Mặc Lý: Bài thơ Hồ Trường

Hồ Trường là tựa một bài thơ nhiều người đọc và yêu mến. Thậm chí một số giáo sư Việt văn đã đọc hay ngâm bài thơ này trong các lớp văn chương bậc trung học ở miền Nam trước 1975. Cuốn Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên của Phạm Thế Ngũ in năm 1965 tại Sài Gòn cũng có ghi lại bài thơ này. Điều đáng tiếc là ít người viết rõ về nguồn gốc bài thơ. Nguyễn Bá Trác là dịch giả hay tác giả? Tựa bài Hồ Trường là một từ Việt hay Hán Việt? Hồ Trường nghĩa là gi?  Đáng tiếc hơn nữa là cho đến tận ngày nay, bài thơ được chép lại tam sao thất bản, nguồn này khác nguồn kia và ít có nguồn nào thật đúng, kể cả từ các nghệ sĩ ngâm bài thơ này.  Bài viết này cố gắng giải đáp các thắc mắc này.

Trước hết xin nói về nguồn gốc. Bài thơ này xuất hiện lần đầu trên Nam Phong tạp chí, bản chữ Hán năm 1919, còn bản quốc văn năm 1920 do Nguyễn Bá Trác đăng tải. Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 tại Quảng Nam. Ông đậu cử nhân năm 1906, nhưng sau đó quay sang học chữ Pháp, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, sang Nhật năm 1908. Để dập tắt phong trào Dông du, Pháp đã tạo sức ép lên Nhật trục xuất các du học sinh người Việt khỏi đất Nhật. Nguyễn Bá Trác sang Trung Quốc, lưu lạc một thời gian rồi trở về nước, ban đầu chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền Pháp, nhưng sau lại cộng tác với Pháp. Khi Nam Phong Tạp chí xuất bản năm 1917, ông là chủ bút phần Hán văn của tạp chí này, còn Phạm Quỳnh là chủ bút phần Quốc văn. Năm 1932 cùng với Phạm Quỳnh, ông tham chính, chức vụ cuối cùng là Tổng đốc Bình Định. Và cũng như Phạm Quỳnh ông bị Việt Minh giết năm 1945.

Danh sĩ Nguyễn Bá Trác.

Bài thơ nguyên tác chữ Hán, là một phần trong bài Hạn mạn du ký (汗 漫 游 記) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí phần Hán văn. Hạn  汗 (còn đọc là hãn) nghĩa là mồ hôi, Mạn 漫 nghĩa là đầy. Hạn mạn du ký nghĩa là lời kể lại một chuyến đi gian khổ.Sau đó chính ộng Nguyễn Bá trác dịch và đăng lại trong Nam Phong Tạp chí phần Quốc văn, dịch là “Lời ký của một người đi chơi phiếm”. Trong bài ký nhiều kỳ này, Nguyễn Bá Trác kể lại việc một lần tại Trung Hoa, ông gặp một người Việt đồng hương (Nguyên quân), hợp ý, rủ nhau đi uống rượụ. Nguyên Quân mới cất lời ca bài này, theo giọng Quảng Đông. Một người thứ ba, một võ quan Trung Hoa người Trực Lệ họ Lưu, đang uống rược gần đó, vốn có dịp biết Nguyên quân trước đây ở Tokyo (Đông Kinh nước Nhật) thấy bài ca “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái” lấy làm lạ, hỏi về bài thơ. Nguyên quân cho biết đây là một điệu đặc biệt ở phương nam (Nam phương ca khúc), mà chính Nguyên quân cũng không rõ tác giả. Võ quan họ Lưu mới xin Nguyên quân viết bài ca ra.

Bài thơ nguyên tác chữ Hán

Bài thơ chữ Hán bên dưới được chép lại từ Nam Phong tạp chí, phần Hán văn, số 30, có tham

 khảo bản chuyển ngữ sang Hán Việt của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

南 方 歌 曲

丈 夫 生 不 能 披 肝 折 檻 爲 世 扶 綱 常

逍 遙 四 胡 爲 乎 此 鄕

頭 南 望 邈 無 極 兮 雲 一 色 徒

立 功 不 成 學 不 就 少 壯 有 幾 辰 兮 坐 視 百 年 身 世 驅 陰 陽

撫 掌 狂 歌 問 斯 世 茫 茫 天 地 安 得 知 一 知 己 兮 試 來 對 酌 祐 予 觴.

予 觴 擲 向 溟 水 溟 之 水 隊 啓

予 觴 擲 向 西 山 雨 西 山 之 雨 一 陣 何 汪 洋

予 觴 擲 向 北 風 去 北 風 揚 沙 走 石 飛 殊 方

予 觴 擲 向 南 天 霧,霧 中 有 人 開 口 一 飮 蘧   醉

天 地 宇 宙 渾 相 忘 予 不 醉 矣 予 行 予 志

男 兒 自 古 事 桑 蓬 何 必 窮 愁 泣 枌 梓  

Nam phương ca khúc (Khúc ca phương nam)

  1. Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường

Giải nghĩa: Kẻ trượng phu khi sống không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời. Phi can 披 肝 nghĩa là xé gan, vạch gan ra cho đời biết lòng trong của mình. Hạm 檻 (bộ Mộc, 18 nét) là cây cột gỗ dùng làm rường nhà hay rường mái hiên. Chiết Hạm 折 檻 nghĩa là bẻ cột, lấy tích Chu Vân thời Hán Thành Đế dâng sớ hạch tội gian thần. Vua bắt tội, Chu Vân uất ức ghì lại gãy cả rường điện. Nhiều bản Quốc văn bài thơ này lại ghi sai thành Bẻ Cật.

2. Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương

Giải nghĩa: (Sao lại) rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?

3. Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương

Giải nghĩa: Quay đầu nhìn về phía nam xa xôi, mịt mù hề, bầu trời một màu xanh xanh. Chữ Thương (bộ Thảo 14 nét) nghĩa là sắc có xanh. Thiều Chửu giảng Thương Thương ( ) là trời xanh.

4. Lập công bất thành,  học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thần hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương.

Giải nghĩa: Công không lập thành được, học không xong, trai trẻ còn được bao lâu nữa hề, ngồi nhìn lại thân thế trăm năm chạy theo tháng ngày.

5 Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối hước hữu dư thương.

Giải nghĩa: Vỗ tay mà hát điên cuồng, hỏi đời rằng, đất trời mờ mịt vậy, tìm ở đâu một người tri kỷ, mà đến cùng ta rót chén rượu này. Thương 觴 (bộ Giác 18 nét) nghĩa là chén rượu đã rót đầy.

6. Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan.

Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng dữ. Cuồng lạn hay cuồng lan là cơn sóng dữ. Nhiều bản Quốc văn ghi sai thành cuồng loạn.

7. Dư thương trịch hướng tây sơn vũ tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương

Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mưa núi tây, núi tây mưa một trận nước lênh láng.

8. Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương

Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy theo gió bắc, gió bắc tung cát bay đá chạy mọi phương.

9. Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy.

Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng uống say.

10. Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hỉ, dư hành dư chí.

Giải nghĩa: Vũ trụ trời đất đều mất hết, sao ta không say, mà ta làm theo chí ta

11. Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử

Giải nghĩa: Xưa nay nam nhi đều làm theo chí tang bồng, sao ta lại buồn khổ nhớ cố hương. Phần tử 枌 梓 ghép từ chữ Phần Du và Tử Ly, các loại cây chỉ quê cũ, như cây đa của làng quê Việt.

Bản Quốc văn (Nguyễn Bá Trác dịch):

Dưới đây là nguyên văn, kể cả dấu nối và dấn chấm câu từ Nam Phong tạp chí, phần Quốc văn. Bài có chữ Xé, viết sai chánh tả thành Sé, và Thân Thế có lẽ in lầm là Thân Thể, xin giữ nguyên.

Hồ Trường

Trượng-phu không hay sé gan bẻ cột phù cương-thường;

Hà-tất tiêu-dao bốn bể, luân-lạc tha-hương.

Trời nam nghìn dậm thẳm; mây nước một mầu sương.

Học không thành, công chẳng lập, trai-trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân-thể bóng tà-dương.

Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang-mang, ai là tri-kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ-trường.

Hồ-trường! Hồ-trường! ta biết rót về đâu?

Rót về đông-phương, nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng-lạn;

Rót về tây-phương, mưa Tây-sơn từng trận chứa-chan;

Rót về bắc-phương, ngọn bắc-phong vì-vụt, đá chạy cát dương;

Rót về nam-phương, trời nam mù-mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta hay;

Nam-nhi sự-nghiệp ở hồ-thỉ, hà-tất cùng-sầu đối cỏ cây.

Kết luận

Như vậy, Nguyễn Bá Trác là dịch giả chứ không phải là tác giả. Bài nguyên thuỷ chữ Hán là một bài ca đặc biệt phương nam (vùng Lĩnh Nam), không rõ tác giả. Tựa bài ca chữ Hán (Nam phương ca khúc) hay chữ Việt (Hồ Trường) đều do độc giả sau này đặt ra.

Qua bài thơ chữ Việt thấy chữ hồ trường là chữ Việt, do Nguyễn Bá Trác đặt ra. Trước ông chưa ai dùng mà sau ông cũng chưa ai dùng lại chữ này trong thi ca. Chữ Thương trong nguyên tác chữ Hán thì như đã giải thích bên trên, nghĩa là chén rượu đã rót đầy. Có người giải thích chữ mới Hồ Trường là để chỉ một loại bình rượu (một loại bầu hồ lô, phơi khô khoét ruột làm một thứ bình rượu bình dân). Nhưng tôi cho không phải thế. Các nhà Nho xưa thường giữ nguyên tác, ít khi thay đổi khi không có lý do cần thiết. Ta thường nói cạn chén rượu này hơn là cạn bình rượu này. Điểm độc đáo ở đây là từ chữ Thương 觴 (gốc Hán, cũng đọc là tràng hay trường), phát âm theo tiếng Quảng Đông là soeng) ông đã kết hợp với chữ Hồ (chữ Hồ 壺 cũng có gốc Hán, nghĩa là hồ rượu), tạo một hình ảnh lãng tử với hồ lô rượu trên vai.

Tôi có dịp nói chuyện với nhà phê bình văn học Đặng Tiến. Ông cũng đồng ý với tôi về cách hiểu chữ Hồ Trường là chén uống rượu. Ông cho biết thêm là ông có dịp nói chuyện với con cháu của Nguyễn Bá Trác, và họ cũng có cùng ý như thế. Vậy xin ghi lại như một nén hương muộn cho nhà phê bình Đặng Tiến, qua đời hơn ba tháng trước.

Mặc Lý

——————

Tham khảo

[1] Nguyễn Bá Trác, Hạn Mạn du ký, Nam Phong tạp chí, phần Hán văn, số 30, 12/1919

[2] Nguyễn Bá Trác, Hạn Mạn du ký, Nam Phong tạp chí, phần Quốc văn, số 41, 11/1920

[3] Mặc Lâm , “Nguyễn Bá Trác có phải là tác giả bài “Hồ Trường?”, RFA, ngày 01/04/2011

[4] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên, Sài Gòn 1965.

[5] Tôn Nữ Lệ Ba, ngâm bài thơ Hồ Trường