Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)

BÀI 4: CÁC CÔNG TRÌNH “NGỌT HÓA” THẤT BẠI

CỐNG ĐẬP BA LAI

Miền châu thổ sông Cửu Long có nhiều vùng, khác nhau thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, về mức độ cao ráo hay trũng thấp. 

MIỆT VƯỜN LÀ GÌ

Là vùng được khai thác đầu tiên trong quá trình mở đất. Các vùng đất cao ven sông rạch là nơi lý tưởng để cất nhà, lập vườn. ĐÀO MƯƠNG LÊN LIẾP là một kỹ thuật làm vườn rất khoa học của dân miền Tây. đào mương lấy đất đắp lên liếp. Liếp rộng hẹp tùy loại cây trồng. Trong một mảnh vườn thì các liếp, mương song song nhau, và mương luôn luôn thông ra sông rạch. Nước từ sông rạch ra vô mang phù sa cho vườn. Mặt liếp cao hơn nước mương chừng 4-5 tấc nên hầu như là không phải tưới vườn. Mỗi năm vét bùn (là phù sa lắng xuống) dưới mương đắp lên mặt liếp một lần, gọi là bồi vườn. Trong miệt vườn cũng có ruộng xen kẽ, chứ không có cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nếu đủ tài lực thì người ta sẽ “lên vườn” tức là đào mương lên liếp để lập vườn. Vườn cho huê lợi cao hơn ruộng. Dân miệt vườn ai cũng có mảnh vườn của mình, không có chuyện dân miệt vườn cho thuê hay đi thuê vườn để trồng trọt. Người ta cất nhà trên một liếp vườn, thường là quay mặt ra sông rạch.

Như đã nói bài trước, miệt vườn vùng gần biển thì sẽ có mùa nước lợ, người ta trồng dừa. Lên xa biển hơn, nước ngọt quanh năm thì trồng cam, xoài, vú sữa, sầu riêng v.v… Vùng nước ngọt thì người ta uống nước sông. Vùng có vài tháng nước lợ thì hứng nước mưa uống. Nước tắm giặt thì cuối mùa mưa người ta đắp một cái đập trong một con mương vườn sát nhà để giữ nước ngọt trong con mương đó mà xài. Các con mương khác trong vườn vẫn thông với sông rạch. Hết mùa hạn thì phá đập ra để lấy nước sông trở lại

Ở chỗ đất GIỒNG thì đào giếng lấy nước ngọt. Giếng đào 5-10m là có nước. Đất giồng gần biển cũng đào được giếng nước ngọt quanh năm. Trong miệt vườn có nhiều địa danh GIỒNG : Giồng Trôm, Giồng Tre, Giồng Trường, Giồng Quéo…

Nói chung là dân miệt vườn không thiếu nước ngọt, nước cho canh tác và nước uống. 

ĐẬP BA LAI

Là cái đập xây để chặn nước mặn từ biển vào sông Ba Lai. Dự án “ngọt hóa” cho miệt vườn hai bên sông Ba Lai, từ sông Cửa Đại đến sông Hàm Luông gồm các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại và Thành phố Bến Tre, nghĩa là hơn một nửa tỉnh Bến Tre. Đập được khởi công năm 2000 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2002.

Bến Tre là tỉnh ven biển, sông bao bọc khắp phía. Từ xưa người dân đã sinh sống trồng trọt cày cấy, đánh bắt tôm cá v.v…thuận theo sự xoay vần tự nhiên của mưa nắng, con nước. Nước ngọt thì làm gì, nước lợ làm gì, mưa trồng gì, nắng trồng gì thì nông dân đã thành thuộc. Tự nhiên bây giờ “ngọt hóa” hết thảy, rồi nói nhờ ngọt hóa mà thau chua rửa phèn gì đó. Có chua có phèn đâu mà thau mà rửa???

Ngăn dòng chảy sông làm cho những người làm nghề đóng đáy thất thu nặng nề. Nước bị ngăn lại làm cho miệt vườn không còn là nơi sông sâu nước chảy, liếp vườn hết phù sa, mương vườn thành nơi ao tù nước đọng. Ngọt hóa không làm tăng năng suất cho vuờn cho ruộng, cũng không chuyển đổi được từ cây dừa sang cây sầu riêng. Chỗ đang nuôi tôm thì nước không đủ mặn để nuôi, chỗ đang làm muối thì nước không đủ mặn để làm muối, đành thất nghiệp!

Ủa, tại sao cứ phải ngọt hóa để trồng lúa, trái cây? Giá lúa rẻ mạt, có tăng thêm bao nhiêu đi nữa thì cũng đâu thêm được nhiêu tiền. (Bán bao nhiêu tấn lúa mới mua được một cái iPhone?) mà đổi lại hệ sinh thái bị đảo lộn, kinh kế của người dân bị đảo lộn, và nếu nhận ra sai lầm thì không thể vãn hồi được!

Nhưng ngọt hóa cũng đâu có thành công, không biết do kỹ thuật đắp đập hay do gì khác mà rồi nước mặn cũng vô tuốt luốt. Năm 2016, 2020 ở quê nội tôi xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm ở trong vùng ngọt hóa, mà cũng bị “hạn mặn” gay gắt như ai ở vùng không được ngọt hóa!

Lắm lúc tôi cũng suy nghĩ, hay là chuyện ngọt hóa này có ẩn tình gì chăng?

Trên đây là tôi nói theo thực tế tai nghe mắt thấy vì tôi quê Bến Tre. Người dân thấp cổ bé họng nói ai nghe? Nhưng hồi năm 2018 một số nhà khoa học độc lập có lên tiếng đòi đánh giá hiệu quả của cống đập Ba Lai sau 16 năm vận hành để rút kinh nghiệm cho những dự án ngọt hóa khác sắp triển khai, nhưng tất cả đều bị bỏ qua, và lại một dự án ngọt hóa mới toanh vừa hoàn thành trong năm 2022 ở Kiên Giang.

Hồ Phương Trinh 

Vùng ngọt hóa của đập Ba Lai 
Cù lao đánh dấu sao: sáu tháng nước ngọt sáu tháng nước mặn. Trên cù lao có giếng nước ngọt quanh năm. Tôi đã đi đến cù lao đó

————–

*Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! 

Bài 1, bài 2. 

* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)

Bài 3.