Ngân Xuyên: Mùa thu khóc như nàng góa phụ

Akhmatova năm 1922 (chân dung của Kuzma Petrov-Vodkin)

Vẫn trong cảm hứng mùa thu và dịch thơ, xin mời đọc một bài thơ thu của “Nữ hoàng thơ Nga” và câu chuyện quanh bài thơ này:

Mùa thu khóc như nàng goá phụ

Vận đồ đen, tim phủ mù sương

Thầm nhớ lại những lời chồng nói

Nàng không ngừng nức nở đau thương.

Và sẽ thế mãi cho đến khi tuyết lặng thinh nhất.

Rủ xuống thương thu mệt mỏi đớn đau…

Quên đi nỗi buồn quên đi sơ suất

Được thế một đời chưa đáng là bao.

1921

Заплаканная осень, как вдова…

Заплаканная осень, как вдова

В одеждах черных, все сердца туманит…

Перебирая мужнины слова,

Она рыдать не перестанет.

И будет так, пока тишайший снег

Не сжалится над скорбной и усталой…

Забвенье боли и забвенье нег —

За это жизнь отдать не мало.

1921

Lịch sử sáng tác bài thơ

Anna Akhmatova (1889 – 1966) viết bài thơ “Mùa thu khóc như nàng thiếu phụ…” năm 1921 dành tặng cho người chồng đã mất là Nikolai Gumilev (1886 – 1921). Câu chuyện tình của họ đến nay vẫn là đề tài được bàn luận, tranh cãi sôi nổi. Khó đánh giá được hết tác động của cuộc hôn nhân này đến sáng tác của hai nhà thơ trẻ khi đó.

Họ gặp nhau lần đầu khi Anna chưa đầy 14 tuổi, còn Gumilev vừa tròn 17. Theo lời của chính nhà thơ, ông yêu cô gái sinh động sôi nổi này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hai người trẻ đã có nhiều thời gian bên nhau nhưng Anna luôn cười khước từ mọi sự tán tỉnh của người bạn trẻ tuổi.

Trong vòng 8 năm sau đó số phận chia lìa họ – Gumilev sang châu Âu học, còn Anna ở lại Nga sống cùng gia đình mình. Ba lần trong thời gian đó Gumilev đã cầu hôn Akhmatova nhưng lần nào cũng bị khước từ. Trong cơn tuyệt vọng ông đã mấy lần tìm cách tự sát nhưng may là đã không thành.

Nhưng đến tháng 4/1910 điều không thể đã trở thành có thể – Anna đột nhiên đồng ý cuộc hôn nhân. Quyết định này của cô bất ngờ với cả gia đình đến mức nhiều người họ hàng đã không đến dự đám cưới vì nghĩ là nó sẽ không diễn ra.

Anna không dễ đưa ra quyết định đó. Vào lúc đó bà đã có thiện cảm với một chàng trai khác. Nhưng bà cho rằng tình yêu nồng cháy của Nikolai là một đảm bảo vững chắc cho cuộc sống gia đình tương lai và tô điểm cho sự vắng mặt chàng bằng những tình cảm nồng nàn từ phía mình.

Anna nhận ra sai lầm của mình quá muộn – tình yêu của Gumilev nguội tắt cũng nhanh như khi bùng ra. Chưa đầy một năm sau ngày cưới anh đã có tình nhân, bất chấp khi ấy Anna đã mang thai đứa con của hai người mà về sau sẽ là nhà sử học và nhà chính luận tài năng Lev Gumilev.

Anna bị lừa dối không thể nào yên được. Trong thời kỳ đau khổ này bà đã viết cả một chùm thơ đầy phẫn nộ đắng cay về chuyện đó. Nhưng một thời gian qua đi, bà lại quyết định lấy chồng. Dường như tình cảm của bà với người chồng cũ đã nguội lạnh.

Đến đầu năm 1921 Nikolai Gumilev bị bắt giam vì nghi tham gia một nhóm có âm mưu chống chính quyền. Ít lâu sau nhà thơ bị xử bắn. Chính khi đó tình cảm thực của Anna với người chồng cũ lại phát sinh. Đau khổ bị mất đi con người yêu quý với mình bà đã viết bài thơ “Mùa thu khóc như nàng goá phụ…” khiến không ai còn nghi ngờ tình yêu của Akhmatova dành cho Gumilev dù cho cuộc hôn nhân của họ đã từ lâu tan vỡ, dù ông có vô số tình nhân, dù ông đã bỏ rơi đứa con chung của hai người.

