Lê Học Lãnh Vân: Thâm tình Việt – Hoa trên đất Nam Kỳ Lục tỉnh (P.II)

4. THÂM TÌNH VIỆT – HOA CÙNG NỘI HÀM CHÍNH CỦA NÓ

Với tính chất khai phá, với tinh thần trọng ân nghĩa khinh tài lợi, người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh luôn biết ơn người mở cõi, trong đó công lao của người Hoa luôn được nhớ tới. 

Khi nói người Hoa góp công lớn hình thành, khai phá Miền Nam, bài viết không hề coi nhẹ công lao của người Việt hay tầm nhìn chính trị xa của các chúa Nguyễn. Chủ đề của bài này là nói về công lao của người Hoa chứ không nói về công lao của người Việt vốn là cộng đồng nền tảng. Và cũng không so sánh công lao với nhau, đề tài này xin để cho người có mối quan tâm. Sự hòa quyện của hai cộng đồng khiến không ít người Việt Miền Nam mang trong mình hai dòng máu Hoa và Việt, còn phân biệt nguồn gốc mà chi? Mà có muốn cũng chưa chắc đã có thể phân biệt được rạch ròi! Tất cả đã trở thành các bậc tiên hiền của vùng đất mới mà cháu con, dù nguồn gốc nào, đang là công dân Việt Nam và đang hưởng. 

Theo quan sát của tôi, trước năm 1975, trong lòng dân Miền Nam sự phân biệt Việt – Hoa nếu có cũng không nặng nề. Nửa sau thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, tổng thống Ngô Đình Diệm có chính sách không cho người Hoa làm một số ngành nghề, và yêu cầu họ nhập Việt tịch. Ai không nhập phải hồi hương. Nhiều người biết rằng trước đó chính quyền Pháp dành những ưu đãi quá mức cho người Hoa vì muốn dùng nhân lực và tài lực của họ cho sự phát triển ban đầu của Miền Nam, trong đó quan trọng là Sài Gòn. Khi bị tước đi các ưu đãi đó, người Hoa phản ứng dữ dội với sự ủng hộ từ bên ngoài bởi Đài Loan. Thực ra chính sách quốc tịch và nhập cư của Miền Nam thời ông Diệm là chính sách thông thường được áp dụng tại nhiều quốc gia. Bước sang đầu thập niên 1960, chính Đài Loan cũng yêu cầu người Hoa tại Miền Nam hợp tác với chính quyền sở tại.

Như vậy chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm là để bảo vệ quốc gia khỏi sự lũng đoạn tài chánh của người Hoa và của những thế lực Hoa trên thế giới chứ không có tính phân biệt chủng tộc. Người Hoa đã nhập Việt tịch được đối xử như người Việt. Điều ấy khác với sự phân biệt sau này trong nửa sau thập niên 1970 gây nên sự kiện nạn kiều, trong đó nguồn gốc, sinh quán, tộc họ được dùng để phân biệt đối xử! 

Xin nhắc lại rằng thâm tình Việt – Hoa là hệ quả tất yếu của lịch sử người Việt, người Hoa cùng mở cõi và để lại Nam Kỳ Lục Tỉnh trù phú cho cháu con. Thâm tình đó là tấm lòng cháu con nhớ về nguồn cội, công lao gian khó của ông cha, xuất phát từ đạo lý uống nước nhớ nguồn với ý nghĩa trong sáng, tốt đẹp của nó. Thâm tình Việt – Hoa này độc lập và song hành với ý chí bảo vệ nền tự chủ quốc gia trước áp lực bởi tham vọng lãnh thổ và/hay khống chế của chính quyền phương Bắc. Thâm tình này được bảo vệ vững chắc góp thúc đẩy Việt Nam giàu mạnh, ấm no, do đó nội lực mạnh mẽ hơn bảo vệ nền tự chủ quốc gia. Người Việt gốc Hoa tới đây và đã ở lại đây cùng lưu dân người Việt khai phá nên Nam Kỳ Lục Tỉnh, là những con người của vùng đất tự do này, hiện nay đều là công dân Việt. Khi Miền Nam bị tấn công, cướp phá, họ sẽ cật lực bảo vệ vùng đất trù phú này, nơi cho họ cuộc sống tự do, giàu có. Đừng cột họ vào Trung Cộng, kẻ đã chiếm biển đảo Hoàng Sa và lấn ngàn ki-lô mét đất liền với di tích lịch sử Ải Nam Quan! 

