Đọc lại tập thơ Xem đêm của Phùng Cung

Phùng Cung qua lời kể của Hoàng Cầm

(trích trong băng ghi âm, Hoàng Hưng lưu)

Nhà thơ Phùng Cung (1928-1998), Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010) Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Ông Phùng Cung mua được sự căm ghét của chính những người mà tác phẩm “Con ngựa già của Chúa Trịnh” nó vạch ra, vạch ra một cách sâu sắc nhuần nhuyễn và đọc cái đó ai cũng thấy là hay, như ông cụ nhà tôi là một nhà Nho thôi chẳng có gì là Tây học cả mà thích làm sao đến mức bắt tôi phải mời ông Phùng Cung lên hẳn hoi để ông cụ tiếp kính trọng đến như thế…

Từ năm 1958, thì Phùng Cung có làm sao đâu, và trong cái bản kiểm điểm thì tôi khai bài “Con ngựa già của Chúa Trịnh” không phải Phùng Cung chủ định đăng vào Nhân Văn Giai Phẩm, lúc bấy giờ anh Phùng Cung đối với Nhân Văn Giai Phẩm anh chả là nghĩa lý gì cả không ai chú ý đến anh Phùng Cung cả, chẳng qua anh quen biết và quí mến tôi thì anh viết được cái gì anh hay cho tôi xem và yêu cầu tôi sửa chữa, thế thì cái việc đem đăng cái ấy vô đăng ở Nhân Văn số hai là hoàn toàn do tôi, hoàn toàn không phải do anh Phùng Cung. Mặc dầu tôi nói thế nhưng người ta ghét vẫn cứ ghét, người ta thù vẫn cứ thù chứ sao.

Sau khi thi hành kỷ luật các nhà văn, nhà thơ đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm rồi sang năm 1960 rồi, sau cả đại hội Đảng lần thứ ba rồi cuối năm 1960 thì anh Phùng Cung vẫn làm việc ở hội nhà văn, tức là làm việc lặt vặt, quét dọn, pha phích nước, rửa ấm rửa chén, hoặc in ronéo một vài tài liệu gì đó hoặc dán phong bì, làm việc rất lặt vặt hành chính của Hội Nhà Văn, chứ người ta cũng không duổi anh ra với số lương nhân viên hành chính có là bao nhiêu đâu vào khoảng độ 40 đồng lúc bấy giờ, như bây giờ vào khoảng ba, bốn trăm bạc ba, bốn trăm nghìn bây giờ. 

Anh hay ở phòng làm việc của anh thì nó là phòng nhà dưới, có hai ông nữa là ông Trần Dần và Lê Đạt. Thỉnh thoảng anh Cung cũng có đến nói chuyện về văn nghệ với hai cái ông anh này, thì có khi anh chê, chê to tiếng đấy, anh nói to, chê ông Hoàng Trung Thông hay ông Nguyễn Đình Thi hay ông Tô Hoài hay ông nọ ông kia, những cái nào đáng chê thì ông chê, nói như chuyện vui hằng ngày với anh em thôi. Tôi thấy rõ anh Nguyễn Đình Thi cực kỳ ghét ông Phùng Cung. Lúc bấy giờ anh Thi là tổng thư kí, ngay những câu mà anh nói ở cơ quan đang giờ làm việc có thể nó cũng lọt đến tai anh Thi, thành ra càng ghét cho nên hai anh một anh là tổng thư ký hội, một anh là thường vụ hội nhà văn. Anh Thi và anh Hoàng Trung Thông có thảo kí chung một công văn gởi sang sở công an Thành phố Hà Nội, trong công văn đó nội dung là ở cơ quan hội nhà văn có một tên là Phùng Cung người đã từng viết truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng ở báo Nhân Văn số 2; hiện nay đang là nhân viên bình thường trong công việc hành chính của cơ quan Hội nhưng mà thường luôn luôn có một thái độ chống đối, luôn luôn đả kích những cán bộ lãnh đạo với một thái độ hằn học, vậy chúng tôi ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam yêu cầu cơ quan an ninh thành phố Hà Nội có biện pháp đưa anh Phùng Cung đi cải tạo lâu dài, đấy là nội dung công văn và dưới kí tên một bên là tổng thư kí hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi, một bên là thường vụ hội nhà văn Việt Nam: Hoàng Trung Thông. 

