Lê Nguyễn: Cuộc sống lưu đày của các vì vua yêu nước (Phần 3)

Vua Duy Tân trong lễ tấn phong (1907) Nguồn: Wikipedia

3) NHỮNG NĂM THÁNG LƯU ĐÀY VÀ CÁI CHẾT CỦA CỰU HOÀNG DUY TÂN

Cựu hoàng Duy Tân là một trong hai ông vua yêu nước ở giai đoạn cuối cùng của triều Nguyễn (người kia là vua cha Thành Thái). Mới hơn 10 tuổi, ông đã cảm nhận cái nhục mất nước và năm 16 tuổi đã bắt đầu cuộc sống lưu đày, sau khi mưu định lật đổ chế độ thực dân Pháp bất thành. Từ nhiều thập niên qua, những năm tháng lưu đày của ông ít được nói đến, nhất là về cái chết còn nhiều uẩn khúc của ông. Gần đây, con trai ông là Claude Vĩnh San đã công bố một số tài liệu liên quan đến cựu hoàng, có trích dẫn một số chi tiết quan trọng về những năm tháng ông sống lưu đày ở đảo Réunion (thuộc Pháp) cùng một số hình ảnh tư liệu quí chưa từng công bố.

***

*Trước phút lưu đày

Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh San sinh ngày 3.8.1900 (có tài liệu ghi ông sinh năm 1899), được thực dân Pháp và triều thần Huế đưa lên ngôi ngày 3.9.1907 với niên hiệu Duy Tân. Làm vua trong thời loạn ly, ông sớm ý thức nỗi nhục mất nước, nhưng giữa đám triều thần lơ láo, đành phải nuốt nhục làm thinh. 

Vua Duy Tân khoảng năm 1908 – Ảnh Dieulefils

Nhân lúc nước Pháp bị lún sâu vào cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), có lần ông triệu tập quần thần, bàn việc cử phái đoàn sang Pháp, yêu cầu chính phủ nước này xét lại các hòa ước mà hai bên đã ký. Kết quả của buổi họp trên là có vị đại thần cho rằng đầu óc của nhà vua “có vấn đề” và ngầm bàn đến việc thay thế nhà vua bằng một người khác. Cuối cùng vua Duy Tân đã nhận lời làm minh chủ cho nhóm nhà cách mạng Thái Phiên, Trần Cao Vân và cuộc  khởi nghĩa bất thành đêm 9.5.1916 đã khiến nhà vua sa vào tay giặc.

Sau nhiều lần phủ dụ và hứa hẹn nhiều điều vẫn không làm lay chuyển tấm lòng sắt đá của vì vua trẻ, thực dân Pháp quyết định lưu đày cả cựu hoàng Thành Thái lẫn vua Duy Tân.

Chuyến lưu đày bắt đầu vào ngày 3.11.1916, từ Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), 17 ngày sau thì đến Réunion, hòn đảo nằm trên Ấn Độ dương, vào thời kỳ đó là một tỉnh hải ngoại của Pháp. Một chuyến tàu hỏa với toa đặc biệt dành cho viên Thông đốc được phái từ thủ phủ Saint-Denis ra cảng Le Port để đón hai cựu hoàng và gia quyến, trên tàu có De La Vigne Sainte-Suzanne, Tổng thư ký Phủ Thống đốc, Đại úy Deroche và một số viên chức địa phương. Gia đình hai cựu hoàng có 16 người, trong đó có ba bà phi của cựu hoàng Thành Thái và một bà phi của cựu hoàng Duy Tân. Ngày hôm sau, tờ nhật báo tại địa phương loan báo sự kiện này với nội dung như sau:

“…..Họ (gia đình hai cựu hoàng-ND) mang theo 10m3 hành lý…..Trong số những hành lý đó có một két sắt mà theo yêu cầu của cựu hoàng, nó được mang từ Le Port đến Saint-Denis dưới sự trông coi của một người giúp việc. Cũng có một chiếc va li mà ông hoàng Bửu Lân (tức cựu hoàng Thành Thái-ND) không muốn rời xa . Từ 10 giờ rưỡi,một đám đông đã xâm chiếm quảng trường của Phủ Thống Đốc. Đến 12 giờ trưa, họ đã mất kiên nhẫn….12 giờ rưỡi trưa, một hồi còi vang lên. Ông hoàng Bửu Lân và người con trai thứ hai (tức cựu hoàng Duy Tân-ND) mặc Âu phục (màu trắng)hong hoàng khác và các bà vợ thì mặc quốc phục (quần rộng và áo dài). Các bà đeo đầy nữ trang.Chính phủ trợ cấp ông Bửu Lân 30.000 franc, ông Vĩnh San 15.000 franc. Cả hai đều nói được ngôn ngữ của chúng ta  (tức tiếng Pháp-ND)…” ((www.vinhsan.free.fr, acte 7)

