Inrasara: Việt Nam và Champa, từ huyền thoại ít được biết đến

Tháp Chăm Po Klaung Girai

Việt Nam sở hữu nhiều huyền thoại. Từ huyền thoại cổ xưa đến huyền thoại mới toanh, huyền thoại lịch sử đến huyền thoại văn chương: huyền thoại “mở cõi” hay “Việt Nam là nước thơ” là một; từ huyền thoại lớn đến huyền thoại nhỏ, ở đó huyền thoại “lục bát là thể thơ thuần Việt” rất điển hình.

Huyền thoại cư trú giữa sự kiện và giấc mơ, đôi lúc huyền thoại là sự kiện được thổi phồng, và là sự kiện ít được minh chứng hơn cả. Khác đi: huyền thoại là phiên bản của sự kiện.

Giải huyền thoại không phải hủy, mà là nhìn huyền thoại ở chiều khác. Từ nhiều chiều càng tốt. Để con người nhận chân vai trò của nó, tác động của nó đến đời sống con người. Sau cùng, để con người nhận diện đúng thực tại, và sống tốt đẹp hơn.

Liên quan đến Việt Nam, huyền thoại Champa – những huyền thoại ít được sử sách ghi chép – phần nào đó giúp khai mở được vấn đề.(*) 

I. Huyền thoại “mở cõi” của Việt Nam 

1. Đa số người Việt Nam thế hệ hôm nay không hiểu nhiều về sự hình thành đất nước Việt Nam hiện tại, đó là sự thật. Sự thật xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, trong đó chương trình giáo khoa trong nhà trường và chất lượng sách tham khảo góp phần lớn tạo nên thiếu khuyết này. Giúp người Việt Nam nhận diện hiện thực bằng giải huyền thoại, là một cách.

Đất nước Việt Nam hình thành từ 2 “vương quốc” cổ: Đại Việt, Champa và phần đất được đặt tên là Thủy Chân Lạp.(1) Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIV, Đại Việt bắt đầu “mở cõi” về 2 vùng đất ở phía Nam, qua các cuộc Nam tiến. Nam tiến lớn nhất vào năm 1307, khi châu Ô, châu Lý của Champa (thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) về tay Đại Việt. Mở cõi mang tính quyết định, khi Lê Thánh Tông tràn vào thành Đồ Bàn (Bình Định ngày nay), và tuyên bố phần đất còn lại của Champa từ nay là một tỉnh của Đại Việt. 

Huyền thoại “mở cõi” hình thành từ đó. “Mở cõi” bằng hai phương thức chính: bằng “gươm” và bằng “gái”. Chú ý, Đại Việt “mở cõi” vào miền đất có chủ, chứ không phải khai phá một vùng đất hoang. Sự thể thể hiện rõ qua câu thơ Huỳnh Văn Nghệ:

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long [“Nhớ Bắc”].

“Mang gươm” mở cõi là hành động chiến tranh; còn “thương nhớ” là do hành vi ở lại [sau khi mở cõi] mới mang nỗi niềm đó.

Cạnh đó, có một cách “mở cõi” khác, đó là mở cõi qua dấu chân mỹ nhân. 

Câu chuyện Huyền Trân công chúa vào Champa với Chế Mân năm 1306, để đổi lấy hai châu của Champa, tạo thành mấy lớp huyền thoại hao tốn nhiều giấy mực, để mãi hôm nay nó vẫn còn chìm trong vùng mờ của lịch sử.(2) Các câu hỏi đặt ra:

Thứ nhất, với bản thân Huyền Trân, công chúa này có phải bị buộc lên giàn hỏa thiêu cùng Chế Mân, cho “anh hùng” Trần Khắc Chung có cơ hội ra tay nghĩa hiệp, để tạo nên câu chuyện tình đầy huyền thoại không?  

Tháng 5-1307 Chế Mân mất, nửa năm sau Khắc Chung mới đến Đồ Bàn để lập mưu cướp Huyền Trân. Tục lệ Cham, người chết sau bảy ngày là hỏa thiêu. Vậy nếu lên giàn lửa thì công chúa đã ra tro rồi, còn đâu cho họ Trần cướp! Thứ hai, nếu có bị buộc lên giàn thiêu, thì công chúa Huyền Trân là báu vật phải được canh gác cẩn mật tầng tầng lớp lớp, dễ gì Trần Khắc Chung dụng mưu cướp được.

