Hồ Phương Trinh: “Chống lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng Cửu Long địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 0,7-1,2m. Dọc theo biên giới Campuchia cao hơn với cao độ từ 2,0-4,0 m, sau đó thấp dần xuống trung tâm đồng bằng với cao độ 0,8-1,2 m và chỉ còn 0,3-0,5 m ở ven biển. 

Mỗi năm đồng bằng có một mùa nước ngập ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nước ngập khoảng 3 tháng mà đỉnh cao là tháng 8, tháng 9. Nhìn vào bản đồ ta thấy vùng ngập nước là sát biên giới, từ sông Vàm cỏ Tây đến vịnh Thái Lan. Vùng ngập nước này không phải vì trũng thấp mà bị ngập. Không phải toàn vùng đồng bằng có hai khu vực này thấp nhứt nên nước dồn vào.

Nước ngập là do mùa nước đổ, lưu lượng sông Mekong quá lớn, dòng sông không chảy kịp nên tràn bờ. Nhờ có Biển Hồ Campuchia chia bớt nước nên nước tràn bờ dâng lên từ từ chứ không là dòng lũ dữ cuốn trôi mọi thứ như các dòng sông lớn khác trên thế giới. (Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia thì đúng là một vùng trũng thấp tự nhiên chứa nước). Nước cứ tràn ra hai bờ sông Tiền sông Hậu thành một biển nước mênh mông trong mùa nước nổi. Biển nước này cứ tràn dần từ biên giới là đầu nguồn sông tiền sông Hậu xuống hạ lưu. Trong hầu hết các năm thì nước tràn ngập các vùng như trong bản đồ, chưa kịp tràn tiếp xuống hướng biển thì mùa nước đổ đã hết, lưu lượng sông nhỏ lại, nước tràn bờ lại chảy trở ra sông và chảy ra biển. 

Cuối mùa nước, vì nước trên đồng rút xuống nhiều quá, nên dòng chảy từ vùng ngập ra biển rất mạnh, khi gặp thủy triều lên thì nước sông tràn bờ ngập vườn tược chừng vài tấc trong vài tiếng, khi triều xuống thì nước hết ngập. 

Hồi chưa có đê bao “chống lũ”, chưa có hệ thống thủy lợi “kiểm soát lũ” thì miền Tây vẫn sống phây phây, là vựa lúa xuất cảng, trái cây đủ loại, tôm cá đầy đồng đầy sông. Ở vùng ngập nước Đồng tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đầu nguồn gọi là “có lũ” thì còn hiểu được, chứ vùng hạ nguồn như Sa Đéc, Ô Môn, Cần Thơ, Vĩnh Long mà phải “kiểm soát lũ” thì không hiểu nổi!

Đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ta thấy các vùng hạ nguồn kể trên nhà cửa kiên cố, cây trái xum xuê chứ không có nhà sàn như vùng trên, chứng tỏ là không hề có lũ.

Và càng ngày nước Mekong về càng ít hơn do đập thủy điện ở thượng nguồn, do khí hậu “cực đoan” và sắp tới do kinh đào Phù Nam thì nước sẽ ít ngập hơn, tại sao phải kiểm soát lũ?

Miền đồng bằng những chỗ gần biển thì phải “ngọt hóa”, những chỗ không bị xâm nhập mặn thì phải chống lũ, xem ra vùng đồng bằng này quá ư khó sống, không đúng thực tế chút nào.

Tôi nghe một vị tiến sĩ, viện trưởng Viện quy hoạch sử dụng nước và tài nguyên thiên nhiên nói: “Bờ bao, đê bao chống lũ là con đường phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nếu không thì dân cư trong vùng tiếp tục lặn hụp trong lũ…” thì rất giận. Dân đồng bằng này lặn hụp trong lũ hồi nào mà ông nói vậy. 

Dự án Ô Môn Xà No kiểm soát lũ liên quan đến ba tỉnh Cần Thơ Hậu Giang Kiên Giang kéo dài rậm rề từ năm 2005 với nhiều lần đội vốn, đã bị WB ngưng giải ngân vì bê trễ tiến độ nhưng người ta vẫn cố sống cố chết thực hiện. Cho đến nay chẳng biết hiệu quả tới đâu nhưng khổ vì ô nhiễm khi ngăn nước, khổ vì ách tắc giao thông thủy, khổ vì tốn quá nhiều tiền của dân là đã thấy trước mắt.

Một ông tiến sĩ khác thì nói sau khi làm xong hệ thống thủy lợi (ngọt hóa các vùng ven biển, kiểm soát lũ mọi chỗ có và không có lũ) thì sẽ “thay đổi diện mạo cả một vùng”. Thì kết quả đây:

Ngọt hóa hay ngăn lũ để tăng diện tích và vụ mùa lúa. Lúa nhiều mà giá trị thấp, năm nào cũng được mùa rớt giá, chỉ các công ty xuất khẩu lúa là giàu chứ nông dân vẫn nghèo rớt. Cây trồng khác thì khuyến khích trồng cây sầu riêng, là loại cây nhạy cảm với mặn, cần nhiều nước nhưng không chịu úng. Không biết sầu riêng có làm thay đổi diện mạo miền Cửu Long hay không, hay sầu riêng lại sẽ chịu chung số phận như thanh long hiện nay. 

Còn những thiệt hại khác do phá hoại hệ sinh thái, những thiệt hại về môi trường thì không thể đo đếm được.

Nói chung vì là làm thủy lợi không đúng nên diện mạo đồng bằng quả có thay đổi, mà thay đổi xấu đi mỗi năm. Năm xưa nghe câu “sống chung với lũ”, năm nay nghe câu “sống chung với hạn mặn”, vậy từ đầu sống chung đi cho nó khỏe.

Hồ Phương Trinh

Vùng ngập nước của Việt Nam trong mùa nước đổ của sông Mekong

—————–

Bài liên quan:

*Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! 

Bài 1, bài 2:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha

* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)

Bài 3:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt/

* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)

Bài 4:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt-2/

* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)

Bài 5, bài 6:https://diendantheky.net/ho-phuong-trinh-mien-tay-vung-chau-tho-bi-tan-pha-tt-3/

*Hồ Phương Trinh: Nước cho châu thổ Cửu Long

* Hồ Phương Trinh: Có phải châu thổ Cửu Long bây giờ mới nhiễm mặn?