Lê Nguyễn: Chuyện ông Hoành ông Trắm trên đất Nam Kỳ xưa

Câu chuyện 10 năm cũ

Bà Ngoại tôi là người không biết chữ, như rất nhiều phụ nữ sinh vào cuối thế kỷ 19. Vậy mà khi mới 5-6 tuổi, tôi đã nghe bà thường xuyên mắng mấy chú bé, mấy cậu thiếu niên ương ngạnh, hung hãn câu: “Bộ mày là ông Hoành, ông Trắm đó hả?”. Câu nói cửa miệng của một người chưa từng đọc sách chứng tỏ là truyện về hai nhân vật “ông Hoành, ông Trắm” quả có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi trong không gian cũng như thời gian. Bởi vì khi bà Ngoại tôi lớn lên thì hai nhân vật này đã thuộc về một quá khứ cách đó khoảng 80 năm.

*** 

Chuyện về ông Hoành ông Trắm khởi sự từ việc triều đình Huế bổ nhiệm hai viên quan vào trấn nhậm đất Gia Định là Tổng đốc Nguyễn Văn Quế và Bố chánh Bạch Xuân Nguyên. Bố chánh họ Bạch lấy cớ là có mật chỉ của nhà vua, đã cho truy xét những việc làm đã qua của cố Tả quân, Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt, và mở cuộc truy lùng, bắt bớ, giam cầm nhiều thủ hạ tâm phúc cũ của ông Duyệt. Trong số những nạn nhân của Bạch Xuân Nguyên, không thể không kể đến Vệ úy Lê Văn Khôi (vốn có tên là Nguyễn Hữu Khôi), là con nuôi của vị Tả quân đã qua đời [1].

Giữa tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), trong trại giam, Lê Văn Khôi dựa vào sự quen biết với người đồng hương cũ (ở Cao Bằng) là Án sát Nguyễn Chương Đạt, xin cho về nhà một ngày để dự lễ giỗ đầu của ông Duyệt. Được chấp thuận rồi, Khôi bàn với hai thuộc hạ là Nguyễn Văn Hàm, tự Hoành [2] và Nguyễn Văn Trắm một kế hoạch nổi dậy chống lại triều đình. 

Chuyện đến tai bà Đỗ Thị Phẫn, phu nhân cố Tả quân Lê Văn Duyệt, bà hết lời răn đe, ngăn cản, Khôi không nói gì, lẳng lặng bỏ đi. Đêm 18 tháng 5 âm lịch (AL), Lê Văn Khôi cùng Hoành và Trắm chỉ huy 24 lính hồi lương [3] xông vào dinh Bố chánh, bắt trói Bạch Xuân Nguyên rồi tẩm dầu đốt như một cây đuốc sống. Tổng đốc An Biên (Phiên An-Biên Hòa) Nguyễn Văn Quế nghe tin có biến, nai nịt chạy sang dinh Bố chánh cũng sa vào tay quân nổi dậy và bị sát hại. Được thế, Lê Văn Khôi cho mở ngục, thả hết tù nhân ra và hô hào mọi người chống lại triều đình. Sau những thắng lợi đầu tiên, chiếm được phần lớn miền Nam, Khôi tự phong là Bình Nam Đại nguyên soái, cử Thái Công Triều làm Trung quân, Hoành và Trắm quản Tiền quân, cùng một số người khác quản Tả và Hữu quân. Tháng 7 AL, quân triều đình chiếm lại được tỉnh Định Tường và sau đó lần lượt thu phục An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên, Biên Hòa, cuối cùng buộc Khôi cùng thủ hạ phải cố thủ trong thành Phiên An (tức thành Sài Gòn do chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng năm 1790). 

Tháng 12 năm Quý Tỵ, tức đầu năm 1834, Lê Văn Khôi qua đời về bệnh phù thũng, quan quân trong thành tôn con là Lê Văn Cú, mới 8 tuổi, làm Nguyên soái, Nguyễn Văn Trắm giữ chức Điều Khiển, nắm thực quyền chỉ huy binh lính trong tay, Hoành giữ cương vị Hữu quân. Như vậy, tiếng là loạn Lê Văn Khôi, song Khôi chỉ sống có 7 tháng kể từ ngày nổi dậy, từ đó đến lúc cuộc binh biến bị dập tắt (tháng 7 AL năm 1835), tức trong gần một năm rưỡi sau, quyền hành thực sự tại thành Phiên An nằm trong tay Nguyễn Văn Trắm. 

Tháng 3 AL năm 1834, vua Minh Mạng được báo cáo là có khoảng 100 binh lính thành Phiên An ra hàng và Trắm bị bệnh nặng nên ra lệnh cho binh triều hợp sức tấn công thành Phiên An. Song do Trắm cho phòng bị rất cẩn mật nên cuộc tấn công vẫn không đạt kết quả. 

Tháng sau (4 AL), Trắm gặp chuyện không may, con ông ta là Nguyễn Văn Trịnh bị bắt giữ. Ông ta cử một thuộc hạ là Trần Đình Tam ra xin triều đình xá tội và hứa sẽ đầu hàng. Tuy nhiên, sau hạn định ba ngày, Trắm vẫn không ra hàng và triều đình đã đưa cả Nguyễn Văn Trịnh lẫn Trần Đình Tam ra xử lăng trì. Tháng 6 năm đó, triều đình lập kế hoạch đầu độc Nguyễn Văn Trắm. Kế hoạch thực hiện đúng như dự định song có lẽ do thuốc độc không đủ liều lượng nên không làm cho Trắm chết. Một kế hoạch đầu độc thứ hai được vạch ra và người được giao phó việc thực hiện là Lê Cảnh, một lính hồi lương mới qui thuận triều đình. Cuối cùng, âm mưu này cũng không thành công vì Cảnh run sợ quá mà làm lộ bí mật.