Từ đó, một chương mới đã mở ra cho hai cựu hoàng cùng gia quyến.

Cựu Hoàng Duy Tân và thú đam mê vô tuyến điện

Căn cứ vào hồi ức của ông Nguyễn Phước Vĩnh Cầu, sinh năm 1924, con trai út của cựu hoàng Thành Thái, cung cấp riêng cho người viết bài này, hai năm sau khi đến Saint – Denis, đại gia đình của cựu hoàng dọn đến một nơi ở mới và không lâu sau, cựu hoàng Duy Tân tách ra ở riêng. Ông cố lấy lại sự bình tâm sau một biến cố lớn xảy ra cho bản thân và gia đình, chuyên tâm học hỏi về khoa học, âm nhạc và văn chương, sớm hội nhập vào thế giới thượng lưu trên đảo. Năm 1923, ông được Hàn lâm viện Réunion trao tặng giải nhất về bài thơ Variations sur une lyre brisée (Khúc biến tấu về một cây đàn tan vỡ). Trong các buổi họp mặt công cộng, ông được công nhận là một tay vĩ cầm (violoniste) xuất sắc (www.vinhsan.free.fr, acte 8).

Cựu hoàng Duy Tân trong một buổi mít tinh của Mặt trận Bình dân Pháp (1936) Nguồn: www.vinhsan.free.fr

Trong đời sống thường nhật, cựu hoàng thích cưỡi ngựa, câu cá, tham gia những chuyến dã ngoại cùng gia đình. Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân do đảng Cộng sản và các đảng cánh tả thành lập tại Pháp chủ trương những cải cách xã hội rộng lớn, cựu hoàng coi đây là cơ hội tốt để vận động cho quyền tự chủ của đất nước. Ông tham gia vào các cuộc mít tinh của Mặt trận, lên diễn đàn nói chuyện, sau lưng là lá cờ búa liềm. Song chỉ hai năm sau (1938), Mặt trận Bình dân tự giải tán, hi vọng vừa nhen nhúm trong lòng cựu hoàng bỗng tắt ngấm.

Sau khi thế giới bước vào cuộc thế chiến tàn khốc lần thứ hai (1939-1945), cựu hoàng Duy Tân có một đam mê lớn, đó là ngành vô tuyến điện. Trong tâm tư của ông khi ấy, có hai nước Pháp khác biệt nhau: một nước Pháp thực dân đang xâm chiếm nước ông, và một nước Pháp đang bị xâm chiếm bởi Đức Quốc xã và đang vùng lên dưới ngọn cờ giải phóng của tướng De Gaulle. Trong tình hình đó, ông tạm thời hướng về nước Pháp thứ hai của De Gaulle. 

Cựu hoàng Duy Tân (giữa) và những người bạn thích vô tuyến điện trên đảo Réunion – Nguồn: www.vinhsan.free.fr

Với năng khiếu đặc biệt về vô tuyến điện, vào những năm 1940, tại đảo Réunion, cựu hoàng Duy Tân là một trong những người đầu tiên chế tạo được máy vô tuyến có tín hiệu FR8VX, thu được những tin tức chiến sự trên chiến trường châu Âu. Nhờ đó mà vào ngày 18.6.1940, ông nghe được lời hiệu triệu của tướng De Gaulle phát ra từ Luân Đôn, kêu gọi nhân dân Pháp tham gia kháng chiến chống Đức Quốc xã (www.vinhsan.free.fr, acte 12).

