Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 5: CÁC CÔNG TRÌNH NGỌT HÓA THẤT BẠI: BÁN ĐẢO CÀ MAU
Bán đảo Cà Mau là vùng trên bản đồ, từ vạch tím về phía Nam, đến mũi Cà Mau. Từ vạch tím lên phía bắc là vùng Thốt Nốt, Cần Thơ là miệt vườn sông sâu nước chảy vườn tốt ruộng tốt từ hồi xửa xưa, không cần làm thêm thủy lợi gì nữa.
Trong bán đảo Cà Mau có mấy vùng khác nhau về thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, hệ sinh thái. Vùng Mũi Cà Mau, (trên bản đồ là địa phận tỉnh Cà Mau) có các con sông đổ ra biển Đông, biển Tây (vịnh Thái Lan). Vùng này kinh rạch chằng chịt, nước sông chịu ảnh hường của thủy triều hai phía biển. Khi thủy triều lên nước biển hai phía Đông Tây chảy vào sông và gặp nhau ở vùng mà người địa phương gọi là vùng “giáp nước”. Vì thủy triều biển Đông cao hơn biển Tây nên vùng giáp nước lệch về phía Tây. Hiện nay còn địa danh cầu Giáp Nước. Mùa khô thì nước mặn vô sâu nội địa nhưng mùa mưa thì nước ngọt, nước lợ. Vùng này xưa kia là rừng đước rừng tràm. Sau khi khai phá (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) thì người ta trồng lúa trong mùa mưa nước ngọt, mùa nắng thì nuôi tôm cá quảng canh, tức là cuối mùa mưa sau khi thu hoạch lúa thì cho nước mặn tràn vô, đem theo cá tôm giống. Giữ nước lại nuôi trong vài tháng, khi tới mùa kiệt, nước mặn nhiều thì đánh bắt lên bán và để ruộng tự nhiên chờ đến khi mưa xuống đủ ngọt lại trồng lúa. Đại khái là giống như mô hình lúa tôm bây giờ nhưng nuôi, trồng hoàn toàn tự nhiên.
Vùng phía đông bắc tỉnh Cà Mau tức là Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, từ thời “thực dân” Pháp họ đã đào nhiều kinh dẫn nước từ sông Hậu vô. Kinh Xà No từ rạch Cần Thơ tới sông Cái Lớn ở Vị Thanh (đường số 1 trên bản đồ). Ngã Bảy, Ngã Năm là nơi bảy con kinh, năm con kinh từ đó tỏa đi khắp miền Hậu Giang. Kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp từ Ngã Bảy tới Cà Mau, đi qua Ngã Năm (đường số 2 trên bản đồ). Nhờ hệ thống kinh đào này mà vùng Bạc Liêu được khai phá trở thành vùng đất ruộng cò bay thẳng cánh. Điền chủ ở Bạc Liêu là đại điền chủ so với các điền chủ ở Gò Công, Trà Vinh… là những vùng đất “cũ” khai phá từ trước. Công tử Bạc Liêu giàu có cũng nhờ cha là đại điền chủ xứ Bạc Liêu. Từ đầu thế kỷ 20 cho tới trước 1945 lượng lúa xuất cảng của miền Tây cứ tăng theo thời gian.
Dưới thời “đế quốc Mỹ”, nhờ luật Người Cày Có Ruộng của VNCH và khoa học Canh Nông được áp dụng mà nghề nông ở vùng bán đảo Cà Mau này phát triển vượt bực. Máy cày, máy bơm nước rất phổ biến. Cho đến trước 1975 thì vùng Ba Xuyên (Bạc Liêu, Sóc Trăng) có sản lượng lúa cao nhứt miền Tây.
TẠI SAO SAU ’75 lại bị thiếu đói? Dài dòng lắm, do chính sách hợp tác hóa sai lầm, do ngăn sông cấm chợ nên vật tư nông nghiệp không lưu thông phân phối được, do cao ngạo nghỉ chơi với đế quốc nên bị cấm vận v.v… nên vùng châu thổ phì nhiêu mà sản xuất lúa gạo bị thiếu ăn, còn tệ hơn thời thực dân Pháp!