Sự thực thì cơ quan công an Thành phố thì cũng chả thù ghét gì anh ấy bởi vì anh có làm cái gì đâu, có làm gì phi pháp hay gây rối mất trật tự gì ở đường phố hay gì đâu, không có, thế bây giờ muốn đưa anh đi cải tạo lâu dài thì phải lấy cái cớ gì chứ, thế là công an cũng chả nghĩ ra cái cớ gì cả, thì họ bịa ra một chuyện là có một đơn khiếu nại là anh có hãm hiếp một phụ nữ chưa đến tuổi thành niên tức là vị thành niên, một thiếu nữ ở quanh hàng xóm nhà anh, cơ quan an ninh thành phố có nhận được một cái đơn như thế thì gọi anh lên để điều tra thế thôi. Vào khoảng 2h sáng thì người ta gõ cửa nói “Chúng tôi công an thành phố đây, mở cửa ra!”. Vào thì cũng đọc cái lệnh kí ở dưới là trưởng phòng an ninh trật tự. Lệnh: Khám nhà! Nếu chỉ chuyện hiếp dâm mà lại còn khám nhà thì lạ thật, thế nhưng vẫn có lệnh khám nhà và bắt, người ta khám nhà mà có những bài nào mà anh Phùng Cung viết dù là truyện ngắn hay bản nháp linh tinh thì đều tịch thu và đem về sở hết. 

Tôi nhớ là trong thời gian từ sau kia đóng cửa Nhân Văn cho đến lúc bấy giờ thì anh Phùng Cung đã viết độ 20 truyện ngắn, anh có đưa cho tôi đọc và tôi là người đầu tiên anh ấy đưa đọc và xin ý kiến. Tất nhiên 20 truyện ấy không có thể so sánh được với truyện “Con ngựa già của Chúa Trịnh” nhưng đều có những nét rất đặc biệt vì có những truyện khá xúc động và nếu nói về tâm trạng bi phẫn hoặc là phẫn uất thì có đôi truyện mang tâm trạng phẫn uất vô cùng, thế rồi có những truyện mang chất humour, trào lộng cũng sâu sắc lắm. Tôi thì nhớ chung vậy thôi chứ bài nào bài nào thì tôi chịu. Sau khi trả lại anh thì tôi chỉ nói “Cậu viết cái này tuy không được sắc nước bằng ngựa già chúa Trịnh nhưng đều được cả”. Tôi cũng vạch ra một vài truyện còn non thì những truyện nào cần phải sửa sang lại thì tôi cũng có đánh dấu vào đấy yêu cầu sửa sang lại, nhất là về văn cả về bố cục nữa thì tôi có góp ý kiến với anh một cách hết sức chân thành. Sau đó anh có cho anh Lê Đạt mượn và anh Trần Dần có mượn, thì riêng anh Trần Dần mượn có hơi lâu hình như đến một tháng trời. 

Thế mà đến khi anh bị bắt thì cái này về sau tôi nghe qua người vợ anh thuật lại với tôi về tâm trạng anh sau khi bi bắt có truyền được về cho gia đình biết, thì có một điều anh ấy nghĩ và cứ khăng khăng nghĩ như thế suốt cho đến mãi năm 1989 tức là gần đến 1990 tức là từ 1960 – 1990: 30 năm trời anh không bỏ cái ý nghĩ đó: anh cho rằng anh Trần Dần đã đem nộp cái tập truyện ngắn mà anh cho mượn, anh ấy đã đem nộp cho hoặc là ban tuyên huấn hay bộ công an gì đó, vì thế mà anh bị bắt bởi vì cộng với “Con ngựa già của Chúa Trịnh” là cái đăng rồi còn 20 truyện ngắn kia chưa đăng đâu cả, người ta cho biết 20 truyện ngắn ấy là chống lại Đảng, chống lại cán bộ lãnh đạo v.v… thì người ta cứ suy diễn ra như thế. Vì thế mà anh bị bắt cho nên anh thù anh Trần Dần, anh coi anh Trần Dần là kẻ thù, tôi nói thế nào thì nói anh cũng không nghe, tôi tìm cách dàn hòa từ sau khi anh được tha về đến mãi đến mấy năm sau, cả Lê Đạt nữa chúng tôi xúm vào chuyện ấy để cố gỡ ra khỏi đầu óc anh cái tư tưởng ấy bởi vì tôi không bao giờ tôi tin anh Trần Dần làm việc đó.

