Ngự Thuyết: Tết trong tù

Tôi đã “Ăn Tết” bao nhiêu lần rồi? Thật khó trả lời. Tháng năm chồng chất, trùng điệp, lẫn lộn, lặp đi lặp lại. Và đâu phải Tết nào cũng y như Tết nào? Vậy tôi thử nhớ dăm ba chi tiết nổi bật của mỗi cái Tết từ trước đến giờ, chẳng hạn Tết thời thơ ấu, thời niên thiếu, thời đã có gia đình, có vợ có con, thời ở tù, và cuối cùng thời sống lưu vong. Tết nào để lại nhiều kỷ niệm khó quên nhất?

Hồi thơ ấu, chưa biết gì, chú bé đã thích Tết.  

Khi mẹ đi chợ về rồi đi chợ nữa, như vậy nhiều lần, mua nhiều đồ ăn, và chị người làm bận tay hoài trong nhà bếp; khi bố cầm chổi quét nhà rồi sân, rồi lau bàn ghế; khi được mẹ bảo vài hôm nữa cho mặc quần áo mới, mang giày mới, và bố sẽ đưa đi hớt tóc; chú bé lờ mờ nhớ ra rằng cái ngày gì đó sắp tới. Nó hỏi, chị nó nói, Tết. Đêm 30 nghe lóm bố mẹ bàn chuyện thức khuya cúng giao thừa, đón giao thừa, nó cũng đòi thức, đòi đón, tuy chẳng biết giao thừa là cái gì. Nhưng rồi nó đi ngủ lúc nào chẳng hay. Buổi sáng tức tối hỏi mẹ sao không kêu nó dậy để đón cái gì đó, rồi mếu máo khóc. Mẹ nói nhỏ bên tai:

“Đầu năm con phải ngoan. Khóc là xui cả năm đó nghe.”

Nó chưa đi học nên ngày nào cũng là ngày “đi chơi”, nhưng ngày Tết vẫn là ngày “đi chơi” vui sướng nhất. Như cái mầm non vừa nhú ra khỏi cành cây tha hồ đón gió và nắng, Tết nó tha hồ đón bánh kẹo để đầy bàn, lấy lên ăn, thay cả bữa ăn sáng, không sợ bị mắng ăn nhiều đồ ngọt sâu răng như nó thường bị mắng. 

Sáng mồng một Tết bố kêu hai chiếc xe kéo. Mẹ và chị một xe, bố và nó một xe, đi chùa lễ Phật đầu năm. Bố mẹ và người lớn gặp nhau ai cũng hớn hở chào nhau,”Chào anh chị năm mới, hay chào cô chú năm mới. Năm mới cháu mấy tuổi, cháu ngoan quá.” Năm mới là cái gì mà người ta nói luôn miệng vậy, nó ngạc nhiên. Rồi tiền lì xì trong bao thơ màu đỏ. Không biết tiền là gì, nó đưa hết cho mẹ. 

Nhưng cũng có cái khác nữa mà nó không hiểu. Tại sao đốt pháo? Xâu pháo đỏ, dài treo trước cửa nhà. Bố cầm cây diêm quẹt dí vào đầu dây pháo. Pháo bỗng nổ ghê khiếp. Nó vội đưa hai ngón tay bịt tai, nhắm mắt, chạy vào nhà, mếu máo khóc. Mèo chó trong nhà cũng chạy trốn biệt. Mẹ vào bồng nó lên cười ngặt nghẽo, bố cười theo, chị thì khi nào cũng vậy, được dịp là chọc quê nó. 

Rồi pháo cứ nổ mãi, nạt nộ, vang dội khắp nơi, để lại xác pháo đỏ phủ kín các vỉa hè, các lối đi. Chẳng thấy ai lo quét dọn.

Mấy hôm sau pháo thưa dần rồi tắt hẳn. Tết cũng hết.

Chú bé bỗng ngơ ngác, nhớ tiếc. 

Tết đến thật là rộn ràng, vui vẻ, và lạ lùng như trong “chuyện ngày xưa”. Rồi Tết đột ngột bỏ đi như pháo, khi nào mới trở lại. Phải chi Tết đến nhiều hơn nữa.  

Những Tết năm sau càng vui. Ngoài những vui cũ, còn có vui mới. Trước hết là được nghỉ học khá lâu. Nó không sợ pháo nữa, trái lại thích. Pháo nổ vang trời, dậy đất, như thúc giục, như hứa hẹn cái gì đó, khiến nó nôn nao chờ đón. Rồi cùng với lũ trẻ hàng xóm tranh nhau những chiếc pháo bung ra khỏi dây pháo chưa kịp nổ, đem về nhà cầm cây nhang đốt chơi từng chiếc một. 

Nó bắt đầu để ý đến hoa, nhất là những cành mai vàng. Thỉnh thoảng có mai trắng còn gọi là bạch mai. Hoa cúng trên bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Bà, và một chậu hoa lớn, cao hơn nó,  đứng tại một góc phòng khách. Bánh kẹo đầy bàn, có thêm bánh tét, bánh chưng, dưa món, nem, chả, mứt, và hột dưa. Cắn hoài hột dưa, rát miệng, đỏ môi. Tiền lì xì nó không đưa cho mẹ nữa. Nó được giữ một con heo bằng đất nung, trên lưng có một cái khe nhỏ dùng để nhét tiền lì xì vào. Mẹ dặn khi heo đầy bụng, đập vỡ ra lấy tiền đưa mẹ cất giùm cho nó  xài khi cần. 

Vào trung học, mới năm đầu tiên, đã có chuyện khác thường. Trước hết, học trò, bắt chước nhau, kết thành từng nhóm bạn 3 người hoặc 4 người, vì không phải mọi người trong một lớp đều là bạn thân của nhau. Những nhóm bạn đó có cùng sở thích, hoặc hạp tính tình, hoặc nhà ở gần nhau. Khi Tết đến, có nhớ thì gởi cho nhau chút quà nhỏ, quên thì thôi, không sao cả. Nhưng quà Tết sẽ gởi cho nhiều Thầy mới là chuyện khó nghĩ. 

Khác với thời tiểu học chỉ có một thầy hay một cô cho mỗi lớp. Tết đến thầy hay cô nói vài lời dạy bảo và chúc mừng trước đám học trò ngồi yên ngoan ngoãn lắng nghe. Rồi ai về nhà nấy ăn Tết. 

