Lê Hữu: “Ngũ hổ tướng quân” của quân lực Việt Nam Cộng Hòa
Sống, sát cánh binh sĩ
Chết, nằm cạnh ba quân
Câu ấy đọc được trên mộ phần của Trung tướng Đỗ Cao Trí ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Sau ngày tử nạn trực thăng trong lúc bay thị sát chiến trường Campuchia vào tháng 2 năm 1971, viên tướng được chôn cất nơi nghĩa trang này, nằm an nghỉ giữa hàng hàng lớp lớp mộ phần tử sĩ, theo di nguyện của ông lúc sinh tiền.
Bốn năm sau cái chết của vị danh tướng ấy, năm vị tướng lãnh khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã biểu lộ khí phách của bậc dũng tướng cách khác qua việc chọn cái chết hào hùng để bảo toàn khí tiết, khi miền Nam mất về tay cộng sản Bắc Việt vào cuối tháng Tư năm 1975.
“Làm tướng không giữ được thành, tuẫn tiết theo thành”, những vị tướng quân ấy đã noi theo tấm gương rạng ngời của các danh tướng lẫm liệt trong sử Việt.
Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, không lấy thành, bại luận anh hùng. Lịch sử rồi sẽ phán xét chung cuộc, riêng đối với những vị dũng tướng đã tuẫn tiết để giữ vẹn lời thề tận trung báo quốc, người đời chỉ biết nghiêng mình.
Trong niềm quý trọng và cảm phục, danh hiệu “Ngũ hổ tướng” hay “Ngũ hổ tướng quân” được người Việt phong tặng cho năm vị dũng tướng lưu danh thiên cổ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Những trang sử Việt đời đời còn ghi mãi những chiến tích vẻ vang và những gương hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ các cấp, những người hùng tên tuổi hay những chiến sĩ vô danh đã tìm đến cái chết để đền nợ nước.
Những người lính Việt Nam Cộng Hòa từng “một thời ngang dọc”, từng chiến đấu vì lý tưởng tự do và sự sống còn của đất nước, từng trải những vinh quang và nhục nhằn của một thời kỳ bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc đã “nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây”, thà chết vinh hơn là sống nhục.
Những người lính dũng cảm của một quân lực dũng cảm, những người lính “can trường trong chiến bại” ấy vẫn còn sống mãi trong tâm tưởng người đời, như ngọn lửa vĩnh cửu vẫn lung linh tỏa sáng trên những đài tưởng niệm chiến sĩ anh hùng.
Những tượng đài chiến sĩ ấy là tượng đài của những hy sinh cao cả, tượng đài của lòng ngưỡng phục, của niềm tự hào và nỗi tiếc thương.
Gần 50 năm từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, mỗi mùa tháng Tư đen là mùa tưởng niệm anh linh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, từ các vị tướng lãnh đến chiến sĩ quân binh chủng các cấp, đến các quân dân cán chính miền Nam đã vị quốc vong thân và cả những đồng bào thiệt mạng oan uổng trước, trong và sau ngày 30/4/1975 trên đường vượt biên vượt biển. Người Việt khắp nơi khắp chốn cùng thắp nén hương lòng để tưởng nhớ những người đã nằm xuống và nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng về trên quê hương Việt Nam.
Lê Hữu.
Danh tính và sơ lược tiểu sử “Ngũ hổ tướng quân” tuẫn tiết trong biến cố 30/4/1975
1. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV
Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Thừa Thiên. Năm 1953 ông nhập ngũ Khóa 3 Thủ Đức và gia nhập binh chủng Nhảy Dù vào tháng 10 cùng năm. Từ 1955 đến 1964, ông mang cấp bậc Đại úy, đến năm 1965 thăng cấp Thiếu tá và giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù.
Năm 1967, ông được thăng cấp Trung tá, được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và thăng cấp Đại tá vào cuối năm. Năm 1969, ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. Tháng 11 cùng năm ông được thăng cấp Chuẩn tướng, đến năm 1972 được thăng cấp Thiếu tướng.
Tháng 11 năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng IV Chiến thuật cho đến năm 1975.
Khi xảy ra sự kiện 30 tháng 4, 1975, tướng Nguyễn Khoa Nam vận bộ lễ phục trắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 1/5/1975. Thi thể ông được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ, đến năm 1994 được thân nhân bốc mộ và hỏa thiêu, tro cốt để tại chùa Quảng Hương Già Lam, đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, Sài Gòn.
Tướng Nguyễn Khoa Nam là một Phật tử thuần thành, thường nghiền ngẫm kinh Phật, sách triết học và Nho học. Ông là một quân nhân thuần túy, không xen vào chính trị, có cuộc sống giản dị, không xa hoa, không bị tai tiếng tham nhũng và được binh sĩ hết lòng yêu mến.
2. Thiếu tướng Phạm Văn Phú: Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II
Sinh năm 1929 tại Hà Đông. Năm 1953 ông tốt nghiệp Học viện Võ bị Liên quân Đà Lạt khóa 6, sau đó phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù của quân đội Liên Hiệp Pháp.
