Inrasara: Hải sử và văn hóa biển Cham

“Hai đóng góp lớn nhất của Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, đó là Kiến trúc & điêu khắc và Hải sử & văn hóa biển; còn cho thế giới, là Đạo Bà-ni, khả năng hóa giải và hòa giải hai hệ tư tưởng không đội trời chung.”

(Đối thoại Bà-ni, facebook Cộng đồng Cham Bà-ni, 2021)

Đâu là Hải sử & văn hóa biển Cham?

1. Vài mảnh vụn lịch sử 

Ngay ở đầu thế kỉ V, vua Champa là Gangaraja nhường ngôi lại cho người cháu, rồi vượt đại dương sang bờ sông Hằng, tu tập. Thế kỉ VII, người Cham đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. 

Đại sư Phật Triết bên cạnh truyền Lâm Ấp nhạc với Điệu vũ nhạc Long Vương hay La Lăng Vương nổi tiếng của Champa vào Nhật Bản, ông còn đem hệ thống chữ Phạn, Cham, Sittan đến Nhật Bản qua đó người Nhật tạo ra hệ thống chữ Nhật Bản. Phật Triết là người có vai trò sớm nhất trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo Mật tông của Champa vào đất này” (trích lời của nhà nghiên cứu Onishi, Hà Vũ Trọng, “Dấu ấn Chiêm thành trong Nhã nhạc Nhật Bản”, nghiencuuquocte, 1-3-2017).

Sử gia Pháp còn cho biết, vào đầu thế kỉ X, Po Klun Pilih Rajadvara – vị quan phục vụ bốn đời vua đã hai lần đi đến kinh đô Java “để học khoa học thần bí” (Cham gọi là kabal rup), rồi chuyện Hoàng hậu Daravati (mất năm 1448), em ruột vua Champa, là vợ một vua xứ Madjjapahit ở Java, và chính bà đã đưa Islam vào xứ này (G. Maspéro, Le Royaume du Champa, Van Dest, Paris, 1928).

Bên cạnh các dấu mốc lớn trên, việc vua Chế Mân kết duyên cùng Công chúa Java là Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (1627-1651) cưới Công chúa Kelantan, góp phần đáng kể vào toàn cảnh hải sử Champa.

Từ những cuộc đi viễn dương đó, người Cham đã dựng nên nền hải sử dài và sâu. Và chính tinh thần phiêu lưu cùng “tư duy biển lớn” (chữ của Tạ Chí Đại Trường, Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, Damau.org, 8/1/2009) làm nên nền văn hóa biển Cham.

Thuyền Champa. Nguồn: Tác giả cung cấp.

Sau khi Óc Eo hết hạn sử dụng, Cù Lao Chàm được Champa dựng lên làm trạm trung chuyển tàu bè quốc tế. Biển Đông với Champa được xem như là ao nhà.  

“Cư dân Cham cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

(Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org).

Khi mạnh, Cham viễn dương để giao thương, học tập và truyền giáo. Đất nước có biến động, lúc yếu hay thất thế, khác với người Việt chỉ biết chạy sang Tàu – Cham vượt biển tìm đất sống: Hải Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia… 

Bức phù điêu mô tả trận thủy chiến trên hồ Tonle Sap giữa thủy binh Rang Đêy của Champa với quân Khmer cuối năm 1177 tại đền Bayon -Siêm Riệp). Nguồn: Wikipedia

2. Người Việt và biển

Cham yêu và mê biển, người Việt ngược lại: sợ biển. Nỗi sợ này thể hiện ngay trong lời ăn tiếng nói dân gian. Trần Ngọc Thêm cho biết, trong bộ “Kho tàng tục ngữ người Việt” (Nguyễn Xuân Kính chủ biên 2002) với 16.097 câu tục ngữ, có 65 câu có chứa từ “biển” hoặc “bể” (chiếm 0,4%). Trong 65 câu này thì chỉ có 18 câu (chiếm 28%) thể hiện tri thức dân gian về biển, còn lại 47 câu (chiếm 72%) nói lên tâm lý sợ biển của người Việt.

Sợ biển, nên người Việt ít đi biển, nhất là biển lớn, biển xa. Người Việt chưa bao giờ thử làm cuộc viễn dương đi xa khỏi phạm vi “lộng” và “khơi”. Mà lộng và khơi, theo nhà nghiên cứu Từ Chi cho biết, “lộng” chỉ độ đâu ba cây số cách bờ, còn “khơi” cùng lắm là bảy cây số.

Mãi đến giữa thế kỉ XIX, con người tài hoa như Cao Bá Quát mới có cơ hội đi xa. Và cảm thán:

Nhai văn nhá chữ buồn ta

Con giun còn biết đâu là cao sâu!

Tân-gia từ biệt con tầu

Mới hay vũ trụ một bầu bao la 

Giật mình khi ở xó nhà

Nhai văn, nhá chữ khéo là trò chơi

Không đi khắp bốn phương trời

Vùi đầu áng sách uổng đời làm trai.