Vào trung học, mỗi môn học do một thầy dạy. Hồi đó chưa có cô giáo dạy tại trường dành cho nam sinh. Cả lớp bàn cãi mãi vẫn không biết mua món quà Tết như thế nào cho vừa với túi tiền còm hùn lại. Cuối cùng đành mua nhiều tấm thiệp (để gởi cho nhiều thầy). Dù  có những câu chúc Tết in sẵn trên thiệp, học trò vẫn hội ý viết những bài văn dài, thêm bớt đôi chút cho hợp với môn thầy dạy, trong đó kể lể công ơn trời biển của thầy.  

Vào giờ cuối cùng trước khi nghỉ Tết, thầy trò vào lớp như thường lệ, nhưng thầy không giảng dạy, trái lại vui vẻ nói chuyện với học trò. Một ít bánh kẹo và hột dưa được phép mang ra ăn cho có vẻ “tiệc tất niên” và “Mừng Năm Mới”. Tiếc là không có bình trà. Thầy vui vẻ đến bàn trò nhón tay cầm một lát bánh, một cây kẹo; trò cảm kích xiết bao. Khác hẳn mọi ngày, thầy không nghiêm khắc, không xa cách. Có thầy còn mang chuyện nhà, hoặc chuyện học hành của thầy ngày xưa  kể cho trò nghe, khiến trò vô cùng kinh ngạc và cảm động. 

Rồi trưởng lớp trịnh trọng bước đến trước bàn thầy, hai tay cầm tờ giấy nghiêng mình run run đọc bài văn “kể lể” nghe trầm bổng du dương (nhờ được dượt trước), nhưng thường thì sáo và rỗng. 

 Lớn lên thêm, lại thêm những thú vui mới lúc xuân về. Nhớ nhất, sáng 30 Tết nhà đã bắt đầu chuẩn bị nồi bánh tét cho kịp chín cúng giao thừa. Đêm 30, tối đen như mực và lạnh cóng ở ngoài vườn lấp loáng ngọn lửa từ nồi bánh tét. Chốc chốc chú bé, ô nay cậu ta lớn sầm sầm rồi, chạy ra sau vườn xem chị Cháu người làm, hoặc bà o, ngồi bên lửa ấm khi thì cho thêm mấy khúc củi to vào lò bếp, khi thì đổ thêm nước vào cái nồi to sôi sùng sục nước sắp cạn. Và cậu ta hỏi mấy cái bánh tét lẻ đã chín chưa. Bánh tét lẻ nhỏ xíu nên mau chín (Đậu xanh, nếp, thịt còn dư được gói thành những cái bánh tét tí hon cho nấu chung vào nồi bánh tét lớn). Ăn bánh tét lẻ trong đêm khuya, lạnh, ăn từ trên nồi ăn xuống, trước mọi người và trước cả cúng giao thừa, ngon lắm. Ăn xong, chạy vô trong nhà coi các người bà con nghèo ở xa về ăn Tết họp nhau đánh Bài Tới [1]. Những người có tuổi chờ qua tối Mồng Một, Mồng Hai, Mồng Ba đổ Xăm Hường [2] 

Cũng có khi cậu ta là tôi đánh Bài Tới hay đổ Xăm Hường khi thiếu tay. Nhưng hai món này và trò chơi Bài Vụ [3] hiền lành quá. Tôi thích Các Tê, Xì Lát hơn. 

Vào giai đoạn này đã có bạn. Tết tại nhà xong, thường rủ nhau đạp xe đạp dạo quanh thành phố xem múa lân, hội chợ, lễ lạc, đình đám, hay ghé nhà của nhau thăm viếng, chúc Tết. Cao hứng thì vào một quán cà phê. Người nào đủ tiền trong túi sẽ mang ra bao tất cả, không có thói quen tính toán phần ai nấy trả như về sau. 

Đó là những năm thái bình ngắn ngủi, những năm thuộc nửa sau của thập niên 1950, và  gần 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết. Miền Nam thịnh vượng. Mưa thuận gió hoà, được mùa lúa liên tiếp nhiều năm, cá đầy biển khơi, đầy sông, đầy đồng, cơm với cá như mạ với con, buổi chiều tối chim bay về tổ kín cả góc trời. Đời sống sung túc dễ dãi, giá sinh hoạt rất thấp. Chẳng hạn, tại Nam Kỳ Lục Tỉnh, mua một chục được tính thành 16, hay 18. Mua 10 hột gà, được người bán gói cho 16 hay 18 hột. Lương một thầy giáo, cô giáo dạy tiểu học, hay một thiếu úy vừa mới tốt nghiệp trường quân sự cũng đủ nuôi cả nhà 6 hoặc 7 người.  

Rồi tới giai đoạn lập gia đình riêng, có vợ, có con. Người ta, có tôi  trong đó, tự cảm thấy cái Tết dành cho con cái hơn là cho bản thân mình. 

Nhưng vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, chiến tranh bắt đầu xẩy ra. Miền Bắc không để cho miền Nam yên sống. Miền Nam, quen “sướng” rồi, không dồn hết mọi nỗ lực vào chiến tranh như miền Bắc, cố gắng xây dựng đất nước, và hễ có dịp là “thưởng thức cuộc đời”. Trong khi chiến sĩ đang xông pha trong khói lửa bảo vệ từng tấc đất, hậu phương vẫn xôn xao đón Tết, trong đó có tôi, một quân nhân biệt phái làm việc tại thành phố. Tết sắp đến vẫn sắm sửa mọi thứ cần thiết, vẫn lái xe tới Giồng Ông Tố ngoại ô Sài Gòn mua nếp ngon về nấu xôi, nấu bánh tét. Chiều 30 Tết dù nhà đã có hoa mai, hoa cúc, vẫn xuống Bình Quới gần Thủ Đức mong gặp may mua thêm vài cành hoa tươi đẹp nở muộn. Và cũng không quên mua vài dây pháo. 

Người thành phố ở xa vùng xôi đậu, vùng hoả tuyến, vẫn vô tư sống như trong thời bình. Buồn bã chăng, lo âu chăng, đau khổ chăng là những ai có thân nhân là quân nhân đang chiến đấu ngoài mặt trận, hay bị thương tích được đưa vào các Quân Y Viện nằm rải rác khắp bốn vùng chiến thuật. Hay tử trận.

