Inrasara: Việt Nam, phản tỉnh, giải sân hận, và gì nữa?

5 năm ngày mất Tô Thùy Yên: 21/5/2019 21/5/2024.

Nhà thơ Tô Thùy Yên

1. Một bài thơ kinh khủng! – là “Chiều trên phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên.

Bài thơ viết vào năm 1972. Đây không là thơ ca, đụng đến nó bạn đụng đến con người – như lối nói của H. Miller. Tình yêu và chiến tranh là chủ đề muôn thuở của văn chương, nhưng ở ta nó khác, khác đến đau, chua, cay không giống ai của mình.

Chiến tranh, giữa ngươi và ta. Người xông pha quyết liệt, người “hăng điên” vì: “ngươi hiểu vì sao ngươi chiến đấu, ngươi hiểu vì ai ngươi hiến máu” [nhại Tố Hữu]. Còn ta ngược lại, vừa đánh vừa suy nghĩ, vừa bắn vừa lưỡng lự, bởi: “Các việc ngươi và ta làm/ Ta xét thấy chẳng ra chi”. Thảm không!

“Ta thương ta yếu hèn

Ta thương ngươi khờ khạo

Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng

Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử

Cùng mê sa một con đĩ thập thành”

Thất bại toàn tập! Thất bại làm nên định mệnh chung của Việt Nam.

Nơi đó, tình yêu cũng chung số phận.

Anh, 

Chiều trên phá Tam Giang/ Anh sực nhớ em/ Nhớ bất tận” – ngôn ngữ đời thường, lối nói thường ngày chả có ti ti nào gọi là thơ cả. Nghệ thuật – không, kĩ thuật càng không. Vì nó không là thơ, mà là nỗi đời, cuộc người.

Em, giữa Sài thành hoa lệ

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh/ Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi”. Bởi không muốn nghĩ, không dám nghĩ, nhưng không dám cũng phải nghĩ, “cơn nghĩ không sao cầm giữ nổi”.

Kinh khủng! Là “bằng chứng huy hoàng của thất bại!”(1)

Đến đây “diễn nôm” thơ thêm không gì thừa hơn. Tôi muốn thêm rằng, “Chiều trên Phá Tam Giang” khởi đầu cho hành trình thơ siêu đẳng đẫm tình người của Tô Thùy Yên. Tiếng thơ đánh thức mỗi con tim con dân Việt Nam thức tỉnh và thấu cảm về sự THẤT BẠI viết hoa, in đậm.

Để 15 năm sau…

2. Xuyên suốt thế kỉ XX, Việt Nam là đất nước của tù tội. Tù và tội. Tù thực dân, tù Cộng sản, tù Quốc gia, và cả tù Hòa bình. Muôn hình vạn trạng qua vô số nguyên do với bạt ngàn phận người, trong đó có không ít người làm thơ.

Nổi tiếng nhất phải kể đến Hồ Chí Minh với Nhật kí trong tù in năm 1960, và Nguyễn Chí Thiện với Hoa địa ngục xuất bản năm 1980 của ông. Hầu hết nhà thơ sử dụng thơ ca như phương tiện lột tả cuộc sống trong tù để tố cáo chế độ ngục tù như Nguyễn Chí Thiện, hay dùng thơ bày tỏ chí khí như Hồ Chí Minh: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao”, hoặc như Tố Hữu: nói lên lòng căm thù, còn nếu có nhắc đến nỗi cô đơn: “Cô đơn thay là cảnh thân tù!” thì cô đơn ấy luôn vững niềm tin vào ngày mai: “Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin”.

Ở cõi ấy, hiếm có bài thơ nảy sinh ở “ngoại vi” nhà tù, hay hơn nữa – sau khi thi sĩ ra khỏi nhà tù. Ở đó, “Đi về” của Tô Thùy Yên và “Người về” của Hoàng Hưng xuất hiện như ca lạ biệt, vô cùng độc đáo trong lịch sử thơ [tù] tiếng Việt.