Ngày 7/5/1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp và bị Việt Minh bắt giam cùng nhiều quân nhân khác khi Điện Biên Phủ thất thủ. Sau Hiệp định Geneve, ông được trao trả và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1962, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quan sát 77 Lực Lượng Đặc Biệt.Năm 1964, ông được thăng cấp Trung tá và giữ chức vụ Tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt.Năm 1966, được thăng cấp Đại tá, giữ chức Tư lệnh Phó Sư đoàn 2 Bộ binh, sau đó là Tư lệnh Phó Sư đoàn 1 Bộ binh.
Năm 1968, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44, đến năm 1969 được thăng cấp Chuẩn tướng.
Năm 1970, ông giữ chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Năm 1971, ông được thăng cấp Thiếu tướng do Sư Đoàn 1 đạt được chiến công trong chiến dịch Lam Sơn 719. Đến năm 1974, ông giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II Vùng II Chiến thuật.
Tháng 3/1975, sau cuộc triệt thoái khỏi Pleiku của Quân đoàn II, ông bị triệu tập về Sài Gòn nhưng cáo bệnh và nằm điều trị tại Tổng y viện Cộng hòa.
Ngày 29/4/1975, tướng Phạm Văn Phú tự sát bằng một liều độc dược cực mạnh, được gia đình đưa vào bệnh viện Grall và trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 30/4/1975.
3. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng: Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, Quân Khu IV
Sinh ngày 27 Tháng 3 năm 1933 tại Hóc Môn. Sau khi tốt nghiệp khóa 5 (Vì Dân) Sĩ quan trừ bị Thủ Đức vào tháng 1 năm 1955, ông trải qua các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn tại chiến trường miền Tây Nam phần.
Năm 1966 ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31 Bộ Binh. Thời gian này ông được các phóng viên chiến trường gọi là một trong ngũ hổ U Minh Thượng.
Năm 1967 ông được thăng cấp Trung tá, rồi Đại tá năm 1968. Hai năm sau ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh.
Năm 1971, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh.
Năm 1972, ông được vinh thăng Chuẩn tướng, giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Quân khu III sau chiến tích vẻ vang tại chiến trường An Lộc.
Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh.
Năm 1974, ông đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Phó Quân đoàn IV.
Ngày 30/4/1975, tại văn phòng Tư Lệnh Phó ở Bộ chỉ huy Quân đoàn IV, sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả binh sĩ bảo vệ Bộ chỉ huy, “Người hùng tử thủ An Lộc” đã dùng súng lục bắn vào tim tự sát vào lúc 20 giờ 45 phút.
4. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ: Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933 tại Sơn Tây. Năm 1951 ông theo học khóa 2 (Lê Lợi) trường Võ bị Địa phương Huế, đến năm 1965 thì thăng cấp Thiếu tá.
Năm 1972, ông tham gia chiến trường An Lộc, tử thủ căn cứ chỉ huy. Sau chiến tích vẻ vang, ông được đề bạt làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng sau khóa học Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ và giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Ngày 30/4/1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa các cấp buông súng, ông ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Sau đó ông dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát ở Bộ Tư Lệnh Lai Khê.
Thi thể tướng Lê Nguyên Vỹ được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư Lệnh, sau đó được thân nhân đưa về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Sài Gòn.
Năm 1987, hài cốt tướng Lê Nguyên Vỹ được thân mẫu hỏa thiêu và đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại quê nhà ở tỉnh Sơn Tây.
5. Chuẩn tướng Trần Văn Hai: Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh
Sinh tháng 1 năm 1929 tại Cần Thơ. Năm 1951, ông tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu úy.
Năm 1960, ông thụ huấn khóa Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ.
Năm 1963, ông được thăng cấp Thiếu tá và giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ.
Năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá và bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên.
Năm 1968, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc Gia thay thế Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Năm 1970, ông rời ngành cảnh sát với cấp bậc Chuẩn tướng, đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Biệt khu 44.
Năm 1971, ông giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động Quân.
Năm 1972, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân của Quân đoàn II và Quân khu II đặc trách biên phòng.
Năm 1973, ông giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ huy trưởng Huấn Khu Dục Mỹ, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Sư đoàn 7 Bộ Binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.
Trước biến cố 30/4/1975 khoảng hơn một tuần, Tổng thống Thiệu cho máy bay riêng đến rước Chuẩn tướng Trần Văn Hai di tản nhưng ông từ chối. Chiều ngày 30/4/1975, sau khi cho binh sĩ rời quân ngũ theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh, tướng Trần Văn Hai đã dùng độc dược tự vẫn trong phòng làm việc tại căn cứ Đồng Tâm. Thi thể ông được thân mẫu đem về mai táng tại Gò Vấp.
Lúc sinh tiền, Chuẩn tướng Trần Văn Hai nổi tiếng là vị tướng thanh liêm, cuộc sống thanh đạm, rất thương yêu và chăm lo cho đời sống binh sĩ thuộc quyền.