Lịch sử đã chứng kiến người ta từng vịn vào cớ bảo vệ nền tự chủ quốc gia để xúi giục sự phân biệt hay thù ghét dân tộc trong lòng Tổ quốc. Một xã hội mang trong lòng tinh thần phân biệt chủng tộc là xã hội kém văn minh, trước sau rồi cũng chịu hậu quả chậm tiến và thậm chí bi thảm. Đã chậm tiến, nghèo yếu thì không đủ sức bảo vệ nền tự chủ, rốt lại phải nhường từng phần chủ quyền cho nước ngoài. Quốc gia cứ đắm chìm trong vòng xoáy thua thiệt bên ngoài, lục đục bên trong, sinh lực hao mòn, ngày phát triển càng lùi xa! Đó là chưa kể sự phân biệt chủng tộc thúc đẩy tinh thần dân tộc hẹp hòi dễ gây xung đột với lân bang và tạo cơ hội cho kẻ địch mạnh bên ngoài lấy cớ tấn công quốc gia mà ít bị thế giới phản đối. 

Có ý kiến cho rằng sự hiện diện của một sắc tộc thiểu số trong lòng quốc gia có thể là nguồn họa tiềm ẩn thông đồng với ngoại bang. Tuy nhiên, quốc gia cũng từng chứng kiến nguồn gốc sắc tộc không là nguyên nhân của lòng yêu quốc gia, yêu cộng đồng. Trái lại, khi quốc gia có chính sách tôn trọng mọi thành phần trong lòng nó, các thành phần ấy góp phần xây dựng quốc gia hùng mạnh, no ấm. Khi quốc gia có chính sách kỳ thị bất kỳ thành phần nào, dù có nguồn gốc nào, thành phần ấy cũng thất vọng, chán ghét, bỏ nước ra đi, bỏ mặc sự tồn vong của quốc gia. Hơn nữa, thời đại văn minh hiện nay không phù hợp cho bất kỳ dạng kỳ thị sắc tộc nào. 

Cho nên, nội hàm quan trọng của thâm tình Việt – Hoa tại Nam Kỳ Lục Tỉnh là tinh thần không phân biệt nguồn gốc Việt, Hoa, và song hành cùng ý chí bảo vệ nền tự chủ quốc gia!

***

5. CÁC ĐIỀU CĂN BẢN NÊN BIẾT ĐỂ HIỂU MIỀN NAM

1) Miền Nam gồm thành phần Việt hòa lẫn với thành phần Hoa, không thể tách rời nhau được. Phần này đã được nói rõ trong các bài trước. Yếu tố Việt và yếu tố Hoa trộn lẫn nhau trong từng vùng đất nhỏ, từng làng xóm và thậm chí trong từng con người. 

Lưu dân người Hoa (Minh Hương, phản Thanh) và lưu dân người Việt vùng Ngũ Quảng cùng phận di dân, lênh đênh trời nước gặp nhau trên vùng đất mới. Cùng nhau khai phá và chung lưng bảo vệ thành quả, cộng đồng này đã hùng cứ Đông Nam Á, góp cho Việt Nam phần đất giàu mạnh, no ấm bậc nhất. Do đó, tự cội nguồn, Miền Nam không phân chia Hoa Việt.

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam! 

2) Người Miền Nam có lịch sử khẩn hoang rất cực khổ. Nhiều người đời sau dễ nghĩ rằng đất Miền Nam trù phú, thảy hột lúa xuống có cây lúa mọc lên, trăm giống cây đều như vậy, thò tay xuống sông bắt được cá tôm… Đúng là Miền Nam có thổ nhưỡng tốt, có khí hậu trồng trọt được nhiều loại cây trái quanh năm, nhưng để biến vùng đất đầy tiềm năng đó thành trù phú, lưu dân người Việt và người Hoa đã phải khai phá rất gian khổ. Nơi mà người đời sau thấy những cánh đồng “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”, khi những vị tiền bối như ông Tôn Đức Thắng ra đời, còn những khu rừng nguyên sinh vang tiếng cọp um, đêm đêm cọp vô nhà sàn dân rình bắt heo, chó… Nơi mà người đời sau thanh bình “áo trắng qua đò đi chợ sáng”, thời trước là những dòng sông cá sấu thả lềnh mặt nước. “Dưới sông sấu lội trên bờ cọp um” hay “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”.

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam! 

3) Xin chú ý rằng tiến trình vĩ đại khai phá Miền Nam được thực hiện bởi lưu dân người Hoa và người Việt Đàng Trong. Với sông Gianh là biên giới Trịnh-Nguyễn, người Việt Đàng Trong đã độc lập với người Việt Đàng Ngoài từ hơn trăm năm trước đó. Vốn liếng văn hóa đội quân Nguyễn Hoàng lận lưng mang theo vào Nam từ thủa “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” đã nhạt dần, phần vì thời gian, phần vì sự pha trộn với nhiều sắc sân cùng góp sức mở cõi. 