Tô Thùy Yên

ĐI VỀ

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,

Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?

Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?

Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.

Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,

Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê…

Chầy khuya, nước ủ trăng ê,

Uổng công, bãi ấy đi về một ta…

Mãi rồi trời cũng sáng ra, 

Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.

Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,

Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?(2)

Một tác phẩm văn chương, nếu không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ hai mươi. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: Phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, Đông phương và Tây phương, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: Học thuyết chính trị – quân sự, tôn giáo – tư tưởng, văn học – nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.

Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ. 

Va chạm, xung đột và chiến tranh. Chiến tranh thì có kẻ/ bên khải hoàn chiến thắng. Nhưng – nói như Nguyễn Duy – dù kẻ/ bên nào chiến thắng, nhân dân đều bại. Nhà tư tưởng, triết gia và nhất là nhà thơ, kẻ nhạy cảm đồng thời ít trang bị vũ khí tự vệ nhất, chiến bại. Chiến bại, và chịu đựng hậu quả cùng muôn vàn hệ lụy của nó.

Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy. 

Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó trên tổ quốc Việt Nam, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó bất kì trên trái đất, không quan trọng. Bài thơ không đưa thông báo cụ thể. Chúng ta cũng không cần thông tin đó.

Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó, mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại, thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả! 

Cơ chế vô tâm, đã đành, cả thiên nhiên cũng vô tình. 

Vũ trụ và thiên nhiên của Trần Tử Ngang hay Huy Cận mang chở yếu tính siêu hình, đưa con người giáp mặt với nỗi trống không, sự cô đơn và cái mong manh của sinh thể mang tên con người. Con người cảm nhận được và con người thấy hạnh phúc. Cả nỗi phi lí của kiếp phận Sisyphe, hắn biết, hắn học chấp nhận và hạnh phúc. Ở đây – không gì cả! Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia, dứt kỉ niệm để hồi tưởng, không tương lai để hi vọng.

Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình cùng cơ chế vô tâm. Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng.

Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắn. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi thống khổ phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?

Ai nữa đi về…”? 

Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng vài mảnh tình người sót lại bị hủy diệt, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình, nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.

3. Từ “Chiều trên phá Tam Giang” đến “Đi về”, 15 năm đi qua với bao bi thương, bi thảm lẫn bi tráng diễn trình trên đất nước hình chữ S này. Vẫn còn nhiều sân hận, ở đó. “Đi về” thắp lên ngọn nến của niềm hi vọng.

“Đi về” – mỗi câu thơ vọng như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn. 

“Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.

Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.

Inrasara. 

CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
(Ca dao)

1.
Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời
Rào rào trận gió nhám mặt mũi
Rào rào trận buồn ngây chân tay

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
Ta ngó thấy thuỳ dương gãy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt người làm tên lính nguỵ

Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thâu
Nào có chi đáng kể
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?

Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau

Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông

2.
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa)
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn
Quyển sách mở sâu đêm
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đoá hoa nở gấp rút
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới
Giờ này thành phố chợt bùng lên

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!

3.
Chiều trên phá Tam Giang
Mày nhìn con nước xiết
Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm
Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành
Mà rồi mày bỏ dở
Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường
Trên mịt mùng nghi hoặc
Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào
Còn lưu hậu chua cay hoài vọng
Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp
Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man
Đụt tuổi già bình an vô tích sự
Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn
Cùng cái chết
Cái chết lâu như nỗi héo hon dần
Làm chính mình bực bội
Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn
Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp
Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh
Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí
Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện
Rút ra từ lịch sử u mê
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh
Mày mặc kệ

Chiều trên phá Tam Giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó


6-1972

Tô Thùy Yên.

____

(1) Mục được đánh số [2] của bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.(2) Bài thơ sáng tác năm 1987, in lại trong Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Tác giả xuất bản, Hoa Kì, 1995.