Trở lại chuyện anh Phùng Cung đi cải tạo thì đầu tiên vợ tức là chị Thoa gánh một gánh quà, một số quần áo rét gì đấy lên thăm anh ở trên tít cái rừng từ Lao Cai đi vào 40km nữa thuộc huyện Hoàng Xu Phì (hay gì đó) thì anh nhất định không tiếp. Anh nói với quản giáo là nếu vợ tôi lên dù là có giấy phép hẳn hoi, tôi xin cán bộ cứ bảo là về đi, ông ấy không tiếp, cứ về mà lấy chồng đi, từ nay trở đi là ông không về nhà nữa đâu. Chị Thoa có kể lại với tôi và chị khóc lóc khổ sở lắm. Lúc bấy giờ chị cũng có làm cơ quan nhà nước tức là làm bào chế thuốc tức là làm về dược đấy thì lương một tháng hơn 40 đồng thôi, mà lại nuôi hai đứa con, hai đứa con trai, một đứa lúc ông bắt đầu đi cải tạo thì hãy còn bé lắm độ lên 2, lên 3, một đứa độ lên 5 lên 6. Thế thì không hiểu sao anh Phùng Cung không tiếp, nhưng tôi thì tôi hiểu nhưng không thể nói với chị thế được, không thể giải thích thế được, tôi hiểu thế này, anh Phùng Cung thương vợ lắm, mà anh thừa biết cái việc này, cái việc anh đi cải tạo này rất lâu, lâu đến mức không thể tính thời hạn là bao nhiêu cả, có thể là 10 năm, có thể là 15 năm cũng có thể là suốt đời mà lại cũng có thể ốm trong rừng rồi chết… Khi người ta đã có quyền mà thù hằn thì chỉ có một cách là chịu đựng mà chung sống với sự thù hằn đó, nếu mình không đủ sức chung sống thì mình chết thôi chứ không có cách gì mà gỡ lại được, thì bây giờ để người vợ trẻ như thế ở nhà chờ mình, chờ mình đến bao giờ đây mặc dù đã có hai con mà tuổi thì đã 35, 36 tuổi mà bây giờ chờ chồng đến bao giờ, chờ chồng đến già à? 

Thế là anh định đóng vai kịch như thế, một vai kịch tàn nhẫn không chịu tiếp muốn gì thì gì và đuổi về, đi lấy chồng đi, tôi không yêu cô nữa, tôi không còn tình nghĩa gì nữa, tôi sẽ không trở về cái nhà ấy nữa, đấy là một vở kịch anh cố tạo ra để cho chị Thoa có thể hiểu nhầm rằng anh phẫn chí rồi, anh hỏng rồi thì thôi có lẽ mình chẳng có thể chờ anh ấy được thì phải đi bước nữa thôi để mà tìm người tốt nào đấy, để nuôi được hai đứa con chứ bản thân một mình mình bây giờ đã nuôi thân lại còn nuôi hai đứa con nữa mà với cái đồng lương hơn 40 đồng bạc thế này. Thành ra tôi cũng chịu, tôi bảo “chắc là anh cũng buồn bã, phẫn chí một tí thế thôi chứ sao anh không thương chị được, thì thôi chị chứ kiên nhẫn, nếu mà lần sau lên mà anh từ chối thì chị cứ nói với ban quản giáo là xin cho chị ở đấy hầu hạ các phạm nhân cũng được miễn là gặp được chồng, chị cứ kiên nhẫn đi rồi thì anh cũng phải nản lòng, anh phải cho chị gặp, đã cho chị gặp rồi thì dần dần lấy lại được bình thường”. 

Thế thì chị Thoa cũng nghe tôi, thì độ một tháng sau chị lại được phép lên, chị lại mang lên, có cái lần này chị mang lên cái thật tốt mà ít thôi, không đem nặng lắm và chị xin bằng được để gặp anh ấy, và quả nhiên chị nghe tôi chị mới xin với quản giáo cho tôi ở lại đây, cho tôi một chỗ ngủ để tôi gặp chồng tôi bằng được mặc dầu chồng tôi không muốn tiếp, xin ban quản giáo hiểu cho là anh đang đau khổ quá thế thôi, xin ban quản giáo thông cảm tôi đi xa mà người thì yếu đuối mảnh dẻ như thế này. 