Sau khi “mở cửa” năm ’86 thì chỉ mấy năm thôi, là năm ’89 ta đã lần đầu tiên xuất khẩu gạo sau ngày “giải phóng”. Trong mấy năm ngắn ngủi từ khi mở cửa đến khi xuất khẩu gạo đảng ta chưa kịp làm công trình thủy lợi gì ở miền Tây, cũng chưa kịp chỉ đạo gì mà sản lượng lúa vẫn tăng cao. Đang thiếu ăn mà đi đến xuất khẩu gạo thì các đỉnh cao trí tuệ choáng ngợp, bèn nghĩ cách sao cho lượng gạo xuất khẩu được nhiều hơn. Từ đó mới nảy ra các công trình thủy lợi: đê bao “chống lũ” ở tứ giác Long Xuyên, “ngọt hóa” khắp nơi từ bán đảo Cà Mau tới Bến Tre, Gò Công, tất cả là để tăng sản xuất lúa vụ ba. Ở tứ giác Long Xuyên thì bao đê để làm lúa vụ ba luôn trong mùa nước nổi. Những vùng bị nước mặn xâm nhập thành nước lợ trong mùa kiệt thì phải đắp đập ngăn nước biển, phải “ngọt hóa” để làm lúa trong mùa kiệt mới chịu. Tất cả cho sản xuất lúa!
LÀM SAO ĐỂ NGỌT HÓA?
Nhìn bán đảo Cà Mau, hai bên là biển, phía đông bắc là sông Hậu. Muốn ngăn nước mặn thì phải bịt kín hết những lối thông ra biển, mà ở vùng kinh rạch chằng chịt, đi đường thủy nhiều hơn đường bộ thì việc này khá tốn kém. Khi đắp đập như vậy thì mực nước hai bên đập sẽ chênh lệch nên phải xây âu thuyền thì thuyền bè mới đi qua được chỗ nước chênh lệch đó. Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau với rất nhiều cống, đập và một âu thuyền Tắc Thủ, tốn kém nhiều tiền của nhưng thất bại từ trong trứng nước.
VÌ SAO THẤT BẠI?
Vào những năm 1990s, dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai. Hệ thống cống đập xây lên nhưng nông dân không đồng tình. Xây đập ngăn mặn nhưng nước ngọt không đủ, trồng lúa không trúng mùa mà nuôi tôm không được. Thêm nữa sông rạch bị bít đường chảy gây ô nhiễm nguồn nước. Cuối năm 1998 nông dân Cà Mau hè nhau phá cống bửa đập để lấy nước mặn vào nuôi tôm. Trước áp lực của nông dân, năm 2000 Chính Phủ đã ra nghị quyết cho phép chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi tôm. Thế là dự án ngọt hóa chết yểu. Vậy mà âu thuyền Tắc Thủ, một hạng mục của dự án ngọt hóa vẫn được khởi công vào năm sau, năm 2001 với kinh phí 80 tỉ đồng lúc đó, từ khi khánh thành là bỏ hoang luôn cho tới bây giờ, trở thành đống sắt thép mục nát!
Những cống đập đã xây thì cứ bỏ ngỏ, nhưng cũng gây ách tắc dòng chảy, nhiều nơi bị bồi lắng, bị ô nhiễm vì nước chưa thoát ra được đã chảy trở vô. Đường giao thông thủy cũng bị trở ngại vì các đập này, nhưng nông dân Cà Mau rất thông minh, họ đã sáng chế một hệ thống ròng rọc kéo ghe thuyền qua đập trong vòng một nốt nhạc!
***
Bài 6: ĐẬP SÔNG CÁI LỚN CÁI BÉ: THẤT BẠI ĐƯỢC THẤY TRƯỚC.
Như các bài trước đã nói, vùng đồng bằng Cửu Long lấy nước ngọt tưới cho vườn ruộng là từ sông Tiền, sông Hậu. Ở bán đảo Cà Mau có thêm các sông Cái Lớn từ Vị Thanh, sông Cái Bé từ Giồng Riềng, cả hai sông đổ ra biển Tây, chỗ Rạch Giá. Hai con sông này nối với sông Hậu nhờ hệ thống kinh được đào từ hồi thời “thực dân’ Pháp,”đế quốc” Mỹ. Phía mũi Cà Mau thì hệ thống sông kinh rạch chằng chịt nối hai bờ biển Đông Tây.
