Song Chi: Một giờ với nhà báo Đinh Quang Anh Thái

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái trong chuyến đi đến Ukraine tháng 10.2022, trước một bãi trưng bày xe tăng Nga bị Ukraine bắn.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái là một khuôn mặt quen thuộc của giới truyền thông Việt Nam ở hải ngoại từ vài chục năm nay, trong các lĩnh vực báo giấy, radio cho tới truyền hình. Anh là một nhà báo đầy kinh nghiệm, có kiến thức rộng – không chỉ có thể viết/nói về chính trị, xã hội Việt Nam, thế giới, mà cả văn chương, văn hóa. Và luôn luôn có một quan điểm rõ ràng nhưng trung thực, ôn hòa – điều rất cần thiết đối với một người làm báo.

Ngoài ra anh còn là tác giả của các cuốn Ký Đinh Quang Anh Thái tập 1, 2, 3, Bút ký chuyến đi Ukraine và Ba Lan (viết chung với nhà báo Đinh Xuân Thái), Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại. Đọc bút ký của Đinh Quang Anh Thái càng thấy rõ anh có một vốn sống phong phú – đi nhiều, trải nghiệm nhiều, gặp gỡ nhiều người, tất cả đã trở thành nguồn tư liệu để anh khắc họa nên những chân dung sống động, trong đó có những nhà thơ, nhà văn, chính trị gia, những người bất đồng chính kiến nổi tiếng. Dù viết về ai, về cái gì, thì cái nhìn và ngòi bút của Đinh Quang Anh Thái cũng chan chứa tình người, và đầy hy vọng vào cái Thiện, vào lương tri của con người.

Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái về công việc làm truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại và cả về tương lai của Việt Nam…

***

*Thưa nhà báo Đinh Quang Anh Thái, anh bắt đầu bước vào lĩnh vực truyền thông từ khi nào và do cơ duyên nào? 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Bắt đầu tập tễnh viết thì từ hồi trung học lớp 12 tôi cũng đã viết báo tường, báo Xuân, nhưng coi như không có gì đáng kể. Còn bài viết đầu tiên được đăng báo là vào khoảng năm 1974. Từ sự khuyến khích của nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập tờ Người-Việt ở California, lúc đó là ký giả Mai Phương của tờ Đại Dân Tộc, tôi đi với anh Yến và 2 nhà báo nữa xuống mặt trận đội 9 Bình Dương để viết về sư đoàn 5 Bộ binh đang đánh nhau với Việt Cộng ở đó, tôi còn viết vài cái tin về những cuộc họp báo của Bộ Giáo dục hay những tin tức liên quan đến giáo dục. Tôi mê nghề lắm. Đang tập tễnh học nghề thì xảy ra biến cố 30/4/1975.

 Huế. Năm 1973 (từ trái, dấu X) chí sĩ Trần Văn Bá, (hàng đầu) Đỗ Vân Thị Hạnh, sinh viên Đà Lạt, tác giả và Trung tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1.

Sau năm 1975, Mặt trận Dân tộc Tiến bộ ra đời mà một trong những sáng lập viên nhiều người biết là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bí danh là anh Châu, giao cho tôi – lúc đó tên tôi là Đạo, phụ trách tờ Toàn Dân Vùng Dậy. Ngoài việc tìm phương tiện in ấn bí mật, phân phối thì tôi còn viết bài cho tờ Toàn Dân Vùng Dậy đó. Rồi tôi bị bắt, bị tù. Sau khi ra khỏi tù tôi vượt biên qua Indonesia rồi đến nước Mỹ năm 1985. Đến năm 1987 tôi với một số anh em, trong đó có nhà văn Nhật Tiến, nhà thơ Lê Bi tức là anh Hoàng Chánh Nghĩa và một số người nữa lập ra tờ Người Dân. Mỗi một tháng tôi phải viết một bài Lời mở đầu, coi như là Thư Tòa Soạn, và viết bài cho tờ Người Dân. Một thời gian sau đó thì tôi đi lang bạt kỳ hồ ở Đông Âu, Nga…tờ Người Dân giao cho người khác phụ trách. Đến khi về lại nước Mỹ thì tôi đi lái taxi. Đang lái taxi thì nhận được điện thoại từ California của nhà báo Lê Đình Điểu, trước kia là Giáo sư ở Việt Nam, từng là Cục Trưởng Cục Thông tin Quốc nội của Bộ Dân vận Chiêu hồi của ông Hoàng Đức Nhã. Anh Điểu được công ty mẹ là công ty Người Việt giao cho lập đài VNCR (Vietnamese California Radio). Anh hỏi tôi có muốn về làm radio không, thì tôi bảo “Yes” và tôi đi về California. Bắt đầu từ đó, năm 1995, tôi vừa viết báo vừa làm radio và cũng làm truyền hình nữa. Và định hình làm truyền thông luôn cho đến nay.