Trên đây chỉ là dăm bảy nét đơn sơ về những cái Tết mà tôi đã trải qua.          

Mãi đến lúc miền Nam mất, người miền Nam mới sáng mắt ra. Tuyệt vọng. Chỉ còn một lối thoát: vượt biên. May sống rủi chết. Trong những năm vô cùng hoang mang và hoảng hốt này, không một ai có thể nghĩ đến thú vui, giải trí, hay lễ hội gì cả. Tết nhất càng bị bỏ quên. 

Nhưng lần hồi, đối với những người đã rời bỏ quê hương, ngày tháng trôi qua như dòng sông chảy mãi kéo theo những đám bèo trôi giạt, có đám tấp vào một bến bờ nào đó, có đám trôi đi biệt tich. Với những ai sống sót tới được đất liền, Tết vẫn đeo đẳng, dai dẳng như con sâu nằm yên tại một nơi kín đáo trong đáy tim, trong trí óc, trong ký ức, chờ dịp thuận tiện là phát tán, truyền nhiễm. Những cái Tết lưu vong đầu tiên trên đất khách thật là ảm đạm, lạnh lẽo. Dù vậy người tỵ nạn cũng đã tìm được chút an ủi, hay nói cho đúng hơn, chút căn cước của mình, và cái Tết truyền thống là một chứng tích. 

Sau đó, tại nhiều nước trên thế giới, họ xây dựng những cộng đồng tỵ nạn vững mạnh dần. Họ trân quý lá cờ mà họ mang theo lúc bỏ nước ra đi, mang theo trong tâm tưởng hoặc giấu kín trong mớ hành lý rách nát trên đường đào thoát. Dần dà lá cờ đó đã được những nước sở tại thừa nhận. 

Nhưng mất quê hương là mất hết, một số người quan niệm như thế. Những người đó tìm quên, quên ngày tháng, quên Tết, quên người thân, người yêu còn sót lại tại quê nhà. Họ muốn quên quá khứ, quên tất cả. Sống ù lì như gỗ đá. Lại có người mang tâm trạng bất cần đời, như trong câu chuyện nhỏ này. Một người “đi cày” sau nhiều năm dành dụm tiền tậu một chiếc xe hơi cũ để đi làm, nhưng chỗ ở thuê mướn không có ga-ra cho xe, phải đậu xe ngoài đường, bị trộm lấy mất.

“Này, bây giờ đi làm bằng gi?”

“Thì chịu khó đi sớm về trễ bằng bus như trước.”

“Tiếc không?”

“Nước mất còn không tiếc, tiếc gì ba cái lẻ tẻ.”

Tôi đã kể lại sơ lược nhiều cái Tết, nhưng chưa nói đến Tết trong tù. Vì quên? Không bao giờ. Ngược lại mới đúng. Tết trong tù mới là cái tết khó quên nhất. 

Tôi có tật nhớ dai? Hiện đang ăn Tết tại một nơi an bình lại đi nhớ những chuyện cũ xa xưa. Sao không chịu sống với hiện tại? Người ta thường nói quá khứ đã qua, quên nó đi, vì nó quấy rầy kéo lùi bước tiến của hiện tại. Tương lai chưa đến, đừng bận tâm đến nó, vì nó là câu hỏi không có câu trả lời. 

Nhưng quá khứ cũng là tiền đề của hiện tại, góp phần làm nên diện mạo của hiện tại. Câu nói “Ôn cố tri tân” vẫn có giá trị. Có người còn bảo rằng con người không quá khứ thì chẳng khác gì cây không gốc, không rễ. Cũng thế, quá khứ và hiện tại gộp nhau lại làm bàn đạp cho tương lai. Cho nên không thể bỏ quên quá khứ được. 

Nhưng vẫn có người muốn quên quá khứ vì lý do riêng. Hay có chế độ vì quyền lợi phe nhóm muốn xoá bỏ quá khứ, hoặc xuyên tạc lịch sử để có một loại quá khứ khác, lịch sử khác thích ứng với mưu đồ của họ. 

Sau khi miền Nam sụp đổ, lần đầu tiên tôi ăn Tết xa gia đình, xa xã hội, xa văn mimh của loài người. Tết trong tù. 

Khoảng giữa năm 1975, khi được lệnh gọi đi học tập cải tạo, tôi cùng với người bạn thân, BXN, rủ nhau đến trình diện tại trường Gia Long vừa được tổ chức thành một trong những trung tâm tiếp nhận thuộc địa phận Sài Gòn. Sau 10 ngày, tưởng là được trở về với gia đình như được thông báo [4], bạn tôi bị đưa về Long Giao thuộc tỉnh Long Khánh, tôi bị đưa đi Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh. 

Từ đấy, cuộc sống mới trong tù bắt đầu. Ở tù chắc chắn là nhọc nhằn, gian khổ, buồn chán, đó là lẽ tất nhiên, không cần phải than thở hay phàn nàn. Nhưng thỉnh thoảng cũng nên nhắc lại kẻo quên, quên cái lý do tại sao ngày hôm nay mình sống lưu vong nơi đây. Nói cách khác, nhắc lại không nhằm củng cố thêm lòng căm thù, mà để ghi nhớ một giai đoạn khốn đốn của lịch sử bị xuyên tạc. Ghi nhớ như một chứng nhân.   

Chiều 30 Tết, những đoàn tù đi lao động các nơi trở về lán [5]. Mùa đông trời tối nhanh. Họ là những cái bóng co ro, gầy gò, rách rưới, lem luốc, đi loạng choạng trên con đường đê lồi lõm bề ngang chỉ độ hai gang tay, cỏ mọc đầy vướng chân. Thỉnh thoảng có người vấp ngã, lồm cồm dậy, đi nhanh cho kịp đoàn người.   

Một vài câu đối thoại xì xầm:

“Ngày mai chắc được nghỉ lao động.”

“Nói cái gì vậy, mai đâu phải là ngày Chủ Nhật.”

“Nhưng mai Tết.”

“Tết cũng phải lao động.”

Một người nói to, chẳng biết đùa hay thật:

“Đúng quá. Lao động là vinh quang. Không có Tết cái quái gì cả, không được nghỉ.”

