Ngu Yên: Sáng Tác Phản Xạ

Đọc thơ, dù vô tình hay cố ý, người đọc sẽ tự động theo dõi sự tình biến chuyển trong bài thơ. Sự biến chuyển này trong lãnh vực sáng tác là sự vận chuyển thơ của tác giả. Người đọc có cảm nhận, giải mã, hoặc thẩm thấu được bài thơ hay không, là do nghệ thuật và khả năng vận chuyển thơ của mỗi nhà thơ. Còn giá trị của bài thơ tùy thuộc vào ý tưởng, cảm xúc thẩm mỹ, và nội lực sáng tác.

Amazon giao hàng đến tận nhà người mua, thấy dễ dàng và hữu hiệu. Sắp sửa có con drone bay đến trước cửa, thả hàng xuống, chụp hình làm bằng chứng, rồi text cho người nhận hàng biết tin tức. Hay quá. Văn minh quá. Nhưng để Amazon có thể vận chuyển dễ dàng như vậy, họ phải trải qua một hành trình, chứng nghiệm, phức tạp và khó khăn. Sau đó, phải tiếp tục cập nhật, sửa chữa cho tốt đẹp hơn, không biết bao giờ chấm dứt. Vận chuyển thơ đến thưởng ngoạn cũng rối rắm, nhiều trở ngại và không có thời điểm kết thúc. Về phía người đọc thời nay, họ muốn nhận thơ dễ dàng thuận tiện như nhận hàng Amazon. Nếu không, họ sẽ thưởng ngoạn những thứ khác.

Không phải người ta tạo đời sống thành thói quen, mà chính đời sống tạo thói quen cho con người. Xã hội và đời sống chủ nhân tạo thói quen cho con chó bảo vệ quyền lợi người chủ, mặc dù bản tính nó có thể trung thành. Ai biết được, chó sói có trung thành hay không? Hoặc chỉ là bản năng sinh tồn của nó. Đối với sáng tác, bản tính sinh tồn của thơ không quan trọng bằng thói quen của thơ khi xuất hiện vào tác phẩm.

Nghệ Thuật Sáng Tác Phản Xạ.

Phản xạ là hiệu quả của thói quen, tập quán; của suy nghĩ, hành vi, lập đi lập lại hàng ngày; của phản ứng đã ăn sâu vào tiềm thức; của ứng biến từ vô thức. Hầu hết, đời sống được xây dựng bằng phản xạ, dù có sự tham dự của trí não. Thông thường, ý thức không ngăn cản nổi khả năng phản xạ, chỉ đến sau để kiểm soát phẩm chất và giá trị của phản xạ đã thành hình. Diễn trình này áp dụng vào sáng tác, ngụ ý thơ xuất hiện một cách tự nhiên, trơn tru, và khi đạt đến cao độ, người ta gọi là thơ “rồng bay phượng múa.”

Trong những trường hợp nhận thức và suy nghĩ đưa ra những hành động hợp lý nhưng động lực thành hình không tránh khỏi sự hiện diện của thói quen, tập quán, và bàn tay lèo lái vô hình của tiềm thức. Diễn trình này áp dụng vào sáng tác sau giai đoạn bài thơ đã hoàn tất. Tức là lúc kiểm tra, tái xét hoặc tái tạo bài thơ. Việc này quan trọng, vì nếu thơ chưa bay chưa múa, đây là lúc mời rồng tìm phượng đến giao tiếp tinh hoa.

Diễn giải một cách kỹ thuật hơn, thơ là một kết hợp giữa ý thức và vô thức. Không có công thức pha chế nhất định. Ở nhà thơ này, nặng ý thức. Ở nhà thơ kia cao vô thức. Bài thơ này biểu hiện sự tham dự thường xuyên của trí não. Bài thơ kia cưu mang hào hoa của tình cảm. Dù là nặng luận lý hoặc nhiều cảm tính, thơ xuất hiện phải tự nhiên và thông suốt. Dù thâm trầm suy tư, nhưng diễn đạt nhẹ nhàng, dễ hiểu. Dù tràn ngập cảm xúc, ý tứ vẫn thẩm mỹ. Dù nói chuyện bình thường vẫn ngụ ý cao kỳ. Nói một cách khác, luôn luôn có sự hòa hợp, không nhất thiết cân bằng, giữa trí và tình. Nhà thơ có thể suy tư, trăn trở, lâu dài về một vấn đề gì, nhưng khi sáng tác, thường kết thúc trong một thời gian ngắn. Có khi, bài thơ xuất hiện một mạch từ đầu đến cuối. Đang lúc làm thơ, sự suy nghĩ thường gây trở ngại, đứt đoạn dòng cảm xúc. Do đó, thơ chính là phản xạ thơ.