Nữa, thuyền của Trần Khắc Chung là thuyền nhẹ, trong khi hải quân Champa được cho là hùng mạnh nhất trong khu vực, thử hỏi nó chạy đâu cho thoát? Cuối cùng, ví có thoát được, suốt 10 tháng lênh đênh ngoài khơi, hỏi chớ thuyền nhẹ kia có chịu đựng nổi bão tố miền Trung? Biển miền Trung chớ đâu phải vịnh Bắc Bộ! Rồi thực phẩm, thuốc men cho đoàn tùy tùng nữa…

Trong lịch sử Champa, rất hiếm xảy ra việc hoàng hậu lên giàn lửa theo vua. Nếu có, là tự nguyện. Như hoàng hậu Êđê vợ thứ của Po Rome sau này, khi hai bà Cham và Malaysia từ chối, bà hậu này mới tự nguyện, sau đó tượng bà được đặt trang trọng cạnh tượng Ngài trong kalan đồi tháp Po Rome ở Ninh Thuận.

Do không hiểu phong tục Cham, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư đã hư cấu nên huyền thoại. Hư cấu này dẫn đến mấy hệ lụy: Bang giao Champa – Đại Việt đang tốt lành thành vấy bẩn; đổ oan rất tội cho thân công chúa tài hoa. Từ hư cấu đó, các nhà văn sau này thiếu vắng văn hóa tra cứu, đã hư cấu mắm muối thêm để làm ra tác phẩm đầu độc bao nhiêu thế hệ.
Câu chuyện công nữ Ngọc Khoa đi vào đất Champa năm 1631 với Po Rome, khi đó chỉ còn từ Phú Yên trở vào, làm nên huyền thoại về cây Krek. Xah Bin và Palak Bin – hai vị tướng tài của Po Rome đã không thua trận, mà thua cuộc chính là do sự mê muội của Rome tin lời Ngọc Khoa, đã đích thân đốn cây Krek, biểu tượng sức mạnh của vương quốc. Khi Krek ngã đổ, thì Champa tiêu vong. Po Rome (1627–1651) được xem là vị vua lớn cuối cùng của Champa đã hủy hoại sự nghiệp và vương quốc qua huyền thoại đó.(3)

Rồi cuối rốt, để “mở cõi” vào Thủy Chân Lạp, chúa Nguyễn đã dùng đến công nữ Ngọc Vạn. Năm 1620, cô công nữ xinh đẹp này được gả cho vua Cao Miên là Chey Chetta II, khởi đầu cho sự khai phá toàn miền Nam.

Đại Việt tạm thời kết thúc cuộc Nam tiến. Nói “tạm thời”, bởi sau khi Po Rome mất, Champa vẫn còn làm chủ nguyên vùng đất Pangdurangga, để mãi sau khi Po Cơng Can không chịu nổi áp lực của nhà Nguyễn, đã phải chạy sang đất Cambodge náu thân vào năm 1822, Champa mới bị mất hẳn.(4)   

2. Huyền thoại “mở cõi” của Đại Việt đã làm đổ rất nhiều máu và nước mắt, để chúng ta hôm nay thụ hưởng mảnh vụn của nền văn minh bỏ lại: Văn minh Champa, thánh địa Cát Tiên, và phần nào văn hóa Óc Eo. Dẫu sao, sự thể nào bất kỳ cũng cần được nhìn từ nhiều chiều. Ở đây, không thể không biết qua huyền thoại từ phía Champa.

Harơk Kah Harơk Dhei hay Harơk Kah, Harơk Kah Dhei được coi là điểm đầu đất nước Champa. Harơk Kah ở đâu? Ý kiến phổ biến trong dân gian thì Harơk Kah ở Quảng Bình, nghĩa là nơi cực bắc của Champa cổ. Như câu hát trong ca khúc “Gul patom” của nhạc sĩ Đàng Năng Quạ: “Akauk gah Harơk Kah, iku gah Panrang” (Đầu ở Harơk Kah, đuôi phía Phan Rang). 

