình tiết, bố cục đơn giản, lời văn như khẩu ngữ kể chuyện vậy. Do đó, tuy gần gũi với tầng lớp bình dân, nhưng sẽ gây nhàm chán cho không ít người đọc, bởi cái kết (của Truyện) đã biết trước.

Có thể nói, không chỉ là một nhà văn lớn mà Hồ Biểu Chánh còn là một nhà văn hóa. Bởi vậy, tôi đã dành ba tháng liền để đọc ông. Ở đó, cho tôi rất nhiều kiến thức về văn sử địa. Và một bức tranh sống động về xã hội con người Nam Bộ ở những năm đầu thế kỷ hai mươi.

Với bài viết này, tôi chỉ mong góp một phần nào đó làm sáng tỏ thêm chân dung một ông quan tri phủ liêm khiết, trung thực Hồ Văn Trung và một nhà văn lớn Hồ Biểu Chánh mà thôi.

Leipzig ngày 23.01.2025

Đỗ Trường