Lê Nguyễn: Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt (kỳ 1)

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn

Lời giới thiệu: Diễn Đàn Thế Kỷ nhận được loạt bài nghiên cứu “Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt” của tác giả Lê Nguyễn gửi từ Sài Gòn.

Lê Nguyễn là bút danh của Lê Văn Cẩn, sinh năm 1944, tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn (1965), một cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo, tạp chí trong nước như Kiến thức Ngày Nay, Thế giới Mới, Khoa học phổ thông, Khoa học và Đời Sống…, là tác giả của khoảng hơn 10 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách biên khảo lịch sử thời LêNguyễn và thời Pháp thuộc.

Loạt bài này sẽ được đăng làm 3 kỳ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

*****

Lễ giỗ lần thứ 190 của Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành, được tổ chức trọng thể vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua với sự tham dự của các vị lãnh đạo TPHCM (tên nhà nước cộng sản Việt Nam đặt cho thành phố Sài Gòn không lâu sau ngày 30/4/1975–chú thích của DĐTK) đã mang lại niềm phấn khởi cho những người yêu văn hóa–lịch sử, đặc biệt là những người hằng tôn kính một nhân vật lịch sử có nhiều công lao đối với vùng đất phương Nam như Tả quân Lê Văn Duyệt.

1.1) Các nhân vật lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền, Hội đồng nhân dân TP.HCM ((tên nhà nước cộng sản Việt Nam đặt cho thành phố Sài Gòn không lâu sau ngày 30/4/1975–chú thích của DĐTK) và quan khách trong lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt ngày 26.8.2022 (Ảnh báo Pháp Luật)

      Tuy nhiên, qua một số bài viết cùng những bình luận trên mạng xã hội, chúng ta vẫn nhìn thấy đây đó những ngộ nhận đáng tiếc liên quan đến cuộc đời của vị Tổng trấn họ Lê. Loạt bài này là một đóng góp khiêm tốn trong việc đưa Tả quân Lê Văn Duyệt và những hoạt động của ông đến sát gần với sự thật lịch sử hơn, thông qua những nguồn tư liệu chính thống, chủ yếu là bộ chính sử Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn. Trước hết, chúng ta bàn đến sự ngộ nhận về hai cụm từ khá giống nhau nhưng ý nghĩa cách nhau một trời, một vực, đó là:

I) TỔNG TRẤN GIA ĐỊNH THÀNH HAY THÀNH GIA ĐỊNH?
   Để hiểu rõ về sự khác biệt giữa hai cụm từ trên, chúng ta lần lượt nói qua về từng yếu tố một:

Thành Gia Định được xây năm 1790 (tranh Jean Marie Dayot, 1795)

A) THÀNH GIA ĐỊNH:
     Tên Gia Định được sách Đại Nam Thực Lục nhắc đến lần đầu vào tháng 2 âm lịch (AL) năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu “Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính (tức Nguyễn Hữu Cảnh – Chú thích của Lê Nguyễn) kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng là phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)…” (Đại Nam Thực Lục – Tập 1, NXB Giáo dục 2002, trang 111).
     Như vậy, vào cuối thế kỷ XVII, Gia Định là một phủ tân lập bao gồm vùng đất Biên Hòa và Sài Gòn. Đến đầu thập niên 1770, cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và anh em nhà Tây Sơn bùng phát, vùng đất Gia Định trở thành bãi chiến trường và hai bên thay nhau làm chủ cho đến năm 1783, ưu thế hoàn toàn thuộc về anh em nhà Tây Sơn.
       Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài nương náu trên đất Xiêm, tháng 8 âm lịch năm 1788, chúa Nguyễn Ánh và binh tướng mấy trăm người đã quay về đất Gia Định, được sự ủng hộ của nhân dân, lấy lại Gia Định từ tay anh em Tây Sơn, và làm chủ vĩnh viễn vùng đất này. Tháng 3 AL 1790, với sự giúp sức tự nguyện của một số người Pháp, chúa Nguyễn nhờ viên Đại tá công binh Olivier de Puymanel đắp thành Gia Định.
      Đây là thành trì kiên cố đầu tiên trên vùng đất Sài Gòn–Gia Định, được mô phỏng kiến trúc Vauban của phương Tây, kết hợp với yếu tố dịch lý của phương Đông, mở ra 8 cửa theo kiểu “Bát quái” (Đại Nam Thực Lục, sđd, trang 257). Cũng vì thế, người đương thời quen gọi là thành Bát quái. Năm 1808, vua Gia Long đổi tên dinh Phiên Trấn là trấn Phiên An, nên từ đó, thành Gia Định được gọi là thành Phiên An. Tên này tồn tại đến suốt cuộc nổi dậy của binh lính thành Phiên An dưới quyền con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt là Nguyễn Hựu Khôi (sau đổi là Lê Văn Khôi). Tháng 7 Al 1835, quân triều đình chiếm lại thành Phiên An từ tay thủ hạ của Lê Văn Khôi (đã mất từ đầu năm 1834).

