Nhật Hiên: Đầu năm Quý Mão 2023: Trò chuyện thời sự với một người làm thơ “thế sự”

Nhà báo, nhà thơ Ngô Quốc Phương

Một trong những cộng tác viên trang thơ của Diễn Đàn Thế Kỷ, anh Ngô Quốc Phương, cựu Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, người có thơ, truyện ngắn, hay tản văn đăng tải trên một số tạp chí văn nghệ, tập san mạng như Hợp Lưu, Văn Việt, Da Màu, Talawas, hay Diễn Đàn Thế Kỷ, với một số thử nghiệm trong thể tài thơ ca, văn nghệ được cho là gắn với thế sự, thời sự… 

DĐTK có dịp trao đổi với anh về những vấn đề thời sự–văn chương đầu Xuân Quý Mão 2023.

DĐTK: Là người được biết đến gần đây trên mạng và một số tạp chí, tập san văn nghệ Việt ngữ online với thể tài “thơ thế sự”, như chúng tôi tạm gọi như thế, anh có bình luận hay dự đoán gì về tình hình chính trị của Việt Nam trong năm mới Quý Mão 2023?

NQP: Trước hết, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn tới Ban Biên tập Diễn Đàn Thế Kỷ đã ưu ái dành cho tôi cuộc trao đổi đầu Xuân này, và nhân đây xin gửi tới Ban Biên Tập, Tòa soạn và toàn thể độc giả Diễn Đàn Thế Kỷ lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng. Xin được cảm ơn câu hỏi của DĐTK, nhưng quả thực là rất khó trả lời. Tuy vậy, nếu có thể vắn tắt và trên góc nhìn, quan điểm hoàn toàn cá nhân, tôi cho rằng Việt Nam hiện đang trong một quá trình chuyển đổi, biến đổi ở bên trong, kết quả của nó thế nào, cụ thể diễn ra ra sao, thì còn cần theo dõi, xem xét cụ thể.

Nhưng tôi cho rằng đã có những nhu cầu về khía cạnh nào đó là khá chín muồi, như những kỳ vọng và yêu cầu từ trong lòng của đất nước đòi hỏi có sự thay đổi, trong đó có cả sự thay đổi về mô hình, thể chế chính trị, chia sẻ quyền lực trong lãnh đạo, quản trị quốc gia, chẳng hạn. Tôi nghĩ các thế hệ lãnh đạo hay tổ chức lãnh đạo mới tại Việt Nam, trong vòng chừng 10–15 năm nữa sẽ đối diện rõ ràng hơn nữa cùng với quần chúng, một hậu mô hình và đồng thời một tiền mô hình thể chế chính trị – xã hội, như một thực tế khách quan; trong bối cảnh ấy, cộng thêm với những biến đổi trong môi trường quốc tế, khu vực, các xu thế toàn cầu, những lực kéo, đẩy và lực nội sinh có thể sẽ manh nha đưa Việt Nam tới một sự chuyển đối mới, vận hội mới, hay ít nhất là đà mới. Tuy nhiên, có nắm bắt, vận dụng được không, thế nào, thì còn phải chờ xem, song theo tôi sự thay đổi là một quy luật, không gì có thể đứng yên mãi!

DĐTK: Vừa qua có nhiều chính khách cao cấp của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam bị thanh trừng, trừng phạt, kỷ luật, thậm chí bỏ tù, hoặc cho về hưu, trong đó có cả vị trí trong tứ trụ, như Chủ tịch nước, hay cấp Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị, anh có bình luận gì về diễn biến này? 

NQP:  Là một người quan sát ở bên ngoài, tôi không có nhiều dữ liệu cụ thể để có thể có một phán đoán, phân tích, hay kết luận thật chắc chắn. Tuy vậy, một số nhìn nhận từ những người mà tôi cảm nhận có thể đánh giá được về nội tình chính trị tại Việt Nam trong vài năm qua cho tới thời gian ngắn hạn, trung hạn tới đây, thì những gì như câu hỏi vừa đặt ra, hay vấn đề “đốt lò, củi lửa” như truyền thông của nhà nước và truyền thông mạng xã hội phản ánh – được coi là một chiến dịch dài hạn của một nhóm trong thượng tầng nội bộ ban lãnh đạo của Nhà nước và Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chủ động tiến hành, với những mục tiêu mà nhóm này tự đặt ra. 

