Huyết Thống, hồi ký của Ai Hiểu Minh, Trần Lệ Bình trích dịch và giới thiệu

Cuộc ‘đại cách mạng văn hóa vô sản’, được gọi tắt là ‘văn cách’, của Trung Quốc diễn ra từ năm 1966-1976. Thực chất của cuộc cách mạng đó là sự thanh trừng đối thủ, tiêu diệt những người lên tiếng phê phán chính sách sai lầm, gây hậu qủa nghiêm troọng của Mao. Theo Wikipedia, số người thiệt mạng trong mười năm đó khoảng từ 2 triêụ đến 20 triệu. Chủ lực trong những cuộc bạo loạn đó là một đội quân hùng hậu, cả một thế hệ trẻ từ mười tuổi trở lên với tên ‘hồng vệ binh’.  Một cựu ‘hồng vệ binh’, Ai Hiểu Minh, trong cuốn hồi ký với tựa đề Huyết Thống cho rằng ‘đại cách mạng văn hóa’ là:

Lịch sử tâm linh của một thế hệ

Máu và nước mắt của một thế hệ

Người Trung Quốc ngày nay có chung một huyết thống – xuất thân từ văn cách.   

**                          

Tôi xin trích giới thiệu tới độc giả cuốn hồi ký Huyết Thống của Ai Hiểu Minh (Ai Xiaoming), xuất bản năm 1994.

Tác giả là cô gái 12 tuổi khi văn cách bùng nổ. Xuất thân từ một gia đình với lý lịch bị cho là ‘đen’, ông ngoại là vị tướng của Quốc dân đảng, cùng quê với Mao, nhưng ông đã mang theo hàng ngàn quân và vũ khí nổi dậy đi theo Mao tham gia cách mạng của đảng cộng sản. Ông nội là địa chủ đã dâng hết hàng trăm héch ta ruộng đất để đi theo cách mạng. Bố tham gia quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, khi xuất ngũ làm giáo viên Anh văn tại trường cao đẳng ở Vũ Hán, mẹ cũng giỏi Anh văn làm việc tại Viện bảo tàng. Gia đình có ba chị em, tác giả là giữa, trên có chị và dưới là em trai.

Tác giả mở đầu sách:

**

“Tôi còn nhớ khoảng 1966-67, có điệu múa tôi thích nhất và múa rất giỏi. Điệu múa có tên ‘qủy phải sợ’. Khi múa khuỷu tay hơi cong, hai bàn tay nắm chặt như quả đấm sắt, mắt nhìn trừng trừng về phía trước, ưỡn ngực, căng hết phổi hát như hét:

Phụ huynh cách mạng con nối theo,

Phụ huynh phản động con chống lại,

Muốn cách mạng theo Mao Chủ tịch,

Không muốn cách mạng cút mẹ mày đi!

Khi hát đến chữ ‘cút’ chân phải giẫm thật mạnh xuống đất, chân trái giơ cao với tư thế đá thật mạnh về phía trước. Sau đó tất cả những người có mặt đều phải đồng thanh hô to:

Không muốn cách mạng cút mẹ mày đi !

Ai chống Mao Chủ tịch tạo mẹ nó phản,

Tước mẹ nó chức, cướp mẹ nó ấn,

Khiến nó cả đời không thể ngóc đầu lên!”

**                         

Tết nguyên đán 1992, cả ba người con cùng chồng con về Vũ Hán thăm bố mẹ. Đó là ngày đau thương khiến tác giả quyết định viết cuốn hồi ký này:

**                       

“Mẹ mỗi lúc càng nói nhiều, càng nói luyên thuyên. Tôi bảo, mẹ ơi đừng nói nữa ngủ đi. Mẹ không ngủ, đột nhiên mẹ ngồi choàng dậy và hét lên: ‘Tiếng loa ngoài kia, con nghe thấy không, họ đang họp đấu tố bố đấy!’  ‘Mẹ ơi, ngủ đi, đừng nghĩ linh tinh nữa.’ Cả đêm mẹ không ngủ. Sáng dậy, cả nhà ngồi ăn sáng, tự dưng mẹ đứng phắt dậy, bát rơi xuống đất thức ăn bắn tung tóe. Mẹ nhìn chằm chằm vào tôi, như người không quen biết, ánh mắt rực nét căm phẫn, như muốn nói, mày tưởng tao sợ à. Mặt mẹ tím dần. Khi đưa mẹ đến bệnh viện, mẹ lăn ra dưới đất, hò hét những câu chẳng ai hiểu. Khi nhận thuốc mang về đến nhà, mẹ kiên quyết không ăn không uống. Bố đưa thuốc vào mồm, mẹ nhổ hết vào mặt bố. Mẹ nhảy lên nhảy xuống, sợ mẹ ngã, chúng tôi dùng dây băng y tế buộc mẹ vào ghế. Mẹ càng giãy mạnh, mặt bắt đầu tím dần. Chúng tôi lại tháo dây ra. Khi mẹ vào buồng ngủ chúng tôi mới thở phào. Nhưng gần tối khi tôi vào phòng ngủ, không thấy mẹ đâu, cả nhà hoảng loạn toả khắp nơi đi tìm. Sau vài tiếng, bố tìm thấy mẹ chui trong hầm cống ngoài công viên. Lại phải đưa mẹ vào bệnh viện, khi mấy y tá giữ hai tay đưa mẹ vào trong, mẹ ngoái lại nhìn chúng tôi với ánh mắt xa lạ. Khi cửa đóng lại, không nhìn thấy lưng mẹ nữa, chúng tôi ôm nhau khóc. Về đến nhà, bố kể thỉnh thoảng mẹ cũng bị, bố muốn khóc và nói, các con đừng đến nữa, nhìn thấy các con chắc những hình ảnh qúa khứ tái hiện khiến mẹ không chịu nổi.