Tù cải tạo mỗi tuần lao động 6 ngày, nghỉ ngày Chủ Nhật. Nhưng thỉnh thoảng dù là vào ngày Chủ Nhật đi nữa, tù cũng phải học bồi dưỡng thêm về đường lối, chính sách của cách mạng, của đảng. Đặc biệt là phải biết tự thú nhận tội lỗi của mình, và thành khẩn khai báo. Ban đêm, ăn tối xong, trước khi đi ngủ, thường có kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, rút tỉa kinh nghiệm, điểm mạnh, điểm yếu. Mỗi người phải tự giác kiểm điểm bản thân và tố giác hành động sai trái của người khác. 

Ăn tối nhanh lắm. Lán có nhiều phòng. Mỗi phòng chia ra làm những nhóm 4 người cùng ăn với nhau. Mỗi ca-rê 4 người (carré, tiếng Pháp) được phát một chén cơm hẩm nhỏ độn khoai mì, chút rau xanh thu hoạch từ mảnh đất quanh lán do tù trồng lấy, và một chén gọi là nước mắm (nước muối pha loãng trộn thêm nước màu vào trông giống nước mắm). Cái gì cũng quá ít, tranh ăn coi kỳ, đành chia ra làm 4 phần trước khi ăn. Nhưng các phần chia không thể nào bằng nhau. Một bạn trong ca-rê của tôi chế ra cái cần quay có mũi tên rất đơn sơ đặt giữa 4 phần ăn. Trước khi cầm đũa, quay mũi tên. Nó dừng lại chỉ người nào thì người đó sẽ chọn lấy phần ăn của mình, người kế tiếp lấy phần tiếp theo. Làm như vậy có vẻ bần tiện quá, nhưng tránh được sự phân bì nhiều ít dù không ai nói ra. Sực nhớ câu nói miếng ăn là miếng tồi tàn. 

Trong ca-rê của tôi có một anh chàng khi mới vào ở tù rất to con, cao hơn 1,8 mét. Sau vài ba tháng, ai cũng gầy gò, nhưng anh này trông thảm hại nhất. Mọi người mới cầm đũa, anh đã nuốt chửng hết phần ăn của mình, ngồi im nhìn bạn ăn. Thường thường những người còn lại trong chúng tôi khều chút khoai mì tặng anh, dù chúng tôi đói thường trực. Chỉ vài phút, bữa ăn chấm dứt. 

Gần một năm sau mới được thăm nuôi, nhờ vậy có thêm chút chất đạm và chất ngọt. Nhưng “nước mắm thiệt” vẫn được mọi người thích nhất. Đó là chuyện ăn uống. 

Chuyện lao động cũng đáng nhớ. Người tù nào có “tay nghề”, chẳng hạn bác sĩ thì làm việc tại trạm xá, chữa bệnh cho tù, có khi chữa cho gia đình cán bộ; biết cưa, bào, đục, thì làm việc tại xưởng mộc; biết nấu ăn, thì làm anh nuôi. Đại đa số là những kẻ “bất tài” và “vô tích sự”như tôi thì “lao động tổng quát”. Cái tên nghe kêu. Vào hết rừng này, đến bãi nọ đốn cây, đốn tre, đốn nứa, cắt tranh, đánh tranh, tuốt dây mây. Hoặc canh tác thì trồng khoai, sắn (khoai mì), ngô (bắp), bí, bầu, v.v…, làm cỏ, cuốc đất, gánh nước tưới cây, gánh phân tươi (phân người từ các hố xí) đem đi ủ thành đống, làm phân bón rau quả.    

Mỗi sáng sớm những toán lao động rời khỏi lán túa ra đi các nơi khác nhau, mỗi toán được 1 quản giáo dẫn đầu, 2 bảo vệ vác súng đi theo sau cùng. Bảo vệ ai vậy? Hay sợ tù nổi loạn? 

Tối 30 Tết, sau khi cơm nước xong, B trưởng [6] lên trên Khung [7], được cho biết ngày mai nghỉ lao động để đón Tết. Và được hỏi “các anh” thích ăn Tết món gì. 

Sau khi bàn tán sôi nổi, mọi người đồng ý xin được ăn khoai lang. Khung liền phê bình: Tết lại đòi ăn khoai lang. Muốn báng bổ cách mạng chăng? Tết phải ăn thịt! 

Thật ra chúng tôi thèm chất ngọt quá. Suốt hơn nửa năm từ ngày vào tù không hề thấy một chén chè. Cơm hẩm và rau xanh ít ỏi không đủ để tạo chất ngọt. Các món ăn theo thứ tự sang trọng từ cao đến thấp: cơm, bắp, khoai, sắn (khoai mì). Đòi ăn thêm cơm vào ngày Tết là chuyện khó nghe, bắp rất hiếm chưa hề được ăn, chỉ có khoai lang dễ trồng, lại ngọt. Nhưng củ khoai khó có lắm. Là vì đọt khoai, lá khoai mới nhú lên khỏi thân chưa đủ lớn đều bị vặt sạch, cho nên những đốt khoai nằm bên dưới đất chỉ sản xuất ra những dây rễ dài, nhỏ, quăn queo, chứ không phải củ.

Cuối cùng, ngày Tết chúng tôi được ăn thịt heo. À ra thế, mỗi lán lâu nay được phép cử một người phụ trách “vỗ béo” một con lợn nhốt trong cái chuồng nhỏ lợp tranh nằm kế rãnh nước cuối dãy nhà xập xệ. Tưởng nuôi heo để làm gì, hoá ra để làm thịt ăn Tết. Phải thừa nhận rằng Khung cũng có quan tâm đến Tết nhất của tù. Nhưng khi Tết đến, con heo chưa được “vỗ béo” kịp, nhỏ và gầy quá vì nó cũng thiếu ăn, mà số người của mỗi lán gầy hơn heo nhưng lại quá đông. Chia ra mỗi người được tí thịt heo nhỏ hơn một ngón tay. 

Lán chúng tôi liền có sáng kiến. Gom lại tất cả các phần thịt được chia cho mỗi người, cùng với gạo, thay vì nấu cơm, nấu một chảo cháo heo to tướng, không hành, không tiêu, trắng xoá bềnh bệch. Chiều Mồng Một Tết, mỗi người tù đứng một nơi co ro vì lạnh, tô cháo nóng lỏng bỏng sưởi ấm hai bàn tay, không cần đũa hay muỗng, tay nâng tô lên, kề miệng vào tô húp rột rột, nuốt chầm chậm sợ mau hết. Thịt đã tan biến đi đâu hết, nhưng khói từ cái tô bốc lên phả vào mặt, vào mũi, vẫn thoang thoảng cái mùi thơm tho ngây ngất.