Một số nhà phân tích mà góc nhìn của họ trong vấn đề này tôi nghe được, tuy thế, cho rằng chiến dịch này, như một công cụ áp đặt trật tự quyền bính, có thể “thiếu khách quan” và thậm chí là qua cách thức thiết kế, tiến hành, đặt ra câu hỏi về “tính hợp hiến”, hợp pháp và cả tính công khai, minh bạch. Trong khi ấy một số góc nhìn quan sát khác, mà tôi cũng có dịp được tham khảo, lại nói thêm rằng công cụ này và nhóm triển khai có thể ít nhất muốn đạt được mục đích kép nào đó; chẳng hạn như là thiết lập, duy trì trật tự mới (quyền lực nội bộ, nhân sự…) và muốn được các giới trong, ngoài Việt Nam, trong đó có quần chúng nhân dân, coi đó là một cơ sở của đảm bảo và giải trình tính chính danh của Nhà nước và Đảng Cộng Sản Việt Nam, đặc biệt là bảo vệ quyền lực tối cao, toàn diện và duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam – điều đã được Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qua các giai đoạn luôn tự khẳng định. 

Ngoài ra, trong khi không thể kể hết các tiếp cận, quan sát, cũng có ý kiến gợi ý rằng nên cụ thể hóa ai là tác nhân, chủ thể đứng đằng sau “đốt lò, củi lửa”; theo đó, một số nhà quan sát, phân tích cho rằng cứ nhìn địa phương gốc gác, hoặc nơi xuất phát của một số chính trị gia cấp cao đang hoạch định, điều phối, thi triển “công cuộc đốt lò này” và những nhân sự của nhóm đó đưa vào “trật tự mới” như những sự “mặc cả”, “cài cắm”, hay “bài binh, bố trận” mới, thì sẽ biết rõ họ họ là ai, mục tiêu thực sự của họ là gì, ý định của họ ra sao v.v…

DĐTK: Còn ý kiến, quan điểm riêng của anh là gì?

NQP: Thực ra tôi không có gì dám gọi là “riêng” cả, ngoại trừ những cảm khái nào đó được tự ghi lại qua vài viết lách có thể là “tự phát” của mình, và bản thân sự viết lách ấy, thực chất tôi cũng không dám gọi là thể loại gì, hay thuộc thể tài nào, nhưng nó chỉ là những gì cá nhân tôi cảm nhận, ghi lại, trước hết là với mình, cho mình. Và tôi rất cảm ơn các bạn bè trên mạng đã có những chia sẻ, động viên, cũng như cảm ơn các nhà biên tập, như Diễn Đàn Thế Kỷ và một số tạp chí văn nghệ online khác, đã ưu ái đăng tải và giúp cho tôi có một nhịp cầu để được kết nối, chia sẻ, tìm sự đồng cảm, hay tâm sự… với độc giả đáng kính gần xa.

DĐTK: Tại sao anh lại chọn cho mình một hướng đi là làm thơ thế sự?

NQP: Như trên đã nói, tôi chỉ dám nghĩ rằng những viết lách nào đó của tôi đúng ra là những cảm khái, mà không dám tự xếp loại theo thể loại, thể tài nào, tuy nhiên tôi xin chia sẻ là đôi khi cũng có những áp lực nhất định chứ không phải là không. Đó là những lúc cũng tự hỏi trong đầu, trong lòng âm thầm là có dám “lên tiếng”, “cất lời” dù là dưới một đôi chữ ngắn thôi về một điều gì đó hay không, vì thế sự thì phức tạp, hoặc trong đó có những cái tinh tế, khó nói, khó diễn bày, chẳng hạn như có thể làm người này không hài lòng, người khác mếch lòng, có thể thậm chí sinh ra hiểu lầm, phản cảm v.v…

Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ rằng văn chương, nghệ thuật nói chung cần là một dòng chảy tự do, cái tự do tự thân, mà không nên bị bất cứ một thứ xiềng xích nào, dù là vô hình áp đặt, khống chế, đe dọa, hay là cả những thứ như “nể nang”, “thứ bậc”, “ân oán” quá khứ… trói tay, bó chân, từ trong tư tưởng, tư duy, cho tới giá trị, nghệ thuật, hình thức thể hiện v.v… Song le, tôi cũng xin chia sẻ rằng sẽ rất khó cân bằng được tất cả trong khi sáng tác, đôi khi cũng phải chấp nhận rủi ro. Có người nói là cầm bút, hay làm nghệ thuật cũng phải cần có bản lĩnh, lòng can đảm lớn lao này nọ. Là người không thuộc về những từ ngữ to tát, tôi chỉ xin nói rằng, có lẽ đó là những thử thách, là thực tế nào đó mà ai vào cuộc, trong cuộc, có thể phải ít nhiều đối diện. Nhưng qua những gì được sáng tác, cũng có thể phần nào thấy được bóng dáng của tính cách, tâm lý, tình cảm, tư tưởng của tác giả, như các bậc tiền bối đã từng nói, chẳng hạn như “văn dĩ tải đạo” hay “văn chính là người” v.v… vậy, dù không phải lúc nào cũng nhất thiết có một sự quy chiếu liên hệ, hay phản ánh mà hoàn toàn trực tiếp, trực diện, tùy theo trường hợp.

DĐTK: Theo anh thì ở trong nước có những nhà thơ nào cũng hay làm các loại thơ thế sự, hoặc thơ “phản kháng”, mà anh quan tâm?

NQP: Câu hỏi này vừa đưa tôi tới văn chương, nghệ thuật đương thời, nhất là ở khía cạnh “thế sự”, nhưng cũng gợi nhớ và kéo tôi về quá khứ. Câu trả lời của tôi, trong kiến thức, tri kiến còn rất hạn chế của mình, là có rất nhiều bậc tiền bối để có thể kể tên. Nhưng nếu chỉ được phép dẫn ra vài người, mà tôi xin được xin lỗi trước rất nhiều người khác, là những vị tiền bối đã khuất và những nhà văn nghệ, nghệ sỹ đương thời, nếu tên tuổi và công trình, sáng tác của họ chưa được đề cập trong câu trả lời ngắn gọn này của tôi, thì tôi xin nêu ra vài trường hợp. Thứ nhất, tự thời xưa, đó là Cụ Đồ Chiểu (Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) người mà tôi cùng nhiều bạn bè thưở học trò đã được đọc và đã rơi nước mắt vì xúc động, khi đọc những câu cụ viết như: “Thà cho trước mắt mù mù, Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù quân thân”, hay “Thà cho trước mắt vô nhân, Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo”, và đặc biệt là hai câu bất hủ của Cụ: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà!”. 

Còn trong thời hiện đại, câu hỏi trên làm tôi nghĩ đến nhiều người, nhiều bài thơ, nhất là có những bài thơ được công bố trên mạng gần đây, chẳng hạn như bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của nhà thơ Trần Thị Lam, với những câu thơ tuyệt vời như: 

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh, 

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn, 

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm, 

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…”, 

hay “Đất nước mình buồn quá phải không anh, 

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc, 

Rừng đã hết và biển thì đang chết, 

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”, 

hoặc: “Đất nước mình thương quá phải không anh, 

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại, 

Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải, 

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…” 

Nhưng nếu Ban Biên tập còn cho phép tôi được đề cập thêm một cây bút, một tiếng nói văn nghệ trong địa hạt này, mà tôi nhấn mạnh là còn rất nhiều cây bút, tiếng nói văn chương, nghệ thuật khác nữa được biết tới hay sẽ còn xuất hiện (và có thể được khẳng định cùng với thời gian nay mai), thì trong số đó phải kể tới nhà thơ, dịch giả, nghệ sỹ Thái Bá Tân, với phong cách làm thơ ngũ ngôn, kể chuyện đời, chuyện người, chuyện mình, bình bàn về thế sự, chính trị, xã hội, đạo lý, nhân văn… Qua những dòng thơ 5 chữ có vần, mà ông tự nhận như một tiếp cận tạm gọi là gần gũi, bình dân, để, giúp chia sẻ với độc giả được dễ, được gần, được thấm, được nhiều hơn. Các sáng tác của ông có thể tới cả nghìn bài hay nhiều hơn thế, và rất khó có thể nói đâu là bài hay nhất, trong nhiều sáng tác rất thành công và ghi dấu ấn của ông.