Thời kỳ ‘văn cách’ bệnh nặng nhất không phải ung thư, chẳng phải thứ bệnh u ác u lành gì cả, mà là bệnh tâm thần. Trong bệnh viện tâm thần toàn là những người sợ qúa hoá điên, tức qúa phát khùng. Nhưng mẹ ơi, hiện nay ‘văn vách’ đã hết, đã kết thúc, không ai còn đến đấu bố nữa, sao mẹ lại bị bệnh như vậy?

**

Sau khi tác giả từ dưới gầm giường của bố kéo ra một cái hòm gỗ phủ đầy bụi, mở nắp ra với một đống giấy vàng úa và những quyển sổ tay bạc màu, đã giúp tác giả trở về qúa khứ của chính mình:

**

“Lật trang đầu nhật ký của mẹ, có ba chữ ‘tóm ra rồi’ ghi đậm nét. Ai tóm ai? Mẹ không phải loại người đi tóm người khác, chắc cũng không muốn người khác tóm mình. Tôi nhớ lại cảm giác khi nghe ‘tóm ra rồi’, nó khiến người rợn tóc gáy. Tôi lật tiếp những trang sau: Trích dẫn lời của Mao Chủ tịch …và…đấy là những gì mẹ chép từ Mao tuyển sang. Mắt tôi sáng lên khi thấy chữ ‘Lời giải trình của tôi.’  Vẫn là chữ chép của mẹ, nhưng là lời khai của bố:

Tôi chưa bao giờ đưa ra bất kỳ một khẩu hiệu phản động nào. Hiện xin giải trình ba vấn đề như sau:

I-Về bài tập trong kỳ nghỉ đông:

1-Những câu đó là có lỗi, do sai về ngữ pháp, dùng từ không đúng gây nên sự hiểu lầm về chính trị. Muốn cho học sinh nhìn nhận nghiêm túc, nên để học sinh tự sửa những lỗi đó.

2-Tất cả những câu đó toàn là những câu trong bài tập và bài thi của học sinh, tôi không hề bịa ra bất kỳ một câu nào. Đối với những lỗi sai đó tôi đều có lời giải thích và nghĩ rằng học sinh sẽ tự sửa được.

3-Ra bài tập cho kỳ nghỉ đông là quy định của cấp trên,những bài đó đều do cả nhóm giáo viên đưa ra và được lãnh đạo phê duyệt.

………..

II-Về câu mẫu trong bài giảng:

Khi lên lớp tôi có đưa ra những câu mẫu có tính chính trị, cũng thường xuyên trích dẫn lời của Mao Chủ tịch . Theo quy định của cấp trên, tôi chưa bao giờ bắt buộc học sinh phải ghi chép, mà do học sinh tự làm. Do đó có những bài giảng của hôm nay mà lại nhảy sang hôm khác. Mỗi một bài tôi giảng trong ngày đều có bối cảnh riêng.                                                                               

 1- Không cùng một bối cảnh:           

a/ Trung Quốc có một Mao Trạch Đông’, là một câu mẫu ở phần đầu của bài 12. ‘Tôi không muốn gặp người đó’ là câu mẫu ở cuối bài 12. Đó là những câu mẫu cho bài học về ngữ pháp khi đặt câu khẳng định và phủ định trong tiếng Anh. Tại sao câu mẫu dưới lại bị liên đới tới câu mẫu trên, trong khi giữa còn rất nhiều câu mẫu khác.

b/ Những bài giảng đó đều do nhóm chuyên môn chọn và được cấp trên phê duyệt. Đâu phải do tôi tự biạ ra, tại sao lại kết tội cho tôi là chống đối Mao Chủ tịch?

           ……………              

 Đây là lời giải trình của tôi.

                                                          Ai Nhân Khuang. 16-12-1966.

  Qúa khứ hiện ra trước mặt như tôi đang ngồi xem phim vậy.

 **               

Nửa đêm khi chúng tôi đang ngủ, tiếng gõ cửa thình thịch, bố bị nhốt trong trường cả đêm không về, mẹ ra mở, tám học sinh trường bố đeo băng đỏ có chữ ‘hồng vệ binh’ xông vào khám nhà. Mẹ im lặng dắt tay em trai ngồi bên giường to, tôi cũng ngồi bên. Tôi chẳng ngạc nhiên về việc khám nhà, qua loa phóng thanh tôi nghe hàng ngày, tại nhà tư sản này khám ra nhiều thỏi vàng, nhà nọ khám ra nhiều tiền…Nhà tôi chắc chắn chả có gì, bố bảo tất cả dụng cụ trong nhà đều do nhà nước cho mượn.