*Thưa, Anh đã từng làm qua những cơ quan truyền thông nào trong suốt gần 30 năm nay?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Bắt đầu làm chính thức tại hải ngoại thì có tờ Người Dân, đài VNCR, Đài Á Châu Tự Do khoảng 6 năm, làm Tổng Thư Ký cho báo Viet Tide khoảng 7, 8 năm, làm cho báo Người-Việt, sau khi nghỉ báo Người-Việt thì viết sách và làm chương trình video hàng ngày cho Tự Lực Bookstore.

*Công việc có làm cho anh cảm thấy mình cũng có ích đôi chút cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cho Việt Nam?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Thứ nhất là nói về cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì cũng có ích chứ. Như lúc tôi làm chương trình Tin Buổi Sáng với Đài Little Saigon, có nhiều người thuộc thế hệ trung niên khoảng ngoài 30-40, lớn lên ở nước Mỹ, họ bảo tất cả những tin tức mà tôi đưa về Việt Nam như người này bị bắt, người kia bị bắt, xã hội Việt Nam ra sao thì rất có ích cho họ để tìm hiểu về Việt Nam, bởi vì họ không tìm được trên đài Mỹ. Thứ hai, tổng quát hơn về khán-thính giả thì họ cũng sẽ không tìm đâu ra được những cái tin mà chúng tôi loan. Thí dụ khi tôi làm cho Đài Á Châu Tự Do, lúc xảy ra vụ nổi dậy ở Thái Bình 1997, cá nhân tôi là người đưa cái tin đó và nó trở thành Breaking News của Đài Á Châu Tự Do, sau đó thì một một số đài khác họ gọi cho tôi hỏi chuyện như thế nào và đưa tin dựa trên tin đó. Hay là lúc ở hải ngoại vẫn còn chưa biết gì về những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam thì qua bài phỏng vấn đầu tiên của tôi với anh Hà Sĩ Phu, sau đó là anh Tiêu Dao Bảo Cự, bên ngoài này mới biết là trong nước đã có những người lên tiếng như vậy. Trong suốt thời gian tôi làm việc ở Đài Á Châu Tự Do tôi cũng phỏng vấn được cả trăm người như vậy ở Việt Nam, đó là chưa kể thỉnh thoảng tôi có cộng tác làm phóng viên/thông tín viên cho đài BBC tiếng Việt. Qua những bản tin đó hay các đài RFI, VOA phỏng vấn tôi thì đồng bào trong nước cũng biết đến. Đó là những tác động.

*Anh là một người có nhiều vốn sống, đi khá nhiều trong thời gian làm báo. Anh có thể kể về những chuyến đi nào mà anh cảm thấy ấn tượng, có nhiều ý nghĩa đối với anh?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Thực sự những chuyến đi đầu tiên của tôi tới Đông Âu mới là cầu nối, là viên gạch đầu tiên để mình liên kết được với những anh em người Việt mà trong cuộc chiến vừa qua thuộc một chiến tuyến đối nghịch với mình. Tôi nhớ lúc bức tường Bá Linh bắt đầu rục rịch sắp đổ và xảy ra những cuộc “cách mạng nhung” bên Tiệp, Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan v.v…thì tôi đang đi làm ở một Bưu điện ở Mỹ, có lợi tức rất khá, nhưng tôi xin nghỉ, bỏ hết và đi qua Đông Ậu sống. Tôi qua Tiệp, Đông Đức, Nga, Ba Lan… Thí dụ ở Tiệp thì tôi gặp những anh em của Phong trào Liên kết người Việt ở Tiệp, những người của tờ Điểm tin Báo chí, tờ Tự Do…tôi thấy người Việt Nam cùng có một tấm lòng muốn thay đổi xã hội Việt Nam, cùng có một mơ ước giống nhau là Việt Nam thoát khỏi chế độ độc tài Cộng sản mặc dù họ là những đảng viên, cựu đảng viên. Những người bạn tôi ở bên đó họ vẫn nói đùa tôi là “một người khách mùa đông” bởi vì 3 mùa đông liên tiếp cứ tới khi tuyết đổ là tôi lại sang. Đó là những lúc mà mình thấy rõ ràng trong bối cảnh các chế độ Cộng sản đang sụp đổ ở Đông Âu thì ở đâu người Việt cũng nức lòng hết.