DĐTK: Vừa rồi là thời sự quốc nội (Việt Nam), nhưng nếu có thể nhìn ra quốc tế, thì có điểm nhấn nào hay xu hướng, hoặc sự kiện nào mà anh quan tâm và có thể là quan trọng đáng theo dõi với mọi người trong năm 2023 này?

NQP: Mặc dù nói thật lòng là câu hỏi này có thể vượt ra ngoài tầm năng lực nhận thức, quan sát của tôi, song để đáp lại, một cách khiêm nhường nhất, và nếu được quyền chọn ra một hai “điểm nhấn” mà không làm ảnh hưởng tới tính phức hợp, chỉnh thể của các vấn đề cần theo dõi như một thực tế, thì tôi cho rằng các nền dân chủ văn minh trên thế giới không chỉ trong năm nay, mà trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục đối diện nhiều thách thức và phải tiếp tục tự hoàn thiện và đổi mới. Các thách thức đó đến từ cả bên trong, lẫn bên ngoài khi có thể chịu áp lực của sự cạnh tranh mạnh mẽ của một số thế lực, thể chế, khối, trục hay nhà nước mà lâu nay không chia sẻ những giá trị cốt lõi với các nền dân chủ, trong đó có chủ nghĩa tự do, kể cả tân tự do về mặt tư tưởng, nhận thức, cũng như không sẵn sàng chia sẻ những giá trị chung tiến bộ, phổ quát của nhân loại. 

Còn về nguy cơ xung đột, nếu tôi được phép nhắc đến khía cạnh và đề cập góc nhìn này, thì theo tôi cuộc chiến tranh có tính chất xâm lược, trừng phạt của Nga ở Ukraine sẽ tiếp tục là một vấn đề căng thẳng tác động đến châu Âu và thế giới, và tác động của nó có thể còn lâu dài. Tôi không dám dự đoán là khi nào nó kết thúc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó, như một cuộc chiến tranh lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, cần, nên và phải được chấm dứt càng sớm càng tốt, nếu được thì ngay trong năm nay, chẳng hạn muộn nhất là trong cuối Xuân, đầu Hè này, để các nạn nhân khỏi phải chịu thêm những đau khổ và tổn thất, thế giới vãn hồi thêm hòa bình. 

Một câu hỏi nữa, đó là cần phải theo dõi thêm diễn biến ở (hai bên) eo biển Đài Loan, có ý kiến trong giới nghiên cứu và quan sát cho rằng có thể trong vòng chỉ 2-3 năm trở lại thôi, có khả năng nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ có hành động quân sự với hòn đảo Đài Loan. Thắng thua, hay hệ quả của hành động đó thế nào, cụ thể ra sao, có thể sẽ có nhiều hệ lụy, trong đó có tác động tới an ninh ở Biển Đông, biển Đông Nam Á, nằm trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và khu vực địa chính trị được cho là đang trong vòng ảnh hưởng quyết liệt giữa Trung Quốc một bên và bên kia là Mỹ và các đồng minh phương Tây. 

Nếu được nói thêm một điều gì, tôi cho rằng năm 2023 nên là một năm nhân loại có thêm nhiều sáng kiến kiến tạo, gìn giữ hòa bình, lập cơ sở củng cố cho những nền hòa bình trong những năm và giai đoạn tiếp theo, thay vì có thêm “những cái đầu nóng”, không thực sự thân thiện với hòa bình. 

DĐTK: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

NQP: Xin cảm ơn DĐTK một lần nữa đã cho tôi cơ hội có được cuộc trao đổi này, xin chúc mừng năm mới hạnh phúc, an khang tới Ban Biên tập và các độc giả DĐTK và xin cùng chúc cho hòa bình, bình an tới mọi nơi, mọi nhà!