      Tháng 10 AL 1836, sau khi phá hủy hoàn toàn thành Phiên An, vua Minh Mạng cho xây một thành mới, nhỏ hơn, trên nền của thành cũ, lấy tên là thành Gia Định. Thành này tồn tại 23 năm, đến đầu năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành và phá hủy toàn bộ.

B) GIA ĐỊNH THÀNH LÀ GÌ?      Hoàn toàn khác với thành Gia Định, Gia Định Thành không phải là thành trì tại một địa phương, mà là một tổ chức hành chánh đặc biệt chỉ có dưới thời vua Gia Long (1802–1820) và vua Minh Mạng (1820–1841).
      Sau khi thống nhất lãnh thổ, vua Gia Long đã đổi vùng đất Bắc Hà thành Bắc Thành gồm 11 trấn nội, ngoại và tháng 9 AL 1802, giao cho Tiền quân Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng trấn Bắc Thành, quyền uy như một “phó vương”, đúng như cách diễn đạt bằng tiếng Pháp là “vice-roi” của các cây bút phương Tây khi nói đến chức chưởng này.
      Tương tự như Bắc Thành, vùng Gia Định cũ được gọi là Gia Định Thành gồm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh (sau là Vĩnh Long) và Hà Tiên. Năm 1808, Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành, bốn năm sau, Lê Văn Duyệt được cử thay thế ông Nhơn. Vào thời kỳ này, Bắc Thành và Gia Định Thành là hai tổ chức đặc biệt, như hai triều đình thu nhỏ với 4 tào chính: tào Hộ, tào Binh, tào Hình và tào Công, tương ứng với 4 bộ trong triều, mỗi tào do một quan lại hàng Tham Tri (tòng nhị phẩm, như Thứ trưởng Bộ ngày nay) phụ trách.
     Xem như thế, chúng ta thấy rõ rằng “thành Gia Định” và “Gia Định Thành” là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn. Trong ngôn ngữ lịch sử suốt triều Nguyễn, cũng không hề có chức danh “Tổng trấn thành”; đứng đầu các thành trì lớn là một võ quan chức Đề đốc, hàm tòng nhị phẩm, các thành nhỏ ở địa phương do quan Lãnh binh (chánh tam phẩm) chịu trách nhiệm.
      Có một điều đáng tiếc là trong bản dịch bộ Đại Nam Thực Lục – tập 1 và 2, do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành (2002 và 2004), cụm từ Gia Định Thành đã được Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên âm một cách máy móc là “thành Gia Định”, Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành “Tổng trấn thành Gia Định”, sai lạc hẳn ý nghĩa đúng của tổ chức hành chánh này. Hi vọng trong những lần tái bản sau, vấn đề này sẽ được chấn chỉnh.

2) LÊ VĂN DUYỆT VỚI VIỆC CHỌN NGƯỜI GIỮ NGÔI THÁI TỬ

      Trong lịch sử triều Nguyễn dưới thời vua Gia Long, có ít nhất hai sự kiện quan trọng liên quan đến đời sống cung đình, một là việc chọn người đứng chủ tế sau khi bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu qua đời (1814), và hai là việc chọn người lên ngôi Thái tử, sẽ kế vị vua Gia Long sau này (1816).
      Để có cơ sở cho việc tô vẽ về điều được gọi là sự xích mích trầm trọng giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt lúc sinh tiền, nhiều cây bút đã viết nên nhiều điều không phù hợp với thực tế lịch sử, gắn kết vị Tả quân với Tiền quân Nguyễn Văn Thành trong cả hai sự kiện trên, trong khi trên thực tế, hầu như không hề có bóng dáng của ông Lê Văn Duyệt trong những sự kiện này!