Ăn Tết bên Tiệp. tác giả ĐQAT (để râu) trong bữa cơm với anh em sinh viên, công nhân bên Tiệp tại Plzen.

Còn nói về những chuyến đi ấn tượng thì nhiều lắm. Thí dụ tụi tôi đi dự phiên tòa đầu tiên xét xử Khơ Me Đỏ tại Campuchia vào khoảng tháng 10 năm 1998 chẳng hạn. Tôi đi đến cứ địa cũ của quân Khơ Me Đỏ ở Anlong Veng nằm gần biên giới với Thái Lan, chứng kiến một dân tộc bị tàn sát như thế nào bởi quân Khơ Me Đỏ và đang chết lần chết mòn vì bệnh AIDS hay là những thương tật vì bom đạn, bom mìn. Tôi cũng viết được một phóng sự về những bé gái Việt Nam từ 9-13 tuổi phải bán trinh như thế nào để sống sót trên đất Chùa Tháp. 

Năm 2000 thì tôi trong một nhóm báo chí được đi tường trình chuyến đi của Tổng thống Clinton tại Ấn độ. Mình học được cách thức của một nhà báo trong một chuyến đi như thế thì phải trải qua những thủ tục nào để có thể lấy được tin của một ông Tổng thống. Rổi các chuyến đi tường trình hậu quả của trận bão Katrina tại Mỹ. Chuyến đi lái xe 500 cây số từ Oslo tới Bergen để kịp tường trình buổi lễ trao giải Nhân quyền 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ của Tổ chức Nhân quyền Thorolf Rafto của Na Uy trong tháng 11, 2006. Một chuyến đi cũng nguy hiểm và lý thú vì đi giữa đêm khuya, lái một chiếc xe 500 cây số trong lúc tuyết đổ. Rồi mấy lần đi tới Hong Kong phong trào Dù Vàng, 2 lần tới Ukraine gần đây v.v…

Nhiều chuyến đi của tôi được người Việt tại nước Mỹ bảo họ theo dõi từng bước chân một. Như khi tôi đi về biển Đông 3 lần để tìm mồ mả của những người chết dọc theo biển Đông, đi từ Singapore qua Malaysia, Thái Lan, Indonesia…Tại vì đồng bào mình ít nhiều đều xuất thân từ các trại tỵ nạn, chưa kể có những người không biết thân nhân của mình mất tích trên biển Đông bây giờ sống chết ra sao. Nên khi tôi đưa tin về những ngôi mộ, có cái để tên, có cái không để tên, thì bên này có người nhận ra đó là mộ người thân của họ. Hay như nhà báo, nhà thơ Lê Giang Trần có một cô em gái mất ở bên đảo, mồ xiêu mả lạc bao nhiêu năm trời không có tin tức. Ngày tôi đi anh Lê Giang Trần bảo nếu ông tìm được ngôi mộ của em tôi thì tôi cám ơn ông ghê lắm. Rốt cuộc tôi tìm được ngôi mộ đó, tường trình bằng radio về trực tiếp. Nói chung là mọi người ở các tiểu bang họ theo dõi chuyến đi đó. Rồi những ngày đi về Đài Loan để tường trình về số phận của những cô gái Ôsin ở bên đó thì cũng được mọi người ở bên này theo dõi kỹ.

*Trong bao nhiêu năm làm nghề, anh nhận xét như thế nào về truyền thông và người làm truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Đây là một nhận xét khá đau lòng. Số người làm truyền thông chuyên nghiệp trước năm 1975 thì lại thuộc thế hệ tương đối lớn tuổi, cho nên khi đi vào Mỹ họ bị một số trở ngại sau: 1. Cách thức viết tin và tường thuật tin tức dù là radio, đài hay là báo giấy đi chăng nữa, trước năm 1975 có khác với thời buổi này. 2. Trở ngại phần nào đó về mặt ngôn ngữ, phải có một thời gian để thích hợp được với tiếng Anh.

