Lê Nguyễn: Cuộc sống lưu đày của các vì vua yêu nước

Hình chụp vua Hàm Nghi tại Algiers năm 1900. Nguồn: Wikipedia

Lịch sử triều Nguyễn thời kỳ mất nước ghi đậm dấu ấn của ba vì vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Họ yêu nước và phản ứng lại chính sách thuộc địa hóa của thực dân Pháp bằng những cách thức khác nhau, song cuối cùng đành chịu chung cảnh ngộ lưu đày. Dù không thành công, không thể đưa đất nước thoát vòng nô lệ, song những gì họ đã làm, đã trải qua là tấm gương sâu sắc về tinh thần yêu nước mà hậu thế có thể soi chung

I) NHỮNG NĂM THÁNG LƯU ĐÀY CỦA VUA HÀM NGHI

Lúc rời kinh thành Huế sau khi quân triều đình thất bại trong cuộc tấn công bất thần vào tòa Trú sứ Pháp, vua Hàm Nghi mới 14 tuổi (1871-1885). Từ đó, ông dấn thân vào một cuộc sống lang bạt, ẩn lánh hết chỗ này đến nơi khác. Theo một bài viết dài gần 100 trang của cây bút A. Delvaux nhan đề Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam (Mấy điểm minh xác về một thời kỳ biến động trong lịch sử Việt Nam) in trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue: BAVH) số 3 năm 1941, sau một trận đánh lớn diễn ra tại Trai-Na (tiếng Pháp không bỏ dấu) gây cho quân triều đình những thiệt hại nặng nề, Tôn Thất Thuyết cùng một số người tìm đường sang Trung Quốc vào tháng 2.1886, giao việc hộ vệ nhà vua cho hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp. Lúc ấy, Tôn Thất Đạm độ 22 tuổi, được vua Hàm Nghi cử làm Khâm sai, giữ nhiệm vụ liên lạc với các lực lượng nghĩa quân và đến vùng biên giới Quảng Bình để huy động lương thực. Tôn Thất Thiệp cùng tuổi với vua Hàm Nghi, ở sát cạnh nhà vua, ngày cũng như đêm.

Từ năm 1887, các đạo quân Cần vương gặp nhiều khó khăn do quân Pháp dưới quyền Đại úy Mouteaux đóng ở đồn Minh Cầm, chặn các ngả đường liên lạc giữa vùng hạ nguồn và thượng nguồn sông Gianh. Nhà vua cùng một số tùy tùng phải đi lần lên phía thượng nguồn để tránh những cuộc truy lùng của quân Pháp. Hầu cận nhà vua, ngoài Tôn Thất Thiệp, còn có Trương Quang Ngọc, một người thiểu số ở địa phương rất giỏi tài bắn cung, được phong làm Lãnh binh, và Nguyễn Định Trình (tài liệu của Delvaux và Gosselin ghi là Nguyen Tinh Dinh), đi theo vua từ năm 1885.

Cuối mùa Hè năm 1888, Trình đến đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cả và khai báo nhiều chi tiết quan trọng về vua Hàm Nghi. Theo y, Trương Quang Ngọc cũng đã rời bỏ nhà vua từ 6 tháng trước, ý cũng muốn đầu thú và có thể giao nộp nhà vua nếu được hứa ban thưởng. Nơi trú ngụ của nhà vua ở cạnh bờ khe Tả Bảo, một phụ lưu của sông Gianh nằm trong tỉnh Quảng Bình. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn được ra công chăm sóc kỹ lưỡng, giữa nhà có trải một chiếc chiếu hoa. Đồ ăn thức uống của nhà vua do những người sắc tộc Mường tại địa phương cung đốn, chủ yếu chỉ có gạo và muối. Ông ăn mặc rất nghèo nàn, chỉ có một bộ quần áo bằng vải nâu. Ông cùng các thuộc hạ thường bị bệnh sốt hành hạ, di chuyển thường phải nhờ những người Mường cõng đi.