Tết phải có giải trí. Mọi người được lệnh phải tham gia. Một quản giáo trước giờ có tiếng là ít nói nhưng có vẻ cảm thông với phe ta, tức là phe tù, bỗng trở chứng lên giọng sắt máu khiến mọi người ngỡ ngàng: Ngày mồng một Tết mà anh nào còn nằm dài trong lán thì sẽ bị lôi đầu ra ném vào giữa sân. Hay tống cổ lên lầu nước nằm phơi nắng. Cái lầu nước (château d’eau) tại Trảng Lớn vẫn còn đứng đó. Tôi cố nhìn xem có dấu đạn bắn lạc vào hay không, nhưng xa quá, không thấy. Có lẽ đấy là lầu nước đã bị phế bỏ như những nhà kho đổ nát cạnh phi trường.  

Giải trí gồm có: đá banh, cách mạng gọi là nóng đá, cờ tướng, và hát.

Một bạn tù được bầu làm nhạc trưởng ôm cây đàn ghi ta tự chế tạo, tiếng kêu rổn rảng lơ lớ, tập họp những ai thích hát thành một ban tốp ca. Hát bài gì? Nhạc vàng của nguỵ tất nhiên bị cấm. Còn lại là “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng…” Hai bản nhạc “Dậy Mà Đi” (Dậy mà đi, dậy mà đi. Ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần. Dậy mà đi, dậy mà đi. Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi …) và “Kết Đoàn” (Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững, dù sắt hay là gang, còn kém bền vững…) được hát trong mấy tháng mới vào tù, nay cũng bị cấm nốt. 

Không lẽ cứ hát hoài Như Có Bác Hồ… chán phè. Tôi và một bạn tù đứng riêng một chỗ vắng hát thì thầm Ly Rượu Mừng: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó ...” Một người tù từ B khác tới hỏi han:

“Hai bạn nhạc vàng hả? Chớ! Chớ! Đừng! Đừng! Nghe tôi đây: ‘Như có chú Cháo trong đêm buồn đại bại’ Cháo thịt heo đó mà …” 

Hát xong anh ta quay người đi lẫn vào trong nhóm cờ tướng. Khá nhiều bàn cờ tướng bằng giấy đặt trước hiên lán, hay ngoài sân đất bên gốc cây. 

Ban “tốp ca” èo uột quá, đành giải tán. Kẻ thì nhập vào ban cờ tướng. Không ngồi đánh cờ cũng phải đứng quanh coi và cổ võ. Kẻ thì vào đội đá banh hoặc coi đá banh. Nói đúng ra cũng có người giải trí bằng cách khác mà không bị gọi đi “làm việc”. Họ mang bao cát ra may thêm áo quần mới, áo 3 lỗ, quần xà lỏn, hoặc những người khéo tay lấy nhom [8] mài, dũa, gò thành những mỹ phẩm: lược, vòng, con rồng, con phượng, con cá, con cọp, con ngựa, trông vui mắt. Có người tụm năm tụm ba đi vòng vòng quanh lán nhiều lần, nói chuyện thì thầm với nhau. Hoặc chẳng nói năng gì cả, mặt mày đăm đăm.  

Tôi thích đá banh. Không đủ người nên mỗi đội chỉ có khoảng 6, 7 cầu thủ. Đội của tôi ở trần, chưa ra sân tôi đã cảm thấy lạnh, đội kia mặc áo bao cát [9]. Sân banh vốn là một khu đất hoang đầy cỏ cú, cỏ trinh nữ nhiều gai, đá nhọn. Lại đá chân không, chắc chắn trước sau gì cũng toạc móng chân cái. Cho nên tôi đành xin rút lui, giã từ những cầu thủ gầy còm, hốc hác, ở trần giơ xương sườn, xương sống, và cái sân banh lôi thôi, nham nhở. Ngoài ra còn một lý do nữa. Bụng đói, liệu có chạy nổi hết nửa hiệp đầu hay không.  

Thế tôi phải làm gì bây giờ? Nhập vào ban cờ tướng vậy. Tôi biết tôi có thể ngồi lâu một chỗ dí đầu dán mắt vào bàn cờ, quân cờ, nước cờ, chai lì đánh cờ từ sáng đến chiều, không sốt ruột, không nao núng vì bất cứ cái gì cả, cũng không nhức đầu, đau óc, bỏ quên cả bữa ăn trưa, mà ăn cái gì nhỉ vào trưa ngày Tết này, chiều đã có cháo rồi, mà cần gì ăn, lần đầu tiên tôi quên cơn đói xốn xang, thường trực. Quên nhiều thứ khác nữa, quên hết, quên vợ con đang bơ vơ trong thành phố thân yêu xa xôi đó hiện giờ chẳng biết ra sao, cái thành phố Sài Gòn nay không biết nằm phương nào.  

Rồi ngày Tết cũng hết, chỉ nghỉ Tết một ngày. Đêm lại về. 

Đêm muà đông mênh mông, tối tăm, về với những cái lán dài lợp tôn cháy sém nằm song song bên nhau mà có vẻ như bị hầm hố bao quanh ngăn cách. Song song nên không bao giờ gặp nhau, vâng, quan hệ giữa các lán tuyệt đối bị cấm chỉ. Không tiếng cười nói, vui đùa, không một tiếng khua động nào, tịch lặng như bãi tha ma. Đêm mồng một Tết không đèn, không lửa, không nhang, không khói. Nhưng có nhiều người với những dáng vẻ khác nhau. Kẻ thì chồm hổm trong bóng tối thì thầm bắt chuyện, nói chuyện, kẻ thì ngồi riêng một góc lâm râm tụng kinh, đọc kinh, hay độc thoại, kẻ thì quay ra nằm ngủ trên những chiếc sạp gỗ mối mọt, xiêu vẹo, không mền, không chiếu, thỉnh thoảng ú ớ nói trong mơ.

Tôi không ngủ được. Nghĩ đến gia đình là bế tắc ngay. Vợ con có còn khả năng ăn Tết hay không? Có còn tiền để mua sắm, chuẩn bị đón năm mới? Vợ từ trước đến giờ ở nhà làm nội trợ đảm đang, lo săn sóc cho chồng và 4 đứa con, đứa lớn nhất đang học tiểu học, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Việc “kiếm cơm” là của người chồng, nay ở tù vô thời hạn. Hàng trăm nghìn gia đình “ngụy” khác có lẽ cũng chẳng khá gì hơn. Họ có thể nào sống sót cho qua cơn đại hồng thủy này? 