Người Cham còn truyền [hay tưởng tượng] rằng đó là vùng núi mọc một loài cỏ (harơk) khá cao, mùa gió Đông thổi, đám cỏ này bị đánh bạt ra hai bên tạo một dáng như hình đầu người chải tóc, để lộ một cái trán (dhei) rộng. P. Dharma cho rằng Harơk Kah ở Phú Yên, nghĩa là cực bắc của tiểu bang Pangdurangga thuộc Champa. Nhà sử học Shine Toshihiko kể – từ câu chuyện người Raglai tại một làng thuộc khu vực phía nam Lâm Đồng – rằng, Harơk Kah ở đâu đó về phía Bắc cách ngôi làng này khoảng 30km. Một “sử liệu” khác nữa: Harơk Kah ở tận Hà Nội! Câu 108 trong trường ca Ariya Ppo Parơng:(5) 

Halei dahlak o ka nau bboh tơl 

Libik Harơk Kah nan pak nưgar Hanwai

Tôi đâu chưa đi thấy hết

Nơi Harơk Kah đó ở xứ Hà Nội.

Như vậy, Harơk Kah ở cả bốn nơi [hay nhiều hơn nữa] mà không ở chính xác tại đâu cả. Bởi đơn giản địa danh này vừa mang tính sử học-sự kiện vừa chỉ là địa danh ước lệ mang tính huyền sử. Nó là cực bắc của đất nước. Khi Champa thụt lùi tới đâu, Harơk Kah dời về nơi đó. 

Câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Po Bin Thwơr, 1360–1390) 4 lần xua quân ra Thăng Long làm kinh hãi người Đại Việt.(6) Sử Việt chép một kiểu, Champa truyền theo cách khác. Để chiếm lại hai châu Ô, Lý đã mất, Po Bin Thwơr quyết tập hợp lực lượng, cả bên Cham Ahier [Cham Bà-la-môn] lẫn Cham Awal [Cham Bà-ni]. Để làm được việc này, bản thân ngài kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Hiện nay tục này vẫn còn được tuân thủ tại palei [làng] Bính Nghĩa–Ninh Thuận, được coi là quê hương của ngài. 

Sau hơn mười năm lên núi tu luyện, ngài được thần Yang ban tặng cho thanh long đao bat palidau thần thánh. Để sau đó trong giai đoạn trị vì, chẳng những ngài thu về phần đất đã mất, mà còn mang quân vào tận kinh đô Đại Việt chinh phạt. Chinh phạt thị uy, chứ không có ý định chiếm lấy, để đối phương đừng mong đoạt lại đất cũ nữa. Xong sứ mệnh, Po Bin Thwơr hóa thân về trời nau mưrup. Sự xuất hiện và hành động của nhân vật Chế Bồng Nga trong lịch sử Champa đã tạo nên thứ huyền thoại về sức mạnh từ chối sự chiếm hữu không phải là của mình.(7)

Đây không là một suy diễn lịch sử, mà là sự kiện có thực. Dân gian Cham truyền tụng câu chuyện về dòng họ Yang In. Kể rằng đây là dòng họ cực kỳ “khó chơi”. Ai mượn bất cứ đồ vật nào của họ mà quên trả, thì tức khắc người trong nhà sẽ mắc thứ bệnh lạ. Đã có nhiều sự việc kỳ bí xung quanh dòng họ này. Người bị nạn, chỉ cần nghe ông thầy phán là có vấn đề, gia đình mang “của” ném ra ngoài hàng rào hay lịch sự hơn – trả lại cho họ, thì bệnh tình chấm dứt ngay. 

Chuyện là vậy. Sự thật, đây là dòng họ nổi tiếng liêm chính. Cả dòng họ tuyệt không xảy ra vụ ăn cắp. Làm quan thì không tham ô của dân; ngoài đường, của rơi không ai lượm; cửa ngõ khuôn viên nhà, tối ngủ không cần đóng. Nhưng cuộc đời, kẻ ngay thẳng hay bị lợi dụng. Thế là sau bao nhiêu lần chịu thiệt, dòng họ khấn thần Yang và phát đi lời nguyền độc địa: Ai lấy của ta mà phi tang, đời hắn sẽ tàn mạt.(8) 

Biết thêm, do văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, nên có được một bản chép tay là điều khó khăn. Để tránh thất thoát, lời nguyền tương tự cũng thường được người Cham ghi ở cuối trang trong rất nhiều bản chép tay Cham xưa còn lưu lại. 