Nhiều trường hợp những người làm báo Việt Nam trước năm 1975 là những người lẫy lừng nhưng qua bên này không thể nào vào được dòng chính thì bây giờ bắt đầu làm truyền thông trong cộng đồng Việt. Những người đó khi bắt đầu thích hợp được với ngôn ngữ thì cách viết, cách nhìn vấn đề có chuyên nghiệp. Nhưng thế hệ đó cũng lần lượt già và ra đi, lớp sau bắt đầu tiếp nối. Và có một hiện tượng này: hầu hết những người đi làm truyền thông trong cộng đồng người Việt từ báo giấy, radio cho tới truyền hình không được huấn luyện. Cộng đồng chúng ta có bác sĩ giỏi, kiến trúc sư nổi tiếng, luật sư xuất sắc, nói chung ngành nghề nào cũng có những người xuất sắc vì đó là những nghề đòi hỏi phải được đào tạo tại quê hương thứ hai của họ. Nhưng đáng tiếc là trong ngành truyền thông chúng ta không có cái may mắn, cái xa xỉ đó. Có 3,4,5,7 người Việt Nam tốt nghiệp về báo chí ở nước Mỹ thì họ được CNN, MSNBC ở Mỹ hay đài truyền hình NHK của Nhật tuyển chọn, và họ nói tiếng Mỹ, làm với dòng chính Mỹ, họ rất xa lạ đối với người Việt Nam, người Việt Nam nhiều khi không biết tên họ nữa kia. 

Còn trong cộng đồng Việt Nam báo giấy, radio và truyền hình sống nhờ vào quảng cáo của người Việt, lương bổng trả cho người làm báo thì bèo, và vì trả bèo như thế nên chỉ có thể tìm được những người như thế thôi. Nói theo người Mỹ là “you get what you pay for”. Kiến thức một cách tổng quát hơi kém, cái đó tôi nói thật. Đưa một ví dụ lúc tôi làm cho đài Á Châu Tự Do là một đài quốc tế, vậy mà khi tuyển nhân viên vào có nhân viên không hề biết cuộc chiến tranh Việt Nam chính thức chấm dứt năm 1975 khi Cộng sản chiếm miền Nam, họ cứ nói là 1973 bởi vì 73 là lúc ký Hiệp định Paris. Một số nhà báo kiến thức về văn học sử Việt Nam cận đại cũng có phần giới hạn. 

Thành thử ra đã có giai đoạn có một số người tham dự vào những cuộc huấn luyện/training cho các phóng viên phải đề nghị là training lại rất kỹ từ đầu đến cuối, ví dụ như khi hỏi Nhân Văn-Giai Phẩm là gì thì phải biết, xét lại chống Đảng là cái gì, bối cảnh của trận Mậu Thân ra sao, 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào, ra hải ngoại này các cộng đồng khắp nơi hội nhập ra sao v.v…Đó là một quá trình training rất kỹ của các đài quốc tế vì họ có tiền. Nhưng đối với các đài truyền hình báo chí địa phương sống nhờ quảng cáo tài chính có hạn, nếu đưa ra đề nghị rằng tuyển một nhân viên vào đừng cho họ viết, nói hay lên truyền hình vội, phải có 2 tháng gọi là huấn luyện từ đầu đến cuối–từ cách nói/viết 1 bản tin, viết 1 bài bình luận, cách tường thuật ngay tại chỗ v.v…như thế nào thì các chủ đài bảo chúng tôi không có cái xa hoa/xa xỉ đó. Chúng tôi không thể nào đi trả lương cho một người 2 tháng để người đó chỉ có học thôi. Nên xảy ra trường hợp viết lung tung mà không có được cái căn bản của nghề. Đó là cái cần phải cải tiến trong vấn đề truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại.

*Theo anh, làm truyền thông ở hải ngoại dễ hay là khó nếu so với làm truyền thông ở trong nước chẳng hạn?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Tôi có rất nhiều người bạn làm báo trong nước. Làm truyền thông trong nước khó nhất là làm bằng cái đầu của đảng chứ không phải làm bằng cái đầu của mình.

*Ngoài chuyện đó ra, về mặt nghiệp vụ, anh đọc báo, xem TV trong nước thì anh thấy thế nào? 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Trong nước họ cũng được đào tạo, tại vì họ có một số tiền lớn quá. Tiền đó là tiền của đảng, rồi với thị trường 100 triệu dân thì các tờ báo họ lấy được những quảng cáo khổng lồ. Làm báo trong nước bây giờ không nghèo như ngày xưa đâu, những nhà báo cũng sống tương đối rủng rỉnh, nếu không muốn  nói là có những người rất giàu. Thành thử ra họ cũng có những khóa huấn luyện. Chỉ có điều là tất cả mọi sáng tạo bị thắt lại bởi vì họ viết theo cái đầu của đảng. Đó là cái bế tắc lớn nhất của những người làm báo trong nước. Còn tôi đưa 1 ví dụ: tờ VnEpress chẳng hạn, tin của VnEpress họ viết lẹ vì lý do đơn giản là họ có đội ngũ rất đông. Ở ngoài này tờ báo online lớn nhất cũng chỉ có vài người thôi, thành thử ra tin ở hải ngoại này có rất nhiều khi không thể lẹ bằng báo trong nước. Nhưng dĩ nhiên tin mà báo chí trong nước đăng cũng phải nằm trong khuôn khổ được sự chấp nhận của ông Tổng Biên tập lớn nhất là đảng Cộng sản. 700 tờ báo trong nước chỉ có một ông Tổng Biên tập là đảng Cộng sản. Thành ra nghiệp vụ trong nước họ có tiến, nhưng nếu nhìn một cách chuyên nghiệp mình sẽ thấy rằng có những từ ngữ –không phải vấn đề là ngôn ngữ của Cộng sản hay là Quốc gia, nhưng là ngôn ngữ của người làm báo thì không biết tại sao họ lại viết như thế.

