Thơ tháng Tư: Quảng Tánh Trần Cầm, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Trung Dũng Kqđ, Trần Tiến Dũng, Trần Trung Đạo

Forget me not  ̶  xin đừng quên tôi

Love is so short, and forgetting is so long  ̶  Pablo Neruda

Hình minh họa: Hoa forget-me-not, Aslam Athanikkal

tháng này chợt ho khan tưởng chừng vỡ ngực 
lê từng bước ngả nghiêng 
đầu óc chấp chới trong cõi lặng 
đâu đây nghe từ tận cùng xa vắng 
lũ đười ươi cười buốt não thắt tim 

trong cơn ho khan rũ rượi 
cố lục lọi ký ức tổn thương 
chỉ thấy lớp lớp những rễ phụ chỉ địa lòng thòng 
cùng những dây leo rối rắm đan xen chằng chịt 
mơn trớn hoài nghi 
che lấp mặt người


và mặt trời  
để lại bóng tối nhật thực 
hằn trên những bậc thềm đá thô ráp chông chênh 
không rõ dẫn đến điểm đầu hay điểm cuối
của hành trình vô định  ̶ ̶ ̶  
thoi thóp hơi thở cạn 
trong mùi biển mặn tanh nồng


nỗi đau bật dậy đôi khi thật tình cờ 
tưởng như lời chiêu hồn đêm không trăng 
lướt thướt những bóng người về trùm trong vải liệm 
đây bát cơm đầy 
ràn rụa nước mắt 
tình nghĩa sao quá mong manh


tháng tư về 
forget-me-not không chỉ là tên một loài hoa 
mà là tiếng kêu than 
là lời nhắc nhở 
vụt thoát từ kẽ hở vô thức trong những ngày đợi mưa.

Quảng Tánh Trần Cầm 

***

Tháng Tư: Biển-Ruồi-Rác và…

Của một đàn ruồi rầm rì trong rác

Tháng tư bốc mùi nước hoa lịch sử

Muốn tắt thở khi ghé môi vào kỉ niệm

Khi phải vùi sâu vào trong vùng tóc tối

Anh hôn những giấc mơ đang đến hồi chung cuộc

Hôn lên lụi tàn của người đàn bà đã hết thời thiếu nữ

Hôn vào những cuộc chia li tăm tối một kiếp người

Anh sợ những đám đông và không bao giờ chịu nổi

Khi phải dẫm chân lên hang ổ của loài ruồi

Chúng chiếm lĩnh những bài ca có cùng một giai điệu

Cùng bắt nhịp bay lên … hạ thấp như sương mù

Chúng cùng tấn công vào đống rác của con người

Một đám đông tội nghiệp được tái sinh từ chất thải

Chúng có một ngọn cờ cắm trên đầu ngọn giáo

Bắn ra từ những lưỡi lê lưu manh gian dối bạo tàn

Chúng phát ngôn bằng văn chương  

và rất nhiều âm nhạc

Bằng cái lưỡi chồn lươn trong hang cách mạng 

Cộng sản Quốc gia chữ nghĩa nhiều như … rác 

Bằng những cú chuyền banh dịu dàng điệu nghệ 

Trên sân cỏ của tháng tư và đám đông đùng đục

Chúng chia sớt nhau 

chút vinh quang cay đắng hận thù

Tháng tư đau thương và mùa hạ nhục nhằn

Những kí ức được chôn sâu bị lấp đầy bởi rác

Chỉ muốn tắt thở thôi khi phải môi hôn vào kỉ niệm

Chỉ muốn chết thôi khi vùi mặt vào âm mưu tóc ám

Khi phải thở bằng bóng đêm đang cánh rợp loài ruồi

Nguyễn Tấn Cứ 

***

Tháng tư, những câu ngắn

*

Ba tao đã thắng ba mày

Bây giờ bại trận cả mày lẫn tao

Đạn bom, gươm súng thủa nào

Vẫn còn mắc kẹt trong bao tử mình.

*

Năm 75 chị mất chồng

Tháng tư nghe tiếng pháo bông khóc oà

*

Cái ngày mày giải phóng tao

Mẹ tao lạc, mất biết bao con mình

*

Sau ngày thống nhất non sông

Mẹ tao không chịu lấy chồng mày ơi!