Tư tưởng cơ bản của tác phẩm

Mô típ xuyên suốt của bài thơ là tiếng khóc của nàng goá phụ cho người chồng đã mất. Bản thân Akhmatova một thời gian lâu không thể nguôi ngoai nỗi đau mất đi người thân gần gũi. Những cảm xúc sâu sắc của bà đã được thể hiện trong bài thơ khi bà nói về “những lời chồng nói” mà nàng goá phụ nhớ lại trong tâm tưởng. Nhưng chúng vẫn không xoa dịu được bà, mà chỉ càng khơi thêm nỗi đau mất mát.

Ký ức của nữ nhân vật không để nàng yên vì gợi lại trong tâm trí những hình ảnh và mong muốn đã không được thành sự thực. Nàng hiểu rằng dù cuộc đời nàng về sau có thế nào thì nàng vẫn không thể nào nguôi được nỗi đau mất chồng.

Trong niềm tuyệt vọng nữ nhân vật trữ tình mong đợi sự an ủi, muốn quên đi nỗi đau dày vò. Nhưng nàng chỉ thấy cái chết mới dứt được mọi đau khổ của mình, mới đem lại cho mình sự bình yên bao lâu chờ đợi.

Nàng hy vọng trạng thái nặng nề của mình sẽ thay đổi, và giống như mùa thu u ám mưa dai dẳng sẽ được thay bằng mùa đông sạch trong lặng lẽ, nữ nhân vật cũng mong chờ sự yên tĩnh trong lòng, dù có vì thế mà phải dâng cả cuộc đời. Nỗi tuyệt vọng và vô vọng thấm vào từng dòng của bài thơ này cho thấy thực tế cuộc đời của chính nhà thơ.

Dù đã tái giá bà vẫn không thể yêu người chồng thứ hai và những hồi ức của bà vẫn quay về khoảng thời gian bà sống cùng người chồng đã mất. Những lời xót xa của bà là những lời của một con người tuyệt vọng, cô đơn, không nhìn thấy có điểm tựa nào cho mình từ những người khác.

Đặc điểm kết cấu của bài thơ

Hình ảnh mùa thu như người goá phụ không nguôi đau khổ là một phúng dụ rõ rệt đặt âm chủ cho toàn bộ bài thơ. Nữ thi sĩ không muốn truyền đạt những biểu hiện bên ngoài của tiết thu. Mục đích của bà là thông qua sự so sánh đưa đến người đọc trạng thái cô đơn và mất mát. Và bà đã làm được điều này một cách tài nghệ.

Ngoài ra còn có những thủ pháp văn chương khác giúp bà tạo nên bầu khí quyển đặc biệt của bài thơ:

-Các tính ngữ: mùa thu “đau đớn” và “mệt mỏi”, tuyết “lặng thinh”, “bộ áo quần đen” và những định ngữ khác tạo nên cảm giác đợi chờ nặng nề. Nữ nhân vật mong chờ thoát khỏi cảm xúc căng thẳng của mình, giống như mùa thu chờ mùa đông đến.

-Nhân hoá. Hình ảnh người phụ nữ buồn bã hô ứng với mùa thu khóc. Những đặc điểm của mùa này trong năm được nhân hoá gần gũi với tâm trạng của chính nhà thơ.

-Thể thơ đặc biệt taktovik chuyển tải tốt nhất tình cảm của nữ nhân vật.

Nỗi đau không nguôi xuyên suốt tác phẩm không để cho nữ nhân vật hy vọng quên được những đau khổ của mình. Nàng thấy chỉ chết đi mới mong thoát khỏi những suy nghĩ nặng nề, chỉ cái chết mới làm nàng được yên ổn. Nhưng nỗi đau của nàng sâu đến mức nàng cảm thấy đó cũng không phải là cái giá lớn lao để có được sự quên.

Chân dung Anna Akhmatova của Olga Della-Vos-Kardovskaya, 1914

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)

Hà Nội, 24.8.2024