*Có nhiều người nhận xét là báo chí trong nước sau này ngôn ngữ nhiều khi không được chuẩn mực hoặc không chính xác, có nhiều khi là ngôn ngữ đường phố đưa vào, từ Hán-Việt thì sai rất nhiều…Rồi thì quan chức “nổ” về thành tích của đảng, của chế độ đã đành, truyền thông cũng “nổ văng miểng”, ví dụ thắng một trận đá bóng thì “ngạo nghễ Việt Nam”, “bóng đá thổi bùng tự hào dân tộc”, rồi thì năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại (bài báo viết năm…2010), drone Việt Nam làm bá chủ bầu trời…

Đạo đức nghề báo cũng có nhiều điểm đáng bàn: báo chí viết về đời tư người ta mà không bị kiện bao giờ thành ra cứ thế viết thoải mái, bắt được một cô làm nghề bán hoa thì chĩa máy vào tận mặt mà chụp hình, một bị cáo ra tòa thì không chỉ người đó mà thông tin của gia đình cũng bị đưa lên, hay hình trẻ em trong một số vấn đề “nhạy cảm” cũng chẳng bao giờ che mặt v.v…

Trở lại báo chí truyền thông ở hải ngoại, bây giờ sau gần nửa thế kỷ thì truyền thông hải ngoại có vẻ ”trầm lắng” hẳn, số người viết, người nghe, đọc tiếng Việt ngày càng ít. Một số trang web, báo, đài đã và đang sắp phải đóng cửa. Trong khi đó thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì không quan tâm nhiều đến Việt Nam. Anh nghĩ gì về tương lai của truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại thưa anh?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Chắc chắn một điều là báo giấy sẽ từ từ mất đi. Người mua báo giấy là thuộc thế hệ già không quen đọc hay tìm hiểu tin tức trên internet. Báo giấy không phải là sắp sửa rục rịch đóng cửa, nhiều tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại đã đóng cửa rồi và bây giờ họ chỉ còn trên online. Điều đó không tránh khỏi bởi vì ngay một nước vĩ đại như nước Mỹ tờ Newsweek đã có trăm năm ấn bản báo giấy họ cũng đóng cửa chỉ còn bản online. Đài BBC London ban Việt ngữ gần trăm năm phát thanh bằng tiếng Việt rồi họ cũng không phát thanh nữa, họ chỉ còn báo online thôi.

Nhìn về tương lai, tôi thấy chuyện bây giờ người Việt khắp nơi nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt vẫn còn. Đó là chưa kể có một làn sóng mới của những người Việt Nam qua đây làm ăn, đi du học. Cho nên nhu cầu được đọc báo, nghe radio, xem TV tiếng Việt vẫn còn. So với báo giấy thì cơ hội để radio sống sót một thời gian nữa cao hơn, miễn làm sao phải có nội dung phong phú mà người ta thích nghe, bởi vì không có cái gì quảng cáo hữu hiệu cho bằng radio, trong lúc đang lái xe tự nhiên họ quảng cáo bán cái này, cái kia. Truyền hình vẫn còn một thời gian nữa. Vào giờ ăn cơm tối thường những người Việt Nam vẫn còn xem truyền hình. Dĩ nhiên thế hệ trẻ sinh ra tại Mỹ, Anh, Pháp…người ta không có nhu cầu phải nghe, xem, đọc cái gì của tiếng Việt cả. Không học tiếng Việt làm sao đọc.