Họ lật hết cả chăn màn, lục tung tủ quần áo, hất hết sách của bố trên các ngăn xuống đất, lục hết tất cả các ngăn kéo. Thỉnh thoảng mẹ đến gần họ nói, cái này của tôi không phải của ông ấy. Tôi không phản đối họ khám nhà, có lúc họ hỏi tôi vài câu, tôi trả lời đúng sự thật. Khi họ mở hòm gỗ to, từ trong đống quần áo cũ của mẹ họ lấy hết những album ảnh ra xem kỹ từng trang. Một người chỉ vào ảnh ông ngoại mặc trang phục tướng quốc dân đảng hỏi tôi: Đây là ông mày phải hông? Tôi gật đầu. Mày gặp ông ấy bao giờ chưa? Một lần. Mày biết lão ấy là ai không? Tôi lắc đầu. Quốc dân đảng là bọn phản cách mạng. Mấy Hồng vệ binhtuyên bố như vậy xong, mỗi người mấy thứ trong tay, họ lấy hết để lại cái hòm trống rỗng.

Hôm sau khi tôi từ trường tiểu học, nơi tôi đang học lớp sáu, về nhà. Vừa vào cổng trường cao đẳng, nơi có khu tập thể giành cho gia đình nhân viên nhà trường như chúng tôi sinh sống, nghe thấy từ trong loa phóng thanh vang lên những khẩu hiệu đả đảo tên phản cách mạng với tên của bố.  Tường bên ngoài của tòa nhà giảng đường, treo những tấm liếp dán đầy báo chữ lớn, tôi thấy trong đó ghi tên bố cỡ lớn gạch dấu XXX mực đỏ. Báo chữ lớn là nơi ghi tội trạng của những người bị tóm ra, để mọi người đến đọc. Tôi bị chóng mặt, ngột ngạt khó thở. Sao vậy? Tự dưng bố trở thành ‘tên phản cách mạng hiện hành, phản cách mạng lịch sử’, bố là kẻ xấu xa, tại sao lại như vậy được?

Tôi mang phiếu ăn đến nhà ăn tập thể mua bữa ăn, hai Hồng vệ binhchặn tôi lại. Tôi biết một người là con giáo viên lớp một của trường cao đẳng này, ông ấy đã từng đến nhà tôi chơi cờ với bố.   Họ bảo tôi:   Ai Hiểu Minh, bố mày là tên phản động. Mày là thiếu nhi khăn quàng đỏ, phải nghe lời Mao Chủ tịch , mày phải viết báo chữ lớn để vạch tội bố mày, phài vạch rõ ranh giới hiểu chưa.  Tôi cúi nhìn khăn quàng đỏ trước ngực, nhìn cái băng có ba gạch đỏ trên cánh tay phải đang đeo, tôi là đại đội trưởng của đội thiếu niên tiền phong, và tôi gật đầu. Tôi lục trong ngăn kéo bàn bố, tìm được mấy tờ giấy khổ lớn và bắt tay vào viết. Nghĩ mãi rồi sực nhớ ra phải tố bố cái gì, đúng rồi, bố từng đánh tôi và em trai. Trưa hôm sau, tôi leo lên bàn và một Hồng vệ binhgiúp tôi kê thêm chiếc ghế, tôi đã dán mấy tờ báo chữ lớn bên cạnh những tờ báo khác để tố cáo tội ác của bố.

Nếu không bị đòn liệu tôi có tố bố là phản động không? Từ lúc còn nhỏ đến lớn, cha mẹ thày cô giáo và đài phát thanh luôn dạy chúng tôi phải làm cháu ngoan của Mao Chủ tịch , làm người kế thừa sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa. Từ tuổi mầm non chúng tôi đã thuộc lòng bài hát: ‘Hát bài dân ca dâng cho đảng, mẹ chỉ sinh ra thân thể con, đảng đã cho con cả trái tim…’  Bởi vậy, nếu đảng bảo bố phản động, là kẻ thù giai cấp, lẽ nào tôi không nghe theo.

Tôi đâu có ghét bố, tôi rất yêu bố. Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi tự hỏi, không biết lúc đó bố có đọc được báo tôi viết không? Bố không bao giờ nói và tôi cũng không bao giờ hỏi.

Bố bị nhốt cùng mấy giáo viên nam trong phòng học tầng ba, bị Hồng vệ binhthay nhau cả ngày lẫn đêm tra hỏi. Họ đưa ảnh ông ngoại ra để tra hỏi bố: Thằng tướng quốc dân đảng đã từng giết bao nhiêu người? Ông nội địa chủ bóc lột bần cố nông ra sao? Tại sao mày biết tiếng Anh? Học ở đâu? Có làm gián điệp cho phương Tây không? Tại sao khi giảng bài lại đặt câu mẫu ‘Trung Quốc có một Mao trạch Đông’ liền với câu ‘tôi không muốn gặp người đó’, đó là âm mưu thù ghét lãnh tụ tối cao…và … Một bà giáo xinh nhất trường, mẹ của bạn tôi cũng bị nhốt ở tầng hai, đầu bà bị cạo trọc, nửa sơn màu đen nửa màu trắng.