Tướng De Gaulle đọc lời hiệu triệu dân chúng Pháp tại Luân Đôn -Nguồn: www.vinhsan.free.fr

Bắt đầu chương trình hành động, vào một ngày trong năm 1942, từ chiếc máy vô tuyến điện tự chế, cựu hoàng Duy Tân gửi đi một tín hiệu với nội dung:
Gửi tất cả tàu Anh và tàu của nước Pháp tự do. Để chuyển đến chính quyền Pháp (3 lần)…

”Trong lúc toàn bộ đế chế Pháp đang chiến đấu bên cạnh các quốc gia liên hiệp để giải phóng nhân loại, ở đây, tại đảo Réunion, chúng tôi đang chịu đựng một chính sách thân Đức đáng xấu hổ. Chúng tôi gửi đi tín hiệu S.O.S, đòi hỏi vinh dự được cầm súng bên cạnh những người bạn đồng minh sáng suốt của chúng tôi…..”
(www.vinhsan.free.fr, acte 13)

Sở dĩ bức điện có nội dung này là vì chính quyền đảo Réunion lúc bấy giờ là chính quyền thân Đức, đi ngược lại nguyện vọng giải phóng xứ sở của đa số dân Pháp, mà người đại diện là tướng De Gaulle.

Cựu hoàng không chỉ gửi một mà nhiều bức điện với nội dung tương tự. Một ngày nọ, ông nhận được tín hiệu trả lời với nội dung vắn tắt: “Báo đốm sẽ đón Hoa cúc”

“Báo đốm” là tên chiếc tàu phóng ngư lội Léopard của lực lượng kháng chiến dưới quyền tướng De Gaulle đang lênh đênh trên biển. Và cuối cùng, cái thú đam mê vô tuyến điện đã bất ngờ đưa đẩy cựu hoàng Duy Tân vào cuộc đời binh nghiệp…

Đời binh nghiệp và cuộc hội kiến với Tướng De Gaulle

Sau khi liên lạc được với tổ chức giải phóng nước Pháp của tướng De Gaulle qua chiếc tàu phóng ngư lôi Léopard, cựu hoàng Duy Tân tiếp tục gửi cho họ những tin tức trên đảo Réunion, đồng thời mật báo cho những người yêu nước trên đảo tình hình  bên ngoài. Việc làm này buộc ông phải trả giá: ngày 7.5.1942,  ông bị chính quyền trên đảo bắt và tạm giam trong  nhà giam Lazaret ở thủ phủ Saint-Denis.

Một tháng sau, ông được trả lại tự do, song các máy móc, thiết bị vô tuyến đều bị tịch thu cả. Ông tiếp tục phục hồi lại những gì đã mất và tiếp tục các liên lạc vô tuyến với tổ chức giải phóng nước Pháp có cái tên France Libre.

Gần cuối năm 1942, xu thế cuộc chiến ngày một thay đổi nhanh chóng. Ngày 27.11.1942,  chính quyền đảo Réunion tham gia vào France Libre và cựu hoàng Duy Tân chính thức đứng vào hàng ngũ kháng chiến chống Đức Quốc xã. Ông được thu nhận làm chuyên viên vô tuyến điện trên chính chiếc tàu Léopard từng bắt liên lạc với ông. Tuy nhiên, cơ địa của ông không phù hợp với môi trường sóng nước, ông bị bệnh liên miên, cuối cùng chỉ sau 22 ngày sống trên tàu Léopard, ông phải trở lại đất liền (www.vinhsan.free.fr, acte 13).

Năm 1943, ông ráo riết tìm lại một chỗ đứng trong hàng ngũ kháng chiến của Pháp, song không được toại nguyện. Mãi đến ngày 3.1.1944, ông mới được thu nhận vào trại lính Lambert với tư cách binh nhì. Hơn một tháng sau, ông được thăng hạ sĩ. Qua năm 1945, chức vụ cao nhất ông được giao phó trong quân đội là Tiểu đoàn trưởng, ngang với cấp Thiếu tá.  Song mãi đến ngày 29.10.1945, sau khi chiến tranh kết thúc hoàn toàn, tướng De Gaulle mới ban hành sắc lệnh hợp thức hóa các cấp bậc của ông trong quân ngũ, cụ thể như sau:
– Thiếu úy ngày 5.12.1942

– Trung úy ngày 5.12.1943
-Đại úy ngày 5.12.1944          
– Tiểu đoàn trưởng (tương đương thiếu tá) ngày 25.9.1945.
            (vinhsan.free.fr/acte 15)