Phản xạ là một khả năng bẩm sinh. Tự động thành hình và phản ứng theo tự nhiên. Nhưng khả năng phản xạ có thể tu tập, trao dồi để gia tăng phẩm chất. Giống như người học đánh máy chữ, càng thực hành, càng luyện tập, phản xạ càng nhanh càng chính xác. Phản xạ khi đã đạt được mức độ thuần thục, sẽ tồn tại trong tài năng. Nếu không sử dụng lâu ngày, có thể bị chậm lụt, nhưng không bao giờ mất. Như một người biết đi xe đạp, dù bỏ bao lâu cũng có thể leo lên, có lẽ hơi lạng quạng một chút, nhưng rồi sẽ phóng chạy như thuở nào. Biết bơi cũng vậy. Về mặt nghệ thuật, hãy thưởng thức tài ba của các nhạc sĩ chơi đàn, nhất là vỹ cầm, khả năng phản xạ của họ rất nhạy và chính xác. Nhạc sĩ phản xạ với nhạc khí và âm nhạc. Thi sĩ phản xạ với ngôn ngữ và thơ.

Phản xạ nghệ thuật là phản xạ của cảm hứng, ngẫu hứng và tùy hứng. Nồng độ của hứng tùy thuộc vào mức độ thấp cao của cảm xúc. Nồng độ này là động lực thúc đẩy phản xạ từ phản ứng bình thường đến phản ưng hoàn toàn vô thức.

Nói chung, sáng tác và phản xạ đi đôi với nhau. Quan điểm này cần được chú trọng và khai mở trong lãnh vực sáng tác nghệ thuật.

Trong bài này, tôi xin trình bày vài suy nghĩ về nghệ thuật sáng tác phản xạ của thơ. Tức là nghệ thuật vận chuyển thơ trong lúc sáng tác. Rồi sẽ bước sang phần khả năng tự kỷ ám thị để tiềm thức phát động và tham gia vào sáng tạo.

Nghệ thuật vận chuyển thơ trong các thể loại thơ vần như thơ Lục Bát, thơ Đường Luật, … cho chúng ta những ví dụ cụ thể về sự vận chuyển bị kềm hãm qua những luật lệ. Khi mới bắt đầu sáng tác những loại thơ này, người viết gặp nhiều khó khăn vì chưa quen và chưa thông, nên thơ khó đạt được phẩm chất cao. Nhưng đến một lúc nào, luật thơ đã thấm nhuần, không cần phải lưu tâm, tự nhiên xuất khẩu thành thơ. Luật lệ đó đã nhập vào phản xạ. Vì vậy, trong vòng luật lệ, thơ vần vẫn biến hóa tinh kỳ, mang giá trị lâu dài. Quan điểm này cũng chứng minh, phản xạ và khả năng làm thơ hay có liên hệ mật thiết.

Những thể loại thơ không sử dụng nhiều luật lệ thành văn cho phép sáng tác được tự do và dễ dàng bay biến. Phản xạ vô thức có nhiều cơ hội xuất hiện theo cảm xúc thả lỏng. Sự vận chuyển ít bị ngăn trở, dễ thông suốt và tự nhiên. Tuy vậy vì sự dễ dãi của thể thơ và phương cách sáng tác, sự cường điệu của ý thức có thể được xem lầm là phản xạ của vô thức. Nhiều câu thơ được ý thức chải chuốt lộng lẫy”, để thay thế vai trò câu thơ phản xạ từ vô thức.

Đối với người viết và người đọc ít kinh nghiệm sẽ khó nhận ra sự cường điệu nào, sự phản xạ nào, gây tổn thương cho bài thơ. Ranh giới phân chia giữa ý thức và vô thức là một sợi tóc vô hình, vì vậy cường điệu ý thức có thể là cường điệu vô thức, phản xạ vô thức có thể là phản xạ ý thức.

