Hải Di Nguyễn: Ủy ban Đoàn kết Công giáo tiếp tay đàn áp Công giáo như thế nào?

Tháng 1/2024, tổ chức BPSOS (Boat People SOS) khởi động công trình nghiên cứu để đóng góp thông tin về hiện trạng các tôn giáo với USCIRF (Ủy hội Hoa Kỳ Tự do Tôn giáo Quốc tế), bao gồm thông tin về các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam do nhà nước dựng nên hoặc bị nhà nước kiểm soát và trở thành công cụ đàn áp tôn giáo – đối với Công giáo, đạo Tin lành, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, và đạo Cao Đài.

Nhân việc Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican gần đây tới viếng thăm Việt Nam, hãy nói về Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG): họ tiếp tay cho nhà cầm quyền Việt Nam như thế nào? 

Lịch sử hình thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo

Điểm đầu tiên cần chú ý là UBĐKCG không trực thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam.

TS. Phan Quang Trọng, đồng sáng lập tổ chức Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam, cho biết: “Từ khi được thành lập năm 1955, tổ chức UBĐKCG đã nhiều lần đổi tên nhưng không hề thay đổi mục đích là xích hóa Giáo hội Công giáo Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam của đảng Cộng sản. UBĐKCG là một tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Các linh mục, tu sĩ làm việc và giữ các vai trò then chốt trong Ủy ban là cán bộ nhà nước CHXHCNVN, được  các ưu đãi và chế độ lương bổng như một cán bộ trung và cao cấp.”

“Lúc ban đầu Mặt trận Tổ quốc qua việc thành lập Ủy ban liên lạc cũng muốn theo mô hình Hội Công giáo Yêu nước được áp dụng tại Trung Cộng đã thành công trong việc biến Giáo hội Công giáo Trung Hoa lục địa thành giáo hội quốc doanh, không còn là một tổ chức tôn giáo chân chính. Thiểu số còn trung thành với giáo hội Mẹ là Tòa thánh Vatican thì phải trốn tránh để giữ đạo mà chúng ta gọi thiểu số trung thành còn hoạt động là giáo hội hầm trú. Chính vì vậy mà ban đầu họ đã dùng bạo lực, bắt bớ, giam cầm, nhằm đập tan ý chí và mong tách Giáo hội Công giáo Việt Nam như Trung Cộng đã làm để mong lập một giáo hội tự trị với Tòa thánh Vatican. Hàng ngàn giáo dân, tu sĩ bị bắt không xét xử và nhiều người đã không bao giờ trở lại.”

UBĐKCG góp phần khống chế Công giáo ra sao? 

TS. Phan Quang Trọng nói “Suốt những năm dài sống dưới chế độ XHCN ở miền Bắc, Giáo hội Công giáo không ngừng bị bách hại: các Chủng viện bị đóng cửa; nhiều giáo xứ vắng bóng linh mục hoàn toàn do bị bắt bớ tù đày hay hãm hại, việc sinh hoạt tôn giáo, nhất là dạy giáo lý cũng bị cấm cản hay bị gây khó dễ, tài sản của Giáo Hội bị tịch thu, trưng thu.”

Ông cũng nói “Sau khi chiếm được miền Nam, đảng CSVN đã mượn tay UBĐKCG để giảm ảnh hưởng của Công giáo trong xã hội Việt Nam bằng mọi cách. Giáo hội Công giáo Việt Nam trong giai đoạn 1975-1990 bị bách hại không thua gì Giáo hội Miền Bắc thời trước 1975. Nhưng, rút lấy kinh nghiệm bách hại Công giáo ở miền Bắc, CSVN sau 1975 áp dụng nhiều chiến thuật tinh vi hơn. Nhất là thời gian sau năm 1986 khi đã trót mở cửa, họ càng cần tới thủ đoạn để che mắt quốc tế.”

Theo ông, đó là cái khác giữa UBĐKCG Việt Nam và Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, và trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam không dám tiêu diệt tôn giáo một cách tàn bạo như trước đây mà thay đổi sách lược. “Sách lược mới của họ là dùng các tổ chức như UBĐKCG như một công cụ để nhà cầm quyền áp dụng chính sách hai mặt và chính sách biến chất các tôn giáo.”