Như con đà điểu sa mạc vùi đầu vào cát để khỏi thấy cái nguy hiểm sắp xẩy đến, người ta nói thế, tôi cũng bắt chước nó, nhất quyết chận đứng những ý nghĩ đen tối trên kia lại, cố chuyển qua chuyện khác sáng sủa hơn. Làm như thể trong đầu có nhiều ngăn kéo, mỗi ngăn kéo chứa đựng mỗi suy nghĩ riêng, được sử dụng khi cần đến.     

Tại sao mình lạc bước vào nơi này? Tôi nghĩ đến những bài học “bồi dưỡng chính trị” trong đó kẻ chiến thắng đã trả lời tại sao, theo ý họ. Rồi bắt buộc chúng tôi, những kẻ chiến bại, những tên tù bị tước đoạt hết mọi khả năng chống trả, phải tự thú, tự gíác nhìn nhận tội lỗi của mình, và công trạng của họ. Mà tội ác và hình phạt gắn liền với nhau. 

Cả một giai đoạn lịch sử ngổn ngang, rối bời và đầy đau thương [10] hiện ra trước mắt. Sau này, khi đã rời khỏi chốn tù tội, tôi có dịp tìm hiểu thêm. 

Họ thắng là nhờ vào sự viện trợ lớn lao, bền vững, và lâu dài của Tàu, Nga, và những nước Đông Âu. Nhưng thử hỏi đấy có phải là viện trợ suông, không hoàn trả? Hay đó chỉ là cái bẫy nợ, nếu không trả đủ sẽ bị mất đất, mất đảo, mất biển, không khéo sẽ mất nước. 

Ta bại khi đồng minh cắt viện trợ khiến ta không có đạn dược, súng ống, để chống lại sức mạnh của cả khối Cộng sản. 

Họ bảo họ có chính nghĩa vì đã giải phóng đất nước và du nhập chế độ Cộng sản. 

Ta bảo ta có chính nghĩa vì đã bảo vệ đất nước được độc lập, và góp phần vào công cuộc chống Cộng của thế giới tự do. 

Vậy ai có công? Ai có tội? Thắng, có công? Bại, có tội?

Một câu hỏi khác có thể đến với người Việt Nam lưu vong: Thế giới tự do có mang một trách nhiệm nào đối với Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử?  

*

Quên bữa ăn trưa, chỉ có một tô cháo cho bữa ăn tối, cho nên vào giờ này tôi đói cồn cào. Đã khuya. Mọi người trong phòng đã yên ngủ. Tôi nằm trằn trọc mãi, bây giờ thì chỉ nghĩ đến miếng thịt heo nhỏ tan biến hết trong nồi cháo. Rồi nghĩ đến con heo nhỏ và gầy nuôi vội trong cái chuồng xiêu vẹo ở cuối lán, mà thỉnh thoảng đi lao động về tôi ghé thăm nó xem nó có lớn lên được chút nào. Hôm nay nó đã được hóa kiếp.  

Lại thao thức tiếp tục nghĩ đến chuyện ăn uống, càng đói càng ăn uống bằng tưởng tượng, và nhớ đến hai bạn tù bàn về thịt heo. Một bạn say sưa nói ăn thịt heo như thế này mới ngon. Luộc chín tới cái đùi trước, đùi sau nhiều xương không ngon bằng, cắt thành từng lát nhỏ không dày không mỏng, đủ da, đủ thịt, đủ mỡ, thịt ba chỉ, đặt lên trên mỗi lát thịt một hai con tôm chua đã ngức đầu ngức đuôi, vài lát khế chua, chuối chát,  ớt đỏ, rau thơm, rồi lấy bánh tráng mè nướng nhúng nước cuốn lại thành những cuốn tròn nhỏ bằng ngón chân cái, vừa một miếng ăn. Lủm hết vô miệng, trợn mắt nhai ngấu nghiến, nuốt ực, sùi bọt mép. Tiếp theo, vài ngụm bia ướp lạnh thông cổ. Một bạn khác phản đối cho rằng đã ở tù mà còn rườm rà chi lắm thế, dù chỉ trong mơ ước nghe cũng điên đầu, đau bụng. Tôi thì hãy cho tôi một cục thịt heo luộc to bằng nắm tay có nhiều mỡ, một con dao bén, và một nhúm muối tiêu.

Dường như tiếng pháo xa xa văng vẳng đến. Pháo Tết chăng, tôi thảng thốt lắng nghe, quên ngang chuyện ăn uống trong tưởng tượng. Không, không phải pháo. Loạt mưa hạt nhỏ rơi rất nhẹ trên mái tôn nghe rì rào từng chặp. Rồi nhiều loạt mưa nữa sẽ theo gió bay từ lán của tôi qua những lán khác, rồi bay ra khỏi những dãy hàng rào trùng trùng vây quanh Trảng Lớn, và bay mãi, bay mãi, cho đến chân núi Bà Đen nằm mờ mịt trong sương khói. Bỏ lại tôi nơi này.

Ngự Thuyết                                                                                                                                            1/1/2024      

——————-

Chú thích:

[1] Một lối đánh bài đơn sơ đã có từ lâu đời nay vẫn tồn tại, và chỉ chơi trong mấy ngày Tết ở Huế. Ăn thua không bao nhiêu. Ăn thì phải đổi tay cái, mà cái thường thắng. Cho nên các tay bài thường thay nhau ăn thua. Con bài làm bằng  giấy dày dài độ nửa gang tay, bề ngang độ 2cm, đầu trên có chữ Hán, chữ Nôm giản lược, thiếu nét, đoạn giữa là hình vẽ rất quái lạ, khiến ta nghĩ đến  tranh lập thể khi vẽ người, tranh tượng trưng khi vẽ đồ vật hay thú vật. Tên những con bài cũng rất ngộ nghĩnh: con rún, con gối, con nghèo, con tám gióng, con sáu hột, con nhọn, con ngủ trưa, con gà, con mõ, con tử, con voi, con xe, con ầm, con bạch tuyết, con nọc đượng (hai con sau cùng ám chỉ bộ phận sinh dục nam, nữ), v.v… Đây là loại văn hoá dân gian (folklore) mô tả sinh hoạt đồng quê, thôn dã, rất gần gũi, rất sinh động.