Thế là ban quản giáo người ta nghĩ cũng ái ngại, người ta cho chị ở lại đâu hai ngày, thế thì lần sau ông Phùng Cung có ra tiếp nhưng mà anh chỉ cho nửa tiếng thôi, anh bảo không tôi chỉ nói chuyện với cô nửa tiếng, anh vẫn làm ra cái vở kịch đó, và anh nói thật: Tôi đi thế này cái tội của tôi nó to lắm thì khó mà về được sớm, em thì còn trẻ mặc dầu đã có hai con nhưng còn trẻ, nhà thì lại nghèo, em cần có chỗ dựa nào đó, mà chỗ dựa tốt, tìm gặp một người nào thật tốt em lấy người ta đi để vừa có chỗ dựa cho mình vừa có thể nuôi được hai con, em cứ nuôi hai con giúp anh, còn bao giờ anh về thì chưa thể nói được mà có thể là không bao giờ về cả, cố làm thế nào để hai đứa con trưởng thành, tôi chỉ ngồi nói chuyện nửa tiếng tôi đi vào chứ không thể ngồi lâu được, thế thì gặp nửa tiếng cũng được rồi. 

Chị Thoa kể: “Ối giời ơi! suốt nửa tiếng em chỉ khóc, thậm chí em quì xuống chân anh em khóc, thôi anh đừng nghĩ ngợi gì, đã bị như thế này thì cố mà làm việc trong trại cho nó có kỷ luật thế nào cũng có ngày về, em thì dù túng thiếu thì vẫn cứ yên tâm chờ anh, thế nhưng Phùng Cung vẫn cứ kiên quyết: “Không, em đi về lấy chồng đi! Em đi lấy chồng nghe tin thế anh vui được chứ không để em như thế này thì anh không thể nào mà chịu nổi đâu”. Chị Thoa người mảnh dẻ, chị đẹp nhưng mảnh dẻ, rõ ràng trông yếu lắm, một cơn gió lạnh có thể bay. Thế thì anh thương quá cho nên anh cố tình làm cho chị chán đi, nhưng chị thì ngược lại, chị không giận gì anh cả, không chán nản mầ vẫn kiên nhẫn tiếp tế cho chồng hàng tháng, tháng nào chị không được tiếp chị vẫn xin với ban quản giáo cho ở lại bằng được. 

Thế quả nhiên như thế độ ba lần sau thì bấy giờ anh Cung mới trở lại cái âu yếm bình thường của hai vợ chồng thì chị có thể ở với anh được đến ngày hôm sau vì ban quản giáo ở đấy cũng tốt, người ta cho phép vì đường xa mà đi bộ như thế thì cứ nói đi từ rừng mà ra ga Lao Cai thì phải sáng sớm là dậy rồi, đi mãi đến tối mới ra tới Lao Cai được, thế nếu có chuyến tàu tối thì về chuyến tàu tối mà nếu nhỡ thì phải ngủ trọ sáng hôm sau mới về Hà Nội được.

Anh bị giam như thế là 12 năm đằng đẵng ở trong rừng không thấy ánh nắng mặt trời chỉ biết có ngày có đêm thế thôi, chứ còn ngày nào cũng như ngày nào, cứ thấy mờ mờ ở trong rừng thế thôi, đến nỗi khi ra anh kể chuyện với tôi, sau một thời gian khá lâu, đến lúc anh ra được ngoài đường ngoài cái rừng ấy rồi thì nhìn trời nhìn đất đến nỗi anh như bị mê sảng, người như lạc cả hồn đi, nhìn một mảng trời xanh nhìn dãy núi xa xa, cây cối anh như bị mê hoặc, nó lạ như thế, không biết vào thế giới nào đây, tại sao lại có thế giới này.