* Thưa anh, thời gian 3, 4 thập niên đầu thì báo chí, văn học, sáng tác hải ngoại về một mặt nào đó là sự nối dài của báo chí, văn học VNCH, còn sau này anh nghĩ nó sẽ như thế nào? 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Thực sự ra VNCH cho tới ngày hôm nay nó nằm trong ký ức của những người thuộc thế hệ cũng lớn lớn một chút. Chứ thế hệ đẻ ra ở Việt Nam sau năm 1975 mà bây giờ qua Mỹ, Anh, Pháp…sống họ không có ký ức về VNCH. Còn thế hệ đẻ ra tại nước Mỹ này càng không có 1 ký ức gì về VNCH cả. Thành thử ra bây giờ chúng ta sẽ thấy báo chí tại hải ngoại từ radio, truyền hình cho tới báo giấy, ngôn ngữ sử dụng, nội dung…cũng không còn là ký ức của VNCH bao nhiêu nữa, đặc biệt là lĩnh vực TV. Thậm chí họ đem nguyên những cái gì phát thanh ở trong nước ra ngoài này chiếu. Tại sao. Đơn giản thôi. Cái sức chống đối lại một nền văn hóa Cộng sản trước kia mãnh liệt là bởi vì lúc đó truyền thông trong nước đặc sệt Cộng sản, nào hát hoan hô đảng Cộng sản, hoan hô Hồ Chí Minh…Bây giờ chính trong nước họ còn không hát những bài đó, thành ra trong nước mà sản xuất ra được những cuốn phim, những vở kịch, những bản nhạc không còn ca ngợi đảng Cộng sản, ca ngợi Hồ Chí Minh nữa thì sẽ có phần nào đó thích hợp với khối người Việt tại hải ngoại. 

*Có người nói sau nhiều năm, sự khéo léo “cài” người của nhà cầm quyền Việt Nam dẫn đến sự “đổi màu” trong một số cơ quan báo, đài của truyền thông tiếng Việt ở bên ngoài, thậm chí ngay trên một, hai đài quốc tế Ban tiếng Việt, một số bài báo quan điểm, ngôn ngữ đọc y như báo chí chính thống trong nước, thì anh nghĩ gì về điều đó?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Thứ nhất, không cần nghĩ gì cả, cứ nhắm mắt là tôi cũng biết Cộng sản cài người khắp nơi, không cứ gì một lĩnh vực. Tôi mà là người lãnh đạo tuyên huấn trong nước, tôi cũng sẽ làm như thế. Tôi có một khối tiền khổng lồ của Ban Tuyên huấn trong nước, tôi phải xâm nhập vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại thôi. Đó là điều đương nhiên. Cái sức đề kháng của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại tới đâu, mới là điều quan trọng. 

Thứ hai, tôi đã từng tìm hiểu và thúc đẩy nhân sự để đi tuyển người thì tôi có câu trả lời rõ ràng lắm. Có lúc Ban Việt ngữ của một Đài phát thanh quốc tế tôi không nói tên bị khủng hoảng lãnh đạo, Tổng Giám đốc của cơ quan đó có nhờ tôi đi tìm một trưởng ban mới. Không có một người nào xuất thân từ một gia đình quốc gia đang sống ở Mỹ, có trình độ để làm trưởng ban mà nhận cái job đó cả. Bởi vì lương ít quá. Tôi có nhờ một anh bạn trẻ hơn tôi cả 15 tuổi, giỏi lắm, học hành tới nơi tới chốn, lập trường quốc gia vững vàng, ảnh bảo anh Thái ạ, anh thông cảm cho em, lương của em ở Califonia này 180,000 USD/năm, em đi về cái đài đó lương bắt đầu chưa được một nửa thì làm sao em đánh đổi được. Cho nên nói là cộng sản thâm nhập người, có, nhưng mà chúng ta phải tự hỏi lại những người có khả năng, trình độ, có thể làm được trưởng ban như vậy để đưa ra một đường lối dứt khoát cho cái ban đó, có người nào dám bỏ California đâu, cũng như có người nào dám bỏ những công việc đang làm ở Paris, London để đi làm cho những đài truyền thông của người Việt mà đồng lương giới hạn. 

*Bên cạnh việc làm báo thì anh còn viết sách. Những tập bút ký của anh là sự tái hiện chân dung của những người Việt Nam với số phận long đong, điêu linh, phản ánh cái số phận chung của dân tộc, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng của một thời mà nếu không có những bài bút ký ấy thì các thế hệ sau sẽ không biết được, không hiểu được nhiều về họ. Anh có dự định sẽ làm tiếp bút ký 4, 5, 6 hoặc là có những dự án viết lách khác?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Tôi vẫn đang làm.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái và nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến

*Trong những tập bút ký ấy những con người có chí lớn, muốn làm cách mạng, xả thân để mưu cầu cái chung cho dân tộc thì lần lượt đã ra đi. Còn những người tiếp nối theo anh đã có hay chưa?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Tôi không bao giờ đặt câu hỏi là có người tiếp nối hay chưa, bởi vì thế hệ trước đi có thành hay bại thì họ đều đặt một bước chân cho những người lần theo họ để đi tiếp con đường đó, hoặc là khai sáng thêm con đường đó. Không bao giờ tôi nghĩ ở bất cứ lĩnh vực nào mà không có người tiếp nối. Nhưng mà cái hình thức nó có thể khác. Cái thời ngày xưa của cụ Phan Châu Trinh hay là sau đó những lớp tuổi trẻ hơn thuộc Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân v.v…họ là những người đi đấu tranh phải nằm gai nếm mật, vào tù ra khám. Chúng ta không thể đòi hỏi thế hệ trẻ bây giờ mà dấn thân như kiểu cụ Phan Bội Châu ngày xưa đi năm này qua năm kia không bao giờ nhìn mặt vợ cả, bởi vì có thì giờ đâu mà về nhà. Còn ngày hôm nay họ vẫn có thể ở nhà dùng 1 cái laptop, dùng 1 cái điện thoại để tác động vào suy nghĩ của người khác. Lúc nào cũng có người tiếp nối những thế hệ đi trước. Các lớp sóng sau đè lớp sóng trước. Đó là cái điều chắc chắn.

Từ trái qua: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

*So với 20, 30 năm trước thì suy nghĩ của anh bây giờ thế nào khi nhìn về tương lai Việt Nam?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Về mặt thực tế Việt Nam có nhiều thay đổi. Điều đó không thể chối cãi được. Đảng Cộng sản Việt Nam bị đẩy vào một cái thế mà họ tuyên bố năm 1986: “Đổi mới hay là chết”. Và từ câu nói đó của Nguyễn Văn Linh thì đất nước có thay đổi. Về mặt kinh tế, dĩ nhiên đảng Cộng sản phải nói kèm theo một câu, là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nhưng mà bản chất của nó là một nền tư bản man rợ. Tuy nhiên không thể phủ nhận được đời sống vật chất của người dân Việt Nam có tiến, từ nông thôn cho tới thành thị. Rất tiếc rằng sức sống đó của dân tộc Việt Nam có thể thay đổi tốt đẹp hơn rất nhiều nữa nếu là một nền kinh tế thị trường, cắt hẳn cái đuôi “theo định hướng XHCN” đi. Về mặt tinh thần, vì áp lực quốc tế, vì trào lưu toàn cầu hóa v.v…thì nhà nước Hà Nội cũng đã phải mở cửa để hội nhập với xã hội bên ngoài. 

Còn về tương lai Việt Nam? Ông Václav Havel là một kịch tác gia, 1 nhà thơ, 1 nhà văn trong phong trào Chapter 77 của Tiệp. Khi đảng Cộng sản Tiệp khắc bị sụp đổ ông ấy lên làm Tổng thống đầu tiên của một nước Tiệp Khắc tự do thì ổng bảo rằng: Dân tộc chúng tôi đã có sức để mà đẩy một chế độ độc tài rớt xuống, trước sau gì chúng tôi cũng sẽ có tự do dân chủ, kinh tế sẽ phát triển, nhưng có một điều chắc chắn là cần nhiều thế hệ chúng tôi mới làm lại được, đó là lòng tin nơi con người Tiệp, bởi vỉ đảng Cộng sản đã phá nát cái niềm tin đó trong lòng dân tộc chúng tôi. 

Điều mà tôi lo âu cho Việt Nam không phải là về kinh tế và với sức sống ngày hôm nay, trước sau gì nó sẽ đẩy đảng Cộng sản Việt Nam vào cái thế phải nhượng bộ từ từ, thậm chí là tới một lúc nào đó phải chấp nhận những đòi hỏi của người dân, bởi vì không chấp nhận không được. Nhưng mà niềm tin trong lòng dân tộc Việt Nam với nhau đổ vỡ nặng lắm, bởi vì tôi sống ở bên Hoa Kỳ với những người tỵ nạn từ miền Bắc, tôi đi qua Tiệp, Ba Lan, Nga, Đông Đức, Ukraine…tôi nghe đồng bào trong nước nói chuyện, đồng bào từ miền Bắc đi ra ngoài này nói chuyện thì tôi thấy có một sự tan nát trong lòng người dân Việt Nam. Và thậm chí trong Nam bây giờ, cách đây mới có vài tuần thôi, tôi ngồi nói chuyện với một anh bạn kém tôi mấy tuổi, là một người cũng xông xáo ở Việt Nam, ảnh bảo tôi đau buồn nhất là sự phá hoại lòng tin,  phá hoại tinh thần đó. Cái đáng sợ thứ nhì đó là vấn đề môi trường. Bởi vì bây giờ những người có quyền của đảng Cộng sản đang phá nát môi trường Việt Nam như đốn rừng một cách vô tội vạ, xây nhà xây cửa v.v…và người dân thì cũng không được hướng dẫn một cách đầy đủ cho nên họ không ý thức được cái sự phá rừng, chặn nguồn nước, tất cả mọi vấn đề khai thác đất đai bây giờ nó sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ con cháu chúng ta. Môi trường bị ô nhiễm, gây ra tác hại về mặt sức khỏe cho người dân, đó là những mối lo gan ruột của Việt Nam trong tương lai. 