***

Năm 1945  đánh dấu mấy sự kiện quan trọng trong đời lưu đày của cựu hoàng Duy Tân:

* Tháng 3.1945, ông được thưởng huân chương kháng chiến với những dòng vinh danh như sau: “Bằng thái độ dũng cảm, sự quyết tâm và qua việc giúp cho nhiều thính giả nghe được các đài phát thanh của nước Pháp tự do hoặc của các nước đồng minh, là những đài bị cấm ngặt việc theo dõi, ông hoàng Vĩnh San đã góp phần vào việc duy trì lâu dài trên đảo Réunion lá cờ kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng….” (vinhsan.free.fr/acte 15)

* Ngày 29.8.1945, trên làn sóng của đài phát thanh Radio-Tananarive, cựu hoàng Duy Tân đọc bản tuyên bố chính trị đầu tiên kể từ ngày ông bị lưu đày. Bản tuyên bố gửi đến nhân dân Việt Nam đang chống lại quân phiệt Nhật, xác định rằng tương lai của đất nước chỉ có thể đạt được bằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước Pháp. Bản tuyên bố chủ trương một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hợp tác với Pháp và tạm thời ủy thác cho nước này hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng.

* Phải chăng bản tuyên bố “mềm dẻo” trên đã tác động lên lập trường của tướng De Gaulle về vấn đề Việt Nam, trong cương vị là người lãnh đạo nước Pháp tự do? Dù với lý do gì thì cuộc gặp gỡ giữa vị tướng thắng trận, người hùng của dân tộc Pháp là De Gaulle, với một cựu hoàng đã trải qua gần 30 năm lưu đày, cũng đã diễn ra vào ngày 14.12.1945, để lại nhiều ấn tượng cho chính người trong cuộc, cũng như trong dư luận quốc tế lúc bấy giờ.

Người ta đọc thấy những dòng sau đây trích trong cuốn Mémoires de guerre (Ký ức chiến tranh) của tướng De Gaulle:
”Nhằm những mục tiêu có thể được xem là hữu ích, tôi nuôi một ý định bí mật. Đó là cung cấp cho cựu hoàng đế Duy Tân những phương tiện để tái xuất hiện, nếu người kế tục và người bà con với ông là Bảo Đại cuối cùng rồi cũng bị các biến động vượt qua. Duy Tân bị chính quyền Pháp truất phế vào năm 1916, trở lại với cương vị ông hoàng Vĩnh San và bị đưa đến đảo Réunion, tuy nhiên, trong lúc cuộc chiến này diễn ra, ông đã phục vụ trong quân đội của chúng ta. Ông đã mang cấp bậc thiếu tá. Đó là một nhân cách mạnh mẽ. Khoảng 30 năm lưu đày không xóa nhòa trong tâm hồn dân tộc Việt Nam những kỷ niệm về vị vua này. Ngày 14.12, tôi sẽ tiếp ông để cùng nhau xét xem chúng tôi có thể làm gì với nhau. Nhưng cho dù chính phủ của tôi có tiếp xúc để thỏa hiệp với bất cứ ai, tôi cũng trù định việc gắn chặt họ ở Đông Dương, trong guồng máy trang trọng nhất khi thời cơ đến..”
(Sách đã dẫn, Quyển  III, trang 230 – Nhà xuất bản Plon – Paris 1959 – LN tạm dịch).

Về phần cựu hoàng Duy Tân, ông đã viết về cuộc gặp gỡ lịch sử này như sau:

”Điều đó đã quyết, chính phủ Pháp đặt tôi trở lại ngai vàng Annam. De Gaulle sẽ tháp tùng tôi khi tôi trở về. Ông ta dự kiến là vào những ngày đầu tháng 3.1946. Từ đây đến đó, người ta chuẩn bị dư luận, cả ở Pháp lẫn quốc tế và Đông Dương.Cần thiết lập một loạt thỏa hiệp được hai chính phủ thông qua..”
(vinhsan.free.fr. acte 17)
Thế nhưng những dự đoán lạc quan của cựu hoàng đã không tồn tại được lâu!