Đầu tháng 9.1888, Đại úy Pháp Boulangier gửi cho Trương Quang Ngọc một lá thư  kêu gọi y ra đầu thú nhưng không nhận được hồi âm. Tuy nhiên, sau lá thư thứ hai của Boulangier, Ngọc ra đầu thú với Trung úy Pháp Lagarrue. Chiều ngày 1.11.1888 (Delvaux ghi là ngày 2.11), Trương Quang Ngọc, Nguyễn Định Trình dẫn theo khoảng 20 người dân địa phương trang bị giáo mác, cung tên, hướng về nơi ẩn lánh của vua Hàm Nghi. Chúng được lệnh của Pháp là phải bảo toàn mạng sống nhà vua, có thể sát hại bất cứ ai khác nếu họ chống cự.
     

10 giờ đêm, bọn chúng đến nơi, một ngôi nhà dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh, giữa nhà là một chiếc chõng tre phủ chiếu hoa, nhà vua nằm ngủ trên đó. Nghe có tiếng động lạ, Thống chế Nguyễn Thùy và con trai xách gươm nhảy ra nhưng bị Trương Quang Ngọc dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Thiệp cũng chịu chung số phận, dưới ngọn giáo của Cao Viết Lượng, một người Mường ở làng Thanh Cuộc. Nhà vua biết mình bị phản bội, cầm gươm chỉ vào Trương Quang Ngọc: “Mày giết tao đi, còn hơn là mang tao nộp cho Pháp”. Ngay sau đó, ông bị một tên Mường từng là hầu cận ôm ngang thắt lưng, giật lấy gươm. 

Cảnh bắt vua Hàm Nghi in trên báo Le Monde illustré số ra ngày 23.2.1889. Nguồn: Wikipedia

Sau khi đèn đuốc được thắp lên, một người trong bọn Ngọc quỳ xuống đất đọc lá thư của Đại úy Boulangier mời nhà vua trở về Huế. Im lặng một hồi lâu, vua Hàm Nghi thở dài và nói: “Ta đã bị phản bội. Ta phải tuân theo mệnh Trời, ta sẽ đi theo các ngươi”.

Sáng sớm ngày hôm sau, nhà vua được đưa về đồn Chà Mạc (có tài liệu ghi là Tha-Mạc), nơi đây đã có Đại úy Boulangier đợi sẵn. Trên đường đi, ngồi trên chiếc võng tồi tàn có người khiêng, ông không ngớt miệng lẩm bẩm: “ý Trời đã định!”. Tại đồn Chà Mạc, Boulangier bố trí đội quân danh dự bồng súng chào, kèn trỗi lên điệu quân nhạc. Nhà vua bước đi, không buồn quay đầu lại, ông lấy chéo khăn lau gương mặt đã đầm đìa nước mắt.

Nước mắt của vì vua trẻ tuổi từng trải qua những năm tháng sống giữa rừng thiêng nước độc, nay bất lực trước cảnh nước mất nhà tan, đã gây một xúc động lớn cho những ai có mặt vào buổi sáng hôm đó. Mọi người khá ngạc nhiên là gian khổ như vậy mà nhà vua vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đồng thời khăng khăng bảo rằng mình không phải là cựu hoàng Hàm Nghi.

Ngày 6.11, khi nhà vua sắp sửa rời Thanh Lạng, một giáo sĩ Việt Nam tên Trung ở Làng Truông đến dâng cho ông một chiếc kiệu khá đẹp, vây màn kín để tránh những con mắt tò mò của người đi đường, với hơn 10 giáo dân đi theo để khiêng kiệu. Vua Hàm Nghi hỏi tên ông giáo sĩ, sau đó đã nói: “Ngày xưa, ta cũng có học đôi chữ Hán, ta chỉ nhắc mình một chữ duy nhất: chữ Trung – cảm ơn!”

Một bữa nọ, trên đường bị quân Pháp giải đi, nhà vua nhác thấy bóng dáng người thầy học cũ của mình trong đám đông, ông nghiêng mình kính cẩn chào, từ đó, ông tự để lộ “chân tướng”, không còn phủ nhận mình từng là vua Hàm Nghi nữa. Đoàn người phải lưu lại Đồng Cả hơn một tuần lễ để chờ chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris. Cuối cùng một thông báo của Bộ thuộc địa chỉ định nơi cư trú của nhà vua là Alger, nơi có “một khí hậu êm dịu, để Ngài sớm bình phục sau những mệt nhọc của cuộc sống lang bạt chốn núi rừng”.

