Lê Nguyễn: Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975 (tt)
KỲ IV.
V) NHỮNG CHUYỆN KỂ Ở TRẠM XÁ LONG THÀNH
CHUYỆN CHIẾC BÔ NHỰA VÀ BỊCH TRO THAN
Tháng 8.1975, học viên trường 15 NV (Làng cô nhi Long Thành cũ) cảm thấy thể chất của mình không còn được như cũ. Từ những bữa ăn có trị giá cao đến những bữa ăn theo chế độ tập trung bằng ngân sách nhà nước, cơ thể con người không kịp thích ứng, nhiều thứ bệnh “trời ơi đất hỡi” xuất hiện và lan truyền nhanh hơn virus Covid.
Trước tiên phải kể đến bệnh “gảy đàn”, các đương sự ngồi đâu gảy đó, gảy ngoài rồi đến gảy trong, gảy hết ban ngày đến ban đêm, gảy cả những ngóc ngách sâu kín nhất chưa từng gảy bao giờ. Dù sao, trong cái gảy này, còn có cái … sướng, nhiều người cố giảm thiểu chúng bằng những viên multivitamin mang theo.
Căn bệnh kế tiếp không sướng chút nào, đó là bệnh phù thũng (béri-béri). Ngủ một đêm dậy, nghe gương mặt mình nặng nề, mắt như híp lại, lấy tay ấn vào lớp thịt cổ chân, thịt lún sâu xuống rồi không chịu trở về nguyên trạng! Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông ngoài đời đang cao giọng tố cáo tình trạng “phồn vinh giả tạo” của miền Nam trước 1975, theo nghĩa: sự sung túc chỉ là bề ngoài, thực chất bên trong là sự đói kém, thiếu thốn trăm bề.
Những người tù còn mang danh “học viên” ở Long Thành lúc ấy đã nhanh chóng phát huy sáng kiến, cập nhật ngôn ngữ ngoài đời. Sáng sáng, cứ thỉnh thoảng nghe tiếng la toáng của một anh nào đó rằng thì là “tụi bây ơi, tao bị phồn vinh giả tạo rồi!”. Ấy là lúc anh ta cảm thấy khuôn mặt của mình nở to ra, nặng chịch, ấn ngón tay vào cổ chân, thịt chỉ chịu lõm xuống mà chẳng chịu phồng lên. Thật, không có cách so sánh, ứng dụng nào tuyệt vời hơn thế!
Hai căn bệnh “gảy đàn” và “phồn vinh giả tạo” rõ ràng là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng, do sự thay đổi nhanh chóng chế độ ẩm thực, khiến cơ thể mất nhiều chất đề kháng, các thứ vi trùng, vi khuẩn tha hồ thâm nhập và hoành hành.
Tuy nhiên, đáng sợ hơn cả không phải là ngứa ngáy hay phù thũng, mà là bệnh kiết lỵ (dysenterie). Căn bệnh này hoành hành vì hố xí tập thể không xa nơi ở bao nhiêu, lại còn có sự hiện diện của hàng sư đoàn gián quanh nhà.
Sống chung cùng một đội với tui có kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Anh là một trong những học viên bị căn bệnh kiết lỵ tấn công sớm nhất, chỉ sau mấy ngày, mặt anh phờ phạc hẳn. Tui theo gót anh, với một hậu quả kinh khiếp hơn.
Câu chuyện liên quan đến anh Nh., sĩ quan cấp Thiếu tá, nguyên là Chủ sự phòng (như Trưởng phòng) thuộc Sở Nội dịch Phủ tổng thống, sau khi khuyết người đứng đầu, anh được cử làm xử lý thường vụ Chánh sở Nội dịch. Công việc chính của sở này là điều hành việc phục dịch chung cho toàn bộ Phủ tổng thống. Theo ngôn ngữ hành chánh của miền Nam trước 1975, xử lý thường vụ là hành vi hoàn toàn có tính tạm thời trong thời gian chờ cử người chính thức đảm nhiệm chức vụ.
Ngay cả khi đã chính thức là Chánh Sở Nội dịch, Thiếu tá Nh. cũng không đủ tiêu chuẩn được học tập cải tạo, nói chi mới chỉ là người xử lý thường vụ. Vì thế, khi đến trình diện tại trường Trưng Vương, anh bị từ chối cho nhập trường. Khốn nỗi, không vào được nơi đây, với cấp bậc (nay gọi là quân hàm) Thiếu tá, anh cũng phải trình diện cải tạo nơi khác, mà Nh. lại thích ở chung với anh em công chức, vui hơn. Cuối cùng, sau khi suy đi tính lại, anh đến gặp cán bộ tiếp nhận, khai rằng anh không phải Chánh sở, mà là xử lý thường vụ Chánh sở. Nghe cụm từ có hai chữ “xử lý”, anh cán bộ chấp thuận cho N. vào, có lẽ vì theo ngôn ngữ lúc bấy giờ, chữ “xử lý” nghe có một cái gì đó to tát, nghiêm trọng hơn!!