[2] Cũng tại Huế chơi vào dịp Tết. Một bộ thẻ bằng tre, gỗ, hay ngà voi gồm có thẻ nhất hường (tú tài), nhị hường (cử nhân), tứ tự (phó bảng?), tam hường (tiến sĩ), tứ hường (trạng nguyên). Và một bộ 6 con súc sắc, mỗi con 6 mặt có  số từ 1 đến 6. Người chơi nắm trong tay tất cả 6 con súc sắc đổ vào cái tô lớn, tô sứ cổ loại tốt để phát ra tiếng reo thanh và cao. Súc sắc quay trong tô trong khoảnh khắc thì dừng lại hiện lên những con số khác nhau hoặc giống nhau từ 1 đến 6, và số 4 quan trọng nhất. Chẳng hạn hiện lên 1 số 4 thì gọi là nhất hường, 2 số 4 là nhị hường v.v… và người đổ sẽ lấy những cây thẻ tương ứng nói trên. Hên sẽ lấy được nhiều thẻ hoặc thẻ cấp lớn, và  thắng. Thường chỉ người có tuổi hoặc khá giả mới đổ xăm hường. Vể sau, phổ biến nhiều trong dân chúng. Tiếng đổ Xăm Hường từ những ngôi nhà vườn reo lên văng vẳng vào ba ngày Tết nghe thật êm ả, ấm cúng.  

[3] Bài Vụ của nhà cái gồm có: 1 tấm giấy hay ván mỏng trên đó có những ô vẽ hình con gà, tôm, cua, cá …, và 1 con vụ hình trụ 8 mặt khắc hay dán vào những hình vẽ gà, tôm, cua cá … tương ứng. Nhà cái dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ xoắn mạnh cán vụ, cây vụ sẽ xoay tròn trên chân vụ. Nhà cái úp cái chén nhỏ lên con vụ khi nó đang quay trong khi người chơi đặt tiền vào ô nào tuỳ ý. Nhà cái giở chén ra khi con vụ đã hết đà nằm xuống chìa 1 trong 8 mặt lên. Người chơi đặt trúng với mặt chìa lên đó là thắng cuộc, được chia tiền.  Trò chơi này rất đơn giản, tiền thân của trò Bầu Cua bây giờ.

Đây chỉ là vài thông tin  sơ lược về 3 loại giải trí đặc biệt ở Huế. Tất nhiên còn có những chi tiết và quy luật khác của Bài Tới và Xăm Hường.

[4] Nếu tôi nhớ không lầm, thông báo mập mờ rằng những ngườii trình diện phải mang theo thức ăn dùng đủ 10 ngày. Mọi người suy luận rằng như vậy chỉ đi học tập cải tạo trong 10 ngày.

[5] Những trại gia binh cũ của binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà trong Trảng Lớn, Tây Ninh, sau khi Miền Nam sụo đổ, được dùng để giam giữ tù cải tạo, gọi là lán. Đó là những dãy nhà lợp tôn dài, sơ sài, nhiều dãy bị pháo kích lỗ chỗ dấu đạn, mái tôn cháy sém cong queo, đổ nát. Có lẽ chữ “gia binh” không đúng như thường được gọi, vì gia binh là binh sĩ hầu cận của một gia đình quan lớn ngày xưa. Trong khi đó, đây là cái trại dành cho gia đình, vợ con, binh sĩ.    

[6] B trưởng là người tù cầm đầu 1 trung đội tù khoảng trên 30 người. 

[7] Ban chỉ huy trại tù.

[8] Tại phi trường Trảng Lớn có một chiếc máy bay phế thải nằm gần nhà kho cũ. Tù đến gỡ nhom mang về lán. Họ có nhiều sáng kiến. Từ những miếng nhom cong queo, họ chế thành những “mỹ phẩm”. Một gốc trúc có thể biến thành cái ống điếu rất đẹp; tôn bị cháy sém, mài, tẩy, gò thành chiếc va-li samsotôn (nhại chữ va-li samsonite), hay hộp đàn ghi-ta.   

[9] Trảng Lớn có sân bay, đường bay, và nhiều ụ công sự phòng thủ chất bao cát chung quanh. Chúng tôi xổ cát ra, lấy bao cát may làm áo quần sử dụng suốt ngày đêm, năm  này qua năm khác. Bộ quần áo mang theo từ hồi trình diện đi tù cải tạo vẫn giữ nguyên vẹn trong nhiều năm cho đến ngày “ra trại”, tức là ngày được phóng thích. Chúng tôi thừa biết thân nhân của mình bên ngoài nhà tù cũng đói rách, thiếu thốn, cho nên không muốn họ phải tiện tặn mua sắm thêm áo quần cho thân nhân ở tù. 

[10] Hãy bình tâm xem lại một giai đoạn lịch sử cận đại. Lịch sử từ xưa đều do kẻ chiến thắng viết theo chủ quan và ý đồ của họ. Họ tô son điểm phấn những gì họ làm và mạt sát kẻ chiến bại. Nay là thời đại của tin học. Nhờ có thông tin nhanh chóng, đa dạng, đa chiều, ta có thể nhận diện lịch sử một cách dễ dàng hơn, và chính xác hơn.    

Ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại xóa bỏ Hoà Ước Giáp Thân năm 1884 (Hoà Ước Patenôtre ký kết giữa triều đình Việt Nam với Pháp), và tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Ông Trần Trọng Kim được mời lập chính phủ. Chính phủ Trần Trọng Kim dù chỉ tồn tại trong 4 tháng, được Nhật hậu thuẫn, nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập, và đã để những nền móng đáng trân trọng cho các chánh quyền về sau.

Ngày 14/8/1945, Nhật thua trận, đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ, vua Bảo Đại thoái vị. Mười ngày sau, Chính phù Cách Mạng Lâm Thời ra đời vào ngày 24/8/1945, với sự hợp tác của những chính khách thuộc các đảng phái, hoặc không đảng phái, trong đó Việt Minh mạnh nhất. Cựu Hoàng Bảo Đại và Giám Mục Lê Hữu Từ được mời làm cố vấn tối cao. Việt Minh với sự yểm trợ của cả một khối Cộng sản quốc tế Nga và Tàu nên tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch lâu dài, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lật đổ, cướp chánh quyền, trong khi đó những đảng phái quốc gia hoạt động rời rạc, cô lập. 