Vua Hàm Nghi lúc mới bị bắt – tranh vẽ của Vuillier, theo một phác họa của Jean Locquart. 

Ngày 13.11.1888, Pháp đưa vua Hàm Nghi rời Đồng Cả, xuống thuyền đến Quảng Khê rồi sau đó theo đường quan lộ đến trạm Thừa Hóa. Tổng trú sứ Rheinart đã đến Thừa Nông thăm nhà vua, hỏi ông có cần nói điều gì với người anh là vua Đồng Khánh hay một thân nhân nào khác hay không. Nhà vua đã trả lời là ông không có một người quen nào ở Huế cả. Nhân cuộc gặp gỡ này, một sĩ quan Pháp chụp một số bức ảnh nhà vua và sau đó phổ biến rộng rãi cho mọi người biết là vua Hàm Nghi, linh hồn của cuộc kháng chiến Cần vương, nay đã là một tù nhân.

Vua Hàm Nghi sau khi bị Pháp bắt năm 1988. Nguồn Wikimedia

Trước thái độ khăng khăng từ chối trở về Huế của nhà vua, thực dân Pháp đã đưa ông từ Thừa Hóa đến lạch Tư Hiền, từ đây, chiếc tàu Comète đã chờ sẵn để chuyển ông vào Sài Gòn. Không lâu sau, chuyến tàu Biên Hòa đưa ông đi Alger, khởi đầu cuộc sống lưu đày.

***

Trong đêm vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Tôn Thất Thiệp và hai thủ hạ của nhà vua bị sát hại. Họ đã hi sinh mạng sống để thể hiện lòng trung nghĩa của mình. Tôn Thất Đạm ở xa, khi hay tin là nhà vua đã lọt vào tay giặc rồi, ông viết ngay một lá thư, cho người mang đến đồn Thuận Bài nhờ chuyển cho nhà vua. Thư có đoạn viết: “Không được gần gũi Hoàng thượng để hộ giá, khi có kẻ phản thần làm việc ám muội, thần mang tội rất nhiều…Các quan văn võ sẽ mang hận ấy suốt đời, vậy xin Hoàng thượng tha thứ cho và thề sẽ hết lòng trung cho đến thác” (Phan Trần Chúc-Vua Hàm Nghi-NXB Thuận Hóa-1995-trang 174).

Ông Đạm cũng gửi cho Thiếu tá Dabat ở đồn Thuận Bài một lá thư bày tỏ sự hối tiếc đã không ở kề cận nhà vua để bảo vệ, cho dù có chết như người em trai của mình. Thư có đoạn cuối như sau: “Nay chúng tôi bị thua. Cái then của chiến bại đã đến bước cùng. Vậy xin Ngài cho các tướng sĩ được về quê hương an trí làm ăn và không phải ra thờ triều đình mới”.

Trong thư hồi âm của Dabat có câu: “Thay mặt các binh sĩ Pháp, tôi xin nói để Ngài biết rằng các tướng Pháp rất kính phục Ngài. Xin mời Ngài ra đồn Thuận Bài. Tôi xin đoan rằng người Pháp sẽ đãi Ngài một cách trân trọng, xứng đáng với tài đức và địa vị của Ngài trong hoạn giới” (Phan Trần Chúc-Sđd-trang 175).

Sau những bức thư trao đổi ấy, Tôn Thất Đạm tập họp tướng sĩ lại, yêu cầu họ ra hàng và khuyên mọi người về quê làm ăn, không nhận chức tước gì của triều đình mới. Về phần mình, ông nói: “Còn ta, nếu người Pháp có hỏi, các ngươi cứ bảo họ vào rừng này, tự khắc tìm thấy ta”. Rồi Tôn Thất Đạm đi vào rừng, cởi chiếc khăn đội đầu, treo cổ trên cành cây mà chết.