Buổi sáng hôm đó, Thiếu tá Nh. mang đến chỗ mình nằm một tô cơm nhỏ anh nấu chiều hôm trước, nhưng đến sáng thì bị đau bụng nhiều nên không ăn được. Vào thời điểm ấy, lương thực chính là bo bo, cơm trắng là sản phẩm cao cấp, ngu gì mà từ chối lòng tốt của người khác. Mình ăn ngay tô cơm của Nh. vào buổi trưa hôm đó, song không hiểu sao, ăn gần hết cơm, mình mới nghe bốc lên mũi mùi … gián! Đúng là có sự phản chủ của cái lỗ mũi!
Thôi thì mọi chuyện đã lỡ làng, giờ chỉ còn trông cậy vào ông thần may rủi.
Chiều hôm ấy, bụng mình quặn thắt từng cơn, với những biểu hiện rõ ràng của bệnh kiết lỵ. Cơ thể đang suy yếu, bệnh thừa thắng xông lên, buộc mình phải đi ra, đi vào từ nhà ở đến cụm hố xí ngoài hàng rào mỗi ngày khoảng … 20 bận. Thuốc đường ruột Carboguanidine mang theo chỉ có tác dụng với bệnh tiêu chảy, thuốc kháng sinh Tétracycline chỉ chuẩn bị chút ít cho chuyến đi học 30 ngày, nốc sau một-hai ngày cũng hết. Bệnh này làm cho đường ruột bị tổn thương, không cho phép dung nạp đồ cứng, kể cả cơm gạo, người bệnh chỉ có thể ăn cháo mua ở căng-tin.
Vậy mà với tần suất đi ra, đi vào trung bình mỗi ngày 20 bận như vậy, mình đủ sức chịu đựng đến ngày … thứ 7, với cái bao tử chỉ chứa toàn cháo loãng trong suốt 7 ngày! Tổ trưởng của tui lúc ấy là cụ Trần Luyện, tuổi chắc cũng chỉ hơn 50, song có một chòm râu dài. Trước tháng 5.1975, cụ Luyện là Tổng Giám đốc Nha Khẩn hoang lập ấp của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp, mà người đứng đầu là bác sĩ Phan Quang Đán.
Thấy tình hình không ổn, cụ Luyện dẫn tui xuống Trạm xá, xin cho tui được nằm lại trạm. Được sự chấp thuận của người có thẩm quyền, cuộc sống của một bệnh nhân trạm xá bắt đầu.
Cũng cần nói thêm đôi chút về trạm xá Long Thành lúc ấy. Ban đầu nó chỉ gồm có 2 bác sĩ cán bộ của trại. Gọi là “bác sĩ” cho lịch sự, chứ lúc đó, ông HC là một y sĩ (ngang với cán sự y tế trong chế độ cũ), còn ông H. là một y tá. Không lâu sau, do số bệnh nhân tăng cao, trạm xá được tăng cường bởi 2 bác sĩ thực thụ, là các học viên đang học tập cải tạo. Đó là BS Hạnh, một chuyên gia đang làm việc ở Viện Pasteur Sài Gòn, và BS Tùng, một thầy thuốc rất mát tay.
Tiếng là “trạm xá”, song nơi đây nhỏ hơn một ngôi nhà cấp bốn, chỉ có một căn phòng rộng duy nhất vừa dùng làm nơi khám bệnh, phát thuốc, vừa là chỗ nằm điều trị của bệnh nhân nặng. Trạm không có nhà vệ sinh riêng, ai có nhu cầu, phải đi bộ ra hố xí công cộng ở sát hàng rào. Sau hơn 7 ngày chịu đựng, mình không còn khả năng đi ra hàng rào nhiều lần như thế nữa. Và chính trong tình thế này, mình mới phát hiện được một tình bạn cao đẹp.