Cựu hoàng Duy Tân. Hình Wikipedia

Cựu Hoàng Duy Tân viết gì trong Bản Tuyên bố Chính trị

Ở trên, chúng ta biết rằng vào ngày 29.8.1945, cựu hoàng Duy Tân đã phổ biến một tuyên bố chính trị quan trọng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt-Pháp trong tình hình mới, khi cuộc thế chiến đã kết thúc. Gần đây, người viết bài này tình cờ tìm thấy tờ báo Pháp Combat (Chiến đấu) số ra ngày 16.7.1947 có một bài viết dài đề cập đến bản tuyên bố của cựu hoàng, thiển nghĩ đây là một tư liệu quý cần thiết cho người đọc yêu lịch sử và các nhà nghiên cứu.

Bài báo có nhan đề: “Bản tuyên bố chính trị của cựu hoàng Việt Nam Duy Tân, Thiếu tá thuộc lực lượng nước Pháp tự do”, đã trích dẫn nguyên văn nhiều nội dung quan trọng của bản tuyên bố ngày 29.8.1945.Ngay trong phần đầu văn kiện này, cựu hoàng Duy Tân đã xác định rõ lập trường của mình: “Tôi nghĩ rằng tương lai của Việt Nam, dù là tương lai trước mắt, phải được đặt trên cơ sở tình hữu nghị và quyền lợi chung, chứ không phải trên ý tưởng thống trị …”
Tiếp sau đó, cựu hoàng đặt ra cho nước Pháp một yêu cầu thẳng thắn về sự cần  phải loại bỏ ý tưởng “chia để trị” để chứng tỏ thiện chí đối với nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề thời sự nổi bật khi vào thời điểm này, chính quyền Pháp đang chuẩn bị cho sự ra đời của một thực thể chính trị gọi là chính thể “Cộng hòa tự trị Nam kỳ”, và cựu hoàng cực lực phản đối việc làm này. Trong bản tuyên bố, ông viết:
“Tôi nghĩ rằng nước Pháp cần phải đưa ra chứng cứ về ý muốn thật sự nhằm giúp đỡ người Việt Nam trong sự phát triển, và như vậy sẽ đạt được sự tin cậy và gắn bó của họ. Chứng cứ ấy là sự triệt tiêu rào cản chia cách Bắc-Trung và Nam kỳ. Dân ba miền kết hợp với nhau, có một lý tưởng chung, gắn bó với lý tưởng đó, và để thực hiện lý tưởng, họ sẽ hợp tác toàn diện với Pháp, là nước có thể đảm bảo sử dụng quân đội để bảo vệ một nền kinh tế quốc gia hình thành nhờ vào sự hỗ trợ về vốn liếng và thiết bị của Pháp”Với quan niệm cho rằng chế độ bảo hộ đang áp dụng cho Cambodge (Campuchia) là chế độ tốt nhất, cựu hoàng vạch ra một thể chế chính trị theo ông là phù hợp cho Việt Nam:“ …kết hợp Trung và Bắc kỳ dưới hình thức một sự phục tùng duy nhất. Trao cho cơ cấu trung ương quyền tự chủ toàn diện về kinh tế và nội trị, trong lúc vẫn dành cho quân đội và ngành ngoại giao Pháp sự bảo vệ và mối quan hệ với các quốc gia ngoài nước Pháp. Điều này sẽ diễn ra trong một thời kỳ mà sự kéo dài bao lâu sẽ được xác định tại Paris bởi thỏa hiệp giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp.
Về phương diện kinh tế là sự miễn trừ thuế quan giữa nước Pháp và Đông Dương; lắp đặt ngay các nhà máy để khai thác những nguyên liệu phổ biến nhất ở Đông Dương …”
Cuối cùng, ông tóm lược chủ trương chung của mình như sau:
“Tóm lại, tôi nhắm đến Liên bang Đông Dương như sự kết hợp giữa một quốc gia Việt Nam tự trị với hai nước bảo hộ (ám chỉ Lào và Campuchia – LN), tất cả đặt dưới quyền hành trực tiếp của một toàn quyền sẽ mang danh xưng là cao ủy của nước Cộng hòa Pháp.
Viên cao ủy này sẽ có những quyết định dựa theo các nghị quyết của một hội đồng bao gồm đại diện của ba nước, về những vấn đề liên quan đến quyền lợi chung của Liên bang Đông Dương. Hiển nhiên là thể thức áp dụng hệ thống này phải là đối tượng của một cuộc nghiên cứu sâu xa được thực hiện trước khi có sự giải phóng lãnh thổ, để không bị buộc phải tuân theo những sự ngẫu hứng gây ra hậu quả tai hại”
Như vậy, có thể thấy qua bản tuyên bố này, chủ trương của cựu hoàng Duy Tân vẫn là một liên bang Đông Dương, song nét mới mẻ ở đây là các nước trong liên bang có sự tự trị rộng rãi về kinh tế và nội trị, giao cho chính quốc (Pháp) đảm trách hai lãnh vực quốc phòng và ngoại giao.
Phần cuối tuyên bố của cựu hoàng như những di ngôn dành cho người ở lại:
“ Người Pháp cần phải biết rằng, với tư cách cá nhân, tôi sẵn sàng hi sinh vì họ, và rằng trong mọi hoàn cảnh, tôi sẽ hành động vì sự tốt đẹp của dân tộc tôi, cũng như vì sự tốt đẹp của nước Pháp, vì thế, tôi muốn rằng khi tôi chết đi, người ta có thể ghi trên phần mộ của tôi cái câu đã được ghi bên dưới pho tượng của tướng Foch (Ferdinand Foch, tướng lãnh, người hùng của nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918)-LN) tại Luân Đôn, chỉ cần thay đổi cái tên:
“Tôi ý thức được rằng phụng sự cho nước Pháp cũng là phụng sự cho chính đất nước của tôi”(LN trích dịch từ tư liệu riêng, báo Combat số ra ngày 16.7.1947)