Một hôm, đúng lúc tôi đi mua bữa ăn, nghe nói tất cả những bọn ‘ngưu qủy rắn độc’ đó sẽ bị dẫn đi diễu phố. Hai Hồng vệ binhnam lực lưỡng tay cầm gậy gác ở chân cầu thang nói với tôi: Ai Nhân Khoang sắp xuống, nói với lão là mày không mua bữa ăn cho lão. Bố xuống cầu thang dưới sự áp tải của hai hồng vệ binh, đầu bị cạo trọc, trước ngực đeo cái biển bìa cát tông ghi tên có ba dấu XXX gạch trên, tay bị trói ra sau. Tôi vội chen vào đi theo sau bố chỉ cách có một bước, trong tay vẫn giữ chặt cái bát và tem phiếu. Tôi nói: “Ai Nhân Khoang, tao không mua cơm cho mày nữa đâu.” Tôi cúi đầu không nhìn thấy mặt bố, chỉ nhìn thấy sau lưng cái áo phông bố thẫm màu đỏ của máu.

‘Ai Nhân Khoang, tao không mua cơm cho mày nữa’, không biết bố có nghe thấy tôi nói câu đó không? Bao nhiêu năm nay tôi luôn tự hỏi, tôi đã đâm sau lưng bố một nhát dao với câu nói đó, không biết bố có đau không? Hay bố bị qúa nhiều những nhát dao đâm đã trở nên tê liệt không biết đau nữa? Hay bố đã rộng lượng tha thứ cho tôi, vì bố biết tôi, đứa trẻ 12 tuổi làm việc đó là do sức ép bên ngoài.

Đi mua bữa ăn lúc đó đối với tôi là một nhục hình. Đi đến đâu đều bị học sinh của bố chỉ chỏ sau lưng: con của thằng phản động… Có người hỏi thẳng: mày có biết bố mày làm những việc phản động gì không? Có người còn nhổ nước bọt vào mặt tôi. Tôi luôn tìm đường vòng để tránh họ.

Tôi bắt buộc phải đi xem nhóm ‘ngưu qủy rắn độc’ bị diễu phố ra sao. Họ nói: mọi thứ tội lỗi phải đưa ra ánh sáng, mắt của dân là kính chiếu yêu…Những người đứng hai bên đường đua nhau ném đá, nhổ nước bọt, tôi thấy đầu bố chảy máu đỏ.

Vài hôm sau bố được tha về nhà. Đã bao nhiêu ngày mẹ không về, cơ quan mẹ cũng bắt đầu những cuộc đấu tố. Khi tôi đang đi ngủ nghe thấy mẹ về và thì thầm với bố, bố nói to giọng bực tức: “Thế đấy, mẹ đẻ mình mà con không dám tiếp.”  Hôm sau tôi mới biết.  Khi tin ông ngoại là tướng quốc dân đảng thông báo tới cơ quan của mẹ, mẹ bị đưa đi giam tại một vùng nông thôn. Sau mấy ngày mẹ bỏ trốn, mẹ biết nhà chị ở gần đó. Mẹ len lỏi qua các cánh đồng, gần kiệt sức khi mẹ gõ cửa nhà chị. Chị mở cửa hỏi luôn mẹ đến làm gì? Sau khi nghe mẹ kể hết chuyện, chị trả lời thẳng thừng mẹ không thể ở đấy qua đêm được, vì có khách phải đi báo cáo ủy ban. Mẹ bảo, tôi là mẹ đẻ chứ đâu phải khách. Chị kiên quyết không cho mẹ ở lại, mẹ đành phải đi tiếp. Qua sáu bảy tiếng lặn lội mẹ đã về đến nhà.

Chị hơn tôi 12 tuổi, trước khi ‘văn cách’ bắt đầu chị lấy chồng. Bố mẹ cho chị rất nhiều qùa, đắt nhất là cái đài radio Xong Mao mất vài tháng lương của bố mẹ cộng lại. Đồng thời bố chúc mừng chị đã nhận được việc làm giáo viên ở một trường tiểu học. Bố nói: “Bố mẹ chu cấp mỗi tháng hai chục nhân dân tệ cho con học đại học cũng thật bõ công, bố rất mừng cho con có được việc làm như ý.” (lương bố mẹ công lại là 60 Nhân dân tệ) Chị nặng mặt trả lời: “Là đảng và Mao Chủ tịch đã cho con có được như ngày nay”. Từ đó chị không liên lạc gì với bố mẹ nữa.