Tháng 11 AL năm 1834, một bước ngoặt quan trọng diễn ra trong cuộc nổi dậy của binh lính thành Phiên An dưới quyền Nguyễn Văn Trắm. Thủy quân Tham tán của Trắm là Doãn Đình Quyền trốn ra ngoài thành đầu thú với quân triều, khai rõ những vị trí quan yếu trong thành: thóc trong hai kho chứa đã mục hết 30%, muối trữ ở cửa Phiên An, quân số trong thành còn 1.460 người, trong số đó, khoảng 500 người đau yếu, lương thực đủ dùng trong ba năm nữa.

Quyền còn hiến kế đắp lũy áp vào hào để quân trong thành không ra hái rau, bắt cá bên ngoài được. Vua Minh Mạng cho quân đào những đường ngầm ngoằn ngoèo áp sát thành, đắp thêm núi đất cao, dùng súng nhắm vào các kho lương mà bắn. Một trong những tướng giỏi của Trắm là Võ Vĩnh Lộc, giữa lúc đứng trên thành đốc suất binh lính, đã trúng đạn tử thương. 

Tình thế ngày một bi đát, tháng 4 AL năm 1835, 4 viên tướng dưới quyền Trắm là Phó tướng Lượng, Tham tán Trinh, Binh bộ Thiếu khanh Hòa, Hộ bộ Thiếu khanh Thanh bàn soạn kế hoạch ám sát Trắm, nhưng việc cũng bị bại lộ, cả bốn người đều bị Trắm giết chết. Trắm trở nên hoài nghi hết mọi người chung quanh, ra lệnh ban đêm, ai có khăn dài phải giao nộp, sáng hôm sau mới được trả lại. 

Ngày 13.7 AL năm 1835, quân triều vây hãm thành Phiên An, súng thần công bắn vào thành ba ngày ba đêm liên tiếp. Khi quân cố thủ đã mệt mỏi, quân triều bắc thang trèo vào thành, chém đầu 554 người, trong đó có “ông Hoành” tức Hữu quân Nguyễn Văn Hàm, Trung quân Nguyễn Văn Quế, Hậu quân Nguyễn Văn Từ. Số người bị bắt giữ là 1.278 người, trong đó có Điều khiển Nguyễn Văn Trắm và cô vợ lẽ, Tả quân Lê Gia Minh, giáo sĩ Marchand (cố Du), một người con trai (Lê Văn Viên) và 4 con gái của Lê Văn Khôi. 

Nguyễn Văn Trắm, Marchand, Lê Văn Viên và ba người nữa bị đóng cũi đưa về Huế. Khi đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi, Trắm dùng dây xích tự siết cổ chết. Được tin này, vua Minh Mạng ra lệnh cho phanh thây, cắt đầu Trắm bỏ vào hộp đưa về kinh, cách chức hay giáng cấp những người áp giải Trắm. Điều này cho thấy nhà vua căm giận Trắm biết chừng nào, vì ông ta chứ không phải Lê Văn Khôi, mới chính là người gây ra bao nhiêu tổn thất và sự vất vả cho quân triều. Cái chết của Hoành và Trắm từ đó kéo theo những câu chuyện truyền miệng về sự ngang tàng của hai người, điều này không thấy sử sách chép rõ.

Ở phần trên bài viết, có nhắc đến Hậu quân Võ Vĩnh Lộc, một trong những cánh tay mặt của Điều khiển Nguyễn Văn Trắm. Khi thành Phiên An bị quân triều đình đánh lấy, dựa theo thông tin nắm được, vua Minh Mạng chỉ thị bộ Hình truy xét quan hệ giữa Võ Vĩnh Lộc với Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, một trong những công thần của triều Nguyễn, người đã chỉ huy việc đào hai con kinh huyết mạch ở miền Tây là kênh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Theo lời khai của Nguyễn Văn Lâm là con trai Thoại Ngọc Hầu, do không có con gái, ông Thoại nhận một phụ nữ tên Thị Nghĩa làm con nuôi, sau đó gả cho Võ Vĩnh Lộc. Có lẽ do Lộc chỉ là chồng của con nuôi, mặt khác Thoại Ngọc hầu đã mất từ năm 1829, bốn năm trước khi có cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, nên ông không bị bắt tội.

Lê Nguyễn 

5.2015 – 5.2025

[1] Có một sự nhầm lẫn khá phổ biến: nhiều người tưởng rằng vì làm con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt nên Lê Văn Khôi được lấy họ Lê, kỳ thực tên của Khôi lúc gây ra cuộc biến loạn là Nguyễn Hữu Khôi, sau khi Khôi qua đời, triều đình đã trừng phạt bằng cách tước bỏ họ Nguyễn Hữu và cải sang họ Lê.

[2] Hàm tự xưng là Hoành do ông ta thường ví mình với nhân vật Điền Hoành đời Tây Hán, Trung Quốc 

[3] Lính hồi lương là những người phạm tội ở miền Bắc bị đày vào Nam làm lính

NGUỒN TƯ LIỆU CHÍNH SỬ DỤNG TRONG BÀI NÀY:

* Silvestre – Revue indochinoise 1915

* Thượng Tân Thị – Đại Việt tập chí 1943