Người đó là Nguyễn Chi Lăng, tốt nghiệp khóa Cao học 3 Học viện Quốc Gia Hành Chánh (1969), từng là bạn “đồng liêu” với mình trong thời gian cùng làm việc ở tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá). Để giúp giải quyết những bế tắc của một bệnh nhân kiết lỵ không còn khả năng đi xa, Lăng xuống căng-tin tìm mua cho mình một cái bô nhựa, loại dành cho trẻ em 3-4 tuổi, không quên xúc cho mình một bịch tro lấy từ bếp nấu ăn.
Có một chút may mắn là tuy chật hẹp, song trạm xá Long Thành còn có một nhà kho hẹp bỏ không, không cửa nẻo, trống huơ trống hoác, nằm cạnh lối đi vào nơi khám bệnh và phát thuốc. Mình bỏ chiếc bô nhựa và bịch tro trong nhà kho ấy, mỗi lần bụng quặn đau, không chịu nổi, thì lén vào đó, kéo quần, ngồi xuống, y như một chú bé lên ba.
Đó chưa phải là điều đáng sợ, đáng sợ hơn là hình ảnh đó trải ra trước mắt của hàng năm, bảy chục người – nam cũng như nữ – đi vào trạm xá để khám bệnh và xin thuốc mỗi ngày! Một quá khứ mới vừa qua đi, hình ảnh của những chiếc công xa, những bàn giấy lớn, những đống hồ sơ chất cao như núi … mọi thứ tan biến dần, nhường chỗ cho một thực tế rõ nét hơn, và cũng đau đớn hơn, đó là hình ảnh cái bô nhựa và bịch tro than góp phần cứu vãn cuộc sống của một con người.
Mình nhắc điều này với lòng biết ơn chân thành đối với Nguyễn Chi Lăng. Mỗi sáng sớm, Lăng chạy xuống căng-tin xin cho mình một ca nước nóng, làm vài việc cần thiết theo yêu cầu và một, hai ngày một lần, anh “giải quyết” cái bô nhựa có rải nhiều lớp tro của mình tại một nơi khuất lấp nào đó! Nếu không có một tình bạn cao quý, không thể làm được như thế. Và trong suốt cuộc đời của mình, mình không bao giờ quên được điều này.
***
KỲ 5.
NHỮNG BỮA TIỆC “HÀM THỤ” Ở TRẠM XÁ LONG THÀNH
Vào tháng 9 năm 1975, số bệnh nhân nằm điều trị tại trạm xá Long Thành chỉ vào khoảng 9-10 người, trong đó có 2 người cao tuổi. Người thứ nhất là cụ Nguyễn Văn Tho, Trưởng khối Dân tộc Thượng viện, được hai cán bộ y tế chỉ định làm người trưởng nhóm. Người thứ hai là bác K., sau khi tình cờ biết mình từng tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh, bác cho biết bác là bố vợ anh Ngô ĐL, một khóa đàn anh của mình, lúc ấy đã qua đời.
Ở trạm xá, bác K. là người phương phi nhất, vóc dáng khỏe mạnh, da mặt đỏ hồng. Bác lại là người nằm bệnh lâu nhất trong nhóm.
Còn nhớ một sáng nọ, bác hô hoán lên là đêm qua, bác khạc ra mấy … cục máu. Chuyện hơi khó tin với một người có vóc dáng khỏe mạnh như bác K., song ở đời, chuyện gì lại không thể xảy ra, mình thăm hỏi bác với lòng ái ngại thật sự.
Mãi về sau, mình mới biết rằng bác K. có móc nối với “bs” H., nhờ ông này đến nhà ở Sài Gòn lấy giúp tiền, mang vào để chi xài. Hoa hồng của “thương vụ” trên là bao nhiêu không rõ, song điều khá rõ, là mối quan hệ này giúp một người khỏe mạnh như bác K. được nằm điều trị bệnh ở trạm xá dài dài. Hóa ra, chuyện “khạc ra máu” của bác cũng chỉ là một tình huống được dàn dựng sẵn trong kịch bản để bảo vệ cho kế hoạch nằm bệnh xá lâu dài của bác!
Trong số người nằm bệnh lúc đó, cũng không thể không kể thêm trường hợp anh X (không còn nhớ tên), đồng bệnh (kiết lỵ) với mình, song với một “thành tích” không tiền khoáng hậu. Anh vào trạm sau mình 2 ngày, kể lại rằng, để giải quyết cơn đau quặn ở bụng, tần suất đi ra đi vào của anh là không đếm xuể. Cho đến một hôm, anh vừa giải quyết xong, đi vào tới nhà thì bụng đau quặn trở lại, phải tức tốc quay lại hàng rào. Cuối cùng anh quyết định ngồi lì trên hố xí ở hàng rào, không đi đâu nữa, cho đến khi bạn bè hay tin, chạy ra kéo anh dậy và kè anh đi thẳng lên trạm xá.