Thuận theo tự nhiên thì mùa mưa nước sông nhiều, chảy mạnh, thủy triều ở biển đẩy ngược vào sông không nhiều, nên mùa mưa nước sông ngọt ra tới gần biển. Mùa kiệt nước sông chảy yếu, nước biển xâm nhập sâu vào dòng sông, thời nay gọi là “hạn mặn”. Người xưa trồng lúa trồng cây nuôi tôm nuôi cá, đánh bắt tôm cá tự nhiên đều dựa theo mùa vụ, nước sông, nước mưa, nước ngọt, nước lợ nước mặn theo mùa, thích hợp lúc nào thì làm lúc ấy, không bắt thiên nhiên phải theo ý con người.
Các công trình thủy lợi NGỌT HÓA ở đồng bằng Cửu Long đều là muốn đi ngược tự nhiên. Mùa nước mặn, nước lợ mà vẫn muốn trồng lúa, vẫn muốn trồng cây ăn trái nhạy cảm với nước mặn. Vậy là đắp đập ngăn nước mặn từ biển vào, và phía trong đập, theo lý thuyết là nước ngọt. Nước ngọt này sẽ tưới hoa màu vườn ruộng. Bi kịch là đây: nước ngọt không đủ khiến cho lòng sông và các chi lưu của sông cạn nước, lưu vực sông cũng bị khô nứt. Rồi chuyện phải đến đã đến: ruộng đất khô cạn sẽ bị xì phèn lên. Đất khô co lại gây nứt nẻ, sập đường đi, sập bờ kinh.
Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau lần trước đã bị tình trạng xì phèn lở đất, mùa kiệt phải mở cống cho nước mặn vào trám phèn, ngăn lở, hóa ra cống đập vô tác dụng. Mùa mưa thì dòng chảy bị ngăn nghẽn khiến trong đập bị ô nhiễm vì nước mưa không rút được nhanh. (Thử tưởng tượng chỉ một cái nhà mà bị mưa làm ngập vài ngày là ô nhiễm rồi, huống chi cả một vùng đọng nước, không thoát được).
Dự án ngọt hóa Cà Mau khi trước đã thất bại, cống đập vô dụng, âu thuyền bỏ hoang, thì đến năm 2018 “ai đó” lại vẽ ra dự án đập sông Cái Lớn Cái Bé, cũng với cơ sở lý luận y chang như dự án ngọt hóa Cà Mau lần trước, chỉ khác hơn là lần này vùng ngọt hóa nhỏ lại. Tuy bị nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia độc lập nhưng dự án vẫn được tiến hành và đưa vào sử dụng năm 2022.
Năm nay đập Cái Lớn Cái Bé đóng ngăn mặn thành công, mà trong đồng thì không có nước ngọt thì làm sao “giữ ngọt”. Đồng ruộng kinh rạch khô queo xác xơ, đường đi nứt, sụp. Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) mới công bố thiên tai. Thiên tai là hạn hán ư? Hạn hán mà cứ để nước mặn xâm nhập thì bất quá ngưng một mùa lúa, chờ mùa mưa thì làm lại, có chết “thằng tây” nào. Đắp đập ngăn sông làm khô nước, đồng ruộng xì phèn nứt nẻ, đường sụp, cầu gãy. Đắp đập mà không có nước ngọt thì mùa lúa cũng tiêu, mà thêm đất sụp xì phèn gây hậu quả trầm trọng, hết mùa hạn mặn cũng không khắc phục nổi. Vậy thiên tai này do hạn hán hay do đắp đập?
Dân miền Tây thích sông sâu nước chảy. Nước sông nước hồ có đặc tính tự làm sạch. Nước có lưu thông thì mới có sự sống, nước bị ngăn dòng là trái tự nhiên, phản khoa học. Nhứt là khi ngăn dòng mà không có nghiên cứu thấu đáo dựa trên cơ sở khoa học thì thất bại là việc hiển nhiên. Nhìn lại, toàn bộ các dự án “ngọt hóa” từ Gò Công, Ba Lai đến Cà Mau đều thất bại thê thảm, hậu quả nhãn tiền chứ không cần đợi “hết nhiệm kỳ”.
Dân có biết không? Dân biết nhưng thấp cổ bé họng làm sao nói? Nhà khoa học mà còn nói không lại với các đỉnh cao trí tuệ thì dân nào có cửa. Tuy nhiên dân không nói mà sẽ làm. Dân Cà Mau bửa đập phá cống là một thí dụ.
Hồ Phương Trinh
————–
*Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá!
Bài 1, bài 2.
* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 3.
* Hồ Phương Trinh: Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá! (tt)
Bài 4.