Nguyễn Bình Phương: Liệu Trump có bảo vệ Đài Loan

Nhà máy TSMC tại Đài Trung. TSMC là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Đài Loan.

Khi người Mỹ chưa hết ngạc nhiên chuyện Trump nhận đút lót của Tàu bị phanh phui bởi bản báo của của Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình Hạ viện vào đầu tháng này, người ta lại kinh ngạc với những phát biểu của Trump về vấn đề Đài Loan.

Trong chương trình Sunday Morning Futures hôm Chủ nhật 21/1, khi được hỏi nếu nắm quyền tổng thống, Trump có sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trước một cuộc xâm chiếm giả định của Trung Cộng, Trump tránh né trả lời thẳng câu hỏi, và quay sang tấn công Đài Loan: 

“Đài Loan đã lấy hết ngành sản xuất chip của chúng ta. Chúng tôi từng tự sản xuất chip, giờ đây chúng được sản xuất tại Đài Loan, đến 90% … Hãy nhớ điều này, Đài Loan đã cướp đi công việc kinh doanh của chúng ta một cách thông minh, xuất sắc”.

Trump vẫn thường tuyên bố ông chống Tàu mạnh mẽ nhất, nhưng những việc ông làm chứng tỏ ông không thực sự bận tâm chuyện Tàu đang lấn sân Mỹ và gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu, cái Trump mong muốn ở Tàu là tìm những cơ hội kinh doanh cho các công ty lớn nhỏ của ông và làm dày thêm mớ thương hiệu được chính quyền Trung Cộng duyệt cấp. Trump chỉ thấy Đài Loan như một đối thủ cạnh tranh chứ không nhìn ra đó là đối tác quan trọng trong cuộc chạy đua công nghệ cao với Tàu. Ngay cả với NATO, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, Trump còn muốn dẹp bỏ, thì Đài Loan sẽ không có giá trị gì đối với Trump.

Lập luận của Trump về Đài Loan đã gây phản ứng dữ dội trên mạng Twitter. Nhiều người đặt vấn đề với tuyên bố của ông về kỹ nghệ bán dẫn của Đài Loan, nhiều người khác cáo buộc Trump hai mặt trong vấn đề Trung Quốc. 

Chuyên gia chính sách Ed Tarnowski đăng: “Trump cáo buộc các đối thủ của mình yếu kém về Trung Quốc và rồi ông ấy kể như công khai bật đèn xanh cho Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan mà không bị Mỹ trả đũa, nếu ông ấy đắc cử. Đây không phải là việc hoạch định chính sách nghiêm túc!”

Heath Mayo, một luật sư bảo thủ và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận chống Trump có tên Nguyên tắc Trước tiên (Principles First, đối nghĩa với chính sách America First của Trump), đã viết trong một mẩu đăng: “Hoàn toàn ngu ngốc! Nếu Trump đắc cử, Đài Loan sẽ biến mất và một phần đáng kể năng lực bán dẫn của chúng ta cũng vậy. Trump không chỉ không phù hợp với chức vụ mà ông ấy còn sai lầm trong rất nhiều vấn đề như thế này.”

Jordan Schneider, người tạo ra bản tin và podcast China Talk, viết: “Không ai ngạc nhiên rằng Biden sẽ sẵn lòng với Đài Loan hơn Trump”.

Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Quỹ German Marshall của Hoa Kỳ, viết: “Xin lỗi, Donald Trump. Đài Loan đã không đánh cắp hoạt động kinh doanh chip của Hoa Kỳ. Đài Bắc hãy cẩn thận.”

Bàn về cơ hội Trump quay trở lại nắm quyền, ông Chen Binhua, phát ngôn nhân Uỷ ban Vấn đề Đài Loan của chính quyền Trung Cộng nói rằng: “Mỹ sẽ chỉ luôn lo chuyện Nước Mỹ Trước tiên, và Đài Loan sẽ thay đổi từ con cờ thành con cờ thí bất cứ lúc nào.” Chính quyền Trung Cộng tin rằng nếu Trump quay trở lại, Mỹ sẽ bỏ rơi Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News từ tháng 9, Trump cũng có lập trường tương tự về vấn đề này, nói rằng ông sẽ không nói rõ quan điểm của mình về vấn đề này, nhưng cũng tuyên bố rằng việc gửi quân đội Mỹ đến Đài Loan sẽ không phải là điều chắc chắn.