Trong lịch sử thơ Việt, có lẽ, thơ của Hàn Mặc Tử vào giai đoạn sau, gần cuối đời, là những bài thơ biểu lộ nhiều vô thức phản xạ.

“Không nói không rằng nín cả hơi ! Chao ôi ! ghê quá trong tư tưởng, Một vũng cô liêu cũ vạn đời !”

(Cô Liêu)

Câu, “Chao ôi ghê quá trong tư tưởng” bình thường mà rúng động vì ngôn ngữ phản xạ nối vào “Một vũng cô liêu cũ vạn đời.”

Hoặc:

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Sao bông phượng nở trong màu huyết,

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”

(Những Giọt Lệ.)

Có thể, vừa đọc xong đã cảm thấy hài lòng, một chút băn khoăn, một chút ngậm ngùi cho kiếp sống.

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?” Hầu hết chúng ta đều có lúc đã tự hỏi như vậy. Một trong đặc điểm của vô thức phản xạ là bật ra tứ thơ và ngôn ngữ diễn tả phù hợp với kinh nghiệm chung của đám đông.

Sự thưởng thức thú vị này nên phân biệt với những câu thơ diễn tả kinh nghiệm của đám đông bởi ý thức.

“Khi người thi sĩ ấy đã gặp

Người tình muôn đời là vô cùng Trong hồn đất.”

(Thanh Tâm Tuyền, Về Quách Thoại.)

Cả hai đều hay, thơ giá trị, nhưng mỗi thơ mỗi vẽ, mười phân vẹn chín.

Ý thức, vô thức, phản xạ, cường điệu, càng tìm hiểu bốn thi tính này, càng bối rối khi phải trả lời: Có phải vô thức là sự vắng mặt của ý thức? Có phải cường điệu là lúc phản xạ theo ý đồ? Cường điệu là một kỹ thuật cần thiết trong sáng tác thơ. Nhất là những loại thơ phản kháng, thơ thời thế, thơ thân phận, thơ hành, … Như vậy, lúc nào cường điệu làm hỏng câu thơ? Và phản xạ, có phải lúc nào cũng tốt?Thông thường, bốn thi tính trên cùng xuất hiện trong một bài thơ. Sự liên hệ hổ tương khó phân biệt nhưng có thể nhìn thấy trong những cấu trúc thơ có giá trị. Xem thi sĩ Nobel, Pablo Neruda (1904- 1973), nói về thơ trong bài Poesia (So sánh liên bản Poetry, dịch bởi Alastair Reid. Nguồn:

http://literarymeditations.com/2018/11/26/poetry-poem-by-pablo-neruda-english-spanish/)

Y fue a esa edad… Llegó la poesía
a buscarme. No sé, no sé de dónde

salió, de invierno o río.

No sé cómo ni cuándo,
no, no eran voces, no eran
palabras, ni silencio,
pero desde una calle me llamaba,
desde las ramas de la noche,
de pronto entre los otros,
entre fuegos violentos
o regresando solo,
allí estaba sin rostro
y me tocaba.

Yo no sabía qué decir, mi boca
no sabía
nombrar,
mis ojos eran ciegos,
y algo golpeaba en mi alma,
fiebre o alas perdidas,
y me fui haciendo solo,
descifrando
aquella quemadura,
y escribí la primera línea vaga,
vaga, sin cuerpo, pura
tontería,
pura sabiduría
del que no sabe nada,
y vi de pronto
el cielo
desgranado
y abierto,
planetas,
plantaciones palpitantes,
la sombra perforada,
acribillada
por flechas, fuego y flores,
la noche arrolladora, el universo.

Y yo, mínimo ser,
ebrio del gran vacío
constelado,
a semejanza, a imagen
del misterio,
me sentí parte pura
del abismo,
rodé con las estrellas,
mi corazón se desató en el viento.

Rồi hôm nào tuổi ấy … Thơ đến
tìm tôi. Không quan tâm,
không biết từ đâu

thơ xuất hiện, từ mùa đông
hoặc từ lòng sông.

