Lê Anh Hùng: Chuyện về nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Chiều nay (3/3) tôi đã gặp chị Phòng Nguyễn, chị gái của anh Nguyễn Vũ Bình. Anh Vũ Bình đã ly hôn và có hai cô con gái. Cô con gái đầu đang làm việc ở Khu Công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, cuối tuần mới về nhà ở Hà Nội, nên không có nhiều thời gian, trong khi cô con gái thứ hai thì đang học ở Hàn Quốc. Vì thế, chị Phòng sẽ đại diện gia đình lo việc thăm nuôi anh Vũ Bình cũng như những công việc khác liên quan đến anh.

Chị Phòng cho biết, sáng 29/2, anh Vũ Bình đi xe máy đến trụ sở Công an Hà Nội làm việc theo giấy mời. Sau đó, họ đưa anh về lại nhà để đọc lệnh bắt và lệnh khám xét. Họ gọi chị đến để chứng kiến cuộc khám xét, diễn ra từ 10h30 đến 11h30. Chị cho biết là trông anh vẫn bình thản, như không có chuyện gì xẩy ra. 

Hiện tại, gia đình vẫn chưa nhận được thông báo gì từ phía cơ quan chức năng. Sáng mai, chị sẽ đến trụ sở Công an Hà Nội để lấy xe máy của anh và hỏi thông tin về anh, xem anh bị khởi tố theo điều khoản nào và hiện đang bị giam giữ ở đâu.

Giống như hầu hết những người dấn thân đấu tranh ở Việt Nam, hoàn cảnh anh Vũ Bình cũng rất khó khăn (anh thậm chí còn không có nhà riêng mà phải ở nhà thuê). Vì thế, rất mong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước quan tâm, chia sẻ với tình cảnh của anh.

**

Thường thì ở đời, những người tiên phong dấn thân là những người hay phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, mất mát, thiệt thòi. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người mới bị bắt hôm 29/2 vừa qua, là một trong số đó. 

Anh thuộc vào thế hệ những người đấu tranh thứ hai ở Việt Nam, sau thế hệ thứ nhất với những bậc tiền bối như Giáo sư Hoàng Minh Chính (nguyên Viện trưởng Viện Triết học), Đại tá Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an), TS Nguyễn Thanh Giang hay nhà văn Hoàng Tiến. 

Giai đoạn anh bắt đầu dấn thân, anh là một biên tập viên trẻ đầy triển vọng của Tạp chí Cộng sản. Lúc bấy giờ (những năm cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000), số người lên tiếng đấu tranh ở Hà Nội mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù đã được giới thiệu đề bạt vào vị trí vụ phó, một vị trí mà bao người thèm muốn, nhưng anh vẫn không màng tới đường công danh đầy vinh hoa phú quý đó, mà quyết dấn thân vào con đường chông gai mà mình đã lựa chọn. Ngày 02/9/2000, anh làm đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ. Đó là một sự kiện động trời ngay cả ở thời điểm hiện nay, chứ đừng nói là trong bối cảnh Việt Nam hơn 20 năm trước. Đồng thời anh cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Cộng sản. 

Nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, từng kể cho tôi câu chuyện sau. Thời gian anh Vũ Bình mới bị bắt (25/9/2002), nhân một lần tiếp chuyện các nhà báo, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tâm tình với họ: “Việt Nam bây giờ cần nhiều nhà báo như Nguyễn Vũ Bình.” 

Tôi nghĩ chỉ chừng đó thôi là đã đủ nói lên tầm vóc của anh, nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Anh đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, không chỉ ở những người dân bình thường, mà cả những cấp lãnh đạo trong bộ máy.

Lê Anh Hùng

(nhà báo tự do, cựu tù nhân lương tâm)