Một hôm, bố đang nghỉ trưa, đột nhiên hàng chục Hồng vệ binhxông vào nhà với gậy trong tay, họ quật túi bụi vào đầu vào người bố. Mẹ lao tới che cho bố và hét lên: Không được đánh người…ông ấy làm gì mà bị đánh… “Lão ta không biết điều, thấy biểu hiện tốt chúng tôi cho về. Vậy mà ông ấy lại dám đứng ra bênh cho đồng bọn khác.”   Bố lấy tay áo lau máu trên trán, đứng thẳng người nhìn vào mặt họ trả lời dõng dạc: “Chồng cô giáo đó là một baác sĩ tốt, ông ấy đã từng cứu sống rất nhiều người. Các bạn biết rất rõ, chính mẹ của một trong hai bạn tại đây đã được bác sĩ đó cứu mạng. Tôi không thể vu oan cho người vô tội.”  Mấy người trong họ quật cho bố vài roi nữa rồi bỏ đi. Mẹ vừa khóc vừa lẩm bẩm: Không được đánh người…không được đánh…Rồi mẹ lấy khăn lau chùi vết thương cho bố. Cả đêm hôm đó bố không ngủ được vì qúa đau. Hôm sau mẹ đưa bố đi khám, bác sĩ bảo bố bị gãy xương xườn.

Vài ngày sau, tôi nghe nói cô giáo xinh bị cạo trọc và chồng là bác sĩ đã tự vẫn cùng nhau. Tôi cũng không còn thấy con gái họ, bạn tôi ở đâu nữa.

Sau khi bố bị đánh trước mặt mẹ, mẹ luôn đi gõ cửa mấy nhà hàng xóm và bảo họ không nên để con đi đánh người. Một bà hàng xóm mở cửa và nói thẳng vào mặt mẹ: thằng nào phản động phải đánh cho chết.  Nhưng mẹ vẫn đi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác. Tôi chạy theo khuyên mẹ đừng làm thế nữa, nhưng mẹ cứ tiếp tục, tôi giữ tay mẹ nhưng mẹ văng ra. Đột nhiên tôi tát mạnh vào mặt mẹ một cái, mẹ trợn tròn mắt nhìn tôi rồi lẳng lặng đi về. Từ đó mẹ không còn gõ cửa nhà người khác và cũng không nói câu 

‘không được đánh người’ nữa.  

**

Tôi xin trích giới thiệu tiếp cuốn hồi ký Huyết Thống:

**

Năm 13 tuổi tôi vào trường trung học. Tất cả học sinh trường này đều đến từ vùng xung quanh, nên chẳng cần chờ lâu, mọi người đều biết nhau ai xuất thân loại gì. Đa số thuộc loại đỏ, vì có bố là công nhân làm việc tại nhà máy gần trường, nửa đỏ nửa đen là con của viên chức, loại đen chỉ có mỗi mình tôi, loại từ đỏ hóa đen là Li Na. Ông của Li Na là liệt sĩ, cả nhà là cán bộ cách mạng, khi ‘văn cách’ bắt đầu, Li Na đổi tên Lính Đỏ. Gia đình sống trong căn nhà rất lớn, bốn chị em mỗi người một phòng, phòng khách treo đầy tranh cổ điển phương Tây, còn có cả Piano.  Không hiểu sao đột nhiên bố bị tóm ra, cả nhà chuyển sang sống ở một căn hộ nhỏ, và Lính Đỏ biến thành phần tử lý lịch đen. 

Lớp tổ chức bầu cử để được vào đứng trong hàng ngũ hồng vệ binh. Tất cả học sinh đều bỏ phiếu ủng hộ nhau, đúng như sự mong ước, trong đó có danh sách của tôi. Sau đó cô giáo gọi tôi vào văn phòng nói chuyện, cô bảo tôi không được làm Hồng vệ binhvì có lý lịch đen. Ra khỏi văn phòng cô, tôi khóc nức nở. Thật không công bằng! Cực kỳ vô lý! Tất cả các bạn đều bảo tôi là người tốt cơ mà. Hết cơn khóc, tôi nhớ ra lời Mao Chủ tịch  mà sáng nay vừa học trong lớp, tôi mở Mao tuyển ra đọc lại: ‘Chúng ta nên tin tưởng vào quần chúng, chúng ta nên tin tưởng vào đảng. Đó là hai nguyên lý cơ bản, nếu hoài nghi hai nguyên lý đó, sẽ chẳng làm nên việc gì.’

Tôi lau khô nước mắt và cảm thấy bình tĩnh hơn.

Vài tuồn sau, loa phóng thanh cả thành phố vang lên một tin mừng: Lãnh tụ kính yêu  Mao Chủ tịch  sẽ tiếp Hồng vệ binhtại quảng trường Thiên An Môn! Và thông báo rằng: Trung ương đảng yêu cầu cả nước phải hỗ trợ tạo mọi điều kiện cho Hồng vệ binhđược đến Bắc Kinh. Hồng vệ binh được sử dụng các phương tiện giao thông như xe buýt, tàu hỏa đi khắp mọi nơi không mất tiền, tới đâu sẽ được chính quyền địa phương cung cấp miễn phí nơi ăn chỗ ngủ. Như những cơn sóng thần nổi dậy, triệu triệu Hồng vệ binhtừ Đông Tây Nam Bắc, tứ phía của một đất nước rộng bao la tràn về Bắc Kinh để được chiêm ngưỡng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Không phải Hồng vệ binhnên tôi và Li Na không được cấp giấy chứng nhận để đi, nhưng ngày nào chúng tôi cũng đến trường để giúp những Hồng vệ binhtừ các huyện lên thành phố để chờ lên tầu hỏa đi Bắc Kinh. Tôi cố gắng làm những việc tốt. Mỗi khi lên xe buýt đến trường, sau khi cửa đóng tôi đứng giữa đường đi và kêu gọi: “Chúng ta hãy cùng nhau đọc lời dạy của lãnh tụ kính yêu, xin mở Mao tuyển trang…”  Tất cả mọi người trong xe đều nhanh chóng rút quyển Mao tuyển nhỏ bìa đỏ ra và đồng thanh đọc cùng tôi. Lúc đó quyển sách đỏ đó như cái bùa hộ mệnh, già trẻ lớn bé đều luôn mang nó trong người.

