Lê Thọ Bình: Viết cho ngày chiến thắng phát xít Đức: 6 triệu người Ukraine ra trận, 3 triệu người không trở về

Người Ukraine đã cống hiến hơn sáu triệu quân nhân, hàng triệu sinh mạng và những tướng lĩnh kiệt xuất cho chiến thắng phát xít Đức, nhưng trong suốt nhiều thập niên, công lao ấy dường như ít được nhắc đến dưới cái bóng quá lớn của người Nga.

*

Khi nhắc đến chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai, không ít người mặc định đó là chiến thắng của “người Nga”. 

Hình ảnh nguyên soái Zhukov tiếp nhận lễ đầu hàng của phát xít tại Berlin hay những đoàn xe Hồng quân tiến vào châu Âu thường bị đồng nhất với nước Nga, trung tâm quyền lực của Liên bang Xô viết khi đó. 

Nhưng nếu lần lại lịch sử bằng các con số, bằng máu và nước mắt đổ trên chiến trường, một sự thật khác hiện ra: Ukraine chính là một trong những quốc gia chịu hy sinh lớn nhất, đóng góp quyết định nhất cho thắng lợi năm 1945.

Trong số hơn 34 triệu dân Ukraine trước chiến tranh, có khoảng 6 triệu người được huy động vào Hồng quân Liên Xô, tương đương gần 18% dân số toàn quốc- một tỷ lệ khổng lồ. 

Trong số đó, hơn 3 triệu người đã ngã xuống, chiếm một phần ba tổng số thương vong quân sự của Liên Xô trong toàn cuộc chiến.

Thống kê từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho thấy: hơn 2.000 binh sĩ Ukraine được phong danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”, trong đó 32 người được phong hai lần và ba người được phong ba lần, con số cao nhất trong số 15 nước cộng hòa Liên Xô.

Nhưng không chỉ ở chiến tuyến, người dân Ukraine còn chịu tổn thất nặng nề trong các vùng bị chiếm đóng. Các cuộc tàn sát hàng loạt của phát xít Đức ở Kyiv, Kharkiv, Donetsk và đặc biệt là hẻm núi Babyn Yar, nơi hàng chục nghìn người Do Thái, Ukraine và Roma bị giết hại, đã biến Ukraine thành một trong những mặt trận đẫm máu nhất châu Âu.

Lật lại danh sách các chỉ huy mặt trận của Hồng quân, người ta không thể bỏ qua những cái tên mang dòng máu Ukraine:

– Rodion Malinovsky, người giải phóng Budapest, Vienna và sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô;

– Semyon Tymoshenko, chỉ huy nhiều mặt trận lớn ở Belarus và Ukraine;

– Ivan Chernyakhovsky, chỉ huy mặt trận Belorussia, vị tướng trẻ nhất lịch sử Hồng quân được phong hàm đại tướng khi mới 37 tuổi;

– Grigory Kulik, người đứng đầu pháo binh Hồng quân thời kỳ đầu chiến tranh.

Tính ra, trong 15 mặt trận chính của Hồng quân trên chiến trường Xô- Đức, hơn một nửa từng được chỉ huy bởi các tướng lĩnh người Ukraine hoặc gốc Ukraine. 

Đó không phải là một sự tình cờ, mà phản ánh vai trò chiến lược của Ukraine trong tổng thể nỗ lực chiến tranh.

Ukraine- chiến trường sinh tử của cuộc chiến:

Về mặt địa lý, Ukraine nằm trên trục xâm lược chính của phát xít Đức trong chiến dịch Barbarossa. 

Từ năm 1941 đến 1944, gần như toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và trở thành nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất: Kyiv thất thủ, Kharkiv ba lần bị chiếm và tái chiếm, Donbas trở thành trung tâm của các cuộc tấn công mùa hè đẫm máu.

Trận chiến Kharkiv năm 1943 và trận giải phóng Kyiv vào tháng 11 cùng năm là hai trong số những chiến dịch lớn nhất và tốn kém nhất của Hồng quân. 

Nhiều nhà sử học cho rằng Ukraine chính là “nghĩa trang” của các sư đoàn Đức, nơi bước ngoặt quyết định cho cuộc phản công của Liên Xô bắt đầu.

Ngoài ra, Ukraine cũng là nơi tiếp nhận và phân phối phần lớn viện trợ vũ khí từ Mỹ trong chương trình Lend-Lease qua tuyến đường Iran- Kavkazơ

Theo tài liệu từ Viện Lịch sử Quân sự Nga, Liên Xô đã nhận được từ Mỹ hơn 14.000 máy bay, 7.000 xe tăng, 400.000 xe tải, hàng nghìn đầu máy xe lửa, tàu chiến và hàng triệu tấn lương thực, nhiên liệu, vải vóc- phần lớn tập kết và vận hành qua các kho hậu cần ở vùng Krym, Odessa và Kharkiv.

Lịch sử cần nhiều hơn một tiếng nói:

Không ai phủ nhận vai trò to lớn của nước Nga và người Nga trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 

Thủ đô Moscow từng đứng bên bờ vực thất thủ, thành phố Leningrad chịu vây hãm suốt gần 900 ngày, và người Nga là dân tộc có số thương vong nhiều nhất: khoảng 13 triệu người.

Nhưng chiến thắng không bao giờ là một nỗ lực đơn độc. Đó là kết quả của 15 nước cộng hòa, hàng trăm dân tộc, triệu triệu gia đình hy sinh xương máu cho một lý tưởng chung. 

Nếu chỉ gắn chiến thắng với một dân tộc, một quốc gia, thì không chỉ là bất công, mà còn là sai lệch lịch sử.

Thực tế là, sau khi Liên Xô sụp đổ, trong nhiều bài phát biểu chính thức của giới lãnh đạo Nga, vai trò của Ukraine thường bị làm mờ đi, thậm chí bị lãng quên. 

Năm 2010, khi còn là Thủ tướng, ông Vladimir Putin từng phát biểu: “Ngay cả khi không có sự giúp đỡ của Ukraine, chúng ta vẫn chiến thắng”. 

Câu nói ấy đã gây phẫn nộ trong giới cựu chiến binh Ukraine, những người từng sát cánh trong hầm hào Stalingrad, từng mất cha mẹ trong các trại tập trung Đức quốc xã.

Việc nhìn nhận lại vai trò của Ukraine trong Chiến tranh Thế giới thứ hai không mang mục tiêu chính trị, càng không phải để hạ thấp người Nga. 

Đó là một nhu cầu đạo lý và học thuật, nhằm tái lập công lý cho những ai đã ngã xuống nhưng không được gọi tên.

Lịch sử luôn có xu hướng được viết lại bởi kẻ chiến thắng – nhưng ở một thời đại mà thông tin ngày càng được mở rộng, những khúc xạ bị bóp méo cần được hiệu chỉnh.

Thế hệ sau có quyền được biết: trong chiến thắng năm 1945 ấy, có máu của người Ukraine – không kém gì người Nga.

Lê Thọ Bình