Không biết bằng cách nào, khi nào,
không ,không phải tiếng nói, không
phải ngôn từ, không phải vô thanh,
nhưng từ đường phố đã mời gọi tôi,
từ cành lá trong đêm,
bất ngờ giữa vạn vật
giữa lửa cháy dữ dội
hoặc đang cô độc trở về,
lúc đó tôi không biết mình là ai (1)
và thơ làm tôi cảm động.

Không biết nói gì, miệng
ngậm câm
không lời, (2)
mắt như mù,
và trong hồn có gì đang khởi động,
cơn sốt hoặc đôi cánh bị lãng quên,
và bằng một cách riêng
tôi giải đoán
ngọn lửa đó
rồi rụt rè viết câu thơ đầu tiên,
mơ hồ, không nội dung,
hoàn toàn vô nghĩa,
hoàn toàn lý trí
của người chưa biết gì,
bất chợt tôi thấy
bầu trời
tách rời
mở rộng
những hành tinh
những mảnh trời xung động,
những bóng đen loang lổ,
xuyên thủng
những mũi tên, lửa và hoa,
đêm ngộp ngạt và vũ trụ.

Còn tôi, bé nhỏ,
say với không trung mênh mông
đầy sao,
tương tựa, hình ảnh
huyền bí,
tôi cảm thấy mình như một phần
tinh khiết trong vực sâu,
tôi quay cuồng giữa các vì sao,
trái tim tan vỡ bay theo gió.

Ghi:

  1. “allí estaba sin rostr”o qua bản Anh ngữ là “there I was without a face”, nghĩa đen là “nơi đó tôi không có khuôn mặt.”
  2. mi boca / no sabía / nombrar,” theo bản Anh ngữ là “my mouth / had no way / with names.” nghĩa đen “mệng tôi / không có cách nào / với tên.”

Tôi trích dẫn nguyên văn tiếng Tây Ban Nha vì muốn giữ câu thơ trong ngôn ngữ gốc để người đọc có thể thưởng thức sự cường điệu của vô thức đóng góp vào giá trị và thẩm mỹ của bài thơ. Ví dụ như: “y algo golpeaba en mi alma, / fiebre o alas perdidas,” (và trong hồn đang có gì khởi động / cơn sốt hoặc đôi cánh bị lãng quên”. Và đoạn thơ:

y vi de pronto
el cielo
desgranado
y abierto,
planetas,
plantaciones palpitantes,
la sombra perforada,
acribillada
por flechas, fuego y flores,
la noche arrolladora, el universo

Bất chợt tôi thấy
bầu trời
tách rời
mở rộng
những hành tinh
những mảnh trời xung động
những bóng đen loang lổ
xuyên thủng
những mũi tên, lửa và hoa,
đêm ngột ngạt, vũ trụ.

Một Số Thơ Giải Dụ Về Khả Năng Vận Chuyển

Nói tổng quát, mọi sự kiện vật lý, hóa học hoặc tinh thần; thực tế hoặc trừu tượng; đều thành hình theo diễn tiến làn sóng, hết lên rồi xuống, hết xuống rồi lên. Làn sóng này đi theo chiều thời gian với bản sắc “không cùng tắm hai lần trong một dòng sông,” (Heraclitus) nhưng có căn bản “vạn vật đồng nhất thể,” (Parmenides). Triết học lúc nào cũng khó hiểu. Đây là lý do, thơ cần triết lý nhưng không cần triết học.

Thơ đến với tác giả như làn sóng lúc lên lúc xuống, lúc thấp lúc cao. Rồi cuối cùng là giao động nhỏ dần khi chấm dứt. Nhà thơ vận chuyển thơ như lái chiếc xe cảm xúc, chứa nhiều ý nghĩ, chạy trên con đường ngõ ngách thăng trầm, vô tình một cách cố ý, tung những hình ảnh, tứ thơ xuống ven lề, như trải ngọc ngà lẫn vào sỏi đá. Khi chiếc xe đã cạn cảm xúc, nhà thơ dừng vận chuyển. Sự chấm dứt nên xảy ra đúng lúc. Nếu không, người đọc sẽ cảm thấy tác giả leo xuống, cố đẩy chiếc xa đã hết xăng.