 A) Về lễ tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu

Chân dung hoàng tử Cảnh (1780–1801), cha hoàng tôn Đán (Mỹ Đường). Tranh của họa sĩ cung đình Pháp Maupérin vẽ năm 1787

     Tháng 7 âm lịch (AL) năm 1806, Thừa Thiên Cao hoàng hậu vốn là con gái Quý Quốc công Tống Phước Khuông, từ Vương hậu, được vua Gia Long lập làm Hoàng hậu (Đại Nam Thực Lục  – Tập 1, NXB Giáo dục 2002, trang 679). Tháng 2 AL năm 1814, bà qua đời ở tuổi 54. Ba người con trai đầu của vua Gia Long là hoàng tử Cảnh, hoàng tử Hy và hoàng tử Tuấn đều mất sớm, người thứ tư là hoàng tử Đảm, con của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, được Thừa Thiên Cao hoàng hậu nhận làm con nuôi từ năm 3 tuổi nên vẫn gọi bà là mẹ.
      Trong lễ tang, khi bàn định việc cử người làm chủ tự, sử chép như sau: “… bầy tôi có người bàn lấy hoàng tôn Đán (con hoàng tử Cảnh, tức là Mỹ Đường) làm chủ tự (tức chủ tế–chú thích của Lê Nguyễn). Vua dụ rằng: ‘hoàng tử (Đảm) từng làm con của hoàng hậu, đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường’. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: ‘con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên’. Bấy giờ, việc bàn mới định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng.” (Đại Nam Thực Lục – tập 1, sđd, trang 877).
          Ở nghi thức này trong lễ tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu, không hề thấy sử nhắc đến Lê Văn Duyệt, chỉ nhắc đến thái độ không bằng lòng của Nguyễn Văn Thành. Tuy vậy, vua Gia Long không để tâm đến thái độ của ông Thành, trong lễ ninh lăng (lễ an táng) Thừa Thiên Cao hoàng hậu diễn ra vào tháng 3 AL năm 1815, nhà vua vẫn cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng hộ sứ, Nguyễn Văn Nhân làm Phó (Đại Nam Thực Lục – tập 1, sđd, trang 898)

Mộ phần Thừa Thiên Cao hoàng hậu cạnh mộ phần vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ, Huế

B) Về việc vua Gia Long chọn ngôi Thái tử
      Về chuyện này, theo sách Đại Nam Liệt Truyện, do nhận thấy tuổi đã cao, nhân một buổi chầu vào năm 1816, vua Gia Long hỏi thẳng Nguyễn Văn Thành rằng hiện nay cháu đích tôn của ông (con hoàng tử Cảnh) là hoàng tôn Đán (Mỹ Đường, 1798–1849) còn nhỏ, vậy trong các con trai của ông, nên lập ai làm Thái tử, ông Thành đã tâu rằng theo lễ là đích tôn thừa trọng (tức nên chọn hoàng tôn Đán), song nếu nhà vua muốn chọn người khác thì biết con chẳng ai bằng cha, ông không có ý kiến thêm ((Đại Nam liệt truyện – Tập 2, quyển 21, NXB Thuận Hóa, Huế 2006).
     Quan điểm chọn hoàng tôn Đán của ông Thành không có gì sai, vì lúc ấy vị công tử này cũng đã 18 tuổi, song khi nhà vua đã tỏ rõ ý định chọn hoàng tử Đảm, lúc ấy đã 26 tuổi, ông Thành không dám nói điều gì trái ý nhà vua.
     Chuyện chỉ có thế! Không có một âm mưu hay sự chống báng nào ở đây.
Theo sách Đại Nam Thực Lục, vào một ngày tháng 3 AL năm 1816, vua Gia Long triệu tập quần thần ở điện Cần Chánh và dụ rằng sức khỏe ông đã suy yếu nên cần người giữ ngôi Thái tử để lo cho việc nước sau này. Nói xong, ông triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự và viết câu “Lập hoàng tử Hiệu (tức Đảm) làm hoàng thái tử”. Câu chữ viết xong, nhà vua đưa cho bầy tôi xem và nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. “Quần thần đều nói: Ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của Xã Tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh” (Đại Nam Thực Lục – Tập 1, sđd, trang 920).
     Như vậy, theo chính sử, đến ngày chính thức chọn ngôi Thái tử, ông NguyễnVăn Thành cũng không có một ý kiến nào khác. Riêng về Tả quân Lê Văn Duyệt, trong cả hai sự kiện diễn ra vào giữa thập niên 1810, tức lễ tang của Thừa Thiên Cao hoàng hậu (1814) và bàn định việc cử người vào ngôi Thái tử (1816), không hề thấy một bóng dáng nào của ông thấp thoáng trong các câu chữ của sử quán nhà Nguyễn.
    Vậy mà từ nhiều năm qua, vẫn có nhiều bài viết cho rằng cả hai ông Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt đều chống lại việc đưa hoàng tử Đảm lên ngôi Thái tử!  Điều này có trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đã không soát xét kỹ khi chuyển đến công chúng những thông tin có thể gây ngộ nhận, ảnh hưởng đến việc nhận định, đánh giá về một nhân vật lịch sử quan trọng như Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành.

(còn tiếp)
Lê Nguyễn