Sau hơn tuần lễ điều trị, khi thấy thuốc uống không có tác dụng, các bác sĩ (tù) phải áp dụng liệu pháp tối hậu cho anh X và tui, đó là tiêm thẳng những mũi Emetine vào bắp thịt. Đây là loại thuốc tiêm hữu hiệu nhất để điều trị bệnh kiết lỵ vào thời điểm đó. Bệnh của chúng tôi giảm dần sau những mũi thuốc này.
Nói đến nhân viên trạm xá Long Thành mà không nhắc đến dì Bảy lao công là một thiếu sót lớn. Nhà dì ở gần khu làng cô nhi, nghe đâu chồng dì là một du kích xã bị chết trận, và có lẽ do điều này, dì được nhận làm lao công cho trạm xá. Dì buôn bán hàng lặt vặt tại nhà, và giữa dì với anh em bệnh nhân sớm hình thành một “thỏa hiệp”. Ở trạm xá, ngoài hai người cao tuổi, cứ mỗi buổi trưa, các anh em còn lại xuống căng tin, xếp hàng mua giùm dì Bảy, mỗi người mấy gói thuốc lá Hoa Mai, Vàm Cỏ, Đà Lạt … Thời đó, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như thuốc lá, bột giặt, bột ngọt, đường … có sự cách biệt khá lớn giữa hàng chợ và hàng bán trong hệ thống cửa hàng quốc doanh, mỗi ngày, chúng tôi mua giùm cho dì Bảy khoảng vài mươi gói thuốc lá. Dì mang về bán, không rõ lời lóm thêm được bao nhiêu, nhưng sáng sáng, khi đi làm, dì mua cho mỗi đứa chúng tôi một gói xôi đậu xanh. Xôi đậu xanh đối với đời tù là một món ăn có giá trị.
Đó là kỷ niệm khó quên giữa những người tù và một phụ nữ miền Nam nghèo, chất phác.
Những tháng 8, tháng 9 năm 1975 ấy, thời tiết lạnh một cách bất thường, với người nằm bệnh ở trạm xá, xương cốt thiếu calci, cơ thể sụt giảm sức đề kháng, cái lạnh càng dữ dội hơn nữa!
Còn nhớ sáng ngày 16.9, mình ngồi dựa lưng vào tường, nhìn ra khoảng không bên ngoài khung cửa sổ. Một khu vực rộng lớn, hoang tàn trải ra trước mắt, nghe đâu đó là nơi từng đóng quân của Sư đoàn Mảng xà vương thuộc quân đội Thái Lan sang tham chiến tại Việt Nam. Ngày hôm đó, chính trong cái lạnh buốt xương, trời lại mưa lất phất như mưa phùn xứ Bắc, mà bài thơ này ra đời:
MƯA BỆNH XÁ
Nằm đây ngữa mặt lên trần,
Lòng tương tư áng phù vân cuối trời.
Bên ngoài từng hạt mưa rơi,
Từng cơn gió lạnh buốt rời thịt xương.
Nằm đây mà nhớ cố hương,
Đêm đêm làm bạn chiếu giường vô tri,
Xót thân phận chẳng ra gì,
Ba mươi mốt tuổi, hoài đi nửa đời.
Nỗi người thương cảm khôn nguôi,
Nỗi mình âu cũng đầy vơi giọt buồn.
(LN)
Hai câu cuối ứng với thực trạng của những người tù nằm điều trị ở trạm xá Long Thành lúc bấy giờ. Tại đây, ban ngày ồn ào bao nhiêu thì ban đêm hiu quạnh bấy nhiêu. 9-10 người bệnh nằm thở dài dưới ánh điện tù mù, nhớ nhà cửa, nhớ gia đình, họ trút bầu tâm sự, kể cho nhau nghe những vui buồn trong quãng đời đã qua, kể để cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi những tâm sự vụn ấy nhận được sự chia sẻ của bạn tù.
Một sự kiện độc đáo của những đêm tù mù đó là những bữa ăn … hàm thụ. Tại miền Nam, vào những thập niên 1950-1960, phong trào học hàm thụ phát triển khá rầm rộ. Đó là một dạng học từ xa, thường là từ nước này qua nước khác. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mọi việc chỉ có thể thực hiện qua trung gian của cơ quan bưu chính. Sau thủ tục ghi danh, đóng tiền, trường học ngoài nước (ở Mỹ chẳng hạn) gửi chương trình học, tài liệu học cho học viên ở Việt Nam qua đường bưu điện; học viên học, làm bài gửi trở lại trường học cũng theo con đường như thế.