Người đọc thơ có kinh nghiệm, tinh ý sẽ cảm thấy hoặc nhận ra những lời thơ bay bổng xuất hiện trên đỉnh sóng cao và những lời thơ cố gắng khi sóng đã xuống thấp. Ví dụ:

Những nàng tiên nữ ở trên cao. (1)
Bỏ xuống cho ta những trái đào. (2)
Ù té ra sân ta chộp lấy. (3)
Gà con sợ hãi chui vô rào. (4)

(Tượng Số. Thơ Bùi Giáng. Tập Mưa Nguồn.)

Câu (1) đến từ kinh nghiệm quan sát. Câu (2) bay lên từ hư cấu. Câu (3) đuối sức, rơi xuống. Câu (4) kiệt lực. Câu thơ kiệt lực thường là câu thơ dở. Bùi Giáng làm nhiều câu thơ xuất thần nhưng cũng có vô số câu thơ cẩu thả.

Vì tựa đề là “Tượng Số”, có người giải thích nội dung bài thơ như một loại sấm truyền. “Gà con” ngụ ý một năm Dậu nào đó. Không phải “đại dậu” 60 năm. Sẽ có chuyện xảy ra. “Ba nàng tiên nữ: ngụ ý tam cô. Tôi không nghĩ cách giải thích này thuyết phục. Bùi Giáng không có lịch sử liên quan đến bói toán. Dù sao, câu thơ cuối trong bài không phải là câu thơ hay.

Xem nhà thơ Senegal, ông Léopold Sédar Senghor (1906-2001) vận chuyển nội dung thơ “cô độc” qua một ẩn dụ trong đêm lạnh.

I am alone in the plains
And in the night
With trees curled up from the cold
And holding tight, elbow to body, one to the other.

I am alone in the plains
And in the night
With the hopless pathetic movement of trees
That have lost their leaves to other islands.

I am alone in the plains
And in the night.
I am the solitude of telegraph poles

Along deserted
Roads.

Tôi cô độc giữa cánh đồng
trong đêm tối
Với hàng cây co ro vì lạnh
xúm xít, cây với cành,
đan chặt vào nhau.

Tôi cô độc giữa cánh đồng
trong đêm tối
Với hàng cây lay động vô vọng thảm thương
Vì lá đã rụng hết
bay đến các đảo hoang.

Tôi cô độc giữa cánh đồng
trong đêm tối
Tôi là nỗi cô đơn
của dãy cột điện tín

Dọc theo những con đường
Hoang vu.

(I Am Alone. Bản dịch của Melvin Dixon. Trích The Poetry of our World. An International Anthology of Contemporary Poetry. Edited by Jeffery Paine. Perennial, HarperCollins Publisher. 2000. Trang 330.)

Ông sử dụng cảnh cô độc, lạnh lẽo, buồn bã để dẫn đến cô đơn. Nhưng ông không cho người đọc biết trước nỗi cô đơn được tượng trưng bởi dãy cột điện tín, cho đến khi gần chấm dứt. Sự lập lại hai câu đầu của mỗi đoạn có mục đích: 1- không tỏ lộ nhiều chi tiết, 2- nhấn mạnh tứ thơ cô độc, 3- giữ cảm xúc bài thơ không bị hạ nhiệt, 4- Tránh không đưa những câu thơ thừa thãi hoặc thiếu phẩm chất.

Học thuật trong bài thơ này tương đương với phương pháp cấu trúc truyện ngắn. Dẫn cảm xúc và ý tưởng theo tứ truyện từ thấp lên cao. Đỉnh nằm gần kết luận, khi lên đến đỉnh, đưa ra câu giải quyết rồi chấm dứt. Giao lại sự bất ngờ, hoang mang, thắc mắc cho người đọc.

Phương pháp này cũng thường được sử dụng khi đặt đỉnh cao ở ngay câu cuối cùng. Kết luận mở, để ý tưởng và cảm xúc lơ lửng.

Một ví dụ khác của nhà thơ Philip Larkin (1922-1958). Bài thơ Counting (Đếm), (trích cùng nguồn sách dẫn bên trên. Trang 56.)

Thinking in terms of one
Is easily done –
One room, one bed, one chair,
One person there,
Makes perfect sense; one set
Of wishes can be met,
One coffin filled.
But counting up to two
Is harder to do;
For one must be denied
Before it’s tried.