Trong khi đó, dù Joe Biden gần đây tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ một Đài Loan độc lập, Biden cũng kêu gọi Trung Cộng không can thiệp vào các vấn đề của Đài Loan, đáng chú ý nhất là cuộc bầu cử gần đây của nước này. Trước đây, Biden cũng từng cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Cộng xâm lược. Tuyên bố không cam kết của Trump cũng đi ngược lại cảm nghĩ của nhiều người trong chính đảng Cộng hòa của ông, khi một nhóm gồm 22 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa hồi tháng 11 đã thúc giục Biden giữ vững lập trường ủng hộ Đài Loan trong dịp Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ.

Đài Loan, một “quốc gia” dân chủ với 23 triệu dân, đang ngày càng bị Trung Cộng đe dọa và tương lai của nó phụ thuộc vào phản ứng của Hoa Kỳ một khi Trung Cộng tấn công. Hơn bao giờ hết, tâm lý căng thẳng về sự bất ổn đó đang gây hao tổn tinh thần cho người dân đảo quốc. Khi mà Trung Cộng ngày càng gia tăng khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo và Hoa Kỳ ngày càng chia rẽ về vai trò tích cực của nó trong các vấn đề toàn cầu, Đài Loan trở thành một gói những mâu thuẫn và nghi ngờ, chủ yếu không phải về kế hoạch của chính phủ nó hay thậm chí của Bắc Kinh mà là ý định của Washington.

Phó Tổng thống Lai Ching-te của Đảng Dân tiến đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan trong tháng này một phần vì ông ấy có vẻ là ứng cử viên có thể giữ được quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ.

Thăm dò trước bầu cử cho thấy hầu hết người dân Đài Loan mong muốn một mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ bất chấp nguy cơ khiêu khích Trung Cộng. Họ vui mừng với việc Mỹ gia tăng bán vũ khí. Họ tin rằng Tổng thống Biden cam kết bảo vệ đảo quốc – nhưng họ lo ngại điều đó là chưa đủ.

Khi họ chứng kiến sự bế tắc của Washington về viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel, họ lại gắng liên tưởng xem Hoa Kỳ thực sự sẽ làm gì cho Đài Loan trong một cuộc khủng hoảng, niềm tin vào Mỹ đang giảm mạnh. Cuộc thăm dò tương tự của Đài Loan thể hiện sự ủng hộ đối với cách tiếp cận của Hoa Kỳ cho thấy chỉ 34% số người được hỏi coi Hoa Kỳ là một quốc gia đáng tin cậy, giảm từ mức 45% vào năm 2021.

Cho đến thập niên 1970, Mỹ luôn bố trí nhiều nghìn quân nhân tại Đài Loan. Đã từng có một hiệp ước bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trước bất cứ kẻ xâm lược nào. Sau khi Nixon viếng thăm Trung Quốc vào 1972, quân đội Mỹ rút dần khỏi Đài Loan. Và quân đội Mỹ đã làm lễ hạ kỳ lần cuối vào 1979 khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng. Bà Eva Wang, một cựu cố vấn pháp lý cho quân đội Mỹ từ thập niên 1960, cho biết bà đã khóc khi chứng kiến lần hạ kỳ đó. Bà chia sẻ: “Số phận chúng tôi giờ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.”

Lịch sử thời Nixon vẫn để lại dấu ấn trong quan hệ Đài Loan. Sau 1979, Hoa Kỳ xây dựng một chính sách “mơ hồ chiến lược”, tránh né cam kết thẳng thắn bảo vệ Đài Loan, vùng đảo bị Trung Quốc xem là lãnh thổ bị mất. Hành động của Mỹ được theo dõi qua lăng kính của quá khứ và tiềm năng phản bội. Cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021; việc trợ giúp không nhất quán của Mỹ với Ukraine để đối đầu cuộc xâm lược của Nga; và cả việc bỏ rơi miền Nam Việt Nam hơn 50 năm trước.