Biến chất các tôn giáo như thế nào? Ông giải thích “Qua sự tiếp tay của UBĐKCG, nhà cầm quyền một mặt họ tạo ra một vỏ bọc bên ngoài rất đẹp cho các tôn giáo, bằng việc cho những tôn giáo nào thần phục và chấp nhận sự kiểm soát của họ, được tự do xây cất nguy nga, đồ sộ và rất đẹp, đồng thời cho tín đồ của những tôn giáo ấy được tự do tham dự những sinh hoạt tôn giáo như thờ phượng, cầu nguyện, lễ lạt; mặt khác họ vẫn đàn áp các tôn giáo không thần phục. Họ đàn áp thẳng tay những tôn giáo nào không chấp nhận sự kiểm soát của họ, và những ai dám vì lương tâm tôn giáo mà lên tiếng phản đối hay góp ý về những sai trái, những tội ác hay những bất công do họ gây ra. biến các tôn giáo trở thành những tôn giáo thuần túy lễ hội, nghĩa là chỉ có những sinh hoạt lễ nghi, cầu nguyện, v.v.” 

Một số sự kiện nổi bật

Để cho USCIRF thấy cách UBĐKCG tiếp tay cho nhà cầm quyền cộng sản để đàn áp Công giáo, nhóm nghiên cứu đưa ra một số sự kiện và hành động cụ thể. 

Ông Liêm Lý, thành viên tổ chức Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam và cũng thuộc nhóm nghiên cứu, kể ra một số như: 

“Xua đuổi Khâm sứ Tòa thánh Henry Henri Lemaitre (1975) – chống lệnh bổ nhiệm tòa thánh, Giám mục phó Fransico Xavier Nguyễn Văn Thuận. Tạo cớ cho chính phủ bắt và biệt giam Giám mục Thuận, 13 năm (15/08/1975). 

“Ép Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình phải bổ nhiệm Linh mục Huỳnh Công Minh là tổng đại diện để khống chế và hỗ trợ chính sách kiểm soát Công giáo, theo dõi và báo cáo những hành động của Tổng Giám mục. Ông ta đã ở vị trí này gần 40 năm. 

“Tiếp tay chính quyền tẩy chay, phá rối việc phong thánh cho 117 vị Tử đạo –chống lệnh bổ nhiệm của Tòa thánh Vatican, cho Giám mục Nicolai Huỳnh Văn Nghi về Tổng Giáo phận TP.HCM (Sài Gòn).”

Đó, theo ông Liêm Lý, là thời kỳ đầu của UBĐKCG. Trong giai đoạn hai, từ khi có chính sách mở cửa tới nay, nhà nước Việt Nam đã thay đổi chiến lược với tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng. 

Ông Liêm Lý kể ra một số sự kiện như: 

“Sử dụng hai tờ báo Người Công giáo Việt Nam và Công giáo và Dân tộc để hỗ trợ chính sách đàn áp các tôn giáo, nhằm chia rẽ các tôn giáo, và trong nội bộ Công giáo (chia để trị). Giải thích Kinh Thánh và huấn thị của Giáo hội sao cho có lợi cho chính sách của Đảng, định hướng giáo dân. Giúp Đảng ổn định Công giáo để rảnh tay đối phó với các tôn giáo độc lập khác. 

“Nổi bật biến cố đòi lại tòa Khâm sứ Hà Nội và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà: UBĐKCG đứng về phía chính quyền, vu cáo sai sự thật.

“Để gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) năm 2005, UBĐKCG viết một báo cáo với những bằng chứng giả tạo ký tên bởi Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch UBĐKCG. 

“Một phái đoàn tôn giáo quốc doanh, và Linh mục Nguyễn Thanh Lý, Giám tỉnh dòng Vinh Sơn, tháp tùng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng vào 10/2023 sang Mỹ để làm chứng gian, vận động xin gỡ bỏ danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL).” 

Đó là vài ví dụ. 

Chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây của Vatican

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám mục, Ngoại trưởng Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đến thăm Việt Nam chiều 10/4. Ảnh: Báo VnExpress.

Vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến công du tới Việt Nam ngày 9-14/4/2024. 

Theo bài viết của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về buổi gặp mặt Tổng Giám mục Paul Richard Gallaghe, “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia xây dựng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Giáo hội Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”

Bà Loan Nguyễn, một thành viên khác của nhóm Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam, nói “Chúng ta chờ xem kết quả của việc viếng thăm này. Trong sự dè dặt thường xuyên của hàng giáo phẩm, hy vọng tiếng nói của cộng đồng Công giáo hải ngoại cho quốc tế biết CSVN diễn kịch giỏi như thế nào.”

Bà cũng nói “Những tổ chức tôn giáo chỉ là công cụ như UBĐKCG vẫn tiếp tục và bành trướng mục tiêu của họ.” 

Hải Di Nguyễn