*Sau 1975 anh tham gia vào những hoạt động gọi là chống lại nhà cầm quyền Việt Nam, bị tù, rồi đi ra bên ngoài nước, anh có thể kể thêm về giai đoạn đó? Và bây giờ nhìn lại anh có còn cái hướng đấu tranh như vậy không?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái: 

Một cách tổng quát tôi thích câu này của người Mỹ: “A man got to do what a man got to do”. Hoặc sửa lại là “A person got to do what a person got to do”. Tức là một người trong đời họ, họ phải làm cái điều gì mà họ thấy cần phải làm. Tuổi trẻ lúc đó chúng tôi thấy cần phải làm thì chúng tôi làm như thế. Lập trường của cá nhân tôi thích hợp với lập trường của Mặt trận Dân tộc Tiến bộ và cho tới ngày hôm nay vẫn thích hợp với tình hình Việt Nam. Lúc đó nhiều người nghĩ tới chuyện dùng vũ trang lật đổ chế độ, chúng tôi thì không. Chúng tôi có một suy nghĩ rất tõ là đảng Cộng sản sẽ vỡ từ bên trong vỡ ra. Và bây giờ tôi vẫn tin như thế, tức là sẽ không có một thế lực nào có thể tập trung một cách mạnh mẽ để đánh đổ đảng Cộng sản từ bên ngoài. Chúng ta thấy phong trào Chapter 77 ở bên Tiệp, Công đoàn Đoàn Kết của Ba Lan với Lech Wałęsa hay những sự thay đổi tại nước Nga với Boris Yeltsin đều là từ bên trong chế độ. Đó là lập trường của chúng tôi, khẳng định ngay từ năm 1976, 1977. 

Không ai nghĩ cuộc “cách mạng nhung” lẹ như thế. Không ai nghĩ đảng Cộng sản Liên Xô lại rã như cơm nguội gặp mưa lẹ như thế. Lúc nào đó chin muồi là nó chin muồi, mình không biết.

Thứ hai là người Việt Nam mình đã qua một giai đoạn lịch sử cả Nam lẫn Bắc dựa vào thế lực bên ngoài trong cuộc chiến tranh mà tôi gọi là ủy nhiệm. Một dân tộc sử dụng súng M16 và AK47 không phải do mình sản xuất và tự bắn vào đầu nhau thì đã tới lúc phải bừng tỉnh thấy rằng phải tin vào cái sức dân tộc mình là chính. Ngày hôm nay mà vẫn tiếp tục ngồi trông ngóng các tín hiệu nào từ phía Mỹ để vui hay là buồn, các tín hiệu nào từ Trung Quốc để vui hay buồn, thì tôi ngờ rằng số phận của đất nước chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cái vòng dựa vào người ngoài. Dĩ nhiên tin vào sức mình quan trọng lắm nhưng cũng khó khăn lắm. Nhưng mà lịch sử của dân tộc mình đã chứng minh là cái thời mà quân Minh chiếm Việt Nam đâu có ai biết rằng trong cái dòng sống đó có một ông Lê Lợi mà người ta vẫn nói là dân Thổ Mường, dân tộc thiểu số thôi, phất cờ khởi nghĩa; đâu có ai biết rằng trong cái dòng sống của dân tộc đó có một ông Nguyễn Trãi một nhà trí thức lẫy lừng đến như thế; rồi cái thời ông Quang Trung Nguyễn Huệ thì được mô tả là mặt mũi trông cũng sần sùi lắm, là một anh đi thâu thuế thôi, nhưng mà lẫy lừng đánh tan quân Thanh, để lại biết bao chiến tích. Dân tộc mình đến một lúc nào quá bí bức sẽ nảy sinh ra được những tập hợp người và những nhân vật kiệt xuất.

*Cảm ơn nhà báo Đinh Quang Anh Thái về cuộc trò chuyện này.

Song Chi (thực hiện)