Tháng 3, 1946 Hiệp Định Sơ Bộ được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Jean Sainteny xác nhận sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam. Không còn phải đương đầu với Pháp, Việt Minh khởi sự thanh trừng những thành phần đối lập, hoặc khác chánh kiến, hoặc không thuộc về đảng của họ. Sau một thời gian, nhận thấy Việt Minh là Cộng sản, một số nhân vật trong Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã trốn ra nước ngoài hoạt động, trong đó phải kể đến Nguyễn Hải Thần, Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Bộ Trưởng Ngoại Giao, Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo), Bộ Trưởng Kinh Tế, Vũ Hồng Khanh, chính khách, và Bảo Đại, cố vấn.

Chẳng bao lâu, chiến tranh Việt–Pháp bùng nổ. Trong giai đoạn đầu, Việt Minh không chống nổi, phải rút vào chiến khu. Việt Nam lâm vào tình trạng vô chính phủ. Nhân đó, cựu hoàng Bảo Đại được một số chính đảng và Pháp ủng hộ mời về nước. Hiệp Ước Vịnh Hạ Long sơ bộ được ký kết giữa cựu hoàng và Pháp năm 1947, tiếp theo là Hiệp Ước Vịnh Hạ Long năm 1948, xác nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Như vậy, cái gọi là Nam Kỳ Tự Trị  mà Pháp muốn xây dựng để cải biến thành thuộc địa của Pháp cũng phải trao trả lại cho Việt Nam. Kể từ đấy, nước Việt Nam thống nhất từ bắc tới nam trừ một số vùng do Cộng sản kiểm soát, đấy là:  vài khu vực phía bắc tiếp giáp với Tàu;  Thanh Nghệ Tĩnh, một phần của Quảng Nam, và Quảng Ngãi, Bình Định. 

Nhưng khác với người Anh (Đế quốc Anh rộng mênh mông bao trùm Mỹ châu, Phi châu, Á châu, Úc châu. Sau Thế Chiến II, nhận thức rằng chính sách thực dân, thuộc địa đã hoàn toàn lỗi thời, nhu cầu giải thực nở rộ trên khắp thế giới, người Anh không chút ngần ngại trả lại độc lập cho tất cả các nước bị Anh đô hộ.) người Pháp không thật lòng. Trước sau gì cũng phải rút lui về nước, Pháp vẫn cố bám lấy một số quyền lực, do đó đã gây nên nhiều hệ lụy cho giải pháp Bảo Đại, và cho cả lực lượng chiếm đóng của Pháp. 

Sau khi đánh bại Trung Hoa Dân Quốc năm 1949, và kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, Trung Cộng rảnh tay ồ ạt trợ giúp Cộng sản Việt Nam, và kết quả là Cộng sản Việt Nam đã  đại thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954, chia đôi nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Việt Nam Cộng sản ở Bắc vỹ tuyến nằm trong khối Cộng sản quốc tế với Trung Cộng, Liên Xô, và những nước Đông Âu. Việt Nam Cộng Hoà ở Nam vỹ tuyến thuộc phe Tư bản với Mỹ và những nước đồng minh Tây Âu. Pháp hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Việt Nam Cộng Hoà hoàn toàn độc lập. 

Nhưng Hiệp Định Genève, hay những gì ký kết sau này với Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh, đối với Cộng sản Việt Nam, đấy chỉ là những giao ước tạm thời chờ dịp xé bỏ. Họ luôn luôn nuôi tham vọng thôn tính miền Nam, rồi từ đó, cùng với Cộng sản quốc tế nhuộm đỏ luôn những nước Đông Nam Á theo thế chẻ tre mà Tây phương gọi là thế cờ Domino. Chiến tranh Nam Bắc bùng nổ. Mỹ và Đồng Minh giúp miền Nam tự vệ chống Cộng xâm lăng, luôn luôn giữ thế thủ. Miền Bắc được Trung Cộng và Liên Xô viện trợ, luôn luôn ở thế công. Không những thế, họ gài người vào miền Nam quấy phá, bạo loạn, ám sát. 

Tuy nhiên, một số dư luận trong và ngoài nước Mỹ cùng với giới truyền thông thiên tả thường lên án Mỹ đã vô cớ can thiệp sâu vào nội tình của một nước xa xôi ở Đông Nam Á là Việt Nam. Thật ra Mỹ không có nhu cầu chiếm đất. Họ giúp miền Nam chận đứng làn sóng đỏ. Chỉ nỗ lực này mà thôi cũng đủ biện minh cho sự hiện diện của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Các quốc gia ở Đông Nam Á cũng nhờ vậy mà khỏi sợ bị Cộng sản thôn tính, yên tâm xây dựng đất nước, trở nên hùng mạnh về kinh tế lẫn quân sự.  

Nhưng khi đã bắt tay hữu nghị với Trung Cộng năm 1972, Mỹ nhận thấy, một là không cần phải chống cộng bằng vũ lực nữa, hai là trước một nước với lãnh thổ mênh mông và dân số trên 1 tỷ người, nhiều nguồn lợi có thể khai thác, Mỹ bèn chọn giải pháp cùng tồn tại hoà bình (peaceful coexistence) với Cộng sản. Cho nên Mỹ liền bỏ rơi đồng minh Việt Nam Quốc Gia, cắt hết mọi viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Trong khi đó, khối Cộng sản vẫn tiếp tục tăng viện cho Bắc Việt gấp bội với cả quân sĩ (trên 300 nghìn quân Trung Cộng trong những đơn vị tiếp vận, và một số quân Liên Xô chuyên về phòng không) lẫn vũ khí hiện đại hơn, chẳng hạn như xe tăng, súng ống, máy bay. Một mình miền Nam không thể nào chống cự nổi, gượng gạo chiến đấu thêm vài ba năm, và sụp đổ. Nhiều người uất ức thốt lên: Việt Nam Cộng Hoà đã bị đồng minh Mỹ “bức tử”. Cả triệu người Miền Nam vào nhà tù của Cộng Sản. Hơn 1 triệu người miền Nam vượt biển, vượt biên tìm tự do, trong số đó một nửa bỏ mình trên biển cả hay trong rừng sâu núi thẳm. Thế giới kinh hoàng.