Lời nguyền Champa từng có mặt suốt lịch sử vương quốc, và còn bàng bạc trong đời sống hôm nay. Champa chưa bao giờ lấn chiếm đất nước khác, chưa hề có ý định ở lại, di dân đến xây nhà cửa làm đất nước của mình. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bóc hòn sỏi trong túi. Vậy mà Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu. Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Ngoài ra – không. Ta không tham của người, thì người chớ dại tham lam của ta.

Vẻ đẹp Cham. Photo: Jaya

Câu chuyện Ma Hời được truyền tụng trong dân gian ở vùng đất Quảng đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại đi vào thơ. Chế Lan Viên đồng cảm với “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” trong những đêm tối trời. Với Inrasara, Ma Hời là oan hồn người chết Ia o tơl, asal o jaik – nước không được mang lại, cái không được mang tới. Người Cham chết đi cần đến lễ hỏa táng, để chín miếng tinh cốt đến ngày lành tháng tốt bà con làm lễ đưa vào Kut. Chỉ khi đó, linh hồn họ mới được giải thoát, để họ vĩnh viễn về nhà mai sang. Đằng này, chúng vẫn còn lởn vởn ở đường biên cõi âm-dương, vất vưởng khổ sở. 

Khác với Ma Hời là những sinh linh đã đứt bóng, Cham H’ri là người sống, nhưng đã lẩn trốn khỏi đời sống con người. Họ ẩn trong rừng sâu, cư trú giữa thế giới người và thú. Đó là loài dã nhân sống nơi rừng rú, có liên hệ mật thiết họ hàng với con người, bà con Cham lâu nay hiểu thế. Có nhiều huyền thoại về sinh vật này, đến không ít bà mẹ Cham kêu tên nó để nhát trẻ con. Nhà văn Trà Vigia hiểu khác. Đó là bộ phận cá thể Cham thất bại, từ bỏ thế giới loài người vào sống trong rừng thẳm, lâu ngày quên mất tiếng nói đồng loại.(9)

Như vậy, Cham H’ri là sinh vật dị kỳ nảy ra từ biến cố của lịch sử Champa trong khúc gẫy gập của định mệnh dân tộc này. Cũng như Ma Hời, Cham H’ri hiện diện, không gây khiếp đảm như Ma Ó, Ma Lai hay loài dã nhân, mà chỉ để nhắc nhớ, gây nỗi thương cảm và ngậm ngùi.

II. Văn hóa biển của Cham bổ khuyết cho hải sử Việt Nam 

Việt Nam không có nền hải sử, một nhà nghiên cứu khẳng định thế. Không sai, khi ta chỉ nhìn hải sử Việt Nam từ phía Đại Việt. Trong khi nếu xem Việt Nam hiện đại gồm thâu cả vương quốc Champa cổ, vương quốc suốt 17 thế kỷ ngự trị gần trọn miền Trung Việt Nam ngày nay, thì vấn đề sẽ được khai mở. Từ đó việc truy tìm nền hải sử đất nước hình chữ S không là chuyện khó. Nhất là trong thời gian gần đây, khi vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang đặt thành vấn đề chủ quyền mang tính khu vực.

Thuyền Champa

Nhìn xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Đại Việt chỉ giỏi về phần đất liền, mà rất yếu về biển. Lịch sử “mở cõi” cũng là quá trình mở về đất liền, chứ người Việt chưa bao giờ thử làm cuộc viễn dương đi xa khỏi phạm vi “lộng” và “khơi”. Mà lộng và khơi đó, theo nhà nghiên cứu Từ Chi cho biết, “lộng” chỉ độ đâu ba cây số cách bờ, còn “khơi” cùng lắm là bảy cây số. Nghĩa là đầy hạn chế.(10)

“Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác Pháp nằm kế cận eo biển Malacca!” (11)

Trung Quốc đã thế, người Việt trước đó cứ nghĩ học Trung Quốc là đủ, chứ chưa chịu nhìn xa hơn, đi xa hơn, để học các nền văn minh khác. Mãi đến thế kỷ XIX, ta mới bắt đầu rục rịch “sang Tây dương”. Mà Tây dương ấy, theo Vĩnh Sính, cũng đâu khoảng vùng Malacca! Sang Tây dương, Cao Bá Quát mới vỡ lẽ:

Tân Gia từ vượt con tàu

Mới hay vũ trụ một bầu bao la…

[Đề sát viện Bùi công “Yên Đài anh ngữ” khúc hậu – Đề sau khúc “Yên Đài anh ngữ” của quan Đô sát họ Bùi (Bùi Ngọc Quỹ). Trúc Khê dịch thơ].

Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Do đó, việc nhận diện văn hóa biển của vương quốc Champa cổ sẽ bổ trợ rất nhiều cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.

Suốt 17 thế kỷ tồn tại, người Champa đã làm chủ Biển Đông, vùng biển người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, còn ta là thành Biển Đông. 

“Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.(12)

Câu chuyện Po Tang Ahauk sinh ra, sống và chết đi với biển, cũng là một mảnh huyền thoại về văn hóa biển đáng giá(13). Trong khẩu ngữ Cham hôm nay vẫn tồn tại hạn từ liên quan đến biển. Nếu người Việt kêu: “trời đất ơi”, thì người Cham hoàn toàn khác: “trời biển ơi” lingik tathik lơy! Nghĩa là đời sống Cham đa phần gắn chặt với biển.(14)

Giữa tất cả mảnh vụn huyền thoại đó, sự có mặt của Cù Lao Chàm (cách cửa biển Đại Chiêm, nay là Cửa Đại 15km) là ca đặc biệt của lịch sử Đông Nam Á.

“Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù Lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851–852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương”.(15)

Vậy mà, mấy năm qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa, bởi cả thời gian lẫn con người. Tháp Chàm ở trong khu vực quân sự trên đảo, hiện chỉ còn nền móng, dấu vết sẽ tiêu mất một ngày không xa, nếu không có chương trình phục chế. Nhiều giếng Chàm cổ đã bị vùi lấp… Khi những vết tích văn hóa biển của Cù Lao Chàm bị xóa sổ, chúng ta không thể tìm được cứ liệu lịch sử nào giá trị hơn để chứng thực cho chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.

Việt Nam là một thể thống nhất từ ba vương quốc xưa gộp lại, đó là điều quý hiếm. Đất nước Việt Nam hiện hữu 54 dân tộc anh em với những nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là điều hiếm hơn nữa. Nhận diện hiện thực này để biết rằng: Ba “vương quốc” và 54 dân tộc làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, chứ không phải ngược lại. Chính sự thể này làm phong phú và đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, nói như Phạm Huy Thông:

“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết” (16)

Chương trình Sắc màu Lễ hội Katé – Ramâwan, một trong những chương trình nằm trong phương hướng hoạt động của Chi hội Dân tộc Chăm và được tổ chức hàng năm
Chương trình Sắc màu Lễ hội Katé – Ramâwan

Chương trình Sắc màu Lễ hội Katé – Ramâwan, một trong những chương trình nằm trong phương hướng hoạt động của Chi hội Dân tộc Chăm và được tổ chức hàng năm

Kết

Việt Nam “mở cõi” không phải về miền đất hoang, mà là mở vào hai vương quốc từng dựng nên nền văn hóa và văn minh phát triển cao. Chúng ta đến, và thụ hưởng. Dù hai nền văn minh đó đa phần chỉ còn là phế tích cùng những mảnh vụn, nhưng chúng là vô giá. Nhận diện được điều đó, chúng ta cùng trách nhiệm. Trách nhiệm bảo tồn và phát triển. Môi trường tự nhiên, và cả không gian văn hóa. Để tiếp tục cùng thụ hưởng.

Không thể khác.

Inrasara

————

Chú thích

(*) Về “huyền thoại nước thơ”: “Trong lời tựa tập Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, sau khi khen thơ Việt Nam hay không kém gì thơ Đường, thơ Tống, người Việt Nam có tài phun châu nhả ngọc không kém gì Đỗ Phủ, Lý Bạch, đã hạ bút viết, giọng đầy kiêu hãnh: ‘thật đáng gọi là một nước thơ!” (Nguyễn Hưng Quốc, 1996, Thơ, v.v… và v.v…, Nxb Văn nghệ, Hoa Kỳ, tr. 18); 

Về “huyền thoại lục bát thuần Việt”, xem: Inrasara, 2003, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, Nxb Văn học, 165-173); 