Một hôm vừa vào đến cổng trường, chúng tôi thấy trên tường dán tờ thông báo: Nếu ai còn chưa có giấy chứng nhận để được đi Bắc Kinh, lập tức lên văn phòng gác ba để xin.  Chúng tôi lao lên luôn, thật may không ai hỏi về lý lịch, chúng tôi được cấp ngay giấy chứng nhận là hồng vệ binh. Ôi, đi Bắc Kinh, đi Bắc Kinh. Hai đứa chúng tôi sướng như điên. Chúng tôi vội lao ngay về nhà, nhét mấy thứ quần áo vào trong túi và leo kịp lên tàu.

Ôi biết bao nhiêu người, bao nhiêu khuân mặt trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và mong đợi, chen chúc nhau trong toa tàu. Đầu tiên chúng tôi chui vào nhà vệ sinh, nhưng đã đứng chật người. Vì chúng tôi bé nhỏ, có kẽ hở nào đều chui qua được, định chui xuống dưới gầm ghế dễ duỗi chân, không được, vì sẽ bị đá vào đầu. Cuối cùng chúng tôi leo qua người đang ngồi trên thành ghế, chui lọt được vào dàn để hành lý trên cao. Không thể ngồi mà chỉ vừa đủ để nằm ngửa. Nằm nghe tiếng hát vang khắp nơi:

 Mặt trời đang lên từ phương đông / Ánh hào quang tỏa muôn ngàn dặm/ Vạn lý phương đông rừng hoa biển cờ đỏ/ Người thày vĩ đại lãnh tụ anh minh Mao Chủ tịch  kính mến/ Mao Chủ tịch  vạn tuế Mao Chủ tịch  vạn tuế!/ Vạn tuế vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế/ Vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế Mao Chủ tịch / . Cùng tiếng hát đó chúng tôi đã có một giấc ngủ ngon lành. 

Ra khỏi ga,đi cùng dòng người, thấy khắp nơi trân đường phố Bắc Kinh treo những băng-rôn đỏ chữ vàng to: Đón chào các bạn – khách mời của Mao Chủ tịch . Mặc dù người rét run nhưng trong lòng chúng tôi dâng lên niềm hạnh phúc ấm áp vô cùng. Cả một biển người tràn vào quảng trường xếp hàng đứng chờ giây phút thiêng liêng. Khi dự báo thời tiết báo tối nay gió lạnh sẽ tràn về, thủ tướng Chu Ân Lai hạ lệnh cho đoàn xe đến đưa toàn bộ Hồng vệ binhdi tản đi khắp nơi để trú ngụ, kể cả nhà dân cũng giành giường chăn ấm áp để đón tiếp khách quý.  

Chúng tôi đã chờ gần 20 ngày vẫn chưa được gặp Mao Chủ tịch, ngày nào cũng chỉ ăn canh rau cải và bánh mì hấp. Trung ương đã ra chỉ thị, ngừng hết tất cả các tàu hỏa, tàu thủy, ô tô, không chuyên chở người vào Bắc Kinh nữa. Mao Chủ tịch đã 7 lần tiếp Hồng vệ binhrồi, có lẽ đây là lần cuối cùng. Ngày nào cũng phải điền đơn để thống kê số người có mặt, tất nhiên trong đơn đều có một ô để điền lý lịch, tất cả đều viết là con của công nhân.

Tôi không thể quên cái ngày đó, 6-11-1966. Mỗi người được phát hai cái bánh bao, tôi hứng đầy nước vào cái bi đông nhỏ, giữ chặt cuốn Mao tuyển đỏ trong tay và xếp trong hàng cùng mọi người. Từ lúc tờ mờ sáng chúng tôi bắt đầu khởi hành, đi bộ đến trưa thì vào tới sân bay. Cả sân bay rộng mênh mông không thấy hình dáng máy bay mà chỉ có cả một biển người. Chờ mãi, chờ mãi, đột nhiên vang lên những tiếng reo hò như tiếng sấm của hàng chục ngàn người: Mao Chủ tịch  đến rồi… Vạn tuế…Mao Chủ tịch  vạn tuế…Tiếng hô, tiếng khóc, tiếng cười đến khản cổ. Tôi cũng hô nhưng chẳng nhìn thấy gì, tôi lọt thỏm giữa cả một bức tường cao của những tấm lưng, những cánh tay vung cao với sách đỏ…Tôi vừa khóc vừa hô…Đột nhiên tôi nhảy lên bám được vào vai của hai người bên cạnh, đúng lúc họ nhảy lên, thế là tôi được nâng lên theo. Mao Chủ tịch …đứng trong xe không mui đang vẫy tay… Tôi hét lên… tôi nhìn thấy rồi, tôi nhìn thấy Mao Chủ tịch  rồi…Tôi xúc động đến ngạt thở, cũng có rất nhiều người bị ngất xỉu. Nhìn thấy Mao Chủ tịch , chắc chỉ một khoảnh khắc thôi, nhưng vài giây đồng hồ đó đã thay đổi cuộc đời tôi.  