Tiến sĩ Mastro, thuộc Đại học Stanford, cho rằng, “quan điểm của Đài Loan về mức khả tín của Hoa Kỳ là vô nghĩa”. Bà biện luận rằng, trong khi các cuộc thăm dò ở Đài Loan cho thấy sự nghi ngờ ngày càng tăng vì Mỹ đã không làm nhiều hơn để giúp đỡ Ukraine, thì thực tế là Hoa Kỳ đã kiềm chế một phần “để chúng tôi có thể chuẩn bị bảo vệ Đài Loan”.

Nhưng việc bị bỏ rơi không phải là nỗi lo duy nhất. Các nhà khoa học dữ liệu của một tổ chức tư vấn Đài Loan đã thu thập được 84 câu chuyện riêng biệt về thái độ hoài nghi đối với Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận trực tuyến từ năm 2021 đến năm 2023. Một số người cho rằng Hoa Kỳ quá yếu để bảo vệ Đài Loan xa xôi, hoặc đó chỉ là một thế lực hủy diệt, sẽ gây nên sự hỗn loạn. Nhiều người khác tuyên bố nước Mỹ phản dân chủ và là “người bạn giả hiệu.”

Các nhà bình luận Trung Quốc thường cố gắng khuếch đại những lời chỉ trích, và các nhà nghiên cứu cho biết luận điệu “người bạn giả hiệu” đến từ đại lục, nhưng gần như mọi thứ khác đều xuất phát từ sự lo lắng của người Đài Loan.

Đài Loan nằm trên lối đi trong quan hệ bập bênh Mỹ-Trung. Nó nằm trong cái bóng của một gã khổng lồ ngày càng độc tài, coi Đài Loan là một phần lãnh thổ ly khai và phải lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết. Và nó cách Hoa Kỳ hàng ngàn dặm, nơi các cuộc thăm dò kể từ năm 2021 đã cho thấy rằng đa số người Mỹ phản đối việc đưa quân tới bảo vệ Đài Loan. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 53% đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ nên đứng ngoài các vấn đề toàn cầu.

Các quan chức và nhà phân tích Mỹ thường than phiền về sự thụ động của Mỹ. Họ tỏ ra ít quan tâm hơn đến tâm lý nghi ngờ của Đài Loan về Hoa Kỳ. Bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Hoa Kỳ, một kiểu đại sứ quán bán chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Loan, chỉ ca ngợi “nền dân chủ vững mạnh” của Đài Loan khi được hỏi tại một cuộc họp báo về chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng.

Trong khi đó, người dân Đài Loan không cần đến sự tâng bốc, mà họ chỉ mong muốn Mỹ nhìn lại một cách thẳng thắn về quá khứ, về những khó khăn của nước Mỹ trong hiện tại và họ mong có sự chuyển đổi từ mơ hồ về chiến lược sang rõ ràng về chiến lược. Một số người cho rằng đưa quân đội hoặc thiết bị của Hoa Kỳ đến Đài Loan; trao đổi thông tin tình báo, lập và công khai các kế hoạch chung – cam kết lâu dài để bảo vệ một hòn đảo, một nơi có thể vừa là con tốt vừa là nơi định đoạt sự thắng bại của trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Nhìn về Việt nam, năm ngoái đã nâng được quan hệ với Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đó là cách gọi của Việt nam, chứ Mỹ không có cái nhãn hiệu đó, Mỹ chỉ biết không có thù muôn thưở và chẳng có bạn muôn đời. Mỹ đang cần Việt nam để tạo vòng vây với Trung Cộng, nhưng Mỹ không quá ngây thơ để không biết cái lối ngoại giao cây tre cong queo của Việt nam. Đó là nói đến chính phủ Dân chủ của Biden, đang thực sự ra sức phong tỏa ảnh hưởng của Trung Cộng. Còn nếu là Trump, bạn hữu chỉ có Putin, Đài Loan còn không có giá trị đối tác với Trump thì Việt Nam còn khuya mới có cửa. Nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng, dân ta chắc sẽ đổi hộ chiếu luôn chứ khỏi lo chuyện Trường Sa Hoàng Sa gì nữa cả.

Nguyễn Bình Phương 

Lược dịch và tổng hợp từ Newsweek, The New York Times, Times