Sau khi tìm thấy ông, tướng sĩ xúm lại, ôm lấy xác chủ tướng mà khóc. Con người trung nghĩa ấy sống hết lòng vì vua, vì nước, khi chết cũng chọn cái chết anh hùng, không để rơi vào tay giặc. Mấy ngày sau, không thấy Tôn Thất Đạm ra hàng, quân Pháp vào rừng, đã thấy ngôi mộ ông nằm đó, bên cạnh còn có thanh gươm mà ông vẫn dùng lúc sinh thời.

Riêng Trương Quang Ngọc, nhờ “công” lớn bắt vua Hàm Nghi, được Pháp và triều Đồng Khánh chính thức hóa chức danh Lãnh Binh (do vua Hàm Nghi phong từ trước). Y đi đến đâu cũng bị xa lánh, khinh miệt, cuối cùng phải xin về giữ đồn Thạnh Lạng ở quê nhà. Y kéo dài cuộc sống như thế được hơn 5 năm. Một ngày cuối tháng 12 âm lịch năm 1893, y đang hút á phiện trong đồn thì bên ngoài đồn có tiếng hò reo, rồi một toán nghĩa quân phá cửa xông vào. Ngọc cầm vội cái nỏ, chưa kịp làm gì thì bị trúng đạn và bị cắt lấy đầu ngay sau đó. Người chỉ huy cuộc trừng phạt là Lãnh Thạc, một bộ tướng của lãnh tụ nghĩa quân Phan Đình Phùng…..

Sự khởi đầu chuyến lưu đày của vua Hàm Nghi đã được sử triều Nguyễn chép như sau: “Tháng 10, quan Đại Pháp đóng đồn ở Quảng Bình rước Ngài Hàm Nghi về cửa Thuận An; rồi rước lên tàu hỏa qua ở xứ Anh-xe-Nhi (Algérie). Nguyên khi trước, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Định Trình tới đồn Đại Pháp đầu thú, xin dẫn quan Đại Pháp qua miền thượng nguyên huyện Tuyên Hóa gọi là xứ Thằng Cuộc rước Ngài Hàm Nghi về Cửa Thuận; rồi quan Toàn Quyền tới thông xin rước qua ở xứ khác, đợi khi nào trong nước yên lặng rồi sẽ đưa về. Ngài ngự (chỉ vua Đồng Khánh-LN) truyền quan Cơ mật là Đoàn Văn Bình tới ngay cửa Thuận hầu thăm, về tâu. Rồi tàu hỏa nhổ neo đi ngay”. (Cao Xuân Dục – Quốc triều sử toát yếu – NXB Văn Học – Hà Nội 2002, trang 526)

Ngày 12.12.1888, cựu hoàng Hàm Nghi xuống tàu cùng một thông ngôn, một đầu bếp, một người giúp việc, và đặt chân đến Alger ngày 13.1.1889. Về chi phí sinh hoạt của ông, bộ Đại Nam thực lục chánh biên đệ lục kỷ, tập XXXVIII, nêu rõ: “Viên Toàn quyền Lê Na (tức Rheinart-LN) ủy người trình bày: “Quận công Ưng Lịch (tức vua Hàm Nghi-LN) đáp tàu sang nước Pháp chữa thuốc, về tiền chi phí hàng năm rất nhiều, nước Pháp chi cấp cũng tiện; duy bên ngoài không hiểu, lại sinh bàn tán, nên do nước ta chi cấp, mới là hoàn toàn chu đáo, ổn thỏa (cấp cả năm, tiền Pháp là 20.000 quan, tính thành bạc là 4.981 đồng và một người đi theo, cấp tiền Pháp 1.200 quan, thành bạc 299 đồng) (tài liệu Pháp ghi có 3 người đi theo-LN). Đợi sau khi Bắc kỳ có lệ thuế nào sẽ nghĩ định ổn thỏa….” (NXB Khoa học xã hội-Hà Nội-1978- trang 148).