Từ khi Nguyễn Hoàng “mang gươm đi mở cõi” cho tới khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, người Đàng Trong và Đàng Ngoài đã cách biệt nhau trên hai trăm rưỡi năm. Tình anh em chung nguồn cội vẫn còn “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” nhưng sự khác biệt ấy là rất hiển nhiên. Nên nhìn các khác biệt ấy là vốn quý chung của quốc gia, dùng chúng cho sự nghiệp phát triển và tự chủ hay nên nhìn chúng như những phần “ngoại biên” cần áp dụng mọi biện pháp để khép vào nền văn hóa ngàn năm văn hiến sau lũy tre làng? 

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam!

4) Người Miền Nam biết cách mở rộng hợp tác, cũng biết cách chống cướp bóc. Bao thế hệ máu xương chống chọi với thiên nhiên rừng sâu núi độc mới dựng nên cơ đồ trù phú. Sinh mạng đổi cơ đồ cho cháu con, người Miền Nam cần cù biết cách tự vệ trước những thế lực ngoài vùng tới cướp bóc công sức của họ. Lúc đó, những đội quân từ Xiêm-La (nay là Thái Lan) và Chân Lạp tràn qua. Cả vùng đất Miền Nam dựa lưng vào chúa Nguyễn chống lại các đội xâm lấn dù tới từ đâu, bất kể phương nào, trên thực tế đã hình thành một cộng đồng rất khăng khít và một phần hữu cơ của nước Việt. Chống các thế lực xâm lấn, cướp bóc nhưng lại mở vòng tay đón người thiên hạ tới lập nghiệp. Người có thiện chí tới sống và lập nghiệp trên mảnh đất này tự nhiên được người tới trước nhận anh em, không kỳ thị gốc gác. Đất Phương Nam còn cần nhiều công sức và tình nghĩa để tiếp tục khai phá… Người mới tới cần thực lòng cùng sống, cùng phát triển chứ không phải để lợi dụng, để mưu cầu lợi lộc vật chất ích kỷ. Đây là bài học để lại từ thời Mạc Cửu. 

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam!

5) Chào đón đồng bào di cư. Trong tinh thần Việt – Hoa kề vai sát cánh không kỳ thị người từ bất cứ vùng nào tới lập nghiệp, người Miền Nam, khi vùng đất này chỉ có khoảng mười triệu dân, vào năm 1954, đã hào hiệp tiếp đón hơn một triệu đồng bào di cư rời đất Bắc tìm nơi đất lành chim đậu ở phương Nam. Trong hoàn cảnh lúc đó, trên thực tế, đồng bào Miền Bắc di cư có thể coi là “tha phương cầu thực” vì tài sản phải bỏ lại quê cha! Điều họ mang theo là kiến thức, là chân tình muốn dựng nghiệp dài lâu trên đất mới. Miền Nam sẻ chia miếng cơm manh áo, và nhận được sự hợp sức quý giá của những người di cư, không chỉ công sức lao động chân tay mà rất quan trọng là nguồn lực tri thức. Chính quyền Miền Nam, hệ thống giáo dục Miền Nam, hệ thống y tế Miền Nam, văn chương, học thuật Miền Nam… có lãnh vực nào không lưu lại, bên cạnh những nhân vật gốc Nam Kỳ, những tên tuổi lẫy lừng hay thầm lặng của giới Bắc Kỳ di cư? Xin kể vài cái tên, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Văn Trung, Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy, Phạm Duy, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu… được giới trí thức Nam Kỳ quý trọng.

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam!

6) Không kỳ thị quan điểm chính trị. Đa số dân Bắc Kỳ di cư năm 1954 tìm về Đất Phương Nam vì muốn được cuộc sống Tự Do. Tự Do học thuật, Tự Do tín ngưỡng… Người Miền Nam mở lòng chào đón các đồng bào muốn tới sống với mình, không phân biệt quan điểm, khuynh hướng chính trị, tín ngưỡng… Xã hội Miền Nam, cho dù còn những khiếm khuyết trong cách vận hành, đã thực lòng trăm hoa đua nở, trăm báo đua chen, trăm khuynh hướng xã hội mới trên thế giới được truyền bá góp phần vào cuộc sống tiến bộ, khai phóng… 

Không thấy điều căn bản này khó hiểu được Miền Nam!

Lê Học Lãnh Vân

* Lê Học Lãnh Vân: Thâm tình Việt – Hoa trên đất Nam Kỳ Lục tỉnh (P.I)