Từ Bắc Kinh trở về nhà tôi mệt kiệt sức. Bố mẹ đã bị đưa đi trại cải tạo, mỗi người một nơi. Việc trước hết tôi làm sau khi nghỉ ngơi, đó là viết trang nhật ký đầu tiên của cuộc đời tôi. Tôi còn nhớ tôi viết: Bố mẹ sinh ra tôi, nhưng nuôi nấng và giáo dục tôi là đảng và Mao Chủ tịch , ngay cả sinh mệnh của tôi cũng là do đảng và Mao Chủ tịch  ban cho. Đó là sinh mệnh chính trị, cho nên bất kể bố mẹ nói gì, tôi vĩnh viễn sẽ chỉ nghe theo lời đảng, nghe theo lời Mao Chủ tịch . Viết xong, tôi bóc thư của mẹ để trên bàn, một cho tôi và một cho em trai tôi. Thư mẹ mở đầu bằng trích lời trong Mao tuyển:

 ‘Sai lầm và khó khăn đã cho chúng ta những bài học…’ Trước hết hãy để chúng ta kính chúc lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch  vạn thọ vô cương.

Hôm nay là chủ nhật, không biết bao giờ mẹ mới lại được về nhà. Mẹ nhắc con mấy việc sau.

1-Con nhất định phải chú ý sức khỏe, chú ý đến gan của con, tiếp tục uống thuốc mẹ đã để sẵn. Nếu thấy tốt thì tiếp tục đến bác sĩ Shei xin tiếp thuốc. Nếu một con người mà không có sức khỏe thì chẳng làm được gì con à. 2- Bố mẹ không ở nhà, các con phải chú ý luôn mua thức ăn nóng về ăn. Bữa cơm tối rất quan trọng, mua thức ăn tốt mà ăn, 9 giờ đúng giờ đi ngủ. 3- Con nên chăm lo tốt việc nhà, cùng em làm vệ sinh nhà cửa, đốt bếp để ấm nhà và đun nước uống. Thời tiết thay đổi lúc nóng lúc lạnh, phải chú ý mặc ấm đừng để bị ốm, nếu ốm là phức tạp lắm. Nếu nóng nhớ tắm hai lần trong tuần. Nhắc em phải cẩn thận, tối trước 7 giờ phải về nhà. …và …

**

Tác giả cũng viết về những thành viên khác trong gia đình, ông bà nội ngoại đã bị hành hạ trong thời kỳ đó ra sao. Tôi chỉ xin trích giới thiệu tiếp giai đoạn đỉnh cao của ‘văn cách’ do tác giả miêu tả như sau:

**

Sau khi từ Bắc Kinh về, tình hình thay đổi rất nhanh. Các trường đua nhau thành lập Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Chủ tịch. Chủ yếu qua chương trình ca múa nhạc và đọc Mao tuyển trước công chúng. Tôi và Li Na là thành viên của một trong những đội đó. Li Na rất xinh và múa rất đẹp. Khi chúng tôi hát: “Cách mạng không phải bữa tiệc, không phải vẽ hoa thêu gấm, không thể nhã nhặn được. Cách mạng là bạo lực, là giai cấp này lật đổ giai cấp khác chỉ bằng bạo lực.”

Li Na ra múa, hai tay mền dẻo như cánh chim đang bay và mặt mỉm cười. Bình thường nét mặt Li Na luôn lạnh lùng vô cảm và không bao giờ cười.

Một hôm chúng tôi đi vào tòa nhà tỉnh ủy, đọc trên báo chữ lớn dán kín tường từ cổng vào đến khắp mọi nơi: Chủ tịch tỉnh, bí thư tinh ủy, chủ tịch và bí thư thành ủy thành phố và hầu hết các quan chức của tỉnh và thành phố đều bị nêu tên là đã bị tóm ra, là bọn đi theo con đường tư bản, bọn chống đối Mao Chủ tịch … Từ loa phóng thanh cũng thông báo rằng, ở Bắc Kinh các lãnh đạo cao từ chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đến rất nhiều quan chức, tướng lãnh trong quân đội đã bị tóm ra, bọn phản cách mạng đã bị lộ chân tướng và tay chân họ ở khắp cả nước đều đã bị tóm…Chúng tôi nói với nhau rằng: Nếu không làm ‘ văn cách’ sẽ kinh khủng biết bao! Bọn giai cấp tư sản sẽ thống trị, non sông tươi đẹp của chúng ta sẽ tan tành.