Tại Alger, thủ đô của nước Algérie, một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi (thu hồi độc lập năm 1963), cựu hoàng Hàm Nghi cư trú ở El-Biar, trong một biệt thự khá tiện nghi có tên là Villa des Pins (Biệt thự Ngàn thông). Ông sống theo phong cách An Nam, mặc y phục và vấn khăn An Nam, thường xuyên sử dụng tiếng quốc ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Năm 1890, nghĩa là chỉ hơn một năm sau khi đến xứ sở lưu đày, cựu hoàng bị bệnh xung huyết phổi nặng, một tháng rưỡi sau mới bình phục.

Biệt thự Ngàn thông, nơi cựu hoàng đến ở gần Alger, theo một phác họa của Locquart in trong báo Le Monde illustré số ra ngày 23.2.1889. 

Không lâu sau, ông bắt đầu tập thích nghi với cuộc sống mới. Ông rất thích xe đạp và miệt mài tập cách sử dụng loại phương tiện di chuyển mới mẻ này. Sự hiện diện của ông và loại trang phục “xa lạ” ông mặc gây nhiều cuộc bàn tán của những kẻ ăn không ngồi rồi tại xứ sở Bắc Phi này, nhưng ông không bận tâm đến. Một trong những người được phân công hướng dẫn ông học tập là sư huynh (frère) Néopold sau này thường nhắc lại với tất cả sự ngưỡng phục về sự chuyên cần và năng khiếu của ông trong môn toán học. Trong tác phẩm Le Laos et le Protectorat français (Lào quốc và chế độ bảo hộ của Pháp), tác giả Gosselin có nhắc lại những ấn tượng của một nhà địa lý học nổi tiếng tên De Varigny trong lần đến viếng cựu hoàng vào tháng 9.1894:

“Khi ông đặt chân lên cái xứ sở châu Phi thuộc Pháp mà ngay cả cái tên của nó, ông cũng chẳng biết là gì, ông từ chối học ngôn ngữ của những kẻ đang giam cầm ông; bề ngoài ông tỏ ra dửng dưng trước những lề lối cư xử tốt, những thái độ cầu thân và tự khép mình trong sự câm lặng triền miên. Và cuối cùng thời gian đã thắng và đã giúp ông tìm lại những tháng ngày đã mất. Khi bắt đầu học ngôn ngữ, giọng đọc của ông có vẻ xa lạ, cách đọc nhát gừng; nhưng năm sau, những khách đến thăm ông đều tỏ vẻ ngạc nhiên một cách thích thú về cách ông sử dụng tiếng Pháp và sự thông minh trong lối diễn đạt ngôn ngữ này. Trong cuộc sống, ông vui sướng khi tìm thấy chung quanh mình những người bạn hiểu và quan tâm đến ông như cựu Thống Đốc Alger Tirman, ông Cambon, ông De V…Chính De V (*) đã chứng tỏ cho ông thấy chỉ có sự học tập và lao động trí óc mới có thể xoa dịu những nỗi tiếc nhớ và là công việc duy nhất phù hợp với cương vị và hoàn cảnh mà Thượng Đế đã ban cho ông…” (BAVH-no 3-1941-trang 308).

De Varigny cũng nói thêm là cựu hoàng còn có một sở thích tinh tế về âm nhạc và hội họa: “… Đối với cựu hoàng, cả hai nghệ thuật này là sự phát hiện bất ngờ về một thế giới xa lạ và những cảm giác không mong đợi. Ông dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong một xưởng vẽ mà sự bài trí biểu lộ một tinh thần ham hiểu biết, khao khát học hỏi và sáng tạo…” (Gosselin-Le Laos ….-trích trong BAVH-no 3-1941-trang 308).

Riêng De Sainte-Marie, người gặp ông hầu như mỗi năm, mỗi khi ông đến Vichy để nghỉ ngơi hay dưỡng bệnh, thường nhắc một câu nói của cựu hoàng: “Lịch sử nước Pháp làm cho tôi say mê, nhưng lịch sử nước tôi cũng đẹp như thế”.  