Bí ẩn về cái chết của Cựu Hoàng Duy Tân 

Những gì De Gaulle viết ra trong tập “Ký ức chiến tranh” về sau cho thấy rõ một chuyển biến quan trọng trong lập trường của người lãnh đạo mới của nước Pháp tự do sau khi Thế chiến kết thúc. Tại Việt Nam, ngày 30.8.1945,  hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho người đại diện chính phủ lâm thời và mặt trận Việt Minh. Vì thế, có lẽ nhận thấy con bài cũ không còn tác dụng, Pháp mưu định đưa ra con bài mới, sáng giá hơn, có lập trường mềm dẻo hơn trong mối quan hệ Pháp-Việt vốn đã trải qua nhiều thăng trầm.

Người ta tự hỏi điều gì đã khiến cho cựu hoàng tin tưởng ở một giải pháp do De Gaulle nghĩ ra, khi mà nền quân chủ không còn đất sống trong một xã hội đang hừng hực khí thế đấu tranh. Có lẽ do ông nhìn thấy ở De Gaulle hình ảnh của một nhà lãnh đạo khả tín và sự hiện diện của một nước Việt Nam tự chủ trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp là điều khả thi. 30 năm sống trên xứ người ít nhiều đã làm cho nhãn quan của ông thay đổi.

Song chỉ 12 ngày sau cuộc gặp với De Gaulle, ngày 26.12.1945, bi kịch đã xảy ra: cựu hoàng Duy Tân  tử nạn máy bay trên vùng trời nước Cộng hòa Trung Phi, tại một địa điểm cách thủ đô Bangui 100 km. Cái chết của ông đến nay vẫn còn được xem là ẩn chứa nhiều uẩn khúc chưa được giải tỏa, nhất là khi nó xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ giữa ông và tướng De Gaulle..
Trước đây, một số sách báo Việt Nam viết rằng cựu hoàng là phi công trong quân đội Pháp và tai nạn xảy ra khi ông tự tay lái máy bay về thăm nhà ở đảo Réunion. Song  đến năm 2001, một người con trai của ông là Claude Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Vàng – 1934-2016)  đã xuất bản tại Paris tác phẩm “Duy Tan, empereur d’Annam 1900-1945 – Exilé à l’ile de la Réunion ou Le destin tragique du Prince Vinh San” (Duy Tân, vị hoàng đế nước Việt Nam -1900-1945; Người bị lưu đày sang đảo Réunion – hay số phận bi thảm của ông hoàng Vĩnh San) (Paris, 2000) cho thấy nhiều chi tiết khá rõ ràng về cái chết của cựu hoàng.