***

Nhật Hiên (thực hiện)

Một vài bài thơ của tác giả Ngô Quốc Phương, mới sáng tác trong dịp đầu năm mới 2023

KÌA TRÔNG

Kìa trông, xuân đã về bên song cửa,

cả năm vất vả rồi,

củi lửa, chữ nghĩa, 

phu tàu, phu chợ, phu mạng phây…

chai rượu nào cất ủ lâu nay,

đã tới lúc cùng bạn hiền ta dốc cạn,

trên trời cao én liệng,

én liệng hay Xuân chao?

nào có đợi men hồng đào kia mới bốc,

nơi xa nào không có tiếng pháo,

thì cùng nhau ta mở tiệc trong lòng,

nào anh em

có sá chi hăm ba hay hăm bốn,

mèo với rồng, rắn với ngựa,

lò với lửa, cũng vậy thôi,

có anh em

rượu ấm, ấy Xuân rồi!

Ngô Quốc Phương, London, 15/01/2023

CÓ THỰC NHÂN ĐẠO?

Khi người ta còn trẻ trung,

anh tống khứ người ta đi,

hoặc ép buộc,

rồi anh bảo, như thế là còn may,

so với những người rũ tù, mặc áo số,

khi người ta đi rồi,

có việc gì cần về quê hương,

kể cả gia đình, thân nhân có chuyện đáng thương,

bệnh tật, tang ma, đột xuất,

anh cũng rút mất quyền về quê mẹ của người ta,

cũng có những người từ lâu “chẳng làm gì”,

như ngôn ngữ “màn hình địch, ta”, anh vẫn nói,

thì dường như anh vẫn không quên,

người ta dù có quay về vì khoa học hay chuyên môn,

anh vẫn giắt tay lá chuối bắt người ta ngược ra…

năm tháng qua,

nhiều nạn nhân đã tuổi tác, yếu già,

khi họ trẻ, anh dùng người ta làm sự đe răn thiên hạ,

rằng ai làm theo họ sẽ hết lối về nhà,

thì khi họ già, anh dùng những chuyến về quê mẹ dối già,

để biến thành sự tuyên truyền rằng anh nhân đạo,

nhưng có nhiều trường hợp người ta là nạn nhân,

bị anh bỏ tù vô tội, mà không cả tuyên án,

bị anh đầy đọa, trừng phạt cả nhà,

nay thời gian qua, anh đã ngấm ngầm tự biết là anh sai,

nhưng anh bảo ấy là thời ấu trĩ, hay là chính trị giai đoạn trước, lãnh đạo xưa nay chết hết, hay về hưu lẫn trí hết rồi,

và anh make deal, làm thỏa thuận nổi chìm,

tận dụng hoàn cảnh người ta nay già yếu,

gia đình cũng khắc khoải, xót xa,

mong thân nhân biệt xứ được đoàn tụ,

anh ra vẻ nhân đạo,

nhưng cũng giở nghiệp vụ răn đe, cây gậy, củ cà rốt,

buộc gia đình người ta vào thế chịu ơn,

và đồng thời phải im miệng, để những chuyến thăm “nín thở qua cầu”,

này anh, lẽ ra anh tự biết phải làm gì,

nếu người ta vô tội, anh đã sai thì phải sửa sai,

phải hồi phục danh dự, “xóa án”, đền bù, 

ít nhất cũng phải có lời xin lỗi công khai,

nhưng anh đâu có dám làm?

anh tưởng anh có sức mạnh ư?

người mạnh khi có lỗi thì biết xin lỗi và sám hối,

còn những người né tránh có mạnh không?

NQP, London, 08/01/2023

BIẾT ĐỦ

Ở đời nếu tri túc,

tức biết đủ là vừa,

may còn giữ được phúc,

con cháu còn chỗ thờ,

còn nếu quá tham lạm,

cả tiền và quyền bính,

sau này có biến chính,

khó có chỗ dung thân,

đời hạ thu đông xuân,

luật trời là thay đổi,

đừng bao giờ nắm (mãi),

cái không thuộc về mình 

lò với củi rập rình, 

trò cũ nào diễn mãi,

bao giờ thì đủ đây,

ních chật túi quyền bính?

lại nhắc nhỏ nơi nào,

chớ say men thua được,

cũng đừng mê cá cược,

mà quên khuấy chuyện mình 

là trên non nước cũ

cần văn minh, phồn vinh,

quyền dân, dân phải được,

chứ không nô lệ dài,

dù dưới trướng của ai!

(Gửi năm 3023 hay 4023, nếu còn Xuân!)
NQP, London, 17/01/2023