Suy nghĩ về “một”
dễ thực hiện –
Một phòng, một giường, một ghế,
Một người ở đó,
Hoàn toàn đúng;
Một số điều ước có thể đáp ứng,
Một quan tài chứa đầy.
Nhưng nếu đếm lên “hai”
rất khó khăn;
Người ta nên từ chối
Trước khi thử đếm.

Sự vận chuyển của bài thơ này nghiêng về luận lý, ít cảm xúc. Larkin dẫn người đọc từng bước chặt chẽ, đi từ hình ảnh, tứ thơ về tượng trưng “một”, đến ý niệm “hai.” Bài thơ chấm dứt đột ngột ở tứ: nên từ chối trước khi cố gắng đếm. Có lẽ, Người đọc phải đọc lại, mới có thể từ từ giải mã. Cái đẹp điều hay nằm ở chỗ nghi vấn, tại sao không thể đếm “hai”? Ngụ ý của ông là gì?

Có nhiều cách vận chuyển thơ trong một bài thơ. Một trong cái thú đọc thơ là ngẫm nghĩ, cảm nhận cách vận chuyển thơ của tác giả. Câu hỏi để suy nghĩ thêm là vận chuyển tạo ra cấu trúc hay cấu trúc tạo ra vận chuyển?

Nếu đồng ý với nhau, vận chuyển đến từ phản xạ, như vậy, vận chuyển phản xạ tạo ra cấu trúc. Tuy nhiên, cấu trúc có thể đã là kinh nghiệm, thói quen, chờ sẵn trong tiềm thức. Như vậy, cấu trúc phản xạ tạo ra vận chuyển. Quan điểm mâu thuẫn một cách hữu lý này sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta tìm hiểu phẩm chất và giá trị của sáng tác phản xạ.

Vận chuyển phản xạ và cấu trúc liên quan với nhau không quan trọng lắm trong bài thơ ngắn. Nhưng sự liên hệ này cần thiết nên quan tâm khi sáng tác bài thơ dài, nhất là trường ca.

Sự vận chuyển theo cảm hứng sẽ tự nhiên hơn. Một bài thơ xuất hiện theo động lực này thường thấy sự hiện diện của ý thức lẫn vô thức. Những lúc vô thức lên cao, thơ biến hóa hoặc mang đến những diễn tiến bất ngờ, ngoạn mục.

Phân tích bài thơ “From the Diary of an Almost-Four-Year-Old” của nhà thơ Plestine, bà Hanan Mikha’il Ashrawi, (Trích, Jayyusi, Salma Khadra. Anthology of Modern Palestinian Literature. Columbia Unversity Press. 1992. Trang 340.) Lưu ý khi bà chuyển ý thơ của nhân vật, bốn tuổi, từ hoàn cảnh (đoạn 1), sang tâm sự {đoạn 2), sang ẩn dụ (đoạn 3), sang tứ thơ thân phận với những hÌnh ảnh khác lạ (đoạn 4), sang một thảm cảnh về đứa bé sơ sinh chín tháng tuổi có cùng cảnh ngộ (đoạn 5). Bốn câu kết nêu lên tính phi lý của tàn ác. HÌnh ảnh mờ nhạt người lính trong bài thơ tượng trưng cho chiến tranh. HÌnh ảnh cô bé và đứa trẻ sơ sinh tượng trưng cho sự ngây thơ, an lành. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có hy sinh, thảm hoạ cho những người vô tội.

Rasha Houshiyye, cô bé bốn tuổi đang đứng chơi trên ban công tại nhà ông bà nội ở Al-Birch, bị một người lính Do Thái bắn trúng mắt. Cùng một lần, hai đứa bé chín tháng cũng bị bắn hư một mắt. Câu chuyện này được Ashrawi đưa vào sáng tác:

Tomorrow, the bandages
will come off. I wonder
will I see half an orange,
half an apple, half my
mother’s face
with my one remaining eye?

I did not see the bullet
but felt its pain
exploding in my head.
His image did not
vanish, the soldier

with a big gun, unsteady
hands, and look in
his eyes
I could not understand

I can see him so clearly
with my eyes closed,
it could be that inside our heads
we each have one spare set
of eyes
to make up for the ones we lose

Next month, on my birthday,
I’ll have a brand new glass eye,
maybe things will look round
and fat in the middle—
I’ve gazed through all my marbles,
they made the world look strange.