Cái hôm anh mới về, vợ chồng tôi xuống thăm, đó là năm 1972 là B52 đang đánh Hà Nội đúng trong khoảng 12 ngày đêm thì anh được về, anh về thì thấy Hà Nội nó vắng ngơ vắng ngắt, đường phố thì đèn báo động, đèn phòng thủ cho nên tối lờ mờ, về đến nhà thì cửa lại khóa không biết vợ con sơ tán ở đâu, hàng xóm láng giềng cũng đi sơ tán hết chỉ có mỗi một con bé con nào đấy nó chỉ bảo “Đi sơ tán hết, có gì thì phải đến sáng mai thì mới nhắn được” thì anh phải ngủ ngoài hiên đêm hôm ấy và dự cả trận B52. 

Đến hôm tôi và bà vợ tôi xuống thăm thì trong ánh sáng tối mờ mờ của gian phòng đó, chị khóc chị gọi “anh Cung ơi, anh Cầm với chị Yến xuống thăm mình đây này” thì tôi chưa nhìn thấy anh đâu cả mà không phải mắt tôi cận thị chỉ có cái phòng ấy tối tối, tôi không biết anh ấy đứng đâu mà chị Cung chị lại gọi, gọi “anh Cung ơi” thì hóa ra, một lúc tôi định thần lại, thì anh đứng trong góc nhà đấy thôi, đứng bên cạnh cái tủ nhà vẫn có cái tủ chè, anh đứng ngay cạnh tủ chè sát trong góc kề bức tường đến lúc tôi mới nhận ra thì thật sự như tôi nhìn vào bóng ma, trời ơi! 

Người anh nhợt nhạt và anh nói thều thào thều thào như là một người sắp chết, nói mà tôi phải hết sức lắng tai nghe, tôi phải hỏi lại chị “Cô Thoa ơi! anh ấy nói gì đấy, chú ấy nói gì đấy”. Chính chị Thoa cũng nói “em chả nghe rõ đâu, nhưng ý của anh là anh rất vui được trông thấy anh chị xuống thăm thì em chỉ nhìn mồm em đoán thế thôi chứ anh không nói rõ đâu”. 

Tôi chạy lại ôm hai cánh tay anh, ôm vai anh, nước mắt mình cũng rưng rưng, thương vô cùng mà người thì đúng như một hồn ma, gầy gò, sờ thì thịt nhão ra, đi đứng thì cứ lần lần từng bước, nói thì không nói một câu nào cho nó gãy gọn, cho nó ra lời, cứ thì thào thì thào thôi, mình hiểu được thế nào thì hiểu tùy mình. Cả bà Yến cũng khóc, hai bà phụ nữ đều ôm nhau khóc vì thương anh quá, thế thôi, thương quá mà các bà phụ nữ thì lại mau nước mắt. Tôi thì chỉ rơm rớm nghĩ mà thương bạn và cái ân hận là mình đã đăng cái bài ấy nó càng dày vò mình, tại mình anh mới thế này nếu tôi không đăng bài đó vào Nhân Văn số hai thì có lẽ không làm sao cả, thế mới đau, đó là một cái nghịch lý mà bây giờ tôi không biết là tôi nên đứng về phía nào. 

Bây giờ cho tôi đặt một chữ “nếu” thì xin các bạn nếu đã hiểu chuyện này rồi qua lời tôi kể lại thử đặt xem tôi nên đứng về phía nào nếu có chứ “nếu” nha, nếu như tôi không đăng bài ấy vào số hai thì sao? Và nếu như thế thì anh Phùng Cung không làm sao hết, anh vẫn làm việc như một nhân viên bình thường ở cơ quan làm như thế nào, các bạn thử nghĩ trả lời hộ tôi xem thử, nếu có phép gì cho tôi chọn lại việc đó.

Đến độ 4, 5 năm sau thì anh lấy lại thăng bằng trong người và anh làm thơ, tập thơ “Xem Đêm” của anh là có giá trị như tôi đã phê bình trên báo mà phê bình trên báo là tôi chỉ mới nói qua loa thôi chứ chưa nói được kỹ bởi vì nếu nói kỹ thì cũng sợ đụng chạm, thế thì bài đó ông Nguyễn Hữu Đang ông dám nói là bài hay nhất của tôi từ xưa đến nay kể cả vượt tất cả những bài sáng tác, vượt cả “Kiều Loan” vượt cả “Lá Diêu Bông” “Bên Kia Sông Đuống” ông Đang dám khẳng định như thế bởi vì ông thích quá, ông thích bài tôi ca ngợi Phùng Cung ở trong “Xem Đêm”. 