Bên cạnh những báo chữ lớn, chúng tôi còn thấy những thông báo trên những tờ giấy đỏ. Đấy là lời tuyển mộ thành viên của các đội Hồng vệ binh với tên khác nhau: đội “ Cảm tử quân”, “ Phong lôi chiến”. “Vệ binh Đỏ”… Chúng tôi bắt đầu đi lang thang để tìm đội cho mình, vì có nhiều đội không chấp nhận chúng tôi bởi lý lịch đen.

Một hôm khi đang trên đường, tự nhiên xuất hiện mấy xe tải trở đầy Hồng vệ binhlao vào tòa nhà tỉnh ủy, phất cờ đỏ với cái tên ‘Trăm vạn hùng soái’, đầu đội mũ sắt, tay cầm thanh giáo mác đen, hô khẩu hiệu: Kiên quyết bảo vệ quân khu Vũ Hán… Họ nhảy xuống xe lao vào tòa nhà. Chúng tôi hoà cùng đám dân chúng chạy toán loạn chui vào các cửa hàng.

Vài giờ sau, chúng tôi thấy họ ra khỏi toà nhà. Mấy người cán bộ của các phòng, ban của ủy ban nhân dân tỉnh bị đeo biển tên có dấu XXX trước ngực, tay trói còng ra sau, và lần lượt bị đẩy lên xe tải, các Hồng vệ binh gác xung quanh. Theo sau xe tải, là hai chiếc xe Hồng Kỳ sang trọng giành cho quan chức chính phủ cũng bị mang đi. Tôi nghe kể hai hôm trước, cũng có một đoàn xe tải như vậy, áp tải tỉnh trưởng và bí thư tỉnh ủy, cũng bị đeo biển mang tên có gạch XXX, còng tay đưa đi và đã mất tung tích.

Tiếp tục mấy hôm sau, đều xẩy ra những sự việc tương tự ở các cơ quan thành ủy, nghe nói do đội ‘Cảm tử quân’ tiến hành. Chỉ trong vòng hai tuần, 108 người chết và 2274 người bị thương. Cùng với những sự chết chóc đó, khắp nơi vang lên những khẩu hiệu: ‘Ngươi không phạm ta, ta không phạm ngươi. Nếu ngươi phạm ta, ta ắt phạm ngươi.’

Cuối cùng thì tôi và Li Na cũng tìm được nơi để nhập ngũ. Đội ‘Tiểu tướng đỏ’ chúng tôi toàn là thành phần có lý lịch đen, và đa số là sinh viên đại học. Chúng tôi giơ cao quyển Mao tuyển đỏ xin thề: dùng tính mạng mình để bảo vệ lãnh tụ kính yêu Mao Chủ tịch . Tôi tự nhủ, tôi không sợ chết, tôi sợ con sâu róm và con kiến, nhưng tôi không sợ chết, chết cho lãnh tụ kính yêu là vinh quang.

Cùng thời điểm đó, từ Bắc Kinh, Mao Chủ tịch ra chỉ thị: ‘Phải tiến hành cuộc cách mạng văn hoá này triệt để cho đến thắng lợi cuối cùng.’

Để thực hiện chỉ thị đó của vị lãnh tụ kính yêu, những cuộc võ đấu lan tràn khắp thành phố Vũ Hán cũng như khắp nơi trong cả nước. Các đội Hồng vệ binh xông vào các trường, các công sở, nhà máy… gặp cản trở là nổ súng. Đội chúng tôi cũng cần phải có súng, mấy sinh viên quyết định cùng mấy đội nữa đi cướp vũ khí tại một doanh trại quân đội.

 Chúng tôi leo qua hàng rào lao đến kho dự trữ vũ khí, phá khoá, chen nhau vào lấy, súng trường, lựu đạn, sung tiểu liên cho tới khi kho rỗng hết mới rút lui. Cả đêm tiếng súng vang đùng đoàng khắp nơi. Những chàng trai khôi ngô tuấn tú hô vang khẩu hiệu: Thà chết không lùi bước…Li Na bị trúng đạn mất một chân, tôi khóc, tôi bắt đầu run.

 Tôi không cầm súng cũng không ném lựu đạn. Ở tuổi 14, tôi đã tận mắt nhìn thấy cái chết. Xác người nằm rải khắp thành phố. Hóa ra xác chết là thế này: cái thì nằm ngửa mặt nát bét, cái thì áo phanh lộ ra bụng chướng phồng như qủa bóng, cái thì hai tay hai chân duỗi ra hình chữ đại, mặt ngửa nhìn lên trời… Tất cả đều nhân danh bảo vệ lãnh tụ kính yêu Mao Chủ tịch. 

**                

 Đến đây, tôi xin chấm dứt trích giới thiệu hồi ký Huyết Thống của tác giả Trung Quốc Ai Hiểu Minh. Đây là vài hình ảnh tư liệu từ Wikipedia có liên quan đến ‘văn cách’ cuả Trung Quốc mong rằng sẽ hỗ trợ cho độc giả hiểu rõ thêm về những gì tác giả miêu tả trong sách này. 

Trần Lệ Bình