Theo tác phẩm này, không có sự liên hệ nào giữa cựu hoàng với ngành không quân Pháp và tai nạn gây ra cái chết của ông như sau:

” Máy bay Lockheed Lodester, kiểu C-60, tên đăng ký F.BALV, được khai thác bởi Mạng lưới các đường hàng không Pháp, tổ chức dịch vụ chính thức trong thời gian diễn ra chiến sự và sau khi chiến tranh kết thúc đã đảm bảo việc nối liền các đường hàng không Pháp, về dân sự cũng như quân sự, trên có chở ông hoàng Vĩnh San (nguyên văn: qui transportait le Prince Vinh San – LN), đã rơi vào ngày 26.12.1945 lúc 18 giờ 30. giờ GMT, gần M’BAIKI thuộc Cộng hòa Trung Phi….”  (vinhsan.free.fr. acte 18)

Những chi tiết trên cho thấy chuyến bay Lockheed Lodester trên là một chuyến vận tải hành khách thông thường và cựu hoàng Duy Tân  chỉ là một hành khách trên đó!  
Trước khi tác phẩm của Claude Vĩnh San ra đời, và ngay cả sau khi nó ra đời, vẫn còn tồn tại những “thuyết âm mưu” phủ lên bi kịch cuối đời của cựu hoàng Duy Tân một màn sương huyền hoặc. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng cái chết của cựu hoàng là một cuộc mưu sát vì có những thế lực không muốn ông trở về Việt Nam để nắm giữ cương vị người đứng đầu một nhà nước mới. Song gần đây, với những chi tiết khá rõ nét về tai nạn của chiếc máy bay chở khách Lockheed Lodester, khó có thể tin rằng để giết chết một người, người ta đã giết chết toàn bộ phi hành đoàn và hành khách trong một chuyến bay.

Trong những tư liệu mà người viết bài này tìm được, có tờ nhật báo L’aurore (Rạng Đông) số ra ngày thứ sáu 4.1.1946 loan một bản tin vắn tắt có mấy dòng (tạm dịch): “ÔNG HOÀNG VĨNH SAN, CỰU HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM, CÓ MẶT TRÊN CHUYẾN BAY RƠI Ở BANGUI – Ông hoàng Vĩnh San từng trị vì ở Việt Nam từ năm 1907 đến năm 1916 dưới cái tên hoàng đế Duy Tân  có mặt trong số những nạn nhân của tai nạn máy bay xảy ra những ngày qua ở châu Phi, gần Bangui. Ông hoàng thuộc về quân đoàn thứ nhất của nước Pháp, trên đường trở về Réunion, nơi gia đình ông đang sinh sống”.

Tờ France-Soir (nước Pháp buổi chiều) số ra cùng ngày 4.1.1946 đăng trang trọng chân dung cựu hoàng Duy Tân và nhiều thông tin chi tiết hơn. Bài báo có tựa đề in to và đậm nét :”ÔNG HOÀNG VĨNH SAN, CỰU HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM, NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH CỦA NƯỚC PHÁP, ĐÃ QUA ĐỜI”

Nội dung bài báo nhắc qua về những năm đầu cựu hoàng sống ở Réunion, những hoạt động thường nhật, sự gắn bó của ông với lực lượng kháng chiến Pháp, và in đậm nét tiểu mục “Ông muốn bình định Đông Dương” nêu rõ mong muốn của ông hoàng nắm lại quyền hành không phải bằng vũ lực.

Những tờ báo trên công bố sớm sủa cái chết của cựu hoàng Duy Tân, song không nêu một ý tưởng nào liên quan đến một “thuyết âm mưu” cả. Riêng tờ Combat (chiến đấu) số ra ngày 16.7.1947 đăng  một bài viết dài trích dẫn phần lớn bản tuyên bố chính trị quan trọng ngày 29.8.1945 của cựu hoàng Duy Tân, một tài liệu nói lên những chuyển biến tư tưởng của cựu hoàng trong thời gian bị lưu đày.

Lê Nguyễn


* Lê Nguyễn: Cuộc sống lưu đày của các vì vua yêu nước.

*Lê Nguyễn: Cuộc sống lưu đày của các vì vua yêu nước (Phần 2)