Tháng 11 năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi cưới cô Laloe, 19 tuổi, con gái viên Chủ tịch tòa án Alger. Lễ cưới diễn ra khá trọng thể với số người hiếu kỳ chứng kiến rất đông. Cựu hoàng mặc quốc phục Việt Nam, đầu vấn khăn, cô dâu mặc đẹp, cắp tay tân lang đi trên đường phố. Người ta cũng nhìn thấy ảnh cựu hoàng ngồi cùng cô Laloe trên một chiếc xe ngựa. Cuộc hôn nhân này cho ra đời ba người con: công chúa Như Mai sinh năm 1905, công chúa Như Lý sinh năm 1908 và hoàng tử Minh Đức sinh năm 1910. Vị hoàng tử này theo học trường quân sự Saint-Cyr những năm 1933-1935, tham gia quân đội Pháp những năm 1935-1945.

Đám cưới Cựu hoàng Hàm Nghi và cô dâu Laloe – báo The Pittsburgh Press 24.12.1904. Nguồn: Wikipedia

Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu, con trai út cựu hoàng Thành Thái, sinh năm 1924 tại Réunion, trong các lần tiếp xúc với người viết bài này, có kể rằng khoảng năm 1935-1936, có người khách lạ, không xưng tên tuổi, xuất xứ, đến tìm thăm cựu hoàng Thành Thái, cũng đang chịu cảnh lưu đày tại Réunion. Đến giữa buổi nói chuyện, mới biết đó là cựu hoàng Hàm Nghi, chú họ cựu hoàng Thành Thái. Trong lần gặp gỡ duy nhất này, cựu hoàng Thành Thái có ý muốn gửi cựu hoàng Duy Tân theo ông chú đến Alger nhưng cựu hoàng Hàm Nghi ngần ngừ, không tỏ ý dứt khoát.

Không ai biết nhiều về những năm tháng cuối đời của cựu hoàng Hàm Nghi. Ngay ngày mất của ông cũng có sự mâu thuẫn trong các tài liệu khác nhau, có tài liệu cho là ngày 14.1.1944, thọ 73 tuổi, sau 55 năm sống lưu đày; có tài liệu ghi là ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, nhằm ngày 4.1.1943. Ông được an táng tại nghĩa trang El Biar ở Alger; năm 1965, hài cốt được đưa về Pháp cải táng ở Sarlat, vùng Périgord. Theo một nguồn tin không chính thức, vào năm 2000, đã có sự tiếp xúc với công chúa Như Lý, nay là nữ Bá tước De La Besse, để bàn về việc đưa hài cốt cựu hoàng về an táng tại Huế nhưng không rõ kết quả ra sao.

Vua Hàm Nghi thích vẽ tranh trong thời gian sống lưu vong ở Algérie. Nguồn: Wikimedia

Xem như trên, có thể thấy cuộc đời của vua Hàm Nghi chỉ thực sự rực rỡ vào những năm 1885-1888, khi ông trở thành vị vua không ngai, lặn lội chốn rừng sâu núi thẳm, ban hịch Cần vương, nung nấu lòng yêu nước của hàng triệu người dân, tạo điều kiện dấy lên hoặc nuôi dưỡng những cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám…Suốt 55 năm sau đó, ông hoàn toàn bị vô hiệu hóa, đành chôn chặt mối hờn vong quốc nơi xứ lạ quê người. Đám cưới năm 1904 giữa ông và một cô gái Pháp là một bước ngoặt mới trong cuộc đời cựu hoàng, một sự chọn lựa không thể khác hơn trong hoàn cảnh lưu đày. Dù sao thì cho đến ngày nay, nói đến cựu hoàng Hàm Nghi, người ta vẫn coi ông là một trong những vì vua yêu nước, như Thành Thái, Duy Tân, tuy phải khuất phục hoàn cảnh nhưng vẫn giữ vững khí tiết, thà bị lưu đày còn hơn ngồi trên ngai vàng làm công cụ cho chế độ thực dân.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Lịch-Vua Hàm Nghi trong những năm cuối đời. Nguồn: Historic Vietnam

(*) có lẽ là De Varigny, vì ông ta không muốn nói về mình. 

(bài trích từ sách “Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc” của cùng tác giả (NXB Văn hóa Thông tin 2005 – NXB Hồng Đức 2016, 2017)