Về khởi điểm của đất nước Việt Nam hôm nay, sử gia Tạ Chí Đại Trường đã nhiều lần chất vấn ráo riết về vị thế của vị vua huyền sử Hùng Vương trong: 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, Nxb Văn mới, Hoa Kỳ. Trang mạng LeMinhKhai càng quyết liệt hơn nữa, khi viết: “…why do so many histories start with the mythical Hùng Kings and not mention the historical Bhadravarman? And how many historians of “Vietnam” can even read Bhadravarman’s fifth-century inscriptions in Sanskrit anyway? And how about all of the inscriptions in Cham? Many were written centuries before we have any evidence of writings by the Viêt” (“The Early History of the Eastern Part of the Southeast Asian Mainland”, http://leminhkhai.wordpress.com, 4/3/2012).

(1) Phan Khoang, 2001, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, tr. 349-357.

(2) Trần Trọng Kim, 1971, Việt Nam sử lược, q.1, Trung tâm Học liệu xuất bản, tr. 167.

(3) Dohamide và Dorohiêm, 1965, Lược sử dân tộc Chàm, Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, tr. 147-162.

(4) P.B. Lafont, 2007, Le Champa: Gesographie-Population-Histoire, Les Indes Savantes, France. Nguyễn Đình Tư, 1974, Non nước Ninh Thuận, Nxb Sống mới, Sài Gòn, tr. 65: Tên nước nay là Thuận Thành Trấn, người đứng đầu Thuận Thành Trấn được gọi là Phiên vương. Thế nhưng, đến thời Minh Mạng, tác giả này viết tiếp (Sđd, tr. 68): “Vua Minh Mạng thẳng tay đàn áp và khủng bố dân Chàm, khiến cho số nào chưa bị ngọn gươm oan nghiệt kết liễu cuộc đời, liền bỏ trốn qua Cambốt hay lên ẩn náu trên vùng Thượng. Đến đời Thiệu Trị (1840-1847), nhà vua mới hủy bỏ lệnh đàn áp và xuống chiếu phủ dụ, một số người Chàm mới hồi cư lập nghiệp và truyền hạ cho đến ngày nay”.

(5) Inrasara, 2006, Ariya Cham, Nxb Văn nghệ TPHCM, tr. 415.

(6) Trần Trọng Kim, Sđd, tr. 178-179. Bốn lần Chế Bồng Nga xua quân vào Thăng Long là: 1377, 1378, 1383 và 1389-1390.

(7) Inrasara, 2011, Văn học Chăm khái luận, Nxb Tri thức, tr. 50.

(8) Inrasara, 2013, Thả diều ở xứ nắng, Nxb Kim Đồng, tr. 50-54. 

(9) Trà Vigia, 2008, Chăm Hri, Nxb Văn hóa Dân tộc.

(10) Tạ Chí Đại Trường, 2009, Sđd, tr. 23: “Triều đình Việt xuất thân từ “miền Dưới” như Trần, vẫn chỉ chú ý nhiều đến các đảo ven bờ như Vân Đồn, cho đến khi chúa Nguyễn kế tục phần đất Chiêm Thành mới mon men ra ngoài Hoàng Sa để đất được ghi vào bản đồ của người Âu, thế mà cũng phải đến triều Nguyễn mới có dấu hiệu chiếm lĩnh. Ý thức đại dương/ biển lớn đến muộn trong đầu óc người Việt…”; Đặng Thân, 2011, “Những góc nhìn lễnh loãng Đông & Tây khi đọc Đỗ Minh Tuấn”, Vanchuongviet.org.

(11) Vĩnh Sính, 2003, “Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát”, ERCT.com.

(12) Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org.

(13) Inrasara, 1996, Văn học Chăm II – Trường ca, Nxb Văn hóa Dân tộc, tr. 271-279:

Urang hu sang si đih

Ppo ngap anih dalam tathik

Urang hu sang si dauk

Ppo ngap danauk dalam tathik

Người có nhà để ngủ

Pô cất chỗ trú giữa đại dương

Người có nhà để ở

Pô lập nơi ngụ giữa đại dương.

(14) Inrasara, 2011, Hàng mã kí ức, Nxb Văn học, tr. 316.

(15) Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn.

(16) Điêu khắc Chăm, 1988, Nxb Khoa học Xã hội, “Lời giới thiệu”.