Hoàng Cầm 

***

Một số bài thơ của Phùng Cung trong tập thơ Xem đêm:

Trà

Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương

*

Bèo

Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh.

*

Cua đồng 

Phận – lấm
Tối ngày đào khoáy
Lưng nắng – vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi

*

Vạc

Nắng táp cánh đồng
     xơ xác
Bước liêu xiêu
Cái vạc ăn ngày.

*

Mẹ

Mồ hôi Mẹ
Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt
Con níu giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người.

*

Mồ hôi xương

Em vất vả
Tối ngày tất tả
Lưng áo em
Ngoang vôi trắng xóa
Cái trắng này vắt tận trong xương

*

Gặp em 

Lâu lắm gặp em
Em chỉ khóc quay đi
Bước – héo
Áo – gầy
Gió – va – nón – cũ
Tôi hiểu em
Tôi chẳng nói được gì.

*

Tìm em 

“Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông”
(Ca dao)
Tìm về gặp em
Em đã đi
Vách, giường thơm lạnh
Mùi khăn áo cũ
Đêm nghiêng gió – chập chờn
       mưa gõ lá
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò.

*

Gặp thu

Trở dậy gặp thu
Không gian ngập mùi ổi chín
Mùi năm ngoái
Đáy nù ao bèo
Mây trắng lênh đênh
Bâng khuâng mình tự hỏi mình
Trời thu thả nắng
Giếng tình vắng ai.

*

Đêm cuối Thu 

Chó sủa dông dài
Gió chuyển canh
Trái thị cuối thu
Thơm mùi trăng-úa
Ao khuya nước thở thì thầm.

*

Giăng tơ

Chút lòng đãy gấm khăn điều
Cảm thương cái nhện chiều chiều giăng tơ
Không gian đứt nối sững sờ
Khăn điều đãy gấm ngẩn ngơ mấy chiều.

*

Tri âm

Phách đàn lơi nhịp tri âm
Lưng trời lặng tiếng nguyệt cầm phù điêu
Gấm bào hoen giọt lệ điều
Bâng khuâng xa mã nửa chiều quân vương

*

Ngâu

Thác sinh trong cõi tình trường
Tình trường ly hợp đôi hàng chứa chan
Cầu đò mỏi nhịp Ngân giang
Mưa ngâu khuấy đục giếng làng chưa em.

*

Chùa Kim Liên

Sen vàng từ thuở lên ngôi
Bâng khuâng du khách
Ngậm ngùi vần thơ
Cổng chuà nhện mải giăng tơ
Chuông thiêng ngân mãi
Tiếng thừa trong không.

*

Bạc tuổi

Ai làm cho bạc tuổi nhau
Nhìn trời xanh nhớ mái đầu xanh xưa
Tuổi xanh bạc giữa bất ngờ
Trời xanh quên nửa bài thơ đoạn trường.

*

Đêm Nguyên tiêu  

Cổng Phật chuông lay hoa rụng 
Mõ dẫn kinh ruổi nhịp 
luân hồi 
Vương lụy hương bay đứt, nối 
Cành sương trăng níu 
Giọt nguyên tiêu.

*

Say 

Ai chuốc rượu
Cánh buồm say lảo đảo
Quanh quẩn quãng sông chiều
Quên nẻo ra khơi.

*

Buồng thơm  

Đêm vắng 
Buồng thơm 
Em soi gương trộm 
Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng.

*

Dâu, biển  

Chiều xâm xẩm 
Vườn dâu đòi xanh biển 
Con chim chích buông cành 
bay liệng 
Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa.

*

Ê ẩm

Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quật liên hồi
Ê ẩm tấm da khô.

*

Khói cuối năm

Sương chiều nghe lạnh bước chân
Khách áo cũ
Tìm về bạn cũ
Ai đốt rác lá tre bên ngõ
Lối đi dầy mùi khói-cuối-năm.

*

Xem Đêm

Trở giấc xem đêm
Cuối trời trăng – mỏi
Trái gấc chín – ngập ngừng
Tóc rụng trạt lối đi

Trở giấc xem đêm
Thiên hà ngọc vụn
Gió thổi một mình
Mặt đất tròng trành
Ma hoa nhảy múa.

Phùng Cung, 

Tập thơ Xem đêm, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản vào năm 1995.