[Đề sát viện Bùi công “Yên Đài anh ngữ” khúc hậu – Đề sau khúc “Yên Đài anh ngữ” của quan Đô sát họ Bùi (Bùi Ngọc Quỹ). Trúc Khê dịch thơ].

Mới đến Tân-gia hay Singapore ngày nay thôi mà đã cảm thán như vậy, chứ “đi khắp bốn phường trời” thì thế nào nữa! Trong khi nhà thơ họ Cao được cho là con người tràn cao ngạo.

“Triều đình Việt xuất thân từ “miền Dưới” như Trần, vẫn chỉ chú ý nhiều đến các đảo ven bờ như Vân Đồn, cho đến khi chúa Nguyễn kế tục phần đất Chiêm Thành mới mon men ra ngoài Hoàng Sa để đất được ghi vào bản đồ của người Âu, thế mà cũng phải đợi đến triều Nguyễn mới có dấu hiệu chiếm lĩnh. Ý thức đại dương / biển lớn đến muộn trong đầu óc người Việt…”

(Tạ Chí Đại Trường, 2009, Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam, Damau.org).

Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Do đó, việc nhận diện văn hóa biển của vương quốc Champa cổ bổ khuyết cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.

Việt là vậy, Cham thì khác.

3. Văn hóa biển Cham 

Múa chèo thuyền trong lễ Rija Nâgar, Photo: Jaya Bahasa

Dân tộc Cham yêu biển và mê biển, thêm có máu phiêu lưu, phiêu lưu từ rất sớm. Sớm và xa. Máu phiêu lưu thể hiện ngay trong câu nói cửa miệng dân gian:

Mưtai di kraung, mưtai di tathik 

Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei.

Chết nơi biển rộng sông sâu

Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.

Tiếng Cham có nhiều từ để chỉ biển. “Tathik” là biển; bên cạnh “tathik” tiếng Cham còn có “darak” là biển gần. Dân gian Cham nói: “Laik tamư tathik praung darak praung”, nghĩa là chìm vào biển cả. Như vậy, “darak” là biển gần, nên còn được dùng để chỉ chợ. “Nau darak”: đi chợ. Bởi chợ ngày trước luôn được họp cạnh bờ biển. Cũng phải thôi, người Cham là dân sống với biển và nhờ biển, nên chợ phải được họp cạnh bờ biển, và lắm lúc dựng ngay trên biển.

Cửa sông chạy ra biển tiếng Cham là lammưngư, hay lơmngư. Xóm Cửa người Cham gọi là “palei Lơmngư”. Biển xa và rộng, Cham có chữ “tathik kuradong”, nghĩa là biển khơi. Lớn rộng và xa hơn nữa là ‘jallidi’: đại dương.

Trong văn chương, Cham có bốn sử thi, thể loại văn học xuất hiện từ khá sớm, nhất là ở hai tác phẩm lớn là Akayet Inra Patra và Akayet Dewa Mưno, biển và đại dương còn là bãi chiến trường cho các anh hùng tỉ thí. Đã đời, họ còn kéo nhau xuống lòng biển nữa!

Po Tang Ahauk – một nhân vật trong lịch sử Champa cổ ở thế kỉ XVII. Cuộc sống của ông không giống bất kì cuộc sống của một người nông dân nào khác mà định mệnh gắn liền với đất, vì đất liền không phải là quê hương của ông. Một cái nhà: không, một nơi cư trú cũng không nốt. Ông là chủ nhân đồng thời là tù nhân của biển cả. Biển cả là nơi ông sinh ra, tung hoành, tạo nên sự nghiệp rồi biến đi. Damnưy Po Tang Ahauk viết:

Urang hu sang si đih

Po ngap anih dalam tathik

Urang hu sang si dauk

Po ngap danauk dalam tathik

Người có nhà để ngủ

Người cất chỗ trú giữa đại dương

Người có nhà để ở

Người lập nơi ngụ giữa đại dương.

Nội dung đoạn mở đầu của Damnưy được biến thành điệp đoạn, như đã thâu tóm cả cuộc sống và định mệnh của ông. Cạnh đó, Damnưy cũng không quên đề cập con tàu-ngôi nhà của ông:

Ahauk praung kluw pluh tajuh

Tagok mưk nhjuh bbauk chwai palau

Ahauk praung kluw pluh tajuh tapa 

Tagok mưk ia bbauk chwai palau

Đik riyak khing đwơc

Yawa xơp ra pwơc dalam ahauk

Đik riyak khing nau

Danưy xơp ra klau dalam ahauk

Tàu to ba mươi bảy

Pô lên kiếm củi trên cù lao

Tàu ba mươi bảy sải

Pô lên lấy nước trên cù lao

Cho tàu đi trên sóng

Nghe tiếng người nói vọng trong tàu

Cho tàu cưỡi sóng đi

Nghe tiếng người cười vang trong tàu

Yêu biển, mê biển mà vẫn sợ biển, sự thể biểu hiện cả trong phong tục tập quán, ở đó câu chuyện Po Riyak khá điển hình. Cham biến nhân vật lịch sử này thành vị thần đầy quyền uy, và lập đền thờ phụng. Ở Ninh Thuận, khu đất thờ linga Po Riyak nằm cạnh bờ biển thuộc địa phận làng Vĩnh Trường – Sơn Hải được cho là lớn nhất. Tất cả các làng Cham trong khu vực đều đến đó hành lễ, sau lễ hội đầu năm Cham lịch là Rija Nưgar. 

Lễ cúng Po Riyak còn ảnh hưởng đến tục thờ cúng của người Cham trong khu vực. Như thờ Thần Nam Hải hay tục Thờ Cá Ông. Bà con làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước còn thỉnh Ngài về lập đền thờ Po Riyak ở đó dân làng thờ Ngài như là biểu tượng của Thần Tri Thức. 

Thầy cúng Cham và lễ hạ thủy tàu bè cho ngư dân Việt 

Hơn hai thế kỉ qua, khi Cham không làm nghề biển nữa, người Cham vẫn còn giữ quan hệ mật thiết với cộng đồng ngư dân Việt, bằng cách làm lễ hạ thuyền cho họ. Ở Ninh Thuận hiện vẫn còn tồn tại các thầy cúng chuyên hành nghề này.

Lễ Hạ thủy Tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay thuyền hoàn toàn mới để lần đầu tiên ra khơi. Dạng thứ nhất, lễ vật có một con gà nướng, một chén xôi, một chén chè, 2 trứng gà luộc, bánh 5 miếng, trầu têm 5 miếng. Ở dạng thuyền mới, lễ vật cần thêm: lưới, thúng thóc; trên thúng thóc là cây nến với nải chuối.

Con thuyền được đặt trên cạn trước mặt sóng biển mênh mông, ông Thầy đứng ngay đầu thuyền hành lễ. Tuần tự: ông Trình về bản thân (Akhan ka drei); sau đó làm lễ Mời Thần (Da-a Yang), từ thần Tháp cho đến 37 vị Thánh, có cả Thần người Việt; cuối cùng là Đọc kinh Lễ (Ricauw) với Thần chú Tẩy uế (Mưroy). Có bảy kinh lễ cả thảy. Trích đoạn cuối kinh lễ:

Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh 

Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara

Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya

Kuw patalơh di patuw di kayuw

Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung

Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan

Kuw patalơh di tơng pamưtai biya

Kuw Po jallidi…

Ta đi xuống tận đáy sân si, ta tẩy trần mọi uế tạp

Ta vỗ lên đầu thuyền, ta gạt ngang khoảng không gian

Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất

Ta tẩy rửa trên đá tảng, trong tàn lá

Tẩy rửa trên rừng ngàn, ta hạ thủ chúa sơn lâm

Tẩy rửa dưới sông rộng, ta giết chết loài kình ngư

Tẩy rửa trong vịnh sâu, ta đuổi tiệt muôn loài sấu

Chúa tể đại dương là ta…

Ta đã là chúa tể Đại dương, ta tự tin và dũng mãnh đạp đầu sóng lên thuyền đi ra biển lớn.

4. Vấn đề đặt ra: Hải sử & văn hóa biển Cham mang tính thời sự liên quan đến chủ quyền quốc gia. Vô số vết tích của văn hóa biển Cham xưa là của chung Việt Nam hôm nay. Thế nhưng thời gian qua, ta đã hành xử thế nào?

Cửa Đại Chiêm, ta thiến mất “Chiêm” để còn Cửa Đại. Giếng vuông Chàm, ta biến tấu thành vô số kiểu dạng. Ghur nghĩa trang Bà-ni, ta xâm hại đến nát bấy. Là tự gây hại chính ta. 

Giếng vuông Chàm. Photo: Inrajaya

Ghur Bà-ni. Photo: Kiều Maily

Làm gì? Cần đưa văn hóa Cham và văn minh Champa vào chương trình giáo dục. Để con cháu nhận diện và biết ơn thế hệ ông bà đã đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Để chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước. 

Cần công khai sự thật lịch sử Champa, bởi nó đã thuộc về quá khứ.

“Nếu ta giấu sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt cho ta thôi, công dân Việt Nam sẽ không nhận diện được sự thật toàn vẹn của lịch sử đất nước. Thiệt nữa, giấu thì làm sao bà con Cham có thể tin; rồi nhu cầu tìm về nguồn cội, thế hệ trẻ Cham sẽ tìm các cuốn sách khác để đọc, là điều ta không hề muốn” (RFA, 3-5-2013).   

Inrasara.