I hear a nine-month old
has also lost an eye,
I wonder if my soldier
shot her too—a soldier
looking for little girls who
look him in the eye—
I’m old enough , almost four,
I’ve seen enough of life,
but she’s just a baby
who didn’t know any better.

Ngày mai, khi tháo băng keo
ra khỏi mắt. Con tự hỏi
phải chăng chỉ thấy nửa quả cam
nửa quả táo
nửa khuôn mặt mẹ
bằng một mắt còn lại?

Con không thấy viên đạn
nhưng cảm giác rất đau
nổ tung trong đầu.
Hình ảnh ông lính
không tan biến,

tay cầm súng lớn,
thất thường,
khi nhìn vào mắt ông,
con không thể hiểu nổi

dù nhắm mắt
vẫn thấy ông rất rõ,
như thể trong đầu chúng ta
có thừa một đôi mắt khác
thay thế
cho đối mắt đã mù

Tháng tới, quà sinh nhật,
con sẽ đeo cặp kính mới toanh,
có thể, mọi thứ nhìn thấy tròn
và phình ra ở giữa –
như nhìn qua các viên bi trong,
biến hình thế giới thành kỳ lạ.

Con nghe một em bé chín tháng
cũng mất một con mắt,
con tự hỏi phải ông lính kia
đã bắn em, (ông lính
đang truy lùng cô bé
đã từng nhìn vào mắt ông)
Con đã lớn đủ, gần bốn tuổi,
chứng kiến nhiều chuyện đời,
còn sơ sinh kia chỉ là đứa bé
chưa biết gì.

Bài thơ này biểu lộ tính truyện Và tính thời sự, thể hiện cảm xúc tạo suy nghĩ cho người đọc Về nạn nhân chiến tranh. Sự Vận chuyển gần gũi với truyền thống kể chuyện.

Làm thơ, không ít thì nhiều, người viết nào cũng muốn chia sẻ với người đọc. Cảm thông giữa sáng tác và thưởng ngoạn là việc nói dễ làm khó. Vài câu hỏi cần được trả lời:

  1. Căn bản, cảm thông đòi hỏi cảm xúc, tâm tư, kinh nghiệm của người viết được người đọc cảm nhận bằng cảm xúc, tâm tư, kinh nghiệm riêng của họ. Câu hỏi: Điều gÌ cần thiết để hai cảm xúc, tâm tÌnh này gặp gỡ, nhận ra nhau?
  2. Cảm thông đòi hỏi ý nghĩa do người viết gửi đi phải được người đọc giải thích, cảm hiểu, bằng một cách nào đó tạo ra sự hài lòng. Như vậy, trình độ hiểu biết của người viết và người đọc cần có sự cân bằng như thế nào?

Phần trả lời những câu hỏi trên nằm trong lãnh vực vận chuyển thơ. Khả năng vận chuyển chính là khả năng tạo ra cảm thông. Chúng ta sẽ tÌm hiểu một cách thực tế hơn trong phần hiệu quả phẩm chất Và giá trị của sáng tác phản xạ.

Tóm lại, thơ thành hình trong một cấu trúc thơ. Cấu trúc thơ thành hÌnh bởi dự định hoặc bởi vận chuyển phản xạ. Dự định tức là phát họa hoặc dựng một dàn bài tổng quát cho bài thơ. Lề lối này thường dùng cho sáng tác những bài thơ dài và trường ca. Trong khi lề lối cấu trúc thành hÌnh do vận chuyển phản xạ thích hợp cho bài thơ ngắn và trung bình. Tuy nhiên, đây không phải là định luật nhất định, chỉ là những đề nghị. Tài năng thật sự thường vượt qua những lề lối thông thường. Tài hoa thượng thừa không vướng mắc bất kỳ một giới hạn nào đang hiện dụng. Tài hoa là tài năng biểu lộ, trÌnh bày nghệ thuật một cách hay đẹp khác thường, có phẩm chất cao. Nhưng tài hoa như vậy trong cả trăm năm mới xuất hiện một Vài người.

Ngu Yên 

Trích Ý Thức Sáng tác Thơ, Tập 2.

Academia