Tháng 9 năm 1975, chúng tôi áp dụng hình thức “hàm thụ” trong các buổi sinh hoạt ban đêm của mình, cho dù cách sử dụng từ ngữ này chưa hoàn toàn chính xác, gọi cho vui, vì khó tìm một từ ngữ nào phù hợp hơn. Người bệnh ở chung trong trạm xá phân công nhau, mỗi đêm một người kể về món ăn mình ưa thích, nguyên liệu gồm những gì, cách chế biến ra sao, thành phẩm có hương vị như thế nào …
Còn nhớ là cụ Nguyễn Văn Tho rất điệu nghệ với món “bò nướng ngói” ở quê Long Xuyên của cụ. Tuy chỉ là những món ăn “hàm thụ”, nằm trong trí tưởng tượng của mỗi người, song sự liên tưởng đến chúng cũng mang lại cho chúng tôi nhiều cảm giác có thật, như hiệu ứng Pavlov vậy. Nước miếng cứ tươm ra đầy miệng, mình phải hết sức đè nén, nuốt thật nhẹ xuống cổ, không để người nằm giường bên cạnh nghe được thứ âm thanh đáng xấu hổ đó!
Dạo ấy, trong khi chúng tôi nằm ở trạm xá thì mỗi đêm các nhà ráo riết tập hát những bài nhạc đỏ: Nổi lửa lên em, Trường sơn Đông, Trường sơn Tây, Vàm Cỏ Đông …. Giữa đêm đen, bài đồng ca của gần 300 người ở mỗi nhà vang lên với một khí thế hừng hực. Riêng nhà 6 chỉ cách trạm xá của chúng tôi một con đường đất nhỏ thì tập bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Những đêm nhạc này tạo một ấn tượng mạnh đến nỗi từ ấy cho đến cả bây giờ, cứ mỗi lần nghe đến câu mở đầu “đêm nay – trên đường hành – quân – ra – mặt trận…”, là trong ký ức của tui hiện lên rõ mồn một hình ảnh của những đêm trạm xá với món bò nướng ngói thơm phức của cụ nghị sĩ Nguyễn Văn Tho, với sự nhạy bén đến không ngờ của bác K., biến bác thành bệnh nhân trường kỳ mai phục ở trạm xá, đến cả anh X, người đồng bệnh của tui, nhưng vượt xa tui ở thành tích ngồi luôn ngoài hố xí, không vào nhà nữa ….
Khi tui trải qua gần 30 ngày ở trạm xá, bệnh dứt hẳn trong một cơ thể gần suy kiệt, cụ Tho hành xử quyền trưởng nhóm, hỏi khéo tui là đã dứt bệnh chưa. Mình không thể nói dối, vì còn phải chừa chỗ cho nhiều bệnh nhân khác, nên thu xếp trở về nhà 2.
Ở trạm xá, đời sống thay đổi quá, nhiều thứ cần thiết cũng bị cho qua. Ấy là trong suốt gần 30 ngày đó, mình chưa tắm một lần, đơn giản vì trạm xá không có nhà tắm và nước. Vả lại, nếu có nước, mình cũng không xách nổi, có cảm giác như các xương chân ở trong tình trạng trật khớp bất cứ lúc nào.
Chiều hôm sau, một bạn đồng môn Quốc Gia Hành Chánh thuộc bậc đàn anh là anh Đỗ Hải Minh (Dohamide) động lòng, tự tay anh đi hứng một xô nước đầy và xách ra đến tận nhà tắm lộ thiên cho mình.
Mình từng có bài tưởng niệm anh Đỗ Hải Minh. Anh là tác giả nhiều đầu sách về nền văn hóa Chăm, chức vụ cuối cùng là Phó Tổng Gíam đốc Cơ quan Tiếp vận trung ương. Vào đầu thập niên 1990, Đỗ Hải Minh cùng các chuyên gia kinh tế chế độ cũ như Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, Trần Bá Tước hình thành “Nhóm thứ sáu” chuyên tư vấn cho ông Võ Văn Kiệt về nhiều vấn đề quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị Nam Sài Gòn.
Xô nước anh Minh tự tay xách cho là một kỷ niệm nhớ đời của mình
11.4.2024
(Còn nữa)
—————-
Lê Nguyễn: Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975
Kỳ I, II, III.