Nguyễn Trung Dũng Kqđ

***

Trần Tiến Dũng: Đã khá lâu tôi không làm thơ, không đăng thơ, nay tháng Tư đưa về cái cảm giác dù buồn nản mấy đi nữa cũng cần tìm lại chính mình. Sài Gòn, miền Nam tôi đó luôn có những người Tự Do cùng ngồi chung một nhà hát cho dẫu không thấy nhau nhưng luôn cùng hy vọng.

Trong nhà hát mang tên: Một mình 

Chim chìa vôi cất tiếng

nắng trưa lặng với bụi cỏ trên mái nhà

tiếng nước từ cái vòi hư lại ồn

rèm cửa sổ sợ tiếng rao keo dính chuột.

Đây

người đàn ông và

                                  chậu sứ sứt mẻ

cố nhớ lần cuối một điệu Boléro

có giọng ca trong cái gạt tàn thuốc lá

không cái quẹt ga nào khiến ngọn lửa cũ lại hát

nhưng tàn tro vẫn yêu giọng hát có đời nứt bể.

Và ông hát

mảnh sứ bể và tàn tro thuốc lá lại hòa âm

thằn lằn con lắc lư cái đuôi nhỏ xíu

con chó hướng ra cửa sủa “im ngay thằng dính chuột”.

Này ông!

Tôi biết cảm giác cô độc là tường vách

mấy quyển sách vớ vẩn cách âm rất tốt

nhưng vẫn có giọng ca yêu ông trong cái gạt tàn

có thêm nhiều giọng ca khác ư?

Cái gọng kính mờ nghe tiếng nàng hát trong phòng tắm sao?

Lẽ nào có cả tiếng nàng ru làn da êm dịu!

Ông lại ngân giọng

cái đồng hồ đeo tay tự tìm thấy lại thời gian

ảnh chân dung cũ rộng miệng cười ngất

bao nhiêu thứ đáng vứt đi lại múa hát.

Hát với từng ấy những người tình

ông và tôi sẽ chẳng nghe ra giọng cô nàng nào cả

mà cần gì riêng nhớ một nàng nào

trong nhà hát mang tên: Một Mình

cả đống người tình của ta cũng chỉ chung mỗi cuộc tình

trong nhà hát chỉ có mỗi một tiếng vỗ tay.

Dàn kèn tây đám ma gào lên trong hẻm vắng.

Trần Tiến Dũng 

Sài Gòn, tháng Tư.

***

Thưa Mẹ, chúng con đi 

Thưa mẹ 

Chúng con là người Việt Nam lưu lạc 

Ngày ra đi không hẹn buổi quay về. 

Chẳng phải là sương mù sao khóc lúc đêm khuya 

Chẳng phải gió sao đời là giông bão 

Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi 

Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu. 

Bao nhiêu năm, chúng con sống trong âm thầm và chết giữa hoang vu 

Biển cả, rừng sâu, non mờ, núi thẳm

Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm 

Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau. 

Bao nhiêu năm trời nuôi lớn một niềm đau 

Mang một vết thương vẫn còn đang mưng mủ 

Khi ngoảnh mặt trông về chốn cũ 

Lòng chưa kịp buồn, nước mắt nhỏ trên tay. 

Dải đất Việt Nam 

Nằm co ro như một kẻ ăn mày 

Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố 

Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ 

Như chiếc lưng khòm mẹ gánh cả trời thương. 

Chúng con đã hơn một lần có được quê hương 

Bãi mía, hàng tre, bờ dâu, ruộng lúa 

Bài ca dao ngọt ngào như giọt sữa 

Chảy vào hồn theo tiếng mẹ à ơi

Những cánh diều xưa dây đứt rớt vào đời 

Bay lạc lõng bốn phương trời vô định.

Chúng con cũng đã bao lần suy niệm 

Bốn ngàn năm lịch sử của ông cha

Thuở Hùng Vương 

Đi chân đất dựng sơn hà 

Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống 

Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát 

Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san 

Trần Bình Trọng chịu bêu đầu để làm quỉ nước Nam 

Cũng chỉ vì tấm lòng tha thiết.

Mẹ ơi, trăng còn có khi tròn khi khuyết 

Nhưng tình yêu quê hương chẳng khuyết bao giờ. 

Trần Trung Ðạo

Tranh Đinh Trường Chinh.